KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM TẬP V
176. QUAN ÂM THỊ KÍNH
Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Ngày xửa ngày xưa, có một người trải đã nhiều kiếp, kiếp nào từ bé đến lớn cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tu. Cứ luân hồi chuyển kiếp như vậy liên tiếp đến chín lần, nhưng chưa kiếp nào được thành Phật.
Đến kiếp thứ mười, người này được thác sinh ở nước Cao-ly làm con gái ở một nhà họ Mãng, có tên là Thị Kính. Nàng có vẻ người đầy đặn, mặt mũi dễ coi, tính tình điềm đạm. Lớn lên, nàng thờ cha mẹ hết lòng, việc nhà việc cửa chăm lo khá đảm. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho một anh chàng học trò họ Sùng tên là Thiện Sĩ. Cũng giống như nhà vợ, bên nhà chồng cũng chẳng khá giả gì. Thấy chồng chăm học, không chơi bời, Thị Kính không ao ước gì hơn; nàng càng ra công tần tảo cho chồng dốc lòng nấu sử sôi kinh.
Một đêm, bên cạnh án thư, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, Thị Kính cũng ngồi may một bên, hai người chung nhau một ngọn đèn dầu. Chồng học mãi thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên đầu gối vợ chuyện trò một chốc rồi thiu thiu ngủ. Thị Kính cố giữ yên lặng cho chồng yên giấc. Nàng có thì giờ ngắm nghía kỹ khuôn mặt tuấn tú của chồng. Bỗng nàng nhận ra ở cằm chồng có một cây râu mọc ngược.
- "Ồ sao lại có râu xấu xí thế này. Người ta bảo râu mọc ngược là tướng bạc ác. Ta phải lén nhổ đi cho chàng mới được!" Nghĩ vậy, sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lấy mở ra định nhổ sợi râu, không ngờ lưỡi dao sáng loáng vừa đưa đến gần thì Thiện Sĩ cũng vừa chợt tỉnh; trông thấy vợ tay cầm dao chĩa vào mặt trong lúc mình chợt ngủ quên, Thiện Sĩ nghĩ ngay đến chuyện đen tối liền vùng dậy nắm lấy cổ tay và la lên:
- Chết thật! Nàng định cầm dao giết ta lúc đang ngủ ư?
Thị Kính đáp:
- Không phải đâu. Thấy chàng có sợi râu mọc ngược thiếp định tâm nhổ nó đi kẻo trông xấu xí lắm!
Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, chồng nhất định không chịu tin như vậy.
- Thôi thôi! Đừng khéo chống chế. Làm sao lại có chuyện nhổ râu khi ta đang ngủ. Muốn nhổ thì đợi ta tỉnh dậy, hoặc ban ngày ban mặt có hơn không?
Giữa lúc ấy, người mẹ Thiện Sĩ nằm ở buồng bên cạnh nghe tiếng cãi nhau cũng đẩy cửa bước vào. Vừa nghe con trai kể lại câu chuyện, bà mẹ đã mồm loa mép giải:
- Trời ôi! Con này to gan thực! Dám đang tay làm những việc tày trời. May mà con ta tỉnh dậy kịp, không thì còn gì là tính mạng.
Thị Kính nước mắt giàn giụa cố gắng phân trần:
- Mẹ nghĩ xem, con có thù vơ oán chạ gì mà phải làm như vậy. Chẳng qua con muốn làm cho chồng đẹp mặt...
- Rõ ràng mày định tâm giết chồng, bị bắt hai năm rõ mười mà còn chối leo lẻo.
Người mẹ Thiện Sĩ vốn chẳng ưa gì nàng dâu nên một mực đổ riệt. Thị Kính thấy giãi bày mãi không ăn thua, nên ngồi sụp xuống cúi đầu nức nở. Câu chuyện từ bé xé ra to. Cuối cùng gia đình họ Sùng không muốn con cháu có nòi ác nghiệt, nên Thị Kính bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ.
Buồn chán cho số phận éo le, một hôm nàng cải trang thành một chàng trai, nhân đêm tối bỏ nhà, khăn gói ra đi. Nàng đi, đi mãi, cố tìm trú ngụ một nơi cho thật xa quê hương để xóa bỏ những ký ức đau xót. Sau cùng đến một tỉnh khác, ở đây có chùa Vân, nàng tìm đến xin gọt đầu quy y. Sư cụ không biết là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt hiệu là Kính Tâm. Sự đời đã tắt lửa lòng, từ đấy nàng yên tâm bạn cùng kinh kệ.
