193. HAI ANH EM
Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Ngày xưa có hai anh em ruột, người nào cũng đã có vợ và ở riêng. Vợ chồng người anh thóc bồ rạ đụn, có của ăn của để, nhưng keo cú thì không ai bằng. Trái lại, vợ chồng người em tuy không đất cắm dùi nhưng lại tốt bụng, đối đãi với bà con làng xóm như bát nước đầy. Tuy họ phải đi làm thuê làm mướn nuôi thân, nhưng ai nghèo khó vẫn sẵn lòng giúp đỡ.
Một hôm có lão ăn mày rách rưới lần vào ngõ nhà người anh để xin ăn. Nhưng vợ chồng nhà này vừa trông thấy lão thì mặt đã rắn lại như đá cuội. Chúng đã không thí cho lão chút gì lại còn thả chó dữ ra khiến lão phải nhanh chân lủi bước. Khi lão lọt vào cổng của nhà người em thì vợ chồng nhà này đang ăn cháo bữa chiều. Trông thây ông già có vẻ đói lả người chồng liền ra dắt tay đưa vào ngồi bên cạnh mâm. Anh bảo vợ múc cháo thêm ra bát, và nói:
- Mời cụ ngồi ăn bát cháo với chúng tôi cho đỡ dạ, rồi hãy đi nhà khác.
Ông lão ăn xong một bát, lại xin thêm bát nữa, rồi bát nữa. Tuy cháo không nhiều, hai vợ chồng vẫn múc không ngần ngại. Ăn xong, ông lão chống gậy đứng lên rồi bỗng đột ngột bảo hai người:
- Các con nghèo mà lại thảo, thật là đáng quý. Ta biết có một chỗ có nhiều vàng bạc. Vậy hãy theo ta lên núi, ta chỉ cho.
Cả hai vợ chồng nhìn nhau ngơ ngác. Thấy ông lão thúc giục đôi ba phen mới tin là ông không đánh lừa, bèn đánh bạo đi theo lên núi. Trèo lên một hòn núi cao đã nhìn thấy một nền gạch có mấy bậc thềm. Vào sâu một đoạn nữa, thấy có hai con chó đá đang chầu trước một cái bệ. Ông lão bước lại gần, sẵn cái gậy trúc ở tay, ông cầm gõ vào đầu chó ba cái. Bỗng nhiên chó đá há miệng thật to. Ông lão bảo:
- Đấy. Các con muốn lấy bao nhiêu vàng bạc thì lấy!
Hai vợ chồng đang rụt rè thì bỗng chốc ông lão đã biến đi đâu mất. Chồng đánh bạo thò tay vào miệng chó mà khoắng thì quả nhiên lấy ra được những thỏi sáng giấp giới. Bèn lấy vội mỗi người mấy thỏi giắt lưng đem về. Từ đó họ giàu có sung sướng.
Vợ chồng người anh thấy em đang nghèo xơ nghèo xác bỗng chốc tậu ruộng, làm nhà, mua trâu, thuê người v.v..., thì hết sức ngạc nhiên. Bèn tìm đến nhà em để xem tai sao lại có chuyện lạ lùng như vậy. Vợ chồng người em vốn thật bụng, vui lòng kể lại vận đỏ gặp một ông tiên giả dạng ăn mày cho anh chị nghe. Nghe xong, người anh vội nói:
- Tưởng là ai chứ ông lão ấy thì hôm nọ có đến ăn xin ở bên nhà. Rõ tiếc chửa. Thế mà chúng ta lại không biết.
*
* *
Từ đó, hai vợ chồng người anh thường để ý tìm ông lão ăn xin, hy vọng được của như em. Họ cất công đi các chợ búa làng mạc. Họ còn thuê người đến tận các nơi xa để tìm tòi, nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Một hôm vừa ra khỏi cổng, người chồng đã bắt gặp ông lão đang ngồi bên vệ đường, vẫn chiếc áo nâu rách, cây gậy trúc, và bộ râu trắng xóa không thể lầm vào đâu được. Hắn bèn chạy ngay đến, cung kính chào hỏi và khác với lần trước, hắn cố chèo kéo ông lão về nhà mình cho bằng được. Khi ông lão đã ngồi yên vị đâu đấy, hắn quát người nhà giết gà làm cỗ mời ông lão xơi. Đợi cho ông ăn xong, hai vợ chồng mới đến gần, quỳ xuống nói.
