XIX
Tác giả: Vũ Thư Hiên
Trong làng, còn có một nhà mà tôi hay lui tới, tuy chẳng phải họ hàng, là nhà ông Nhiêu Tuất. Nhiêu là một danh vị nhỏ bé, có thể mua bằng tiền, mà không nhiều. Danh vị này cho người được mang nó quyền ngồi một chỗ, cũng nhỏ bé, gọi là chiếu dưới, khi làng họp. Nhiêu được miễn sưu thế, miễn phu phen tạp dịch. Để mua nhiêu, ngày xưa phải có một số tuổi đáng kính, nhưng về sau, danh vị này được bán nhiều, nên làng tôi có vô số anh nhiêu. Ông nhiêu Tuất đâu như trước cũng là tay chân của ông tôi. Nghĩa tay chân này rộng, hiểu thế nào cũng được, là người nhà, đàn em, hoặc người giúp việc thân cận. Chỉ biết những ngày giỗ ngày tết, cô tôi thế nào cũng mời ông nhiêu Tuất.
Nghe kể lại thì ông tôi có nhiều tay chân lắm, trong số đó có cả một tên cướp, sau trở thành người nhà chúng tôi, là chú Mưu. Chuyện kể rằng chú Mưu đi ăn cướp, phá cổng vào nhà tôi không nổi, lại bị tuần đinh đuổi đánh bị thương, nằm ngất trong ruộng lúa bên đường. Ông tôi hôm ấy đi cất thuốc ở chợ Lễ về khuya, nghe tiếng rên, mới rẽ xuống xem, rồi cõng chú về nhà phục thuốc. Trong nhà biết đó là tên cướp, nhưng ông tôi không cho đi cáo quan, chăm sóc cho tới khi lành. Khi hiểu rằng mình được cứu sống bởi tay người mà mình tới nhà ăn cướp, chú Mưu xin ở lại làm con nuôi, gọi chữ là nghĩa tử. Chú ở nhà tôi tới khi ông bà tôi khuất núi mới trở về quê lập nghiệp.
Ông nhiêu Tuất gần bằng tuổi cô Gái, tóc bạc trắng, tóc búi củ hành, đã nghễnh ngãng. Ông là một trong số ít người trong làng còn giữ lại lối chào thuở xưa. Khi gặp ai, ông chắp ngang hai bàn tay lại (chứ không chắp dọc như các bà đi lễ chùa) và đưa lên ngực rồi hạ xuống một chút, gặp người đáng kính trọng hoặc để tỏ lòng kính trọng ông cũng chắp tay như vậy, nhưng đưa hai tay chắp cao lên tới ngang vai rồi từ đó hạ xuống chéo sang bên phải chấm xương hông. Vái như thế gọi là vái dài. Bây giờ, nhìn lên sân khấu thấy người ta đóng trò xưa mà vái nhau theo cách lễ chùa, tôi lại nhớ tới lối chào dân tộc đã mất.
Tôi đặc biệt quí ông nhiêu Tuất bởi lẽ ông là người an ủi tôi nhiều nhất kể từ khi tôi về quê. Ông tới nhà, ngồi ngoài thềm nói chuyện với cô Gái, Nhìn thấy tôi, ông hỏi cô Gái:
- Con ông Tư, phải không bà?
- Nó đấy.
Ông đứng lên, chăm chú nhìn tôi rồi nói:
- Hôm nào bà rảnh, cậu theo bà sang tôi chơi.
Cô Gái chẳng bao giờ rảnh. Tôi hỏi đường anh Cu Nhớn rồi tự tới nhà ông. Tự nhiên, tôi thấy có cảm tình với ông già đã còng lưng, nhưng có đôi mắt hiền từ và giọng nói ấm áp
Ông nhiêu Tuất ở xóm dưới, cũng gần. Nhà ông nhỏ, cột soan, mái rạ, vách trát nhưng sạch sẽ. Lối đi từ cổng vào hai bên trồng tóc tiên. Trước nhà là một cái ao nhỏ gây bèo cái trong một vòng dây muống lưu cữu. Thấy tôi đến, ông đang lúi húi đan rổ liền đứng lên và vái một cái dài.
Tôi đỏ ửng mặt, lúng túng chào ông. Ông đặt tay lên vai tôi, nhìn sâu vào mắt tôi:
- Tôi biết rồi, cậu ạ.
- Ông bảo gì cơ?
- Tôi biết ông Tư ở nhà pha. - Ông nói bằng giọng đơn giản điều cô Gái giấu giếm - Cậu đừng buồn.
- Cháu không buồn.
- Vậy là phải. Cậu ngồi xuống đây, chỗ này này, tôi kể chuyện cậu nghe.
Trong nhà ông im ắng. Lúc đó tôi chưa biết ông chỉ có một mình.
- Tôi biết ông Tư là cộng sản lâu rồi. Ông nói bằng giọng buồn buồn - Tôi chẳng hiểu cộng sản là cái gì, tôi là người không có học. Cơ mà tôi cứ ở ông Tư. Ông là người tốt mà ông theo cộng sản thì cộng sản tốt. Vừa nãy tôi vái cậu là tôi vái vọng ông Tư đấy. Tôi nhớ ông lắm.
Ông lặng im một lát. Hình như ông suy nghĩ về điều gì đó, rất hệ trọng.
- Nghe nói cộng sản bây giờ đông. Tây bỏ tù bao nhiêu cũng không xiết. Tôi mà còn trẻ như ông Tư khéo tôi cũng theo cộng sản.
Tôi chẳng biết nói gì. Những lời ấm áp về bố tôi làm tôi cảm động.
- Đời bây giờ khổ quá là khổ! - Ông nói.