Nhưng tu hành ở chùa Vân chưa được bao lâu thì một việc mới lại xảy đến với nàng. Tuy ăn mặc nâu sồng nhưng vẻ mặt của chú tiểu mới đã làm cho nhiều trái tim của các cô gái làng thổn thức. Trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, những ngày đi lễ chùa thấy tiểu Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm dấu thầm. Hai ba phen bị khước từ, Thị Mầu càng say mê, càng cố tìm cách quyến rũ. Sau đó, tuy cá chẳng cắn câu, nàng vẫn không sao quên được chú tiểu. Quen thói trăng hoa, Thị Mầu bèn tư thông với một người đầy tớ trai trong nhà. Qua nhiều phen đi lại, không ngờ bụng ngày một lớn. Bị làng phạt vạ, cô gái nghĩ rằng nếu thú thật thì chẳng hay ho gì, bèn đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Vì thế tiểu Kính Tâm cũng bị làng đòi đến khảo tra. Nhưng dù bị đánh tơi tả, nàng vẫn không dám nhận liều cũng như không để lộ mình là gái. Sư cụ chùa Vân thấy tiểu bị đòn đau thì thương tình, kêu xin với làng nộp vạ, bảo lãnh cho tiểu được tha về. Nhưng sợ miệng thế mai mỉa ô danh chốn thiền môn, nên sư cũng bắt tiểu phải chụm một cái lều cư ngụ ở phía ngoài cổng chùa. Nàng cam tâm nhận sự hành hạ này, cắn răng không hề một lời van xin hay than thở.
Thị Mầu sau đó sinh được một trai. Đã trót đổ vấy cho tiểu Kính Tâm, nên nàng lại đem đứa con bỏ liều ở cổng tam quan. Kính Tâm lại thêm một phen bối rối. Nhận lấy đứa bé thì không khác gì một hành động thú tội, mà không nhận thì làm ngơ sao đành trước một đứa bé vô tội thế kia. Nhưng những tràng khóc oa oa của đứa trẻ sơ sinh đã khiến nàng mất hết ngại ngần. Lập tức nàng bế đứa bé vào lều chăm sóc, và từ đó ngày ngày một công việc mới choán hết thì giờ và tâm trí của nàng: nàng phải bế nó đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm. Mặc cho dân làng kẻ cười người chê đến rát cả mặt, nàng vẫn âm thầm chịu đựng, tuyệt không có lấy một lời oán thán. Cứ như thế sau sáu năm, nàng trông nom con người như con đẻ. Trong khi đứa bé ngày một sởn sơ khôn lớn, thì sức của nàng trái lại ngày một mỏi mòn kiệt quệ. Một hôm, biết mình không thể sống được nữa, tiểu Kính Tâm bèn viết một phong thư để lại cho bố mẹ đẻ, trong đó nàng thuật lại đầu đuôi nỗi mình nhẫn nhục bấy chầy. Lại dặn dò đứa bé sau khi mình chết thì trao thư lại cho sư cụ trên chùa. Khi khâm liệm, mọi người mới hay tiểu Kính Tâm là đàn bà, và ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Để tỏ lòng hối hận, sư cụ chùa Vân bên cho lập một đàn chay cầu cho nàng được siêu sinh tịnh độ. Dân làng còn bắt Thị Mầu phải để tang và bắt phải trả mọi chi phí ma chay. Hôm cử hành đàn chay, thì trên trời, giữa một đám mây năm sắc, đức Phật Thiên Tôn hiện ra phán truyền cho Kính Tâm thành Phật Quan Âm.
Ngày nay, để chỉ mối oan to lớn, người ta thường bảo "oan Thị Kính", là từ truyện này mà ra[1].
KHẢO DỊ
Trong truyện Quan âm Thị Kính theo diệu kể hạnh của nhà chùa thì sau khi Thị Kính thành Phật, ông bà họ Mãng và đứa bé cũng được lên tòa sen, còn Thiện Sĩ thì hóa thành chim vẹt hầu ở bên cạnh.
"... Truyền cho nào tiểu Kính Tâm,
Phi thăng làm Phật Quan âm tức thì.
Lại thương đến đứa tiểu nhi,
Lên tay cho đứng liền khi bấy giờ.
Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ,
Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên.
Độ cho hai khóm thung huyên,
Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa,
Siêu thăng thoát cả một nhà,
Từ đây phúc đẳng hà sa vô cùng.
Người Nghệ-an có hai truyện có tình tiết gần với truyện Quan Âm Thị Kính:
1. Sự tích cây chay: Có cô con gái mới về nhà chồng. Một hôm chồng nằm ngủ, nàng thấy ở cằm chồng có cây râu mọc ngược, bèn cầm dao toan cắt. Chồng chợt tỉnh dậy thấy dao kề cổ, bèn kêu lên. Cha mẹ chồng chạy đến nói: - "Tưởng là dâu thế nào, ai ngờ bạc ác, toan giết chồng". Cô gái kêu trời mà khóc, khóc mãi, sau chết đứng hóa thành cây chay. Chay ăn với trầu cũng hóa đỏ là vì tấm lòng son của cô gái nên mới như thế[2].
