87. CON THỎ VÀ CON HỔ
Tác giả: Nguyễn đổng Chi
Hổ bị thỏ chơi một mẻ mất mặt, thề từ nay không đội trời chung với thỏ.
Một hôm, hổ đi chơi gặp thỏ đang trèo cây ăn mật ong. Hổ đứng đón dưới gốc, trừng mắt bảo thỏ:
- Mày đừng có hòng chạy nữa nhé! Tao tìm mày lâu lắm rồi. Muốn tốt xuống đây nộp mạng!
Thỏ bèn làm kế hoãn binh:
- Ông làm ơn cho tôi đánh một hồi trống rồi tôi xin xuống để ông bắt tội.
- Được, hổ trả lời.
Thỏ giơ tay giả làm điệu bộ đánh trống liên hồi vào tổ ong. Bấy giờ tiếng ong bay vù vù, văng vẳng có âm thanh phát ra làm cho hổ nghe tưởng là trống thật. Thích quá, hổ bảo thỏ:
- Mày cho tao đánh với!
- Ông đánh cũng được thôi - thỏ đáp - nhưng có điều, ông mà đánh thì tôi sẽ điếc tai long óc mất. Vậy ông làm ơn để tôi đi thật xa đây đã, bao giờ không nghe tiếng hú của tôi nữa thì hãy đánh.
Thế là hổ ta quên mất việc trị tội thỏ, để cho thỏ nhảy xuống chạy trốn mất. Khi không còn nghe tiếng hú, hổ mới trèo lên cây, đánh mạnh vào tổ ong. Tổ ong vỡ ra, cả bầy ong xông tới đốt cho hổ tối mày tối mặt. Hổ kinh hoàng sẩy chân rơi xuống đất đau điếng cả người. Nhưng ong vẫn không tha, hổ chạy đến đâu chúng đuổi theo đến đó, đốt cho mặt sưng húp mới chịu thôi. Hổ biết là mắc mưu thỏ, giận bầm gan tím ruột.
Hôm khác hổ tình cờ gặp lại thỏ đang đứng bên bụi tre. Hổ chặn đường hét:
- Mày làm ông khốn nạn bao nhiêu phen rồi? Thôi, đứng đó cho ông trị tội.
Thỏ nghĩ ra được một kế khác, nói:
- Ông hãy cho tôi gẩy một khúc đàn cha ông nghe đã rồi tôi sẽ để ông bắt tội. Tôi không dám trốn đâu mà ông lo.
Hổ bằng lòng. Thỏ liền nhảy lên bụi tre giả làm như cách gảy đàn. Kỳ thực, lúc nào gió thổi hai cây tre sắp cọ vào nhau thì nó rút chân ra, lúc hai cây tre rời nhau thì nó đút chân vào.
Tiếng tre cót két làm vui tai hổ, cho nên hổ lại bảo thỏ:
- Mày để cho tao gảy một lúc chơi.
Thỏ nói:
- Ông cứ gảy tùy thích, những chơi cho khéo kẻo hỏng mất đàn của tôi đi!
- Mày dạy tao cách gảy thế nào đã.
- Tay ông to quá đánh hỏng đàn mất. Vậy ông hãy cứ đánh bằng đuôi thì tốt hơn. Đây này! Cứ lúc nào hai cây tre rời nhau thì ông cho đuôi vào giữa, thế là nó bật thành tiếng nghe rất thú. Nhưng ông hãy chờ cho tôi đi xa đây đã. Nói rồi, thỏ nhảy xuống, ba chân bốn cẳng chạy mất. Còn hổ làm đúng như lời của thỏ, bị tre nghiến đứt mất một khúc đuôi. Hổ đau đớn không thể nói hết, gầm rống vang trời, trông bộ dạng rất thiểu não. Hắn quyết bắt cho được thỏ xé xác ra mới hả dạ.
