XXI
Tác giả: Vũ Thư Hiên
Không hiểu cái số tôi nó ra làm sao, mà hễ tôi rơi vào tay ai thì y như rằng người đó ngứa ngáy, muốn túm chặt tôi để nhào nặn lại theo ý họ.
Cô Gái là người đầu tiên thực hiện ý muốn đó mạnh mẽ hơn cả. Bà ra sức nặn tôi từ một tên nhóc vô thần thành một con chiên ngoan. Có thể nghĩ rằng vì yêu tôi nên bà mới khổ công làm việc đó. Khổ công, bởi tôi rất khó nặn. Tôi là cục đất sét tồi, vừa nặn xong tay là nó biến dạng. Nhưng cũng có thể nghĩ rằng bà làm thế là do bản năng của kẻ cuồng tín, bản năng này bộc lộ trong khát vọng tròng vào cổ đồng loại niềm tin của họ, bắt đồng loại tin cái mà họ tin, sùng bái cái mà họ sùng bái. Kẻ cuồng tín không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của những tư tưởng ngoài tín điều của họ, họ nổi xung khi nghe một ý kiến chống, họ tàn nhẫn đè bẹp kẻ nghĩ khác họ. Cũng có thể trong cô tôi có cả hai thứ nói trên lẫn lộn với nhau, có điều bà đã thất bại trong ý muốn của bà, còn tôi thì cũng chẳng giành được thắng lợi đầy đủ - dấu ấn của một cái gì đó, nhang nhác của cô tôi, còn lại rất sâu trong tôi. Tôi cũng tin ở tình yêu có gốc gác từ thói quen. Tôi không tin cô Gái yêu tôi ngay khi tôi từ thành phố trở về quê nội, tôi đã nói như vậy, và điều đó là sự thật. Nhưng ba năm sống với nhau, trong ngôi nhà một cô một cháu, bà đã quen với tôi đến nỗi bất thình lình phải chia tay với tôi, bà òa khóc. Tôi cũng chảy nước mắt, thút thít như khi tôi tủi thân; tôi cảm thấy thiếu bà. Cảm giác thiếu vắng ùa vào trong tôi, làm cho tôi cảm thấy vô cùng trống trải, mặc dầu bên cạnh tôi có bố, có mẹ, có các em.
Những ngày đầu tiên trở về nhà mình, trở về thành phố, tôi cứ bâng khuâng như thể trong tôi có cái gì không ổn.
Mẹ tôi ngạc nhiên:
- Con nhớ cô Gái à?
Tôi đáp vâng, nhưng tôi biết rằng không phải. Tôi nhớ một cái gì đó lớn hơn.
Hà nội dường như đổi khác. Những người phu nhà rượu (công nhân nhà máy rượu) có vẻ gầy yếu đi, nhếch nhác thêm. Những chiếc xe nhà binh chở lính Nhật phóng nhanh trên đường, tung bụi vào các nhà cùng với giọng hát ông ổng. ở phố tôi xuất hiện mấy gia đình Nhật, người ta nói rằng đó là những người Nhật làm thư ký cho mấy hãng buôn ở Đông Kinh sang. Khi những sĩ quan Nhật, kiếm dài chịu bên hông đi ngang, lũ trẻ phố tôi chạy theo, chìa tay nhao nhao xin thuốc lá:
-Ta-ba-cô! Ta-ba-cô.
Các sĩ quan Nhật không cho trẻ con thuốc lá mà cho những cuốn sách tranh mỏng, in hình núi Phú sĩ và phong cảnh Phù Tang. Họ dạy trẻ con cảm ơn:
- A-ri-ga-tô gô-da-i-ma-sừ-cạ!
Ba năm liền ở với cô Gái đã biến tôi thành một đứa trẻ nhà quê hoàn toàn. Tôi cảm thấy Hà nội xa lạ. Hà nội lạnh nhạt đối với tôi. So với người làng tôi, người Hà nội lúc nào cũng tất bật, cũng hối hả, mặt người nào người nấy ngơ ngác, hớt hải.
Mẹ tôi thuê xe đưa tôi lên phố Hàng Bài, vào hiệu giày quen, mua cho tôi đôi dép. Bác phu xe già vừa húng hắng ho vào lòng bàn tay vừa kéo rất chậm. Đôi chân gầy guộc thò ra ngoài hai ống quần cụt dài quá đầu gối trong khung càng xe thấp thoáng tới lui như chạy tại chỗ. Ông chủ hiệu giày xỏ vào đôi chân đen đủi của tôi đôi dép thơm nức mùi da thuộc. Đôi dép ấy, tôi đánh mất luôn trong hôm sau khi đi chơi cùng các bạn ra nhặt đá phấn ở bến Phà Đen. Tôi tháo dép ra chạy bộ - đôi dép thành phố đã kịp làm chân tôi phồng lên ở vài chỗ. Mẹ tôi tiếc của, nhưng không đánh tôi mà chỉ thở dài:
Khốn khổ, thằng bé bây giờ quen đi đất mất rồi.
Chỉ đến tối, trước khi vào màn tôi mới chịu rửa chân để xỏ vào đôi guốc mộc. Mẹ tôi than phiền da tôi đen nhẻm, tóc tôi cứng như rễ tre. Trước khi đi ngủ chị Tường rủ tôi đọc kinh cùng với chị. Mẹ tôi nhìn tôi, thở dài.
Chủ nhật, tôi đi lễ sớm cùng với chị Tường ở nhà thờ Hàm Long. Quỳ gối trước bàn thờ Chúa trong ánh sáng điện rực rỡ, tôi nghe tiếng chuông gióng giả mà nhớ về cái gác chuông nhà thờ quê tôi. Tôi thấy gác chuông nhà thờ làng tôi đẹp hơn nhiều, đồ sộ hơn nhiều, uy nghi hơn nhiều. Nó hơn hẳn cả về dàn chuông so với nhà thờ này, là nhà thờ tỉnh.
