79. BÙI CẦM HỔ
Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Vào thời nhà Lê có một anh chàng nghèo khổ quê ở Kẻ-treo sát chân núi Hồng-lĩnh tên là Hổ. Lúc còn nhỏ Hổ có đi học dăm ba chữ với một cụ đồ già. Lớn lên Hổ sống một thân một mình không cha mẹ anh em gì cả. Cuối cùng chàng phải sinh nhai bằng nghề giữ trâu bò cho xóm, gia sản chỉ có một cái tù và, một con dao và một cái giỏ.
Chàng được xóm làng dựng cho một túp lều ngã ba địa đầu sát chân núi. Trước lều có treo một cái mõ lớn. Hàng ngày sáng dậy cơm nước xong. Hổ đánh một hồi mõ ra hiệu cho tất cả các nhà đem trâu bò ra ngã ba để chàng đưa lên núi cho ăn cỏ. Chiều lại khi mặt trời vừa gác núi. Hổ lùa đàn súc vật về làng. Đến ngã ba là chàng hết phận sự vì con nào tự động về nhà con nấy không lạc nữa.
Tuy có khó nhọc, nhưng Hổ cảm thấy vui thích. Ngoài tiền gạo chàng còn có lộc. Tháng Giêng, ngày Tết hay mỗi khi nhà nào có giỗ, họ thường đem thức ăn đến biếu chàng. Vì thế, Hổ vẫn được chè mật cơm nếp ăn luôn.
Một hôm trời tối, có ông thầy địa lý đi tìm huyệt đất lỡ độ đường, ghé vào túp lều của Hổ xin nghỉ chân. Hổ vui vẻ nhường chiếu nhường giường cho ông nằm, lại nhân sẵn có chè xôi dọn ra mời ông ăn. Luôn mấy ngày, ông thầy sáng đi tìm đất, tối về ăn ở trong lều của Hổ. Thấy anh chàng tốt bụng, ông thầy mới tính chuyện tạ ơn. Ông hỏi Hổ: - "Anh có muốn làm quan không?'' - "Tôi thế này - Hổ đáp - cũng đủ chán, còn làm quan làm gì nữa". - "Ồ làm quan sướng nhiều chứ! Còn võng lọng ngựa xe. Kẻ hầu người hạ, còn vợ con ruộng vườn, chứ có phải như thế này đâu. Nghe thầy địa lý nói bùi tai. Hổ tiếp: - "Người như tôi thì làm quan thế nào được.". Ông thầy đáp: - "Ta làm nghề địa lý, ta có tìm được một kiểu đất ''chân trắng làm ngự sử?" chỉ vài mươi ngày là phát. Ta thấy anh tốt lại có phúc tướng, ta muốn cho anh kiểu đất đó".
Thấy H ổ không nói gì, thầy lại hỏi: - "Anh có biết mả cha mẹ ở đâu không?" - "Có biết mả mẹ".
Qua ngày sau, thầy địa giao cho chàng một quan hai tiền bảo đi sắm ngay đồ cải táng. Chàng nghe lời, lập tức trả bò cho xóm không chăn nữa để cùng thầy địa cất mả mẹ. Luôn mấy ngày cả xóm rất phiền vì thiếu người chăn trâu bò cho. Cuối cùng họ cũng kiếm được người thay.
Và họ đuổi Hổ ra khỏi lều để cho người kia ở [1] .
Hổ cũng quyết định không ở làng nữa. Có bao nhiêu tiền, chàng giắt lưng khố làm lộ phí đi ra Bắc. Sáng đi tối nghỉ luôn mấy ngày ròng. Hổ đã đến kinh đô. Sờ vào lưng thấy chỉ còn có sáu tiền. Hổ cũng bước vào hàng cơm. Hôm ấy khách ăn đang bàn tán xôn xao về một vụ án giết chồng. Hổ nghe rõ đầu đuôi. Một người lái buôn đi xa về, người vợ mua lươn nấu canh cho ăn. Chồng ăn xong thì chết. Người ta giải mụ lên quan, cho là mụ ngoại tình lập mưu giết chồng. Sau bao nhiêu ngày tra tấn, mụ vẫn kêu oan. Mãi đến gần đây mụ đã thú nhận và người ta sắp đem cho voi giày.
Nghe thủng câu chuyện. Hổ tìm đến bộ Hình xin vào gặp mặt quan thượng thư. Thấy chàng ăn mặc lôi thôi, bọn lính đuổi ra khỏi cửa. Hổ kêu to lên và cuối cùng chàng được vào. Gặp quan Thượng, chàng hết sức kêu oan cho người đàn bà vô tội. Quan Thượng bảo Hổ: -"Nhà ngươi có cách gì tỏ rõ trắng đen không?". Hổ quả quyết:
- Có, tôi sẽ làm cho mà xem. Nhưng trước hết hãy hoãn thi hành cái án tử hình kia đã.
Hai ngày sau, Hổ mang cho quan Thượng một con rắn trông không khác gì những con lươn thường; chỉ có khác là nó hay cất đầu lên cao. Hổ nói: - "Tôi từng biết loại rắn này, nó thường ở chân núi, trông giống lươn nhưng có nọc độc, ăn vào là chết!". Đoạn ông làm thịt và nấu canh y như người đàn bà kia đã làm. Canh chín đem cho chó ăn, chó lăn ra chết quay lơ; cho một tử tù khác ăn, người tử tù ấy cũng chết nốt. Vụ án tự nhiên được tỏ rõ. Người đàn bà mắc oan được tha bổng. Tin ấy truyền đến tai vua. Lập tức vua sai triệu Hổ tới, khen ngợi chàng hết lời. Và cho chàng làm quan ngự sử. Từ đó chàng lấy tên Bùi Cầm Hổ.