Sau vài lần đến chơi, tôi bạo dạn hơn. Tôi xin phép được câu ở ao nhà ông.
Ông bằng lòng ngay, nhưng chỉ cho tôi câu một mình, không được đi với anh Cu Nhớn. Ông rất nghèo, con cá giếc trong cái ao nhỏ cũng được coi như con gà ở nhà khác. Vả lại, tiếng sát cá của anh Cu Nhớn không phải chỉ một xóm tôi biết.
Khi tôi đến câu, ông đưa võng kẽo kẹt trong ngôi nhà vắng, thỉnh thoảng mới trở dậy lọc xọc một điếu thuốc lào. Khi tôi trở về, ông nhắc cái giỏ, nhìn sâu qua hom, có vẻ ông muốn đếm số cá tôi câu được. Ao nhà ông không nhiều cá, toàn loại rô cụ, mà chúng thì rất thận trọng. Cô Gái rất sợ những con cá rô cụ. Nằm trong giỏ khô, cá rô cụ sống cả ngày không cần chút nước nào mà vẫn khỏe, sơ ý là bị chúng nẻ cho sưng tay. Đổ bọn cá rô cụ ra, cô Gái phải lấy sống dao đập vỡ đầu chúng rồi mới dám đánh vẩy. Hôm nào cá không cắn, ông nhiêu Tuất ra ngồi bên cạnh tôi cả buổi, nhưng chẳng nói gì.
Cô Gái nói rằng ông nhiêu Tuất dạo này đã không còn thật tính, nghĩa là ông đã trở thành dở hơi, cám hấp theo cách nói bây giờ. Cũng có hôm, ông rất vui vẻ kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện - chuyện làng, chuyện xóm, chuyện đời xưa. Có điều, chẳng bao giờ ông nói đến sự tích các thánh, như thường thấy ở những người có tuổi trong làng, những người này thường đua nhau khoe cái sự rành lẽ đạo của mình. Ông cũng chẳng mấy khi nhắc tới Chúa, chẳng bao giờ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Nhưng ông vẫn đi nhà thờ, đều đặn xưng tội chịu lễ. Tôi đồ rằng giữa ông và chúa có điều gì không bằng lòng nhau, nhưng ngấm ngầm.
- Chúa thì phải công bằng, Chúa mà không công bằng thì không phải là Chúa! - Ông nhiêu Tuất nói bâng quơ, nhân một câu chuyện nào đấy - Mà lẽ công bằng trên đời này khó lắm thay?
Ông có một người con trai duy nhất, nhưng anh ta ở bên Tây. Trong làng tôi, chẳng mấy ai biết nước Tây ở đâu, người ta nói bên Tây với ý nghĩa xa lắm lắm, không hàm khái niệm địa lý.
- Cái thằng con nhà nhiêu Tuất chầu này chẳng thấy gửi gì cho bố, quân bất hiếu bất mục - cô Gái thủng thẳng nói chuyện với cô Nhung - Không biết ông lão lấy gì ăn? Dào, giời sinh voi giời sinh cỏ, rồi khắc sống được tất chị ạ!
- Khốn ông ta già quá rồi.
- Kể cũng cực, em nghiệm thấy già ăn còn khỏe hơn lúc trẻ, khốn nạn vậy.
Cô Nhung ăn rất khỏe. Bác Hai Thực gái bao giờ cũng ngồi đầu nồi, chia cơm cho mọi người theo tiêu chuẩn đã được im lặng thỏa thuận hoặc im lặng chấp nhận. Cơm xong, cô Nhung còn ăn thêm được vài chùm sung xanh. Ông nhiêu Tuất ăn gì, tôi không biết. Chẳng bao giờ tôi thấy ông thổi nấu. Có thể, ông nấu cơm một lần vào sáng sớm rồi ăn cả ngày.
Một hôm, ông nhiêu rụt rè nhờ tôi đánh hộ cái giấy, tức là viết thư cho con ông:
- Cậu giúp tôi thí. Trước tôi vẫn phải nhờ cậu Mân bên xóm Đông, giờ cậu ấy lên tỉnh học rồi... Chẳng hiểu ra làm sao, cả năm nay bặt tin anh ấy, tôi nóng ruột.
Cái việc viết thư hộ này tôi thỉnh thoảng vẫn phải làm. Làng tôi có quá ít người biết chữ. Ai đỗ Sơ học yếu lược cũng đã được coi là người có chữ nghĩa. Người có bằng Tiểu học có thể coi mình là trí thức rồi. Người nhờ tôi đánh cái giấy phần nhiều là các bà. Họ kể lể con cà con kê từ chuyện thằng cu bị chốc đầu, cái hôm ngã sái tay, con lợn nái bị đóng dấu cho tới cái ao bị thối và đám cá mè bị chết ngạt. Những bức thư như thế làm tôi ngán. Nó mở đầu bằng công thức muôn thuở "Nay tôi có mấy nhời gửi ra cho nhà nó. Nhà nó được bằng an trong tay Chúa thời tôi mừng. Còn về phần mẹ con tôi ở nhà, ơn Chúa, vưỡn được như thường...".
- Tôi đồ rằng bận trước, cậu Mân viết điều gì, làm cho anh ấy nhà tôi giận tôi... - Ông nhiêu Tuất băn khoăn - Chứ không thì tại sao anh ấy chẳng đánh giấy về?