2. Đứa con của thần: Huyện Thanh-chương có một người đàn bà góa tên là Huỳnh Thị Phước, 40 tuổi, xin vào chùa đi tu. Một đêm nọ nằm chiêm bao thấy có một người mặt đỏ như son, mặc áo xanh. Tỉnh dậy, người dàn bà kể lại với hòa thượng trụ trì chùa. Hòa thượng bảo: - "Có lẽ Thần Phật cho nàng đứa con, vậy nàng nên ra khỏi chùa để sinh chồi nảy lộc, kẻo xóm làng nghi". Sau đó người đàn bà sinh được một đứa con trai. Hương chức làng bèn lên án hòa thượng, buộc hòa thượng phải nuôi đứa bé. Lên mười tuổi, đứa bé học giỏi, nhưng chưa biết đặt tên nó là gì. Một đêm nọ, thần báo mộng: - "Trên ngọn cây kia có khắc tên của nó. Vậy bảo trẻ em trèo lên tìm xem". Sáng dậy, người ta tìm dược ba chữ Lương Quy Chính khắc trên ngọn cây. Bèn dùng đặt tên cho đứa bé. Về sau đứa bé đi thi đỗ cao làm quan to. Khi vị hòa thượng ở chùa chết, người làng lên khâm liệm mới biết ông vốn là ái nam ái nữ[3].
Riêng vì sự tích Quan Âm cũng có nhiều dị bản. Việt-nam còn có Phật thoại Bà chúa Ba hay là Quan âm Nam-hải tương đối phổ biến ở miền Bắc:
Xưa có Diệu Thiện, một nàng công chúa xinh đẹp con gái Diệu Trang Vương, nàng có hai người chị: Diệu Thanh và Diệu Âm, cả ba kiếp trước đều là con trai họ Thi, một gia đình nhân đức. Hai chị đều lấy chồng, còn Diệu Thiện thì trái lại chỉ muốn tu hành. Vua cha tức giận truyền giam cầm, và mặc dù hoàng hậu và hai chị hết lời khuyên dỗ, nàng cũng không đổi chí. Diệu Trang Vương lập kế giả vờ bằng lòng cho nàng đi tu tại một ngôi chùa lớn, nhưng lại bí mật ra lệnh cho hòa thượng bắt công chúa phải sớm khuya làm lụng cực nhọc để cho thoái chí. Nhưng nàng vẫn chịu đựng được; việc giao ngày càng nhiều, bằng việc của hàng chục người; nàng vẫn làm xong (có chim tới nhặt rau, rồng lấy nước hộ...). Không thấy công chúa nản lòng trở về, vua nghi hòa thượng không tuân lệnh mình, bèn sai người đốt chùa. Diệu Thiện tự trách mình là nguyên nhân chính của tai nạn bèn cắn ngón tay cầu nguyện, tập tức có rồng xuống phun nước dập tắt ngọn lửa. Vua lại ra lệnh đem công chúa ra xử trảm, nhưng gươm bị gãy khi chạm vào cổ. Đột nhiên có một mãnh hổ nhảy vào tha nàng đi trong khi trời đất tối sầm, sấm ran chớp giật. Lúc này hồn nàng được Thập điện Diêm vương mời xuống thăm. Trông thấy tất cả những cảnh trừng phạt, nàng liền niệm Phật làm cho Diêm vương ra lệnh ân xá tất cả tội nhân.
Khi Diệu Thiện trở về cõi trần thì Phật đã hóa làm một chàng trai tuấn tú để thử thách. Thấy nàng quả vững lòng tu, Phật bèn chỉ cho "rằng có một chùa tại Hương- tích san (san); gần bể Nam-việt thanh nhàn; sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành". Sau nhiều năm tu luyện, nàng trở thành Phật bà Quan Âm "Một thân hóa được ra nghìn muôn thân" (vì vậy ngày nay người ta diễn tả thành Phật ngàn tay ngàn mắt). Theo hầu có hai đệ tử: 1) Thiện Tài, một em trai mồ côi; 2) Long Nữ, con gái Long vương, đều được cứu vớt và qua nhiều thử thách.
Về sau vua Diệu Trang Vương bị bệnh nan y, yết bảng sẽ trao ngôi báu cho ai chữa lành. Nhưng mọi thứ thuốc đều không công hiệu. Nghe tin này, Diệu Thiện biến thành một thày thuốc đến giật bảng và cho biết bệnh ấy chỉ có tay và mắt của một tiên nữ tu tại núi Hương-tích mới khỏi. Vua bèn cho người sang nước Đại-việt cầu xin được một tay một mắt. Bệnh quả lành, nhưng chỉ lành có được nửa thân. Thầy thuốc lại giục xin nốt một tay một mắt còn lại của tiên nữ. Khi bệnh lành hẳn vua định truyền ngôi cho thầy thuốc như đã hứa, nhưng thầy đã bỏ di mất. Vua và hoàng hậu quyết tìm đường sang Hương-tích để tạ ơn tiên nữ. Đoàn ngự giá đang trên đường sang Nam, thì ở kinh đô Hưng-lâm bỗng xảy ra cuộc biến, ngai vàng suýt vào tay kẻ phản bội nếu không có Diệu Thiện sai hai đệ tử đi cứu. Trong cuộc này, hai người chị Diệu Thanh và Diệu Âm bị bắt giam ở ngục, và khi được cứu thoát, hai người đuổi theo đoàn ngự giá. Sau bao nhiêu ngày gian khổ, cả đoàn cũng đến được Hương-tích. Khi nhận ra con gái với hai mắt bị móc, hai tay bị chặt, máu còn chưa khô, hoàng hậu ngã ra bất tỉnh. Diệu Thiện cho biết nếu bố mẹ nguyện bỏ ác làm thiện thì mình sẽ lành lặn như xua. Sự việc quả như lời khi vua và hoàng hậu phát thệ. Cả nhà ở lại đây tu hành. Diệu Thanh cũng trở thành Văn Thù bồ tát và Diệu Âm trở thành Phổ Hiền bồ tát[4].
