Phần 37
Tác giả: Linh Bảo
Đã có thám tử phi báo tin Chồn về Kinh nên lúc hai chàng đến nơi, thấy từ trong Điện ra tận ngoài sân, Bách thú đã đứng đông đầy để chờ kiện Chồn và xem xử kiện.
Chồn lấy hết can đảm vượt qua mặt tất cả kẻ thù đến trước ngai Sư vương đang ngồi.
Lợn Lòi bảo nhỏ:
- Đừng sợ hãi, bây giờ không phải là lúc lùi được nữa. Kẻ nào nhát gan chẳng làm được trò trống gì bao giờ! Phải can đảm bình tĩnh mà tiến tới mới mong thoát nạn.
Chồn chỉ gật đầu không trả lời. Hắn nhìn quanh thấy người quen cũng khá nhiều nhưng không mong ai giúp đỡ gì được. Trong số đó cũng còn vài đứa bạn có thể gọi là tri kỷ, nhưng chỉ trong lúc bình an vô sự thôi, còn khi hoạn nạn lại là một chuyện khác. Bạn chia vui nhậu nhẹt nhiều như thóc lúa, phải lấy đấu mà đong, nhưng cũng là những bạn ấy, chưa chắc đã chịu xẻ buồn.
Chồn cúi chào Sư vương và Vương phi một cách cung kính rồi nói:
- Xin Thượng đế phù hộ, ban cho Đại vương rất nhiều thông minh trí tuệ để phân biệt thiện ác giả chân. Thần ước ao sao mọi loài đều có dấu hiệu thiện ác trên mặt, để Đại vương nhìn thấy là hiểu ngay, Đại vương sẽ biết thần không phải là kẻ điêu ngoa xảo quyệt mà chính là một tôi trung. Hiện nay có kẻ đang kiện thần để mong ly gián nhưng thần cũng biết rằng Đại vương rất chính trực vô tư sẽ không bao giờ nghe lời sàm tấu mà nỡ hại tôi trung.
Sư vương bảo:
- Chồn, tài miệng lưỡi của ngươi hôm nay không ích lợi gì nữa, ngươi không còn mong lừa ai được. Cách ngươi đối đãi với Quạ và Thỏ tỏ ra ngươi không trung thành và vâng lệnh tạ Tội ác của ngươi nhiều quá ta không muốn nhắc lại sợ nhàm tai Bách thú. Hôm nay ngươi sẽ chết và không được hưởng đặc ân xưng tội nữa, ngươi sẽ không còn thi hành được những mưu kế xảo quyệt của ngươi.
Chồn nghĩ thầm:” Giờ phút này nếu mình ở nhà có phải sung sướng biết mấy không! Ngu quá, ai lại dẫn xác đến đây cho chúng nó tra khảo lục vấn, làm tình làm tội hạch xách đủ thứ. Nhưng thôi đã trót dàn cảnh ta phải cố đóng nốt cho đến màn cuối.
Chồn làm bộ đau khổ buồn rầu nói:
- Xin Đại vương cho phép thần được biện hộ trước khi định án, vì một khi ắn đã định rồi, thần sẽ không còn nài nỉ cầu xin điều gì nữa! Không phải thần kể công nhưng cũng cần phải nhắc lại. Những kẻ đang kiện thần mà Đại vương cho là tôi trung ấy, xưa nay lúc Đại vương nguy hiểm hay gặp điều khó khăn thì chúng lìa bỏ, chỉ lo chạy trốn thoát lấy thân một mình, chỉ riêng có thần lúc nào cũng theo đuổi săn sóc Đại vương mà thôi.
- Chờ lúc tai qua nạn khỏi, thiên hạ thái bình rồi, chúng mới trở lại, xin làm quan to chức lớn để vơ vét và hãm hại kẻ khác. Nều thần có tội tại sao còn dám về đây? Hôm kia thần đang đi tuần ở biên giới bỗng gặp Lợn Lòi đến truyền chỉ hồi kinh, nếu thần sợ tội trốn đi ngoại quốc ngay có phải tiện hơn không, còn về làm gì để lãnh án tử hình?