Bẵng đi một ít lâu, hổ lại gặp thỏ. Nhưng lần này đang lúc thỏ vô ý sa xuống một cái hố sâu không làm sao lên được. Thấy mặt hổ, thỏ vội gọi:
- Trời ơi! Ông còn chưa biết ư? Mau lên không thì nguy khốn đến nơi rồi!
Hổ nghe nói thế, cuống lên hỏi lại thỏ:
- Thế nào? Nói mau!
- Ông ơi - thỏ đáp - ông có thấy gió thổi ào ào, cây cối rung chuyển đó không, đó là dấu hiệu trời sắp sập rồi, chỉ còn một cách nhảy xuống đây mới có thể thoát được mà thôi!
- Thật thế à? Cho tao xuống với nhé!
- Ông xuống ngay đi! Ở lại trên đó là chết bẹp xác.
Thế là hổ không suy nghĩ gì nữa nhảy ngay xuống hố sâu, trong lòng lo ngay ngáy không còn nghĩ gì đến chuyện trị tội thỏ nữa. Thấy thế, thỏ tìm cách chọc hổ chơi. Bèn dùng tay cù vào nách hổ. Hổ không chịu được lối đùa nghịch của thỏ, mắng:
- Yên. Mày nghịch như quỷ ấy! Nếu còn như thế nữa tao sẽ không đánh mày mà quẳng mày lên trên kia, cho trời sập đè bẹp xác.
Thỏ chỉ yên lặng được một chốc rồi lại lẻn tới cù hổ. Tức mình, hổ nắm lấy hai chân thỏ vứt lên miệng hố. Thỏ đắc mưu, chạy một mạch vào làng báo cho mấy ông thợ săn biết. Lập tức họ vác cung tên giáo mác đến hố giết chết hổ, quảy về xả thịt.
KHẢO DỊ
Truyện Mưu con thỏ của người Cham-pa gần với truyện của ta. Nó kết hợp 3 truyện. Con thỏ, con gà, con hổ (số 86 ); Con thỏ và con hổ (số 87 ) và truyện To đầu mà dại nhỏ dái mà khôn (số 58 ).
Thỏ cùng cắt tranh để lợp nhà với các con vật khác, nhưng không phải chỉ có gà, hổ, mà còn có thêm voi và rái cá. Chúng nó cắt phiên lần lượt nấu cơm.
Lần đầu là hổ. Hổ đi một chốc bắt hươu, nai, cầy cáo mang về, thứ nấu thứ quay, rồi gọi cả bọn về chén. Họ đều khen ngon và ca ngợi hổ. Qua ngày sau đến lượt rái cá. Rái cá xuống nước bắt những loại cá ngon, thứ nướng, thứ kho, thứ làm mắm, rồi gọi cả bọn về ăn. Họ đều khen ngợi rái cá. Qua ngày sau nữa đến lượt gà rồi lại đến lượt thỏ đều giống truyện của ta. Gà đẻ trứng cũng được cả bọn khen ngợi. Thỏ không biết làm thế nào cũng bắt chước gà són cứt vào nồi, gia mắm muối vào quấy lên, nói dối là canh cá ha-kan, cá tan ra trong nước. Rồi thỏ làm bộ đau đầu, lên nằm không ăn. Cả bọn lúc đầu khen ngon, nhưng thỏ chốc chốc lại ngáp và kêu lên mấy tiếng: "Hay ê ta-put.. hơ-vút ê ta-pay" [1] . Cả bọn mới biết ăn phải cứt thỏ, nhưng ở đây không có cơn giận của hổ cũng như các con vật khác, vì cả bọn đang chuẩn bị chở tranh về.
