V
Tác giả: Vũ Thư Hiên
Những ngày đầu ở quê hương, tôi nhớ mẹ thì ít mà nhớ bà thì nhiều. Bà đây là bà ngoại, tôi không biết mặt bà nội. Nói tới bà nội, tôi hình dung ra cô Gái.
Tôi nhớ bà ngoại nhiều như thế có lẽ vì bà là hình ảnh tương phản của cô tôi. Cô tôi trông ác bao nhiêu thì bà ngoại tôi trông hiền bấy nhiêu.
Bà ngoại ở với bác Cả, anh ruột mẹ tôi. Thỉnh thoảng, bà đến chơi với chúng tôi. Đối với chúng tôi những buổi bà đến chơi thực sự là những ngày hội. Bà vừa bước vào nhà là sự vui vẻ vào theo.
- Các cháu yêu của bà đâu nào? Lại đây với bà nào? -
Bà ngân nga, giọng êm nhẹ và ấm, nếu sờ được giọng nói của bà chắc hẳn nó phải mượt như nhung
- Lại đây nào!
Chẳng cần bà gọi thêm, chúng tôi nhìn thấy bà đã chạy ùa lại, xô đẩy nhau ôm chặt lấy bà. Bà giang tay ôm chúng tôi vào lòng rồi lại đẩy chúng tôi ra xa hơn để ngắm nghía. Bà không hôn chúng tôi mà lấy đôi tay ấm áp vuốt ve chúng tôi, cười với chúng tôi, nụ cười hồn nhiên và phúc hậu, phô hàm răng đen nhưng nhức. Rồi bà đứng lên đi những bước chậm chạp và lúng túng vì vướng chúng tôi, đến bên giường, ngồi xuống. Ngày hội của chúng tôi bắt đầu.
- Bà ơi bà, bà kể chuyện, bà nhá?
- Bà ơi bà, bà ở đây thật lâu, bà nhá?
- Bà đừng về, bà dẫn chúng cháu đi chơi với bà.
Chúng tôi nhao nhao. Chúng tôi vòi bà đủ thứ. Bà cười. Bà bằng lòng tất.
- ừ, rồi bà kể chuyện, bà ở đây lâu với các cháu, rồi bà dẫn các cháu yêu của bà đi chơi.
Không có người lớn nào đến nhà chỉ cốt đến với chúng tôi, để chơi với chúng tôi. Thường những người lớn đến nhà chúng tôi vì họ có việc cần phải đến, họ đến với bố mẹ chúng tôi, và chỉ khi nào công việc đã xong xuôi họ mới xoa đầu chúng tôi vài cái, bông lơn vài câu ngô nghê mà họ tưởng là hợp với trẻ con lắm để tỏ ra mình yêu trẻ. Nhưng trẻ con tinh lắm, chúng tôi biết ai yêu chúng tôi thực lòng, ai làm ra vẻ yêu chúng tôi.
Người già có sắc đẹp của người già. Bà ngoại tôi là một bà già đẹp, theo cách đánh giá thời bấy giờ. Mặt bầu bĩnh, phốp pháp, hợp với tuổi, cổ cao ba ngấn rõ rệt, đôi mắt hiền từ, tuy tuổi cao mà vẫn đen láy chứ không mờ đục, bà tôi có gương mặt mà người ta gọi là phúc hậu. Tôi yêu cái nhìn của bà ngoại, cái nhìn rất dịu dàng, rất âu yếm đối với tất cả Thậm chí con Ki-ki, bạn thời thơ ấu của tôi, con chó trắng và đen thấp bé, mỗi khi bà tôi đến cũng rít lên, vặn vẹo cả thân, cả đuôi, như nhảy điệu chào mừng độc đáo của riêng nó, chen lấn chúng tôi để tới với bà, chờ được bà nhìn tới, hỏi nựng nó một câu, vuốt nó một cái. Bà ngồi trên giường với chúng tôi, con Ki-ki thì nằm dưới đất hóng lên bằng cặp mắt ganh tị.
Bà ngoại tôi có cả một kho chuyện để kể cho trẻ con, nhiều nhất là chuyện cổ tích. Một số truyện thơ bà kể ngân nga, câu chuyện trở thành một dòng sông thanh bình, những chữ trôi trên dòng sông đó dần dà gắn kết với nhau thành người, thành cảnh, thành cảm xúc.
Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa dưới hang mà về
Đàn kêu hỡi Lý Thông mày
Cớ sao bội nghĩa lại rầy vong ân
Đàn kêu sao ở bất nhân
Đã ăn quả lại quên ơn người giồng...
Những nhân vật trong chuyện cổ tích của bà tôi sống động đến nỗi tưởng chừng họ có thật, họ đang ở đâu đó, không xa nhà chúng tôi lắm, chúng tôi có thể đến chơi với họ nếu như bà tôi hoặc mẹ tôi bằng lòng dẫn chúng tôi đi. Nhưng chúng tôi không gặp được họ, vì chúng tôi còn nhỏ quá, đi bộ nhiều chúng tôi sẽ mỏi chân. Tôi tin chắc rằng nếu chẳng may tôi có đụng con đại bàng hung dữ hoặc con chằn tinh gớm ghiếc thì anh Thạch Sanh dũng cảm và hồn hậu nọ sẽ chạy tới ngay để giải thoát cho tôi, chính cái anh Thạch Sanh nghèo khổ chỉ có manh khố che thân và cây cung thần kỳ. Cô Tấm tốt bụng mà gặp chúng tôi thì thế nào cô cũng dắt chúng tôi vào cung, nơi cô sống với chàng hoàng tử trung thành, ở đó cô sẽ cho chúng tôi xem các tòa lâu đài đẹp đẽ cho chúng tôi ăn rất nhiều mứt và kẹo. Về khoản mứt và kẹo thì bà tôi đoan chắc với chúng tôi rằng hoàng tử chẳng bao giờ thiếu.
Bác Cả tôi có thời làm viên chức bưu điện ở phủ Điện Biên, cái huyện miền núi xa lơ xa lắc sau này danh tiếng lẫy lừng. Tất nhiên, bà tôi phải theo con trai lên đó. Cũng tất nhiên, bà tôi mang theo về xuôi đủ các thứ chuyện miền ngược, chuyện nào theo cách bà kể cũng mang máng chuyện cổ tích.
- Nhà bà ở, chung quanh những núi là núi, các cháu ạ. - bà tôi bỏm bẻm nhai trầu, đôi mắt vời vợi nhìn về quá khứ - Nhấp nha nhấp nhô, cơ man nào mà kể. Sáng ra thấy núi, tối đến thấy rừng, cọp kêu à uôm, à uôm, buồn quá thể là buồn.
- Núi nó thế nào hả bà?
Em Phương tôi ngắt lời bà, hỏi. Nó chúa hay làm nũng, biết rồi vẫn cứ hỏi để bắt bà trả lời.
- Núi hả? Nó to bằng mấy trăm mấy nghìn cái nhà này này, cơ mà toàn đá, cây cối xanh lét um tùm.
- Còn con cọp? - Phương lại giật giật quần bà.
