watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Kho Tàng Truyện Cổ Tích-182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU - tác giả Nguyễn đổng Chi Nguyễn đổng Chi

Nguyễn đổng Chi

182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU

Tác giả: Nguyễn đổng Chi

Vào một ngày rất xưa, trong khu rừng sâu có một giếng nước trong mát luôn năm không bao giờ cạn, gọi là giếng tiên. Vì giếng ở cách xa dân cư, người trần không mấy ai qua lại nên các nàng tiên trên trời thường dùng chỗ ấy làm nơi hội tụ. Ở đấy họ thỉnh thoảng đến lấy nước, hoặc có khi trút bộ cánh trên bờ, xuống bơi lội đùa giỡn cho thỏa thích.

Cũng ngày ấy, ở cõi trần có một chàng trai làm ăn chăm chỉ nhưng sống một thân một mình. Một hôm anh lên rừng đốn củi không ngờ quá chân lạc bước đi mãi vào khu rừng sâu. Trong khi tìm lối ra, anh bỗng đi qua cái giếng tiên lúc ấy có ba nàng tiên đang bơi lội cười đùa trong làn nước. Anh chàng lặng lẽ đứng nhìn mê mẩn quên cả về. Thấy có ba bộ cánh trắng toát để lại trên bờ cỏ xanh, anh tính chuyện rình bắt một cô theo mình. Nghĩ vậy anh rón rén bò lại lấy trộm một bộ, rồi nấp vào một gốc cây.

Sau khi tắm xong, ba nàng tiên thong thả lội lên bờ. Hai nàng được cánh của mình bay vụt lên trời, còn một nàng mất cánh ngơ ngách tìm tòi khắp nơi. Thấy vậy, anh chàng từ chỗ nấp bước ra. Nàng tiên cầu khẩn:

- Hỡi chàng trai lạ! Chàng hãy vui lòng trả cánh cho ta để ta về!

- Không được! Chàng trẻ tuổi tươi cười trả lời. Bộ cánh này đã lọt vào tay ta thì đừng có hòng lấy lại. Nàng hãy theo ta về nhà làm vợ. Ta sẽ làm cho nàng sung sướng!

Mặc dầu nàng tiên van khóc hết lời, chàng trai nhất định không chịu trả. Trời đã xế chiều, anh chàng làm bộ cương quyết ra về. Túng thế nàng tiên đành phải lẽo đẽo đi theo. Về tới nhà, trước tiên anh bí mật giấu kỹ bộ cánh rồi ra soạn sửa cơm nước, áo quần, chăn chiếu cho nàng tiên dùng. Từ đó nàng tiên trở thành vợ anh.

Lấy nhau không được bao lâu, vợ chàng sinh một đứa con trai. Thấm thoắt đứa con đã lên ba tuổi. Chồng sung sướng nhìn con bập bẹ tập nói, còn vợ thì đã thưa nhắc đến chuyện đòi lại bộ cánh để trở về trời.

Một hôm, anh chàng có việc phải đi xa và đi lâu. Trước khi lên đường, anh dặn vợ:

- Mẹ con ở nhà, có ăn thì ăn đụn lúa vang, rồi sang đụn lúa ré, chớ ăn đụn lúa rẹ, có tổ ong vò vẽ, đốt cả mẹ liền con.

Nhưng vợ ở nhà không làm theo đúng lời dặn của chồng. Sau khi ăn hết đụn lúa vang, nàng liền chuyển sang ăn đụn lúa rẹ. Không thấy có tổ ong vò vẽ nào đốt cả, nàng tiên bèn sinh mối ngờ vực. Lời dặn của chồng, nếu trước đấy là một lời dậm dọa, thì lúc này đã trở thành một câu mách ngầm. Qủa nhiên, sau một hồi tìm tòi, nàng tiên đã tìm thấy bộ cánh cũ của mình giấu kín dưới cót thóc mà chồng dặn phải kiêng không đụng đến.

Được cánh, nàng tiên nóng lòng về thăm bố mẹ, chị em đã từ lâu xa cách. Nhưng khi lắp cánh vào thì thấy ngường ngượng. Đã lâu lắm không bay, nàng cảm thấy nặng nề khi cất cánh. Từ đó, hàng ngày nàng phải giở cánh ra tập luyện. Mỗi lần mẹ bay la bay bổng, đứa con trai ngây thơ cười như nắc nẻ.

Thấy con cười, mẹ mắng:

- Cười sằng sặc có khi rặc cổ, cười ha hả có khi rã xương!

Chẳng bao lâu thói quen đã trở lại. Nhưng vì thương con, nàng tiên vẫn nấn ná chưa chịu về trời.

Lật bật đã sắp đến ngày về của chồng. Nàng quyết định phải ra đi. Một buổi chiều, nàng tiên làm một mẻ rất nhiều bánh. Sáng hôm sau, mẹ đưa con vào buồng, dặn: -"Con ở nhà hễ khi nào đói thì vào buồng lấy bánh mà ăn đừng có đòi mẹ nhé!". Rồi mẹ gài lên áo con một chiếc lược và dặn:

- Con nhớ giữ lấy lược cho cha nghe!

Dặn đoạn, nàng tiên vỗ cánh bay bổng lên không trung.

*

* *

Người chồng trở về thấy mất vợ, lại thấy lược vợ cài vào áo con thì đoán ra nông nỗi: con chim trời đã về tổ cũ. Từ đấy cha con cui cút, lòng anh buồn rười rượi; thằng bé vắng mẹ kêu khóc đêm ngày. Một hôm, chàng lại bế con tìm lên giếng tiên. Chàng vẫn nhớ con đường đi ngày nọ xuyên qua mấy khu rừng sâu. Nhưng lần này cây cỏ rậm rì che kín hết lối. Chàng tìm mãi hết ngày này sang ngày khác. Cuối cùng chàng cũng lần tìm ra chốn cũ. Lập tức chàng đưa con đến nấp bên bờ giếng tiên, hy vọng sẽ được gặp lại vợ ở đây. Chờ mãi đến trưa hôm sau, cha con mới thấy một bà già từ trên trời xách thùng xuống múc nước. Từ chỗ nấp bước ra, chàng trai nắm lấy thùng cầu khẩn:

- Hỡi bà tiên! Bà hãy thương tôi giúp cho tôi một việc.

- Việc gì? Bà tiên hỏi.

- Tôi là chồng nàng tiên ba năm trước đây xuống tắm chốn này. Nàng đã là vợ tôi và là mẹ của thằng bé này. Thế mà nàng đột ngột bỏ về trời không một lời để lại. Vậy bà làm ơn giúp cha con chúng tôi, nhắn tin cho vợ tôi xuống đây gặp chồng gặp con một tý. Đây là chiếc lược của vợ tôi để lại làm dấu tích, bà cứ cầm về, vợ tôi khắc biết ngay.

- Ta biết rồi. Nàng tiên đó là ả Chức hằng ngày dệt vải nhưng vẫn nhớ chồng nhớ con. Được, ta hứa sẽ đưa giúp.

Hai cha con lại cất công ngồi chờ cho đến tận chiều hôm sau mới thấy có hai người từ trên trời xuống. Họ có đem theo mọi thứ dây túi để đưa cha con lên trời. Họ dặn cha con phải nhắm mắt và phải giữ hết sức im lặng. Vào khoảng canh khuya, hai cha con đã bước vào cõi trời, và khi có lệnh "mở mắt", họ đã yên vị trong nhà ả Chức. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi.

Nhưng chỉ được hai ngày sau, hai cha con lại phải rời "thượng giới". Lệnh cấm của Ngọc Hoàng rất nghiêm. Bất cứ người trần nào dám cư trú ở cõi trời đều bị coi như kẻ địch. Người nào chứa chấp cũng bị tội nặng. Ả Chức tuy thương chồng con vô hạn, nhưng không thể xuống sống ở cõi trần. Đành phải chia tay.

Ngày hôm đó, vợ gạt nước mắt trao cho hai cha con một cái trống, một mo cơm, và dặn: -"Hễ chân chạm đất thì cứ đánh ba tiếng trống để trên này biết mà cắt dây".

Hai cha con xuống được nửa đường thì trời đã trưa. Thấy thằng bé khóc đói, anh chàng bèn dừng lại giở mo cơm đặt lên mặt trống cho con ăn. Thằng bé bốc cơm ăn làm vương vãi trên mặt trống. Một đàn quạ thấy vậy bèn sà xuống mổ lấy mổ để. Ở trên kia, ả Chức nghe có tiếng trống tưởng là cha con đã xuống đến đất, bèn cứ việc cắt dây. Dây đứt, cha con rơi xuống biển cả. Thấy việc không ngờ lại xảy ra như thế, đàn quạ biết là lỗi tự mình, bèn bay lên trời kêu váng cả lên. Thế là việc phạm lệnh cấm của nhà ả Chức lọt đến tai Ngọc Hoàng.

Sau khi biết rõ tình cảnh của họ, Ngọc Hoàng lấy làm thương hại, bèn hạ lệnh cho cha con lên trời, giao cho chàng công việc chăn trâu. Sau này người ta gọi anh là chàng Ngưu, hay chàng Ngâu. Hàng ngày chàng Ngưu thả trâu của nhà trời ăn cỏ nhưng chỉ được phép thả trâu và cư trú bên kia bờ sông Ngân. Bên này bờ, ả Chức vẫn ngày ngày dệt vải. Mỗi năm Ngọc Hoàng chỉ cho hai vợ chồng gặp nhau một lần vào ngày mùng bảy tháng Bảy. Đàn quạ có lỗi thì ngày hôm ấy phải đội đá bắc cầu cho hai vợ chồng qua lại.

Từ đấy, cứ đến ngày mùng bảy tháng Bảy, trời thường rỉ rả mưa phùn, người ta gọi là mưa Ngâu, cho rằng đó là những giọt nước mắt của vợ chồng được gặp gỡ trong một ngày, rồi lại ly biệt cho đến năm sau. Giống nòi quạ cho đến nay vào ngày ấy thường bị sói đầu, người ta cho là vì phải làm phận sự đội đá bắc cầu nên mới thế [1] .



KHẢO DỊ


Về chỗ chàng Ngưu cùng con đứng chờ ở giếng tiên, có người kề hơi khác như sau:

Qua mấy ngày chờ đợi, chàng Ngưu không thấy nàng tiên nào xuống tắm, cuối cùng chỉ thấy một thị tỳ quảy thùng xuống múc nước. Cha con lân la đến xin uống. Trong khi chàng Ngưu than thở kể lể chuyện mình với người đàn bà, thì đứa bé vô tình đánh rơi chiếc lược (hoặc cái trâm) của mẹ nó vào thùng. Không ngờ người đàn bà ấy lại là thị tỳ của ả Chức. Lúc về đổ nước ra dùng, ả Chức nhận ra chiếc lược của mình, hỏi chuyện mới hay chồng và con đang đi tìm. Bèn lấy ra một chiếc khăn phép trao cho người hầu, bảo xuống giếng tiên đưa cho cha con đội lên đầu là có thể theo người hầu lên trời [2] .

Ở Nghệ-an có người kể lại như sau:

Một người đàn ông chưa có vợ một hôm đi gặt, tự nhiên thấy có một cái cánh ở lưng chừng trời sa xuống, bỗng chốc nhìn lại thì hóa ra là một người đàn bà xinh đẹp. Người này để lại bộ cánh trên bờ ruộng, lần mò xin gặt thuê. Anh chàng nhận lời cho gặt, nhưng khi lượm lúa, anh trộm lấy cánh giấu vào bó lúa. Chiều tối người đàn bà mất cánh đành phải về theo anh làm vợ, sau sinh được ba người con. Một hôm người chồng phải đi lính, khi đi dặn vợ:

- Ăn hết cót lúa vang, ăn sang cót lúa ré, đừng có ngó nghé đén cót lúa chiêm [3] .

Vợ nghi ngờ, bèn mở cót lúa chiêm ăn trước, quả tìm được cánh, bèn về trời. Chừng người chồng mãn hạn lính trở về, cha con dắt nhau đi tìm, than khóc không nguôi. Bụt hỏi vì sao mà khóc. Anh ta kể lại đầu đuôi. Bụt bảo ngày mai nếu thấy có dây từ trên trời thả xuống thì cha con cứ nắm lấy mà trèo lên. Hôm sau, nhờ sợi dây anh chàng leo được lên đến cửa nhà trời, gặp lại vợ. Kết thúc cũng có tình tiết cha con trở về với cái trống, gói cơm và cũng bị đàn quạ (ác là) làm cho người nhà trời vặn (?) dây, đưa đến cái chết của hai cha con. Nhưng người kể lại cho rằng cha hóa thành con cuốc, con hóa thành con ve, chứ không phải được lên trời như truyện trên [4] .

Một dị bản Người lấy tiên , lại có những tình tiết khác nữa: Có hai anh em, bố mẹ mất để lại một số tài sản. Anh tham lam chiếm lấy tất cả, chỉ chia cho em một thửa ruộng xấu. Cày không được, người em chỉ ngồi khóc. Một vị tiên xuất hiện, hỏi: "Vì sao con khóc?" Hắn trả lời: -"Ruộng khô cứng cày không nổi, biết lấy gì mà sống đây!". Tiên bèn chọc gậy xuống đất, tự nhiên nước theo lỗ phun lên đầy ruộng. Người em cày cấy. Đến mùa lúa chín bội thu, người em gặt không xuể (có người kể gặt đến đâu lúa mọc lên đến đấy) lại ngồi khóc. Tiên lại hiện ra hỏi lý do rồi cho năm tiên nữ xuống gặt giúp. Người em thấy các nàng xinh đẹp, bèn giấu đi một cặp cánh. Cuối cùng nàng tiên mất cánh trở thành vợ chàng như các truyện trên. Sau khi tìm được cánh, nàng tiên bèn rang bỏng trộn mật cho con ăn dần, lại đặt một chậu nước ở giữa nhà cho con uống dần. Ở đây người chồng lên trời tìm vợ tiên bằng cách đốt "cơ nghiệp" để cho ngọn khói đưa hai cha con bay lên. Đến nơi, họ không biết lối, trong khi đi tìm, họ dừng lại bên giếng nhà trời xin nước uống đỡ khát, vô tình đứa bé đánh rơi lược mẹ vào thùng nước, nhờ vậy mà chồng gặp lại vợ. Sau đó theo người kể, cả vợ chồng con cái cùng xuống trần mỗi người một nơi, về sau họ mới lại lên trời [5] .

Mô-típ truyện Ả Chức chàng Ngưu hầu như ít vắng mặt trong cổ tích thần thoại của nhiều dân tộc, đặc biệt các dân tộc ở Đông Nam Á nói riêng, ở Á - Úc nói chung. Chúng tôi chỉ kể sau đây một số truyên có tính chất điển hình.

Trước hết là truyện của đồng bào Cham-pa Lưỡi dao thần , tình tiết có nhiều nét độc đáo:

Một chàng trai mồ côi chăn trâu cho người, một hôm lấy trộm xiêm áo của ba nàng tiên thường đáp xuống chỗ xoáy nước tắm, không ngời bị họ làm phép chẳng những lấy lại được xiêm áo mà còn giết chết chàng trai. Một con rùa - con thần Nước - vốn trước đây được chàng trai cứu khỏi nạn đá đè, thấy vậy, bèn nhổ một cây thuốc thần có phép cải tử hoàn sinh làm cho ân nhân - bấy giờ xác đã nát rữa - sống lại. Nhờ cây thuốc này mà phép của nàng tiên không còn hiệu nghiệm khi chàng lại trộm xiêm áo lần thứ hai. Thế là nàng tiên thứ ba, người mất trộm xiêm áo lần này, đành trở thành vợ chàng và sinh với chàng một đứa con trai. Một hôm chồng đi chăn trâu như thường lệ, vợ đổ thóc trong bồ ra phơi thì tìm được xiêm áo bấy lâu chồng giấu trong đó, bèn mặc vào rồi bay về trời. Chàng trai trở về thấy mất vợ, bèn mang cây thuốc và bế con tìm đến chỗ xoáy nước để tìm. Gặp lại rùa thần, rùa cho hai viên thuốc quý và khỏe hơn trước bội phần. Trên đường đi tìm, họ gặp đại bàng (rác), đại bàng bắt cha con hàng ngày phải đi tìm lươn cho nó ăn. Một hôm mưa lụt không có lươn, đại bàng nuốt họ vào bụng. Không ngờ nhờ cây thuốc thần, họ chẳng những không chết lại còn dùng dao rạch ruột chim chui ra. Sau đó họ nhổ của chim hai chiếc lông, cắm lên thuyền, thuyền tự dưng bay bổng lên trời đến chỗ nàng tiên. Ngọc Hoàng - cha nàng tiên - cho quân vây bọc trùng trùng điệp điệp để bắt, nhưng nhờ lưỡi dao thần, hai cha con làm cho chúng chết không kịp ngáp. Chồng vào cung tiên cứu được vợ bấy giờ đang bị Ngọc Hoàng bắt trói, rồi đưa vợ về thuyền và xuống trần bình yên [6] .

Đồng bào Cham-pa còn có truyền thuyết giải thích vì sao những người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn, cũng có hình tượng gần gũi với một hình tượng của Ả Chức chàng Ngưu :

Một nàng tiên có tên là Phu-ta-mứ được Ngọc Hoàng sai xuống trần lấy chồng, đẻ được hai con (ở đây không có hình ảnh trộm cánh). Nhưng một hôm thiên đình bất chợt gọi Phu-ta-mứ về trời. Thấy nàng ngần ngại không muốn đi, thiên thần dạy cho nàng làm 37 thứ bánh (trong đó nhiều nhất là loại bánh đa) để lại cho chồng dùng dỗ con nín khóc đặng yên tâm mà về trời. Con, trước chịu ăn, nhưng sau lại khóc nữa, dỗ mãi không được. Về sau thiên thần sai Tu-trư (nguyên là lợn) xuống thay Phu-ta-mứ, cho hai con nàng bú. Vì thế hai đứa trẻ coi Tu-trư như mẹ, không khóc nữa. Từ đó người Cham-pa kiêng ăn thịt lợn [7] .