Ăn xong chúng hội nhau lại chia việc: voi thì làm xe, hổ và rái cá làm "bò", gà dẫn dường, còn thỏ thì kêu đau, được đẩy xe. Sắp tranh lên lưng voi rồi, chúng lấy dây chằng lại, buộc dây vào cổ voi, một đầu buộc vào cổ hổ và rái cá. Đi được nửa đường, thỏ làm bộ lên cơn sốt xin phép trèo lên xe. Rồi nó xin mồi lửa của gà để sưởi vì "cơn rét không thể chịu được". Kết quả là tranh cháy dữ dội trên lưng voi; thỏ còn xui hổ và rái cá kéo voi ra trước gió. Cuối cùng rái cá kéo được xuống nước: lửa tắt nhưng voi cũng chết.
Thỏ bỏ trốn đi chỗ khác nhưng lại bị trăn quấn ngồi im một nơi trong bụi. Hổ bắt gặp, hỏi thỏ: - "Mày làm gì đó?" - "Tôi thắt dây lưng hoa của ông bà để lại" thỏ đáp. Hổ không biết có trăn, liền mượn dây lưng để thắt. Thỏ ban đầu làm bộ không cho nhưng sau bảo hổ kiếm cho một cái gai để gỡ nút thắt rồi sẽ cho mượn. Được gai, thỏ chích vào mũi trăn, trăn đau, giật nảy mình, thỏ thừa cơ chạy mất, nhưng trăn cũng kịp thời quấn lấy hổ. Thỏ gọi người đến bắt. Thấy người đến, hổ sợ, cắn đứt đuôi trăn rồi bỏ chạy.
Lần thứ hai, thứ ba, và thứ tư cũng như truyện của ta, hổ đều bị thỏ chơi cho những vố cay chua như "đánh trống", kỳ thực lừa hổ đánh vào tổ ong vò vẽ để ong đốt; "gảy đàn sa-ra-nai", kỳ thực lừa hổ tặc lưỡi vào giữa hai cành cây sắp cọ vào nhau; và nhảy xuống giếng khô, v.v...
Sau khi bị hổ ném lên khỏi miệng giếng, thỏ đi gọi người ra bắt hổ. Lúc ấy có đám ăn mừng, người ta nghe nói kéo nhau đi xem. Thừa dịp ấy thỏ ăn hết bánh, ăn xong sắp bát đĩa lại một đống rồi trùm chiếu lên. Lại lấy khăn đỏ quấn đầu rồi đánh trống inh ỏi. Trong khi đó ở dưới hố, thấy bóng người, hổ chạy vụt lên được khỏi miệng giếng. Mọi người trở về thấy mất bánh. Nhìn thấy một đống lù lù dưới chiếu, họ tưởng là thỏ bèn lấy gậy đánh, làm vỡ hết bát đĩa. Thấy thỏ trên nóc nhà họ rủ nhau vây bắt. Thỏ nhảy từ nóc này sang nóc khác. Họ lấy mồi lửa ném thỏ, thỏ tránh được nhưng nhà cháy.
Thỏ giả chết nằm giữa đường, một người đàn bà đi chợ về đội một rổ bánh, chuối, đường, v.v... để về làm đám. Tưởng là con thỏ bị đánh chết, bà ta nhặt bỏ vào rổ, nhưng về đến nhà thì thỏ đã nhảy xuống trốn đi sau khi chén hết bánh trái trên rổ.
Thỏ lại gặp một con voi đang khóc. Từ đây trở xuống giống với truyện To đầu mà dại... của ta. Cũng vậy, voi thi với hổ bị thua phải nộp mình cho hổ chén thịt, nhưng ở đây không phải thi nhảy qua khe mà là thi hét làm sao cho chim chóc thú vật phải sợ. Thỏ cũng bảo voi làm đúng như lời mình dặn, đặc biệt là têm sẵn cho mấy miếng trầu. Với nước quết trầu, thỏ làm cho hổ tưởng là thỏ đánh voi chảy máu nên bỏ chạy. Rồi hổ không gặp khỉ mà gặp rùa. Rùa cũng buộc dây vào mình nối với chân hổ và đưa hổ trở lại. Bị thỏ dọa, hổ cũng bỏ chạy kéo cả rùa đi khắp nơi làm cho rùa chảy máu mồm [2] .
