Chương 1
Tác giả: Michael Ende
T hời xưa, xưa lắm, khi con người còn nói những thứ ngôn ngữ khác hẳn bây giờ thì tại những vùng đất ấm áp đã từng có nhiều đô thị tráng lệ với biết bao lâu đài nguy nga của các bậc vua chúa công hầu, với những phố lớn thênh thang lẫn những phố nhỏ và ngõ ngách quanh co, với những đền đài uy nghi đầy các pho tượng thần được tạc bằng vàng hay cẩm thạch, với những khu chợ bán đủ mặt hàng từ mọi nước, với nhiều quãng trường đẹp đẽ rộng rãi là nơi người dân tụ họp để bình luận tin tức, để diễn thuyết hoặc nghe diễn thuyết. Song, đặc biệt là các thành phố này có nhiều nhà hát lớn.
Các nhà hát này trông cũng tương tự như các rạp xiếc thời bấy giờ, chỉ khác là ghế ngồi lẫn khán giả đều được ghép bằng đá tảng. Các dãy ghế cho khán giả được dựng cao dần lên theo hình bậc thang, giống như trong một cái phễu khổng lồ. Từ trên nhìn xuống thì một số công trình này hình tròn, một số khác hình bầu dục, một số khác nữa hình bán nguyệt. Người ta gọi chúng là nhà hát lộ thiên.
Có những nhà hát lộ thiên lớn bằng cả sân bóng đá, lại cũng có những nhà hát lộ thiên nhỏ hơn, chỉ đủ chứa vài trăm khán giả. Có nhà hát lộ thiên nguy nga với những cột trụ và những tượng điêu khắc công phu, lại có nhà hát lộ thiên đơn sơ giản dị. Những nhà hát lộ thiên này đều không có mái che, tất cả diễn ra dưới bầu trời rộng mở. Vì thế ở những nhà hát lộ thiên nguy nga có căng những tấm thảm thêu kim tuyến bên trên thềm đá ngồi để bảo vệ khán giả khỏi nắng cháy hay những trận mưa bất chợt. Tương tự, ở những nhà hát lộ thiên bình dân người ta dùng thảm cói hay thảm rơm. Nói tóm lại là: tiền nào của nấy! Nhưng dù sang hay hèn, mọi người đều có cùng sở thích, vì họ đều say mê nghe hát và xem diễn kịch.
Khi lắng nghe những tình tiết mủi lòng hay khôi hài diễn trên sân khấu thì, lạ lùng sao, họ cảm thấy cuộc đời được dàn dựng kia còn thật hơn cuộc sống thường nhật của họ. Thế là họ liền toàn tâm toàn ý lắng nghe cái sự thật khác lạ ấy.
Nhiều nghìn năm đã qua đi từ đó. Những thành thị lớn xưa kia nay đã điêu tàn; các đền đài, cung điện nguy nga xưa đã sụp đổ. Những khối đá xưa đã bị gió mưa, thời tiết nóng lạnh xói mòn đục ruỗng. Những nhà hát lộ thiên xưa nay chỉ còn là những phế tích đổ nát hoang tàn với tiếng ve sầu nỉ non khúc nhạc buồn đơn điệu, nghe như trái đất đang thở dài trong giấc ngủ.
Nhưng một vài thành thị cổ xưa này vẫn tiếp tục là những thành phố lớn cho đến tận ngày nay. Tất nhiên cuộc sống ở đây đã khác xưa rồi. Nay người dân đi ô-tô hay xe điện, dùng điện thoại để trò chuyện và đèn điện để chiếu sáng. Nhưng đây đó, giữa những tòa nhà mới, vẫn còn thấy sót lại đôi ba cột trụ, một cổng thành hoặc một mảng tường hay một nhà hát lộ thiên thời xa xưa ấy.
Chuyện cô bé Momo diễn ra tại một thành phố như thế đấy.
Ở rìa hướng nam thành phố lớn này, nơi xưa nay vẫn lô nhô những thửa ruộng và những ngôi nhà nghèo xơ nghèo xác không khác nào những túp lều, có một nhà hát lộ thiên nhỏ hoang tàn nằm khuất trong một cánh rừng thông. Ngay từ xa xưa nó vốn đã không phải thứ nhà hát lộ thiên huy hoàng mà thuộc loại bình dân. Đến thời chúng ta, nghĩa là thời bắt đầu câu chuyện của Momo, phế tích kia hầu như bị quên lãng hoàn toàn. Chỉ dăm ba vị giáo sư khảo cổ học còn biết đến nó, nhưng họ cũng chả quan tâm mấy, vì ở đó không còn gì để họ nghiên cứu nữa. Mà so với những danh lam thắng cảnh trong thành phố lớn này thì nó làm sao bì nổi. Thành ra họa hoằn lắm mới có dăm ba du khách lạc bước đến đây, leo lên những bệ đá cỏ rậm rêu phong, đi loanh quanh ồn ào cười nói, chụp vài tấm ảnh lưu niệm rồi bỏ đi, trả lại nhà hát lộ thiên tròn xây bằng đá này sự tĩnh lặng và rồi lũ ve sầu lại tiếp tục tấu khúc nhạc sầu muôn thuở của chúng, khúc nhạc nào cũng giống hệt nhau.