Truyện vừa kể chịu ảnh hưởng từ Phật thoại Nam-hải Quan Thế Âm toàn truyện của Trung-quốc. Giữa hai truyện, tên nhân vật không có gì thay đổi.
Nước Hưng-lâm ở đây được xác định không phải là đất Trung-quốc mà là một nước phía Tây giáp Thiên-trúc, phía Đông giáp Tam-phật-tề, phía Bắc là Xiêm-la, phía Nam là Thiên-chân. Nội dung hai truyện cơ bản là một, chỉ có khác một vài chi tiết.
Hai vợ chồng vua Diệu Trang muộn con, cúng cầu mãi mới sinh được ba nàng công chúa, dự định nhường ngôi cho một trong ba chàng rể. Nhưng công chúa ba là Diệu Thiện chỉ muốn tu hành với cuộc sống độc thân. Kết quả là nàng phải chịu đựng sự trừng phạt từ thấp đến cao: bị lột áo quần, đánh roi và giam đói. Cũng có việc được đi tu với những công việc lao động nặng nhọc, việc ngôi chùa bị đốt và việc đập tắt đám cháy bằng một trận mưa huyền bí do công chúa cắm chiếc trâm vào họng và nhổ máu lên trời cầu nguyện Linh Sơn thế vương. Cũng có việc xử trảm sau một thời kỳ hết dụ dỗ đến dọa nạt mà không ăn thua. Theo lệnh của Ngọc Hoàng, công chúa được bảo vệ đến nỗi đao phủ bất lực, cuối cùng chỉ còn dùng hai tay bóp cổ. Nhưng thần Thành hoàng đã kịp thời hóa hổ, giải tán đám đông và đưa xác nàng lên núi. Cũng lại có việc hồn công chúa dược sứ giả Diêm-la mời xuống để chứng kiến cực hình của con người tội lỗi. Ở đây, những lời cầu nguyện của nàng đã làm cho họ được giải phóng trở về dương thế, đến nỗi cả địa ngục bỗng hóa thành thiên đường và vua Diêm-la phải cấp tốc cho đưa nàng về vì nạn thiếu dân. Phật Như Lai đã đón nàng đưa đến không phải chùa Hương-tích ở Đại-việt mà là chùa đảo Phổ-đà sau khi vượt qua ba năm hiểm trở. Sau chín năm tu hành, công chúa đắc đạo và cũng thu được hai đồ đệ Thiện Tài và Long Nữ sau nhiều cuộc thử thách.
Trời phạt vua Diệu Trang về tội đốt chùa và giết con gái, bắt chịu đựng một bệnh nan y: thịt da mọc đầy mụn lở và bấy nát. Cũng có việc công chúa biến thành một thầy tu già ra mắt nói là chỉ có tay và mắt của người thân thì mới có thể lành. Vua sai đại thần đi tìm. Trong lúc đó hai chàng rể của vua vì tham vọng được làm vua sớm nên định tâm giết thầy tu và đầu độc vua. Biết được ý đồ của chúng, công chúa đã làm đổ chén thuốc độc và làm bại liệt kẻ ám sát. Kết quả là hai chàng rể tự tử và hai người chị của công chúa hối hận đi tu. Rồi cũng có hai lần xin tay và mắt, và cuộc hành trình của vua và hoàng hậu đến đảo Phổ-đà để cảm ơn con gái. Nhìn thấy con không tay không mắt ngồi trên tòa sen, vua cầu nguyện cho con được "toàn thể toàn nhãn" và thế là công chúa lại nguyên vẹn như xưa. Vua và hoàng hậu cũng ở lại đây tu hành[5].
Đại khái cả hai truyện nói chung là một mớ hỗn tạp những mẩu phật thoại, tiên thoại ghép với nhau thành truyện. Tượng Quan Âm của Trung-quốc thường là một người nữ tay cầm bình cam lộ, gần đấy có một con chim mỏ cắn một chuỗi ngọc, dấu hiệu của sự tôn quý. Hoặc có khi Quan Âm (đứng hoặc ngồi) tay cầm quyển kinh, dưới chân một bên là Long Nữ tay cầm hòn ngọc, và một bên là Thiện Tài hai tay chắp lại hướng lên chủ mình như đang cầu nguyện.