Một truyện của người Ca-tu Thỏ rơ-pai có những chi tiết khác:
Đi-đít đóng thuyền, thỏ làm bộ khôn tới bày vẽ, cuối cùng thuyền hỏng, bị Đi-đít giận ném vào đống ván bằng cây i-dơ đầy nhựa, thỏ bị dính chặt. Đang lúc không biết làm thế nào, thấy voi, thỏ nói: -"Không biết sức chú có kéo co được với anh một keo không?". Bị khích, voi thò vòi cuốn tung thỏ lên. Thế là thỏ thoát nhưng lại rơi xuống một cái hố sâu. Gặp hổ, thỏ gọi: -"Mau xuống đây kẻo giặc sắp tới giết thịt". Hổ nhảy xuống. Cũng như truyện của ta, thỏ cầm que chọc vào tai, vào mũi, rồi vào đít hổ để hổ tức, hy vọng hổ ném mình lên khỏi hố. Nhưng hổ vẫn không giận thỏ. Sau cùng thỏ bảo hổ há miệng cho mình nhổ nước bọt sẽ được bữa chén. Nhưng khi hổ há miệng thì thỏ ỉa vào một bãi. Giận quá, hổ quẳng thỏ lên. Thỏ thoát được và gọi dân làng ra bắt hổ. Bắt được hổ, dân làng đem rượu thịt mời thỏ ăn. Nhưng khi cả làng say rượu, thỏ cởi trói, cho hổ ăn no, rồi cả hai bỏ chạy.
Thỏ sai hổ đi tìm lửa về phía mặt trời mọc. Vắng hổ, thỏ ở nhà chén hết thịt rồi lấy đu đủ, bắp chuối nấu một nồi, khi hổ về cho hổ ăn bảo đấy là thịt.
Ở đây cũng có tình tiết thỏ chỉ cho hổ tổ ong vò vẽ nói là chiêng, hổ lên đánh bị ong cắn ngã xuống đất. Lại lần khác, chỉ cho hổ hai cây tre cọ nhau bảo là kèn hổ ghé lưỡi vào bị cây kẹp, hổ lăn ra chết.
Thỏ tìm đến dê rừng nói dối là có con nai chửi nó, lại đến nhà nai nói là dê rừng chửi, làm cho hai con giận nhau, vì vậy húc nhau chết cả đôi.
Thỏ bị mùi chuối trong một cái bẫy rất thơm quyến rũ, bèn xin bẫy một quà. Bẫy trả lời: -"Ta chỉ biết trương lên sập xuống thôi!". Mấy lần xin không được, thỏ cáu tiết đạp bẫy một đạp, bị bẫy chụp lấy người, không rút ra được [3] .
Loại truyện mang chủ đề con thỏ ranh mãnh của ta cũng như của Cham-pa và của Tây-nguyên, (xem thêm Khảo dị truyện số 88 sau đây) nói chung cũng đại đồng tiểu dị với truyện của Mã-lai (Malaysia), Khơ-me, Lào. Thái-lan, v.v... Các-đông (Cardon) có viết một quyển Truyện chú hoẵng Pơ-lăng-đốc, vua xứ rừng thu thập và hệ thống hóa những truyện loài vật loại này của người Mã-lai (Malaysia) nhưng ở đây hoẵng đóng vai trò của thỏ. Xem thêm truyện To đầu mà dại... (số 58 ) và truyện Em bé thông minh (số 80 ). Tóm lại, truyện con thỏ là một mô-típ phổ biến ở Đông nam Á.
[1] Tiếng hay ê ta-put không có nghĩa. Nói lái lại là hơ vút ê ta-bay nghĩa là ngửi cứt thỏ.
[2] Theo Lăng-đờ (Landes). Truyện cổ tích Cham-pa.
[3] Theo Truyện cổ Ca-tu.