Chương 1
Tác giả: Kiên Nguyễn
Nha Trang, 12 tháng 5, 1972, 7 giờ tối.
Tôi vẫn nhớ rõ buổi tối hôm ấy. Đó là ký ức đầu tiên của tôi, và là một ký ức hạnh phúc, đẹp đẽ nhất về thời tuổi nhỏ.
Mùi thịt quay quen thuộc từ bếp tỏa lan ra trong không khí. Mẹ tôi chạy lăng xăng từ phòng này sang phòng nọ, ra lệnh cho những người giúp việc với một vẻ vênh vang tự mãn. Không khí mùa hè ẩm ướt, đặc biệt chỉ có ở Nha Trang vào tháng Năm, bốc hơi thành một màn sương mờ vây bọc chung quanh tôi. Tôi nhớ rõ nhất là cái không khí hội họp tiệc tùng rộn ràng chung quanh khi những tia nắng mặt trời cuối cùng chìm vào mặt đại dương chỉ cách cửa sổ phòng tôi chừng vài trăm thước. Hôm đó là ngày sinh nhật tôi lên năm tuổi.
Căn nhà thời thơ ấu của tôi nằm gần bờ biển với tiếng sóng vỗ lao xao ngay dưới chân tường, vốn là ý thích của mẹ tôi luôn muốn được sống gần những bãi biển đẹp. Lâu đài cao ba từng, có hơn hai mươi bốn phòng, kể cả ít nhất là tám phòng tắm. Mẹ tôi tự trang hoàng căn nhà bằng những vật dụng Tây phương đắt tiền vì muốn lâu đài có một sắc thái riêng; và để vinh danh giòng họ Nguyễn bên ngoại tôi, mẹ tôi đặt tên cho tòa lâu đài là Biệt Thự Nhà Nguyễn. Trong vô số những mẫu chuyện được nghe trong thời gian bắt đầu khôn lớn, mà phần lớn là do ông bà ngoại tôi kể lại, thì mẹ tôi xây ngôi nhà đó trong lúc bà đang mang thai tôi vì muốn được sanh đứa con đầu lòng trong căn nhà do chính bàn tay mình tạo dựng nên. Mẹ tôi cho sơn mặt ngoài căn nhà bằng màu trắng vỏ trứng gà, nhưng bà rất ngạc nhiên khi tôi cho rằng đó chỉ là một màu trắng trơn bị phai dần theo thời gian. Con đường chính dẫn vào cổng nhà được lát bằng đá hoa màu đỏ nhạt, chạy vòng quanh một vườn hoa bao quanh một hồ tắm hình bầu dục. Mẹ tôi mướn người làm vườn, ông Trần, qua trung gian một tổ chức môi giới để trồng và chăm sóc nhiều loại hoa quý trong sân trước. Mẹ tôi cố gắng che dấu vẻ sang trọng, hoa lệ của căn biệt thự với thế giới bên ngoài bằng cách cho xây hai chiếc cổng sắt lớn và một vòng rào kẻm gai phủ đầy giây leo che khuất ranh giới hai bên. Vào những ngày xa xưa đó, tôi thường chơi đùa với những món đồ chơi của mình trong vườn trong khi những đứa trẻ khác chạy nhảy bên ngoài cổng nhìn vào với vẻ thèm thuồng. Theo mẹ tôi thì hoặc là những đứa trẻ này dơ dáy quá, hoặc là tôi sạch sẽ quá nên không thể chơi chung với chúng được. Ở Việt Nam, trẻ con nhà giàu như tôi thường được mang giày săng đan để giữ cho chân được sạch sẽ và khỏi bị bỏng trong khi trẻ con nhà nghèo như đám trẻ con bên kia cổng nhà tôi thì chạy chơi với đôi chân trần.