- Cọp là con mèo rõ to. Lông cọp vàng, lại có vằn đen.
- To hơn con Ki-ki nhà ta, bà nhỉ?
- Hơn con Ki-ki là thế nào? - bà trợn mắt - Nó to nhiều. Bằng con bò kéo xe ngoài đường kia kìa!
- Nó kêu thế nào hả bà?
- Thế này này: "à uôm, à uôm, à uô...ôm?!!"
Bà tôi nhại tiếng cọp. Phương cười ngặt nghẽo.
- Im bà kể nào?
Tôi quát Phương và thụi khẽ cho nó một quả.
- Đừng bắt nạt em, - bà kéo tôi lại gần - Để bà kể cho mà nghe chuyện cái máy hát nhà bác Cả.
Đó là cái máy hát chạy bằng cót, ống loa như miệng kèn tây bằng đồng mạ, có hình con chó ngồi chầu hẫu bên cái loa ấy, thứ máy bây giờ có lẽ chẳng còn ai biết tới. Để lên dây cót cho máy chạy phải khỏe tay, khi nào cót xổ ra gần hết thì bài hát vui nhất cũng trở thành rền rĩ, y như thể ca sĩ trong máy bị kiệt lực.
- Dân ở trên Điện Biên ấy mà, các cháu ạ, họ không phải người Kinh ta. Gọi họ là người Thái. Có thứ Thái đen, có thứ Thái Trắng, cơ mà không phải da họ đen hay da họ trắng đâu, gọi thế là gọi theo màu quần áo của họ. Họ nói cứ líu lô líu lường, nghe buồn cười lắm - bà tôi cười, hàm răng đen bóng lên; chúng tôi cười theo bà, mặc dầu câu chuyện chưa có gì đáng buồn cười
Ví thử họ nói "Chào bà, bà đi đâu đấy?" thì họ nói thế này (bà tôi nói một câu bằng thứ tiếng lạ tai làm chúng tôi lại cười khanh khách). Họ cũng nói được tiếng ta, cơ mà cứ lơ lớ lơ lớ, lắm lúc dỏng tai lên mà nghe chẳng hiểu được họ nói cái gì. Còn chuyện cái máy hát của bác Cả, nó thế này. Một hôm bác gái rỗi, mới vặn máy hát lên nghe. Vừa đúng lúc có mấy người Thái trắng đi qua đường, nghe máy hát i eo, họ mới xin vào xem. ờ thì cho họ xem, mình mất gì đâu Họ thì cái gì cũng lạ, cái gì cũng thích xem, cái gì cũng phải sờ mó, cũng phải hỏi. Mặc cho họ xem, bác gái mới chạy xuống bếp đun ấm nước, đang đun bỗng thấy cái máy hát câm tịt. Chạy lên thì thấy máy vẫn chạy, ờ a vẫn quay mà loa thì chỉ còn kêu ti tỉ ti tỉ. Quanh cái máy hát mấy người Thái, cả đàn ông lẫn đàn bà, đang há hốc mồm ra nghe, một ông lão thì cứ gục đầu xuống mà khóc, nước mắt dòng dòng...
Bà tôi cười không thành tiếng, cả người run lên và một giọt nước mắt trong vắt chảy ra, lăn trên gò má hồng nhăn nheo.
- Tại sao ông lão lại khóc hả bà? - chúng tôi chưa hiểu, nhao nhao hỏi bà.
- Thế này, các cháu ạ. Chả là ông lão nghe cái máy nó hát, chẳng hiểu tai nghe thế nào mà lại thấy tiếng nó giống in giọng con trai ông ta vừa mới chết, thế là thương con, ông lão mới bù lu bù loa lên, rầm rĩ cả nhà. Có nắm xôi mang theo, ông ta đút luôn vào miệng loa, tưởng thế là cho con ăn, cái máy mới không hát được nữa.
Đoạn cuối bà tôi kể bằng giọng đứt đoạn xen lẫn với tiếng cười không thể nào giữ lại, như tiếng nấc. Chúng tôi cười sằng sặc theo bà. Bà móc túi lấy khăn lau nước mắt.
- Bà kể nữa đi bà! Xong rồi thì làm sao?
- Còn làm sao! Bác gái phải moi bằng hết xôi ra, cái máy mới hát lại được. Thôi bà chả kể nữa, bà kể bà cười mệt cả người rồi đây này.
Bà lạ thật, cười thì mệt thế nào được: chúng tôi cười cả ngày mà có bao giờ mệt đâu.
- Bà kể chuyện con rồng đi?
Tôi nhắc bà. Chuyện con rồng tôi đã nghe, nhưng lại muốn nghe bà kể nữa.
- Bà kể cho cháu rồi đấy. Phương xuống đi, tê hết chân bà rồi đây này.
Phương phụng phịu tụt xuống khỏi lòng bà. Nó ngồi thật sát vào bà, lấn cả chỗ của tôi. Tôi tức quá, chèn bật em ra để ngồi sát bà hơn nữa. Bà lườm tôi một cái rồi xếp chỗ cho cả hai anh em đều có phần. Tôi rất thích được bà cho ngồi lòng, nhưng bà bảo tôi lớn rồi, nặng bà.
Tôi rất thích mùi của bà - đó là mùi thơm của quần áo sạch, mùi trầu không và mùi dầu cù là, tất cả quyện vào nhau làm thành cái mùi đặc biệt của bà, thanh sạch mà nồng ấm.
- Bà kể nữa cơ, bà kể cho cả nhà! - tôi vòi, đưa tay lên sờ làn da nhăn nheo mát rượi nơi cổ bà.
- ừ thì bà kể, - bà cầm tay tôi bỏ xuống - nhưng đừng sờ cổ bà làm bà buồn, bà có máu buồn. Đêm hôm ấy, các cháu ạ, trăng sáng như ban ngày. Trời thì nóng, ngột lắm, có dễ vào tháng bảy thì phải. Trên Điện Biên, các cháu ạ, mùa hè nóng ghê nóng gớm. Chỗ bà ở như cái lòng chảo, thành thử ắng gió lắm. Hôm ấy bà không làm sao ngủ được, tắm rồi mà vẫn như không, mồ hôi cứ túa ra lã chã, bà phải bắc chõng ra sân mà nằm cho mát. Nằm được một lúc thì thiu thiu ngủ. Bỗng tự đâu gió nổi lên đùng đùng, ngói trên mái nhà lạo xạo, lạo xạo, y như thể có con gì bò ở trên ấy. Bà mới mở mắt ra...
Đến đoạn này bà ngừng lại, buộc chúng tôi phải nôn nóng chờ đợi, phải chú ý hơn nữa.
- Bà ngỡ mình nằm mơ - bà ngả người ra, mắt chớp chớp nhìn lên, diễn tả lại - nhưng không phải, bà nhìn thấy bằng thật. Bà nhìn lên trời bà thấy... con rồng.
Bà mở to mắt, sững sờ, như thể trong phút đó bà lại thấy con rồng lần nữa. Chúng tôi nhìn theo. Nhưng trên trần chỉ có một con thạch sùng đang rón rén bò lại gần một con bướm đêm.