Trước mắt tôi hiện lên gác chuông nhà thân thuộc của làng tôi. Từ xa đã có thể thấy nó sừng sững in những nét như cắt trên nền trời bên trên màu xanh đậm của những lũy tre. Trên nóc gác chuông, ngay dưới chân thánh giá là một tổ quạ. Mỗi lần những cái chuông gióng giả kêu lên là đôi vợ chồng quạ bực tức quạt cánh bay lên cao tìm chỗ đỗ, đợi cho đến tiếng chuông dứt mới bay về. Lũ trẻ chúng tôi thường leo lên gác chuông, nằm lăn ra trên sàn gỗ sạch sẽ của nó mà ngủ trong gió lộng. Khi ông bõ mù lần từng bước lên tới tầng thứ hai của gác chuông, nơi lủng lẳng sợi chão kéo, chúng tôi ùa dậy kéo giúp bõ. Chúng tôi đeo vào dây chuông, lủng lẳng như một chùm quả. Sợi dây hạ xuống rồi dâng lên vài lần thì lưỡi của quả chuông lớn nhất mới đụng được vào thành chuông gây nên một tiếng dài và nhẹ của đồng thau. Sau đó đến lượt những quả chuông nhỏ kê u lên yếu ớt, rồi gần như cùng một lúc cả đàn chuông thức giấc. Chúng bắt đầu ca hát, giọng chung mỗi lúc một lớn, một hay. Tôi đánh đu trên sợi chão mềm, say sưa với hòa âm vang dội của đàn chuông, mắt ngước lên không rời những quả chuông đung đưa nhẹ nhàng, mỗi lúc mỗi nhanh thêm. Rồi đến khi cả đàn chuông ca hết giọng thì những quả chuông vui mừng đu bổng lên, chúng như muốn bứt ra khỏi giá treo để bay theo tiếng của chính mình.
Chúng tôi không bao giờ kéo chuông chầu. Vào giờ đó mọi gia đình đang ăn hoặc vừa ăn xong bữa tối. Bõ phải kéo một mình. Ông đã già lắm, lại hay ốm vặt. Bõ phải đánh vật với sợi dây chão hồi lâu, chuông cái mới kêu: chuông con còn phải sau một lúc. Hồi chuông uể oải, ném những tiếng ngân run rẩy, dài và yếu, vào không gian màu tím, vào bóng tối từ đàng tây đang lê lết vạt áo đen của nó trùm lên mặt đất.
Bố tôi trở về cũng khác lạ. Ông ít nói hẳn, trên trán xuất hiện những nét nhăn. Nhà tôi cũng vắng khách hơn hẳn những năm xưa. Ông hỏi tôi chuyện nhà quê, nghe tôi nói mắt bố tôi trong phúc chốc trở nên ướt, ông nói:
- Thế đấy, con ạ, cái nghèo làm cho người ta thành tàn nhẫn đối với nhau. Con đã về quê nhà mình rồi, con đã thấy Mà làng mình không phải làng nghèo.
- Cô Gái không nghèo đâu bố ạ.
- Nhưng cô lúc nào cũng sợ trở thành nghèo. Mọi người đều sợ như cô : sau một vụ cháy là trắng tay, thêm một năm mất mùa nữa là đói. Con có nhìn thấy đám cháy nào chưa?
Tôi đã nhìn thấy. ở quê tôi, cháy nhà là chuyện thường. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng bớ làng nước, cháy, cháy, tiếng trống ngũ liên thúc ầm ầm. Khói đặc bốc lên cuồn cuộn, có khi nhìn thấy cả lưỡi lửa liếm lên trời. Sau đám cháy, chỉ còn những nền nhà đỏ cạch, những đống than âm ỉ, và những người mất hồn lang thang trên nền nhà của mình tìm kiếm cái gì đó không ai biết.
Tôi nghe thấy tiếng trống thúc thuế ngày và đêm không lúc nào dứt, tiếng trống gọi dân đinh đi hộ đê, phòng lụt, tiếng bớ làng đuổi cướp.
- Người dân quê, con ạ, chỉ nhìn thấy cái đói, cái nghèo ở đàng trước. Họ không dám chờ đợi cái may mắn, bởi vì nó hiếm hoi như số độc đắc. Làng ta sắp gặt chưa?
- Sắp bố ạ.
- Lạy trời cho được mùa.
Bố tôi thường nói lạy trời khi biểu lộ điều rất mong muốn, mặc dầu ông không tin cả Chúa Giê-su lẫn Phật Thích Ca.
Khi mẹ tôi về làng đón tôi, cô Gái đang mài dao chẻ lạt. Khắp làng, người ta hối hả đánh trấu cho liềm, bện chão đập lúa, giặt nong nia, phơi cót. Mùa gặt sẽ vui lắm đây Khắp cánh đồng sẽ vang lên những câu hát ví, những tràng cười ròn rã của các cô thợ gặt và những chiếc đòn xóc sẽ cho những ôm lúa chín vàng ruộm nhảy nhót trên đường làng, hào phóng rắc xuống những hạt mảy chịu nặng không còn bám nổi vào bông cho lũ gà đói ăn những ngày giáp hạt được ăn giả bữa đến căng diều. Trăng sẽ soi sáng mọi sân trong những đêm đập lúa. Thóc bắn ra rào rào từ cái cối đá lỗ úp sấp, mỗi lúc một phủ kín thêm cái sân sạch bong làm vàng thêm màu của trăng. Trăng sẽ soi bóng trong mỗi bát chè tươi nghi ngút khói như một vầng trăng khác hẳn, chỉ có trong cổ tích. Nếu còn ở nhà tôi sẽ được kéo đá lăn cùng với anh Cu Nhớn và chị Phương, chị Liễu, lúc nào mệt thì cứ việc nằm lăn ra trên nệm lúa đang trở thành rơm tươi ngát. Sau đó thể nào chúng tôi cũng bị rặm chúng tôi gãi lung tung, gãi đến sướt da rồi nhảy tùm xuống ao khi trời đã khuya để tận hưởng cái mát lạnh của nó.
Có ai, trong vụ mùa này sẽ cảm thấy thiếu vắng tôi? Buổi tối, Hà nội trở nên ảm đạm bởi ánh điện phòng thủ. Đèn phòng thủ là đèn trong chao nhỏ, tỏa một vòng sáng yếu ớt xuống mặt đường. Lũ châu chấu ngoại thành bay vào, xà xuống vòng tròn đó và bị người phố tôi ra vồ bắt, ngắt cổ vặt cánh bỏ vào chảo rang. Châu chấu rang ăn bùi, người phố tôi gọi nó là món tôm bay. Năm đó, tôi ăn châu chấu lần đầu. Mấy năm trước tôi không thấy người phố tôi bắt cào cào và châu chấu để rang lên làm thức ăn. Bữa cơm nhà tôi thêm một món mới nữa, ngoài châu chấu rang, là món rau muống sống chấm bỗng rượu mắm tôm. Bỗng rượu là bã thải của nhà máy rượu, một thứ bùn chua chua nồng nồng chảy theo đường ống từ trong nhà máy chảy ra, đổ vào các xe bò có quây nứa đan. Người ta chở bỗng rượu ra ngoại thành để bán cho các nhà nuôi lợn. Tôi ăn rau muống chấm bỗng rượu và nhớ tới chị Liễu ăn cháo cám.