Chiều hôm đó, trước khi buổi tiệc sinh nhật chính thức bắt đầu thì mọi sinh hoạt đều diễn ra ở khu nhà bếp. Tôi giang hai tay ra giả làm máy bay "bay lượn" quanh căn phòng chật ních người, miệng kêu rì rì, tung vào chân khách giả làm máy bay bị đụng. Tôi và thằng em đã chế ra cái trò chơi đó để được mọi người chú ý. Không may cho tôi, có vẻ như chẳng một ai để ý đến. Giữa phòng bếp chính, một nhóm thợ bu quanh một cái bàn lớn để trang hoàng chiếc bánh sinh nhật bằng vô số những cành hoa hồng, những giây nho màu nâu, những chiếc lá xanh được làm bằng kem và thực phẩm nhuộm màu. Đầu kia căn phòng, mập mờ qua làn khói dày đặc, bầy gà sống đang chờ đem ra làm thịt; những tiếng kêu đầy hoảng sợ của chúng át cả tiếng thịt heo quay xèo xèo. Cách đó vài bước, một nhóm mấy người giúp việc của mẹ tôi đang bận rộn sửa soạn những món ăn chính. Một người bật chiếc quạt trần lên trong khi một người khác căng những sợi mì đã luột chín cho ráo nước. Hơi nước sôi từ chảo nước bốc lên làm cho căn phòng càng thêm nóng.
Tôi ngó quanh tìm một nạn nhân mới cho trò chơi máy bay, và khám phá ra một chú nhỏ phụ việc. Anh ta chừng mười tuổi, nhỏ thó, dưới hai mí mắt có những quần thâm đen. Anh ta tung vào tôi trong lúc chạy ngang qua phòng trên tay đang cầm một tô kem lớn. Tôi biết những người giúp việc cho mẹ tôi rất sợ những cơn thịnh nộ của bà. Trong lúc anh chàng giúp việc loay hoay hỏi han lo lắng về sự an nguy của tôi, tôi bất ngờ thọc tay vào chiếc tô đựng kem bốc lấy một nắm. Trước sự ngạc nhiên hoảng hốt của thằng nhỏ, tôi phá ra cười rồi bỏ chạy, rảy những vết kem trong tay.
Tôi quyết định chạy lên lầu nhìn lén vào phòng ngủ mẹ tôi. Bà đang ngồi nơi bàn trang điểm, mặc một chiếc áo ngủ màu xanh nhạt lấp lánh dưới ánh đèn màu vàng cam trông giống như những chiếc vảy của cô gái người cá trong truyện thần thoại. Bà đang chăm chú chải mái tóc đen tuyền, gợn sóng chảy dài trên chiếc lưng cong. Vóc dáng mẹ tôi không thuộc loại nhỏ nhắn như những người đàn bà Á Đông tiêu biểu khác. Bà có một bộ ngực lớn, mông tròn vun lên và một cái eo thật nhỏ. Mắt bà lớn, có đeo lông mi giả đang nhìn chăm vào bức hình trước mặt. Sau bao nhiêu năm nhìn thấy mẹ tôi ngày ngày săm soi nhìn ngắm mình trong gương làm tôi có cảm tưởng rằng mẹ tôi là một trong những người đàn bẹ đẹp đẽ hiếm hoi trên thế gian này.
Sự xuất hiện của tôi làm bà giật mình. Mẹ tôi thôi không ngắm mình trong gương, quay sang nhìn tôi mỉm cười, phô hàm răng trắng đều đặn. Tôi đã nhiều lần ngồi hàng giờ trong phòng ngủ của mẹ tôi để nghe bà nói về bí quyết làm đẹp. Tôi thường lắng nghe chăm chú lắm, nhưng không phải về những điều mẹ tôi nói mà chỉ để thưởng thức giọng nói của bà, luôn luôn đầy vẻ thông minh, duyên dáng.
Nụ cười mẹ tôi tắt đi thay vào bằng một cái cau mày, bà nói "Coi con kìa. Cái gì dính đầy trên mặt con vậy?"
Tôi sờ tay lên má và chạm phải những vệt kem còn dính sót lại. Vừa liếm những ngón tay tôi vừa trả lời bà: "Bánh sinh nhật của con ở nhà bếp đó. Con vào được không mẹ?"
Mẹ tôi gật đầu: "Vào đi" Rồi mẹ tôi mắng: "Con ăn uống kiểu gì mà dơ dáy quá. Con không chờ đến chiều được sao?"