Thỏ kiện thần bên trong còn có nhiều uẩn khúc Thỏ không dám nói ra. Nguyên do hôm ấy Thỏ đói gần chết. Thần thấy vậy động lòng từ bi thương hại giống vật bé bỏng nhát gan nên mời vào nhà đem hạnh đào và rất nhiều hoa quả trong mùa ra khoản đãi. Thỏ ăn uống chè chén no say xong đùa nghịch xin học với các con thần vài miếng võ để hộ thân trong lúc đi rừng.
Các con thần hết lòng dạy bảo, chẳng may trong lúc luyện tập, Thỏ vụng về quên mất lời dạy nên bị sướt tai chảy máu đôi chút. Nếu quả thật thần lập tâm hại Thỏ thì gia đình thần năm mạng lẽ nào không giết nổi một con Thỏ văn dốt vũ dát đã lotï vào trong hang? Đến nỗi phải nhờ Hải Ly giải cứu ?
Về vụ Quạ, vợ Quạ tham ăn, chẳng biết ăn gì ở đâu trúng độc, chết nằm lăn quay ra bên cạnh thần, trong lúc thần đang nằm ngủ trưa rồi vu vạ cho thần. Thử hỏi Quạ là giống vật biết bay lúc nào cũng đậu trên cao, thần làm thế nào để giết Quạ, trừ phi Quạ chán cuộc sống trần gian ô trược, muốn tìm chân lý ở thế giới bên kia,tự đút đầu vào mồm thần xin giải thoát.
Nếu kiện mà không cần chứng cớ cũng được kiện thì trên đời này còn gì là công lý nữa! Ai cũng có thể kiện, và kiện bất cứ lúc nào, bất cứ chuyện gì, dầu huyễn hoặc vô lý đến đâu! Thần xin Đại vương gia ân cho đấu võ với Thỏ và Quạ để giải quyết vụ này.
Quạ và Thỏ nghe thế giật mình bấm nhau trốn ra ngoài. Thỏ bảo Quạ:
- Hắn đòi người làm chứng mà lúc ấy chẳng có ai làm chứng cả. Hắn lại còn đòi đấu võ, chúng ta đánh không lại với hắn đâu! Đừng dại trêu vào móng hắn mà chết. Cả văn lẫn võ hắn đều chơi ngón gian hùng, chúng ta không phải là tay đối thủ. Chuồn đi thôi, đừng ở lại nữa chỉ tổ làm trò cười cho hắn.
Sói thấy Quạ và Thỏ lẻn ra ngoài thì thầm to nhỏ một lúc rồi trốn đi mất, hắn rất bực mình cho là đồ hèn nhát, nhưng không cản được.
Sư vương nhìn quanh hỏi:
- Còn ai muốn kiện Chồn nữa không ? Bị cáo sẵn sàng đối chất. Quái, hôm qua ai cũng muốn kiện sao hôm nay biến đâu mất cả! Đổi ý chóng thế.
Chồn đáp:
- Tâu đại vương, bọn họ xưa nay như thế đấy! Chỉ biết vu oan giá họa hà hiếp kẻ vắng mặt là giỏi. Chúng muốn hại thần. nhưng thần cũng không trách quân tiểu nhân làm gì. Nếu bọn chúng đã biết sợ mà trốn ta cũng nên tha thứ mới là người đại lượng.
Sư vương bảo:
- Ngươi giảo quyệt vô cùng ta không thể nào tin ngươi được nữa! Ta hỏi ngươi Thỏ có tội tình gì mà ngươi nỡ hạ độc thủ giết Thỏ lấy đầu sai Sơn Dương đem về cho tạ Ta đã tha ngươi một lần, cho ngươi được lập công chuộc tội, cho ngươi gậy và bao da để đi chầu Thánh địa, chẳng ngờ ngươi chưa lên đường đã phạm thêm tội mới. Thỏ và Sơn Dương chết rồi, bây giờ đến lượt ngươi.
Chồn ngạc nhiên kêu lên:
- Đại vương bảo sao? Thỏ đã chết? Và Sơn Dương cũng chết! Nếu vậy thần cũng xin chết ngay trước mặt Đại vương cho xong chứ còn sống làm gì nữa! Nếu quả thực hai anh ấy chết rồi thì báu vật kia thất lạc vào đâu? Hôm ấy thần đã giao bản đồ kho tàng và mấy món báu vật cho Thỏ và Sơn Dương mang về không ngờ Sơn Dương giết Thỏ để chiếm đoạt báu vật và bản đồ kho tàng. Thần cứ tưởng hai anh ấy là người thành thật và trung thành với Đại vương, không ngờ . ..
