Chương Kết
Tác giả: Kiên Nguyễn
Nếu cháu muốn được sống hạnh phúc thì đừng ôm lấy quá khứ. Mà ngược lại, hãy sống cho tương lai. Có ích lợi gì đâu khi cứ bị ám ảnh bởi một việc đã xảy ra trong quá khứ mà mình không có cách gì thay đổi được. Hãy sống, và sống vui vẻ.
Đó là những lời ông ngoại tôi đã nói với tôi trong buổi trò chuyện cuối cùng đêm tôi rời Nha Trang để vô Sài Gòn năm 1984. Tôi đã suy nghĩ về những nhận xét của ông tôi trong nhiều năm, và rán áp dụng lời khuyên đó. Nhưng dù đã cố gắng rất nhiều, tôi vẫn không làm sao quên được quá khứ. Những sự việc đã hình thành nên con người tôi vẫn tiếp tục đè nặng lên tâm hồn tôi.
Tháng 6 năm 1998, sau hơn mười bốn năm đến Mỹ, tôi tốt nghiệp nha sĩ ở đại học New York. Mùa hè năm đó, trong thời gian chờ giấy phép hành nghề, những cơn ác mộng tôi đã cố gắng kiềm chế trong những năm phải vùi đầu vào chuyện học lại xuất hiện, gây nhức nhối với một một cường độ càng lúc càng gia tăng. Những giấc mơ kéo đến hàng loạt, một hoặc hai lần một tuần, có khi hai ba ngày liên tục. Tôi mơ thấy mình vẫn còn đang đi trên các con đường phố ở Sài Gòn, lo chạy chữ ký vào tờ hồ sơ cuối cùng, trong khi trên bầu trời, chiếc phi cơ đang bay đi không có tôi trên đó. Một lần khác, tôi mơ thấy mình bị chết chìm giữa đại dương cuồng nộ. Trên đầu tôi, những xác người tái mét đan tay nhau thành một tấm màn thịt chắn không cho tôi trồi lên mặt nước. Tôi thức giấc, không làm sao xua được hãi hùng ra khỏi tâm trí. Ngay cả giữa ban ngày, những hình ảnh khủng khiếp đó vẫn đeo đuổi ám ảnh tôi. Ban đêm, đi ngủ trở thành một việc khủng khiếp với tôi.
Tôi quyết định viết nhật ký, ghi lại những giấc mơ đó để giúp mình thoát ra khỏi cơn khủng hoảng. Ngày ngày, tôi ngồi trước máy vi tính, mắt nhìn vào màn ảnh trống trơn, tay mân mê chiếc mặt ngọc của chị Loan đeo trên cổ. Có quá nhiều những ý tưởng trái nghịch đua nhau chạy qua đầu. Những kỷ niệm đầu tiên về thời tuổi nhỏ, những năm khốn khổ sau khi Sài Gòn sụp đổ, những cố gắng vô vọng để rời khỏi nước. Từ cửa sổ phòng học trong ngôi nhà ở SoHo, nơi hiện tôi đang cư ngụ, thánh đường Old St. Patrick's trở thành một người bạn thân thiết. Ở đâu đó trên nóc nhà thờ, tiếng chuông đổ theo những giờ đã định trước, ngân nga len lỏi vào mọi ngỏ ngách trong tâm hồn khiến tâm trí không thể nào tập trung được.
Một đêm đang ngồi trước máy, một việc kỳ lạ đã xảy ra. Trong cái tỉnh lặng của căn phòng, thế giới chung quanh tôi dường như đang biến mất dần, thời gian cũng không còn nữa. Như con nhộng đang chuyển mình thành bướm, đồ đạc chung quanh tôi đều biến dạng. Tường vách từ từ biến mất nhường chỗ cho tiếng ồn ào, nhộn nhịp trên đường phố. Dưới chân tôi, sàn nhà bằng gỗ biến thành mặt đường đang bốc cháy. Bóng đèn biến thành mặt trời. Và tiếng chuông nhà thờ từ bên ngoài vọng vào nghe như những tiếng nổ, dội vào tai tôi như tiếng đạn, tiếng bom quen thuộc. Tôi ngó quanh phòng, và như một giấc mơ, tôi đang đứng ở một góc đường Sài Gòn, nhìn thấy khuôn mặt một em bé trai giữa những khuôn mặt của nhiều người khác trong quá khứ của tôi. Tôi chợt nhận ra đang nhìn thấy chính mình. Qua đôi mắt của cậu bé này, những sự kiện trong đời tôi dần dần hiện ra. Tôi bắt đầu viết.
Thoạt đầu, ý định viết quyển sách này hoàn toàn có tính cách cá nhân. Tôi chỉ muốn tự làm lành những vết thương. Nhưng, càng viết, tôi càng suy nghĩ về những trẻ em lai tôi đã từng gặp. Tôi nhớ tới những cảnh sống lầm than, buồn thảm mà chính tôi đã từng chứng kiến và nghe kể lại trong những năm tuổi nhỏ. Quyển hồi ký của tôi có lẽ đã thuật lại một cuộc đời tối đen thê thảm, nhưng chắc chắn không phải là một trường hợp duy nhất. Có hơn năm chục ngàn trẻ em hai giòng máu Mỹ-Việt khác có chung một hoàn cảnh như tôi, hoặc tệ hơn. Chuyện đời của các em là những chuyện đời bị khinh rẻ, hành hạ, ruồng bỏ, phấn đấu và cuối cùng, may mắn thì sống sót. Tôi tiếp tục viết, hy vọng rằng tuổi thơ của những nạn nhân vô tội này cuối cùng sẽ được nhỏ nước mắt khóc thương, những bí mật bị chôn vùi cuối cùng sẽ được khai quật dậy.
*
Tôi hoàn tất tập hồi ký này vào ngày 22 tháng 3 năm 2000, cùng thời gian với việc thế giới tưởng niệm 25 năm chấm dứt xung đột tại Việt Nam. Những cơn ác mộng của tôi không còn nữa.
Hết