Thật ra chỉ những cư dân quanh đấy mới biết đến công trình tròn trịa lạ lùng này. Ở đó họ thả cho dê ăn cỏ, còn đám trẻ dùng cái bãi tròn ngay chính giữa làm sân đá bóng; thỉnh thoảng mới lại có dăm ba cặp tình nhân dùng làm nơi hò hẹn.
Nhưng rồi một ngày nọ người ta kháo nhau rằng mới có một kẻ đến ở tại khu phế tích này. Một đứa nhỏ. Một cô bé thì phải. Tuy nhiên không ai dám nói chắc, vì nó ăn mặc hơi lạ lùng nên chẳng rõ gái hay trai. Nó tên là Momo hay na ná như thế.
Quả thật bề ngoài Momo hơi khác thường, có thể khiến cho những người ưa sạch sẽ và ngăn nắp phải giật mình kinh hãi. Momo nhỏ thó, gầy gò khiến không ai dám nói chắc cô bé mới tám tuổi hay đã mười hai. Tóc cô đen nhánh và bù xù như chưa từng biết lược hay kéo là gì. Đôi mắt cô cũng đen nhánh, to tròn thật đẹp, còn đôi bàn chân cũng đen đúa vì cô hầu như toàn đi chân đất. Chỉ mùa đông cô mới đi giày, nhưng cọc cạch và rộng rinh. Bởi Momo chẳng có gì khác nữa, ngoài những thứ cô nhặt nhạnh được hoặc người ta cho. Cái váy của cô may chằng may đụp từ bao miếng vải đủ màu, dài tận mắt cá chân. Cô khoác thêm một chiếc áo khoác đàn ông rộng thùng thình xắn đến cổ tay mà Momo không muốn cắt bớt phòng khi còn lớn nữa. Vả lại, biết chừng nào cô mới có được chiếc áo khoác đẹp, tiện dùng nhiều túi thế này.
Phía dưới sân khấu cỏ mọc um tùm của nhà hát hoang phế này có đôi ba khoảng trống đã sụp lở gần hết, nhưng vẫn có thể chui ra chui vào được qua một lỗ hổng ở vách tường ngoài. Momo đã biến chỗ đó thành nơi cư ngụ. Một buổi trưa nọ, có mấy người ở quanh đấy tìm đến hỏi han. Momo sợ hãi nhìn họ, vì lo sẽ bị đuổi đi. Nhưng cô thấy rằng họ là những người tử tế. Họ cũng nghèo và từng trải.
"Vậy là em thích chỗ này?" Một người trong bọn hỏi.
"Vâng." Momo đáp.
"Và em muốn ở lại đây?"
"Vâng, em rất muốn."
"Nhưng chẳng lẽ không có ai chờ em về sao?"
"Không."
" Ý ta muốn hỏi: chẳng lẽ em không phải về nhà ư?"
"Đây là nhà em mà," Momo vội vàng cả quyết.
"Thế em từ đâu đến vậy, hở cô bé?"
Momo huơ tay tỏ ý đến từ một nơi xa xôi nào đó.
"Thế bố mẹ em là ai?" Người nọ hỏi tới.
Cô bé bối rối nhìn ông ta và mọi người , khẽ nhún vai. Họ nhìn nhau thở dài.
"Em không việc gì phải sợ," người nọ nói tiếp, "bọn ta không đuổi em đâu. Chỉ muốn giúp em thôi."
Momo lặng lẽ gật đầu, nhưng chưa thật tin.
"Em nói rằng em tên Momo đúng không?"
"Vâng."
"Cái tên đẹp lắm, nhưng ta chưa từng được nghe. Ai đặt tên cho em vậy?"
"Chính em đấy," Momo đáp.
"Em tự đặt tên cho mình thế à?"
"Vâng."
"Thế em sinh năm nào?"
Momo ngẫm nghĩ rồi đáp: "Theo như em nhớ thì em sinh ra từ thời não thời nào rồi."