Sư vương nổi giận ngắt lời:
- Thôi đi, chính ngươi đã giết Thỏ rồi vu oan cho kẻ khác. Ta không nghe ngươi, không bị ngươi bịt mắt bảo sao nghe vậy nữa đâu!
Lúc bấy giờ có vợ luật sư Khỉ đứng bên cạnh. Đó là một con khỉ cái rất thông minh lanh lợi, ăn nói cũng hoạt bát hơn cả chồng. Xưa nay khỉ vẫn được Vương Phi rất tin yêu nên cũng được mọi người kính nể.
Khỉ thấy Sư vương nổi giận, vội vàng khuyên can:
- Xin Đại vương suy nghĩ kỹ trước khi định tội Chồn. Chắc Đại vương còn nhớ ngày xưa cụ thân sinh ra Chồn cũng hay bị vu oán giá họa như thế mà lần nào cũng đươcï kiện. Phàm người tài năng xuất chúng bao giờ cũng có lắm kẻ thù. Hiện nay Sói và Gấu đứng đầu bọn người thù ghét và kiện Chồn, nhưng xét kỹ lại hồ sơ, thì hai vị này cũng đầy những thành tích bất hảo chứ chẳng trong sạch gì hơn ai.
Sư vương hầm hầm trả lời:
- Nhưng tội hắn to lắm, dám uốn ba tất lưỡi đánh lừa cả tạ Nếu ta nghe hắn bị lừa lần nữa thì thế gian sẽ chê cười, bảo ta hữu dũng vô mưu, chỉ to đầu mà ngốc! Còn gì là oai danh Sư Tử, chúa tể của rừng xanh nữa!
Khỉ vẫn ngọt ngào:
- Chỉ những kẻ vũ phu không nghe lời nói phải mới đáng cười thôi! Đại vương vừa oai hùng vừa từ bi chẳng ai dám nói gì khác ngoài những lời ca tụng ngợi khen!
- Thần xin tội cho Chồn vì hắn là một kẻ văn võ toàn tài, vưa giỏi mưu kế, vừa có kinh nghiệm thực hành. Trên đời này đã dễ gì gặp được một người như thế ra phò vua giúp nước. Con người ấy nếu có thì cố nhiên người thù ghét cũng nhiều. Bọn chúng kết bè kéo đảng làm hại Chồn để khỏi thấy có kẻ tài giỏi hơn mình. Chồn bị thiên hạ ghét nhiều cũng chỉ vì thế. Nhưng xét lại đến lúc quốc gia có đại sự thì bọn giá áo túi cơm kia câm miệng như hến chỉ có một mình Chồn tìm mưu nghĩ kế giải quyết việc rắc rối mà thôi.
- Thần chắc Đại vương còn nhớ hai năm trước có một người tiều phu và một con rắn Hổ Mang đến xin xử kiện. Đại vương và các Đại thần đều không biết xử sao cho phải, chỉ có một mình Chồn tìm được cách giải quyết vẹn toàn, uy danh Đại vương nhờ thế tăng thêm nên Đại vương khen ngợi Chồn mãi.
- Ta không nhớ rõ chi tiết, khanh nhắc lại xem.
Khỉ tằng hắng lấy giọng và bắt đầu kể:
- Đầu đuôi câu chuyện như thế này. Cách đây hai năm có một con rắn Hổ Mang, một hôm leo hàng rào một nhà nọ định vào chuồng gà ăn trộm trứng, chẳng may bị vướng một cái bẩy bằng giây thòng lọng thắt chặt vào cổ không thế nào thoát được. Rắn cố sức vùng vẫy nhưng càng vùng giây càng thắt chặt thêm. Rắn bị ngạt thở chỉ còn cách nằm yên chờ chết. Lúc ấy bỗng có một bác nông phu đi ngang qua đấy. Rắn năn nỉ:
- - Xin người làm phúc cứu tôi, suốt đời tôi không dám quên ơn. Tôi nhà còn đàn con dại. Xin người hãy nghĩ đến con người mà thương con tôi.