- Hôm nọ tiên ông giúp cho nhà chú nó được vàng được bạc, thật là quý hóa. Chúng tôi với chú nó là chỗ ruột rà. Vậy xin tiên ông rủ lòng thương cho cả hai anh em được đội ơn luôn thể. Vợ chồng chúng tôi không bao giờ quên.
Ông lão nghe xong, gật gù nói:
- Cũng được. Vậy thì hãy đi theo lão.
Hai vợ chồng hí hửng mang theo quang gánh lật đật chạy theo. Đi đến nơi: ông lão cũng dùng gậy trúc gõ vào đầu một con chó đá. Chó vừa há miệng thì chồng đã nhanh tay thò vào. Nhưng tay hắn chưa kịp rút ra thì chó đá đã ngậm miệng lại. Hắn ta cuống cuồng quay lại cầu cứu tiên ông thì tiên ông đã biến mất từ lúc nào. Vợ cố lôi kéo hộ chồng, nhưng miệng chó đá ngậm chặt không thể gỡ nổi.
- Thôi đích là ông tiên trừng phạt về tội tham lam của chúng ta.
Nói xong, hai vợ chồng nhìn nhau khóc lóc than thở. Cuối cùng chồng bảo vợ: - "Nay chết thì không chết, mà rút cũng không rút ra được. Bây giờ trời đã chiều, nàng hãy về kiếm cơm cháo hàng ngày đưa lên cho tôi với để may chi kéo dài cuộc sống thừa".
Từ đó hằng ngày vợ lo cơm nước lên núi cho chồng ăn. Khi chồng ăn xong, vợ lại về để chuẩn bị cho ngày mai. Cứ như thế, trong ba năm đi đi về về không biết mệt, người vợ cũng đã bán hết ruộng vườn nhà cửa để cung đốn cho chồng.
Một hôm, sau khi ăn xong, chồng bảo vợ:
- Ta vì tham của nên mới ra nông nỗi này. Nay tài sản đã khánh kiệt chắc không thể kéo dài cuộc sống như thế này được mãi. Thôi sẵn hôm nay vắng vẻ, nàng hãy xích lại đây cho ta được vui đùa một lát, kẻo chết là hết.
Thấy chồng van nài nhiều lần, vợ cũng thương hại, bèn chiều chồng, xích lại một bên. Nhưng khi vợ vừa cởi áo xống thì chó đá đã há miệng ra cười. Chồng vội vàng rút cánh tay bị cầm giữ bấy lâu trong hàm chó. Rồi cả hai chẳng nghĩ đến sửa soạn, cứ thế chạy một mạch xuống núi. không dám ngoảnh cổ lại [1] .
Ngày nay còn có câu tục ngữ: "Chó đá biết cười", ý nói có những việc thậm chí làm cho chó đá cũng không thể nhịn được, là do truyện trên mà ra.
KHẢO DỊ
Người Mèo có truyện Anh em mồ côi gần giống với truyện của ta.
Có hai anh em sống côi cút, lúc đầu thương nhau, nhưng khi lấy vợ, anh đuổi em đi, vu cho em có hành động không tốt đối với chị dâu. Em tìm lên hang đá ở, cửa hang có phiến đá bằng cái giường, em khóc mãi khóc hoài, nước mắt làm cho đá lõm xuống. Phiến đá bèn hỏi: - "Sao lại khóc?". Em kể chuyện cho nghe. Nghe xong đá bảo: - "Hãy thò tay vào lỗ hõm móc lấy tim, gan, phổi mỗi thứ một ít sẽ có đủ đồ ăn thức dụng". Nghe lời, em lấy mỗi thứ một ít bỏ vào bát, thì tim tự nhiên hóa thành vàng, gan thành bạc, phổi thành kho lúa, kho ngô.