Truyện của đồng bào Ê-đê Rum Dứ với nàng tiên gần với truyện Lưỡi dao thần của Cham-pa, nhưng tình tiết khác nhiều:

Rum Dứ nhà nghèo làm nghề câu cá nuôi mẹ, một hôm ngồi câu bỗng thấy có chín nàng tiên từ lưng trời đáp xuống suối tắm. Sợ hãi, chàng bỏ chạy. Một vị thần ngăn lại bảo: - "Sao không chọn một cô làm vợ mà lại chạy?". "Lấy thế nào được!" - "Cứ chọn một nàng nào đẹp nhất, trộm lấy chăn (vải choàng) của cô ta, là cô ta phải theo". Hôm sau anh làm như lời dặn. Nhưng khi nàng tiên gọi anh, anh ngoảnh mặt lại, lập tức bị biến thành bãi phân bò. Vì thế nàng tiên bay thoát. Ở đây, vị thần thương hại Rum Dứ, xin trời làm cho chàng sống lại. Đoạn, dặn chàng lúc nào nàng tiên gọi thì chớ có ngoảnh mặt lại. Nhờ thế, Rum Dứ lấy được nàng tiên đẹp nhất làm vợ. Vợ đẻ con. Trời hay tin, sai bộ hạ xuống bắt nàng tiên phải về nếu không sẽ giết chết. Túng thế, nàng phải tìm chăn để về trời. Chờ lúc Rum Dứ đi vắng, nàng nói khéo với mẹ chồng lấy cho mình cái chăn để bay cho mẹ xem. Được chăn, nàng bay mất.

Thương chàng trai mất vợ, Bụt (?) cho anh một con công sắt ba cánh để đi tìm. Anh cõng con, được công đưa lên trời. Gặp vợ, vợ cho biết là Đăm Lít đang ép nàng lấy nó làm chồng. Kết quả Rum Dứ giành lại được vợ bằng cách trổ tài trong các cuộc thi với Đăm Lít như làm nhà, đào sông, đào núi v.v... [8]

Truyện Nàng tiên thứ chín của người Hrê (Hré) là một dị bản của truyện vừa kể:

Một chàng trai nghèo ở với mẹ già cũng được ông tiên bày cho một cách tìm vợ và trộm lấy cánh của cô gái nhà trời thường đáp xuống hồ trên núi để tắm. Qủa nhiên anh buộc được cô thứ chín đẹp nhất làm vợ; ở đây không có chuyện bị biến thành bãi phân bò. Họ cũng sinh được một trai và sau đó cũng có chuyện bộ hạ nhà Trời (ở đây là thần Sét) xuống buộc nàng phải trở về nếu không sẽ giết cả chồng lẫn con. Nàng tiên bèn lấy ba ống nứa vắt sữa để lại cho con, cắt một nắm tóc để lại cho chồng, rồi theo thần Sét về trời; không có chuyện tìm cánh hoặc bay thử cho chồng xem. Trở về thấy mất vợ, anh chàng cũng được con công sắt (không phải do thần mà là do thợ rèn chế ra) biết bay. Sắp tới thiên đình, còn phải vượt một con sông. Chồng đã thấy vợ ngồi giặt áo ở bờ bên kia, nhưng chim sắt không thể vượt nổi. Hai bên chỉ trông nhau mà khóc.

Dân nhà trời thấy vậy bèn họp nhau lại xin phép vua cho họ gặp nhau. Nhưng vua đã có ý định gả nàng cho người nhà trời, nên không thuận. Nhưng dân lại dùng áp lực buộc vua phải theo. Cuối cùng vua nhận, nhưng buộc chàng trai phải chịu ba cuộc thử thách: 1) phải nhặt cho hết số vừng gieo trong một cánh rừng dài khoảng chim bay mỏi cánh (nhờ có chim sẻ giúp trong việc này); 2) phải ăn cho hết ớt chín trong một khu rừng toàn ớt (nhờ có thầy cúng hóa thành chim chào mào ăn hộ); 3) phải làm một ngôi nhà đẹp giữa sông (nhờ thần Cá ra lệnh cho các giống thủy tộc cùng nhau làm nên kỳ công này, gần giống với truyện Ba-na (Bahnar): Vua Rơ, anh Hơ-rít và con thỏ, xem Khảo dị , truyện số 80 ), nên vợ chồng mẹ con gặp nhau. Trong khi đó vua nhà trời vì có cái hứng nhóm lửa trên ngôi nhà mới, nên giống thủy tộc thấy nóng lần lượt trốn chạy làm cho vua và bộ hạ chết đuối. Vì thế anh chàng được dân nhà trời cho thay vua cai quản thiên đình [9] .

Truyện Đươm Be của dân tộc Ca-tu cũng là một dị bản của hai truyện trên. Trong truyện này, cuộc chiến đấu của chàng trai lấy vợ tiên không phải diễn ra ở trên trời, mà ở ngay trên mặt đất.

Một đứa bé vừa sinh ra đã có răng, biết đi, biết nói, nên bị bố mẹ đem bỏ trên rừng. Tuy vậy nó vẫn sống bằng cách đi trộm ngô khoai rau trong các nương rẫy. Không ngờ một hôm đến trộm của ông nội thì bị bắt. Từ đấy em ở với ông, được ông thường cho đi câu, đặt tên là Đươm Be (chàng lưỡi câu). Cũng có tình tiết gặp hai nàng tiên xuống gần chỗ mình câu. Nghe lời ông nội xui, chàng trộm lấy áo quần nàng tiên rồi chạy. Nhưng gần như truyện trên, nghe tiếng gọi của nàng tiên. Đươm Be quay lại, nên người chàng tự nhiên trở thành mềm nhũn rồi tan ra như bãi cứt trâu. Chiều tối, người ông không thấy cháu về, bèn đốt đuốc đi tìm. Ở đây chàng sống lại không phải do phép trời mà do người ông lấy lá gói đem về bỏ vào nồi đun đổ ra sàn. Sau đó, Đươm Be lại đến trộm áo quần hai nàng tiên rồi chạy, nhưng nhờ đề phòng trước, không quay cổ lại, vì vậy hai nàng trở thành vợ chàng. Ở đây hai nàng hóa phép làm cho chồng có đủ đồ dùng thức ăn rất sung sướng.

Nhưng rồi tiếng đồn Đươm Be lấy được vợ đẹp đến tai vua. Vua ra lệnh cho chàng phải đi tìm sữa hổ, nhờ vợ, chàng tìm được. Kế lại bắt tìm sữa gấu, sữa bò tót, cũng nhờ vợ, chàng đều thành công, lại được gấu và bò tót gả con gái cho làm vợ. Vua lại bắt đi kiếm cây mây dài ba trăm sải. Vợ trao cho chồng một đoạn mây ngắn rất mầu nhiệm để cầm tới nộp vua, mây càng kéo bao nhiêu càng dài bấy nhiêu.

Vua lại buộc Đươm Be phải đưa chó, rồi trâu đến chọi với chó và trâu của mình. Nghe lời vợ tiên, chàng đưa vợ gấu của mình cắn chó nhà vua chết, rồi đưa vợ bò tót đánh bại trâu nhà vua. Vua lại bắt chàng đi kiếm sữa cá sấu. Nhờ vợ tiên đưa thú dữ đến giúp và lần này đến lượt vua bị thú dữ làm cho thuyền đắm, rồi bị Đươm Be bắt về xử tội. Cuối cùng chàng trở thành vua [10] .

Người Ca-tu còn có truyện Anh chàng canh rẫy gần với truyện của chúng ta hơn:

Một chàng trai ở với mẹ thường đi canh rẫy. Ở chỗ suối nước, anh làm một cái "túc" (máy bằng tre dùng sức nước bật lên thành tiếng cho thú rừng sợ) để thay mình canh thú rừng. Nhưng mấy lần máy bị đứt dây. Tức mình, anh để tâm rình thì thấy có con chim từ trên cao sà xuống trút bộ cánh thành cô gái đẹp, rồi giấu cánh vào hang đá xuống suối tắm làm đứt dây "túc". Anh bèn đến trộm lấy bộ cánh giấu đi rồi ngồi chờ. Cô gái lên, anh lấy áo quần của mình cho nàng mặc rồi đưa về làm vợ như các truyện trên. Sau đó vợ cũng sinh được một trai. Một hôm chồng đi vắng, vợ gửi con cho mẹ, xúc lúa phơi, bỗng tìm thấy cánh dưới đáy bồ. Nàng lấy ra tập bay phành phạch - "Làm gì thế?". Mẹ chồng hỏi - "Con xay lúa mẹ ạ!". Sau đó nàng bay lên trời.

Chàng trai về bế con đi tìm vợ. Gặp một con tắc kè, anh kể lể nông nỗi. Tắc kè nói: - "Cho ta gì ta mách cho". Anh cho nó một cái "túc" và được gặp vợ ở cõi trời. Nhưng vợ anh lúc này đã bị Khổng lồ bắt. Sợ Khổng lồ ăn thịt, vợ bảo hai cha con ngồi vào rổ treo lên sàn nhà, nhưng rồi Khổng lồ cũng biết được. Nhờ vợ can ngăn nên Khổng lồ tha không ăn thịt, nhưng lại bắt chàng phải ăn hết một nương mía. Một con thằn lằn giúp anh bằng cách báo tin cho đàn khỉ một đêm tới ăn hết. Khổng lồ lại bắt phải uống hết một chum rượu. Một con mọt giúp anh bằng cách đục thùng chum nên trong một đêm rượu cạn khô. Khổng lồ lại bắt anh ngồi lên bẫy có mắc một lưỡi dao rất sắc. Thằn lằn lại giúp bằng cách liếm một lượt lên người anh, vì vậy khi bẫy sập, lưỡi dao chỉ lướt nhẹ không việc gì. Thấy vậy, Khổng lồ tưởng là lưỡi dao cùn, bèn thử chui đầu mình vào bẫy, bị lưỡi dao chém đứt cổ. Vợ chồng lại đưa con xuống cõi đất [11] .

Truyện của dân tộc Xơ-đăng - A-sét A-tiêng - ở đây không phải một mà là hai người lấy vợ tiên:

Có hai anh em A-tiêng , A-sét sống với mẹ già. Họ trồng được một nương dưa có nhiều quả nhưng thường bị các nàng tiên xuống trộm ăn. Tức mình, A-sét rình khi họ đáp xuống tắm, trộm lấy một chiếc áo giấu đi, vì thế nàng tiên mất áo đành ở lại làm vợ A-sét. Thấy em có vợ, A-tiêng tưởng là hươu có thể biến thành người, nên cố công cố sức săn bắt một con, hy vọng có vợ nhưng không được. Phải đợi khi vợ A-sét đẻ, trong khi các chị em nàng tiên xuống giúp, A-sét lại tìm cách trộm áo của một nàng để cho anh mình bắt giữ làm vợ.

Một hôm hai anh em cùng đi vắng lâu ngày, hai nàng tiên ở nhà mang lúa ra phơi thì tìm được áo, đem khoe với mẹ chồng. Hai nàng không muốn xa chồng xa con, nhưng do mẹ chồng muốn để dâu bay cho mình xem, xem bay thấp còn muốn xem bay cao. Đến khi bay quá cao, vui cảnh trời, họ không về nữa.

Thấy mất vợ, A-sét nhờ một con bọ hung giúp cho cha con lên trời. Vì đập muỗi, họ đã làm cho bọ hung mất đà, phải đợi đến lần thứ hai mới lên được đến nơi. Lúc này cha của hai nàng đã gả hai nàng cho thần Sét, A-sét tìm đến suối gặp vợ, vợ xin cha về sống với chồng con, nhưng thần Sét hay tin nổi giận định giết chết cha con A-sét. Một cuộc chiến đấu dữ dội nổ ra giữa hai người, cuối cùng kẻ bại trận lại là thần Sét. Vợ chồng, mẹ con đoàn tụ. Sau đó ít lâu, A-sét thả dây xuống, nhưng chỉ đưa được người anh lên còn mẹ chàng thì đã mất [12] .

Truyện của dân tộc Ba-na (Bahnar), Con trai bốc Rơ :

Hai vợ chồng ông Rơ sinh được một trai xấu xí, lớn lên chẳng cô gái nào thèm để ý. Một hôm anh chàng tìm lên một hòn núi cao định xuống khe bắt một mẻ cá, bỗng thấy nhiều cô gái đang tắm lội, anh nấp nhìn không chán mắt. Luôn mấy ngày đều thấy như vậy và anh đâm mê một cô xinh nhất trong bọn. Một ông tiên mà anh gặp bày cho lấy khăn (hoặc tấm khăn choàng) của cô nào thì sẽ lấy được cô ấy làm vợ. Anh đánh bạo làm theo. Trong khi các cô khác hoảng hốt bay về trời, thì cô gái mất khăn đuổi theo anh, anh nhử dần cho cô theo về đến nhà, trở thành vợ. Một tù trưởng thấy vợ anh đẹp, bèn cho gọi anh tới gạ đổi. Cũng như truyện Đươm Be của người Ca-tu, thấy gạ không được, nó bắt anh đi lấy sữa gấu, rồi sữa hổ, rồi sữa voi với điều kiện không lấy được thì sẽ mất vợ. Nhờ vợ cho một chiếc áo thần, các con vật cho anh sữa đầy bầu, lần lượt mang về. Sau đó, tù trưởng lại bắt anh đi lấy ngọc rết thần. Lần này anh nhờ có gấu, hổ, voi kêu cả đàn của chúng tới đánh cho rết thần thua liểng xiểng, đoạt được ngọc mang về. Khi anh đưa cho tù trưởng thì viên ngọc tự nhiên phụt ra một tia lửa đốt cháy hắn trong chớp mắt. Anh đoạt được của hắn một con voi cưỡi về làng sống sung sướng với cô vợ tiên [13] .

Truyện của dân tộc Vân-kiều: Tiều Ca-lang :

Một anh chàng mồ côi nhờ cứu một con "tru" nên được nó đưa về kết nghĩa. Nó giúp cho anh thực hiện được ý định là lấy một trong tám nàng tiên thường xuống tắm ở khe, không phải bằng cách giấu áo, khăn, hay giấu cánh như các truyện trên, mà bằng cách kéo chân giữ nàng ở dưới nước. Tiều Ca-lang, chồng chưa cưới của nàng tiên này, hay tin xuống cứu, nhưng hễ sà xuống mặt nước thì "tru" lại kéo nàng tiên xuống vực, hễ bay lên lại cho nổi lên. Mấy lần như vậy Tiều Ca-lang dành bỏ (Theo phong tục người Thượng, người đàn ông phải có phận sự bảo vệ (tơ-chơng) người yêu, nếu không làm tròn thì coi như hủy bỏ hôn ước). Bấy giờ, chàng mồ côi ta mới làm bộ cứu vớt, trước hết chiếm lấy đôi vòng tay của nàng là vật mầu nhiệm có thể bay được. Sau đó, anh đưa nàng về làm vợ, cũng đẻ được một trai, rồi cũng đi vắng, để cho vợ ngẫu nhiên tìm được một chiếc vòng và bay về trời như các truyện trên. Mất vợ, anh nhờ "tru" giúp cho chiếc áo biết bay, cây gậy thần, lại nuôi giùm đứa bé để anh lên trời tìm vợ. Anh dừng lại ở bến trời xin nước của một bà già uống đỡ khát, bỏ chiếc vòng tay của vợ vào bầu cho vợ biết là mình đã lên. Nhưng vợ anh lúc này đã là vợ của Tiều Ca-lang. Hay tin anh lên, Tiều Ca-lang sai hai con gà khổng lồ ra đánh. Anh lập mẹo cho hai con đánh nhau, một con chết, còn một con bị anh doạ chạy về. Tiều Ca-lang lại sai hai con trâu, rồi hai lợn khổng lồ ra, nhưng anh đều lập mẹo và kết quả cũng diễn ra như trước.

Bị mất ba con vật quý, Tiều Ca-lang đành để anh vào, nhưng lại hóa phép làm cho con đường từ bến đến nhà mình như một sợi da trâu, đi rất nguy hiểm. Gậy thần đã giúp anh thành công. Tiều Ca-lang lại hóa phép làm cho các nấc thang đi lên sàn nhà đều sắc như lưỡi dao bật ngửa; cũng lại nhờ gậy thầy nên anh dù bị buộc đi bằng đầu gối, vẫn không việc gì, trái lại Tiều Ca-lang trèo lên thì bị lưỡi dao cắt đứt gối phải bó thuốc bảy ngày mới lành. Đến đây, tình tiết của truyện có phần giống với tình tiết của truyện Quân tử (số 183 , tập IV ), Tiều Ca-lang buộc anh chàng chỉ đúng buồng vợ anh trong số ba mươi buồng, anh vẫn nhờ gậy thần chỉ hộ bằng cách làm tiếng mèo kêu. Tiều Ca-lang lại bảo ba mươi người vợ giấu mặt, chìa mỗi người hai ngón tay trỏ cho anh nhận ra vợ, đúng thì lấy, nếu không thì bắt làm tôi. Gậy thần lại sai ruồi vàng chỉ hộ. Tiều Ca-lang đành phải trả vợ cho anh, nhưng còn muốn ám hại kẻ tình địch bằng cách đãi một bữa rượu có pha thuốc độc. Gậy thần lại giúp anh bằng cách cho mối đục thủng đáy vò. Thấy anh không chết, Tiều Ca-lang đâm ngờ, uống thử thì bị thuốc làm cho mê man.

Thừa dịp, anh dắt vợ bay về trần, nhưng Tiều Ca-lang đã kịp tỉnh dậy đuổi theo. Ở đây hắn bị gậy thần đánh cho thương tích đầy người, nhưng nhờ anh mồ côi thương hại chữa chạy cho lành trở về. Đến nhà, bị vợ con và đầy tớ nói khích, hắn lại bay xuống đòi đánh nữa. Gậy thần lại được dịp nện đau và anh chàng mồ côi lại giúp hắn lành lặn trở về. Đến lần thứ ba, anh mồ côi để mặc, Tiều Ca-lang không trở về được nữa, hóa thành diều hâu [14] .