177. NGUYỄN THỊ BÍCH CHÂU
Ngày xưa, có nàng Nguyễn Thị Bích Châu là vợ vua Duệ Tông nhà Trần. Nàng có nhan sắc xinh đẹp, hơn nữa lại văn hay chữ tốt, trong cung đình nhà vua khó có phi tần nào sánh kịp. Vì vậy khi được tuyển vào cung hầu hạ, Bích Châu sớm được vua yêu, chỉ ít lâu sau được nhắc lên bậc quý phi, thường giúp vua trong việc giấy tờ nghiên bút.
Bấy giờ vua Duệ Tông ham mê chơi bời, chẳng có tài trị nước. Đã vậy, vua thường tự kiêu, lại cả tin bọn nịnh thần. Thấy cơ nghiệp nhà Trần ngày một suy vi, Bích Châu thường tỏ ra lo lắng. Nàng bèn dâng lên vua một bài "Kê minh thập sách", trong đó trình bày mười việc chính sự cần sửa đổi. Nhưng Duệ Tông còn mải rượu chè nào có để ý đến. Thế mà vua còn nghe lời bàn của một viên quan, chuẩn bị đội ngũ để tự mình "thân chinh". Thấy vậy, nàng thở dài: - "Chết thật! Thế này thì đến nguy mất. Nhà vua là người hiếu thắng chẳng chịu tự lượng sức mình". Bích Châu lại viết một bài biểu lời lẽ tha thiết, khuyên chồng nên nghĩ lại. Nhưng bài biểu của nàng cuối cùng cũng bị xếp vào một xó. Thấy chồng quyết tâm kéo quân đi, Bích Châu rất buồn nhưng rồi nàng cũng xin phép chồng cho mình đi theo. Duệ Tông ưng cho. Nàng là một trong mấy chục phi tần cung nữ đi theo ngự giá; họ ngồi trong một chiếc mành riêng, luôn luôn đi cạnh long thuyền nhà vua.
Bấy giờ trời yên biển lặng. Đoàn quân gồm năm trăm chiếc mành lớn xuất phát từ Thăng-long, dong buồm theo đường biển. Chỉ trong năm ngày, đoàn mành rợp cờ xí đã tiến vào một cửa biển lớn, ghé vào đậu tại bãi Bạch-tân. Vua ra lệnh cho quân sĩ lên bộ nghỉ ngơi ít ngày. Nhưng buổi chiều, sau khi ghé bến được một chốc thì trời bỗng nổi một trận gió lốc dữ dội. Vua lo lắng, cho đòi một số bô lão địa phương tới hỏi. Một cụ già đáp:
- Tâu bệ hạ, mùa này vốn là mùa lặng gió. Dân chài chúng tôi vốn thường ra khơi làm ăn. Trận gió lốc này cũng là triệu chứng lạ. Trước mặt đây có một miếu thờ thần Biển rất thiêng. Khách đi ghe mành qua lại thường ghé cầu cúng sẽ được yên ổn, nếu không thì thần phạt làm cho buồm gãy lái xiêu. Hoặc giả đó là do thần Biển gây ra cũng chưa biết chừng.
Nghe nói, vua vội sai quan biện xôi lợn vàng hương đến đền cầu cúng. Canh ba đêm ấy, vua nằm mộng thấy một vị thần thân thể to lớn, râu tóc lòa xòa, mặt mũi dữ tợn, đến ngồi trước mặt, cất giọng oang oang như lệnh vỡ:
- Ta đây là Giao thần. Một dải biển này một tay ta trấn trị. Hà hà? Nhà vua cũng là người biết điều đấy! Nhưng muốn cầu yên cho mấy vạn nhân mạng mà chỉ có con lợn hồ rượu thì sao đủ. Ta nghe chuyến đi này nhà vua đưa theo lắm nàng tuyệt sắc mà ta thì lại chẳng có ai khuây khỏa. Vậy ta muốn nhà vua thả xuống cho ta một giai nhân. Đối lại, ta sẽ giúp cho cuộc hành quân thuận buồm xuôi gió. Nào, nhà vua có bằng lòng không?
Thấy Duệ Tông cúi đầu không rỉ răng, vị thần cười một cách ghê rợn, rồi nói tiếp:
- Hừ, không cho ta cũng không được đâu. Ta sẽ mượn vài lượn sóng đưa đoàn mành nhà vua xuống thăm thủy phủ. Bấy giờ dù có hối cũng không kịp!
Nói đoạn xô ghế đứng dậy rồi biến mất.
Duệ Tông giật mình tỉnh dậy vô cùng khiếp sợ, vội cho đòi các quan tướng và các phi tần đến chỗ ngự tẩm báo cho họ cái tin không hay này. Ai nấy nín lặng nhìn nhau, mặt cắt không được giọt máu. Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói:
- Việc linh ứng của thần nhân như vậy là đã rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân.
Thấy nàng quyết liều mình, Duệ Tông rất thương, bèn nói:
- Lành dữ có số, họa phúc do trời. Ta há vì mộng mị vô thường để chịu thiệt một mình nàng sao. Không dược. Kẻ kia muốn làm gì thì làm, ta quyết không sợ!