Mẹ tôi nấu cháo chim bồ câu và bưng vào buồng cho bác Cả. Bác gầy và xanh sau cuộc vượt ngục vất vả từ Sơn La về. Căn buồng dành cho bác chỉ có bố mẹ tôi và chị Tường bước vào. Trong đó còn có một máy thu thanh với một cái mắt thần xanh biếc rất đẹp. Đêm đêm tiếng máy thì thào vẳng vào trong giấc ngủ của tôi.
Bố tôi gày đi. Ông vắng nhà nhiều hơn. Mẹ tôi cũng đi nhiều, phó mặc chúng tôi cho chị Tường. Những người bạn bố mẹ tôi chỉ đi thoáng qua, dưới những bộ dạng khác, khi là nhà sư đi khuyên giáo, khi là ông lang được mời tới thăm bệnh. Mọi người đều có vẻ bận rộn, hối hả.
ở trường học, trong các lớp vẫn còn treo ảnh thống chế Pê-tanh. Chúng tôi được phát không những cuốn sách "Thống chế Pê-tanh đã dạy", giấy trắng tinh in rất đẹp. Người Nhật ở phố tôi cho chúng tôi những cuốn sách học vỡ lòng tiếng Nhật bằng chữ la-tinh. Bên cạnh những câu "Cần lao - Gia đình - Tổ quốc" được kẻ la liệt trên tường xuất hiện những khẩu hiệu "á Châu của người Châu á", "Khối Đại Đông á vạn tuế. Học sinh hát "Mà-rề-san, nụ voa-là..? ở trường ở nhà tập hát bài vỡ lòng tiếng Nhật "à ư ế ô... Ná ni nữ nê nổ...". Nhiều người bán hàng ở chợ biết cảm ơn theo cách Nhật "A-ri-ga-tô-gô-da-i-ma-xư. Thanh niên huýt sáo vang đường "Bài ca á-tế-á".
Bố mẹ tôi tủm tỉm cười nhìn những hiện tượng ấy và tất tả đi làm công việc của mình.
Bác Cả đã bình phục. Bố mẹ tôi sắm cho bác áo the thâm, quần trúc bâu trắng, Ô lục soạn, giày Gia Định. Mặc vào bác trở thành một ông lý ra tỉnh. Chúng tôi được dặn phải gọi bác bằng bác Cả Hà Đông. Bác Cả Hà Đông đi đứng lù đù, ăn nói từ tốn, ra đường vài ngày rồi biến mất, thỉnh thoảng mới quay lại.
Chị Liễu ở nhà quê lên, mang theo quà của cô Gái. Bà dạo này yếu, ngại đi xa, ngại tàu xe. Nhưng cái chính là bà phải ở lại giữ nhà. Chung quanh làng tôi luôn xảy ra những đám cướp lớn, trong làng cũng đã có hai nhà giàu bị cướp. Cướp giả làm người đi đong thóc, vào đến tận nhà mới chịt cổ chủ khảo của, khi ra chúng lấy lưỡi giáo búp đa cắm vào sào gẩy rơm, bật hồng đi đàng hoàng qua các xóm mà không ai dám đuổi.
ở Hà nội lan tràn tin đồn về vụ quân Nhật chặt tay những tên ăn cắp, mổ bụng những con ngựa chết vì ăn phải cám trộn mùn cưa và nhét kẻ bán cám giả vào trong đem chôn. Người Pháp ít khi ra đường. Họ đi len lét, mắt nhìn xuống đất. ở các ngã tư, lính Nhật đứng lửng lơ, không gác mà cũng không ra không gác. Người ta nói đó là chúng đứng canh chừng để giữ trật tự. Lính Nhật tập ném lựa đạn ở những khúc hè rộng và vắng. Khi tập đâm lê, chúng hò hét om xòm. Tiếng hô từ cổ họng nghe hoang dã, rùng rợn. Một cách mơ hồ, tôi cảm thấy thời gian đang đi những bước gấp. Những sự kiện xảy ra trong thế giới người lớn cũng dồn dập, tôi biết được qua những câu chuyện của người lớn.
Bố tôi mang về một bản đồ thế giới. Tối tối bác Cả cùng bố mẹ tôi cúi xuống tấm bản đồ ấy, chăm chú dò tìm trên những đường nét ngoằn ngoèo của nó diễn biến chiến sự ở những phương trời xa, như thể việc xảy ra trên đất nước mình.
Một buổi sáng, bố tôi viết mấy chữ rất nhỏ vào một mảnh giấy cũng rất nhỏ rồi vo viên lại, nhét vào một đầu bánh mì rồi đưa cho tôi:
- Con biết nhà bác Ba chứ?
- Con đến một lần với bố rồi.
- Con nhớ đường không?
- Con nhớ.
Con cầm cái bánh mì vừa đi vừa ăn sao cho đến nhà bác thì còn lại mẩu này, đưa cho bác. Đây là việc quan trọng, con hiểu không?
- Con hiểu.
Nếu đến nhà bác mà thấy trong nhà có mật thám đến bắt bác thì con làm thế nào?
- Con sẽ nhai miếng bánh và nuốt đi.
Bố tôi xoa đầu tôi:
- Thế thì được. Con đi ngay đi.
Tôi hiểu đó là việc gấp. Trước đó mười phút có một người tới tìm bố tôi, đưa cho bố tôi vật gì đó rồi đi ngay. Tôi vào trong nhà lấy cái khăng ra. Vừa đi vừa đánh khăng là cách che mắt bọn mật thám tốt nhất. Thế là cái khăng lăn trước, tôi chạy theo sau, vừa chạy vừa ăn bánh mì. Hồi ấy người ta bán loại bánh mì dài bằng cái thước kẻ, tròn bằng cái độn tóc của các bà. Chiến tranh, bánh mì làm bằng bột gạo nhưng cũng ròn và thơm. Tôi thích ăn thứ bánh mì này, nó phảng phất hương vị sâu bà Cơ.
Tôi rất quí bác Ba. Ông là một người cao lớn, lộc ngộc, cử chỉ vụng về, nhưng rất vui tính. Có thời gian ông đã ở nhà tôi. Ông chơi đùa với chúng tôi thoải mái ngang hàng, hệt như một đứa trẻ con to xác. Ông không biết cách gọt cam hay gọt khoai như cách chúng tôi gọt mà gọt ngược lại, tờ nhìn trái và từ ngoài vào trong. Mẹ tôi thì thầm với tôi rằng bác Ba quen gọt như thế bởi vì bác ở bên Tây quá lâu
- Người Tây họ cũng gọt như vậy hả mẹ?