"Em không có cô dì, chú bác, ông bà , không có gia đình để cùng ở hay sao?"
Momo chỉ im lặng nhìn ông nọ, rồi lẳm bẳm: "Đây là nhà em mà."
"Thôi được," người đó nói, "nhưng em còn nhỏ dại - em bao nhiêu tuổi rồi?"
"Một trăm," Momo ngập ngừng đáp.
Mọi người cười ồ, cho rằng cô đùa.
"Hỏi thật mà, em bao nhiêu tuổi?"
"Một trăm lẻ hai," Momo đáp, hơi lúng túng.
Mãi sau mới vở lẽ rằng cô chỉ nghe lõm bõm đâu đó mấy con số nọ, song chẳng hiểu gì, vì chưa từng được ai dạy đếm.
"Này em," nguời nọ nói sau khi đã bàn bạc với những người khác, "em có muốn bọn ta báo cảnh sát chuyện em ở đây không? Người ta sẽ đưa em vào trại mồ côi, rồi em sẽ được nuôi ăn, có giường ngủ đàng hoàng, được học làm tính, học đọc, học viết và học nhiều điều nữa. Em nghĩ sao nào?"
Momo hoảng hốt nhìn ông ta.
"Không," cô lẩm bẩm, "em không muốn vào trại đâu. Em đã từng ở đó. Với nhiều trẻ khác nữa. Ở đó cửa sổ gắn song sắt. Ngày nào cũng bị đòn - mà toàn oan. Một đêm nọ em mới vượt tường trốn ra. Thành ra em không muốn trở về đó nữa đâu."
"Ta hiểu," một ông lớn tuổi gật đầu nói. Những người khác cũng gật gù vẻ cảm thông.
"Thôi được," một người đàn bà nói, "nhưng cháu còn nhỏ. Phải có ai lo cho cháu chứ."
"Cháu tự lo được mà," Momo đáp, lòng khấp khởi yên tâm.
"Cháu lo được thật không đấy?" Người đàn bà nọ hỏi.
Momo im lặng một lúc rồi khẽ đáp: "Cháu đâu cần gì nhiều."
Mọi người lại nhìn nhau thở dài rồi gật đầu.
"Momo này," người đàn ông đã mở đầu buổi trò chuyện lên tiếng, "bọn ta nghĩ rằng em có thể đến ở với một người trong bọn ta đây. Tuy nhà cửa của bọn ta chẳng rộng rãi gì, đa số lại còn phải nuôi cả bầy con, nhưng bọn ta nghĩ thêm một người nữa cũng chẳng đáng bao nhiêu. Em nghĩ sao?"
"Em cảm ơn," Momo đáp, lần đầu tiên cô mỉm cười, "cảm ơn! Nhưng xin cứ để em ở đây có được không?"
Nhóm người kia bàn qua tán lại thật lâu, rồi họ đồng ý. Vì, theo họ thấy, sống ở đây cũng giống như sống với một người trong số họ thôi. Còn họ sẽ cùng nhau săn sóc Momo, vì chung nhau gánh vẫn dễ hơn là chỉ riêng một người lo.
Trước mắt, họ liền ra sức dọn dẹp, sửa sang căn phòng tường đã xiêu vẹo Momo đang trú ngụ. Thậm chí một người trong bọn, vốn là thợ nề, đắp ngay cho Momo một bếp lò bằng đá. Anh còn xoay được cả một ống thông khói han gỉ nữa. Một bác thợ mộc già lấy ván thùng đóng một chiếc bàn con và hai cái ghế. Sau hết, mấy bà khiêng đến một một khung giường sắt phế thải trang trí hoa văn với một tấm nệm chỉ mới hơi sờn và hai cái chân. Thế là cái hang hốc bằng đá dưới nền sân khấu hoang tàn đã biến thành một căn phòng nhỏ ấm cúng. Cuối cùng, anh chàng thợ nề kiêm họa sĩ kia lại còn vẽ lên tường một bức tranh hoa, với đủ cả khung ảnh lẫn đinh treo.
Rồi đám con cái cái của nhóm người ấy mang đến cho Momo những món gia đình chúng nhịn bớt được: đứa mang thỏi pho-mát, đứa mang ổ bánh mì nhỏ, đứa mang ít trái cây, và nhiều thứ khác nữa. Chúng đông lắm, nên chiều hôm ấy chúng đã cùng nhau mừng Momo một buổi tiệc "tân gia" nho nhỏ nhưng thịnh soạn. Một bữa tiệc thật vui của người nghèo.
Mối giao hảo thân tình giữa cô bé Momo và những người láng giềng đã bắt đầu như thế đấy.