Tôi không biết rằng lúc ấy chiến tranh thế giới đã lan ra khắp các lục địa, trên các đại dương, đến cả những tàu buôn cũng bị đánh chìm, tất nhiên những bao thư cũng chìm theo. Trong làng tôi chỉ có một tờ báo là tờ Đông Pháp, mỗi ngày một số, gửi về nhà ông Hội Dục để cháu đích tôn của ông đọc cho ông nghe. Bác Hai Thực thỉnh thoảng cũng mượn được về nhà vài số. Ông đọc và gật gù "Cái thằng Đức dữ ra quỷ, mà thằng Nhật cũng chẳng khờ, bên ý Đại Lợi khi không lại mọc mũi sủi tăm ra cái anh Mút-xô-li-ni, theo voi Hít Le hít bã mía. Thống chế Tưởng Giới Thạch sợ Thiên Hoàng vãi đái, Nhật nó đánh thật chứ nó bỡn à, cứ gọi là phen này vỡ mặt". Đấy là ông nói với những ông bạn cùng tuổi chứ không phải nói với tôi.
Tôi thương ông nhiêu Tuất. Tôi biết ông buồn nhiều trong cuộc sống một thân một mình. Nghe người ta kể thì hồi còn trẻ ông chật vật lắm mới lấy được vợ, vì nghèo. Vợ ông là một cô gái đẹp trong vùng. Có rất nhiều người hỏi cô nhưng cô không ưng ai. Đến khi quá lứa mới bằng lòng lấy anh nhiêu. Cô có chồng rồi, đàn ông trong làng vẫn còn mắt la mày lém, đùa cợt lẳng lơ. Anh chồng ghen rất dữ, cô vợ thì ai chọc ghẹo gì cũng mặc. Anh chồng chẳng biết nghe ai đùng đùng kéo vợ lên làm ăn trên tỉnh, rồi lên tận Hà nội. Cô vợ đánh răng trắng, mặc quần lĩnh (đến hồi ấy đàn bà làng tôi còn nhuộm răng đen, mặc váy), thế rồi bắt đầu nhìn anh chồng nghèo bằng cặp mắt rẻ rúng. Từ rẻ rúng đến chê bai chỉ là một bước. Cô chê anh không biết làm ăn, khố rách hoàn khố rách. Bây giờ ve vẩy quanh cô là các thày cai, thày đội, thày ký. Có người đánh tiếng đưa cô về làm lẽ, cho cô một nóc nhà riêng. Hai vợ chồng cãi lộn, trước thỉnh thoảng, sau hàng ngày. Rồi cô vợ bỏ đi, để lại cho anh chồng một thằng bé ghẻ kềnh ghẻ càng, bụng ỏng. Anh chồng ngậm mối hận, ôm con về làng. Bố mẹ vợ đã chết theo nhau trong một trận dịch tả, nếu không họ sẽ khốn khổ với anh ta. Trong làng, chuyện đó thường xảy ra, cha mẹ vợ hứng chịu hậu quả mà người con gái lấy chồng gây ra. Người ta mặc, chẳng ai can. Từ đó anh Tuất đi làm thuê, làm canh điền, làm nhiều nghề linh tinh khác, nhưng không bao giờ giàu lên. Giàu hay nghèo có số, người ta nói, nhưng không ai ham làm giàu bằng anh Tuất. Anh nhìn thấy trong sự giàu có niềm kiêu hãnh với người vợ bội bạc, cách trả thù quân tử đối với cô ta. Chỉ có đứa con là lớn mau, tính nết điên điên khùng khùng. Có kẻ độc miệng nói rằng nó cũng chẳng phải con anh Tuất.
- Tôi có mỗi mình nó. - Ông nhiêu Tuất nói - Tính nó không được như người ta, có khi nó giận tôi thật, chả là tôi dặn cậu Mân nhắn nó cho tôi rằng chớ có tin con vợ đầm...
- Ông cứ đọc cho cháu viết.
- Tôi biết viết gì. Cậu viết thay tôi đi, nói tôi chầu này yếu lấm rồi, chân tay đã run, lại đau ở ngang thắt lưng, trước chỉ chục viên thuốc của bà Gái là dứt, nhưng bây giờ uống mãi rồi vẫn cứ ngâm ngẩm. Cậu nhắn anh ấy gửi cho tôi ít tiền để sửa nhà, cái nhà trước sau rồi cũng là của anh ấy, tôi chẳng ở được bao lâu nữa...
Ông nhiêu Tuất kể rất nhiều cho tôi nghe những điều ông muốn nói với người con trai ở tít tắp nơi nào và có lẽ đã quên mất người cha già yếu.
Tôi đã mất ba buổi chiều cặm cụi để viết cho xong bức thư. Trong thư tôi tả thêm thắt cảnh rách nát của ngôi nhà, những đóa tóc tiên màu hoa đào ở lối vào, cái ao nhỏ và những con cá rô hiếm hoi, cây khế trong vườn (nó đã già lắm, gốc nó xù xì to bằng người lực lưỡng) quả rụng đầy dưới chân, tôi nhắc anh về sâu bà Cơ (anh không thể không ăn sâu bà Cơ như bất kỳ ai trong làng đã có lúc là trẻ con) và lời hỏi thăm của bà (mà tôi bịa ra), tôi kể chuyện những con mọt nghiến gỗ đêm khi ông già thức giấc vì nhức nhối chân tay, chúng làm cho ông buồn nẫu ruột khi nghĩ đến con trai, nỗi lo lắng của ông không được gặp anh lần nữa. Ông nhiêu Tuất chảy nước mắt lặng lẽ khi nghe tôi đọc bức thư. Ông không trách tôi viết dài hơn những gì ông nhờ tôi. Cô Gái cũng được nghe bức thư. Bà xúc động ra mặt. Tôi nắn nót chép địa chỉ của con ông từ một phong bì Pháp. Ông run run dán bức thư tôi đưa.
- Cảm ơn cậu. - Ông nói, giọng đổi khác.
- Ông đưa ra trạm Thần Lộ mà gửi. Mua cái tem dán vào là anh ấy khắc nhận được. - cô Gái nói - Nhận được giấy của bố, thế nào anh ấy cũng giả nhời, máu đào đâu phải là nước lã.
