185. VỢ CHÀNG TRƯƠNG
Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ, nhưng vợ chàng thường giữ gìn khuôn phép nên không có chuyện gì xảy ra.
Vợ chồng hương đượm lửa nồng chưa dược bao lâu thì bỗng nghe tin chốn biên thùy có giặc, chồng vâng lệnh quan phải từ giã mẹ và vợ đi lính thú. Bấy giờ vợ đang có thai. Buổi chia tay thật là bịn rịn, mẹ chúc cho con chân cứng đá mềm, chồng khuyên vợ gắng phụng dưỡng mẹ già và nuôi con khôn lớn.
Sau khi chồng trẩy được mươi ngày thì Vũ Thị Thiết sinh được một đứa con trai, đặt tên là thằng Đản. Thằng bé sởn sơ mạnh khỏe, còn bà nội của nó vì nhớ con sinh ra đau ốm. Vợ chàng Trương hết lòng mời thầy chạy thuốc, nhưng bệnh của mẹ chồng mỗi ngày một nặng, chẳng bao lâu thì mất. Nhờ có bà con xóm giềng, mọi việc tống táng đều lo liệu chu toàn.
Đã mấy thu qua không thấy chồng về, một mẹ một con mỏi mòn trông đợi. Hàng ngày chăm lo đồng áng, tối lại nàng mới có thì giờ chăm sóc cho con. Có những hôm phải chong đèn khâu vá dọn dẹp và nô đùa với con. Những lúc con khóc, nàng thường chỉ vào bóng của mình trên vách mà bảo:
- Nín đi con! Kìa, kìa bố đã về. Đấy! Đấy!
Đứa bé nhìn vào bóng, nín bặt.
Cứ như thế lâu dần thành thói quen. Thằng Đản thường đòi gặp bố trước khi đi ngủ. Cái bóng đen đen trên tường từ đấy đối với cả mẹ lẫn con như một người thân thích.
*
* *
Rồi chiến tranh kết liễu, cõi biên thùy lại yên lặng, những người đi lính thú lại được trả về quê quán. Trương sinh cũng ở trong số đó. Sau bao năm tháng ly biệt, hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chàng đau lòng vì mất người mẹ thân yêu nhưng lại vui sướng vì có đứa con.
Thằng bé Đản bây giờ lên ba tuổi, đã biết nói bập bẹ. Tuy nó để cho bố nó bế nhưng vẫn tỏ ra xa lạ. Qua mấy ngày sau, Trương sinh hỏi mộ mẹ rồi bế con đi thăm. Ra đến đồng, thằng bé Đản quấy khóc nhè.
Trương sinh dỗ dành:
- Con nín đi đừng khóc, bố yêu. Rồi bố mua quà cho mà ăn.
Thằng bé đáp ngay:
- Không. Ông không phải là bố của Đản... Bố Đản khác kia... Chỉ đến tối bố Đản mới đến nhà thôi.
Nghe nói, Trương sinh thấy nhói ở tim. Chàng nhìn vào con hỏi dồn:
- Thế thì bố của Đản như thế nào? Con nói đi!
- Tối nào bố Đản cũng đến... Mẹ Đản đi cùng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi... Chẳng bao giờ bố bế Đản cả...
Mấy lời nói vô tình của đứa bé làm cho Trương sinh tin là vợ mình ngoại tình, không còn ngờ gì nữa. Nghĩ đến người vợ xinh đẹp trong tay kẻ khác, cơn ghen tự nhiên bừng bừng bốc lên. Chàng lẩm bẩm: - "Thật là quá rõ. Không ngờ trong khi mình gian lao thế ấy, thì nó ở nhà lại như thế kia".
Về đến nhà Trương sinh mắng nhiếc vợ tàn tệ:
- Tao không ngờ mày là đồ thất tiết. Mẹ chết, chồng đi vắng, tối tối rước trai về nhà.
Chàng mắng dữ dội nhưng không bảo là tự miệng con nói ra. Vợ chàng một mực chối cãi:
- Cách biệt ba năm, thiếp vẫn một lòng một dạ, đâu có hư thân mất nết như lời chàng nói. Xin chàng đừng ngờ oan cho thiếp.
Vợ càng phân trần thì cơn giận của chồng càng không thể dằn xuống được nữa. Chồng bắt đầu dùng lối vũ phu để tra khảo vợ. Hàng xóm láng giềng nghe tin vợ chồng lục đục đổ tới can ngăn nhưng chẳng ăn thua gì. Chồng cho là vợ khéo mồm khéo mép nên được mọi người che lấp tội lỗi.