- Cha mẹ ơi, trông nó mới khiếp chứ, cái con rồng ấy. Tự thuở cha sinh mẹ đẻ, bà chớ hề nom thấy con gì giống cái con này, các cháu ạ. Mình nó to gấp mấy con trâu mộng, cơ mà dài, dài lắm, như thể con rắn, nhưng lại không phải là rắn hay là trăn, cũng chẳng có vẩy gì suất, cứ nhẵn thin thín. Nó bay tới đâu thì gió nổi lên tới đó, bụi mù mịt kín cả trời đất Mõm nó dài, có chân hẳn hoi mà chân lại lẫn với cánh... Người ta bảo: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng, nghĩa rằng to nhất là giống chim, con voi to là thế mà còn phải đứng hàng thứ tư, sau con cá, con rắn; cơ mà nhìn con rồng này bà chịu, không biết nó là cái giống gì? Rõ hình con rắn mà lại có vây, hay vây ấy là cánh chẳng hiểu...
Chúng tôi há hốc mồm nghe bà kể. Tôi đã nhìn thấy con rồng bằng đá ở đền Hai Bà, nhưng con rồng của bà tôi, giọng bà tôi kể về nó, làm tôi sởn gai ốc. Tôi sợ con rồng bay trên bầu trời đêm ấy, và nhớ mãi câu chuyện về nó. Đoạn kết thúc câu chuyện về con vật bí ẩn bà tôi kể bằng giọng trang nghiêm như thể không phải bà đang kể cho mấy đứa cháu nhóc nhách của mình mà cho những người lớn.
Tôi yêu bà ngoại cả vì lẽ đó. Bà đối xử với chúng tôi bao giờ cũng vậy, rất ngang hàng, y như thể bà bé bằng chúng tôi, hoặc chúng tôi lớn bằng bà. Đây không phải là nghệ thuật kể chuyện, như sau này, khi đã trở thành người lớn, tôi rút ra kết luận bằng vào kinh nghiệm bản thân. Đây là chuyện cốt cách tâm hồn, không học được, không bắt chước được.
Mẹ tôi ngồi khâu, tủm tỉm cười nghe bà kể. Đến khi bà kể xong, mẹ tôi đặt đồ khâu xuống, nói với bà:
- Làm gì có rồng, mẹ ơi? Mẹ kể thế các cháu chúng nó tưởng thật.
Bà nguýt mẹ tôi một cái, bực bội:
- Thì chính mắt tôi trông thấy mà. Dễ tôi bịa chắc?
- ấy là con nói vậy - mẹ tôi vui vẻ nói bằng giọng lấy lòng - Nó là con gì không biết, nhưng khoa học bây giờ chứng minh rằng không hề có rồng. Nếu có, ít ra người ta cũng còn tìm thấy xương của nó. Các nhà khảo cổ đào được xương mọi giống vật đã sống trên trái đất vào những thời xa xưa, nhưng rồng thì không. Rồng chẳng qua là do trí tưởng tượng của con người ta dựng nên, mẹ ạ!
- Khoa học! Vâng, các cô ngày nay tân thời lắm! - bà tôi sa sầm mặt - Các cô bây giờ ấy, các cô chẳng hơn mẹ mà thôi đâu, các cô còn hơn cả các cụ tổ nữa kia. Tôi về đây
- Gớm, hơi tí là mẹ dỗi. - mẹ tôi lẩm bẩm, nói cách khác, đúng hơn, mẹ tôi phụng phịu - Biết thế con chẳng nói nữa.
Bà tôi giận thật sự. Bà gỡ chúng tôi ra, hầm hầm vấn lại khăn, bỏ cơi trầu vào làn, rồi lẳng lặng bước ra cửa.
Chúng tôi len lét theo sau. Cái khổ của trẻ con là thế. Trẻ con không dám công nhiên đứng về bên nào khi giữa người lớn có chuyện đụng độ.
Mẹ tôi yêu bà tôi, sợ bà tôi, nhưng mẹ tôi tính bướng, đã thế cứ ngồi yên tại chỗ. ở ngoài đường, chúng tôi mới nhao nhao:
- Bà ơi bà, bà đừng về, bà ở đây với chúng cháu.
Bà ơi bà, bà chưa dẫn chúng cháu đi chơi mà.
- Bà ơi bà, bà đừng đi, bà?
Đến lúc ấy mẹ tôi mới chịu chạy ra, luống cuống giữ bà tôi lại bằng những lời xin lỗi ấp úng. Nhưng bà đã quyết về là về bà phẩy tay xua mẹ tôi quay trở lại.
- Bỏ áo bà ra cho bà về nào. Mẹ các cháu hư, dám hỗn với bà, bà không ở nữa.
Bà xoa đầu chúng tôi, gỡ tay chúng tôi ra. Bà vẫn chưa nguôi giận.
- Bà đánh cho mẹ cháu một trận cho mẹ cháu ngoan, rồi bà ở lại với chúng cháu.
Lời khuyên nghiêm trang của Phương cuối cùng đã làm bà phì cười.
- Con ranh, ai lại đi xui bà đánh mẹ kia chứ? - bà véo yêu vào má Phương - Mẹ lớn rồi, bà không đánh nữa, bà đánh thì người ta cười. Mẹ mà còn bé ấy à, thế nào bà cũng cho một trận đáo để. Thôi, các cháu bỏ áo bà ra cho bà về.
Rồi hôm khác bà lại với chúng cháu, bà nhá!
- Bao giờ mẹ các cháu ngoan thì bà lại.
Nhưng bao giờ mẹ cháu mới ngoan, ứ ừ, bà phải lại ngay cơ.
- Hôm khác bà lại.
- Hôm khác là bao giờ hả bà?
- Mấy hôm nữa.
- Lâu thế, mai bà lại cơ, mai cơ.
- ừ để bà còn xem, bà rỗi thì bà mới lại được.
Bà không được nói dối cơ, bà lại với chúng cháu, bà nhá?
Chúng tôi mếu máo.
Bà ngoại vẫy xe tay ngồi lên, tránh cái nhìn cầu khẩn của chúng tôi. Rõ ràng bà cũng chẳng muốn về, chỉ tại giận mẹ tôi nên bà mới về. Chúng tôi quay vào nhà, mặt nặng trịch. Đến lượt mẹ tôi tránh cái nhìn trách móc của chúng tôi
Bà tôi lại đến với chúng tôi hôm sau. Bà không thể không đến, không đến thì bà nhớ.
Chúng tôi reo ầm lên, vây chặt lấy bà. Bà ôm lấy chúng tôi thơm mỗi đứa một cái.
- Bà dẫn các cháu bà đi chơi ngay bây giờ. Bằng lòng chưa nào?
Có đứa nào lại ngu ngốc để không bằng lòng.
Chị Tường mặc đồ diện cho chúng tôi. Mẹ tôi vui vẻ nhét vào túi bà một số tiền trinh, tiền xu. Đó là cái lệ.