Tôi ngồi trên giường ngủ ngắm bà một cách tò mò. Mẹ tôi dùng một que nhỏ thoa một lớp phấn trắng lên mu bàn tay của mình.
Tôi hỏi:
"Mẹ đang làm gì vậy?"
"Mẹ đang trang điểm cho bàn tay của mẹ."
"Sao vậy được?"
"Lúc nào con cũng chỉ hỏi có một câu đó."
"Nhưng con nhớ mẹ chưa bao giờ trả lời con mà."
Bà dừng lại, dựng hai bàn tay lên trước mặt mình trông giống như hai người lính gương mẫu đang đứng chờ được thanh tra.
"Mẹ làm vậy bởi vì mẹ muốn mọi người chú ý đến. Con không thấy là bàn tay của mẹ đẹp lắm sao?"
Ngoài số tài sản tạo dựng được, mẹ tôi còn rất hãnh diện về đôi bàn tay của mình. Trước khi gặp cha tôi, mẹ tôi làm việc trong một tiệm kim hoàn như là một người mẫu về bàn taỵ Trái với cái thân thể đầy vẻ khêu gợi, bàn tay của mẹ tôi đầy đặn, thanh nhã, với những ngón tay thuôn dài, như không có đốt, không một vết nhăn, móng tay dài, gọn ghẽ, được đánh bóng kỹ lưỡng. Bà thường bỏ ra nhiều giờ chải chuốt, săn sóc, sơn phết chúng. Chỉ đến khi nào mẹ tôi thật sự hài lòng với bàn tay của mình rồi thì bà mới bắt đầu trang điểm khuôn mặt, và việc này cũng mất vài giờ nữa. Mẹ tôi bảo, vì không có được khuôn mặt thật sắc sảo, cho nên việc thành công của bà tùy thuộc vào đôi bàn tay ấy.
Như để chứng minh cho quan điểm của mình, mẹ tôi luôn luôn tìm cách phô bày đôi bàn tay của mình ra. Đôi bàn tay ấy khoa lên trước mặt bà trong các cuộc đàm thoại, tì lên má trong các bức ảnh và chống lên cằm mỗi khi bà muốn chứng tỏ quyền hạn của mình. Có lần mẹ tôi đã nghĩ đến chuyện mua bảo hiểm cho đôi bàn tay của mình nhưng không được ông ngoại tôi đồng ý. Tôi biết chắc là mẹ tôi đã hối hận vì không mua bảo hiểm trong lần tôi vô ý tông vào bà khi chạy chơi trong hành lang. Lần đó, tôi làm gảy hai cái móng và sướt một vài đường trên ngón tay của bà làm bà giận sôi lên, tát cho tôi một tát nên thân.
"Mẹ làm sinh nhật cho con hôm nay phải không mẹ?" Tôi hỏi trong khi bà đang tiếp tục săn sóc đôi bàn tay.
"Đúng rồi, cưng!"
"Như vậy là con được thức khuya tối nay phải không mẹ?"
"Con có thể thức trể một chút sau khi thổi nến sinh nhật xong."
"Các bạn học của con có đến dự không mẹ?" Tôi nôn nao hỏi.
"Không. Không có trẻ con nào khác, ngoài con và em con, như vậy con mới là... tài tử chính được chứ. Tóm lại, đây là buổi tiệc cho người lớn, con không muốn chúng đến quấy rầy làm hỏng cuộc vui đi chứ?"
"Dạ, mẹ!" Tôi nói mà lòng không vui.
Tôi bước đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Mấy người giao hàng đang khuân từng kiện rượu nho vào nhà. Khu vườn được thắp sáng với những bóng đèn màu; tất cả các bụi cây đều được trang hoàng thành hình một con vật nào đó. Cạnh hồ tắm, sau mấy khóm hồng, mấy người nhạc công đang chỉnh lại giây đàn. Âm thanh từ rời rạc chuyển dần sang chịu dặt, êm ái, tan loảng trong không khí dày đặc. Thợ nấu, người giúp việc, bồi bàn chạy tới chạy lui bận bịu với công việc của mình như những con kiến trong một tổ kiến. Trẻ con hàng xóm bu quanh trước cổng biệt thự cùng một vài người lớn tò mò ghé mắt nhìn vào. Hễ có người nào lảng vảng đến gần cổng quá thì nhân viên an ninh sẽ đến đuổi họ ra xạ Lẫn trong tiếng tiệc tùng huyên náo, tiếng sóng biển từ trong đêm tối liên tục thổi đến rầm rì nghe như những tiếng thở đều.