- Họ gọt vậy.
- Thế là gọt ngược, mẹ nhỉ?
- Nếu họ thấy mình gọt, họ cũng bảo là mình gọt ngược.
- Ngược là ngược mà xuôi là xuôi chứ.
- Bao giờ con lớn lên, con sẽ hiểu được rằng không phải tất cả mọi người đều giống nhau, con sẽ phải công nhận cái mình cho là ngược có khi lại là xuôi đối với người khác
Không thể nói chuyện với người lớn. Khi nào người không trả lời được thì thế nào họ cũng hứa sẽ cho mình hiểu khi nào mình lớn lên. Mà trẻ con thì cảm thấy mình lớn lên rất chậm.
Mải suy nghĩ, tôi không nhìn thấy một thằng bé, lớn hơn tôi một đầu, chặn ngang đường. Tôi nhận ra nó. Thằng này cầm đầu lũ trẻ con Thọ Lão, thường phá đám chúng tôi khi chúng tôi chơi ở quanh chùa Hai Bà. Nó con nhà nghèo, cấc lấc và hung tợn. Trông thấy lũ trẻ Thọ Lão, chúng tôi tránh từ xa. Nhưng lần này tôi nhìn thấy nó thì đã muộn.
Hai chân dạng, tay chống nạnh khuỳnh khuỳnh, nó hất hàm:
- Ê, thằng kia, đi đâu?
Tôi nhũn nhặn tránh nó, lạng qua một bên để đuổi theo cái khăng đã hết đà lăn chiêng bên gốc cây. Nhưng nó đã dịch sang, chặn tôi lại.
Tôi nhìn vào mặt nó, nặn ra một nụ cười.
- Tránh cho người ta đi nào - tôi nói.
- Nộp mãi lộ rồi cho đi. - nó nói.
Thằng này sẽ không tha mình đâu, tôi nghĩ. Mẹ tôi dạy: Không được sợ bất cứ cái gì, không được sợ bất cứ kẻ nào. sợ tức là thua ngay từ đầu, con sẽ không làm nổi việc gì hết".
- Mãi lộ cái gì, tránh ra!
Tiếng quát tự nó bật ra, không phải tôi cố ý.
Thằng bé quắc mắt lên. Nó lao luôn vào tôi. Tôi ngã ngửa. Nó chồm tới, giật ngay cái bánh.
Tôi hét lên, nhào tới giật lại. Nó giữ cái bánh rất chặt.
Tôi ghé luôn miệng, cắn cho nó một cái thật đau vào tay.
Nó hét lên vì đau, buông rơi miếng bánh mì xuống đất. Tôi vồ lấy, khư khư giữ chặt.
Cái cắn vào tay làm cho thằng bé điên cuồng. Nó lại xông tới, đấm thẳng vào mặt tôi. Trời đất tối xầm lại nhưng tôi vẫn giữ chắc mẩu bánh mì.
Đúng lúc đó, những người lớn đi qua chạy tới, can hai đứa chúng tôi ra. Mặt nó đỏ gay, miệng thở hổn hển. Tôi loạng choạng nhặt lấy cái khăng đi tiếp. Đuổi theo sau tôi là tiếng chửi rủa tục tằn và lời hứa sẽ trả hận.
Bác Ba mở cửa khi nghe tôi gọi. Ông ngạc nhiên nhìn bộ mặt nhem nhuốc, thâm tím của tôi, rồi cuống quít lôi tôi vào nhà lấy cồn rửa vết thương cho tôi. Tôi không chịu, đưa ngay cho ông mẩu bánh mì và nói cho ông biết bố tôi bảo ông phải đọc ngay.
May, tôi biết làm thế nào nếu không giật lại được cái bánh, nếu cái thằng kia trời đánh kia lại ngoạm mất mẩu đầu có viên giấy bố tôi nhét vào? Bác Ba đọc xong, bình thản châm diêm đốt mẩu giấy rồi lấy khăn lau mặt cho tôi. Sau đó ông dắt tôi ra ngoài cửa, hai bác cháu đi bộ một quãng. Ông gọi xe tay đi Khâm Thiên. Tôi đi bộ về nhà. Bố tôi đợi tôi. Nhìn thấy tôi, bố tôi còn sửng sốt hơn bác Ba. Nghe tôi kể chuyện xong, bố lấy cồn rửa vết thương ở đầu cho tôi, bôi thuốc và thay quần áo cho tôi. Ông lặng lẽ làm những việc đó, không nói với tôi một câu.
Tôi đọc thấy trong mắt bố nỗi buồn nhưng không hiểu vì sao bố buồn, vì tôi bị đánh đau, vì vết toạc trên đầu khi bị ngã máu rớt xuống áo mà tôi không biết, hay vì tôi không biết tự vệ cho xứng đáng. Tôi leo lên giường, ngủ thiếp.
Tôi nghe thấy tiếng của bác Cả lọt vào trong giấc ngủ của tôi:
- Nó còn nhỏ quá. không nên đưa nó vào những công việc người lớn.
Nó cũng không đến nỗi nhỏ quá đâu - bố tôi cãi - Tôi không muốn thế, nhưng nó phải bắt đầu đi thì vừa.
- Nhà em nói đúng đấy, anh ạ. - mẹ tôi nói chêm vào - ở đất nước ta, lũ trẻ không thể chờ tới lớn mới làm những việc mà ở nơi khác người lớn làm.
- Nhưng, dù sao thì cũng tội quá. - giọng bác Cả bùi ngùi - Tuổi chúng nó là tuổi ăn tuổi chơi.
Tôi nghe thấy tiếng bác Cả cười khe khẽ. Rồi tiếng bước chân của ba người rời giường tôi.
- Tin tức hôm nay thế nào, anh Cả? - tiếng mẹ tôi hỏi. Bọn Đức tiến chậm chạp. Hồng quân bắt đầu phản công trên một số mặt trận, còn bên này bọn Nhật đang lúng túng ở Trung Quốc... Anh bỏ bản đồ xuống đây.
Tôi biết, không cần mở mắt, là ba người lại chụm đầu trên tấm bản đồ thế giới, mấy ngón tay trỏ lại dò dẫm tìm những địa danh chiến sự mà các đài phát thanh Đồng Minh vừa thông báo ban đêm.
Tôi nằm nghe những tiếng thì thào của người lớn, chợt nhận ra rằng vận mệnh đất nước tôi và cái thế giới chằng chịt nhiều màu được vẽ trong bản đồ kia gắn bó với nhau thật là chặt chẽ.