Truyện của dân tộc Tày-hạy: Sự tích chị Hằng :

Phiêng Còn chăn trâu cho chúa đất bị hổ vồ mất một con. Sợ chúa đất giết bèn nghe lời chim đa đa trốn vào rừng sâu. Anh phát rẫy, nhưng vì không có giống, nên nghe lời gấu trìa một số hạt của nó, trong ba năm chỉ ăn bằng củ nâu. Đến năm thứ tư lúa Phiêng Còn nhiều bằng lúa chúa đất. Anh tuốt không kịp ngồi khóc. Có bầy chim mỏ vàng lông xanh tới tuốt giúp. Chúng cởi cánh xếp lại một chỗ để dễ làm việc. Phiêng Còn trộm lấy một đôi giấu biệt, vì vậy tuốt xong, sáu con bay đi, còn một con ở lại bằng lòng làm vợ anh sau khi rũ mình ba cái biến thành cô gái đẹp. Vợ đẻ một con gái. Cũng như một số truyện trên, một hôm lấy lúa ra giã, tình cờ nàng tìm thấy cánh, liền bay lên trời. Trở về không thấy vợ, Phiêng Còn bế con tìm đường leo lên trời. Nhưng được nửa đường kiệt sức, lăn xuống lưng chừng núi chết cả hai cha con (người ta nói dân tộc Tày-hạy thường sống trên núi cao rừng sâu là để tưởng nhớ sự tích Phiêng Còn). Vợ chàng ở trên trời nhìn xuống thấy cảnh bi thảm, thì khóc lóc không nguôi, nước mắt rơi xuống thành mưa phùn. Những đêm trăng sáng là vợ Phiêng Còn nhìn xuống trần gian để tưởng nhớ chồng con. Hàng năm vào đầu xuân, lũ quạ khoang thường họp nhau ở núi để làm giỗ cho cha con Phiêng Còn [15] .

Một lọat dị bản sau đây, bên cạnh hình tượng nàng tiên tắm ở giếng nước phải lấy chàng trai đánh cắp cặp cánh của mình làm chồng, còn có hình tượng người biến hươu (hoặc nai) dùng sừng chỉ cho con nơi sinh cơ lập nghiệp. Điều đáng lưu ý là những dị bản này thường lưu truyền ở các dân tộc anh em ở miền Bắc.

Truyện của dân tộc Tày: Chàng con côi (Ý Pơ-ja) :

Một người thợ săn vì giết hại nhiều hươu nai, bị Ngọc Hoàng bắt hóa dần thành nai đực. Người ấy từ biệt vợ con lên rừng ở. Khi con - tên là Pơ-ja (Pơ-jạ: mồ côi) - lớn lên, một hôm nó hỏi mẹ: - "Bố con đâu?" - "Bố con đã hóa nai không về được nữa". Anh bảo mẹ nắm cơm cho mình lên rừng tìm. Vì tuy ở với nai, người bố vẫn ăn đồ chín, anh tìm đến đống than có vùi hoa chuối, đặt gói cơm vào rồi trèo lên cây nấp rình. Qủa nhiên anh thấy bố mình nửa người nửa nai về ăn gói cơm có vẻ ngon lành. - "Bố ơi, con đón bố về ở với mẹ" - "Không về được đâu", nai đáp, "bố sắp biến hoàn toàn thành nai rồi". Do con khuyên nài mãi, nai theo về, nhưng đến cổng bị chó vàng cắn đuổi, nai lại lao vào rừng. Người con lại tìm sau khi đã nhốt chó, nhưng vẫn bị chó tung cả nơm ra cắn. Đến lần thứ ba, con đón về sau khi giết chó, nhưng khi thấy đầu chó trong chảo, nai cũng hoảng sợ chạy ra cửa, sừng mắc phải cột gãy mất. Bố dặn con: - "Từ nay bố không thể về được nữa vì đã hoàn toàn thành nai rồi. Con hãy lấy dây buộc cái sừng này mà kéo, hễ nó mắc vào đâu" thì ở đấy mà sinh cơ lập nghiệp". Sừng sau đó mắc vào nơi ở của một bà góa, không lôi đi được. Anh bèn thương lượng với bà dọn nhà đi nơi khác, còn mình thì ở đấy khai phá trồng lúa. Không ngờ đến mùa lúa chín, anh gặt không xuể vì bông lúa vừa gặt đàng trước thì đàng sau lại hiện ra. Có bảy nàng tiên đi hái dâu tình nguyện gặt giúp, gặt đến đâu các nàng nhổ nước cốt trầu (hoặc rắc phấn tiên, hoặc lấy giấy nút lại) nên lúa không ra bông nữa. Vì vậy ngày nay cây lúa chia thành từng lớp, mỗi lớp có lớp xốp trắng và đỏ v.v... Thấy các nàng đẹp, anh trộm đôi cánh của cô thứ bảy giấu đi. Đến đây câu truyện bắt đầu giống với truyện của ta. Nàng tiên thứ bảy đành làm vợ chàng trai vì nhà không cót, không ván, chỉ có một chiếc giường. Ăn ở được ít lâu, nàng sinh được hai con. Khi chồng vắng, vợ ở nhà thì con hay quấy, trái lại khi vợ vắng, bố ở nhà thì con lại vui vẻ. Một hôm mẹ hỏi thì con đáp: - "Bố có cánh hoa văn hoa vằn, thích lắm" - "Thế bố để đâu?" - "Ở đống thóc già năm kia, ở đống thóc non năm ngoái". Được cánh, mẹ dặn con hễ bố đánh bằng đũa hoặc cán chổi thì gọi mẹ, mẹ sẽ xuống đón. Về nhà thấy mất vợ, anh mới hay con đã chỉ chỗ giấu cánh cho mẹ nên cầm roi đánh. Nhưng đánh bao nhiêu chúng vẫn cười. Tức mình, anh đánh nữa, chúng vẫn chịu đựng. Một lần anh trở cán chổi đánh, chúng khóc òa lên (vì vậy người ta cho rằng ai đánh con bằng chổi là có tội). Ở trên trời, nàng tiên nghe tiếng con khóc, liền thả xuống một cái túi bằng vải hoa cho hai con lên. Thấy con được lên với mẹ chúng, bố cũng kêu khóc inh ỏi. Vì túi vải quá bé, nàng tiên bèn thả xuống một cái túi giấy, nhưng kéo chồng lên được nửa chừng, người nặng, túi rách, bố rơi xuống hóa thành cây han lình và vắt.

Đến đây truyện lại chuyển sang giải quyết số phận của hai đứa con nàng tiên bằng cách đưa vào một số hình tượng mới với chủ đề mâu thuẫn giữa hai anh em. Đại khái: Cho con ở cùng mình được ít lâu, nàng tiên lại phải cho con xuống, vì dân nhà trời vốn thèm thịt người trần. Mẹ bèn cho hai đứa hai nắm cơm, một con ngỗng, một cho chó chín đuôi, một dao quắm và một cái gậy rồi dặn: - "Khi nào ngỗng kêu hãy ăn cơm, gặp dòng nước trong hãy đi, đừng đi theo dòng nước đục!". Làm trái lời mẹ dặn, người anh chọc cho ngỗng kêu để ăn ngay vì đói bụng, nhưng khi mở gói hắn đành phải vứt vì chỉ thấy có than và phân. Hắn không chờ dòng nước trong mà cứ lội bừa dòng nước đục, cuối cùng đi mãi tới một làng khỉ. Sẵn bắt được một con khỉ cái, bèn lấy luôn làm vợ và ở lại đây. Trong khi đó người em đi theo dòng nước trong. Chờ nghe tiếng ngỗng kêu mới mở gói ra ăn, thì trong đó ngoài cơm có cả vàng và bạc. Đến một làng vắng người anh thấy trên một sân nhà nọ có một chiếc cối úp, bèn ngồi lên nghỉ, bống thấy có cái gì như kiến cắn dưới đít. Lật cối lên xem, hóa ra có hai cô gái vì tránh nạn mụ chằng (dà dìn) ăn thịt nên nấp vào đây. Anh gọi mụ chằng đến, hai bên đánh nhau, nhưng hễ chém được nhát nào thì mụ lại thè lưỡi liếm, vết thương lại lành như cũ. Tối lại anh tìm đến nơi ở của mụ, mới hay chỉ cần bôi phân lợn phân chó vào lưỡi dao thì phép của mụ sẽ không còn mầu nhiệm. Anh làm theo, liền tiêu diệt được mụ và mấy đứa cháu mụ, trừ được mối họa cho dân.

Để tìm người anh ruột, anh đưa hai chị em cô gái lội theo dòng nước đục. Gặp một con khỉ cái đang giặt quần, anh hỏi: - "Quần này có phải của anh ta không?" Khỉ không đáp chỉ cười, anh rút dao chém chết. Gặp lại người anh, sau khi tâm sự, người anh hỏi: - "Có thấy chị dâu giặt quần ngoài sông không?" - "Chẳng thấy ai cả", em đáp, "chỉ thấy một con khỉ, em đã giết chết rồi". "Đó là chị dâu mày đó". - "Bây giờ có hai chị em, anh lấy chị, em lấy em, ta cùng làm ăn với nhau". Người anh tuy nhận lời lấy chị, nhưng thấy vợ em đẹp nên có ý muốn chiếm. Một hôm hắn bảo em trèo cây hái quả, rồi chặt, cây đổ làm em rơi xuống hố sâu. Đoạn hắn bỏ về nói dối là em đã chết, bắt em dâu phải lấy mình. Con chó chín đuôi thấy vắng chủ bèn đi tìm, thấy chủ dưới hố sâu bèn thò đuôi xuống cho chủ nắm kéo lên, nhưng mỗi lần kéo là một lần đứt đuôi, đứt đến tám lần vẫn không lên được. Chủ bảo chó về lấy cho mình một con dao, một cái gậy ném xuống hố. Có dao, người em gọt một cái còi (chu uýt), khi thổi lên các giống vật tập hợp trên miệng hố say sưa nghe. "Ai cứu được ta lên, ta sẽ tặng chiếc còi này!". Nhiều con vật đậu vào cây tre làm cho trĩu ngọn xuống hố, anh chàng bám vào ngọn, được tre đưa lên mặt đất. Thấy giống vật cứu mình quá đông anh nói: - "Bây giờ ta tung còi lên, ai cướp được thì giữ lấy!" Một con diều hâu cướp được chiếc còi. (Vì vậy ngày nay diều có giọng hót: "chu uýt chu uýt"). Người em thay hình đổi dạng làm người ăn xin, đến xin ở chăn trâu cho người anh. Một đàn quạ ngày ngày đến trước nhà kêu: - "Chủ ngồi ghế chủ chết, chủ chăn trâu chủ sống". Người anh tức mình lấy tên nó ra bắn nhưng không trúng - "Để tôi thử bắn xem!" Người em nói vậy và cầm lấy tên nỏ. Lập tức em chĩa vào ngực anh bắn một phát, chết [16] .

Người Tày ở Cao-bằng còn có truyện Ông tiên hươu là một dị bản của truyện vừa kể:

Xưa, ở Cao-bằng có một người tên là Vi Xuân Ngân là người có hiếu. Mẹ bị bệnh lạ, thầy thuốc bảo chỉ có uống sữa hươu mới lành. Anh vào núi tìm hươu không được, ngồi khóc, đến ngày thứ ba bỗng gặp một đạo sĩ đội mũ vàng, hỏi: - "Tại sao con khóc?" - "Vì không kiếm được sữa hươu về chữa bệnh cho mẹ". "Muốn kiếm được sữa hươu phi hóa hươu không xong". "Chỉ mong bệnh mẹ được lành, còn thân này dù hóa hươu có ngại gì". Đạo sĩ bèn đưa cho một cái da hươu bảo mặc vào, rồi dặn: - "Đừng nói tiếng người, chỉ kêu "ao, ao" gọi bầy là đủ". Anh đi lẫn vào bầy hươu để lấy được sữa đưa về và bệnh mẹ anh quả lành.

Sau khi mẹ chết, anh tống tang rồi bỏ nhà đi biệt, người nhà tưởng là đã chết. Một hôm con là Vi Xuân Lan vào rừng hái củi gặp một con hươu, hươu bảo: - "Ta là cha mày đã hóa hình về núi. Vì tình cha con nên ta cố tìm gặp để chỉ cho một cách sinh nhai". Nói đoạn húc đầu vào gốc cây cho gãy sừng, lấy sừng trao cho con, dặn: - "Hãy lấy dây buộc sừng rồi kéo đi, sừng vướng vào đâu thì đó là đất làm ăn được và sẽ lấy được vợ đẹp!" Con bèn làm theo, sừng mắc vào một nơi, bèn đến đấy dựng nhà khai hoang trồng trọt. Ở đây không phải là nàng tiên gặt giúp, mà nàng tiên bí mật đến nhặt cỏ rác sau mỗi lần cày bừa. Lấy làm lạ, một hôm anh nấp trong bụi rậm, đến chiều thấy một nàng tiên từ trên mây bay xuống giấu cánh vào một hốc cổ thụ rồi ngồi nhặt cỏ. Anh lén lấy trộm cánh đem về giấu ở cót thóc. Nàng tiên cũng trở thành vợ anh rồi sinh một đứa con. Để dỗ con khi vắng vợ, anh thường lấy cánh tập bay cho con nín. Cho nên mỗi lần chồng đi vắng, vợ bế con đi qua cót thóc thì con khóc lóc như đòi vật gì. Nhờ đó vợ tìm ra đôi cánh của mình, bèn cho con ăn no, đặt con trong một nồi lớn rồi vỗ cánh bay mất. Chồng về thấy con ngửa mặt lên trời mà khóc, biết là vợ đã bay đi rồi. Một đêm nọ buồn bã chong đèn ngồi đến khuya, bỗng nghe ngoài sông có tiếng sột soạt, chạy ra nhìn thì hóa ra là vợ. - "Thiếp là con gái hạc, vợ nói, chàng là con chúa tiên hươu, bố chàng sai thiếp xuống trần giúp chàng, nay duyên số đã hết, chỉ đến đây giúp chàng gặp bố một phen". Hai vợ chồng bèn ngồi lên xe có bánh bằng lông. Chẳng mấy chốc đã đến động, anh thấy bố ngồi trên giường đá, một bầy hươu vây quay độ mươi con. Vợ chồng vào lạy chào kể chuyện hàn huyên một lúc. Ông không nói gì chỉ gật đầu độ ba bốn lần, rồi chỉ vào bình sữa hươu bảo uống. Uống xong, ông hất tay có ý bảo đi. Hai vợ chồng ra xe trở về. Nghe tiếng gà gáy, vợ giục chồng xuống xe rồi bay đi mất. Kết cục gần giống đoạn cuối của truyện Từ Thức . Anh chàng nhìn lại thấy phong cảnh khác xưa, mà con mình thì đã lớn. Hỏi thì con cho biết bố mẹ đi vắng đến nay đã ba mươi năm. Ngày nay ở Cao-bằng còn có làng gọi là làng Tiên (Tiên thôn), ruộng ở đây gọi là ruộng hươu (lộc điền) [17] .

Người Dao có truyện Chiếc sừng nai và mụ Hùm, hay truyện Nhã, người săn nai cũng là một với truyện của người Tày, chỉ có khác một vài tình tiết. Ví dụ về lý do hóa hươu (hoặc nai) có người kể: Vì giết hại nhiều thú rừng nên người đi săn sau khi nuôi con khôn lớn bỏ nhà đi sống với đàn nai để khỏi lụy tới đời con cháu (truyện Dao quần Chẹt, Dao tiền). Hay có người kể: Người chồng thợ săn khờ dại và nghễnh ngãng. Vợ bảo chồng kiếm mộc nhĩ, chồng nghe không rõ tưởng là lộc nhĩ (tai hươu) bèn cố công săn được nhiều hươu nai, chỉ cắt lấy tai về cho vợ. Vì giết hại nhiều nai, Ngọc Hoàng bắt hóa thành nai (truyện Sán Dìu).

Về chỗ nàng tiên đưa chồng con lên trời, có người kể: nàng bắc cầu vồng xuống cho con mà không cho chồng lên; có người kể nàng buông xuống một chiếc thang bên đỏ bên xanh dặn hai con trèo trước, rồi đến chồng, rồi mới đến chó vàng. Chồng quên lời dặn, cho chó trèo thang trước mình, thấy đít chó nhún nhẩy, hắn không nhịn được cười nên ngã lộn cổ.

Về chỗ sắp đặt cho hai con xuống trần, nàng tiên còn dặn con "phải đến nhà mụ Hùm mượn thanh la, chiêng, trống, tù và, ấn tín để về làm ma cho bố. Mụ sẽ cho mượn nhưng khi trả, mụ lại tìm cách bắt hai con ăn thịt, vì vậy mẹ cho hai con hai chiếc kim biết đối đáp". Nhờ có kim đối đáp thay mình, nên hai đứa bé trốn được rất xa, mụ Hùm mới biết; đuổi theo thì đã không kịp.

Truyện cũng có đoạn cuối nói đến sự chia rẽ của hai đứa con nàng tiên, anh làm trái lời mẹ chịu hậu quả xấu, còn em làm đúng, giết được yêu tinh (ở đây chiếm được của nó cái gậy đầu sinh, đầu tú), cứu được hai cô gái, lấy một cô làm vợ, còn cô chị (ở đây mắt và tai của chị bị mối ăn mất) đưa đến gả cho anh mình thay cho khỉ, hươu, lợn, do anh lấy làm vợ. Cuối cùng người em cũng bị anh gạt, xô xuống hang (ở đây là hang hổ), nhờ mưu trí và nhờ con chó nên em thoát chết, trở về. Không có tình tiết em bắn chết anh, nhưng người anh cũng bị chó cắn chết [18] .

Người Thái cũng có chuyện Lục Pịa (pịa: mồ côi), nội dung cũng như truyện Ý Pơ-ja của người Tày, nhưng tình tiết có nhiều nét khác:

Một người thợ săn có vợ ốm nghén thèm món nấm tai hươu nhưng vì hết mùa nấm, chồng đành năn nỉ với hươu cho mình mượn tai về cho vợ ăn, hẹn đến mùa nấm sẽ kiếm tai khác chắp đền. Vợ ăn rất thỏa mãn, chẳng bao lâu đẻ được một trai tức Lục Pịa. Đến hạn hươu đòi tai, dĩ nhiên không có trả, chồng phải ở với hươu để trừ nợ. Trước khi đi, chồng dặn vợ phải chăm sóc cho con, đến ngày con lớn giao cho nó một bộ cung tên bảo bắn chỉ thiên, tên rơi xuống đâu có lửa bốc lên là nhà ở đó. Ở với hươu được bốn năm, một hôm nhớ nhà, người nai - người thợ săn - trốn về thăm, không ngờ chó không nhận ra chủ, cắn ầm ĩ. Hoảng sợ, hắn nhảy xuống đất, sừng bị gãi. Hắn trao sừng cho vợ: - "Khi muốn trồng cây thì kéo sừng đi, hễ vướng gốc thì phá ruộng, vướng chông gai thì phá nương", rồi bỏ đi biệt. Lục Pịa làm theo lời bố. Ở đây không phải sừng mắc lại mà "kéo sừng đến đâu, cây cối chông gai bờ bãi bằng đi đến đấy". Anh bắn một phát tên lên trời, khi mũi tên rơi xuống một chỗ đất "tức thì chỗ ấy bốc lửa đốt sạch cỏ rác". Cũng có việc cắt lúa, cắt đến đâu lúa đâm bông đến đấy, cũng có ba nàng tiên đặt cánh ở trên bờ ruộng đến gặt đổi công cho Lục Pịa để chàng hái hộ lá dâu, cũng có việc nàng tiên trẻ nhất đành ngồi nhờ nhà Lục Pịa vì bị chàng giấu cánh. Vì nhà chỉ có một giường, hai người nằm chung nhưng đã hữu ý ngăn đôi bằng lá khoai nước, hẹn nếu Lục Pịa làm rách thì không được lấy nàng tiên, trái lại nàng tiên làm rách thì phải lấy Lục Pịa. Cuối cùng nàng tiên đành phải lấy Lục Pịa vì mẹo của chàng. Nàng tiên cũng đẻ được hai trai là Nóng (Pông) và Lạnh (Dân), cũng tìm ra được cánh và bay về trời với câu dặn: - "Nếu bố đánh bằng chổi thì khóc to lên để mẹ tìm cách đón, và khi mẹ thả dây xuống thì nhớ leo dây đỏ và dây vàng, đừng leo dây trắng." Sau đó con lên được đến trời, còn Lục Pịa vì không được biết lời dặn, leo lên bằng dây trắng nên dây đứt ngã lộn cổ, chết hóa thành đỉa và vắt.