Tôi quay sang nhìn mẹ tôi rồi hỏi:
"Chừng nào thì con mới thổi nến hả mẹ?"
"Ngay sau buổi cơm tối."
"Chừng nào mình ăn cơm tối?"
Mẹ tôi đáp:
"Khi mọi người đến đông đủ."
"Chừng nào thì mọi người mới đến đông đủ?"
"Khoảng chín giờ rưởi." Mẹ tôi có vẻ như phát hiện một điều gì đó trên những chiếc móng tay của mình. Một thoáng bất mãn hiện trên khuôn mặt khi bà vói tay lấy chiếc lọ keo đánh bóng móng tay màu vàng.
"Con thức đến sau khi cắt bánh được không mẹ?"
"Không được, con. Sau khi cắt bánh thì đến phần nhảy đầm. Con còn nhỏ không thức khuya như vậy được. Có thể sang năm mẹ sẽ chọ Thôi, con ngoan nghe lời mẹ và đi chơi với em con đị"
"Nhưng nó đang ngủ trong phòng ngoại."
"Thì đánh thức nó dậy. Nói với bà ngoại hay Loan thay quần áo cho hai con đị"
Bà đẩy nhẹ tôi ra khỏi phòng và cẩn thận khép cửa lại tránh không cho đụng đến những chiếc móng tay.
Ngay sau khi tôi và Jimmy thay xong những bộ quần áo mà mẹ tôi đã đặt mua từ hãng Sear, một việc mà không mấy người ở Việt Nam thời đó có khả năng làm được, thì khách khứa bắt đầu kéo đến. Từ trong phòng ngủ của ông bà ngoại, hai anh em tôi vẫn nghe được những tiếng ồn ào bên ngoài. Chúng tôi áp tai vào vách lắng nghe tiếng bước chân chạy đi chạy lại trong hành lang và nhìn nhau hồi hộp. Mùi thức ăn và mùi nước hoa trộn lẫn bay đầy trong không khí.
Cuối cùng mẹ tôi bước vào phòng với một hình ảnh cực kỳ lộng lẫy. Chiếc áo dạ hội màu trắng bó sát chảy dài theo thân thể bà trông như những giải nước bạc. Tóc bà uốn cao, cầu kỳ, để lộ chiếc giây chuyền hột xoàn và đôi bông tai cũng nhận hột xoàn. Bà trông lạ lẫm, lộng lẫy, tao nhã như một nữ hoàng Ai Cập. Bà cười giơ tay ra nắm lấy chúng tôi với bàn tay lấp lánh ánh sáng kim cương. Rồi chúng tôi cùng nhau, tay trong tay, bước vào vùng ánh sáng náo nhiệt bên bên ngoài cùng với mùi nước hoa sực nức của mẹ tôi.
Phần còn lại của đêm hôm đó thì tôi không nhớ rõ lắm. Tôi nhớ loáng thoáng những tiếng cười, những nụ hôn, thức ăn, áng sáng rực rỡ, những bài hát và những gói quà chất thành núi trong phòng ngủ của tôi. Tôi cũng nhớ đã thấy vài người khách ngoại quốc tóc vàng mắt xanh và những mẫu đối thoại đầy băn khoăn, lo âu trên môi mọi người về những thay đổi của thời thế. Tôi và Jimmy bị bắt đi ngủ ngay sau khi tôi thổi xong mấy cây nến sinh nhật cắm trên một chiếc bánh khổng lồ. Rồi tôi ngủ một giấc dài ba năm, xa vòng tay ấm êm của mẹ để vào trường học, bỏ lại phía sau một đêm sinh nhật đặc biệt mà đúng ra chỉ để cho riêng tôi.