Bác tiều phu đáp:
- Ta nghe ngươi nói cũng tội nghiệp, muốn cứu ngươi lắm, nhưng ta sợ ngươi được thả ra rồi ăn thịt ta thì sao? Nhà ta cũng có con dại, biết ngươi có thương con ta như ta thương con ngươi không?
Rắn năn nỉ:
- Tôi xin thề có thiên địa quỷ thần làm chứng. Tôi xin thờ người là ân nhân suốt đời tôi và con cháu cũng sẽ phụng thờ giúp đỡ người. Tôi không bao giờ phản phúc giết hại ân nhân của mình bao giờ. Xin người hãy tin tôi. Tôi còn nghĩ cách báo đáp ân người có lẽ nào lại hại người.
Bác tiều phu nghe thế bèn thả rắn và cả hai cùng đi vào rừng. Đi được một lúc Rắn thấy đói bụng bèn lấy đuôi đánh bác tiều phu và đòi ăn thịt. Bác tiều phu ngạc nhiên:
- Tại sao ngươi lại trở mặt với ta như thế. Lúc nãy ngươi thề thốt nặng lời. Lại còn hứa báo ân cho ta nữa. Thì ra ngươi báo ân như thế đấy à?
Rắn phùng mang trợn mắt:
- Đừng có nhiều lời vô ích. Ngươi cứu ta là một việc, ta hứa báo ân là một việc, mà bây giờ ta đói bụng ta cần phải ăn thịt ngươi lại là một việc khác. Ngươi hiểu chưa ? Ta cho ngươi một bài học đấy. Ngươi phải biết rằng khi người quân tử đắc thế thì nhân nghĩa đạo đức công bình là luật pháp, khi kẻ tiểu nhân đắc thế thì vong ân bội nghĩa, bất nhân ác đức cũng là hợp pháp. Ta hỏi ngươi bây giờ ta với ngươi ai mạnh hơn ai?
- Nhưng dù sao cũng cho tôi một ân huệ cuối cùng. Chúng ta đi thêm một lúc gặp ai sẽ hỏi ý kiến người ấy, nếu ai cũng tán thành thì tôi đành chịu vậy!
Rắn gật đầu bằng lòng:
- Ta cũng chịu khó nhịn thêm một lúc cho ngươi chết được cam tâm.
Hai bên đồng ý rồi bèn đi đến một gốc cây gần đấy. Thấy một con Quạ và bầy con đang đậu trên cây, Rắn bèn kể chuyện đã xảy ra nhờ Quạ phân xử. Quạ rất chú ý nghe kể, nghe xong Quạ bảo:
- Theo ý tôi Rắn có thể ăn thịt người không ân hận gì cả. Vì những lời thề lúc hoàn cảnh bắt buộc phải thốt ra là vô giá trị. Rắn có quyền ăn người nhưng phải chia cho ta một miếng để ta cho các con được nếm thử thịt người.
Rắn rất bằng lòng bảo:
- Thế nào, ta ăn thịt ngươi thế là đúng pháp luật lắm rồi không ai chê trách vào đâu được nữa.
Bác tiều không chịu cãi:
- Tôi không tin Quạ. Quân cường đạo không thể định ra pháp luật. Nó không có quyền lên án xử tử tôi. Tôi phải đi hỏi thêm người khác. Vụ này tôi sẽ kiện lên đến Tòa Thượng Thẩm.
Cả hai lại tiếp tục đi, nhưng gặp Sói và Gấu cũng không hơn gì Quạ. Quả nhiên nghe kể xong cả hai cùng đồng ý bảo.
- Rắn có quyền ăn thịt người. Trong lúc đói lên không còn ai biết lời thề là gì cả. Luật pháp của rừng xanh là kẻ nào đói và mạnh là có quyền ăn kẻ khác. Tuy luật pháp của loài người không giống, nhưng bác tiều đang đứng trong rừng. Nhập gia phải tùy tục, bác phải theo pháp luật của núi rừng. Rắn nên ăn thịt người và chia đều làm ba phần.
Rắn nghe xong liền xông lại định cắn. Bác tiều vừa chạy vừa la.