Bích Châu lại tiếp:
- Sự thể đến nơi rồi, khó mà cưỡng lại. Xin bệ hạ lấy tính mạng ba quân làm trọng, coi ái ân làm nhẹ. Chỉ tiêu một người cứu được muôn người, con đường ấy dễ đi hơn cả.
Nhưng Duệ Tông vẫn chưa chịu nghe. Bấy giờ cơn gió vẫn còn thổi mạnh, các thuyền mành thả neo bị sóng chao đảo dữ dội. Một vị tướng hầu gần rỉ vào tai vua, xin vua nghe theo lời quý phi để cho yên việc lớn. Sau đó Bích Châu lạy vua rồi bước lên một chiếc thuyền câu. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, chiếc thuyền lướt ra biển cả như một chiếc lá trôi. Bỗng chốc một đợt sóng dâng lên ngập trời. Khi sóng hạ xuống thì thuyền đã biến mất, mọi người chỉ còn nghe mấy tiếng văng vẳng:
- Đa tạ "quan gia"[6]... từ nay vĩnh quyết...
Một lát sau, trời vừa sáng rõ thì sóng lại yên, gió lại lặng. Giao thần đã y ước rút lui để cho đoàn quân tiếp tục cuộc hành trình.
*
* *
Gần một trăm năm sau.
Ngày ấy, ở bãi Bạch-tân lại tưng bừng đón hàng ngàn chiếc mành lớn chở đoàn quân thân chinh do vua Lê Thánh Tông làm tổng chỉ huy. Cũng như lần trước, đoàn mành cờ xí rợp trời lại ghé vào bến cắm neo. Quân sĩ được lệnh lên bộ lấy nước kiếm củi và nghỉ ngơi hai ngày.
Đêm hôm ấy nhà vua nằm ngủ, chiêm bao thấy mình đang ngồi trên long thuyền ngắm cảnh, bỗng từ ngoài khơi có một người đàn bà đi trên mặt nước khoan thai tiến vào, rồi dừng lại trước long thuyền vái chào.
Vua phán hỏi:
- Nàng là ai? Đến đây có việc gì?
Người đàn bà đáp:
- Thiếp là Nguyễn Thị Bích Châu, vợ vua Duệ Tông nhà Trần, đến nhờ bệ hạ ra tay cứu vớt.
- Đầu đuôi thế nào hãy nói rõ cho ta biết?
- Trước đây chồng thiếp kéo một đoàn quân thân chinh cũng dừng lại ở cửa biển này. Giao thần trấn trị ở cõi biển này buộc chồng thiếp phải cho y một người vợ mới chịu để yên. Để cứu toàn quân, thiếp tình nguyện cho Giao thần bắt. Nhưng từ ngày xuống thủy phủ, mới biết y là một hung thần chuyên làm việc đồi bại trong vùng. Thiếp không thể sống mãi với tên dâm ác. Ngày nay may mắn được biết bệ hạ đi qua vùng này, vì vậy đến đây xin bệ hạ hãy giúp thiếp trừ khử tên hung thần, đem lại sự yên ổn cho một cõi.
Vua vội hỏi:
- Trẫm phải làm thế nào thì trừ khử được nó?
- Xin bệ hạ hãy viết một bức thư cho Quảng Lợi Vương là vua của các vua trên biển Đông này, vạch tội ác của Giao thần đối với thiếp rồi dùng súng thần công bắn ra tận ngoài khơi. Hễ việc đến tai Quảng Lợi Vương thì đến lượt thiếp, thiếp sẽ tự mình tố cáo tội ác tày trời của nó. Nghe xong câu chuyện, nhà vua gật đầu. Lập tức bóng người đàn bà biến mất.
Ngày hôm sau, vua sai tập hợp thủy quân cơ nào đội nấy chỉnh tề hàng ngũ. Đoạn trên long thuyền, vua ra lệnh cho đội thần cơ bỏ bức thư có đóng dấu ngự bào vào nòng, bắn ra khơi cho Quảng Lợi Vương. Chỉ một lát sau, người ta thấy trên một vùng biển cả sóng gió mịt mù, một con giao long đang vùng vẫy chạy trốn, có hàng ngàn con khác đuổi theo. Cho đến nửa chiều, sóng yên gió lặng. Tự nhiên có xác của một người đàn bà nổi lên mặt nước, trôi vào trước long thuyền. Mọi người nhìn lại, thấy dung mạo nàng còn tươi như sống.
- Đúng là người phi của đức vua triều trước đã liều tấm thân để cứu ba quân mà sử sách có ghi chép.