Chúng tôi lũn cũn chạy trước bà, nắm tay bà, bám vạt áo bà y như một lũ gà con theo mẹ. Tôi không thấy mấy ai đi chơi thật là đi chơi như bà tôi. Bà đi thong dong, thư thái, không một nét suy nghĩ gợn trên mặt. Bà nhìn mọi vật bằng con mắt âu yếm, như thể cái nhà nào cái cây nào, đám mây nào cũng là thân thiết đối với bà. Mọi vật dường như cũng vui mừng được đón bà, chúng niềm nở chào bà và được bà hồ hởi đáp lại. Cả hình hài, gương mặt, dáng đi của bà nói rằng dù bà có bận gì, dù bà có bận đến mấy, thì trong lúc này bà cũng mặc, bà nghỉ.
Trong lúc chờ bà hàng bánh đa lật đi lật lại những tấm bánh mỏng lấm tấm vừng đang uốn éo phồng lên xẹp xuống trên những hòn than đỏ rục trong cái nồi đất vo, bà ngoại tôi tươi cười hỏi thăm bà hàng chuyện sinh sống, chuyện làm ăn, như thể với một người bạn lâu ngày mới gặp. Bà hàng hồ hởi bắt chuyện, than phiền chuyện này chuyện khác trong gia cảnh, kêu ca về nỗi bây giờ làm ăn chật vật, khi trao hàng lại thêm cho bà tôi một tấm bánh đa đường. Những tấm bánh đa ròn tan, ngon tuyệt, nhưng chúng tôi mỗi đứa chỉ được ăn một tấm thôi. Số bánh còn lại sẽ được dùng vào việc khác.
Mấy bà cháu thủng thẳng đi từ phố Nhà Rượu qua Nghĩa địa Tây ra phố Huế.
Vào thời bấy giờ ở phố Huế cứ đi một quãng ngắn là lại gặp ăn mày. Họ ngồi hai bên lề đường, sát chân tường, dưới những tủ kính choáng lộn hàng hóa với những hình nhân mặc quần áo đủ màu đủ kiểu kênh kiệu nhìn ra phố. Những người ăn mày quần áo tả tơi, có khi áo chỉ là một cái bao tải đục một lỗ thủng làm cổ với sợi dây chuối thay thắt lưng, đờ đẫn nhìn ra những chuyến xe điện đi ngang. Phần lớn là những người mù với chiếc khăn đỏ bạc phếch rách rưới từ trên trán rủ xuống che cặp mắt toét nhèm, đỏ ngầu hoặc mờ đục. Đi ngang họ là những toa tàu sơn đỏ, xinh xắn như thể chúng là đồ chơi của người lớn, vừa chạy vừa reo chuông vui vẻ, từ trên cần điện lóe lên ánh chớp xanh giữa ban ngày. Mùi thịt nướng của một gánh bún chả thơm lừng quyện trong khói bay mù trên phố. Khách bộ hành dửng dưng đi qua những cánh tay khẳng khiu xương xẩu chìa ra, chới với như muốn bám níu, những ngón tay đen đủi, cáu ghét giơ những cái đấu gỗ đã lên nước bóng huơ qua huơ lại. Giọng khàn khàn, rè rè, nheo nhéo, giọng đứt hơi như tiếng mèo ốm, những người ăn mày đủ mọi tuổi chờ đón, nài nỉ, đuổi theo họ:
- Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại con cá nó sống vì nước, con sống vì ông vì bà...
- Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, xin ông xin bà thương con mù lòa đói khát, rón tay làm phúc...
Nam-mô A-di-đà Phật, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, ông tu nhân, bà tích đức, thương lấy chúng con đui mù què quặt...
Những bài bi ca của nỗi cơ hàn được đặt ra không biết tự thuở nào, nhưng được bộ lạc ăn mày đông đảo thuộc lòng, vang lên khắp nơi. ở bất cứ đâu những người ăn mày cũng gào lên đúng những bài ấy, cũng với những giọng ấy và tiết tấu ấy thỉnh thoảng mới thấy có đôi ba dị bản, mà những dị bản này cũng chỉ gặp được ở những người mới vào nghề hoặc trong lúc hết sức tuyệt vọng. Bà tôi dừng lại trước một người ăn mày. Móc túi lấy một trinh, hoặc một xu tùy theo cách mà bà cho là nên, bà tôi nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay bẩn thỉu của người đó.
Khi người ăn mày cảm ơn, bà tôi nói khẽ:
- Mô Phật?
Chúng tôi sung sướng nhận tiền của bà để đem đến cho những người ăn mày.
Chúng tôi tranh nhau làm việc đó. Bà tôi nheo mắt lại, sung sướng nhìn theo lũ cháu mình xăng xái làm việc thiện. Bà cấm chúng tôi không được ném tiền xuống đất để bắt người ăn mày mù sờ soạng tìm, mà phải đặt tiền vào tận tay hoặc bỏ vào đấu, bỏ chứ không được ném.
Bên cái chiếu rách của người ăn mày, thường có những đứa con của họ. Chúng bẩn thỉu, rách rưới chẳng khác gì bố mẹ, có đứa ở truồng tồng ngồng. Khác với bố mẹ chúng, những đứa con lười kêu xin; chúng đứng lặng lẽ, ngón tay trỏ trong miệng, mắt giương lên nhìn người qua lại. Đã đến lúc dùng đến những tấm bánh đa đường. Bà tôi giao bánh cho chúng tôi đem đến cho những người bạn khốn khổ. Chúng giằng ngay lấy khi chúng tôi vừa vươn tay về phía chúng. Những đứa trẻ giành nhau, đánh nhau, làm tấm bánh vỡ tan. Chúng liền xô đẩy nhau vồ lấy những mẫu vụn trên hè đút vào miệng, không cần thổi bụi. Nhìn cảnh đó bà tôi thở dài, đưa tiền cho chúng tôi mua thêm bánh.
- A-di-đà Phật! Xin đức Phật đại từ đại bi phù hộ độ trì cho chúng sinh nơi bể khổ!
Bà tôi thở dài, nhìn đi nơi khác và dắt tay chúng tôi tiếp tục buổi đi chơi của bà cháu.
Mẹ tôi không đồng tình với lòng thương người của bà ngoại.
- Cần phải có một xã hội khác để mọi người được sung sướng. Lòng thương đối với một số người, một ít tiền bố thí, như bà các cháu thường làm, đúng là muối bỏ bể.
Đó là mẹ tôi nói với các bạn. Những người bạn mẹ tôi gật đầu tán thưởng. Bà tôi không nghe thấy, nếu bà nghe thấy bà sẽ giận lắm.
ở nhà, bà ngoại kể cho chúng tôi nghe chuyện xưa kia Phật Thích Ca đã có lần giả hình dạng ăn mày để thử lòng người. Trong câu chuyện thú vị của bà, những kẻ ác bị Phật trừng phạt bằng quả báo nhỡn tiền, còn người tốt thì rồi trước sau cũng được hưởng phúc lớn.