Trong cơn phẫn uất, người thiếu phụ ôm lấy con khóc nức nở, rồi nhân lúc chồng sang hàng xóm, chạy một mạch ra bến Hoàng-giang đâm đầu xuống nước.
Khi Trương sinh về thấy mất hút vợ, biết có sự chẳng lành. Nghe nói vợ đã tự trầm thì rất hối hận, vội chạy ra sông. Nhưng dòng nước chảy xiết mò đến tối ngày cũng không tìm thấy xác. Tối lại, thằng bé khóc. Trương sinh thắp đèn dỗ cho nó nín. Chợt thằng bé kêu lên:
- Ồ, bố Đản đã đến kia kìa!
- Đâu con?
Nó trỏ vào bóng chàng trên vách mà nói: - "Đấy! Đấy!". Nhớ lại lời con nói khi đi thăm mộ, Trương sinh mới hiểu ra nông nỗi. Chàng nhận ra nỗi oan tày trời của vợ chỉ vì lòng ghen tuông nóng nảy của mình.
Nhưng đã muộn mất rồi, còn làm gì được nữa. Chàng chỉ còn biết ngày ngày ẵm con nhìn xuống dòng sông mà khóc.
Từ đó chàng ở vậy nuôi con không lấy vợ khác.
Về sau người ta dựng ở bến Hoàng-giang một cái miếu thờ nàng Vũ Thị Thiết, quen gọi là miếu Vợ chồng Trương [1] .
KHẢO DỊ
Để cho có hậu, truyện trên đã được người đời sau nối thêm những nét thần kỳ vào phần cuối:
Cùng làng với Vũ Thị Thiết có một người là Phan lang làm đầu mục bến đò Hoàng-giang, một đêm nọ nằm chiêm bao thấy có một người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng. Sáng dậy, Phan lang thấy có người làng chài mang đến biếu mình một con rùa mai xanh. Sực nghĩ đến giấc mộng, Phan lang bèn thả rùa xuống sông. Về sau Phan lang chạy giặc, bị đắm thuyền, chết. Xác trôi xuống thủy phủ được bà Linh phi - vốn là con rùa mai xanh ngày nọ - cứu cho sống lại, lại dọn tiệc thết đãi. Trong tiệc có nhiều mỹ nhân, trong số đó có Vũ Thị Thiết, nhưng Phan lang ngại không dám nhận. Tiệc xong, Vũ Thị Thiết tìm đến, nói: - "Là người cùng làng, cớ sao lại mau quên?". Phan xin lỗi rồi hỏi: - "Vì sao lại có mặt ở đây?", thì nàng trả lời: - "Hồi ấy khi nhảy xuống nước, các tiên ở thủy cung thương tôi vô tội, liền rẽ nước cho tôi xuống nên sống đến ngày nay". - "Có nhớ quê hương không?" - "Bị chồng ruồng rẫy, mặt mũi nào trông thấy nhau nữa". - "Còn con thì sao?" - "Tất có ngày tôi sẽ tìm về".
Khi Phan lang trở về, vợ chàng Trương trao cho y một chiếc thoa nhờ đưa hộ cho chồng mình và bảo nhắn chồng nếu có thương tiếc thì cho lập một đàn giải oan, lấy thần đăng chiếu xuống nước, mình sẽ về. Nhận được thoa, chàng Trường tin là thật, bèn lập một đàn tràng ba đêm ngày ở Hoàng-giang. Quả nhiên thấy vợ xuất hiện giữa dòng sông, ngồi trên một chiếc kiệu hoa, theo sau có đến năm mươi kiệu khác, có tàn tán cờ biển như một dám rước.
Trương gọi, vợ đáp: - "Đa tạ chàng, thiếp không thể quay về được nữa". Rồi biến mất tất cả. Người đời ấy bèn lập miếu thờ, gọi là miếu Vợ chàng Trương [2] .
Một truyện Sự tích mặt nạ (hổ phù) có nội dung giống truyện trên, chỉ khác kết thúc:
Một cặp vợ chồng có con mới sinh. Chồng bỗng có lệnh đi thú. Vợ một mình đêm đêm chỉ vào bóng bảo con đó là bố. Vì thế khi bố về, đứa con không chịu cho bế: - "Bố tôi khác kia. Bố tôi tối tối đến với mẹ". Chồng liền nghi vợ có sự tằng tịu bậy bạ. Hai vợ chồng xô xát, kết cục vợ cũng đi trầm mình.