- Không được. Quân cướp ấy có quyền gì định được tội chết. Tôi xin theo luật rừng nhưng phải do Đại vương xử tôi mới chịu. Nếu Sư vương xử tội chết, tôi cũng can tâm. Chúng nó không có quyền xử tôi.
Bọn chúng lúc ấy đều tưởng cả Triều đình nhất định sẽ đồng ý nên bằng lòng đến xin Đại vương xử. Cả đoàn Rắn, Quạ, Gấu và Sói đều dắt thêm gia đình đến để chờ ăn.
Cả hai bên cùng trình bày hoàn cảnh của mình. Bác tiều bảo mình là kẻ ân nhân, rắn vong ân bội nghĩa quên lời hứa là không tốt. Rắn trình rằng mình đói quá không thể nghĩ đến ân nghĩa thề thốt gì hết. cuộc sống là đấu tranh để tồn tại, nếu rắn không ăn thì sẽ chết đói. Như thế sẽ trái với luật sinh tồn của Thượng đế.
Đại vương nghe xong rất khó nghĩ. Xử bác Tiều phu được kiện thì không lo đến cái đói của thần dân, xử Rắn được kiện thì hóa ra đồng ý cho vong ân bội nghĩa là phải. Đại vương ra lệnh mở Ngự Tiền hội nghị, hỏi ý kiến Bách thú xem ai có đề nghị gì haỵ Tất cả đồng ý Rắn nên ăn thịt người, và phải chia đều cho tất cả, mỗi đầu thú một miếng để nếm thử xem mùi vị ra sao.
Lúc ấy Đại vương nghĩ rằng, ngần ấy thú chia mỗi mồm được một tí thịt, ăn chả bỏ dính răng, mà vụ án sẽ xếp vào hồ sơ để lại đời đời, sợ thiên hạ chê cười, thật không đáng công thay đen đổi trắng.
Cuối cùng Đại vương truyền lệnh mời Nam Tước Chồn đến và giao toàn quyền xử vụ này. Chồn không cần nghĩ ngợi lâu bảo ngay:
- Muốn xử án này thật công bình, cần phải đi đến chỗ xảy ra tai nạn. Phải xem thấy rắn bị bẫy như thế nào, tiều phu cứu như thế nào, về sau Rắn muốn ăn thịt người ra sao mới được.
Cả bọn bèn kéo đến nơi đặt bẫy, theo đúng tình hình lúc rắn bị vào tròng, buộc chặt cổ rắn không còn vùng vẫy được nữa. Xong đâu đấy Chồn bảo người tiều phu:
- Bây giờ mọi việc đều trở lại như lúc đầu tiên, Rắn chưa hề mang ơn người, mà người cũng chưa thi ân cho Rắn. Hai bên không ân không oán. Hôm ấy Rắn mang ơn rồi phụ ân, hôm nay mọi sự hoàn toàn rửa sạch. TuØy ý người định đọat, nếu người muốn thi ân thì cứ việc mở dây, người không muốn thì cứ đi đường của người tùy ý. Tôi tưởng như thế là công bình nhất. Ai có ý kiến gì hay hơn xin cứ phát biểu.
Cố nhiên là chẳng ai có ý kiến gì hay hơn được nữa. Vụ kiện ấy thế là được xử xong một cách khéo léo. Lúc bấy giờ Đại vương và Vương phi khen ngợi Chồn vô cùng. Trong triều ngoài quận ai cũng ca tụng Chồn thông minh và tài dụng nhân của Đại vương. Mọi người cùng nhau nhao lên phê bình tài đức từng vị quan trong triều.
Về võ quan như Sói và Gấu chỉ dùng được trong lúc chiến tranh mà thôi. Bọn họ to gan lớn mật, gặp việc được giết được ăn là nhào đại vào, lúc nào cũng tiến chớ không lùi, oai danh vang lừng khắp nơi.
Nhưng lúc cần đến mưu trí thì chúng chỉ là những cái bị thịt, mà đời không phải lúc nào cũng có thể lấy thịt đè người được.
Chồn và đồng loại trái lại đầy mưu thần chước quỷ, thông minh khôn khéo vô cùng. Nếu Đại vương nghĩ rằng ai chẳng có lúc lỗi lầm, Chồn không phải là thần thánh gì, cũng chỉ là một kẻ phàm tục như chúng ta thì xin Đại vương tha tội cho Chồn để giữ lấy một nhân tài cho Triều đình.