Câu chuyện của bà ngoại làm tôi nhìn những người ăn mày bằng cái nhìn e dè : biết đâu trong bọn họ lại chẳng lẫn vào một đức Phật Thích Ca trá hình
Những ngày đầu ở quê hương, tôi nhớ mẹ thì ít mà nhớ bà thì nhiều. Bà đây là bà ngoại, tôi không biết mặt bà nội. Nói tới bà nội, tôi hình dung ra cô Gái.
Tôi nhớ bà ngoại nhiều như thế có lẽ vì bà là hình ảnh tương phản của cô tôi. Cô tôi trông ác bao nhiêu thì bà ngoại tôi trông hiền bấy nhiêu.
Bà ngoại ở với bác Cả, anh ruột mẹ tôi. Thỉnh thoảng, bà đến chơi với chúng tôi. Đối với chúng tôi những buổi bà đến chơi thực sự là những ngày hội. Bà vừa bước vào nhà là sự vui vẻ vào theo.
- Các cháu yêu của bà đâu nào? Lại đây với bà nào? -
Bà ngân nga, giọng êm nhẹ và ấm, nếu sờ được giọng nói của bà chắc hẳn nó phải mượt như nhung
- Lại đây nào!
Chẳng cần bà gọi thêm, chúng tôi nhìn thấy bà đã chạy ùa lại, xô đẩy nhau ôm chặt lấy bà. Bà giang tay ôm chúng tôi vào lòng rồi lại đẩy chúng tôi ra xa hơn để ngắm nghía. Bà không hôn chúng tôi mà lấy đôi tay ấm áp vuốt ve chúng tôi, cười với chúng tôi, nụ cười hồn nhiên và phúc hậu, phô hàm răng đen nhưng nhức. Rồi bà đứng lên đi những bước chậm chạp và lúng túng vì vướng chúng tôi, đến bên giường, ngồi xuống. Ngày hội của chúng tôi bắt đầu.
- Bà ơi bà, bà kể chuyện, bà nhá?
- Bà ơi bà, bà ở đây thật lâu, bà nhá?
- Bà đừng về, bà dẫn chúng cháu đi chơi với bà.
Chúng tôi nhao nhao. Chúng tôi vòi bà đủ thứ. Bà cười. Bà bằng lòng tất.
- ừ, rồi bà kể chuyện, bà ở đây lâu với các cháu, rồi bà dẫn các cháu yêu của bà đi chơi.
Không có người lớn nào đến nhà chỉ cốt đến với chúng tôi, để chơi với chúng tôi. Thường những người lớn đến nhà chúng tôi vì họ có việc cần phải đến, họ đến với bố mẹ chúng tôi, và chỉ khi nào công việc đã xong xuôi họ mới xoa đầu chúng tôi vài cái, bông lơn vài câu ngô nghê mà họ tưởng là hợp với trẻ con lắm để tỏ ra mình yêu trẻ. Nhưng trẻ con tinh lắm, chúng tôi biết ai yêu chúng tôi thực lòng, ai làm ra vẻ yêu chúng tôi.
Người già có sắc đẹp của người già. Bà ngoại tôi là một bà già đẹp, theo cách đánh giá thời bấy giờ. Mặt bầu bĩnh, phốp pháp, hợp với tuổi, cổ cao ba ngấn rõ rệt, đôi mắt hiền từ, tuy tuổi cao mà vẫn đen láy chứ không mờ đục, bà tôi có gương mặt mà người ta gọi là phúc hậu. Tôi yêu cái nhìn của bà ngoại, cái nhìn rất dịu dàng, rất âu yếm đối với tất cả Thậm chí con Ki-ki, bạn thời thơ ấu của tôi, con chó trắng và đen thấp bé, mỗi khi bà tôi đến cũng rít lên, vặn vẹo cả thân, cả đuôi, như nhảy điệu chào mừng độc đáo của riêng nó, chen lấn chúng tôi để tới với bà, chờ được bà nhìn tới, hỏi nựng nó một câu, vuốt nó một cái. Bà ngồi trên giường với chúng tôi, con Ki-ki thì nằm dưới đất hóng lên bằng cặp mắt ganh tị.
Bà ngoại tôi có cả một kho chuyện để kể cho trẻ con, nhiều nhất là chuyện cổ tích. Một số truyện thơ bà kể ngân nga, câu chuyện trở thành một dòng sông thanh bình, những chữ trôi trên dòng sông đó dần dà gắn kết với nhau thành người, thành cảnh, thành cảm xúc.
Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa dưới hang mà về
Đàn kêu hỡi Lý Thông mày
Cớ sao bội nghĩa lại rầy vong ân
Đàn kêu sao ở bất nhân
Đã ăn quả lại quên ơn người giồng...
Những nhân vật trong chuyện cổ tích của bà tôi sống động đến nỗi tưởng chừng họ có thật, họ đang ở đâu đó, không xa nhà chúng tôi lắm, chúng tôi có thể đến chơi với họ nếu như bà tôi hoặc mẹ tôi bằng lòng dẫn chúng tôi đi. Nhưng chúng tôi không gặp được họ, vì chúng tôi còn nhỏ quá, đi bộ nhiều chúng tôi sẽ mỏi chân. Tôi tin chắc rằng nếu chẳng may tôi có đụng con đại bàng hung dữ hoặc con chằn tinh gớm ghiếc thì anh Thạch Sanh dũng cảm và hồn hậu nọ sẽ chạy tới ngay để giải thoát cho tôi, chính cái anh Thạch Sanh nghèo khổ chỉ có manh khố che thân và cây cung thần kỳ. Cô Tấm tốt bụng mà gặp chúng tôi thì thế nào cô cũng dắt chúng tôi vào cung, nơi cô sống với chàng hoàng tử trung thành, ở đó cô sẽ cho chúng tôi xem các tòa lâu đài đẹp đẽ cho chúng tôi ăn rất nhiều mứt và kẹo. Về khoản mứt và kẹo thì bà tôi đoan chắc với chúng tôi rằng hoàng tử chẳng bao giờ thiếu.
Bác Cả tôi có thời làm viên chức bưu điện ở phủ Điện Biên, cái huyện miền núi xa lơ xa lắc sau này danh tiếng lẫy lừng. Tất nhiên, bà tôi phải theo con trai lên đó. Cũng tất nhiên, bà tôi mang theo về xuôi đủ các thứ chuyện miền ngược, chuyện nào theo cách bà kể cũng mang máng chuyện cổ tích.
- Nhà bà ở, chung quanh những núi là núi, các cháu ạ. - bà tôi bỏm bẻm nhai trầu, đôi mắt vời vợi nhìn về quá khứ - Nhấp nha nhấp nhô, cơ man nào mà kể. Sáng ra thấy núi, tối đến thấy rừng, cọp kêu à uôm, à uôm, buồn quá thể là buồn.
- Núi nó thế nào hả bà?
Em Phương tôi ngắt lời bà, hỏi. Nó chúa hay làm nũng, biết rồi vẫn cứ hỏi để bắt bà trả lời.
- Núi hả? Nó to bằng mấy trăm mấy nghìn cái nhà này này, cơ mà toàn đá, cây cối xanh lét um tùm.
- Còn con cọp? - Phương lại giật giật quần bà.