Vua nói vậy rồi truyền an táng nàng theo lễ vương phi tại bến Bạch-tân. Vua lại ra lệnh cho mấy chục thần cơ chĩa vào miếu thờ Giao thần nhả đạn. Chỉ trong phút chốc, một tòa đền trở thành đá tan ngói vụn. Sau ngày khải hoàn trở về, vua truyền cho dân địa phương dựng đền thờ Bích Châu tại cửa biển này và phong cho nàng làm Chế Thắng phu nhân.[7]
KHẢO DỊ
Một dị bản khác của truyện Nguyễn Thị Bích Châu là truyện Công chúa Mai Châu, nội dung như sau:
Công chúa Mai Châu là con gái vua Lê Thánh Tông xinh đẹp tuyệt trần, lớn lên thích học võ nghệ và binh thư đồ trận. Năm ấy có giặc Ngô Bát Ngạo cấu kết với quân Chiêm gây chiến ở biên giới, quân nhà vua phải đi đánh, thường bị thua thiệt. Thấy vậy, công chúa tuy còn nhỏ tuổi cũng xin vua cha cho mình cầm quân cứu nước. Vua giao cho năm vạn quân với mươi chiếc tàu. Đến núi An-ngang (Quảng-bình) thì trời bỗng nổi cơn sóng gió. Một vị thần nổi lên mặt nước tự xưng là Giang thần đòi bắt nàng làm vợ nếu không sẽ nhận chìm mười chiếc tàu xuống thủy phủ. Công chúa thấy cần phải hy sinh thân mình để cứu lấy năm vạn quân, bèn gọi các tướng kể rõ mọi việc, và nói: - "Ta đành phải liều mình để chu toàn cho ba quân. Nhưng các tướng hãy về triều báo với cha ta để cha ta vào báo thù". - Nói xong, nai nịt gọn ghẽ rồi cầm gươm nhảy xuống biển.
Được tin báo, nhà vua nổi giận kéo quân vào, trước hết sai lấy chiếc minh kính chiếu tìm nơi ở của Giang thần rồi bắn xuống dữ dội. Không thể cự nổi, Giang thần đành phải trả công chúa. Xác công chúa bèn nổi lên ở vũng Ao-bạch. Vua sai dựng đền thờ ở bờ ao rồi cho đem xác về kinh mai táng. Về sau công chúa hiển ứng, được phong tôn thần[8].
Thần tích làng kẻ Sặt (Hưng-yên) cũng có hình ảnh tương tự với các truyện trên:
Một quan tướng trước khi đánh giặc có hứa với một vị thần rằng mình sẽ hiến một cô gái đẹp nếu thần giúp cho mình đạt được thắng lợi. Trận ấy quả chiến thắng. Sau khi khải hoàn, quan tướng đi qua đền thần quên mất lời hứa; thuyền quân tự nhiên không tiến lên dược. Quan tướng nhớ lại, đành phải ném một cô gái xuống nước. Dân vùng kẻ Sặt thờ nàng làm thần, và làng được thần hiển hiện nhiều việc linh ứng. Nhưng đến khi dân kẻ Sặt chuyển sang Thiên chúa giáo thì họ phá đền và thôi cúng[9].
Thần tích đền Quả thuộc Anh-sơn (Nghệ-an):
Khi quân Lê Lợi tiến vào Nghệ-an, đến vùng Bạch-ngọc, qua đền thần Quả thì thuyền không tiến được nữa. Thần phụ đồng cho biết nếu vua hiến một người vợ thì thuyền sẽ lại đi được và thần sẽ giúp cho chiến thắng. Vua hỏi các bà vợ. Một người trong đó là Phạm Thị Ngọc Trần đã sinh với vua được một con trai tình nguyện làm vật hy sinh[10].
Người Nhật cũng có truyện Người vợ hy sinh cho thần Biển cứu chồng cũng gần giống truyện của ta:
Dưới triều vua Kei-kô có một cuộc nổi dậy của một bộ lạc ở những hòn đảo phía Đông. Vua sai một hoàng tử tên là Ya-ma-tô cầm quân đi đánh.
Trước khi xuất quân, hoàng tử đến đền một nữ thần để cầu. Sau đó, đại quân dong buồm ra khơi. Đến vịnh Yê-đô, không ngờ thần biển làm một trận bão lớn lăm le nhận chìm đoàn tàu xuất chinh. Thần mách: mọi thứ sẽ toàn vẹn nếu chủ tướng vui lòng nhường cho thần cái gì quý nhất của mình. Mọi người đều biết cái quý nhất trong đời chủ tướng là Ta-chi-ba-na, người vợ yêu. Trong lúc nguy cấp, bà Ta-chi-ba-na xin hoàng tử cho mình hy sinh để cứu toàn quân.
Sau khi người đàn bà gieo mình xuống nước, bão quả tạnh. Khi tàu cập bến, hoàng tử nhảy lên bờ bị trượt chân ngã, tay chụp nhầm một cái lược gỗ có mùi thơm phảng phất, mới biết là lược của người vợ cũ. Về sau hoàng tử chiến thắng, đi kinh lược các miền. Trèo lên hòn núi nhìn về hướng Đông nam, ông ta sực nhớ đến người vợ yêu bèn kêu lên "át-su-ma" (vợ tôi). Từ đó cái tên át-su ma được dùng để chỉ nhiều hòn đảo ở Nhật-bản. Một ngôi đền được dựng lên ngay chỗ hoàng tử ngã để kỷ niệm bà Ta-chi-ba-na, trong đó còn đặt cái lược đượm mùi thơm[11].