Khi giàu có, người em lấy vợ. Một hôm vợ bảo: - "Nhà chỉ có hai anh em dù sao cũng không nên tuyệt tình". Em bèn mời anh đến chơi nhà. Anh thấy em nhờ đá mà giàu có cũng về bảo vợ làm bộ đánh đập đuổi lên hang đá, rồi cũng giả bộ khóc lóc ngày đêm. Sự việc cũng xảy ra như trên, nhưng chưa kịp rút tay thì đá đã ngậm lại. Ở đây kết thúc cũng như truyện của ta. Để nuôi chồng ngày này qua ngày khác, vợ bán dần hết gia sản. Một hôm, chồng bảo vợ hãy cho xem "cái ấy" một tí để rồi có chết cũng thỏa. Vợ nghe lời cởi áo váy chạy lại, đá liền cười ngất, chồng lập tức rút tay thoát [2] .
Người Cham-pa có truyện Ca-đốp và Ca-đoéc cũng là một dị bản của hai truyện trên.
Một phú ông chết để lại cho hai con trai gia tài khá lớn. Lúc em Ca-đoéc đi chôn bố thì anh là Ca-đốp giấu tất cả vàng bạc. Em về hỏi: - "Vàng bạc của cha đâu?". Đáp: - "Không biết". Thấy em không nói gì. Ca-đốp còn lấn tới: "Của cha mẹ chỉ có cái nhà này, tao có vợ con, mày chưa có gì, mày hãy nhường cho tao, đi ở chỗ khác". Nói rồi chiếm lấy tất cả, chỉ chia cho em một con chó, một con mèo và một mảnh ruộng hoang. Không có sức kéo, Ca-đoéc bắt chó và mèo kéo cày. Chúng lôi không nổi. Chàng đánh mạnh tay làm chúng kêu ầm ĩ. Một hòn đá gần đấy thấy vậy bèn há miệng cười để lộ vàng sáng lấp lánh. Ca-đoéc bèn lấy về tậu ruộng cất nhà, trở nên giàu có.
Khi nghe em kể sự tình, Ca-đốp nổi giận đánh Ca-đoéc và nói: "Sao không gọi tao với!". Rồi giành lấy chó và mèo, lại thuê xe bảo vợ và người nhà cùng đến chỗ có đá. Cũng bắt chước em đánh chó và mèo, và miệng đá cũng há ra cười. Nhưng chưa kịp rút tay thì đá đã ngậm lại. Biết là chết, hắn gọi vợ lại cho hắn vui đùa. Và cũng như kết thúc của hai truyện trên, đá cũng lại há miệng cười. Thoát nạn, hắn lại về đánh em một lần nữa. mắng: - "Đồ xỏ lá và tham lam, dám lừa ta. Anh em mà không biết thương nhau" [3] .
Một dị bản của ta do người miền Nam kể cũng giống với truyện Cham-pa.
Đại khái người anh tham lam chiếm tất cả tài sản của bố mẹ để lại, chỉ cho em một con chó, một con mèo và một đám ruộng. Người em cũng bắt chó và mèo cày ruộng. Nhưng mỗi lần anh chàng giục chó đi nhanh thì chó nói: - "Chó kêu ẳng, thủng thẳng mà đi!". Còn khi anh đánh mèo vì mèo đi sai đường thì mèo nói: - "Mèo kêu ngao, thấy sao hay vậy!" A nh đánh mấy chúng vẫn nói thế khiến chó đá bật cười làm rơi ra nhiều vàng. Sự việc diễn ra cũng tương tự như trên.