Sư vương trầm ngâm suy nghĩ một lúc bảo;
- Chồn tuy thông minh thực, nhưng tánh tình bất lương, suốt đời hắn không thể nào đổi được. Cả Triều không địch lại nổi một mình hắn. Ta sợ để lâu có hại.
Sư vương quay lại bảo Chồn:
- Ngươi đồng lõa với Sơn Dương giết Thỏ trả đầu lại cho ta, tội khi quân đáng chết. Sơn Dương đã đền tội rồi, bây giờ đến lượt ngươi.
Chồn buồn rầu trả lời:
- Thần xin chết ngay tức khắc nếu thần quả là kẻ có tội. Thần bây giờ sống cũng chẳng còn nghĩa lý gì . Báu vật vô giá mất rồi, bản đồ kho tàng cũng thất lạc, thần lại mang tiếng phản phúc bội bạc với Đại vương, như thế còn sống làm gì nữa! Hôm ấy thần giao báu vật cho Thỏ không ngờ vì thế mà Thỏ bị chết oan. Chẳng biết Sơn Dương dấu báu vật vào đâu. Nếu chịu khó tìm may ra cũng có thể tìm được, chỉ sợ Sơn Dương làm hư hỏng thì tìm suốt đời cũng không ra.
Khỉ an ủi:
- Anh đừng vội thất vọng thế không nên. Nếu báu vật quả thật có trên đời, nhất định thế nào cũng tìm thấy. Nhưng đó là những món gì thế?
Chồn thở dài:
- Không thể kể cho xiết được cái đẹp và quý của nó. Nếu vợ tôi biết được kho tàng đã bị mất sẽ đau khổ vô cùng. Hôm ấy vợ tôi đã bảo đừng giao cho Thỏ, nếu tôi nghe lời thì đâu đến nỗi này! Nay mai nếu Đại vương ân xá, tôi sẽ đi chu du khắp thế giới quyết tìm cho bằng được, nếu không tôi sẽ chết không nhắm mắt.
Tâu Đại vương, thần xin kể ba món báu vật ấy để Đại vương rõ, dù Đại vương chưa nhận được cũng hiểu lòng thần trung thành với Đại vương không bờ bến.
- Ngươi kể vắn tắt một chút. Ta còn nhiều việc khác phải xử. Ta chỉ sợ nghe ngươi kể xong đến phải nhường ngôi cho ngươi mất. Sói đã dặn ta rằng nếu để cho ngươi mở miệng là không còn chết được nữa!
Chồn vui mừng:
- Thần xin kể thực vắn tắt kẻo mất thì giờ của Đại vương và Bách Thú. Món báu vật thứ nhất là một cái nhẫn vàng, vòng nhẫn phía trong có khắc một bài thơ bằng chữ Phạn ý nghĩa rất uyên thâm, xưa nay chưa từng có ai đọc được. Ngày xưa có một nhà bác học và tiên tri rất tinh thông tính chất của thảo mộc kim thạch nói rằng cái nhẫn ấy nguyên ở Thượng Giới được đem xuống trần gian từ lúc tạo thiên lập địa. Bất cứ người nào đeo vào sấm sét tà thuật không thể làm tổn thương, lại có thể ngự hàn.
- Trên mặt nhẫn có một viên ngọc đỏ, đêm tối phát ra ánh sáng soi được mọi vật, trị được bệnh, miễn trừ tội ác, tai nạn, chỉ không thể tránh được chết. Đeo nhẫn ấy đi du lịch không sợ nước lửa, không lo bị trộm cướp ám hại, tránh được cạm bẫy của quân địch, trước khi ra trận chỉ nhìn vào nhẫn một cái là có thể tăng thêm sức khỏe vô địch, không sợ trúng độc, sinh thù. Kẻ thù trông thấy cũng tiêu tan lòng oán hận.
Nhẫn này nguyên ở trong kho tàng của tiên phụ, thần chọn riêng ra để hộ thân. Nay xét vì không xứng đeo một báu vật như thế, nên xin đem dâng Đại vương, vì tất cả tài sản tính mệnh thần đều ở trong tay Đại vương, chỉ có Đại vương mới xứng đáng đeo mà thôi.