Người Triều-tiên có truyện Sim-chen không giống các truyện trên, nhưng lại có đề tài một cô gái tình nguyện nhảy xuống biển để cứu người cha khỏi mù:
Vào một thời rất xưa, ở nước San Na-ra có một ông già mù nghèo sinh được một cô gái xinh đẹp. Một hôm một nhà sư hỏi ông: - "Nếu Phật làm cho sáng mắt thì ông cúng những gì?" - "Ba trăm túi thóc", ông đáp liều - "Lấy đâu ra?" - "Tôi không lừa Phật". - "Được, cứ mang đến chùa, mắt sẽ sáng". Ông già về nhà nghĩ mãi nhưng không có cách gì để thực hiện lời hứa nên buồn rầu, quên ăn quên ngủ. Thấy vậy, cô gái hỏi ông. Ông không trả lời, nhưng do con gái cứ căn vặn mãi, cuối cùng ông cũng cho biết sự thật.
Ít lâu sau, có một bọn lái buôn đến vùng ấy tìm mua một cô gái nhà nghèo để dự bị dâng thần Biển mỗi khi thần nổi giận trong lúc vượt vời. Cô gái tự bán mình lấy ba trăm túi thóc mà không cho bố biết. Mặc dầu vậy, bố cô cũng đoán ra; ông tìm đến bọn lái ngăn cản, nhưng việc đã rồi, vả con gái ông tỏ ra hết sức kiên quyết, hy vọng để bố sáng mắt. Thuyền bọn lái chuyến ấy đi biển có sóng to, cô gái che mặt nhảy xuống nước và quả nhiên biển lặng.
Xuống thủy phủ, cô gái được ở với vua Thủy. Khi bọn lái trở về, qua nơi cô gái hy sinh thì thấy nổi lên mặt nước một đóa hoa hồng tuyệt đẹp - "Đó là cô gái hóa thành". Nhà vua đau nặng, người ta bảo chỉ có hoa hồng giữa biển chữa là lành. Bọn lái tìm đến vua bán đóa hoa. Trong khi đó vua Thủy đưa nàng lên trần, đặt ở vườn hoa. Vua bắt gặp bèn lấy nàng làm vợ. Cô gái kể chuyện ngày xưa cho chồng nghe. Vua sai đi tìm ông già, và hai cha con nhận ra nhau[12].
Trong thần thoại Hy-lạp (Grèce) có truyện I-phi-jê-ni (Iphigénie) có đề tài hy sinh tương tự, nhưng nội dung có khác:
A-ga-mem-nông sắp kéo đại quân vượt biển đánh thành Tơ-roa báo thù cho vua anh là Mê-nê-lát bị cướp vợ. Nhưng thần Gió chơi khăm, ở đây thần không làm bão tố như truyện của ta và của Nhật, mà lại làm cho không có một tý gió nào để có thể dong buồm. Một vị tiên tri cho biết: muốn cho đại quân vượt biển thuận lợi thì phải hiến tế I-phi-jê-ni, nàng công chúa yêu, trước bàn thờ nữ thần Đi-an.
Vua không nỡ, nhưng sau vì lòng hiếu thắng trước toàn quân, buộc phải hy sinh tình cha con. Về phần I-phi-jê-ni bị bố lừa tới nói là để gả cho một vị tướng, nhưng khi biết sự thật, cũng can đảm nhận lấy cái chết. Nhưng lúc lưỡi dao sắp dâm vào cổ nàng thì nữ thần Đi-an đã đón nàng di, thay vào đó một con nai tơ[13].
[1] Theo Quan Âm Thị Kính, nhà in Mai Du Lân, Hà-nội, 1933; và Quan Âm chính văn tân truyện (nôm) bản in Phúc An (1919).
[2] Theo Bản khai sách Hữu-lập, Vĩnh-lại và Nhiêu-hợp, tập II.
[3] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn.
[4] Theo Trúc Lâm Tục Đăng. Nam Hải Quan Âm bản hành quốc ngữ (nôm), bản in năm Tự Đức thứ 3 (1850).
[5] Theo Đờ Grut (De Groot). Những lễ lạt hàng năm cử hành ở Ê-mu-y (thuộc Phúc-kiến, Trung-quốc).
[6] Từ dùng để chỉ vua thời Trần
[7] Theo Đoàn Thị Điểm. Truyền kỳ tân phả, truyện "Hải khẩu linh từ".
[8] Theo Jê-ni-bren (Génibrel), sách đã dẫn; và Lê Hương. Truyện tích Việt-nam.
[9] Theo Bát-xê (Basset). Truyện cổ tích và truyền thuyết ở Viễn đông, tạp chí Dân tộc học và truyền thống dân gian, tập 1 (1920).
[10] Theo Thần tích xã Bạch-ngọc (Nghệ-an).
[11] Theo Hô-vơ-lấc-cơ (Hovelaque). Các dân tộc phương Đông, quyển II: Nhật-bản, Pa-ri, 1921.
[12] Theo Ga-rin (Garine): Truyện cổ tích Triều-tiên.
[13] Theo Từ điển thần thoại.