- Cọp là con mèo rõ to. Lông cọp vàng, lại có vằn đen.
- To hơn con Ki-ki nhà ta, bà nhỉ?
- Hơn con Ki-ki là thế nào? - bà trợn mắt - Nó to nhiều. Bằng con bò kéo xe ngoài đường kia kìa!
- Nó kêu thế nào hả bà?
- Thế này này: "à uôm, à uôm, à uô...ôm?!!"
Bà tôi nhại tiếng cọp. Phương cười ngặt nghẽo.
- Im bà kể nào?
Tôi quát Phương và thụi khẽ cho nó một quả.
- Đừng bắt nạt em, - bà kéo tôi lại gần - Để bà kể cho mà nghe chuyện cái máy hát nhà bác Cả.
Đó là cái máy hát chạy bằng cót, ống loa như miệng kèn tây bằng đồng mạ, có hình con chó ngồi chầu hẫu bên cái loa ấy, thứ máy bây giờ có lẽ chẳng còn ai biết tới. Để lên dây cót cho máy chạy phải khỏe tay, khi nào cót xổ ra gần hết thì bài hát vui nhất cũng trở thành rền rĩ, y như thể ca sĩ trong máy bị kiệt lực.
- Dân ở trên Điện Biên ấy mà, các cháu ạ, họ không phải người Kinh ta. Gọi họ là người Thái. Có thứ Thái đen, có thứ Thái Trắng, cơ mà không phải da họ đen hay da họ trắng đâu, gọi thế là gọi theo màu quần áo của họ. Họ nói cứ líu lô líu lường, nghe buồn cười lắm - bà tôi cười, hàm răng đen bóng lên; chúng tôi cười theo bà, mặc dầu câu chuyện chưa có gì đáng buồn cười
Ví thử họ nói "Chào bà, bà đi đâu đấy?" thì họ nói thế này (bà tôi nói một câu bằng thứ tiếng lạ tai làm chúng tôi lại cười khanh khách). Họ cũng nói được tiếng ta, cơ mà cứ lơ lớ lơ lớ, lắm lúc dỏng tai lên mà nghe chẳng hiểu được họ nói cái gì. Còn chuyện cái máy hát của bác Cả, nó thế này. Một hôm bác gái rỗi, mới vặn máy hát lên nghe. Vừa đúng lúc có mấy người Thái trắng đi qua đường, nghe máy hát i eo, họ mới xin vào xem. ờ thì cho họ xem, mình mất gì đâu Họ thì cái gì cũng lạ, cái gì cũng thích xem, cái gì cũng phải sờ mó, cũng phải hỏi. Mặc cho họ xem, bác gái mới chạy xuống bếp đun ấm nước, đang đun bỗng thấy cái máy hát câm tịt. Chạy lên thì thấy máy vẫn chạy, ờ a vẫn quay mà loa thì chỉ còn kêu ti tỉ ti tỉ. Quanh cái máy hát mấy người Thái, cả đàn ông lẫn đàn bà, đang há hốc mồm ra nghe, một ông lão thì cứ gục đầu xuống mà khóc, nước mắt dòng dòng...
Bà tôi cười không thành tiếng, cả người run lên và một giọt nước mắt trong vắt chảy ra, lăn trên gò má hồng nhăn nheo.
- Tại sao ông lão lại khóc hả bà? - chúng tôi chưa hiểu, nhao nhao hỏi bà.
- Thế này, các cháu ạ. Chả là ông lão nghe cái máy nó hát, chẳng hiểu tai nghe thế nào mà lại thấy tiếng nó giống in giọng con trai ông ta vừa mới chết, thế là thương con, ông lão mới bù lu bù loa lên, rầm rĩ cả nhà. Có nắm xôi mang theo, ông ta đút luôn vào miệng loa, tưởng thế là cho con ăn, cái máy mới không hát được nữa.
Đoạn cuối bà tôi kể bằng giọng đứt đoạn xen lẫn với tiếng cười không thể nào giữ lại, như tiếng nấc. Chúng tôi cười sằng sặc theo bà. Bà móc túi lấy khăn lau nước mắt.
- Bà kể nữa đi bà! Xong rồi thì làm sao?
- Còn làm sao! Bác gái phải moi bằng hết xôi ra, cái máy mới hát lại được. Thôi bà chả kể nữa, bà kể bà cười mệt cả người rồi đây này.
Bà lạ thật, cười thì mệt thế nào được: chúng tôi cười cả ngày mà có bao giờ mệt đâu.
- Bà kể chuyện con rồng đi?
Tôi nhắc bà. Chuyện con rồng tôi đã nghe, nhưng lại muốn nghe bà kể nữa.
- Bà kể cho cháu rồi đấy. Phương xuống đi, tê hết chân bà rồi đây này.
Phương phụng phịu tụt xuống khỏi lòng bà. Nó ngồi thật sát vào bà, lấn cả chỗ của tôi. Tôi tức quá, chèn bật em ra để ngồi sát bà hơn nữa. Bà lườm tôi một cái rồi xếp chỗ cho cả hai anh em đều có phần. Tôi rất thích được bà cho ngồi lòng, nhưng bà bảo tôi lớn rồi, nặng bà.
Tôi rất thích mùi của bà - đó là mùi thơm của quần áo sạch, mùi trầu không và mùi dầu cù là, tất cả quyện vào nhau làm thành cái mùi đặc biệt của bà, thanh sạch mà nồng ấm.
- Bà kể nữa cơ, bà kể cho cả nhà! - tôi vòi, đưa tay lên sờ làn da nhăn nheo mát rượi nơi cổ bà.
- ừ thì bà kể, - bà cầm tay tôi bỏ xuống - nhưng đừng sờ cổ bà làm bà buồn, bà có máu buồn. Đêm hôm ấy, các cháu ạ, trăng sáng như ban ngày. Trời thì nóng, ngột lắm, có dễ vào tháng bảy thì phải. Trên Điện Biên, các cháu ạ, mùa hè nóng ghê nóng gớm. Chỗ bà ở như cái lòng chảo, thành thử ắng gió lắm. Hôm ấy bà không làm sao ngủ được, tắm rồi mà vẫn như không, mồ hôi cứ túa ra lã chã, bà phải bắc chõng ra sân mà nằm cho mát. Nằm được một lúc thì thiu thiu ngủ. Bỗng tự đâu gió nổi lên đùng đùng, ngói trên mái nhà lạo xạo, lạo xạo, y như thể có con gì bò ở trên ấy. Bà mới mở mắt ra...
Đến đoạn này bà ngừng lại, buộc chúng tôi phải nôn nóng chờ đợi, phải chú ý hơn nữa.
- Bà ngỡ mình nằm mơ - bà ngả người ra, mắt chớp chớp nhìn lên, diễn tả lại - nhưng không phải, bà nhìn thấy bằng thật. Bà nhìn lên trời bà thấy... con rồng.
Bà mở to mắt, sững sờ, như thể trong phút đó bà lại thấy con rồng lần nữa. Chúng tôi nhìn theo. Nhưng trên trần chỉ có một con thạch sùng đang rón rén bò lại gần một con bướm đêm.