Hai món kia là cái gương và một cái lược để dâng Vương phị Lâu nay vợ thần vẫn năn nỉ xin nhưng thần nhất định không chọ Hai vợ chồng vì thế lắm khi sinh ra bất hòa. Thần dâng Vương phi hai món báu vật ấy vì chỉ ù một mình Vương phi mới xứng đáng dùng mà thôi.
Chồn thở dài kể tiếp:
- Thật đáng tiếc, không biết báu vật bây giờ lưu lạc nơi đâu! Cái lược ấy làm bằng xương một con vật rất hiếm, chỉ sinh ở giữa Thiên viên và Aán độ. Lông nó bảy màu, mùi thơm sực nức, ai có phúc được ngửi mùi ấy cũng đủ tăng thêm tuổi thọ. Lược chạm trổ rất công phu, mầu trắng như tuyết, thơm như cả một rừng hoa. Giống vật ấy sau khi chết, hương thơm tản ra toàn thân xong tụ tất cả vào xương nên xương vĩnh viễn không hự Công dụng của nó là khử độc, trừ tà, tránh bệnh tật. Trên lưng lược nạm vàng và chạm trổ rất tinh vi, chính giữa lược khắc một chuyện cổ tích Hy lạp.
Chuyện kể rằng có ba cô thiếu nữ đẹp như thiên tiên tranh nhau một quả táo vàng. Ba cô tìm đến một thanh niên đang ngồi bên bờ giếng nhờ chàng xử dùm. Cô thứ nhất bảo:
- Chàng cho ta quả táo và bảo ta là người đẹp nhất ta sẽ làm cho chàng thành triệu phú.
Cô thứ hai bảo:
- Chàng cho ta và bảo ta đẹp nhất, ta sẽ làm cho chàng thành một kẻ uy quyền danh vọng nhất đời.
Cô thứ ba bảo:
-Uy quyền thì có nghĩa lý gì? Triệu phú mà làm gì? Phụ thân và huynh đệ chàng là kẻ có quyền hành và giàu sang nhất trên đời rồi, chàng còn muốn danh vọng và tiền bạc làm gì nữa! Nếu chàng cho ta quả táo, bảo ta là người đẹp nhất, ta sẽ cho chàng một báu vật quí nhất trần gian. Ta sẽ cho chàng một tuyệt sắc giai nhân làm vợ. Nàng rất đức hạnh, trí tuệ và cao quí vô cùng. Một giai nhân như thế mới có thể gọi là một báu vật quí nhất trong những báu vật trên thế giới. Ta sẽ cho chàng công chúa Hy lạp.
- Còn tấm gương không phải bằng kính mà bằng một miếng cẩm thạch. Người có bệnh soi vào gương là khỏi hẳn. Giá gương làm bằng một thứ gỗ thần không hư nát, quí hơn cả vàng. Trên giá chạm trổ rất nhiều truyện cổ tích trứ danh.
Chuyện thứ nhất kể ngày xưa có một con Ngựa tính rất nhỏ mọn. Một hôm Nngựa chạy đua với Nai bị thua nên muốn báo thù. Ngựa tìm đến người bảo:
- Nếu người muốn phát tài hãy nghe theo tôi. cưỡi lên lưng tôi sẽ chở người đi bắt Nai. Người cưa gạc Nai, cắt nhung, lột da, xẻ thịt, tất cả món gì bán cũng được nhiều tiền. Nhanh lên tôi chở đi kẻo Nai trốn mất.
Người nghe lời cưỡi lên lưng ngưa, chạy đi tìm Nai suốt cả một ngày. Tìm mãi không thấy ngựa mệt quá liền bảo:
- Thôi bây giờ người xuống cho tôi nghỉ một lúc đã. Tôi mệt quá chạy không nổi.
Người không bằng lòng trả lời:
- Đâu có sự dễ dàng như thế! Ngươi muốn mời ta lên, bắt ta xuống lúc nào cũng được hay sao? Ta sẽ thắng yên cương, che mắt, đóng hàm thiếc cho ngươi. Từ nay ngươi phải tuân theo lệnh ta chỉ huỵ Ngươi không nghe lời, ta sẽ lấy chân thúc vào bụng, lấy roi đánh vào mông.
Ngựa không biết làm thế nào đành phải để cho người sai bảo từ đấy.