Người Kat-chin ở Miến-điện (Myanmar) có truyện Hai đứa mồ côi cũng có hình ảnh con chó kéo cày nhưng mô-típ của truyện lại không cùng loại với các truyện đã kể:
Có hai anh em mồ côi, gia sản để lại chỉ có một con trâu. Anh bảo em: - "Tao nắm đầu trâu, mày nắm đuôi trâu kéo xem ai được cái gì thì lấy cái ấy". Kết quả người anh được cả con trâu, còn em chỉ được một con rận sau khi để tuột mất đuôi. Em bắt về nuôi, con rận trở nên to béo nhưng bị gà xóm giềng ăn mất. Bèn bắt bồi thường, không chịu lấy vật đền nào khác mà chỉ lấy con gà. Đem về chăm chút được vài ngày gà lại bị chó xóm giềng ăn mất. Lại được đền con chó, đem về chăm sóc. Mùa cày đến vì không mượn được trâu, em bắt chó ra cày. Mỗi lần cày một đường em đặt cơm ở phía trước, chó thấy cơm thì ra sức kéo để được ăn. Cứ như thế mà cày xong ruộng. Một bọn lái nghe nói không tin, đánh cược tất cả ngựa thồ và hàng hóa. Em thắng cuộc trở nên giàu có. Người anh thấy vậy bèn bảo em cho mượn con chó một hôm, nhưng dù đánh đập bao nhiêu, chó cũng không kéo cày. Tức mình hắn chém chết chó. Em khóc chó và đem chôn. Sáng hôm sau, chỗ chôn đã mọc lên một cây tre có con chim hót: "bạc, bạc". Em đưa rổ ra hứng và quả được bạc. Ngày nào cũng vậy. Người anh lại hỏi mượn cả tre lẫn chim, hứa sẽ không làm hại. Nhưng lúc này chim đổi giọng, hót là: "dut, dut", rồi đánh rơi cứt xuống áo và mặt hắn. Anh giận chặt cây tre, còn chim thì bay mất. Em đưa cây tre về chẻ ra từng thanh, đan thành lồng gà, cứ mỗi sáng bỏ vào một con thì đến chiều gà đầy lồng. Người anh lại đến mượn lồng, nhưng hễ bỏ gà vào bao nhiêu đến sáng biến mất bấy nhiêu. Hắn lại chặt nhỏ lồng. Em nhặt về dùng làm củi, mỗi thanh đun cả một ngày. Người anh lại đến xin ba thanh, đưa về bỏ cả ba vào bếp. Lửa bỗng cháy bùng lên rất dữ thiêu cả nhà. Từ đó hắn trở thành nghèo khổ [4] .
Hình ảnh miệng đá (hoặc chó đá) ngậm lại giữ chặt tay người cũng có trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường: Khán Đồng được lệnh lang Cun Cần đi bắt rùa vàng để rửa "nhà chu". Một hôm đi nương, đến hang Hến hang Hạp, thấy có rùa, Khán Đồng vội đuổi theo. Rùa chạy vào hang, anh thò tay vào bắt, bị "hàm đá dưới cắn lên, hàm đá trên vập xuống", rút tay không được. Ở đây cũng có chó và người yêu (không phải vợ), anh bèn nhờ chó chạy đi "cắn gấu váy" đưa người yêu của mình là nàng Sông Đón đến. Thấy nàng khóc lóc đến nỗi cây cỏ cũng động lòng thương. Bụt thương tình, bèn sai hàm đá mở ra. Anh thoát nạn, lại bắt được rùa vàng cho lang [5] .
[1] Theo Nguyễn Văn Ngọc, A. Người ta, sách đã dẫn.
[2] Theo Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao. Truyện cổ dân tộc Mèo, sách đã dẫn.
[3] Theo Jan-nơ Lơ-ba (Jeanne Lebat). Cham-pa, một vương quốc đã mất, Tri tân số 99 (1943). Người Cham-pa còn có dị bản Chà Lúc Chà Lắc nhưng lại kể khác đi chúi ít như sau: Chà Lúc là anh chiếm hết gia tài, chỉ để cho em là Chà Lắc một mảnh ruộng đá sỏi. Cày không được, em chỉ khóc. Thần núi hiện ra hỏi vì sao lại khóc. Em kể sự thật. Thần đọc câu chú, kẽ đá tự nhiên nứt ra cho hắn lấy vàng. Lấy xong kẽ đá khép kín lại. Sau khi biết chuyện, Chà Lúc buộc em đổi cho mình gia tài rồi cũng đến ruộng giả ngồi khóc. Thần núi cũng làm cho kẽ đá nứt ra, nhưng nửa chừng kẽ đá khép, giữ tay hắn lại. Vợ hắn cũng đi đi về về mang cơm nước cho chồng. Được mấy ngày, hắn bảo vợ cho yêu một lần chót. Thần núi thấy vậy bật cười, kẽ đá mở ra. Chà Lúc rút đươc tay. Về nhà hắn mắng em. Chà Lắc sợ, bỏ đi mất, hắn chiếm luôn gia sản (Văn hóa Á Châu số 15, 1959).
[4] Theo tạp chí Nhân 1oại (1909).
[5] Theo Đẻ đất đẻ nước; Ty Văn hóa Thanh-hóa, 1975.