______________________________________________
Hết
Không hiểu cái số tôi nó ra làm sao, mà hễ tôi rơi vào tay ai thì y như rằng người đó ngứa ngáy, muốn túm chặt tôi để nhào nặn lại theo ý họ.
Cô Gái là người đầu tiên thực hiện ý muốn đó mạnh mẽ hơn cả. Bà ra sức nặn tôi từ một tên nhóc vô thần thành một con chiên ngoan. Có thể nghĩ rằng vì yêu tôi nên bà mới khổ công làm việc đó. Khổ công, bởi tôi rất khó nặn. Tôi là cục đất sét tồi, vừa nặn xong tay là nó biến dạng. Nhưng cũng có thể nghĩ rằng bà làm thế là do bản năng của kẻ cuồng tín, bản năng này bộc lộ trong khát vọng tròng vào cổ đồng loại niềm tin của họ, bắt đồng loại tin cái mà họ tin, sùng bái cái mà họ sùng bái. Kẻ cuồng tín không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của những tư tưởng ngoài tín điều của họ, họ nổi xung khi nghe một ý kiến chống, họ tàn nhẫn đè bẹp kẻ nghĩ khác họ. Cũng có thể trong cô tôi có cả hai thứ nói trên lẫn lộn với nhau, có điều bà đã thất bại trong ý muốn của bà, còn tôi thì cũng chẳng giành được thắng lợi đầy đủ - dấu ấn của một cái gì đó, nhang nhác của cô tôi, còn lại rất sâu trong tôi. Tôi cũng tin ở tình yêu có gốc gác từ thói quen. Tôi không tin cô Gái yêu tôi ngay khi tôi từ thành phố trở về quê nội, tôi đã nói như vậy, và điều đó là sự thật. Nhưng ba năm sống với nhau, trong ngôi nhà một cô một cháu, bà đã quen với tôi đến nỗi bất thình lình phải chia tay với tôi, bà òa khóc. Tôi cũng chảy nước mắt, thút thít như khi tôi tủi thân; tôi cảm thấy thiếu bà. Cảm giác thiếu vắng ùa vào trong tôi, làm cho tôi cảm thấy vô cùng trống trải, mặc dầu bên cạnh tôi có bố, có mẹ, có các em.
Những ngày đầu tiên trở về nhà mình, trở về thành phố, tôi cứ bâng khuâng như thể trong tôi có cái gì không ổn.
Mẹ tôi ngạc nhiên:
- Con nhớ cô Gái à?
Tôi đáp vâng, nhưng tôi biết rằng không phải. Tôi nhớ một cái gì đó lớn hơn.
Hà nội dường như đổi khác. Những người phu nhà rượu (công nhân nhà máy rượu) có vẻ gầy yếu đi, nhếch nhác thêm. Những chiếc xe nhà binh chở lính Nhật phóng nhanh trên đường, tung bụi vào các nhà cùng với giọng hát ông ổng. ở phố tôi xuất hiện mấy gia đình Nhật, người ta nói rằng đó là những người Nhật làm thư ký cho mấy hãng buôn ở Đông Kinh sang. Khi những sĩ quan Nhật, kiếm dài chịu bên hông đi ngang, lũ trẻ phố tôi chạy theo, chìa tay nhao nhao xin thuốc lá:
-Ta-ba-cô! Ta-ba-cô.
Các sĩ quan Nhật không cho trẻ con thuốc lá mà cho những cuốn sách tranh mỏng, in hình núi Phú sĩ và phong cảnh Phù Tang. Họ dạy trẻ con cảm ơn:
- A-ri-ga-tô gô-da-i-ma-sừ-cạ!
Ba năm liền ở với cô Gái đã biến tôi thành một đứa trẻ nhà quê hoàn toàn. Tôi cảm thấy Hà nội xa lạ. Hà nội lạnh nhạt đối với tôi. So với người làng tôi, người Hà nội lúc nào cũng tất bật, cũng hối hả, mặt người nào người nấy ngơ ngác, hớt hải.
Mẹ tôi thuê xe đưa tôi lên phố Hàng Bài, vào hiệu giày quen, mua cho tôi đôi dép. Bác phu xe già vừa húng hắng ho vào lòng bàn tay vừa kéo rất chậm. Đôi chân gầy guộc thò ra ngoài hai ống quần cụt dài quá đầu gối trong khung càng xe thấp thoáng tới lui như chạy tại chỗ. Ông chủ hiệu giày xỏ vào đôi chân đen đủi của tôi đôi dép thơm nức mùi da thuộc. Đôi dép ấy, tôi đánh mất luôn trong hôm sau khi đi chơi cùng các bạn ra nhặt đá phấn ở bến Phà Đen. Tôi tháo dép ra chạy bộ - đôi dép thành phố đã kịp làm chân tôi phồng lên ở vài chỗ. Mẹ tôi tiếc của, nhưng không đánh tôi mà chỉ thở dài:
Khốn khổ, thằng bé bây giờ quen đi đất mất rồi.
Chỉ đến tối, trước khi vào màn tôi mới chịu rửa chân để xỏ vào đôi guốc mộc. Mẹ tôi than phiền da tôi đen nhẻm, tóc tôi cứng như rễ tre. Trước khi đi ngủ chị Tường rủ tôi đọc kinh cùng với chị. Mẹ tôi nhìn tôi, thở dài.
Chủ nhật, tôi đi lễ sớm cùng với chị Tường ở nhà thờ Hàm Long. Quỳ gối trước bàn thờ Chúa trong ánh sáng điện rực rỡ, tôi nghe tiếng chuông gióng giả mà nhớ về cái gác chuông nhà thờ quê tôi. Tôi thấy gác chuông nhà thờ làng tôi đẹp hơn nhiều, đồ sộ hơn nhiều, uy nghi hơn nhiều. Nó hơn hẳn cả về dàn chuông so với nhà thờ này, là nhà thờ tỉnh.