Chuyện thứ hai kể có một con Lừa và một con Chó cùng ở trong nhà một Phú ông. Chó rất được chủ yêu, nào ăn cơm có cá thịt, nào ngủ nệm rơm, nào được bồng bế, tắm rửa, có khi chó còn liếm cả mặt Phú ông nữa. Lừa thấy vậy ganh tị nghĩ thầm “ Bao nhiêu công việc khuân vác nặng nhọc mình làm hết, còn Chó chẳng làm gì, chỉ suốt ngày ăn rồi ngồi chơi và nịnh hót chủ nhà mà được sung sướng như thế. Hay là ta thử nịnh chủ xem sao?.
Một hôm Lừa đang đứng ngoài sân thấy chủ đi qua bèn nhẩy chồm lên mình chủ, áp đầu vào má chủ liếm lên mặt, hai chân ghì vai chủ thật chặt. Chủ tưởng Lừa phát điên bèn gọi gia nhân ra đánh chết Lừa.
Còn một chuyện Sói báo ân như thế này. Có một con Sói đói, một hôm đang đi tìm mồi bỗng gặp một con Ngựa già gầy còm ốm yếu đang nằm đợi chết. Sói đói qúa không kể béo gầy, vồ lấy Ngựa ăn thịt. Không ngờ Sói tham ăn vội vàng quá nên bị một cái xương mắc chận ngang trong cuống họng nuốt không xuống.
Sói đau đớn vô cùng nhưng không lấy ra được bèn bắn tin đi khắp nơi tìm lương ỵ Hôm sau có mụ lang Hạc tìm đến xem bệnh. Sói năn nỉ bảo:
- Chị Hạc ơi! Nhờ chị làm phúc cứu khổ cứu nạn, cứu một người bằng lập bẩy cảnh chùa. Chị lấy hộ xương ra cho tôi, muốn gì tôi cũng xin hậu tạ.
Hạc xem kỹ chỗ xương nằm thấy bên ngoài cổ đã sưng lên gần nung mủ. Hạc bảo Sói há mồm ra thật to và đút đầu vào mồm Sói lấy mỏ gắp xương ra.
Sói đau quá kêu lên:
- Ối trời đất ơi! Thầy thuốc gì mà vô ý vô tứ đến thế! Đau chết người ta đi. Mày thì ta tha cho, nếu ai khác làm tao đau thế này thì chết!
Hạc cười đáp:
- Bác cứ yên tâm, không ai còn làm đau bác nữa đâu! Tôi đã chữa lành hẳn rồi. Bác xem tôi mát tay biết bao nhiêu! Thôi bây giờ bác tạ gì thì tạ cho tôi đi về.
Sói cười nhạt đáp;
- Mụ này điên rồi đấy hở? Mụ vụng về thô kệch đã làm ta đau đớn lại còn đòi tạ! Mụ đút đầu vào mồm ta mà lấy được đầu ra bình yên vô sự thế là đã phúc bảy mươi đời nhà mụ rồi còn muốn gì nữa! Chính mụ phải tạ Ơn ta đã tha tính mệnh cho mới đúng!
Chồn còn muốn kể thêm mấy chuyện nữa nhưng Sư vương chận lại bảo:
- Chuyện khanh kể hay lắm, nhưng ta sợ kể hết thì Trời tối mất. Đơn kiện khanh còn nhiều, bây giờ ta cho ai muốn kiện thì ra ngay để ngươi đối chất.
Chồn mừng rỡ :
- Đa tạ Đại vương công minh xét xử.
Chồn quả nhiên miệng lưỡi vô cùng. Hắn chỉ nói một lúc mà không ai còn nghĩ đến chuyện treo cổ hắn nữa. Vương phi tiếc báu vật nên khuyên Chồn rất ân cần:
- Khanh không nên nản chí. Hãy gắng vì ta mà tìm cho ra báu vật. Cần gì ta sẽ giúp cho có đủ tất cả mọi phương tiện để tìm kiếm.
Chồn cung kính đáp:
- Lời Vương phi dạy làm cho thần như được uống thuốc hồi sinh. Thần xin hết sức cố gắng. Nếu gặp sự khó khăn một mình thần không thể giải quyết xin nhờ Đại vương giúp đỡ.