114. NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT TÍCH
Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Vào đời nhà Lê, có một người đàn bà trẻ tuổi lấy chồng họ Mai. Một hôm nghe tin người chị ruột của mình đau nặng, nàng bèn nói với chồng để mình đi lại chăm sóc thuốc men vì nhà chị rất neo người.
Nhà người chị ở một làng cách đấy chừng ba dặm đường. Người đàn bà đi về không chừng, có hôm sáng đi tối về, có hôm ngủ lại đó sáng mới về. Như thế đã được ba lần. Lúc này, mùa màng rỗi rãi nên người chồng để cho vợ đi lại thăm nom chị tùy ý.
Bệnh tình người chị ngày một nguy kịch. Người đàn bà lại đi thăm, nhưng lần này người chồng thấy nàng có đi mà không có về. Cho rằng vợ mình phải ở lại trông nom chị, nên không ngờ vực gì cả. Nhưng suốt ngày thứ hai cho đến ngày thứ ba vẫn không thấy vợ trở về. Chồng lúc này mới sốt ruột, vội nhờ người sang nhắn vợ bảo cố về sớm để thu xếp một món nợ.
Nhưng người ấy về cho biết rằng bên nhà người chị không thấy em sang và họ đang có ý trông đợi. Nghe nói thế, cả nhà họ Mai hoảng hốt, vội chia nhau đi tìm khắp mọi nơi. Nhưng suốt một tháng tìm tòi khắp cả từ chợ búa, bến đò, đến rừng rú mà chả thấy tăm hơi đâu cả. Người chồng đau xót đến cùng cực, cuối cùng đổ vạ cho nhà chị, một hôm đến gây sự, chửi nhau một trận, rồi phát đơn kiện lên quan.
Quan nhận đơn, đòi bị cáo đến hỏi cung. Người anh rể cứ sự thực khai rằng mình hoàn toàn không biết gì về việc mất tích của người em vợ. Tra hỏi cả đến thân thích xóm làng hai bên cũng không thấy hé ra một tia sáng nào. Hơn một năm, phủ đường một mặt cho thám tử đi dò la, mặt khác sắc về các xã thôn truy tìm, vẫn không thấy một dấu vết gì có thể theo dõi được. Thế rồi sáu bảy lần khai ấn trôi qua, hồ sơ vụ án đành bỏ xó trong phủ đường. Hai viên quan mới thay nhau đến tiếp chân quan cũ cũng không sao tìm ra manh mối.
*
* *
Về sau, một hôm có một ông quan họ Nhữ mới đổi đến. Quan tuy đã đỗ tiến sĩ nhưng trông mặt còn non trẻ, đến nỗi lúc đứng giữa đám nha lại tổng lý, chả một ai biết đó là người có chức vị cao. Khi xem lại những tập hồ sơ còn đọng, ông tỏ vẻ chú ý đến vụ án người đàn bà mất tích này. Nha lại bảo ông:
- Các quan trước cũng đã dùng đến bao nhiêu người để điều tra không phải chỉ trong một phủ, một tỉnh mà rộng sang các tỉnh lân cận, nhưng cuối cùng cũng đành bó tay. Họa có Bao Công tái sinh, án này mới sáng tỏ được.
Ông nói với họ:
- Không hiểu hồi ấy người ta có tra xét từ gần đến xa không, hay là chỉ nhằm vào xa mà nhãng bỏ gần? Tôi, tôi quyết định xét lại vụ này một chút!
Từ đó, viên quan trẻ tuổi suy nghĩ rất nhiều về cái án đó. Lần lượt ông cho đòi người anh rể, nhà chồng và một vài người làm chứng đến hỏi từ nét mặt, cách sống, lối ăn mặc của người mất tích. Người ta cho biết nàng đẹp và đoan chính. Ông lại bảo họ vẽ phác cho mình một bản đồ về con đường đi từ nhà em sang nhà chị; lối đi chính, lối tắt như thế nào, qua những nhà ai, v.v... Khi thấy con đường tắt phải đi qua một cánh đồng vắng, ở đây có một ngôi chùa; muốn đi từ chùa đến xóm phải giập bã trầu mới tới, ông lẩm bẩm một mình: - "Có thể đầu mối nằm ở đây chăng?"
Ông liền bí mật cải trang thành một người lái buôn dạo qua đoạn đường đó một chuyến. Nhìn thấy ngôi chùa lớn, xung quanh chùa lại có cây cối rậm rạp, ông không ngăn được mối ngờ vực. Ông sai một ả kỹ nữ giả cách mang vàng hương đến chùa ấy lễ Phật. Bọn sư trẻ thấy có bóng dáng phụ nữ vào chùa, xông đến như mèo thấy mỡ. Ả ca kỹ liếc mắt đưa tình làm cho bọn chúng không thể giữ được bộ mặt từ bi đạo mạo.
Khi nắm đã khá đầy đủ tình tiết, quan bèn sắp quân trẩy đến chùa. Sư cụ ra đón tiếp rất lễ phép. Quan nói:
- Tôi nhân tiện đi hành hạt, nghe nói đây là một nơi linh ứng nên vội đến đây lễ Phật và xin cầu mộng, phiền nhà chùa cho nghỉ tạm một đêm.
Sáng sớm hôm sau quan dậy rất sớm. Các quan sĩ đã được lệnh sẵn, gươm giáo sáng lòa đứng vây bọc quanh chùa. Quan cho đòi tất cả sư ni và tất cả mọi kẻ ăn người ở trong chùa ra hỏi:
- Chùa chiền là một nơi tu hành nhân đức, thế mà tại sao đêm qua ta nằm mộng thấy một người đàn bà trẻ tuổi đến kêu van thảm thiết rồi kể hết sự tình với ta. Vậy nếu có kẻ nào phạm tội hãy mau mau tự thú sẽ có khoan hồng. Bằng không ta sẽ tra khảo, những đứa liên can nhất định sẽ làm án chém hết.
Nghe lời truyền phán dõng dạc, cả chùa đều xanh mắt. Cuối cùng bọn gian ác tin rằng "oan hồn hồn hiện"; không thể cưỡng lại được nữa, cả bọn liền quỳ xuống thú tội. Số là hôm ấy trời mới tờ mờ sáng, nhân thấy có người đàn bà đi qua trước cổng chùa, ba tên ác tăng xổ ra bịt miệng đưa vào lùm cây thay nhau hãm hiếp. Rồi sợ lộ chuyện, chúng bóp chết người đàn bà và chôn ở gần chùa, dần dần xây đá đè lên cho mất tích.
Quân lính được lệnh đào lên, quả tìm được hài cốt người bạc mệnh. Quan cho gọi thân nhân đến nhận về chôn cất. Bọn ác tăng bị điệu về phủ đường xét xử. Bọn sư trẻ "trốn việc quan đi ở chùa" đều bắt hoàn tục.
Khi tin ấy truyền ra, mọi người đều vui mừng hể hả. Nhà vua cho gọi họ Nhữ về triều phong làm thượng thư bộ Hình [1] .
[1] . Theo lời kể của người Hưng-yên, Hà-đông và tạp chí Nam phong (1931)