Thấy Hổ còn ít tuổi lại không do thi cử mà được làm quan to, bọn triều thần nhiều người không phục. Chúng thường chơi khăm, cố ý làm cho chàng phạm lỗi để làm nhục. Một hôm có kỵ ở nhà Thái miếu, một mình Hổ đến phiên túc trực kiêm làm mọi việc trong khi vua lễ. Chúng đốt trầm trong lư hương không lót tro để khi Hổ bưng lên cho vua cầm, phải bỏng tay. Như thế một là Hổ phải vứt lă xuống đất, hai là đứng im không dám động đến lư, ba là trao lư nóng lại cho vua bị bỏng, đằng nào cũng mắc tội "khi quân".
Khi nghe tiếng "dâng hương". Hổ vừa mó đến lư thì đã rụt tay lại vì nóng quá. Đang lúng túng không biết làm lúc nào để bưng cái lư đến trao cho vua làm lễ, chàng chợt sáng ý xé ngay thân năm của chiếc áo tế dùng làm một thứ giẻ lót rất tốt và sau đó cả Hổ và vua đều cầm lư không mà không việc gì.
Đến khi Hổ vào quỳ đọc "chúc văn" được nửa chừng thì cây nến đang đỏ bị chúng thổi tắt, Hổ rất bối rối vì ngừng lại là vô lễ. Nhưng nhờ có trí nhớ tuyệt vời, chàng cứ đọc thẳng một mạch cho đến lúc nến được thắp lại. Nhờ thế, vua lại càng khen ngợi Hổ.
Ở quê hương chàng thường bị nạn hán hán, ruộng đất có cây nhưng ít khi được ăn. Một lần về thăm quê, Hổ trèo lên núi Hồng-lĩnh ngắm lại cảnh xưa. Chàng biết có một khe nước trên núi Đụn chảy ra phía Đông bắc. Để bắt khe nước đó chảy về phía Tây bắc tưới vào đồng điền. Hổ cho gọi tất cả các viên quan sở tại đến hội họp trên hòn Đụn.
Hôm ấy cờ quạt võng lọng rực rỡ cả núi rừng. Chàng cho chọn những con trâu mộng cùng với cày bừa tốt, rồi bắt những viên quan ấy cày cho mấy đường từ khe sâu trên núi Đụn, men theo sườn dốc xuống thẳng phía Kẻ-treo. Lại bừa cho mấy đường từ phía núi Đồng-trùy ở phía Đông bắc, dồn đất lấp tịt ngọn khe cũ không cho nước chảy lan xuống đó. Tự nhiên một ngọn khe mới lập thành, dòng nước cuồn cuộn tưới cho hàng vạn mẫu đất. Từ đó một vùng Kẻ-treo năm nào cũng được mùa, bao nhiêu đất hoang đều biến thành ruộng tốt. Nhân dân vùng đó rất cảm ơn Hổ. Họ dựng đền thờ Hổ ở ngay chân núi bên cạnh khe [2] .
KHẢO DỊ
Ở Hà-tĩnh, Nghệ-an có người kể hơi khác một vài chi tiết: Ví dụ người đi chăn trâu bò bầy và được thầy địa lý để cho ngôi đất quý không phải là Bùi Cầm Hổ mà là bố của ông. Bùi Cầm Hổ lúc trẻ được bố cho đi học ở kinh đô, nhân có vụ án mạng xử ba năm không xong, ông tiếp xúc với người đàn bà thấy tính nết hiền lành, mới xin quan xử lại vụ án. Ông sai xây một bể vuông ba bốn mươi thước, đổ nước đầy, rồi cho người đi bắt thật nhiều lươn bỏ vào bể. Thấy có hai con nổi lên, ông sai bắt nấu cho tử tù ăn, tử tù quả chết. Ông tâu vua rằng: -"Con lươn sống được một trăm năm thì hóa thành con hoàng xà, có nọc độc, ăn vào là chết. Người đàn bà này mua lầm phải hoàng xà chứ quả không có bụng giết chồng. v.v..." [3] .
Về đoạn Hổ thân oan cho người đàn bà mang tội giết chồng có phần giống với một "thoại" trong sách Tẩy oan lục của Trung-quốc. Theo sách này thì: huyện Duyện-sơn có người dân ăn lươn bị đau bụng mà chết. Xóm giềng cho là vợ giết chồng, giải quan. Quan duyệt án, ngờ là trong lươn có nọc độc bèn bảo làng chài bắt lươn được vài trăm cân đều bỏ vào vò. Có loại ngẩng đầu lên khỏi mặt nước chừng hai ba tấc. Nhặt ra được bảy con. Quan lấy làm lạ biết là loài vật đó chính là rắn giống lươn, bèn hết lòng cứu xét. Mối oan của người đàn bà từ đó mới rõ.
[1] Đoạn này theo Mạnh Sào Quan. Tài liệu đã dẫn.
[2] Theo truyện kể của người Hà-tĩnh và sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn An.
[3] Theo lời kể của người Kẻ-treo (Hà-tĩnh) và theo Bản khai những truyện dân gian: cây cỏ, chim muông, yêu ma.