- Có vậy - Ông Nhiêu Tuất gật đầu - Tôi đi ngay bây giờ.
Tôi đưa ông ra cổng. Ông đứng lại, móc túi lấy ra một đồng năm xu bằng kền, dúi vào tay tôi:
- Cậu cầm lấy mua sâu.
Tôi nhất định chối từ, nhưng ông cương quyết nhét sâu vào túi tôi:
- Cậu cầm lấy cho tôi bằng lòng.
Tôi dành nhận.
Sau đó là những ngày chờ đợi dài dằng dặc. Phải nói rằng tôi chờ bức thư trả lời của anh lính thợ nôn nóng chẳng kém gì ông nhiêu. Thậm chí, tôi tránh đến câu cá ở ao nhà ông. Tôi sợ nhìn thấy nỗi sốt ruột của ông.
Bác Hai Thực nói rằng chiến tranh ngày một lan rộng, hàng hóa của Pháp cũng còn không gửi sang Đông Dương được nữa, nói gì thư. Bác biết được những tin tức đó qua tờ Đông Pháp. Tôi biết được nhờ nghe lỏm chuyện của bác. ở trường học, thày giáo treo trên tường ảnh một ông già Pháp với bộ ria mép rậm trên khuôn mặt béo tốt. Thày kẻ lên tường những chữ in bằng mực tàu "Cần lao - Gia đình - Tổ quốc, Dưới bức ảnh có in chữ đề "Thống chế Pétain". Từ trên huyện, người ta gửi về những bức tranh cổ động gồm các tranh nhỏ đủ cho một truyện "Đại úy Đỗ Hữu Vị", "Hai Bà Trưng". Đại úy Đỗ Hữu Vị là người Việt Nam đăng lính Pháp, lái máy bay đánh nhau với Đức, chết cho mẫu quốc. Bà Trưng "quê ở châu Phong, giận người Tô Định thù chồng chẳng quên" đánh nhau với quân Tàu, chết cho nước Việt. Có lẽ vì sự gắn bó của hai nước mà người ta in những bức tranh ấy. Tôi hiểu: người ta nói dối. Bố mẹ tôi sẽ nói khác về chuyện này.
Ông nhiêu Tuất héo hắt đi trông thấy. Bác Hai Thực nghe ai nói kể rằng ông hầu như chẳng mấy khi ăn cơm. ăn cơm thì phải thổi, mà trên mái nhà ông không có khói. Hình như thỉnh thoảng ông mới nấu nướng một lần. Hình như ông không còn tiền đong gạo. Hình như ông chỉ ăn sung xanh và thỉnh thoảng một bữa tróc giong. Cô Gái sai tôi mang sang nhà ông một rá gạo. Ông nhận và cảm ơn, nhưng không thấy sang chơi. Phải đến bốn tháng sau đó ông phu trạm Thần Lộ mới mang tới cho ông nhiêu Tuất bức thư mong đợi. Kèm theo là một ngân phiếu hai chục đồng, một số tiền khá lớn đối với túi tiền của người nhà quê. Ông nhiêu Tuất chống gậy đi khắp làng để khoe lá thư. Ông cúng vào nhà xứ năm đồng để mua nến. Có dễ ông muốn chuộc lỗi với Chúa mà ông dám oán trách hoặc tệ hơn, dám nguyền rủa. Đó là tôi nghĩ vậy. Người làng khen ông sốt sắng sự đạo. Cô Gái lại càng khen.
Tất nhiên, tôi phải là người được đọc lá thư đầu tiên. Bức thư dài bốn trang, trong đó người con trai kể lể nỗi niềm thương nhớ đói với cha. Tôi đồ rằng anh ta cũng nhờ ai viết hộ. Nét chữ trong thư quá đẹp đối với một người lính thợ Kèm theo thư là một bưu ảnh in hình một nhà thờ đồ sộ và cổ kính với đám đông đi lại tấp nập trên quảng trường trước mặt, chắc hẳn trong ngày lễ trọng.
Tôi thầm ghen với con trai ông nhiêu Tuất. Hẳn anh đã tới đây đã đi lại trước nhà thờ này, giữa những người xa lạ kia. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã thú vị biết bao nhiêu. Tôi còn đến xem bức bưu ảnh nhiều lần, nó được đặt trên bàn thờ nhà ông nhiêu Tuất, và trong tôi bắt đầu nỗi nhớ mơ hồ những phương xa tôi chưa từng gặp, những vùng đất tôi chưa từng đến, nơi cái gì cũng khác với quê tôi - từ ngọn cỏ, mặt trời hay ánh trăng khuya.
Về sau này tôi mới biết đó là nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri.
Cả thế giới biết đến nhà thờ này, không phải vì nó to hơn hay đẹp hơn các nhà thờ khác, không phải vì nơi đây đã xảy ra một sự kiện lịch sử lớn lao nào, mà đơn giản chỉ vì Vích-to Huy-gô đã nói đến nó, đã chọn nó làm tụ điểm cho cuộc gặp gỡ bi kịch của những nhân vật Huy-gô.
Sự biết ơn của ông nhiêu Tuất làm phiền tôi. Ông khoe với cả làng về tác dụng bức thư tôi viết. Thế là những người đàn bà có chồng làm ăn trên tỉnh hay ở mạn ngược liền chạy đến với tôi. Ông nhiêu nghĩ rằng họ sẽ biết cảm ơn tôi như ông đã cảm ơn tôi mỗi lần họ nhờ tôi viết. Nhưng dù cho họ có rộng rãi trả tôi cả một hào tôi cũng chẳng bao giờ viết được cho họ một bức thư như tôi đã viết cho ông.