Cũng như truyện của người Tày và người Dao, truyện còn phát triển cho đến đoạn cuối nảy sinh mâu thuẫn giữa anh và em. Và trước khi xuống trần, còn có đoạn thử thách giữa hai đứa trẻ và bà ngoại chúng: bà ngoại của Nóng và Lạnh là yêu tinh rất thèm thịt người. Mụ buộc hai cháu lần đầu tiên phải phát cho được chín gò, mười đồi núi. Nhờ có kim và chỉ của mẹ, chúng làm xong. Tiếp đó, mụ bắt chúng đến mượn trống ở nhà em gái mình - vốn là hùm tinh. Nhờ khôn ngoan nên chúng chẳng những thoát chết mà còn đánh lừa mụ này buộc lọ và ống vào người để lội sông nên chết đuối. Tiếp đến bà ngoại bắt chúng chui vào trống cho mụ đánh. Nhờ tháo tang trống, nên đánh mấy cũng không việc gì. Trái lại khi mụ chui vào, chúng bít chặt tang trống mà đánh, làm mụ chết tươi.

Khi tiễn hai con xuống trần, nàng tiên cũng cho chúng một con ngỗng, một con chó và hai gói cơm, ở đây không có dao và gậy, nhưng lại có sợi chỉ và cái kim, cũng dặn hễ ngỗng kêu mới được mở gói ra ăn, đóng thuyền thì đóng bên đường không nên đóng trong rừng, đi trên sông thì, ngược lại với truyện trên, chọn dòng đục chớ chọn dòng trong. Nóng thiếu kiên trì nên chịu đựng hậu quả xấu; giở gói cơm ăn khi ngỗng chưa kêu nên chỉ toàn đất và sỏi; đóng thuyền ở rừng sâu để khỏi phải mất công kéo gỗ, vì vậy không được ai chỉ vẽ nên kỳ cạch mãi không xong; đi dòng trong nên không gặp xóm làng, đành phải lấy khỉ làm vợ. Trái lại, Lạnh làm đúng lời mẹ dặn nên khi giở gói cơm ra ăn có xôi trắng thơm tho, đóng thuyền ở bên đường được người qua kể lại chỉ bảo nên chóng hoàn thành, đi dọc sông đục nên đánh được nhiều tôm cá và gặp nhiều làng bản. Lạnh cũng gặp hai cô gái dưới cái cối úp sấp, chàng cũng phải chiến đấu với yêu tinh, và còn có xà tinh và hùm tinh. Nhờ chiếm được chiếc gậy đầu sinh đầu tử, chàng đã tiêu diệt chúng và làm sống lại người và súc vật đã bị chúng ăn thịt.

Cũng như các truyện trên, Lạnh cũng đi tìm Nóng sau khi lấy cô em làm vợ. Lại cũng đưa cô chị (cũng bị mối ăn cụt tai) đến cho Nóng làm vợ sau khi vô tình giết con khỉ cái đang giặt quần, vốn là vợ của Nóng. Nhưng truyện không kết thúc bằng cuộc xung đột giữa Nóng và Lạnh, mà trái lại bằng một không khí gắn bó giữa hai người, nhờ đó dựng lên một bản mường thịnh vượng [19] .

Người Tày còn có truyện Trứng trời, cũng là một dị bản có nhiều tình tiết khác với các truyện trên, đặc biệt việc chàng trai lấy vợ tiên có cánh lại tương tự với truyện Nàng tiên trong vỏ ốc (Khảo dị truyện số 117, tập III ):

Có hai an hem mồ côi ở Mường Lũm. Ngày bố mẹ mất, họ giết trâu bò làm ma quái nhiều nên trở thành nghèo. Một hôm hai anh em làm rẫy đem theo một con chó vá. Nghe chó sủa ở đống cỏ, hai người thấy một quả trứng lớn lạ lung. Bèn đi báo với tạo. Tạo bắt lăn trứng về nhà mình, lăn không được, lại bảo lăn tới nhà bố mình, cũng không được. Nhưng khi bảo lăn về nhà hai an hem thì lăn được. Từ đó, mỗi lần đi làm về thấy cơm canh sẵn sàng, củi nước đầy đủ, áo rách vá lành...Anh bảo em: - "Mai mày đi làm, tao rình xem". Anh thấy từ trong trứng chui ra một nàng tiên có bốn cô hầu hạ, mỗi người làm một công việc. Xong lại chui vào trứng, trứng liền lại như cũ. Hôm sau đến lượt em rình, khi trứng nở, hắn nhảy ra ôm lấy nàng tiên, bốn cô kia bay mất. Nàng tiên bị tước mất cánh, đành ở lại làm vợ, trong bảy tám năm đẻ được hai trai. Một hôm anh chàng đi xa, bảo nhỏ hai con: - "Cánh của mẹ, bố cất trong ống thổi cơm để trong một cái gùi, chớ nói cho mẹ biết". Nhưng bằng cách dỗ dành con, mẹ cũng tìm biết được. Được cánh, mẹ bỏ chiếc nhẫn vào nồi nước cho hai con mê chơi rồi bay về trời. Bố về biết con đã tiết lộ, bèn bảo con chặt mỗi đứa một bó sậy, rồi rút sậy đánh con, gãy cây này thay cây khác. Em chặt sậy non, anh chặt sậy già nên bị đánh nhiều hơn em. Đoạn bố bỏ đi tìm mẹ. Không thấy bố về, hai anh em ngồi bên bếp khóc mãi. Chúng tìm thấy hạt một cây kè, bèn giao ngay ở bếp. Chỉ trong mấy ngày cây đã mọc lớn - "Mọc cao lên!" chúng nói; cây mọc cao thêm - "Thấp xuống!" Cây cúi xuống, - "Cho ta quả!" Cây tự nhiên có quả. Một đàn chim "nghe" thấy quả tới ăn, - "Hãy mang chúng tao đến mẹ, chúng tao sẽ cho ăn!". Không mang được, chìm đành bay đi. Đến lượt chim bồ tát đến, chim bảo chúng lấy lưới tự ngồi vào trong rồi buộc ở chân chim. Chim bay mãi đến một bờ sông, bỏ chúng lại rồi đi mất. Ở đây có một con chó chín đuôi. - "Ơ chó, đưa đến chỗ mẹ chúng tao ở!". Chó bảo nắm lấy đuôi, đưa chúng qua sông, rồi cũng đi mất. Ở đây cũng có tình tiết hai đứa bé xin một người đàn bà nước uống rồi đánh rơi nhẫn vào thùng, cuối cùng mẹ nhìn thấy nhẫn liền đoán ra con, bèn xin phép Ngọc Hoàng (Pô Then) cho con đến với mình. Ngọc Hoàng cũng buộc chúng phải qua ba cuộc thử thách: 1) buộc cho đúng hai trăm thừng vào hai trăm con trâu, trâu nào thừng ấy (một con sâu "ngoằn" đến giúp việc này); 2) đếm một đống kim rất lớn (con "nieng kim" giúp); 3) chỉ đúng tay của mẹ trong số những tay của con gái Ngọc Hoàng từ buồng thò ra (sâu "ngoằn" lại giúp). Mẹ con gặp nhau mừng rỡ, cuối cùng Ngọc Hoàng buộc cả mẹ lẫn con về trần sau khi cho mỗi cháu một cây gươm: anh gươm bạc, em gươm sắt. Dọc đường gặp một thân cây chắn ngang đường. Hai đứa con bước qua vô sự, nhưng khi mẹ định bước qua thì cây ngóc lên, định lòn xuống dưới thì cây lại hạ xuống, mà đi đường khác thì không có lối. Thấy thế, hai con rút gươm chặt cây, không ngờ có máu từ thân cây chảy ra, mẹ chúng bảo: - "Thôi thế là các con giết mất bố rồi! Vậy cho các con xuống, mẹ lại trở về trời". Trước khi từ giã, mẹ cũng dặn khi lội suối thì lội suối nước trong đừng lội nước đục, ở đây còn dặn khi ăn thì ngồi đá bằng, đừng ngồi đá dốc, v.v... Và truyện cũng có một đoạn kết thúc bằng mâu thuẫn giữa anh và em như truyện Ý Pơ-ja[20] .

Đồng bào Mường có truyện Chàng trai săn:

Một chàng trai làm nghề đi săn cũng có một người bố vì săn bắt nhiều hươu nai quá nên bị Phật bắt làm kiếp hươu để trả nợ. Một hôm nghe mẹ kể chuyện, anh mang nắm cơm đi tìm bố. Đến chỗ có nhiều hươu nai, anh ném nắm cơm vào nhưng chẳng có con nào rò tới, trừ một con, - "Bố đấy phải không?", anh hỏi, -"Ừ", - "Bố về với mẹ đi!" - "Bố như thế này về sao được. Con gắng nuôi mẹ già, nhưng đừng săn nai mà phải tội như bố", - "Không có ruộng thì lấy gì mà làm ăn". Hươu cũng trao cho con cái sừng của mình, bảo buộc dây mà kéo, đến chỗ nào mắc lại là có thể khai phá thành ruộng được. Cũng có truyện lúa gặt trước đâm bông sau, cũng có năm nàng tiên giúp anh gặt, gặt đến đâu bít ống lúa lại đó, cũng có chuyện giấu cặp cánh giữ lại một nàng làm vợ, sinh được hai con trai. Khi anh vâng lệnh vua đi đánh giặc, cũng như truyện của ta, anh dặn vợ: - "Có ăn thì ăn chín cót lúa trằm, đừng ăn năm cót lúa nếp ". Cũng có chuyện con hay quấy khóc - "Tại sao lúc ở nhà với bố thì ít khóc, còn ở với mẹ lại hay khóc thế?". Mẹ hỏi như vậy thì con đáp: - "Vì bố thường lấy cái lồ lồ vằn vằn xanh xanh đo đỏ cho con chơi", - "Để ở đâu?", - "Ở cót lúa nếp". Được cánh, mẹ cũng bay về trời, nhưng nghe tiếng con khóc lại bay trở lại, bỏ hoa tai vào chậu nước, dỗ: - "Khi nào hoa nổi thì hãy nhìn theo mẹ nhé!". Chồng dẹp giặc về thấy mất vợ, bỏ con ở nhà đi tìm. Lúc này có loạn rừng, anh phải đi săn hổ cứu hươu nai (vì sợ nó bắt mất bố hươu). Diệt xong nạn hổ, anh lại lang thang đi tìm. Trong khi đó, con ở nhà khóc suốt ngày đêm. Trên trời, nghe tiếng con khóc, mẹ thương quá bèn xin với Phật, Phật động lòng cho nàng xuống với con. Chàng trai đi mãi không tìm được cũng trở về, thấy vợ con thì sung sướng quá. Hai vợ chồng cùng kể chuyện cho nhau nghe rồi khóc, nước mắt của họ biến thành hồ rộng, vợ chồng con cái biến thành hoa sen [21] .

Người Nghệ-an có truyện giống với truyện của đồng bào Mường:

Một người đói khổ không biết lấy gì để ăn bèn ngồi khóc. Bụt hiện lên hỏi: - "Vì sao mà khóc?", - "Đói khát mà không biết cách gì làm ăn", hắn đáp, - "Con đừng khóc nữa, ông cho con một cành rào (cành rào: ngọn tre bao gồm cành lá gai góc). Kéo đến đâu mắc lại là ruộng của con đó". Hắn làm theo, từ đó có ruộng đất cày cấy làm ăn. Cũng như các truyện trên, đến mùa lúa chín, gặt đến đâu lúa lại đâm bông đến đấy. Lại ngồi khóc. Tự nhiên một nàng tiên từ trên trời xuống gặt giúp. Ở đây, nàng tiên lấy chỉ buộc đầu lúa không cho mọc thêm. Nàng tiên cũng không trở về được vì bị hắn giấu mất cánh. Hai người cùng ăn ở với nhau, đẻ được một con trai. Chồng cũng đi lính giấu cánh vợ dưới bồ lúa ré, dặn vợ hết gạo thì xúc lúa mùa mà ăn, "chớ ăn lúa ré, chết cả mẹ liền con ". Vợ cứ xúc lúa ré nên tìm được vật cũ. Thấy mẹ tập bay, con cười, mẹ nói: - "Con ơi con chớ có cười, để mẹ thử tập lên trời con xem. " Trước khi lên trời, ở đây mẹ đóng cửa sập rèm, nấu một nồi cháo múc ra từng bát, đặt khắp cả nhà để con đói bò đến đâu ăn đến đó. Chồng đi lính về thấy mặt vợ. Chuyện dừng lại ở đây [22] .

Đồng bào Thái (Nghệ-an) cũng có truyện Lúa chàng Nai gần với truyện trên:

Một người đàn bà góa một hôm lên núi giải khát ở một vũng nước nai thường uống, từ đó có mang, sinh ra một đứa bé đặt tên là Nai. Lớn lên, Nai đi tìm cha ở vũng nước. Gặp một con nai già cho một cái gạc (sừng) thằn, bảo dùng nó làm rẫy. Nhờ có gạc, Nai vỡ được một đám ruộng, gọi là ruộng cha Nai. Cũng như các truyện trên, khi lúa chín, gặt đàng này lại trổ đàng khác, không thể gặt xuể. Nghe tiếng anh khóc, hai cô tiên đi hái dâu đến gặt giúp, gặt đến đâu nút rạ lại đến đó. Nhưng một trong hai nàng bị hắn giấu cánh, đành phải ở lại làm vợ, đẻ được một trai một gái. Một hôm vợ nai cũng tìm được cánh trong bó lúa, bèn lắp vào tập bay. Thấy con cười, mẹ cũng bảo: "Sằng sặc chi bay, ba ngày vắng mẹ thì bày xương ra ". Nàng tiên cũng nấu cháo múc làm nhiều bát trước khi lên trời. Chồng về hai tay mang hai con vào rừng tìm vợ. Ở đây phương tiện lên trời do con nai già hiện ra bảo cưỡi lên lưng mình mang đi tìm. Đến đất trời, cha con gặp các nàng tiên đang chuẩn bị lễ mừng cho con gái vua Then - vợ Nai - mới trở về. Nai nhờ hai nàng bế con đến gặp mẹ nó. Vợ chồng sau khi gặp nhau đến xin phép vua Then cho đoàn tụ. Vua cho. Nhưng một thời gian sau Nai nhớ cõi trần, đòi vợ trở về. Nai già nghe lời khấn lại hiện ra cõng chồng và hai con, theo sau là vợ Nai bay trốn khỏi cõi trời [23] .

Người Choang (Trung-quốc) có truyện A-dao dũng cảm tương tự với truyện của người Tày:

Một em nhỏ nhà nghèo tên là A-dao bị lũ trẻ nhạo là con không bố, hỏi mẹ, mẹ bảo: - "Mười năm nữa sẽ cho biết!". Một hôm mẹ bị bệnh nặng mới cho con biết: bố nó vốn là thợ săn giỏi, bị lão nhà giàu đuổi vào rừng để đền những thú dữ bị bố bắn chết. Nay muốn tìm phải leo lên đỉnh núi cao nhất mà gọi. A-dao làm theo thì nghe tiếng vọng đáp lại hứa mai sẽ về. Ngày mai quả thấy bố đầu có đôi sừng dài, mình mẩy lông lá, chưa vào nhà đã bị chó cắn đuổi phải chạy, sừng va phải cửa rơi ra. Hôm sau A-dao lại lên núi gọi, bố cũng bảo lấy dây buộc sừng kéo đi, sừng cắm vào đâu làm ruộng ở đó. Khi lúa chín, gặt đến đâu lúa cũng không đâm bông nữa. A-dao cũng giấu một đôi cánh nhỏ, nàng tiên không về trời được đành làm vợ A-dao. Lão nhà giàu thấy vợ A-dao đẹp bắt dẫn vợ tới, nhưng nàng tiên lấy cánh bay lên trời rồi dòng dây cho chồng lên.

Bố vợ ghét chàng rể, một hôm sai rể đi mượn thanh la của yêu tinh để dùng vào ngày sinh nhật, thực ra là để cho yêu ăn thịt A-dao. Nhờ có ba cái kim của vợ cắm trên lầu, trong nhà, ngoài cổng trả lời thay chàng những câu hỏi của yêu tinh trong khi nó bận mài răng định ăn thịt. Khi yêu tinh biết sự thật thì A-dao đã cầm thanh la về đến nhầ rồi. Hôm sau bố vợ lại sai rể đi bắt hổ. Nhờ chiếc ô sắt của vợ, A-dao nhè khi hổ há to miệng, đâm ô vào tân cuống họng, giương ô ra, rồi cứ thế kéo hổ về. A-dao lại được vợ cho một đoản đao đi men theo khe nước đục để tìm thôn xóm, nhưng tới nơi nào cũng thấy vắng bóng người (vì họ cũng bị yêu tinh ăn thịt), một hôm phát hiện ra một em gái mười hai tuổi nấp dưới máng ngựa úp sấp. Ở đây yêu tinh cũng bị chém, bị nhát nào, liếm lại lành ngay nhát ấy. Cũng có việc A-dao lẻn đi theo, biết được cách giết mụ yêu là bôi phân người, phân chó vào lưỡi dao. Khi mụ yêu chết, chàng đến nhà chiếm được cái gậy đầu sinh đầu tử, làm cho hai con mụ chết và cứu người và vật sống trở lại. Đoạn kết: A-dao đưa vợ xuống dùng gậy chỉ chết lão nhà giàu, từ đấy họ sống hạnh phúc [24] .