Trước mắt tôi hiện lên gác chuông nhà thân thuộc của làng tôi. Từ xa đã có thể thấy nó sừng sững in những nét như cắt trên nền trời bên trên màu xanh đậm của những lũy tre. Trên nóc gác chuông, ngay dưới chân thánh giá là một tổ quạ. Mỗi lần những cái chuông gióng giả kêu lên là đôi vợ chồng quạ bực tức quạt cánh bay lên cao tìm chỗ đỗ, đợi cho đến tiếng chuông dứt mới bay về. Lũ trẻ chúng tôi thường leo lên gác chuông, nằm lăn ra trên sàn gỗ sạch sẽ của nó mà ngủ trong gió lộng. Khi ông bõ mù lần từng bước lên tới tầng thứ hai của gác chuông, nơi lủng lẳng sợi chão kéo, chúng tôi ùa dậy kéo giúp bõ. Chúng tôi đeo vào dây chuông, lủng lẳng như một chùm quả. Sợi dây hạ xuống rồi dâng lên vài lần thì lưỡi của quả chuông lớn nhất mới đụng được vào thành chuông gây nên một tiếng dài và nhẹ của đồng thau. Sau đó đến lượt những quả chuông nhỏ kê u lên yếu ớt, rồi gần như cùng một lúc cả đàn chuông thức giấc. Chúng bắt đầu ca hát, giọng chung mỗi lúc một lớn, một hay. Tôi đánh đu trên sợi chão mềm, say sưa với hòa âm vang dội của đàn chuông, mắt ngước lên không rời những quả chuông đung đưa nhẹ nhàng, mỗi lúc mỗi nhanh thêm. Rồi đến khi cả đàn chuông ca hết giọng thì những quả chuông vui mừng đu bổng lên, chúng như muốn bứt ra khỏi giá treo để bay theo tiếng của chính mình.
Chúng tôi không bao giờ kéo chuông chầu. Vào giờ đó mọi gia đình đang ăn hoặc vừa ăn xong bữa tối. Bõ phải kéo một mình. Ông đã già lắm, lại hay ốm vặt. Bõ phải đánh vật với sợi dây chão hồi lâu, chuông cái mới kêu: chuông con còn phải sau một lúc. Hồi chuông uể oải, ném những tiếng ngân run rẩy, dài và yếu, vào không gian màu tím, vào bóng tối từ đàng tây đang lê lết vạt áo đen của nó trùm lên mặt đất.
Bố tôi trở về cũng khác lạ. Ông ít nói hẳn, trên trán xuất hiện những nét nhăn. Nhà tôi cũng vắng khách hơn hẳn những năm xưa. Ông hỏi tôi chuyện nhà quê, nghe tôi nói mắt bố tôi trong phúc chốc trở nên ướt, ông nói:
- Thế đấy, con ạ, cái nghèo làm cho người ta thành tàn nhẫn đối với nhau. Con đã về quê nhà mình rồi, con đã thấy Mà làng mình không phải làng nghèo.
- Cô Gái không nghèo đâu bố ạ.
- Nhưng cô lúc nào cũng sợ trở thành nghèo. Mọi người đều sợ như cô : sau một vụ cháy là trắng tay, thêm một năm mất mùa nữa là đói. Con có nhìn thấy đám cháy nào chưa?
Tôi đã nhìn thấy. ở quê tôi, cháy nhà là chuyện thường. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng bớ làng nước, cháy, cháy, tiếng trống ngũ liên thúc ầm ầm. Khói đặc bốc lên cuồn cuộn, có khi nhìn thấy cả lưỡi lửa liếm lên trời. Sau đám cháy, chỉ còn những nền nhà đỏ cạch, những đống than âm ỉ, và những người mất hồn lang thang trên nền nhà của mình tìm kiếm cái gì đó không ai biết.
Tôi nghe thấy tiếng trống thúc thuế ngày và đêm không lúc nào dứt, tiếng trống gọi dân đinh đi hộ đê, phòng lụt, tiếng bớ làng đuổi cướp.
- Người dân quê, con ạ, chỉ nhìn thấy cái đói, cái nghèo ở đàng trước. Họ không dám chờ đợi cái may mắn, bởi vì nó hiếm hoi như số độc đắc. Làng ta sắp gặt chưa?
- Sắp bố ạ.
- Lạy trời cho được mùa.
Bố tôi thường nói lạy trời khi biểu lộ điều rất mong muốn, mặc dầu ông không tin cả Chúa Giê-su lẫn Phật Thích Ca.
Khi mẹ tôi về làng đón tôi, cô Gái đang mài dao chẻ lạt. Khắp làng, người ta hối hả đánh trấu cho liềm, bện chão đập lúa, giặt nong nia, phơi cót. Mùa gặt sẽ vui lắm đây Khắp cánh đồng sẽ vang lên những câu hát ví, những tràng cười ròn rã của các cô thợ gặt và những chiếc đòn xóc sẽ cho những ôm lúa chín vàng ruộm nhảy nhót trên đường làng, hào phóng rắc xuống những hạt mảy chịu nặng không còn bám nổi vào bông cho lũ gà đói ăn những ngày giáp hạt được ăn giả bữa đến căng diều. Trăng sẽ soi sáng mọi sân trong những đêm đập lúa. Thóc bắn ra rào rào từ cái cối đá lỗ úp sấp, mỗi lúc một phủ kín thêm cái sân sạch bong làm vàng thêm màu của trăng. Trăng sẽ soi bóng trong mỗi bát chè tươi nghi ngút khói như một vầng trăng khác hẳn, chỉ có trong cổ tích. Nếu còn ở nhà tôi sẽ được kéo đá lăn cùng với anh Cu Nhớn và chị Phương, chị Liễu, lúc nào mệt thì cứ việc nằm lăn ra trên nệm lúa đang trở thành rơm tươi ngát. Sau đó thể nào chúng tôi cũng bị rặm chúng tôi gãi lung tung, gãi đến sướt da rồi nhảy tùm xuống ao khi trời đã khuya để tận hưởng cái mát lạnh của nó.
Có ai, trong vụ mùa này sẽ cảm thấy thiếu vắng tôi? Buổi tối, Hà nội trở nên ảm đạm bởi ánh điện phòng thủ. Đèn phòng thủ là đèn trong chao nhỏ, tỏa một vòng sáng yếu ớt xuống mặt đường. Lũ châu chấu ngoại thành bay vào, xà xuống vòng tròn đó và bị người phố tôi ra vồ bắt, ngắt cổ vặt cánh bỏ vào chảo rang. Châu chấu rang ăn bùi, người phố tôi gọi nó là món tôm bay. Năm đó, tôi ăn châu chấu lần đầu. Mấy năm trước tôi không thấy người phố tôi bắt cào cào và châu chấu để rang lên làm thức ăn. Bữa cơm nhà tôi thêm một món mới nữa, ngoài châu chấu rang, là món rau muống sống chấm bỗng rượu mắm tôm. Bỗng rượu là bã thải của nhà máy rượu, một thứ bùn chua chua nồng nồng chảy theo đường ống từ trong nhà máy chảy ra, đổ vào các xe bò có quây nứa đan. Người ta chở bỗng rượu ra ngoại thành để bán cho các nhà nuôi lợn. Tôi ăn rau muống chấm bỗng rượu và nhớ tới chị Liễu ăn cháo cám.