- Cha mẹ ơi, trông nó mới khiếp chứ, cái con rồng ấy. Tự thuở cha sinh mẹ đẻ, bà chớ hề nom thấy con gì giống cái con này, các cháu ạ. Mình nó to gấp mấy con trâu mộng, cơ mà dài, dài lắm, như thể con rắn, nhưng lại không phải là rắn hay là trăn, cũng chẳng có vẩy gì suất, cứ nhẵn thin thín. Nó bay tới đâu thì gió nổi lên tới đó, bụi mù mịt kín cả trời đất Mõm nó dài, có chân hẳn hoi mà chân lại lẫn với cánh... Người ta bảo: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng, nghĩa rằng to nhất là giống chim, con voi to là thế mà còn phải đứng hàng thứ tư, sau con cá, con rắn; cơ mà nhìn con rồng này bà chịu, không biết nó là cái giống gì? Rõ hình con rắn mà lại có vây, hay vây ấy là cánh chẳng hiểu...
Chúng tôi há hốc mồm nghe bà kể. Tôi đã nhìn thấy con rồng bằng đá ở đền Hai Bà, nhưng con rồng của bà tôi, giọng bà tôi kể về nó, làm tôi sởn gai ốc. Tôi sợ con rồng bay trên bầu trời đêm ấy, và nhớ mãi câu chuyện về nó. Đoạn kết thúc câu chuyện về con vật bí ẩn bà tôi kể bằng giọng trang nghiêm như thể không phải bà đang kể cho mấy đứa cháu nhóc nhách của mình mà cho những người lớn.
Tôi yêu bà ngoại cả vì lẽ đó. Bà đối xử với chúng tôi bao giờ cũng vậy, rất ngang hàng, y như thể bà bé bằng chúng tôi, hoặc chúng tôi lớn bằng bà. Đây không phải là nghệ thuật kể chuyện, như sau này, khi đã trở thành người lớn, tôi rút ra kết luận bằng vào kinh nghiệm bản thân. Đây là chuyện cốt cách tâm hồn, không học được, không bắt chước được.
Mẹ tôi ngồi khâu, tủm tỉm cười nghe bà kể. Đến khi bà kể xong, mẹ tôi đặt đồ khâu xuống, nói với bà:
- Làm gì có rồng, mẹ ơi? Mẹ kể thế các cháu chúng nó tưởng thật.
Bà nguýt mẹ tôi một cái, bực bội:
- Thì chính mắt tôi trông thấy mà. Dễ tôi bịa chắc?
- ấy là con nói vậy - mẹ tôi vui vẻ nói bằng giọng lấy lòng - Nó là con gì không biết, nhưng khoa học bây giờ chứng minh rằng không hề có rồng. Nếu có, ít ra người ta cũng còn tìm thấy xương của nó. Các nhà khảo cổ đào được xương mọi giống vật đã sống trên trái đất vào những thời xa xưa, nhưng rồng thì không. Rồng chẳng qua là do trí tưởng tượng của con người ta dựng nên, mẹ ạ!
- Khoa học! Vâng, các cô ngày nay tân thời lắm! - bà tôi sa sầm mặt - Các cô bây giờ ấy, các cô chẳng hơn mẹ mà thôi đâu, các cô còn hơn cả các cụ tổ nữa kia. Tôi về đây
- Gớm, hơi tí là mẹ dỗi. - mẹ tôi lẩm bẩm, nói cách khác, đúng hơn, mẹ tôi phụng phịu - Biết thế con chẳng nói nữa.
Bà tôi giận thật sự. Bà gỡ chúng tôi ra, hầm hầm vấn lại khăn, bỏ cơi trầu vào làn, rồi lẳng lặng bước ra cửa.
Chúng tôi len lét theo sau. Cái khổ của trẻ con là thế. Trẻ con không dám công nhiên đứng về bên nào khi giữa người lớn có chuyện đụng độ.
Mẹ tôi yêu bà tôi, sợ bà tôi, nhưng mẹ tôi tính bướng, đã thế cứ ngồi yên tại chỗ. ở ngoài đường, chúng tôi mới nhao nhao:
- Bà ơi bà, bà đừng về, bà ở đây với chúng cháu.
Bà ơi bà, bà chưa dẫn chúng cháu đi chơi mà.
- Bà ơi bà, bà đừng đi, bà?
Đến lúc ấy mẹ tôi mới chịu chạy ra, luống cuống giữ bà tôi lại bằng những lời xin lỗi ấp úng. Nhưng bà đã quyết về là về bà phẩy tay xua mẹ tôi quay trở lại.
- Bỏ áo bà ra cho bà về nào. Mẹ các cháu hư, dám hỗn với bà, bà không ở nữa.
Bà xoa đầu chúng tôi, gỡ tay chúng tôi ra. Bà vẫn chưa nguôi giận.
- Bà đánh cho mẹ cháu một trận cho mẹ cháu ngoan, rồi bà ở lại với chúng cháu.
Lời khuyên nghiêm trang của Phương cuối cùng đã làm bà phì cười.
- Con ranh, ai lại đi xui bà đánh mẹ kia chứ? - bà véo yêu vào má Phương - Mẹ lớn rồi, bà không đánh nữa, bà đánh thì người ta cười. Mẹ mà còn bé ấy à, thế nào bà cũng cho một trận đáo để. Thôi, các cháu bỏ áo bà ra cho bà về.
Rồi hôm khác bà lại với chúng cháu, bà nhá!
- Bao giờ mẹ các cháu ngoan thì bà lại.
Nhưng bao giờ mẹ cháu mới ngoan, ứ ừ, bà phải lại ngay cơ.
- Hôm khác bà lại.
- Hôm khác là bao giờ hả bà?
- Mấy hôm nữa.
- Lâu thế, mai bà lại cơ, mai cơ.
- ừ để bà còn xem, bà rỗi thì bà mới lại được.
Bà không được nói dối cơ, bà lại với chúng cháu, bà nhá?
Chúng tôi mếu máo.
Bà ngoại vẫy xe tay ngồi lên, tránh cái nhìn cầu khẩn của chúng tôi. Rõ ràng bà cũng chẳng muốn về, chỉ tại giận mẹ tôi nên bà mới về. Chúng tôi quay vào nhà, mặt nặng trịch. Đến lượt mẹ tôi tránh cái nhìn trách móc của chúng tôi
Bà tôi lại đến với chúng tôi hôm sau. Bà không thể không đến, không đến thì bà nhớ.
Chúng tôi reo ầm lên, vây chặt lấy bà. Bà ôm lấy chúng tôi thơm mỗi đứa một cái.
- Bà dẫn các cháu bà đi chơi ngay bây giờ. Bằng lòng chưa nào?
Có đứa nào lại ngu ngốc để không bằng lòng.
Chị Tường mặc đồ diện cho chúng tôi. Mẹ tôi vui vẻ nhét vào túi bà một số tiền trinh, tiền xu. Đó là cái lệ.