Người Mèo có truyện Rì cắn rì câu cũng là một dị bản:

Chứ mồ côi cha mẹ từ thưở lọt lòng. Khi có mang người mẹ chàng thèm thịt chim "rì cắn rì câu", bảo chồng đi tìm - "Không biết hình dáng nó như thế nào?", chồng hỏi - "Một cánh một chân" - "Làm tổ ở đâu?" - "Cứ đi tìm không rừng này thì rừng khác". Tìm mãi không được, chồng chết hóa thành giống chim ấy. Lớn lên, Chứ chơi với bọn trẻ, về hỏi mẹ: - "Bố con đâu?" - "Còn vào rừng bắn chim". Một hôm Chứ gặp một ông già, ông bảo làm một chiếc sáo rồi trèo lên cây cao nhất mà thổi, hễ thấy ai đến sau là bố. Chứ thấy một con vật có chín sừng, con vật nói: - "Có phải Chứ thì xuống với bố", bèn dẫn Chứ về hang ở. Một hôm bố bảo: - "Con lớn rồi, lấy vợ đi!" Chứ đi ra khỏi hang gặp một cô gái bị hổ đuổi, anh đánh chết hổ cứu được, cô ngất đi, khi tỉnh dậy bằng lòng lấy Chứ (không có hình ảnh cặp cánh) rồi sinh được một con. Chứ nhớ mẹ đòi về thăm, con vật chín sừng - bố Chứ - bèn đi tìm được một con lợn rừng béo và một vò rượu ngon để thết.

Về nhà được ít lâu, vợ chồng lại trở về hang. Ở đây không có hình ảnh lấy dây buộc sừng kéo mà chính người bố lấy sừng cày cho chín đám ruộng rồi húc đổ cây làm chín ngôi nhà. Làm xong bố bảo: - "Bố sắp phải đi xa, vậy các con nhớ khi nào đằng Đông hiện ra đám mây thì đến ở nhà, sẽ có đủ đồ cần dùng". Vợ chồng quên mất lời dặn nên ba năm sau mới tới, chỉ thấy một cái sừng. Hai người từ đấy dùng sừng cày ruộng không cần trâu, húc đổ cây không cần chặt. Giàu có, họ cho dân bản cùng dùng, mọi người đều giàu có sung sướng [25] .

Truyện Củ và Kỳ của người Pu Péo dường như cũng thuộc loại truyện trên, nhưng lại không nhắc gì đến hình tượng con hươu và cái sừng hươu (hoặc nai). Truyện chỉ bắt đầu từ chỗ chiếm bộ cánh của nàng tiên:

Một chàng thợ săn thấy một bầy thiên nga tháo cánh hóa thành những cô gái xinh đẹp xuống hồ bơi lội, bèn giấu đi một cặp cánh buộc một nàng trở thành vợ. Sau sáu năm, vợ sinh được hai trai là Củ và Kỳ. Cũng có việc vợ trở về trời sau khi phát hiện cặp cánh bằng cách quét chổi thấm nước năm lần vào cánh cửa tù. Ở đây, sau ba ngày người vợ đón cha con lên bằng ba tia chớp. Người bố mở mắt phạm vào điều cấm kỵ, thấy tia chớp là con rồng thì sợ, dùng dao chém rồng, cuối cùng cả rồng lẫn người rơi xuống núi đá chết. Trong khi đó hai đứa con đến được với mẹ nhưng lại bị vua trời - ông ngoại - ghét, tìm cách giết đến bốn lần nhưng nhờ chiếc kim biết đối đáp của mẹ nên tránh được: 1) ông cháu đi chặt cây, ông đứng trên cao lao cây xuống cháu; 2) ông cháu đi đồi tranh, khi cháu lọt vào giữa đồi, ông đốt; 3) ông sai cháu đi mượn trống của yêu tinh nhưng nói dối là bạn già, hai đứa mượn được mà không bị yêu tinh ăn thịt; 4) ông bắt cháu chui vào trống, ông đánh, cháu lấy kim dùi thủng mặt trống, không chết, ngược lại khi ông chui vào, cháu lấy sáp bịt lỗ, ông chết. Cũng có việc mẹ con xuống trần, nhưng mẹ không đi được vì có cây nằm chắn đường cứ ngóc lên mỗi lần mẹ định bước qua. Củ và Kỳ đành từ giã mẹ. Qua sông, Củ thấy có chuối trôi có hoa đỏ đẹp, bèn chặt, không ngờ hoa chuối chính là mẹ chúng (không phải bố như truyện của người Tày). Nửa cái hoa chuối vào tay Kỳ hóa thành một con mèo. Sau đó anh em chia tay mỗi người đi một đường. Kỳ đến một nơi cũng phát hiện ra hai cô gái nấp dưới cối úp. Anh bảo họ xay lúa cho yêu tinh về. Chúng liền về hàng đàn hàng lũ làm anh chém mỏi tay, nhưng cũng nhờ con mèo mới đuổi được chúng và nghe lỏm được cách hại chúng bằng việc vung phân gà. Nhờ vậy yêu tinh chết hết trừ một con, tra hỏi mới biết cách làm sống lại những người đã chết. Từ đó làng bản lại đông, Kỳ lấy hai cô làm vợ, rồi đem mèo đi tìm Củ lúc này đang sống với một đàn khỉ cái là vợ. Trong khi dẫn nhau về làng, Kỳ tìm cách giết chết đàn khỉ, rồi cũng như các truyện trên, anh nhường cô gái bị mất vành tai cho Củ. Thấy vợ em đẹp, Củ hại em bằng cách đào hố đẩy em xuống. Mèo tìm được hố, hằng ngày thả cơm xuống cho Kỳ. Nhưng rồi mèo nhảy xuống tình nguyện để Kỳ giết lấy xương khoét thành sáo. Nghe tiếng sáo, chim thú tìm đến thả dây cho Kỳ lên. Ở đây kết thúc bằng việc Củ thấy em về thì sợ và xấu hổ, tự thắt cổ chết [26] .

Truyện Ả chức chàng Ngưu của ta có những tình tiết giống với truyện của Trung-quốc và của một số các dân tộc khác.

Trung-quốc có ba truyện Khiên Ngưu Chức nữ :

1) Theo Sử ký của Tư Mã Thiên: phía Đông Ngân-hà có Chức nữ con gái vua Thiên đế. Mỗi năm, nàng cố công cố sức dệt áo quần của nhà Trời như mây. Trời thấy nàng ở một mình bèn gả cho Khiên Ngưu ở bên kia sông. Sau khi cưới, người đàn bà ấy bỏ bê việc dệt làm cho Thiên đế nổi giận, bắt trở về chỗ cũ. Về sau chỉ cho phép mỗi năm một lần qua sông để gặp chồng.

2) Cũng như truyện trên, sách Kinh Sở tuế thời ký kể như sau:

Chức nữ là một vì sao Thiên tôn (cháu gái nhà trời) coi việc canh cửi tại Thiên cung. Nàng ở về Hà-đông (phía Đông Ngân-hà) là người công dung ngôn hạnh toàn vẹn, nghề canh cửi rất chăm chỉ và tinh xảo, thường dệt thành gấm màu mây (vân cẩm) để may áo chầu cho Ngọc Hoàng. Tại Hà-tây (phía Tây Ngân-hà) bấy giờ có Ngưu lang, một vì sao Khiên Ngưu (dắt trâu) làm việc chăn nuôi chuyên cần, tài đức đều trội. Thấy vậy, Ngọc Hoàng bèn triệu Ngưu lang gả cho Chức nữ. Hai bên thành hôn vào ngày mồng bảy tháng Bảy gọi là tiết Thất tịch.

Sau khi cưới, vợ chồng đem nhau về Hà-tây. Nhưng từ đó họ say đắm quên hết cả. Chức nữ suốt năm không về Thiên cung, bỏ bê việc canh cửi, chàng Ngưu cũng trễ nải chăn nuôi. Ngọc Hoàng nổi giận sai bắt Chức nữ lại trở về Hà-đông mà lưu Ngưu lang ở Hà-tây, chỉ chuẩn cho hàng năm vào tiết Thất tịch, ra lệnh Hà Bá (thần sông) sai chim thước (chim khách, cũng gọi là chim chẽo choẹt) đốc suất đàn chim ô (quạ) bắc cầu sông Vân-hán (tức Ngân-hà) cho phép Ngưu lang từ Hà-tây sang Hà-đông tới Thiên cung gặp vợ một ngày. Sáng mồng 8 phải có mặt ở Hà-tây.

3) Chức nữ là con gái Tây Vương mẫu, một ngày nọ đến tắm ở suối nước nóng với các nàng tiên khác. Một con trâu của Ngưu lang bảo anh lấy trộm áo của nàng tiên đặt ở bờ hồ. Ngưu lang làm theo, nàng tiên bị mất áo lại là Chức nữ, nàng đành lấy Ngưu lang làm chồng, đẻ một trai một gái. Một hôm Chức nữ tìm được áo bèn bay về trời. Ngưu lang đuổi theo. Sắp bị chồng bắt, Chức nữ kêu: - "Ôi mẹ, cứu con với!" Bà mẹ đang cầm cái trâm ở tay liền vạch một cái, một dòng nước mênh mông ngăn đôi: đó là Ngân-hà. Sau đó vợ chồng xin Trời cho phép gặp nhau. Trời cho mỗi năm một lần vào ngày mồng bảy tháng Bảy. Ngày đó, những con chim sẻ ở dưới trần đến làm cầu trên sông để cho hai người qua lại. Trên trời có bốn ngôi sao tụ bên Ngân-hà giống đóa hoa đó là Chức nữ; và ba ngôi khác hình tam giác là Khiên Ngưu, gần đó lại có hai ngôi nhỏ là con của họ.

Truyện của người Lô-lô Puê-puê ở đảo Ô-ba (Hobart) (châu Úc-Australie); Ta-ca-rô và Ba-ni-hi Ma-ma-ta, người đàn bà ở xứ Mặt trời:

Có những người đàn bà ở xứ Mặt trời xuống trần lấy nước biển. Xong họ đặt cánh trên bờ rủ nhau xuống tắm. Một anh chàng là Ta-ca-rô thấy vậy bèn rình xem. Thấy Ba-ni-hi đẹp nhất đám, anh bèn trộm lấy cánh vùi dưới đất ở dưới cửa nhà mình. Tắm xong, mọi người bay về trời, duy có Ba-ni-hi cùng với con đành ở lại. Ta-ca-rô dỗ dành bảo nàng lên nhà trồng khoai mài với mẹ mình. Nói rồi anh ta đi. Ba-ni-hi đành lấy anh làm chồng. Một hôm đứa bé ngắt lá khoai mài bảo: - "Mọc! Mọc". Lá tự nhiên mọc thành cây. Thấy vậy, mẹ Ta-ca-rô tưởng đứa bé đào trộm cây mài bèn nổi giận mắng mỏ. Mẹ đứa bé nói: - "Không phải trộm, nó lấy lá làm thành cây đấy!" Rồi ngồi tựa cửa khóc, nước mắt chảy xuống xói đất, cánh lộ ra. Ba-ni-hi moi lấy cánh mang vào, rồi đem con về xứ Mặt trời. Ta-ca-rô về không thấy vợ, bảo chim bói cá bay lên tìm, chim lên đến nơi thấy mẹ con đang nhuộm chiếu. Đậu ở cây, chim vẽ hình Ta-ca-rô ném xuống. Đứa bé nhặt lên đưa cho mẹ nó. Người đàn bà bảo chim: - "Về bảo Ta-ca-rô lên đây, ta sẽ xuống." Được tin, Ta-ca-rô bèn làm cung tên rất khỏe. Phát thứ hai cắm vào đuôi mũi tên thứ nhất. Cứ thế cho đến mũi thứ một trăm đã đụng đất. Anh bắt rễ cây đa cho bám vào cái cầu bằng tên ấy. Đoạn anh thổi hơi vào và nói: - " Rễ hãy mọc lớn lên! lớn lên!". Rễ đa mọc rất nhanh, không mấy chốc quấn chặt lấy mũi tên bám lấy mặt trời. Bói cá bảo anh trang điểm rồi leo theo mình. Khi gặp Ba-ni-hi, anh bảo nàng xuống ở với mình. Ba-ni-hi mang chiếu cõng con đi theo Ta-ca-rô. Nửa đường, Ba-ni-hi cầm rìu chặt đứt rễ đa trước mặt. Ta-ca-rô và bói cá rơi xuống, mẹ con trở lại. Từ đấy đường lên trời bị cắt đứt vì không thể bắn tới được nữa [27] .

Truyện của bộ lạc Ban-tích (Bantiks) ở đảo Xê-lép (Célèbes):

Có tám nàng tiên từ trên trời xuống tắm trong một cái giếng trên một hòn đảo. Một chàng trai tên là Ka-sim-ba-ha thấy họ bay, lúc đầu tưởng là bồ câu, lại gần mới biết là người. Khi các nàng vùng vẫy dưới giếng, anh cũng lần tới chỗ họ để áo trộm lấy một cái. Áo ấy là của nàng tiên U-ta-ha-ghi. Nàng đành ở lại lấy anh và sinh được một con. Nàng dặn chồng đừng nhổ sợi tóc trắng của mình. Nhưng anh quên mất, nhổ xong tự nhiên trời nổi một trận bão dữ dội và nàng tiên lại trở về trời. Chồng không biết nuôi con, bèn cõng con đi tìm. Có một cây mây đâm thẳng lên trời nhưng gai mây dày đặc không thể leo được. May có một con chuột đồng giúp anh bằng cách gặm gai. Anh leo lên, dọc đường nhờ nhiều con vật khác giúp nên lên đến nơi. Lại nhờ một con chim mách cho chỗ ở, một con đom đóm chỉ cho anh biết buồng của vợ. Nhưng vẫn chưa hết. Người anh của vợ còn đưa ra chín đĩa đậy kín bảo chỉ đúng đĩa của vợ rồi mới cho gặp. Một con ruồi giúp anh trong việc này. Vợ chồng mẹ con sum họp được ít lâu, mẹ phải dòng dây cho con xuống. Đứa bé trở về, sau trở thành ông tổ của người Ban-tích (Bantiks).

Truyện cua người đảo Lưu-cầu (Lucon):

Một chủ trại chưa vợ tên là Minh Linh Xu. Gần nhà có một giếng nước ngọt. Một hôm hắn đi múc nước, từ xa nhìn giếng thấy có vật gì sáng. Nhìn kỹ mới biết có một người đàn bà tắm, áo quần còn mắc trên cây thông gần đó. Hắn lén đến trộm lấy áo quần mà màu sắc nom rất kỳ lạ. Người đàn bà quỳ xuống để xin lại áo quần - "Tại sao lại tắm ở đây làm vẩn đục nước của ta?", hắn quát, - "Nước sông suối giếng ao là của trời, tất cả mọi người ai cũng dùng được". Nhưng cuối cùng người đàn bà phải lấy hắn làm chồng. Hai người sống với nhau trong mười năm sinh được một trai một gái. Ở đây không có chuyện tìm ra được cánh, một hôm thấy duyên số đã mãn, vợ nhằm khi vắng chồng, trèo lên cây nói ít câu từ biệt con, rồi cưỡi mây mà đi.

Truyện của Miến-điện (Myanmar) do người Tây-tạng kể, cũng tương tự:

Thành phố Núi Bạc cách ly với thế giới người trần bằng ba hàng rào: 1) bằng lau sậy và gai góc; 2) con suối đồng luôn chảy; 3) có quỷ dữ. Một hôm có chín nàng công chúa của thành phố này mang thắt lưng thần có phép bay như chim, đi thăm một cánh rừng đẹp tận biên giới hòn đảo Nam ở cõi trần. Thấy hồ nước, họ rủ nhau xuống tắm. Trong khi vùng vẫy, họ giật mình vì có một chàng đi săn ném thong lọng vào một cô trẻ nhất là Ma-nan-hu-ri rồi dắt về cho một hoàng tử ở Pi-en-sa. Thấy nàng đẹp tuyệt trần, hoàng tử bèn đặt vào chính cung mặc dầu mới kết hôn với con gái một vị chiêm tinh cho hoàng gia. Sau đó ít lâu hoàng tử bị vua cha bắt phải cầm quân đi đánh giặc. Nhân dịp vắng hoàng tử, nhà chiêm tinh giải nghĩa một giấc mộng cho nhà vua là phải làm giảm nhẹ cơn giận của hung thần bằng cách hiến tế cô Ma-nan-hu-ri. Thấy người yêu của con trai có nguy cơ bị hy sinh, hoàng hậu mẹ hoàng tử bèn tìm đến nàng dâu, trả cho nàng cái thắt lưng thần mà người đi săn đã nhặt được. Công chúa lại bay về Núi Bạc, dọc đường dừng lại ở nhà một tu sĩ già trong rừng, kể chuyện mình cho tu sĩ nghe và đưa cho ông một cái nhẫn cùng những vị thuốc có thể nhờ nó mà vượt qua các hàng rào ngăn cách.

Đánh giặc về thấy mất người yêu, hoàng tử bèn cất công đi tìm. Gặp được tu sĩ, hoàng tử nắm được bí quyết vượt qua các hàng rào, rồi trải nhiều phen phiêu lưu mới tới được thành phố Núi Bạc. Vua xứ Núi Bạc nổi giận vì có một người trần cả gan vào nước mình một cách tự tiện, bèn ra lệnh cho công chúa bắt hoàng tử phải chịu ba cuộc thử thách mới được kết duyên với chàng: 1) phải thuần được ngựa và voi hoang. Hoàng tử làm xong: 2) phải bắn một phát tên trúng đích ở lâu đài. Vốn có tài bắn, hoàng tử cũng làm xong; 3) phân biệt ngón tay của Ma-nan-hu-ri với các ngón tay của các công chúa khác thò ra ở vách. Nhờ vua ruồi giúp nên hoàng tử thắng lợi [28] .

