Phần 24
Tác giả: Linh Bảo
Kể từ ngày Sư Tử đăng quan làm vua tất cả các thú, vẫn chưa từng thiết Đại Triều một lần nào. Một hôm vào tiết tháng tư, rừng cây đến mùa trổ hoa lá. Mùa đông rét mướt đã qua rồi, bách thú đều ra khỏi hang viễn du kiếm ăn, cảnh tượng rất náo nhiệt.
Sư Tử bỗng nhiên thấy cao hứng muốn lâm triều xử việc dân việc nước, bèn truyền dụ cho tất cả Văn Võ bá quan và Chư Hầu gần xa đều phải hội họp lại để bàn quốc sự.
Sư vương cũng muốn nhân dịp này triệu tập một Đại hội Chư hầu Bá quan để xử tất cả những vụ án tranh chấp từ trước đến naỵ Nhất là gần đây dư luận bách thú đồn đại rất nhiều về một vị Nam tước. Sư vương rất chú ý đến vụ này và định xử thật công bình để tỏ sự anh minh của một Quốc vương.
Sư vương muốn mọi việc đều được đưa ra ánh sáng, vì cũng có lẽ vị Nam tước ấy bị những kẻ ganh ghét tài năng hay trí thông minh mà đặt điều nói xấu.
Sư vương vốn rất hiểu tính nết các thần tử của mình. Có một số đông rất hẹp lượng, vừa thấy ai được một chút lợi lộc gì của Thượng đế là thù ghét ngay, và lòng ganh ghét ấy thường biểu lộ ra bằng những hành động công kích rõ ràng.
Vì lợi ích của quốc gia, vì uy tín của Sư Tử và cũng vì tiền đồ của bản thân đương sự, Sư Tử nhất định sẽ xét xử rất công bình.
Sư vương và Vương Phi mặc triều phục ngồi dưới một gốc cây đại thọ rất oai nghiêm. Quan giám tế Sơn Dương ghi chép tên bách thú đến chầu. Từ các võ tướng như Hổ, Báo, Tượng, Mãng Xà, Gấu, Sói cho đến các văn quan như Hươu, Nai, Lạc Đà, Ngựa, Khỉ, Cừu, Mèo, Chó, Trâu, các giống chim cũng đều đến đông đủ.
Sơn Dương ghi tên xong, thấy thiếu Chồn và Gà Trống. Gà chắc đến chậm hay đi lạc hướng, còn vấn đề Chồn có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều.
Bá quan nhao nhao lên thầm thì chuyện vắng mặt, ai cũng nghĩ chắc Chồn sợ nên trốn chăng. Nếu Chồn đến có lẽ không ai muốn sinh sự, nhưng bây giờ Chồn vắng mặt , tình hình khác hẳn.
Sau khi Sư vương đọc diễn văn khai mạc và nhận những lời chúc tụng của Chư hầu và Bá quan xong, truyền lệnh bắt đầu xử kiện. Trước hết Ngài cho mời Nam tước Chồn nhưng Sơn Dương tuyên bố Chồn vắng mặt.
Sói hùng hổ đứng lên trước nhất xin kiện Chồn:
· Tâu Đại vương, Chồn không dám đến vì sợ uy của Đại vương. Chồn biết nếu tất cả những hành vi bội tín phản trắc của hắn bị Đại vương xét đến không thoát khỏi tội chết nên đã trốn rồi. Nhưng dù sao thần cũng xin Đại vương trị tội Chồn thật nặng để làm gương cho kẻ khác.
Nhiều tiếng ồn ào cùng một lúc:
· Xin xử tội Chồn, xin xử tội Chồn.
Sói kể tiếp:
· Chồn đã dùng rất nhiều mưu kế hiểm ác để hại thần, bắt buộc thần phải tham gia những hoạt động rất nguy hiểm mà mục đích chỉ có lợi cho một mình Chồn thôi.
Ví dụ như câu cá, Chồn dụ thần đến một cái hồ đã kết băng, vụ đánh chuông trong nhà thờ, vụ vào hầm nhà phú hộ, vụ “ lên thiên đường” ở dưới giếng v. v. vụ nào cũng làm thần chết đi sống lại cả, đã thế hắn tưởng thần chết rồi nên đến nhà trêu ghẹo vợ thần.
Sói kể đến đây bị Lợn Lòi chận lại. Lợn Lòi vốn là cháu bên ngoại của Chồn nên có lòng biện hộ giúp đỡ cho bà con, Lợn Lòi nói:
· Người vắng mặt không thể tự phân trần, nên tha hồ ai muốn kiện cáo gì cũng được, như thế không công bằng tí nào. Chẳng hạn như anh chỉ nói xấu Chồn sao anh không nghĩ những vụ anh đã báo thù được Chồn. Chẳng hạn như vụ anh ăn cắp cá của Chồn chỉ để lại một cái đầu, lại còn vụ . ..