Trong làng, còn có một nhà mà tôi hay lui tới, tuy chẳng phải họ hàng, là nhà ông Nhiêu Tuất. Nhiêu là một danh vị nhỏ bé, có thể mua bằng tiền, mà không nhiều. Danh vị này cho người được mang nó quyền ngồi một chỗ, cũng nhỏ bé, gọi là chiếu dưới, khi làng họp. Nhiêu được miễn sưu thế, miễn phu phen tạp dịch. Để mua nhiêu, ngày xưa phải có một số tuổi đáng kính, nhưng về sau, danh vị này được bán nhiều, nên làng tôi có vô số anh nhiêu. Ông nhiêu Tuất đâu như trước cũng là tay chân của ông tôi. Nghĩa tay chân này rộng, hiểu thế nào cũng được, là người nhà, đàn em, hoặc người giúp việc thân cận. Chỉ biết những ngày giỗ ngày tết, cô tôi thế nào cũng mời ông nhiêu Tuất.
Nghe kể lại thì ông tôi có nhiều tay chân lắm, trong số đó có cả một tên cướp, sau trở thành người nhà chúng tôi, là chú Mưu. Chuyện kể rằng chú Mưu đi ăn cướp, phá cổng vào nhà tôi không nổi, lại bị tuần đinh đuổi đánh bị thương, nằm ngất trong ruộng lúa bên đường. Ông tôi hôm ấy đi cất thuốc ở chợ Lễ về khuya, nghe tiếng rên, mới rẽ xuống xem, rồi cõng chú về nhà phục thuốc. Trong nhà biết đó là tên cướp, nhưng ông tôi không cho đi cáo quan, chăm sóc cho tới khi lành. Khi hiểu rằng mình được cứu sống bởi tay người mà mình tới nhà ăn cướp, chú Mưu xin ở lại làm con nuôi, gọi chữ là nghĩa tử. Chú ở nhà tôi tới khi ông bà tôi khuất núi mới trở về quê lập nghiệp.
Ông nhiêu Tuất gần bằng tuổi cô Gái, tóc bạc trắng, tóc búi củ hành, đã nghễnh ngãng. Ông là một trong số ít người trong làng còn giữ lại lối chào thuở xưa. Khi gặp ai, ông chắp ngang hai bàn tay lại (chứ không chắp dọc như các bà đi lễ chùa) và đưa lên ngực rồi hạ xuống một chút, gặp người đáng kính trọng hoặc để tỏ lòng kính trọng ông cũng chắp tay như vậy, nhưng đưa hai tay chắp cao lên tới ngang vai rồi từ đó hạ xuống chéo sang bên phải chấm xương hông. Vái như thế gọi là vái dài. Bây giờ, nhìn lên sân khấu thấy người ta đóng trò xưa mà vái nhau theo cách lễ chùa, tôi lại nhớ tới lối chào dân tộc đã mất.
Tôi đặc biệt quí ông nhiêu Tuất bởi lẽ ông là người an ủi tôi nhiều nhất kể từ khi tôi về quê. Ông tới nhà, ngồi ngoài thềm nói chuyện với cô Gái, Nhìn thấy tôi, ông hỏi cô Gái:
- Con ông Tư, phải không bà?
- Nó đấy.
Ông đứng lên, chăm chú nhìn tôi rồi nói:
- Hôm nào bà rảnh, cậu theo bà sang tôi chơi.
Cô Gái chẳng bao giờ rảnh. Tôi hỏi đường anh Cu Nhớn rồi tự tới nhà ông. Tự nhiên, tôi thấy có cảm tình với ông già đã còng lưng, nhưng có đôi mắt hiền từ và giọng nói ấm áp
Ông nhiêu Tuất ở xóm dưới, cũng gần. Nhà ông nhỏ, cột soan, mái rạ, vách trát nhưng sạch sẽ. Lối đi từ cổng vào hai bên trồng tóc tiên. Trước nhà là một cái ao nhỏ gây bèo cái trong một vòng dây muống lưu cữu. Thấy tôi đến, ông đang lúi húi đan rổ liền đứng lên và vái một cái dài.
Tôi đỏ ửng mặt, lúng túng chào ông. Ông đặt tay lên vai tôi, nhìn sâu vào mắt tôi:
- Tôi biết rồi, cậu ạ.
- Ông bảo gì cơ?
- Tôi biết ông Tư ở nhà pha. - Ông nói bằng giọng đơn giản điều cô Gái giấu giếm - Cậu đừng buồn.
- Cháu không buồn.
- Vậy là phải. Cậu ngồi xuống đây, chỗ này này, tôi kể chuyện cậu nghe.
Trong nhà ông im ắng. Lúc đó tôi chưa biết ông chỉ có một mình.
- Tôi biết ông Tư là cộng sản lâu rồi. Ông nói bằng giọng buồn buồn - Tôi chẳng hiểu cộng sản là cái gì, tôi là người không có học. Cơ mà tôi cứ ở ông Tư. Ông là người tốt mà ông theo cộng sản thì cộng sản tốt. Vừa nãy tôi vái cậu là tôi vái vọng ông Tư đấy. Tôi nhớ ông lắm.
Ông lặng im một lát. Hình như ông suy nghĩ về điều gì đó, rất hệ trọng.
- Nghe nói cộng sản bây giờ đông. Tây bỏ tù bao nhiêu cũng không xiết. Tôi mà còn trẻ như ông Tư khéo tôi cũng theo cộng sản.
Tôi chẳng biết nói gì. Những lời ấm áp về bố tôi làm tôi cảm động.
- Đời bây giờ khổ quá là khổ! - Ông nói.
Sau vài lần đến chơi, tôi bạo dạn hơn. Tôi xin phép được câu ở ao nhà ông.