Truyện Ba-tư (Iran) có nguồn gốc từ Ấn-độ:

Một đàn bồ câu từ lưng chừng trời bay xuống bờ hồ, cởi bộ áo lông ra và hóa thành những cô gái đẹp. Khi đang vùng vẫy dưới làn nước thì một chàng trai trộm lấy bộ áo của một cô trẻ nhất, đẹp nhất. Cuối cùng cô nàng cũng trở thành vợ anh. Có lần chồng buộc phải đi xa, giao cho một bà già canh giữ chỗ bí mật giấu áo nàng tiên. Một hôm bà già ngắm nàng, khen nàng xinh đẹp, - "Tôi còn đẹp nữa nếu được mặc áo quần ngày trước", cô nói. Bà già bèn lấy áo cho nàng mặc để được ngắm nghía thỏa thích, không ngờ nàng tiên mặc áo vào là bay luôn. Đoạn cuối cũng có tình tiết chàng thanh niên đi tìm vợ, hai vợ chồng cũng lại gặp nhau tại một xứ xa xôi và bí hiểm.

Truyện Ấn-độ:

Một chàng chăn dê tên là Tô-ri-a thường cho dê ăn cỏ ở bờ sông. Các cô gái xứ Mặt trời thường có thói quen theo sợi nhện để xuống đây vùng vẫy. Một hôm họ gọi Tô-ri-a xuống tắm và bơi lội. Mỗi lần tắm xong, các cô lại bay về trời. Lâu dần thành quen, anh chàng chăn dê đâm ra yêu một cô trong bọn. Bèn lập kế để bắt, - "Nào ta thử xem ai lặn sâu hơn?" hắn đề nghị. Đang lúc vui, các cô đồng ý. Trong khi các cô ngụp xuống nước thì hắn trồi lên trước, lấy váy (sa-ri) của cô nàng rồi trốn đi. Cô đuổi theo hắn đến nhà. Tô-ri-a trả nhưng không dám bắt tay cô; về phía cô gái thấy chị em đều bay trốn cả, bèn xin làm vợ anh chàng.

Cũng như một số truyện trên, tiếp đến đoạn anh đấu tranh với tên vua định chiếm mất vợ. Một người hành khất mách cho vua biết nhan sắc của vợ Tô-ri-a. Vua mê hồn vì sắc đẹp, tìm cách đuổi chồng để bắt vợ làm hoàng hậu. Bèn ra lệnh buộc Tô-ri-a trong một đêm phải đào một cái hồ đổ đầy nước, xung quanh bờ trồng cây, v.v... nếu không xong thì chết. Nhờ vợ, Tô-ri-a làm xong. Vua lại bắt anh phải gieo hạt đầy một cánh đồng, khi lúa chín lại bắt gặt và dồn thành một đống trong một ngày. Vợ gọi bồ câu tới giúp và cũng giải quyết xong. Cuối cùng, giống với kết thúc truyện Ren-nê với ông chúa (Khảo dị truyện số 60, tập II ), Tô-ri-a bị vua sai bắt trói quẳng xuống hồ, nhưng anh đánh lừa được mọi người để khỏi bị ném xuống, lại lừa được vua để vừa tình nguyện nhảy xuống hồ với hai người hầu. Truyện còn thêm một đoạn nữa không dính gì đến chủ đề người trần lấy vợ nhà trời nên ở đây miễn kể.

Truyện trong Nghìn lẻ một đêm:

Gian-sá, con một ông vua, sau khi đi nhiều nơi đến lâu đài của một ông già nọ được mời ở lại. Một hôm ông giao cho chàng chùm chìa khóa, cho chàng tự do, chỉ cấm mở có mỗi một cửa. Không ngăn được tò mò. Gian-sá mở cửa ấy ra, thấy ở giữa một cảnh vườn đẹp có một cái hồ. Bỗng thấy có ba con chim lớn dạng như bồ câu đáp xuống bờ hồ, trút bộ lông ra hóa thành gái đẹp xuống tắm, và sau đó lại mang áo chim vào bay đi mất. Từ đó Gian-sá đâm ra buồn rầu. Ông già phát hiện ra cái tội tò mò của anh, nhưng cũng tha cho và giúp anh tìm cách bắt cô gái đẹp. Ông cho biết đó là ba cô con gái vua thần thường tới tắm ở hồ. Cũng như các truyện trên, Gian-sá rình trộm một bộ lông để lấy một cô làm vợ. Nhưng sau đó ít lâu, nàng tìm được bộ lông bay đi, không quên nhắn với chồng nếu có yêu thì tìm mình ở thành Kim-cương. Gian-sá cất công đi tìm, hỏi khắp các vua chim, vua thú, vua thần về thành Kim-cương, nhưng không một ai biết cả. Sau đó anh gặp một pháp sư, nhờ ông này dò hỏi trong một cuộc họp giữa thần, thú, và chim. Một con chim đến họp chậm, biết đường đến thành Kim-cương và thuận mang anh đi. Đ ến nơi, cha vợ và vua thần tiếp đãi anh nồng hậu và cho anh gặp vợ (theo bản dịch của Ga-lăng (Galland)).

Truyện của người Ả-rập (Arabes) ở An-jê-ri (Algerie):

Một nhà tu sĩ đạo Hồi (tu-lép) trộm được "tấm da bồ câu" của người xứ thần (Jơ-nun) đang tắm. Hắn ra một điều kiện chi trả lại khi nàng ưng thuận những yêu cầu của hắn - "Anh muốn gì?" - "Muốn lấy nàng làm vợ". Người đàn bà đành phải lấy hắn, sống nhiều năm đẻ được nhiều con. Một hôm bọn con của nàng đang chơi đùa, bỗng tìm ra được "tấm da bồ câu", vội vàng mang đến cho mẹ chúng. Người mẹ liền mang vào rồi trở về xứ Jơ-nun.

Truyện của người Man-gát-sơ (Malgaches) ở Ma-đa-gát-xca (Madagasca):

Một chàng trẻ tuổi tên là An-đri-a-nô-rô nghe nói có ba cô gái tuyệt đẹp thỉnh thoảng từ trời bay xuống tắm tại một hồ nào đó. Nhờ có một thầy bói chỉ chỗ và bày cách bắt, anh lấy được cô trẻ nhất làm vợ. Một hôm chồng đi vắng, vợ ở nhà bị mẹ chồng hành hạ đến chết, khi chồng về lại sống lại. Vợ liền xin chồng đi tìm bố mẹ mình. An-đri-a-nô-rô muốn đi theo, - "Đi thì rất nguy hiểm vì sẽ trải qua nhiều thử thách" - "Ta cứ đi!" Anh nói thế, và trước khi xuất hành, anh giết bò đãi các giống chim muông, nhờ giúp đỡ trong chuyến đi. Đến nơi, anh cũng bị bố vợ bắt phải làm ba việc: 1) chặt một cây to; 2) kéo một số đồ đạc đã quẳng xuống ao có nhiều cá sấu lên bờ; 3) tìm cho ra vợ giữa đám đông các cô gái y hệt như nhau. Nhờ các giống vật giúp anh thành công.

Truyện của người Nga:

Một hoàng tử được vua cha hứa hôn với công chúa con vua Thủy. Một hôm anh gặp một tay phù thủy (ba-da-ya-ga), hắn xui anh lấy áo của một cô cả trong số mười hai cô dưới hình dạng chim bay đến bờ biển tắm. Anh lấy xong, cô bị mất áo cũng tìm đến lạy lục để xin lại áo. Không ngờ cô ấy lại là con gái vua Thủy.

Truyện của người Xa-mô-y-ét (Samoyèdes):

Một chàng trẻ tuổi được một bà già mách cho biết đến rình ở một cái hồ giữa rừng sẽ thấy bảy cô gái xuống tắm, áo quần của họ bỏ lại trên hồ, cứ việc lấy một bộ rồi trốn đi, sẽ có vợ. Anh làm theo. Cô gái mất áo theo đến xin. Anh nói: - "Không, ta không trả, nếu trả thì nàng lên trời mất". Cũng như các truyện trên, cô gái trở thành vợ chàng.

Truyện của người Xcăng-đi-na-vơ (Scandinaves) trong Ét-đát:

Có ba an hem hoàng tử đi săn đến một cái hồ, thấy trên bờ có ba người đàn bà đang kéo sợi lanh, gần đó có ba bộ lông thiên nga. Họ thuộc nòi thần linh (van-ki-ri). Khác với hầu như tất cả các truyện trên, ở đây cả ba an hem đưa ba người đàn bà về làm vợ trải qua bảy mùa đông. Sau đó, một hôm ba người vợ của họ bỗng bay đi không trở lại, vì ở đây không có chuyện giấu bộ lông.

Truyện của người đảo Sét-lăng (Shetland) và Or-ca-đơ (Orcades) ở châu Úc (Australie). Ở đay nhân vật chủ yếu không phải từ trời bay xuống, mà lại từ dưới nước lên:

Một người đi câu một hôm thấy có hai người đàn bà đẹp chơi ở bãi biển. Gần đó có hai tấm da hải báo. Anh cầm một tấm lên xem. Bỗng một trong hai người đàn bà chạy đến lấy tấm còn lại vội vã mặc vào và lặn mất. Còn một người nữa thì đến lạy lục xin anh tấm da, nhưng anh không cho, bèn trở thành vợ anh. Hai người ăn ở với nhau được mấy năm, sinh hai con. Một hôm tình cờ tìm thấy tấm da, người vợ bèn mặc vào và trốn đi cùng với một đồng loại [29] .

Sau đây là những truyện mà mô-típ cơ bản: chàng trai lấy nàng tiên làm vợ bằng cách lấy trộm áo quần (hay lông cánh) trong khi nàng bận tắm, vẫn còn đậm nét, nhưng nội dung đã biến hóa khác hẳn hoặc đã chuyển sang một loại chủ đề khác. Chỉ kể một số truyện tiêu biểu.

Truyện của Băng-la-đex (Bangladesh):



Một ông vua có hai con là Săng-đra và Si-va Đát do hai người vợ khác nhau sinh ra. Vua vốn ghét mẹ người sau nên bắt hai mẹ con ra khỏi hoàng cung, cho ở một túp lều, sống bằng nghề hành khất. Si-va Đát vốn thờ thần Xi-va và được thần cho một cây gươm có thể cầu được ước thấy. Một đêm vua nằm chiêm bao thấy một người đàn bà đẹp sáng chói cả cung điện, mỗi lần thở có một luồng lửa thò ra khỏi mũi như một đóa hoa. Vua bắt quan đầu triều phải tìm cho ra người đàn bà này nếu không thì xử tử. Quan đầu triều ra đi với hoàng tử Săng-đra và đông người hầu. Nghe tin, Si-va Đát cũng xin vua cha cho đi theo. Cả đoàn dừng lại trước một cánh rừng không thể vượt nổi. Nhưng nhờ có gươm thần nên Si-va Đát một mình vượt qua dễ dàng. Đến một nước nọ, anh giúp việc cho vua nước này lập nhiều công trạng nên được vua gả công chúa. Lại nhờ gươm thần anh đến xứ sở của các hung thần (rắc-sa-xa). Anh bị hai hung thần giải đến cho vua họ, nhưng vua lại kết bạn với anh và gả con gái đẹp cho. Một hôm anh kể giấc mộng của cha mình cho vua nghe. Vua nói người đàn bà ấy có thực. Bèn sai người đưa anh đi gặp một ẩn sĩ trong rừng để hỏi rõ sự tình và tìm cách bắt. Ẩn sĩ bảo: trong rừng nọ có một cái hồ, vào những đêm trăng tròn có năm vũ nữ (áp-sa-ra) nhà trời, trong đó có nàng Ti-lốt-ta-ma (người mà vua cha nằm mộng) nhờ một con mèo mầu nhiệm đưa xuống đấy tắm. Vậy muốn bắt, chỉ có cách trộm lấy quần áo của họ. Si-va Đát làm theo, bắt được cả năm người. Khi các vũ nữ xin lại quần áo thì anh buộc họ phải giao nàng Ti-lốt-ta-ma, sẽ trả. Thế là Ti-lốt-ta-ma đành phải ở lại với chàng Si-va Đát. Một thời gian sau, đôi bên từ giã, nàng cho chàng một cái sáo có thể gọi nàng đến bất cứ lúc nào. Si-va Đát trở về với vua hung thần, vua lại gả thêm cho một công chúa nữa. Anh lại trở về với bố vợ trước rồi nhờ gươm đưa cả ba vợ đến chỗ hoàng tử Săng-đra đang chờ, báo tin đã tìm thấy người trong mộng. Săng-đra lập mưu xô Si-va Đát xuống giếng để chiếm công, nhưng trước mặt vua và các tiểu vương, hắn không thể nào gọi Ti-lốt-ta-ma đến được, bị vua cha đày cả mẹ lẫn con đi xa. Nhờ có gươm thần, Si-va Đát không chết, trở về yên lành. Lại nhờ có ba vợ tâu vua mọi việc, Si-va Đat được đón vào triều. Chàng thổi sáo, người đàn bà sáng chói xuất hiện đúng như trong giấc mộng của vua cha. Cuối cùng vua cho Si-va Đát lên ngôi thay mình.

Truyện của người A-va-rơ (Avares) ở núi Cô-ca-dơ (Caucase):

Một hoàng tử cưỡi một con ngựa thần đến một nơi thấy đêm sáng như ban ngày. Lấy làm lạ, hoàng tử nhìn thấy giữa cánh đồng vắng có một vật sáng rực, nhặt lên thì ra đó là một chiếc lông. Hoàng tử hỏi ngựa: - "Có nên nhặt không?" - "Nếu nhặt sẽ đau khổ, không nhặt cũng thế". Bèn giắt lên mũ. Đến một thành phố, hoàng tử nằm ngủ giữa đồng. Vua và triều thần nước này đều lấy làm lạ vì đêm cũng sánh như ngày, bèn sai lính đi tìm. Lính đưa hoàng tử về, vua hỏi, anh trao chiếc lông. Vua buộc hoàng tử đi tìm cho ra người có chiếc lông lạ này. Ngựa cho hoàng tử biết đó là cô con gái vua Biển, mỗi ngày nàng cùng hai chị hóa làm bồ câu bay đến một hồ nọ để tắm. Vậy rình khi cô xuống nước phải chiếm lấy bộ quần áo lông thì có thể buộc cô theo mình. Hoàng tử chiếm được cô gái đem về cho vua. Vua muốn lấy nàng làm vợ. Cô ra điều kiện: - "Ai muốn lấy toi phải trẻ lại thành người hai mươi tuổi", - "Làm sao để cho trẻ lại?", vua hỏi, - "Đào một giếng sâu năm mươi thước đổ đầy sữa bò rồi xuống tắm". Khi giếng sữa đã làm xong, vua ngần ngại không dám xuống, bèn sai dẫn đến một đôi vợ chồng già bắt xuống tắm. Trở lên họ quả trẻ lại. Vua liền nhảy vào giếng sữa thì bị chết đuối. Tình tiết này tương tự với một truyện của Ý (Italia) (xem Khảo dị truyện số 92 , tập III ).



Truyện của người Thổ-nhĩ-kỳ (Tures) ở Nam Xi-bê-ri (Siberie):

Một anh chàng có số phận phiêu lưu kỳ lạ. Một lần bị sóng đánh giạt lên một đảo hoang. Đi ít lâu gặp một cụ già ngồi than khóc - "Sao lại khóc?", anh hỏi, - " Ta có đứa con giống như anh, nó đã chết, anh sẽ là con ta, cõng hộ ta với", - "Không đủ sức vì đói quá", - "Đến đàng kia có cây, ăn quả nó sẽ lại sức". Anh ăn xong, ông già bảo: - "Mang hộ ta lên vai đến một thành phố gần đây thôi". Anh vừa cõng đã bị lão đánh - "Sao lại đánh tôi?", - "Mày là ngựa, từ giờ phải để ta cưỡi". Anh đành phải cõng. Đến một nơi thấy dân ở đây cũng có người được cõng như thế. Ở lại đây sau nhiều năm, một hôm anh gặp một cây phong có quả chín. Đói sẵn, anh ăn vào bị say lảo đảo làm cho lão mất thăng bằng. Anh mời lão ăn, ăn xong lão mất trí, anh quật lão xuống rồi giết đi.



Lại trôi nổi đến một nơi nọ. Vào một lâu đài, khi mở cổng sau ngoảnh ra đồng, anh thấy một cái hồ ở giữa đồng. Anh ngồi dưới một gốc bạch dương, bỗng thấy có ba con thiên nga từ trên trời bay xuống đậu trên bờ. Hai con bước xuống nước thành hai cô gái, gọi: - "Mau xuống đi!" Nhưng thiên nga thứ ba đáp: - "Có mùi đàn ông ở đâu đây!", "Không, họ ở cách đây xa lắm!". Nghe nói thế, thiên nga bèn cởi áo lông bước xuống nước hóa thành cô gái. L ập tức anh chui ra khỏi chỗ trốn cướp lấy áo. Cô gái hoảng hốt kêu lên: - "Tôi đã bảo mà, thế mà hai chị nói không có ai cả". Hai cô kia liền vội vã lên bờ bay đi để cô thứ ba lại cho anh, v.v... [30]



Truyện của Pháp: Con mèo cái trắng khá phổ biến ở các dân tộc phương Tây:

Jăng (Jean), con nhà giàu, một hôm được người bố cho hai vạn quan đi chơi hội. Anh nướng hết vào sòng bạc. Một người bạn cho vay sáu ngàn, cũng lại cháy túi. Thất thểu trở về, gặp một yêu tinh hỏi anh vì sao mà buồn. Anh kể chuyện thua bạc. Yêu tinh cho anh vay hai vạn quan, hẹn một năm và một ngày phải đem đến trả ở Rừng đen. Về nhà kể chuyện lại cho bố mẹ hay, bố mẹ giục phải đi trả ngay, nếu không sẽ mắc tai họa. Lập tức anh đi tìm kiếm Rừng đen, phải mất một năm và một ngày mới tới nơi. Sắp tới, gặp một bà tiên mách cho anh cách để thoát khỏi tay yêu tinh: - "Ở đây có một cái giếng, có ba cái lông xanh, vàng, đen đang tắm. Hãy lấy cái áo của lông xanh và hôn một cái, nó sẽ cứu anh!" Anh làm theo lông xanh biến thành một cô gái, cô làm thân với anh. Cô bảo: - "Yêu tinh này là bố tôi đấy. Khi nào anh đến, bố tôi bảo ngồi ghế nào, thì nhớ ngồi ở chiếc ghế khác, chỉ bàn cũng vậy. Nếu đưa đĩa hay cốc thì từ chối, nói là theo tục lệ. Chỉ buồng ở trên cao thì đếm đủ mười tám bậc thang hãy vào, nếu chỉ cho nằm giường nào thì nằm ở giường bên cạnh". Anh đến gặp yêu tinh, mọi việc đều làm y như lời cô gái dặn. Đêm lại, yêu tinh làm cho giường xoay chuyển mọi phương, nhưng sáng dậy hắn ngạc nhiên thấy anh vẫn sống. Hắn lại giao cho anh búa bằng bìa, cưa bằng gỗ, dao quắm bằng cao-su để lên rừng đốn gỗ buộc để chiều phải đưa về. Lông xanh đưa cơm cho anh và chỉ bằng một gõ đũa, giúp anh làm xong. Yêu tinh lại bắt anh dựng một lâu đài chạm trổ, trước nhà phải có một mũi tên như thế như thế, cắm lên nóc. Lông xanh đưa cơm, bảo anh: - "Tôi sẽ làm ngay cho anh một lâu đài đúng như cha dặn. Rồi sẽ hóa thành một con mèo trắng, anh hãy giết đi, nhúng nước sôi, lọc lấy xương rồi sắp xương lại đúng chỗ để tôi sống trở lại. Lúc ấy trong người tôi sẽ có một mũi tên đẹp, hãy đem cắm lên lâu đài". Anh làm như lời, nhưng khi sắp xương thì có một đốt xương chân đặt sai chỗ. Yêu tinh lại bắt anh bịt mắt chọn cho đúng lông xanh trong ba lông, hứa sẽ gả. Anh chỉ đúng. Đêm ấy có gió to, cô gái bảo: - "Trốn theo tôi!". Khi đến gần nhà, cô ôm anh, anh trở thành một chàng trai đẹp, cô dặn: - "Về chớ cho người thân ôm mà lại xấu đi". Nhưng khi về, anh từ chối được cả, chỉ có bà nội, anh để cho bà ôm hôn, nên xấu trở lại.