Trước khi nhảy xuống nước, khấn: - "Nếu là oan xin cho hóa làm ngọc trai để bày tỏ cho mọi người biết". Quả hóa làm ngọc trai. Thấy oan, chồng làm đàn tràng xin cho gặp mặt vợ. Vợ cũng cho gặp, nhưng chỉ nổi khuôn mặt lên khỏi nước. Người ta nói: "Chỉ có mặt nạ không có người nạ". Từ đó, nhà điêu khắc nghĩ ra lối chạm mặt nạ (hổ phù hay rồng ngang) [3] .
Trung-quốc có một truyện vì ghen tuông ít nhiều có dáng dấp như truyện Vợ chàng Trương:
Năm Càn Long thứ ba, ở một vùng nọ tự nhiên sét đánh chết một người lính. Người ta thương hắn vốn người tốt nết mà không may chết oan. Nhưng có một người lính già khác cùng cơ đội với hắn, kể cho nghe câu chuyện như sau: - "Có lẽ gần đây hắn ăn ở tốt với mọi người. Nhưng cách đây hai mươi năm, trong một trận đánh, hắn phạm một tội tày trời mà vì tôi là bạn cùng ngũ nên tôi biết. Hôm ấy quan tướng rảnh việc quân, đi săn ở đỉnh núi Cao-đình, hắn được theo đóng trại ở bên đường. Buổi chiều hôm ấy có một sư nữ đi qua.
Thấy vắng vẻ, hắn kéo sư nữ vào trại. Sư nữ chống cự bị hắn xé quần. Nhưng sau sư nữ chạy trốn được. Hắn đuổi theo, vì trời tối, cây cối lại rậm rạp nên không tìm ra. Sư nữ trốn được vào một nhà nọ, trong nhà chỉ có một người đàn bà trẻ và một đứa bé con chồng. Người đàn bà từ chối không cho trọ nhưng sư nữ hết sức kêu nài, và kể chuyện vừa rồi cho nghe. Cảm động, người đàn bà cho vào và cho mượn một cái quần mặc. Sáng dậy sư nữ từ tạ ra đi, hứa mai sẽ trả. Sau đó chồng người đàn bà đi đâu mới về, vì áo quần bẩn bảo vợ lấy đồ thay. Vợ vào buồng chỉ thấy quần của mình, mới biết là đêm tối đưa nhầm quần của chồng mình cho sư nữ. Chưa biết trả lời sao với chồng, thì đứa bé đã nói ngay: - "Có một ông sư cả đêm tới đây lấy quần mặc". Bố nó căn vặn, đứa bé kể lại mọi chuyện theo nó thấy. Chồng hỏi vợ, vợ đáp: - "Đó là một ni cô". Chồng không nghe, nổi ghen đánh vợ tàn tệ, rồi kể chuyện cho xóm giềng. Vợ phẫn uất treo cổ tự tử. Sáng hôm sau, sư nữ mang quần tới trả kèm theo một thúng quà. Vừa thấy sư nữ đứa bé nói: - "Đấy, ông sư hôm ấy đã đến". Bố nó biết là nhầm, hối hận, bèn đánh chết đứa con trước áo quan của vợ, rồi cũng treo cổ tự tử. Hàng xóm thương tâm chôn cất cả ba, nhưng không báo cho quan biết.
Một năm sau, quan tướng lại đến thăm nơi này. Dân làng mới kể chuyện cho tôi biết. Tôi chỉ nói riêng với hắn ta. Hắn ta biết hối và tự nguyện làm điều thiện để chuộc lại. Bây giờ, sau hai mươi năm, hắn bị sét đánh chết, mới biết lưới trời lồng lộng, khó thoát" [4] .
[1] Theo Vũ Ngọc Phan, sách đã dẫn.
[2] Theo Truyền kỳ mạn lục , Loại cổ tích hay, sách đã dẫn.
[3] Theo lời kể của người Thanh-hóa. Một truyện khác kể sự tích mặt nạ như sau: Ngày xưa vua Vũ đi tuần du mặt biển. Các loài thủy tộc đều ngoi lên mặt nước để chầu. Có con nạ (rồng) vì thân thể to lớn quá chỉ nổi lên có cái mặt, còn thân thì bị các con vật khác chen lấn che lấp nên không lộ ra: Do tích này mà có tiếng "mặt nạ". (Theo tạp chí Phương Đông số 7, 1972).
[4] Theo Tân tề hài , quyển 4.