Mẹ tôi nấu cháo chim bồ câu và bưng vào buồng cho bác Cả. Bác gầy và xanh sau cuộc vượt ngục vất vả từ Sơn La về. Căn buồng dành cho bác chỉ có bố mẹ tôi và chị Tường bước vào. Trong đó còn có một máy thu thanh với một cái mắt thần xanh biếc rất đẹp. Đêm đêm tiếng máy thì thào vẳng vào trong giấc ngủ của tôi.
Bố tôi gày đi. Ông vắng nhà nhiều hơn. Mẹ tôi cũng đi nhiều, phó mặc chúng tôi cho chị Tường. Những người bạn bố mẹ tôi chỉ đi thoáng qua, dưới những bộ dạng khác, khi là nhà sư đi khuyên giáo, khi là ông lang được mời tới thăm bệnh. Mọi người đều có vẻ bận rộn, hối hả.
ở trường học, trong các lớp vẫn còn treo ảnh thống chế Pê-tanh. Chúng tôi được phát không những cuốn sách "Thống chế Pê-tanh đã dạy", giấy trắng tinh in rất đẹp. Người Nhật ở phố tôi cho chúng tôi những cuốn sách học vỡ lòng tiếng Nhật bằng chữ la-tinh. Bên cạnh những câu "Cần lao - Gia đình - Tổ quốc" được kẻ la liệt trên tường xuất hiện những khẩu hiệu "á Châu của người Châu á", "Khối Đại Đông á vạn tuế. Học sinh hát "Mà-rề-san, nụ voa-là..? ở trường ở nhà tập hát bài vỡ lòng tiếng Nhật "à ư ế ô... Ná ni nữ nê nổ...". Nhiều người bán hàng ở chợ biết cảm ơn theo cách Nhật "A-ri-ga-tô-gô-da-i-ma-xư. Thanh niên huýt sáo vang đường "Bài ca á-tế-á".
Bố mẹ tôi tủm tỉm cười nhìn những hiện tượng ấy và tất tả đi làm công việc của mình.
Bác Cả đã bình phục. Bố mẹ tôi sắm cho bác áo the thâm, quần trúc bâu trắng, Ô lục soạn, giày Gia Định. Mặc vào bác trở thành một ông lý ra tỉnh. Chúng tôi được dặn phải gọi bác bằng bác Cả Hà Đông. Bác Cả Hà Đông đi đứng lù đù, ăn nói từ tốn, ra đường vài ngày rồi biến mất, thỉnh thoảng mới quay lại.
Chị Liễu ở nhà quê lên, mang theo quà của cô Gái. Bà dạo này yếu, ngại đi xa, ngại tàu xe. Nhưng cái chính là bà phải ở lại giữ nhà. Chung quanh làng tôi luôn xảy ra những đám cướp lớn, trong làng cũng đã có hai nhà giàu bị cướp. Cướp giả làm người đi đong thóc, vào đến tận nhà mới chịt cổ chủ khảo của, khi ra chúng lấy lưỡi giáo búp đa cắm vào sào gẩy rơm, bật hồng đi đàng hoàng qua các xóm mà không ai dám đuổi.
ở Hà nội lan tràn tin đồn về vụ quân Nhật chặt tay những tên ăn cắp, mổ bụng những con ngựa chết vì ăn phải cám trộn mùn cưa và nhét kẻ bán cám giả vào trong đem chôn. Người Pháp ít khi ra đường. Họ đi len lét, mắt nhìn xuống đất. ở các ngã tư, lính Nhật đứng lửng lơ, không gác mà cũng không ra không gác. Người ta nói đó là chúng đứng canh chừng để giữ trật tự. Lính Nhật tập ném lựa đạn ở những khúc hè rộng và vắng. Khi tập đâm lê, chúng hò hét om xòm. Tiếng hô từ cổ họng nghe hoang dã, rùng rợn. Một cách mơ hồ, tôi cảm thấy thời gian đang đi những bước gấp. Những sự kiện xảy ra trong thế giới người lớn cũng dồn dập, tôi biết được qua những câu chuyện của người lớn.
Bố tôi mang về một bản đồ thế giới. Tối tối bác Cả cùng bố mẹ tôi cúi xuống tấm bản đồ ấy, chăm chú dò tìm trên những đường nét ngoằn ngoèo của nó diễn biến chiến sự ở những phương trời xa, như thể việc xảy ra trên đất nước mình.
Một buổi sáng, bố tôi viết mấy chữ rất nhỏ vào một mảnh giấy cũng rất nhỏ rồi vo viên lại, nhét vào một đầu bánh mì rồi đưa cho tôi:
- Con biết nhà bác Ba chứ?
- Con đến một lần với bố rồi.
- Con nhớ đường không?
- Con nhớ.
Con cầm cái bánh mì vừa đi vừa ăn sao cho đến nhà bác thì còn lại mẩu này, đưa cho bác. Đây là việc quan trọng, con hiểu không?
- Con hiểu.
Nếu đến nhà bác mà thấy trong nhà có mật thám đến bắt bác thì con làm thế nào?
- Con sẽ nhai miếng bánh và nuốt đi.
Bố tôi xoa đầu tôi:
- Thế thì được. Con đi ngay đi.
Tôi hiểu đó là việc gấp. Trước đó mười phút có một người tới tìm bố tôi, đưa cho bố tôi vật gì đó rồi đi ngay. Tôi vào trong nhà lấy cái khăng ra. Vừa đi vừa đánh khăng là cách che mắt bọn mật thám tốt nhất. Thế là cái khăng lăn trước, tôi chạy theo sau, vừa chạy vừa ăn bánh mì. Hồi ấy người ta bán loại bánh mì dài bằng cái thước kẻ, tròn bằng cái độn tóc của các bà. Chiến tranh, bánh mì làm bằng bột gạo nhưng cũng ròn và thơm. Tôi thích ăn thứ bánh mì này, nó phảng phất hương vị sâu bà Cơ.
Tôi rất quí bác Ba. Ông là một người cao lớn, lộc ngộc, cử chỉ vụng về, nhưng rất vui tính. Có thời gian ông đã ở nhà tôi. Ông chơi đùa với chúng tôi thoải mái ngang hàng, hệt như một đứa trẻ con to xác. Ông không biết cách gọt cam hay gọt khoai như cách chúng tôi gọt mà gọt ngược lại, tờ nhìn trái và từ ngoài vào trong. Mẹ tôi thì thầm với tôi rằng bác Ba quen gọt như thế bởi vì bác ở bên Tây quá lâu
- Người Tây họ cũng gọt như vậy hả mẹ?