Có nhiều tiếng ồn ào che lấp cả tiếng Lợn Lòi. Chó xông ra nói rất uất ức:
· Tôi xin đứng về phe anh Sói . tôi xin kể vụ ăn cướp dồi . ..
Mèo nghiêm trang bước ra ve vẩy đuôi thỏ thẻ:
· Thưa bá quan, em xin thanh minh rằng em không hề muốn bênh vực Chồn tí nào hết. Trái lại em còn muốn kiện thêm anh ấy, những vụ anh ấy bắt nạt em nhiều lắm cơ! Nhưng riêng vụ dồi này em thấy anh Chó kiện vô lý. Tâu Đại vương, sự thực như thế này: dồi để trên nóc tủ, anh Chó bị xích cột ở cổ đang gục đầu vào móng khóc, vậy thì đáng kiện ở chỗ nào!
Chó cãi:
· Dồi ấy phần của tôi.
Mèo ưỡn ẹo, mỉm cười rất tình tứ, mắt chớp chớp có vẻ mơ mộng hồi tưởng:
· Tâu Đại vương, thiếp xin kể rõ hôm ấy khúc dồi tình cờ rơi xuống trước mặt Chồn, anh ấy tưởng là của trên trời rơi xuống bèn nhặt lấy và chạy. Vả lại chăng trên khúc dồi không hề có ký tên hay đóng dấu nói rằng “ dồi này của Chó, cấm ăn” cơ mà! Chồng của thiếp phải chạy đuổi theo Chồn mãi, và cũng dùng hết mưu kế mới đoạt được. “ Cờ đến tay ai người ấy phất” chồng thần thiếp chiếm được khúc dồi ấy không lẽ còn ăn lầm nữa hay sao?
Hải Ly đĩnh đạc bước ra nói:
· Về nhân cách của Chồn thì không cần phải nói nhiều, trong triều ngoài quận ai cũng thừa biết rồi. Theo Chồn, dù ngai vàng của Đại vương có đổ, dù Bá quan có mất hết cả công danh phú quí hắn cũng chẳng động tâm, miễn hắn có một con gà béo để chén là được.
Cách đây mấy hôm, thần bắt gặp hắn đang đội lốt thầy giáo dạy Thỏ hát Thánh thi, bỗng nhiên vồ lấy Thỏ định bóp chết, may gặp thần nên Thỏ mới thoát nạn. Xin Đại vương nghiêm trị Chồn, kẻo sau này những kẻ yêu hòa bình công đạo chân chánh,sẽ chê cười pháp luật của Triều đình bất công, dung túng quan lại làm xằng.
Sói cướp lời:
· Tính nết Chồn không thể nào giáo hóa được, xin Đại vương xử tử để tuyệt trừ hậu hoạn.
Lợn Lòi biết dù nói cũng chẳng ai tin mình nhưng hắn vẫn cố bênh vực:
· Tâu Đại vương, thần tưởng rằng nếu hôm nay Chồn cũng có mặt tại đây, cũng được ân sủng của Đại vương như tất cả bá quan chắc sẽ không có ai nói chạm đến danh dự của Nam tước. Nhưng tiếc vì Chồn vắng mặt nên không thể tự biện hộ cho mình. Từ nãy đến giờ thần chỉ nghe mọi người nói xấu Chồn mà không hề có ai kể chuyện rủi của Chồn. Xin Đại vương cho phép thần được nhắc lại một trong muôn ngàn chuyện: một hôm Chồn trông thấy nhà nọ mới quay xong một con lợn sữa treo bên cửa sổ. Chồn không muốn ăn một mình bèn rủ Sói cùng đi, và hẹn nhau có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu, có thịt quay cùng ăn . ..
· Chồn phải khó nhọc mãi mới nhảy được qua cửa sổ lấy con lợn sữa ném ra ngoài cho Sói tiếp. Chẳng may lúc ấy bị một đàn chó xô ra đuổi theo. Chồn bị thương nặng nhưng vẫn cố yểm hộ cho Sói chạy. Đến lúc Chồn tìm Sói để chia phần thịt, Sói bảo rằng:” Cậu để dành cho cháu phần ngon nhất, cháu xem béo biết bao nhiêu! Cháu ăn đi, mà phải ăn thong thả mới thấm thía cái vị ngon lành của nó”. Sói nói xong đưa cho Chồn cái móc dùng móc lợn để treo. Chồn tuy tức giận nhưng vốn đại lượng nên chẳng nói gì, cũng không oán giận Sói một chút nào. Thần xin nói rằng Chồn chịu nước lép với Sói cả trăm lần, nhưng nếu Đại vương không tin xin hạ chiếu triệu Nam tước Chồn đến sẽ biết rõ hư thực.