Ông bằng lòng ngay, nhưng chỉ cho tôi câu một mình, không được đi với anh Cu Nhớn. Ông rất nghèo, con cá giếc trong cái ao nhỏ cũng được coi như con gà ở nhà khác. Vả lại, tiếng sát cá của anh Cu Nhớn không phải chỉ một xóm tôi biết.
Khi tôi đến câu, ông đưa võng kẽo kẹt trong ngôi nhà vắng, thỉnh thoảng mới trở dậy lọc xọc một điếu thuốc lào. Khi tôi trở về, ông nhắc cái giỏ, nhìn sâu qua hom, có vẻ ông muốn đếm số cá tôi câu được. Ao nhà ông không nhiều cá, toàn loại rô cụ, mà chúng thì rất thận trọng. Cô Gái rất sợ những con cá rô cụ. Nằm trong giỏ khô, cá rô cụ sống cả ngày không cần chút nước nào mà vẫn khỏe, sơ ý là bị chúng nẻ cho sưng tay. Đổ bọn cá rô cụ ra, cô Gái phải lấy sống dao đập vỡ đầu chúng rồi mới dám đánh vẩy. Hôm nào cá không cắn, ông nhiêu Tuất ra ngồi bên cạnh tôi cả buổi, nhưng chẳng nói gì.
Cô Gái nói rằng ông nhiêu Tuất dạo này đã không còn thật tính, nghĩa là ông đã trở thành dở hơi, cám hấp theo cách nói bây giờ. Cũng có hôm, ông rất vui vẻ kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện - chuyện làng, chuyện xóm, chuyện đời xưa. Có điều, chẳng bao giờ ông nói đến sự tích các thánh, như thường thấy ở những người có tuổi trong làng, những người này thường đua nhau khoe cái sự rành lẽ đạo của mình. Ông cũng chẳng mấy khi nhắc tới Chúa, chẳng bao giờ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Nhưng ông vẫn đi nhà thờ, đều đặn xưng tội chịu lễ. Tôi đồ rằng giữa ông và chúa có điều gì không bằng lòng nhau, nhưng ngấm ngầm.
- Chúa thì phải công bằng, Chúa mà không công bằng thì không phải là Chúa! - Ông nhiêu Tuất nói bâng quơ, nhân một câu chuyện nào đấy - Mà lẽ công bằng trên đời này khó lắm thay?
Ông có một người con trai duy nhất, nhưng anh ta ở bên Tây. Trong làng tôi, chẳng mấy ai biết nước Tây ở đâu, người ta nói bên Tây với ý nghĩa xa lắm lắm, không hàm khái niệm địa lý.
- Cái thằng con nhà nhiêu Tuất chầu này chẳng thấy gửi gì cho bố, quân bất hiếu bất mục - cô Gái thủng thẳng nói chuyện với cô Nhung - Không biết ông lão lấy gì ăn? Dào, giời sinh voi giời sinh cỏ, rồi khắc sống được tất chị ạ!
- Khốn ông ta già quá rồi.
- Kể cũng cực, em nghiệm thấy già ăn còn khỏe hơn lúc trẻ, khốn nạn vậy.
Cô Nhung ăn rất khỏe. Bác Hai Thực gái bao giờ cũng ngồi đầu nồi, chia cơm cho mọi người theo tiêu chuẩn đã được im lặng thỏa thuận hoặc im lặng chấp nhận. Cơm xong, cô Nhung còn ăn thêm được vài chùm sung xanh. Ông nhiêu Tuất ăn gì, tôi không biết. Chẳng bao giờ tôi thấy ông thổi nấu. Có thể, ông nấu cơm một lần vào sáng sớm rồi ăn cả ngày.
Một hôm, ông nhiêu rụt rè nhờ tôi đánh hộ cái giấy, tức là viết thư cho con ông:
- Cậu giúp tôi thí. Trước tôi vẫn phải nhờ cậu Mân bên xóm Đông, giờ cậu ấy lên tỉnh học rồi... Chẳng hiểu ra làm sao, cả năm nay bặt tin anh ấy, tôi nóng ruột.
Cái việc viết thư hộ này tôi thỉnh thoảng vẫn phải làm. Làng tôi có quá ít người biết chữ. Ai đỗ Sơ học yếu lược cũng đã được coi là người có chữ nghĩa. Người có bằng Tiểu học có thể coi mình là trí thức rồi. Người nhờ tôi đánh cái giấy phần nhiều là các bà. Họ kể lể con cà con kê từ chuyện thằng cu bị chốc đầu, cái hôm ngã sái tay, con lợn nái bị đóng dấu cho tới cái ao bị thối và đám cá mè bị chết ngạt. Những bức thư như thế làm tôi ngán. Nó mở đầu bằng công thức muôn thuở "Nay tôi có mấy nhời gửi ra cho nhà nó. Nhà nó được bằng an trong tay Chúa thời tôi mừng. Còn về phần mẹ con tôi ở nhà, ơn Chúa, vưỡn được như thường...".
- Tôi đồ rằng bận trước, cậu Mân viết điều gì, làm cho anh ấy nhà tôi giận tôi... - Ông nhiêu Tuất băn khoăn - Chứ không thì tại sao anh ấy chẳng đánh giấy về?