- Họ gọt vậy.
- Thế là gọt ngược, mẹ nhỉ?
- Nếu họ thấy mình gọt, họ cũng bảo là mình gọt ngược.
- Ngược là ngược mà xuôi là xuôi chứ.
- Bao giờ con lớn lên, con sẽ hiểu được rằng không phải tất cả mọi người đều giống nhau, con sẽ phải công nhận cái mình cho là ngược có khi lại là xuôi đối với người khác
Không thể nói chuyện với người lớn. Khi nào người không trả lời được thì thế nào họ cũng hứa sẽ cho mình hiểu khi nào mình lớn lên. Mà trẻ con thì cảm thấy mình lớn lên rất chậm.
Mải suy nghĩ, tôi không nhìn thấy một thằng bé, lớn hơn tôi một đầu, chặn ngang đường. Tôi nhận ra nó. Thằng này cầm đầu lũ trẻ con Thọ Lão, thường phá đám chúng tôi khi chúng tôi chơi ở quanh chùa Hai Bà. Nó con nhà nghèo, cấc lấc và hung tợn. Trông thấy lũ trẻ Thọ Lão, chúng tôi tránh từ xa. Nhưng lần này tôi nhìn thấy nó thì đã muộn.
Hai chân dạng, tay chống nạnh khuỳnh khuỳnh, nó hất hàm:
- Ê, thằng kia, đi đâu?
Tôi nhũn nhặn tránh nó, lạng qua một bên để đuổi theo cái khăng đã hết đà lăn chiêng bên gốc cây. Nhưng nó đã dịch sang, chặn tôi lại.
Tôi nhìn vào mặt nó, nặn ra một nụ cười.
- Tránh cho người ta đi nào - tôi nói.
- Nộp mãi lộ rồi cho đi. - nó nói.
Thằng này sẽ không tha mình đâu, tôi nghĩ. Mẹ tôi dạy: Không được sợ bất cứ cái gì, không được sợ bất cứ kẻ nào. sợ tức là thua ngay từ đầu, con sẽ không làm nổi việc gì hết".
- Mãi lộ cái gì, tránh ra!
Tiếng quát tự nó bật ra, không phải tôi cố ý.
Thằng bé quắc mắt lên. Nó lao luôn vào tôi. Tôi ngã ngửa. Nó chồm tới, giật ngay cái bánh.
Tôi hét lên, nhào tới giật lại. Nó giữ cái bánh rất chặt.
Tôi ghé luôn miệng, cắn cho nó một cái thật đau vào tay.
Nó hét lên vì đau, buông rơi miếng bánh mì xuống đất. Tôi vồ lấy, khư khư giữ chặt.
Cái cắn vào tay làm cho thằng bé điên cuồng. Nó lại xông tới, đấm thẳng vào mặt tôi. Trời đất tối xầm lại nhưng tôi vẫn giữ chắc mẩu bánh mì.
Đúng lúc đó, những người lớn đi qua chạy tới, can hai đứa chúng tôi ra. Mặt nó đỏ gay, miệng thở hổn hển. Tôi loạng choạng nhặt lấy cái khăng đi tiếp. Đuổi theo sau tôi là tiếng chửi rủa tục tằn và lời hứa sẽ trả hận.
Bác Ba mở cửa khi nghe tôi gọi. Ông ngạc nhiên nhìn bộ mặt nhem nhuốc, thâm tím của tôi, rồi cuống quít lôi tôi vào nhà lấy cồn rửa vết thương cho tôi. Tôi không chịu, đưa ngay cho ông mẩu bánh mì và nói cho ông biết bố tôi bảo ông phải đọc ngay.
May, tôi biết làm thế nào nếu không giật lại được cái bánh, nếu cái thằng kia trời đánh kia lại ngoạm mất mẩu đầu có viên giấy bố tôi nhét vào? Bác Ba đọc xong, bình thản châm diêm đốt mẩu giấy rồi lấy khăn lau mặt cho tôi. Sau đó ông dắt tôi ra ngoài cửa, hai bác cháu đi bộ một quãng. Ông gọi xe tay đi Khâm Thiên. Tôi đi bộ về nhà. Bố tôi đợi tôi. Nhìn thấy tôi, bố tôi còn sửng sốt hơn bác Ba. Nghe tôi kể chuyện xong, bố lấy cồn rửa vết thương ở đầu cho tôi, bôi thuốc và thay quần áo cho tôi. Ông lặng lẽ làm những việc đó, không nói với tôi một câu.
Tôi đọc thấy trong mắt bố nỗi buồn nhưng không hiểu vì sao bố buồn, vì tôi bị đánh đau, vì vết toạc trên đầu khi bị ngã máu rớt xuống áo mà tôi không biết, hay vì tôi không biết tự vệ cho xứng đáng. Tôi leo lên giường, ngủ thiếp.
Tôi nghe thấy tiếng của bác Cả lọt vào trong giấc ngủ của tôi:
- Nó còn nhỏ quá. không nên đưa nó vào những công việc người lớn.
Nó cũng không đến nỗi nhỏ quá đâu - bố tôi cãi - Tôi không muốn thế, nhưng nó phải bắt đầu đi thì vừa.
- Nhà em nói đúng đấy, anh ạ. - mẹ tôi nói chêm vào - ở đất nước ta, lũ trẻ không thể chờ tới lớn mới làm những việc mà ở nơi khác người lớn làm.
- Nhưng, dù sao thì cũng tội quá. - giọng bác Cả bùi ngùi - Tuổi chúng nó là tuổi ăn tuổi chơi.
Tôi nghe thấy tiếng bác Cả cười khe khẽ. Rồi tiếng bước chân của ba người rời giường tôi.
- Tin tức hôm nay thế nào, anh Cả? - tiếng mẹ tôi hỏi. Bọn Đức tiến chậm chạp. Hồng quân bắt đầu phản công trên một số mặt trận, còn bên này bọn Nhật đang lúng túng ở Trung Quốc... Anh bỏ bản đồ xuống đây.
Tôi biết, không cần mở mắt, là ba người lại chụm đầu trên tấm bản đồ thế giới, mấy ngón tay trỏ lại dò dẫm tìm những địa danh chiến sự mà các đài phát thanh Đồng Minh vừa thông báo ban đêm.
Tôi nằm nghe những tiếng thì thào của người lớn, chợt nhận ra rằng vận mệnh đất nước tôi và cái thế giới chằng chịt nhiều màu được vẽ trong bản đồ kia gắn bó với nhau thật là chặt chẽ.
______________________________________________
Hết