Lại còn chuyện Sói thưa Chồn trêu ghẹo vợ Sói cũng vô lý. Sự thực “ Bụt trên tòa gà nào dám mổ mắt”. Nếu chỉ là lời vu oan đó là một chuyện oan, còn nếu thực có chuyện gì xảy ra, thì đó là do hai bên đồng ý. Đáng lẽ Sói nên về nhà đóng cửa dạy vợ mới phải, còn thưa kiện làm gì? Hay nếu Tử tước Sói và phu nhân không yêu nhau nữa thì tại sao lại không xa nhau, còn sống chung làm gì để mà “ đồng sàng dị mộng”, ngày đêm cứ cầu nguyện cho đối phương chóng chết yểu cho rồi, cứ đọc kinh cầu hồn cầu siêu cho nhau lúc còn sống sờ sờ . ..
Về chuyện Chồn dạy cho Thỏ hát thánh thi cũng thế, làm một phụ huynh phải lo rèn luyện tánh nết của con em, nếu học sinh ngổ nghịch mà thầy không trách phạt, sau này đứa trẻ lớn lên thành ra quân “ đại nghịch bất đạo” thì lỗi ấy sẽ về ai.
Từ ngày Đại vương đăng vị, truyền chỉ áp dụng mọi cải cách duy tân, cấm tiệt những sự tàn sát, Chồn đã cải tà qui chánh, hành vi hoàn toàn biến đổi khác xưa. Hiện nay Nam tước mỗi ngày chỉ ăn một ngọ trung và không sát sinh nữa. Cả đến dinh thự huy hoàng tráng lệ của mình cũng không ở, vào một Tu viện ngày ngày tụng kinh rất thành kính.
Lợn lòi đang nói bỗng im bặt. Và cả triều đình đều chú ý nhìn một đoàn gà rất kỳ quái đang đi đến. Dẫn đầu là một con Gà Trống, hình như bị thương nặng vì phải có hai con gà cồ xốc nách mới bước được. kế đến bốn con gà đá khiêng một cái cáng kết bằng dây leo. Trong cáng một con gà mái đã chết cứng nằm co và được phủ lá đầy mình. Theo sau là một đàn gà mái và gà con vừa đi vừa khóc.
Cảnh tượng thật thê thảm làm ai cũng cảm động nín thở chờ đợi.
Gà Trống đến trước Sư vương tung hô vạn tuế xong nói:
· Tâu Đại vương, thần xin đại vương xử một vụ mưu sát rất thảm khốc. Thần và gia tộc đang sống thanh bình trong một khu vườn rộng rãi và đầy đủ lương thực. Đây là mụ Gà Mái Cả, mụ đẻ trứng nhiều nổi tiếng khắp vùng, ngoài ra lại còn có tài biết đoán điềm giải mộng rất linh ứng. Riêng gia đình thần có mười bốn đứa con trai chưa có đôi bạn. Tất cả gia tộc của thần đều sống chung rất bình yên hạnh phúc, bỗng nhiên một hôm tên phản bội ấy dùng danh nghĩa của Đại vương . ..
Sư Tử tức giận gầm lên:
· Quân lớn mật dám dùng danh nghĩa của ta . ..
· Tâu Đại vương, hắn ta nhân danh Đại vương, đem lời dụ hòa bình của Đại vương đến cho thần xem. Thần thấy quả thực có dấu Ngọc ấn của đại vương nên tin lời hắn, đem cả gia tộc ra khỏi vườn hoa dạo chơi.
Ban đầu hắn ta làm bộ đọc kinh rất nghiêm trang, và hắn chỉ nói những lời đạo đức. Nhưng một lúc sau hắn làm cho gia đình thần một phút tan hoang, số chết và bị thương không kể sao cho xiết. Đây là thi thể mụ Mái Cả, may có đàn chó giải vây nên hắn mới bỏ lại, nếu không thì cũng vào bụng hắn rồi.
Gà dở lá lên để Sư vương trông thấy mụ Mái Cả. Vương Phi mắt rơm rớm lệ. Cả triều đình đều cảm động thầm thì bàn tán như ong kêu.
Gà Trống tha thiết:
· Xin đại vương nghiêm trị tên sát thú
Bá quan cùng hô:
· Xin đại vương xử tử tên sát thú. Giết thú thường mạng.