Chế Lan Viên
Tác giả: nhiều tác giả
Chế Lan Viên (1920-1989), tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê gốc ở Quảng Trị, học trung học và bắt đầu làm thơ ở Quy Nhơn. Tập thơ Điêu tàn, xuất bản năm ông 17 tuổi, đã sớm đưa ông vào hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Thời kỳ ấy ông đã cùng với Hàn Mặc Tử, Bích Khê... khởi xướng Trường thơ loạn mang nhiều yếu tố tượng trưng, siêu thực. Năm 1945, Chế Lan Viên có mặt trong đội ngũ những nhà thơ tham gia cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp là những năm ông đổi thay đời, đổi thay thơ. Từ siêu thực ông trở về hiện thực, từ tâm sự cô đơn ông đến với tâm trạng của toàn dân tộc, nhưng thành tựu tác phẩm chưa cao, tập thơ Gửi các anh còn như một cuộc thử nghiệm, có tính cách báo hiệu những đổi thay trong cảm xúc và trong phương thức biểu hiện của thơ ông. Phải đến Ánh sáng và phù sa (1960) Chế Lan Viên mới thật sự chín trong khuynh hướng mới. Có thể coi Ánh sáng và phù sa là thành tựu đánh dấu bước trưởng thành của cả nền thơ cách mạng nước ta. Sau Ánh sáng và phù sa liên tiếp ba thập niên, sức bút của Chế Lan Viên ngày một tung hoành, mang rất nhiều yếu tố mới lạ trong cách lập ý, cấu tứ, mở rộng dung lượng của thơ, sáng tạo nhiều hình thức biểu hiện, góp phần hiện đại hóa câu thơ Việt Nam. Những điều Nghĩ về nghề của ông sâu sắc, mới mẻ, thấu đáo, lại viết bằng thơ rất tài hoa đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành diện mạo của cả nền thơ. Nhiều nhà thơ trẻ hình thành trong chiến tranh chống xâm lược Mỹ đã chịu ảnh hưởng từ tài năng ông.
Ông là nhà thơ phong phú bậc nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại: Phong phú về nội dung: biên độ cảm xúc ở ông rất rộng, đề tài thơ ông là muôn mặt cuộc đời. Ông nghe được những biến động nhỏ bé của tâm hồn con người trong những tình cảm riêng tư, rất riêng tư Cầm tay em vuốt ve/ Hồn im... cho tay nghe... Ông lại cũng chia sẻ kịp thời những tình cảm rộng lớn của toàn dân tộc khi Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp bể/ Một rặng núi Kỳ Sơn từng lắm lúc mưa nguồn bị kẻ thù xâm phạm. Ông xao xuyến với tiếng chim vít vịt kêu mưa, với hình con sông Cầu hư ảo chảy trong ký ức. Ông thâm trầm triết lý với gió lật lá sen hồ, với tiếng chim tu hú giục mùa vải đỏ và ông ứa nước mắt nghe nhịp sênh tiền mộc mạc:
Chẳng phải đàn tranh hay tì bà
Chỉ là nhịp gõ ấy sao mà
Em xoay tà áo thì ta khóc
Khi thoảng ngang lòng tiếng í a
Ông áp đảo, ông tấn công trong những bài thơ đánh giặc. Ông nghẹn ngào thương mến trước những nỗi niềm sinh ly tử biệt của chiến tranh:
Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc
Nước mắt nhỏ, sau câu hò, em lấy tay che.
Ông phấn chấn nội tâm Nở chùm hoa trên đá/ Mùa xuân không chịu lùi. Và ông nhìn thẳng tới cái chung cục của mỗi đời người, cái chung cục chả ưng ý gì mà người ta phải trải, lúc lũ nhặng xanh bay sán đến thi hài. Thơ Chế Lan Viên giàu triết lý, không phải là thứ triết lý sách vở, nói cho sang, mà là thứ triết lý ông vịn vào để sống, để giải quyết việc đời, để ứng xử với đồng loại, nó là kinh nghiệm sống của đời, nó ấm như hơi thở của ông.
Chế Lan Viên phong phú về giọng điệu: Lúc thì ông thầm thì trò chuyện, gói tiếng thở dài vào trong câu thơ ngắn, lúc thì ông sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng kiểu ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận dữ trong hơi đả kích, khi lại thâm trầm ung dung như người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen...
Chế Lan Viên cũng rất phong phú hình thức biểu hiện. Ông là người tích cực vào bậc nhất trong việc tìm tòi đổi mới dáng vẻ câu thơ, bài thơ Việt Nam ở thế kỷ 20 này. Bạn đọc rất ít gặp câu thơ non lép, bài thơ dễ dãi trong thi phẩm của ông. Ông hàm súc trong tứ tuyệt và ông cạnh tranh ôm chứa hiện thực với văn xuôi trong các bài thơ dài, rộng khổ. Ông sáng tạo nhiều cách ngắt nhịp, nhiều kiểu qua hàng, nhiều lối buông vần phù hợp với tiết tấu nội tại của cảm xúc. Trong di cảo có rất nhiều bài đã hoàn chỉnh, nhưng ông còn do dự chưa đăng, nhiều hơn nữa là những bài còn dang dở, dang dở vì nghệ thuật chưa làm ông vừa ý, dù nội dung phác thảo đã mang phẩm chất của thơ rồi. Nhà văn Vũ Thị Thường đã chọn nhặt, in xong ba tập (ngót 600 bài), sẽ còn tiếp tục. Thơ trong Di cảo, theo tôi, là một chặng mới nữa trong đời thơ Chế Lan Viên, cả ở nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.
Chế Lan Viên là một tài năng chín sớm nhưng ông lại học hỏi không ngừng. Ông biết cách phát hiện để kế thừa những tinh hoa của thơ ca nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ điển Đường Tống đến lãng mạn, siêu thực hiện đại.
Chế Lan Viên ý thức sâu sắc vai trò nhà thơ trong đời sống xã hội. Khi đất nước có giặc, ông coi thơ như vũ khí và Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Lúc đất nước yên hàn có lần ông tự hỏi: Ông đã viết câu thơ đêm ấy cổ vũ 2000 người ra trận, chỉ 30 người về và một trong 30 người ấy bây giờ ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ:
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời Tôi ú ớ...
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
Chế Lan Viên chính luận, Chế Lan Viên triết lý, Chế Lan Viên trữ tình... tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc chân thành ấy, cảm xúc trách nhiệm với cộng đồng.
Hà Nội 27-6-2000
VŨ QUẦN PHƯƠNG