Truyện còn kể khi yêu tinh ngủ dậy thấy mất hút anh, bèn đuổi theo, nhưng dọc đường hắn chỉ gặp những người điếc (do cô gái bố trí) nên hỏi mãi không ra, chán nản trở về. Thấy Jăng trở về với cô gái đẹp, có người đem nhiều tiền đến định bắt tình với nàng, cô gái nhận, nhưng lại tìm cách lẩn trốn, để cho Jăng đánh đuổi hắn. Mấy lần như vậy, hai người trở nên giàu có, họ bèn kết hôn [31] .

Truyện của người Mi-lăng (Milan) ở Bắc Ý (Italia):

Một anh chàng tìm đến vua xứ Mặt trời để đánh một ván bi-da mà vật cược là công chúa con vua. Anh khăn gói ra đi. Dọc đường anh gặp một ông già chỉ giúp con đường dẫn đến lâu đài nhà vua và dặn là hãy trộm lấy áo quần những người con gái vua khi họ tắm, chỉ bằng lòng trả khi nào họ dẫn đến vua cha. Ông già còn nói thêm: sau đó vua Mặt trời sẽ sai bịt mắt anh để chỉ nhằm cô nào phải lấy cô ấy; vậy phải tìm cô nào có ngón tay cụt là nàng đẹp nhất. Anh làm theo và kết quả diễn ra tốt đẹp như lời người mách [32] .

Truyện của người Nhật: Ha-rô-gô-mô là chiếc áo lông :

Một người chài nghèo ở Mi-hô, tỉnh Xu-ra-ga - một bán đảo gần núi Phú-sĩ - một hôm đang đặt sọt thức ăn dưới gốc thông bỗng ngửi thấy mùi thơm lạ. Nhìn lên thì thấy một chiếc áo treo ở cành cây, bèn trèo lên lấy xuống. Thấy áo có cánh, ông đoán là áo tiên, bèn mang về nhà. Nửa đêm mọi người đang ngủ, bỗng giật mình tỉnh dậy vì có tiếng gọi, đó là một nàng tiên đến xin áo. Ông trả lời không biết và đóng cửa. Nàng tiên nài nỉ mãi không được, bèn khóc sướt mướt. Động lòng, ông lão bèn đưa áo ra trả. Nàng tiên mặc áo bay lên trời. Ông già từ đấy giàu có sung sướng [33] .

Truyện của người Et-xki-mô (Eskimo) ở Ca-na-đa (Canada): Người dụ dỗ :

Một chàng trẻ tuổi tên là Ki-vi-ốc làm nhiều cuộc phiêu lưu kỳ lạ. Thuyền chàng bị bão giạt lên một bãi biển, gặp một mụ phù thủy ăn thịt người. Nhờ con chim sẻ giúp đỡ, anh tìm lại được thuyền và thoát nạn. Rồi anh còn thoát được nhiều quái vật khác ở biển, tìm đến một nơi có mấy người đàn bà vốn là nhện hóa thân. Anh ngủ tại đây, lấy của họ một số ngọc đẹp. Lại đến một nơi có những người đàn bà vốn là chim mỏ nhát. Họ chèo rất khỏe đưa anh về đến quê hương. Anh chia ngọc cho phụ nữ trong làng rồi lại tiếp tục cuộc phiêu lưu. Đến một nơi có mấy người đàn bà vốn là chó sói, anh lấy một cô trẻ nhất làm vợ, hàng ngày đi săn nai. Nhưng không ngờ một hôm mẹ của vợ ghen con, giết con để mình thế vào. Anh khóc người vợ trẻ và khỏe, rồi bỏ đi. Lại đến sống ở xứ sở của những người đàn bà vốn là chồn hóa thân. Đến đây truyện mới bắt đầu gần gũi với các truyện đã kể. Một lần đi qua một cái hồ thấy có nhiều phụ nữ đang tắm, anh trộm lấy một bộ quần áo đẹp của họ bỏ trên bờ. Sự xuất hiện của anh làm cho các cô thét lên, vùng chạy lên bờ thoắt chốc biến thành ngỗng trời bay đi. Chỉ có cô mất áo quần phải ở lại làm vợ anh, cũng sinh được hai con. Ở đây không có tình tiết tìm lại được áo; trái lại, truyện kể: những khi anh đi săn vắng, vợ anh không cho con ăn thịt mà lại tập cho chúng ăn cỏ, cát, sỏi, - "Chúng con phải ăn thịt nai của bố săn đây này", anh bảo thế nhưng chúng vẫn không ăn. Hàng ngày mẹ lượm lông chim kết làm cánh cho mình và cho hai con. Rồi một hôm họ hóa thành ngỗng trời bay đi mất. Buồn rầu, Ki-vi-ốc bỏ đi tìm. Nhờ cha lợn chỉ cho hướng đi nhưng có một cái hồ rộng mênh mông chắn đường. Cha lợn lại gọi một con cá lớn cõng anh lên lưng chở sang. Khi đến nơi, con anh mừng rỡ báo tin vui cho mẹ. Nhưng mẹ đã lấy chồng khác rồi, không muốn gặp nữa. Anh bước vào nhà. Chồng mới của vợ sợ hãi trốn mất, vợ kêu khóc như ri. Cuộc đoàn tụ không vui vẻ. Cuối cùng anh phạm tội giết người, lại trốn đến xứ người da trắng trở thành chủ nhân của năm chiếc tàu, thỉnh thoảng anh lại đi du lịch các nơi [34] .

Dân tộc Dáy ở Việt-nam có truyện Con chim toóc toóc cũng có sử dụng hình ảnh cướp cánh nàng tiên:

Có bảy anh em có tài dùng trán đóng cọc để đắp đập cấy lúa. Nhưng đắp lần nào đều bị phá vỡ lần ấy. Tức mình, họ để tâm rình, mới hay có bảy nàng tiên ban đêm từ trên trời rơi xuống, đặt áo quần và cánh trên bờ rồi xuống tắm. Trong khi nô đùa, họ lắc cọc nghiêng ngả nên đập bị lở. Bảy anh em bèn xuất hiện chiếm lấy áo quần và cánh, hỏi họ tại sao lại phá đập của mình. Cuối cùng bảy nàng tiên đành phải làm vợ bảy anh em. Đo ạn sau còn kể một cụ già, để trị bảy anh em kiêu ngạo, cho họ biết ở dưới đất có những người "ản-eng" tuy tý hon nhưng lại tài giỏi hơn. Bảy anh em bèn tìm xuống để đọ tài. Thấy người "ản-eng" bé nhỏ, bảy anh em làm đổ nồi cơm (bằng vỏ trứng gà) của họ. Họ vẫn không nói gì. Thấy có hòn chì bằng quả bưởi mài nhẵn bong, bảy anh em hỏi: - "Cái này dùng để làm gì?" - "Của bố chúng tôi dùng để luyện tập". - "Luyện tập thế nào?" - "Tung lên tít mây xanh rồi dùng mũi đỡ. May cho các bác là bố chúng tôi hôm nay đi vắng, chứ nếu có nhà chỉ lấy mũi đỡ, văng vào ai kẻ ấy chết ngay". - "Chúng tao cũng làm được". - "Không có tài như bố chúng tôi thì đừng làm mà chết uổng mạng". Nhưng bảy anh em bị mắc mưu lời nói khích của người "ản-eng", hòn chì lần lượt tung lên giáng xuống làm chết tất cả. Sau đó họ hóa làm chim toóc toóc [35] .

Người Tây nguyên cũng có truyện Cây đàn, ở đây nàng tiên không từ trời xuống mà lại từ dưới đất lên:

Chuột và nhím một hôm đào hang đến nhà người Kinh (Doan) ăn trộm cây đàn. Tiếng đàn gảy lên làm cho một cô gái đêm đêm lên nhảy múa với chúng. Một hôm chuột giấu áo cô xuống dưới đống thóc, khiến cô không về được. Chủ của chuột và nhím tên là Sét mê cô gái đẹp, cuối cùng hai người lấy nhau. Được ít lâu người Kinh đi buôn về kiện chuột và nhím ăn trộm đàn, chúng đành phải trả lại. Không có tiếng đàn, cô gái buồn héo đến chết. Nhớ vợ, Sét cầy cục chế ra một cây đàn khác. Tiếng đàn làm cho một cô gái đêm đêm đến nghe trộm, mờ sáng đã về. Một hôm Sét buộc chỉ vào áo cô gái, chờ khi về, lần theo sợi chỉ mới biết cô chui vào mộ vợ mình. Sét gọi to lên, vợ Sét tỉnh dậy và sống lại như xưa [36] .

Về hình ảnh người chồng (hay đứa con) đánh rơi cái lược (hay chiếc nhẫn) vào thùng nước của thị tỳ nàng tiên, người Lào có truyện Đám cưới của Thao Bút-sa-ba cũng có hình ảnh tương tự, lại kết hợp phần nào với hình ảnh của truyện Quân tử (số 162 ). Đại lược là:

Thao Bút-sa-ba là người trai đẹp, giản dị, lại thường có lòng tốt đối với các giống vật. Đến tuổi lấy vợ, anh đi khắp nơi để tìm một nàng. Một hôm dừng chân ở bờ suối gần hoàng cung gặp một cô gái quảy hai thùng nước - "Gánh nước đi đâu?", anh hỏi. - "Cho công chúa, chủ tôi" -"Cho xin uống được chăng?" - "Được!". Về, cô gái kể lại cho công chúa hay. Trong khi gội đầu thấy một chiếc nhẫn rơi xuống, công chúa bảo cô gái chạy ra bờ suối xem thử người khách lạ đánh rơi nhẫn vô tình hay cố ý. Nếu quả là vô tình thì cứ bảo chàng "về đi hỏi công chúa Keo Pha làm vợ, rồi sẽ được lại nhẫn". Bút-sa-ba đến cầu hôn như lời dặn. Ở đây chàng cũng qua ba cuộc thử thách: 1) nhặt cho đủ số lúa đã đếm trong một thúng đem rắc vào rừng (nhờ sâu và kiến giúp thành công); 2) nhặt số lúa ấy đem ném xuống sông (nhờ cá và thần sông giúp); 3) nhận cho đúng ngón tay của công chúa lẫn trong số ngón tay của nhiều cung nữ thò ra ngoài vách (nhờ có công chúa đeo chiếc nhẫn), chàng thắng lợi [37] .

Người Phu-noi ở Thượng Lào có truyện Công chúa Nân (hoặc Nang) Ma-nô-ra gần như là một với truyện của người Miến-điện (Myanmar) đã kể trên:

Nước Út-ta-ra thịnh vượng nhờ một con rái thần giúp. Nó cho vua bốn giếng đầy của cải ở bốn góc hoàng cung. Hoàng hậu lại sinh được hoàng tử đặt tên là Su-đạt-na-ku-ma-ra vốn là Bồ tát giáng sinh. Một ông vua láng giềng ghen tỵ, sai một Bà-la-môn đi giết con rái cá. Nhưng rái cá nhờ một người đi săn giúp đỡ, giết được đạo sĩ. Lại nhờ có dây thừng của rái, người đi săn bắt được chim thần Kin-na-ri tắm ở hồ bằng cách giấu cánh và đuôi. Đó là công chúa Nân Ma-nô-ra, con gái vua núi Cai-lát. Hắn đem dâng hoàng tử làm vợ. Trong lúc hoàng tử bận đi đánh dẹp thì vua cha mộng thấy ruột non lòi ra ngoài. Thầy bói cho biết phải giết mọi thú vật, vùi vào than hồng làm nghi lễ. Nghe lời đại thần, vua còn muốn hy sinh cả cô dâu. S ắp bị bắt thì nàng xin lại được đuôi và cánh, nên lúc vệ binh đến, công chúa đã bay lên trời, không quên trao nhẫn và khăn choàng cho một pháp sư bảo đưa lại cho chồng.

Hoàng tử thắng trận trở về thấy mất vợ, xin phép đi tìm. Nhờ pháp sư chỉ đường, phải khó khăn lắm mới vượt bao hiểm trở để đến nơi vợ ở. Thấy một thị tỳ đội nước về cho công chúa, hoàng tử bỏ nhẫn vào bình và đỡ bình lên đầu cho thị tỳ. Khi thị tỳ dội nước cho công chúa thì nhẫn theo dòng nước lọt vào ngón tay của nàng. Biết là chồng đã đến, nàng báo cho bố mẹ đi đóng phò mã vào hoàng cung. Bố mẹ vợ tiếp đón chàng rể tử tế, nhưng không trả lại vợ. Tức mình, hoàng tử bắn một phát thị uy. Bại trận, vua cho các công chúa ra cho chàng nhận mặt. Họ giống nhau quá làm cho hoàng tử bối rối. Nhờ có thần Đế Thích hóa làm con ruồi vàng đậu vào Nân Ma-nô-ra, nên chàng nhận ra. Hoàng tử ôm vợ vào lòng. Sau đó hoàng tử và vợ trị vì nước Út-ta-ra.

Người Phu-noi và người Lào tin rằng họ là con cháu thần chim Kin-na-ri. Hội lớn được tổ chức tám hay mười năm một lần, trong có điệu múa chim, có vũ sĩ đeo mặt nạ, khoác cánh và đuôi chim làm bằng tre. Nơi hoàng tử tìm thấy Nân Ma-nô-ra gọi là Phu-pha (ở Phong-sa-lỳ). Hồ mà thần Kin-na-ri tắm là hồ Nàng Ba cách đấy bốn cây số [38] .

Người Cham-pa còn có truyện Công chúa Xa I-nỡ :

Nước Cham-pa có một công chúa đẹp tên là Xa I-nỡ bị một ông vua láng giềng bắt làm vợ, nàng sinh một đứa con. Người anh của công chúa là Pô Ca-thít không chịu lên ngôi nếu dân không tìm cách đem em gái mình về. Nhờ thầy bói cho biết chồng công chúa cùng đứa con đi vắng dài ngày, dân bèn cử ra ba người giỏi có mưu mẹo đem theo ba chiếc vòng (hoặc nhẫn) có dấu hiệu vua Cham-pa. Họ đến chực ở bờ giếng hoàng cung mà cung nữ của Xa I-nỡ thường đến múc nước. Khi giúp cho người cung nữ bưng vò nước nặng đặt lên đầu, họ lén bò vào vò một chiếc vòng. Xa I-nỡ rửa mặt thấy chiếc vòng rơi ra, nhận ra dấu hiệu của anh. Lập tức ba người được mời vào, nàng sai làm nhiều bánh nói là tiệc chiêu đãi rồi lén cùng họ xuống thuyền trốn về nước.

Thấy em gái về, Pô Ca-thít bèn lên ngôi. Ông vua mới sai xây thành đắp lũy, đường vào thành có một con đập chắn ngang sông. Lại sai làm một chiếc đó khổng lồ đặt ở cửa đập, trên đó bắc một chiếc cầu máy có thể kéo dây làm cho cầu lật. Chồng Xa I-nỡ biết tin vợ trốn, bèn cất quân đi đánh. Dân chúng Cham-pa được lệnh rút vào thành. Quân địch đi qua cầu đều bị rơi vào chiếc đó khổng lồ. Thất bại, chồng Xa I-nỡ bèn giả dạng một người hành khất dắt con đến đầu cầu, xin với người lính gác vào thành - "Đợi ta vào trình với công chúa đã". Nghe người lính gác kể, Xa I-nỡ đoán là chồng và con. Bèn ra lệnh chỉ cho con vào, còn với chồng thì nàng sai đưa cơm cho ăn. Chồng ăn xong nàng lại sai người đưa tới đập nước. Thấy cửa đập mở, nước chảy ào ào vào một cái đó khổng lồ, chồng Xa I-nỡ chợt hiểu nguyên nhân thất bại, liền đi một mạch về nước, không dám trở lại tìm vợ con nữa [39] .









[1] Theo lời kể của người Hà-tĩnh, Bắc-ninh.

[2] Theo Lang-đờ (Landes), sách đã dẫn.

[3] Câu này người Vĩnh-phú kể là: “Ăn thì ăn cót lúa dé (ré) đừng ngó nghé đến cót lúa chiêm ”.

[4] Bản khai thông Chích-đích, xã Mỹ-lơi .

[5] Theo Lưu Văn Thuận, Phạm Văn Phương. Truyện cổ tích , đã dẫn.

[6] Theo Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam , tập II.

[7] Bố Thuận và Nguyễn Khắc Ngữ: Tại sao người Chàm Ba-ni kiêng thịt heo

[8] Bố Thuận và Nguyễn Khắc Ngữ: Tại sao người Chàm Ba-ni kiêng thịt heo và thịt [kỳ] nhông? Văn hóa nguyệt san số 53 (1960)

[9] Theo Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập II, đã dẫn.

[10] Theo Truyện cổ Ca-tu.

[11] Theo Truyện cổ Ca-tu.

[12] Theo Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam, tập IV.

[13] Theo Truyện cổ Ba-na, tập II.