Chúng tôi lũn cũn chạy trước bà, nắm tay bà, bám vạt áo bà y như một lũ gà con theo mẹ. Tôi không thấy mấy ai đi chơi thật là đi chơi như bà tôi. Bà đi thong dong, thư thái, không một nét suy nghĩ gợn trên mặt. Bà nhìn mọi vật bằng con mắt âu yếm, như thể cái nhà nào cái cây nào, đám mây nào cũng là thân thiết đối với bà. Mọi vật dường như cũng vui mừng được đón bà, chúng niềm nở chào bà và được bà hồ hởi đáp lại. Cả hình hài, gương mặt, dáng đi của bà nói rằng dù bà có bận gì, dù bà có bận đến mấy, thì trong lúc này bà cũng mặc, bà nghỉ.
Trong lúc chờ bà hàng bánh đa lật đi lật lại những tấm bánh mỏng lấm tấm vừng đang uốn éo phồng lên xẹp xuống trên những hòn than đỏ rục trong cái nồi đất vo, bà ngoại tôi tươi cười hỏi thăm bà hàng chuyện sinh sống, chuyện làm ăn, như thể với một người bạn lâu ngày mới gặp. Bà hàng hồ hởi bắt chuyện, than phiền chuyện này chuyện khác trong gia cảnh, kêu ca về nỗi bây giờ làm ăn chật vật, khi trao hàng lại thêm cho bà tôi một tấm bánh đa đường. Những tấm bánh đa ròn tan, ngon tuyệt, nhưng chúng tôi mỗi đứa chỉ được ăn một tấm thôi. Số bánh còn lại sẽ được dùng vào việc khác.
Mấy bà cháu thủng thẳng đi từ phố Nhà Rượu qua Nghĩa địa Tây ra phố Huế.
Vào thời bấy giờ ở phố Huế cứ đi một quãng ngắn là lại gặp ăn mày. Họ ngồi hai bên lề đường, sát chân tường, dưới những tủ kính choáng lộn hàng hóa với những hình nhân mặc quần áo đủ màu đủ kiểu kênh kiệu nhìn ra phố. Những người ăn mày quần áo tả tơi, có khi áo chỉ là một cái bao tải đục một lỗ thủng làm cổ với sợi dây chuối thay thắt lưng, đờ đẫn nhìn ra những chuyến xe điện đi ngang. Phần lớn là những người mù với chiếc khăn đỏ bạc phếch rách rưới từ trên trán rủ xuống che cặp mắt toét nhèm, đỏ ngầu hoặc mờ đục. Đi ngang họ là những toa tàu sơn đỏ, xinh xắn như thể chúng là đồ chơi của người lớn, vừa chạy vừa reo chuông vui vẻ, từ trên cần điện lóe lên ánh chớp xanh giữa ban ngày. Mùi thịt nướng của một gánh bún chả thơm lừng quyện trong khói bay mù trên phố. Khách bộ hành dửng dưng đi qua những cánh tay khẳng khiu xương xẩu chìa ra, chới với như muốn bám níu, những ngón tay đen đủi, cáu ghét giơ những cái đấu gỗ đã lên nước bóng huơ qua huơ lại. Giọng khàn khàn, rè rè, nheo nhéo, giọng đứt hơi như tiếng mèo ốm, những người ăn mày đủ mọi tuổi chờ đón, nài nỉ, đuổi theo họ:
- Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại con cá nó sống vì nước, con sống vì ông vì bà...
- Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay, xin ông xin bà thương con mù lòa đói khát, rón tay làm phúc...
Nam-mô A-di-đà Phật, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, ông tu nhân, bà tích đức, thương lấy chúng con đui mù què quặt...
Những bài bi ca của nỗi cơ hàn được đặt ra không biết tự thuở nào, nhưng được bộ lạc ăn mày đông đảo thuộc lòng, vang lên khắp nơi. ở bất cứ đâu những người ăn mày cũng gào lên đúng những bài ấy, cũng với những giọng ấy và tiết tấu ấy thỉnh thoảng mới thấy có đôi ba dị bản, mà những dị bản này cũng chỉ gặp được ở những người mới vào nghề hoặc trong lúc hết sức tuyệt vọng. Bà tôi dừng lại trước một người ăn mày. Móc túi lấy một trinh, hoặc một xu tùy theo cách mà bà cho là nên, bà tôi nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay bẩn thỉu của người đó.
Khi người ăn mày cảm ơn, bà tôi nói khẽ:
- Mô Phật?
Chúng tôi sung sướng nhận tiền của bà để đem đến cho những người ăn mày.
Chúng tôi tranh nhau làm việc đó. Bà tôi nheo mắt lại, sung sướng nhìn theo lũ cháu mình xăng xái làm việc thiện. Bà cấm chúng tôi không được ném tiền xuống đất để bắt người ăn mày mù sờ soạng tìm, mà phải đặt tiền vào tận tay hoặc bỏ vào đấu, bỏ chứ không được ném.
Bên cái chiếu rách của người ăn mày, thường có những đứa con của họ. Chúng bẩn thỉu, rách rưới chẳng khác gì bố mẹ, có đứa ở truồng tồng ngồng. Khác với bố mẹ chúng, những đứa con lười kêu xin; chúng đứng lặng lẽ, ngón tay trỏ trong miệng, mắt giương lên nhìn người qua lại. Đã đến lúc dùng đến những tấm bánh đa đường. Bà tôi giao bánh cho chúng tôi đem đến cho những người bạn khốn khổ. Chúng giằng ngay lấy khi chúng tôi vừa vươn tay về phía chúng. Những đứa trẻ giành nhau, đánh nhau, làm tấm bánh vỡ tan. Chúng liền xô đẩy nhau vồ lấy những mẫu vụn trên hè đút vào miệng, không cần thổi bụi. Nhìn cảnh đó bà tôi thở dài, đưa tiền cho chúng tôi mua thêm bánh.
- A-di-đà Phật! Xin đức Phật đại từ đại bi phù hộ độ trì cho chúng sinh nơi bể khổ!
Bà tôi thở dài, nhìn đi nơi khác và dắt tay chúng tôi tiếp tục buổi đi chơi của bà cháu.
Mẹ tôi không đồng tình với lòng thương người của bà ngoại.
- Cần phải có một xã hội khác để mọi người được sung sướng. Lòng thương đối với một số người, một ít tiền bố thí, như bà các cháu thường làm, đúng là muối bỏ bể.
Đó là mẹ tôi nói với các bạn. Những người bạn mẹ tôi gật đầu tán thưởng. Bà tôi không nghe thấy, nếu bà nghe thấy bà sẽ giận lắm.
ở nhà, bà ngoại kể cho chúng tôi nghe chuyện xưa kia Phật Thích Ca đã có lần giả hình dạng ăn mày để thử lòng người. Trong câu chuyện thú vị của bà, những kẻ ác bị Phật trừng phạt bằng quả báo nhỡn tiền, còn người tốt thì rồi trước sau cũng được hưởng phúc lớn.
Câu chuyện của bà ngoại làm tôi nhìn những người ăn mày bằng cái nhìn e dè : biết đâu trong bọn họ lại chẳng lẫn vào một đức Phật Thích Ca trá hình