Tôi không biết rằng lúc ấy chiến tranh thế giới đã lan ra khắp các lục địa, trên các đại dương, đến cả những tàu buôn cũng bị đánh chìm, tất nhiên những bao thư cũng chìm theo. Trong làng tôi chỉ có một tờ báo là tờ Đông Pháp, mỗi ngày một số, gửi về nhà ông Hội Dục để cháu đích tôn của ông đọc cho ông nghe. Bác Hai Thực thỉnh thoảng cũng mượn được về nhà vài số. Ông đọc và gật gù "Cái thằng Đức dữ ra quỷ, mà thằng Nhật cũng chẳng khờ, bên ý Đại Lợi khi không lại mọc mũi sủi tăm ra cái anh Mút-xô-li-ni, theo voi Hít Le hít bã mía. Thống chế Tưởng Giới Thạch sợ Thiên Hoàng vãi đái, Nhật nó đánh thật chứ nó bỡn à, cứ gọi là phen này vỡ mặt". Đấy là ông nói với những ông bạn cùng tuổi chứ không phải nói với tôi.
Tôi thương ông nhiêu Tuất. Tôi biết ông buồn nhiều trong cuộc sống một thân một mình. Nghe người ta kể thì hồi còn trẻ ông chật vật lắm mới lấy được vợ, vì nghèo. Vợ ông là một cô gái đẹp trong vùng. Có rất nhiều người hỏi cô nhưng cô không ưng ai. Đến khi quá lứa mới bằng lòng lấy anh nhiêu. Cô có chồng rồi, đàn ông trong làng vẫn còn mắt la mày lém, đùa cợt lẳng lơ. Anh chồng ghen rất dữ, cô vợ thì ai chọc ghẹo gì cũng mặc. Anh chồng chẳng biết nghe ai đùng đùng kéo vợ lên làm ăn trên tỉnh, rồi lên tận Hà nội. Cô vợ đánh răng trắng, mặc quần lĩnh (đến hồi ấy đàn bà làng tôi còn nhuộm răng đen, mặc váy), thế rồi bắt đầu nhìn anh chồng nghèo bằng cặp mắt rẻ rúng. Từ rẻ rúng đến chê bai chỉ là một bước. Cô chê anh không biết làm ăn, khố rách hoàn khố rách. Bây giờ ve vẩy quanh cô là các thày cai, thày đội, thày ký. Có người đánh tiếng đưa cô về làm lẽ, cho cô một nóc nhà riêng. Hai vợ chồng cãi lộn, trước thỉnh thoảng, sau hàng ngày. Rồi cô vợ bỏ đi, để lại cho anh chồng một thằng bé ghẻ kềnh ghẻ càng, bụng ỏng. Anh chồng ngậm mối hận, ôm con về làng. Bố mẹ vợ đã chết theo nhau trong một trận dịch tả, nếu không họ sẽ khốn khổ với anh ta. Trong làng, chuyện đó thường xảy ra, cha mẹ vợ hứng chịu hậu quả mà người con gái lấy chồng gây ra. Người ta mặc, chẳng ai can. Từ đó anh Tuất đi làm thuê, làm canh điền, làm nhiều nghề linh tinh khác, nhưng không bao giờ giàu lên. Giàu hay nghèo có số, người ta nói, nhưng không ai ham làm giàu bằng anh Tuất. Anh nhìn thấy trong sự giàu có niềm kiêu hãnh với người vợ bội bạc, cách trả thù quân tử đối với cô ta. Chỉ có đứa con là lớn mau, tính nết điên điên khùng khùng. Có kẻ độc miệng nói rằng nó cũng chẳng phải con anh Tuất.
- Tôi có mỗi mình nó. - Ông nhiêu Tuất nói - Tính nó không được như người ta, có khi nó giận tôi thật, chả là tôi dặn cậu Mân nhắn nó cho tôi rằng chớ có tin con vợ đầm...
- Ông cứ đọc cho cháu viết.
- Tôi biết viết gì. Cậu viết thay tôi đi, nói tôi chầu này yếu lấm rồi, chân tay đã run, lại đau ở ngang thắt lưng, trước chỉ chục viên thuốc của bà Gái là dứt, nhưng bây giờ uống mãi rồi vẫn cứ ngâm ngẩm. Cậu nhắn anh ấy gửi cho tôi ít tiền để sửa nhà, cái nhà trước sau rồi cũng là của anh ấy, tôi chẳng ở được bao lâu nữa...
Ông nhiêu Tuất kể rất nhiều cho tôi nghe những điều ông muốn nói với người con trai ở tít tắp nơi nào và có lẽ đã quên mất người cha già yếu.
Tôi đã mất ba buổi chiều cặm cụi để viết cho xong bức thư. Trong thư tôi tả thêm thắt cảnh rách nát của ngôi nhà, những đóa tóc tiên màu hoa đào ở lối vào, cái ao nhỏ và những con cá rô hiếm hoi, cây khế trong vườn (nó đã già lắm, gốc nó xù xì to bằng người lực lưỡng) quả rụng đầy dưới chân, tôi nhắc anh về sâu bà Cơ (anh không thể không ăn sâu bà Cơ như bất kỳ ai trong làng đã có lúc là trẻ con) và lời hỏi thăm của bà (mà tôi bịa ra), tôi kể chuyện những con mọt nghiến gỗ đêm khi ông già thức giấc vì nhức nhối chân tay, chúng làm cho ông buồn nẫu ruột khi nghĩ đến con trai, nỗi lo lắng của ông không được gặp anh lần nữa. Ông nhiêu Tuất chảy nước mắt lặng lẽ khi nghe tôi đọc bức thư. Ông không trách tôi viết dài hơn những gì ông nhờ tôi. Cô Gái cũng được nghe bức thư. Bà xúc động ra mặt. Tôi nắn nót chép địa chỉ của con ông từ một phong bì Pháp. Ông run run dán bức thư tôi đưa.
- Cảm ơn cậu. - Ông nói, giọng đổi khác.
- Ông đưa ra trạm Thần Lộ mà gửi. Mua cái tem dán vào là anh ấy khắc nhận được. - cô Gái nói - Nhận được giấy của bố, thế nào anh ấy cũng giả nhời, máu đào đâu phải là nước lã.
- Có vậy - Ông Nhiêu Tuất gật đầu - Tôi đi ngay bây giờ.
Tôi đưa ông ra cổng. Ông đứng lại, móc túi lấy ra một đồng năm xu bằng kền, dúi vào tay tôi:
- Cậu cầm lấy mua sâu.
Tôi nhất định chối từ, nhưng ông cương quyết nhét sâu vào túi tôi:
- Cậu cầm lấy cho tôi bằng lòng.
Tôi dành nhận.
Sau đó là những ngày chờ đợi dài dằng dặc. Phải nói rằng tôi chờ bức thư trả lời của anh lính thợ nôn nóng chẳng kém gì ông nhiêu. Thậm chí, tôi tránh đến câu cá ở ao nhà ông. Tôi sợ nhìn thấy nỗi sốt ruột của ông.
Bác Hai Thực nói rằng chiến tranh ngày một lan rộng, hàng hóa của Pháp cũng còn không gửi sang Đông Dương được nữa, nói gì thư. Bác biết được những tin tức đó qua tờ Đông Pháp. Tôi biết được nhờ nghe lỏm chuyện của bác. ở trường học, thày giáo treo trên tường ảnh một ông già Pháp với bộ ria mép rậm trên khuôn mặt béo tốt. Thày kẻ lên tường những chữ in bằng mực tàu "Cần lao - Gia đình - Tổ quốc, Dưới bức ảnh có in chữ đề "Thống chế Pétain". Từ trên huyện, người ta gửi về những bức tranh cổ động gồm các tranh nhỏ đủ cho một truyện "Đại úy Đỗ Hữu Vị", "Hai Bà Trưng". Đại úy Đỗ Hữu Vị là người Việt Nam đăng lính Pháp, lái máy bay đánh nhau với Đức, chết cho mẫu quốc. Bà Trưng "quê ở châu Phong, giận người Tô Định thù chồng chẳng quên" đánh nhau với quân Tàu, chết cho nước Việt. Có lẽ vì sự gắn bó của hai nước mà người ta in những bức tranh ấy. Tôi hiểu: người ta nói dối. Bố mẹ tôi sẽ nói khác về chuyện này.
Ông nhiêu Tuất héo hắt đi trông thấy. Bác Hai Thực nghe ai nói kể rằng ông hầu như chẳng mấy khi ăn cơm. ăn cơm thì phải thổi, mà trên mái nhà ông không có khói. Hình như thỉnh thoảng ông mới nấu nướng một lần. Hình như ông không còn tiền đong gạo. Hình như ông chỉ ăn sung xanh và thỉnh thoảng một bữa tróc giong. Cô Gái sai tôi mang sang nhà ông một rá gạo. Ông nhận và cảm ơn, nhưng không thấy sang chơi. Phải đến bốn tháng sau đó ông phu trạm Thần Lộ mới mang tới cho ông nhiêu Tuất bức thư mong đợi. Kèm theo là một ngân phiếu hai chục đồng, một số tiền khá lớn đối với túi tiền của người nhà quê. Ông nhiêu Tuất chống gậy đi khắp làng để khoe lá thư. Ông cúng vào nhà xứ năm đồng để mua nến. Có dễ ông muốn chuộc lỗi với Chúa mà ông dám oán trách hoặc tệ hơn, dám nguyền rủa. Đó là tôi nghĩ vậy. Người làng khen ông sốt sắng sự đạo. Cô Gái lại càng khen.
Tất nhiên, tôi phải là người được đọc lá thư đầu tiên. Bức thư dài bốn trang, trong đó người con trai kể lể nỗi niềm thương nhớ đói với cha. Tôi đồ rằng anh ta cũng nhờ ai viết hộ. Nét chữ trong thư quá đẹp đối với một người lính thợ Kèm theo thư là một bưu ảnh in hình một nhà thờ đồ sộ và cổ kính với đám đông đi lại tấp nập trên quảng trường trước mặt, chắc hẳn trong ngày lễ trọng.
Tôi thầm ghen với con trai ông nhiêu Tuất. Hẳn anh đã tới đây đã đi lại trước nhà thờ này, giữa những người xa lạ kia. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã thú vị biết bao nhiêu. Tôi còn đến xem bức bưu ảnh nhiều lần, nó được đặt trên bàn thờ nhà ông nhiêu Tuất, và trong tôi bắt đầu nỗi nhớ mơ hồ những phương xa tôi chưa từng gặp, những vùng đất tôi chưa từng đến, nơi cái gì cũng khác với quê tôi - từ ngọn cỏ, mặt trời hay ánh trăng khuya.
Về sau này tôi mới biết đó là nhà thờ Đức Bà ở Pa-ri.
Cả thế giới biết đến nhà thờ này, không phải vì nó to hơn hay đẹp hơn các nhà thờ khác, không phải vì nơi đây đã xảy ra một sự kiện lịch sử lớn lao nào, mà đơn giản chỉ vì Vích-to Huy-gô đã nói đến nó, đã chọn nó làm tụ điểm cho cuộc gặp gỡ bi kịch của những nhân vật Huy-gô.
Sự biết ơn của ông nhiêu Tuất làm phiền tôi. Ông khoe với cả làng về tác dụng bức thư tôi viết. Thế là những người đàn bà có chồng làm ăn trên tỉnh hay ở mạn ngược liền chạy đến với tôi. Ông nhiêu nghĩ rằng họ sẽ biết cảm ơn tôi như ông đã cảm ơn tôi mỗi lần họ nhờ tôi viết. Nhưng dù cho họ có rộng rãi trả tôi cả một hào tôi cũng chẳng bao giờ viết được cho họ một bức thư như tôi đã viết cho ông.