[14] Theo Mai Văn T ấn, sách đã dẫn.

[15] Theo Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam, tập IV, sách đã dẫn.

[16] Theo Truyện cổ Việt-bắc , tập II, đã dẫn.

[17] Theo Lê Tr ọng Hàm. Minh đô sử; Sê-ông (Chéon). Sưu tập những bài mới.

[18] Theo Nàng Át Kao và Truyện cổ Việt-bắc, tập I, đã dẫn. Trong Truyện cổ Dao thì người kể chia làm hai truyện (1. Người chồng hóa nai; 2. Trộm áo nàng tiên) tuy có nhiều tình tiết mới, nhưng sự tiến triển của truyện có chỗ không được lô-gích.

[19] Theo Vũ Ngọc Phan. Truyện cổ Việt-nam.

[20] Theo Đờ-jor-jơ (Degeorge), báo đã dẫn

[21] Theo lời kể của đồng bào Mường ở Hòa-bình.

[22] Theo Bản khai sách Hữu-lập, sách Vĩnh-lại và sách Nhiêu-hợp, tập I.

[23] Theo Truyện cổ Thái, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà-nội, 1980.

[24] Theo Truyện dân gian Trung-quốc

[25] Theo Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao. Truyện cổ dân tộc Mèo.

[26] Theo Truyện cổ Việt-bắc, tập II, đã dẫn.

[27] Theo Su-át (Chouate). Huyền thoại và truyền thuyết thổ dân ở đảo TânHê bờ-rít (Nouvelle Hébride) châu Úc (Australie), tạp chí Nhân loại tập VII (1912). Một dị bản kể như sau: Một bọn người có cánh đến tắm ở sông Oa-tun (Watun) trong đó cũng có người đàn bà có con bé. Cánh của nàng cũng bị một người đàn ông lấy trộm và nàng đành làm vợ anh. Một hôm hai người cãi nhau, chồng quát: - “Chúng mày ở đâu thì xéo đi!” Vợ khóc, nước mắt cũng làm xói đất, làm lộ bộ cánh giấu dưới đó. Vợ nhân lúc chồng vắng nhà bế con bay đi. Chồng về hỏi vợ cả, vợ cả không biết. Như truyện trên, anh trèo lên núi đá Mut bắn tên lên trời, tên trúng vào cây đa gần nhà người đàn bà. Các mũi tên sau cũng tiếp tục cắm vào đuôi nhau, anh lấy rễ cây đa cho bắt vào mũi tên cuối cùng, rễ cũng bò đến cành đa trên trời. Anh ta leo lên, mang theo một thúng quả cây. Đến nơi thấy con chơi ở khe, từ trên cây anh ném xuống các thứ quả. Mỗi lần nhặt được, đứa bé mang về cho mẹ. Mẹ nó kêu lên: - “Ồ, đây là loại quả mà chúng ta ăn ở dưới kia!” Lần thứ ba, mẹ nó chạy ra nhìn lên cây thấy chồng: - “Làm sao đến được đây?” – “Tao đi theo một con đường riêng”. – “Tìm ai?” – “Tìm mày về” – “Tao không muốn”. Nhưng người đàn ông cố ép. Người đàn bà buộc phải bế con đi theo và nửa đường nàng cũng chặt đứt rễ đa sau lưng anh chồng – “Mày làm gì thế?” – chồng hỏi, - “Rễ cây đã chặt, mày về làng mày, còn tao về làng tao”. (Theo Tát-tơ-vin (Tattevi), Huyền thoại và truyền thuyết ở phía Nam đảo Păng-tơ-cốt, tạp chí Nhân loại, tập XXVII, 1931)

[28] Theo một số báo Hội [nghiên cứu ] Á châu của Băng-gan (1839).

[29] Phần nhiều các truyện trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin), Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren, tập II.

[30] Theo Báo châu Á (1886). Đoạn đầu truyện tương tự với cuộc hành trình lần thứ năm truyện nhà hàng hải Sinh Bá trong Nghìn lẻ một đêm.

[31] Truyện của người Ý (Italia), Tây-ban-nha (Espana), Bồ-đào-nha (Portugal) có phần tương tự với truyện trên:

Một chàng trẻ tuổi hay cờ bạc, một hôm đi chơi đến một nơi, vào một quán đánh bạc. Chủ quán vốn là tay phù thủy nên cuối cùng anh bị lột sạch túi. Anh lại đem thân ra đánh, giao hẹn nếu thua thì một năm sau sẽ đến chuộc. Lại thua nữa. Đến hẹn không có tiền chuộc, phải đi gán thân, dọc đường gặp tượng thánh Ăng-toan, anh bèn cầu nguyện. Thánh hóa thành một thầy tu gặp anh, bày cho cách tự cứu là đến một cầu nọ sẽ thấy ba con chim bồ câu trắng, chim sẽ bỏ bộ lông trên bờ biến thành con gái xuống tắm. Hãy lấy bộ lông của cô trẻ nhất giấu đi, và nhờ cô ấy có thể chuộc được thân. Anh làm theo lời, cô gái bị mất bộ lông tìm đến xin trả. Anh đặt điều kiện giúp mình giải quyết món nợ. Cô nói rằng người phù thủy ấy là bố mình. Bèn dẫn về. Phù thủy cũng giao ba việc, làm xong sẽ xóa nợ. Nhờ cô giúp nên chẳng những sạch nợ mà còn lấy được cô làm vợ, v.v...

[32] Phần nhiều các truyện trên đều theo Cô-xcanh (E-Cosquin), sách đã dẫn.

[33] Theo Phu-ji-ta (Phujita), Truyền thuyết Nhật-bản.

[34] Theo Pê-rê (Péret): Tuyển tập thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích dân gian châu Mỹ.

[35] Theo Chàng xà trị hổ ác.

[36] Theo Tạ Minh Hội và Đào Tử Chí, Lấy vợ tiên.

[37] Theo Gu-in-nô (Gouineau), báo đã dẫn. Truyện Hoàng tử Thụy-đan cũng kể y như trên, duy ngón tay của công chúa không phải đeo nhẫn mà là giắt một hạt kê ở kẽ móng tay (theo Bu-sô (Bouchor)). Truyện cổ tích kể theo truyền thống Đông phương.

[38] Theo Văn hóa nguyệt san , số 29 (1958).

[39] Theo BEFEO , tập V (1905).
Kho Tàng Truyện Cổ Tích
Lời Dẫn
CÙNG MỘT TÁC GIẢ
Phần thứ nhất - I. BẢN CHẤT TRUYỆN CỔ TÍCH
6. PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT
II - LAI LỊCH TRUYỆN CỔ TÍCH
III. TRUYỆN CỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI
PHẦN THỨ HAI -
I. NGUỒN GỐC SỰ VẬT
2. SỰ TÍCH TRẦU, CAU VÀ VÔI
3. SỰ TÍCH TRÁI SẦU RIÊNG
4. SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ
5. SỰ TÍCH CHIM HÍT CÔ
6. SỰ TÍCH CHIM TU HÚ
7. SỰ TÍCH CHIM QUỐC
8. SỰ TÍCH CHIM NĂM-TRÂU-SÁU-CỘT VÀ CHIM BẮT-CÔ-TRÓI-CỘT
9. SỰ TÍCH CHIM ĐA ĐA
10. SỰ TÍCH CON NHÁI
11. SỰ TÍCH CON MUỖI
12. SỰ TÍCH CON KHỈ
13. SỰ TÍCH CÁ HE
14. SỰ TÍCH CON SAM
15. SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG
16. GỐC TÍCH BỘ LÔNG QUẠ VÀ BỘ LÔNG CÔNG
17. GỐC TÍCH TIẾNG KÊU CỦA VẠC, CỘC, DỦ DỈ, ĐA ĐA VÀ CHUỘT
18. GỐC TÍCH CÁI NỐT DƯỚI CỔ CON TRÂU
19. SỰ TÍCH CÁI CHÂN SAU CON CHÓ
20. SỰ TÍCH CÁI CHỔI
21. SỰ TÍCH ÔNG ĐẦU RAU
22. SỰ TÍCH ÔNG BÌNH VÔI
23. SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT
24. GỐC TÍCH BÁNH CHƯNG VÀ BÁNH DẦY
25. GỐC TÍCH RUỘNG THÁC ĐAO HAY LÀ TRUYỆN LÊ PHỤNG HIỂU
II. SỰ TÍCH ĐẤT NƯỚC VIỆT 26. SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
27. SỰ TÍCH HỒ BA-BỂ
28. SỰ TÍCH ĐẦM NHẤT-DẠ VÀ BÃI TỰ-NHIÊN
29. SỰ TÍCH ĐẦM MỰC
30. SỰ TÍCH SÔNG NHÀ-BÈ HAY LÀ TRUYỆN THỦ HUỒN
31. TẠI SAO SÔNG TÔ-LỊCH VÀ SÔNG THIÊN-PHÙ HẸP LẠI?
32. SỰ TÍCH ĐÁ VỌNG PHU
33. SỰ TÍCH ĐÁ BÀ-RẦU
34. SỰ TÍCH THÀNH LỒI
35. SỰ TÍCH NÚI NGŨ-HÀNH
III. SỰ TÍCH CÁC CÂU VÍ 36. THẠCH SÙNG CÒN THIẾU MẺ KHO HAY LÀ SỰ TÍCH CON MỐI
37. BÒ BÉO BÒ GẦY
38. NỮ HÀNH GIÀNH BẠC
39. LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON
40. BỤNG LÀM DẠ CHỊU HAY LÀ TRUYỆN THẦY HÍT
NGUYỄN ĐỔNG CHI - TRÉSOR DES CONTES VIETNAMIENS
TẬP II
III. CÁC TÍCH CÁC CÂU VÍ 41. ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
42. CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA
43. NỢ TÌNH CHƯA TRẢ CHO AI, KHỐI TÌNH MANG XUỐNG TUYỀN ĐÀI CHƯA TAN
44. NỢ NHƯ CHÚA CHỔM
45. HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
46. SINH CON RỒI MỚI SINH CHA SINH CHÁU GIỮ NHÀ RỒI MỚI SINH ÔNG
47. CON VỢ KHÔN LẤY THẰNG CHỒNG DẠI NHƯ BÔNG HOA LÀI CẮM BÃI CỨT TRÂU
48. CỨU VẬT VẬT TRẢ ÂN CỨU NHÂN NHÂN TRẢ OÁN
49. ĐỨA CON TRỜI ĐÁNH HAY LÀ TRUYỆN TIẾC GÀ CHÔN MẸ
[50]. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG
51. CHA MẸ NUÔI CON BỂ HỒ LAI LÁNG CON NUÔI CHA MẸ KỂ THÁNG KỂ NGÀY
52. CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG
53. DÌ PHẢI THẰNG CHẾT TRÔI, TÔI PHẢI ĐÔI SẤU SÀNH
54. CÁI KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI
55. VẬN KHỨ HOÀI SƠN NĂNG TRÍ TỬ, THỜI LAI BẠCH THỦY KHẢ THÔI SINH
56. TRINH PHỤ HAI CHỒNG
57. KIỆN NGÀNH ĐA
58. TO ĐẦU MÀ DẠI, NHỎ DÁI MÀ KHÔN
59. NHÂN THAM TÀI NHI TỬ, ĐIỂU THAM THỰC NHI VONG
60. NÓI DỐI NHƯ CUỘI
61. CỦA TRỜI TRỜI LẠI LẤY ĐI GIƯƠNG ĐÔI MẮT ẾCH LÀM CHI ĐƯỢC TRỜI
IV. THÔNG MINH TÀI TRÍ VÀ SỨC KHỎE 62. HAI ÔNG TƯỚNG ĐÁ RÃI
63. LÊ NHƯ HỔ
64. CHÀNG LÍA
65. ANH EM SINH NĂM
66. BỐN ANH TÀI
67. KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG HAY LÀ SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY
68. THẠCH SANH
69. ĐẠI VƯƠNG HAI HAY LÀ TRUYỆN GIẾT THUỒNG LUỒNG
70. ÔNG Ồ
71. ÂM DƯƠNG GIAO CHIẾN
72. YẾT KIÊU
73. LÝ ÔNG TRỌNG
74. BẢY GIAO, CHÍN QUỲ
75. NGƯỜI Ả ĐÀO VỚI GIẶC MINH
76. BỢM LẠI GẶP BỢM
77. QUẬN GIÓ
78. CON MỐI LÀM CHỨNG
79. BÙI CẦM HỔ
80. EM BÉ THÔNG MINH
81. TRẠNG HIỀN
82. THẦN GIỮ CỦA
83. KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ
84. CON MỤ LƯỜNG
85. CON SÁO VÀ PHÚ TRƯỞNG GIẢ
86. CON THỎ,
87. CON THỎ VÀ CON HỔ
88. MƯU CON THỎ
89. BỢM GIÀ MẮC BẪY
90. GÁI NGOAN DẠY CHỒNG
91. BÀ LỚN ĐƯỜI ƯƠI
92. CON CHÓ,
93. NGƯỜI HỌ LIÊU VÀ DIÊM VƯƠNG
KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM
V. SỰ TÍCH ANH HÙNG NÔNG DÂN 94. CỐ GHÉP
95. ÔNG NAM CƯỜNG
96. CỐ BU
97. QUẬN HE
98. HẦU TẠO
99. LÊ LỢI
100. LÊ VĂN KHÔI
101. BA VÀNH
102. HAI NÀNG CÔNG CHÚA NHÀ TRẦN
103. VỢ BA CAI VÀNG
105. NGƯỜI THỢ MỘC NAM-HOA
VI. TRUYỆN PHÂN XỬ 106. NGƯỜI ĐẦY TỚ VÀ NGƯỜI ĂN TRỘM
107. BA CHÀNG THIỆN NGHỆ
108. CHÀNG NGỐC ĐƯỢC KIỆN
109. NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ VU OAN
110. TRA TẤN HÒN ĐÁ
111. NGUYỄN KHOA ĐĂNG
112. SỢI BẤC TÌM RA THỦ PHẠM
113. PHÂN XỬ TÀI TÌNH
114. NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT TÍCH
115. TINH CON CHUỘT
116. HÀ Ô LÔI
117. MIẾNG TRẦU KỲ DIỆU
118. TÚ UYÊN
119. NỢ DUYÊN TRONG MỘNG
120. TỪ ĐẠO HẠNH HAY SỰ TÍCH THÁNH LÁNG
121. CHÀNG ĐỐN CỦI
122. NGƯỜI THỢ ĐÚC
123. SỰ TÍCH ĐÌNH LÀNG ĐA HÒA
124. CON CHIM KHÁCH MÀU NHIỆM
125. CÂY TRE TRĂM ĐỐT
126. NGƯỜI LẤY CÓC
127. CÂY THUỐC CẢI TỬ HOÀN SINH
128. LẤY CHỒNG DÊ
129. NGƯỜI LẤY ẾCH
130. SỰ TÍCH ĐỘNG TỪ THỨC
131. NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ BA CON QUỶ
132. HAI CÔ GÁI VÀ CỤC BƯỚU
133. NGƯỜI HÓA DẾ
134. THÁNH GIÓNG
135. AI MUA HÀNH TÔI
136. NGƯỜI DÂN NGHÈO
KHO TÀNG
Phần II -
138. NGƯỜI THỢ SĂN VÀ MỤ CHẰNG
139. QUAN TRIỀU
VIII. TRUYỆN ĐỀN ƠN TRẢ OÁN _140. THỬ THẦN
141. CON CÓC LIẾM NƯỚC MƯA
142. THẦY CỨU TRÒ
143. HAI CON CÒ VÀ CON RÙA
144. CÔ GÁI LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ
145. NGƯỜI DÌ GHẺ ÁC NGHIỆT
146. LÀM ƠN HÓA HẠI
147. HUYỀN QUANG
148. TIÊU DIỆT MÃNG XÀ
149. GIÁP HẢI
150. TAM VÀ TỨ
151. BÍNH VÀ ĐINH
152. HÀ RẦM HÀ RẠC
153. ÔNG GIÀ HỌ LÊ
154. TẤM CÁM
156. PHẠM NHĨ
157. CON MA BÁO THÙ
158. RẮN BÁO OÁN
159. RẠCH ĐÙI GIẤU NGỌC
160. NGƯỜI HỌC TRÒ
161. SỰ TÍCH ĐỀN CỜN
163. QUÂN TỬ
164. CƯỜNG BẠO ĐẠI VƯƠNG
165. MŨI DÀI
166. BỐN CÔ GÁI MUỐN LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ
167. ÔNG DÀI ÔNG CỘC
168. SỰ TÍCH THÁP BÁO ÂN
170. VỤ KIỆN CHÂU CHẤU
IX - TÌNH BẠN, TÌNH YÊU VÀ NGHĨA VỤ 171. BÀ CHÚA ONG
172. ANH CHÀNG HỌ ĐÀO
173. DUYÊN NỢ TÁI SINH
174. MỴ CHÂU - TRỌNG THỦY
175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ
KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM TẬP V 176. QUAN ÂM THỊ KÍNH
180. BÁN TÓC ĐÃI BẠN
181. TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI
182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU
183. BỐN NGƯỜI BẠN
184. NGƯỜI CƯỚI MA
185. VỢ CHÀNG TRƯƠNG
186. SỰ TÍCH KHĂN TANG
187. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM
188. CÁI VẾT ĐỎ TRÊN MÁ CÔNG NƯƠNG
189. CHÀNG NGỐC HỌC KHÔN
190. PHIÊU LƯU CỦA ANH CHÀNG NGỐC
191. THỊT GÀ THUỐC CHỒNG
192. HÒA THƯỢNG
193. HAI ANH EM
194. CHÀNG RỂ THONG MANH
195. LÀM CHO CÔNG CHÚA NÓI ĐƯỢC
196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG
196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG
197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI,
197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI,
198. THẦY LANG BẤT ĐẮC DĨ
199. "GIẬN MÀY TAO Ở VỚI AI"
200. CÁI CHẾT CỦA BỐN ÔNG SƯ
201. HAI BẢY MƯỜI BA
PHẦN THỨ BA NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
2. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
3.TÍNH CÁCH PHÊ PHÁN HIỆN THỰC
4. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
V. THỬ TÌM NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT - NAM
3. THU HÚT TINH HOA KHO TRUYỆN CỦA CÁC DÂN TỘC ANH EM
LỜI SAU SÁCH
II. BÁO VÀ TẠP CHÍ
KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
NHÀ CỔ TÍCH HỌC NGUYỄN ĐỔNG CHI
MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI
BẢNG TRA CỨU TÊN TRUYỆN KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM