Rafael Sabatini
Tác giả: nhiều tác giả
Nói đến R.Sabatini, người ta thường coi ông là chàng hiệp sĩ cuối cùng của thể loại tiểu thuyết "áo choàng và thanh kiếm". Lựa chọn cho mình làm đề tài sáng tác duy nhất một thể loại văn học đã đến buổi hoàng hôn, Sabatini hầu như bị che khuất bởi ánh hào quang của các bậc tiền bối như Dumas, Scott. Ngày nay có lẽ ít ai ngờ nổi ông là một trong những tác giả nổi tiếng và được hâm mộ nhất khi còn sinh thời, và những cuộc phiêu lưu do ngòi bút của ông viết ra không chỉ làm say mê bạn đọc mà còn gây cảm hứng rất lớn cho sự ra đời của hàng loạt phim điện ảnh về đề tài phiêu lưu cướp biển. Tên của Sabatini là một đảm bảo thành công về thương mại đến mức bất chấp nội dung khác hẳn, hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông "The Sea Hawk" và "The Black Swan" đã được đặt cho hai bộ phim khá nổi danh của Hollywood những năm 40. Ảnh hưởng của ông thậm chí còn kéo dài đến sau này, đến tận những năm 60. Tới mức khi bộ phim kiếm hiệp Pháp "Le capitan" được trình chiếu ở nước Anh, nhà phát hành đã công nhiên sửa tên phim thành "Captain Blood" để lôi khán giả đến rạp.
Tuy thế, con đường đến với thành công của nhà văn mang trong mình hai dòng máu Italia và Anh này không hề dễ dàng. Ra đời năm 1875 tại Italy, con trai của hai ca sĩ opera, thậm chí hình như còn là con ngoài giá thú, số phận ngoài đời của ông cóp lẽ cũng là một lý do khiến sân khấu, các nghệ sĩ cũng như thân phận của những đứa con ngoài giá thú thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện của ông. Thời gian dài học trường nội trú ở Thụy Sĩ, những năm theo cha mẹ đến Bồ Đào Nha nơi hai người mở trường dạy thanh nhạc cuối cùng đã giúp Sabatini sử dụng thành thạo năm thứ tiếng và được tiếp xúc trực tiếp với con người, tập quán của nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng ảnh hưởng sâu đậm nhất đến văn nghiệp của ông sau này có lẽ là thời gian sống cùng ông bà ngoại tại nước Anh. Có lẽ tình yêu từ tấm bé dành cho quê ngoại là một lý do khiến Sabatini tuyên bố "tất cả các câu chuyện hay nhất từ trước tới giờ đều viết bằng tiếng Anh" và chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ sáng tác của mình. Năm 17 tuổi, cha của Rafael gửi chàng thanh niên tới nước Anh,nơi theo ông có nhiều cơ hội nhất để chàng trai lập nghiệp trong ngành thương mại. Thế nhưng Sabatini lại chọn nghề cầm bút. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 19, Rafael bắt đầu thử sức mình, đầu tiên với nghề viết kịch - một thất bại hoàn toàn, sau đó ông chuyển sang viết truyện ngắn nhưng cũng chỉ thu được những thành công hạn chế. Bắt đầu từ năm 1902, năm Sabatini cho ra đời tiểu thuyết phiêu lưu đầu tiên của mình "Người tình của Yvonne", một cuốn sách chịu ảnh hưởng rất rõ của Dumas và tiểu thuyết Pháp, nhà văn dường như cuối cùng cũng đã tìm ra sở trường của mình. Ông sẽ tiếp tục trung thành với thể loại này tới cuối đời với tốc độ sáng tác đáng nể: hầu như một đầu sách mỗi năm trong thời kỳ sung sức. Thế nhưng những tiểu thuyết đầu tiên của Sabatini ra đời trong giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ nhất cũng chỉ thu hút được sự chú ý khá hạn chế của độc giả. Có lẽ vào thời kỳ tốt đẹp (Belle époque - 1894-1913) ấy, tại các nước châu Âu, nước Anh hơn đâu hết, những tiểu thuyết thuộc địa pha lẫn màu sắc chinh phục "khai hóa văn minh" với những bí ẩn nửa thực nửa hư như của H.R.Haggard phù hợp với khẩu vị người đọc hơn. Cuộc tàn phá khủng khiếp 14 - 18 làm người phương Tây nhận ra một cách kinh hoàng mặt trái của khoa học kỹ thuật, và người ta tìm cách quên đi vết thương chiến tranh còn rỉ máu bằng cách quay lại với những thời quá khứ xa xưa mà lúc đó trở nên thơ mộng, lãng mạn hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đó, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh cách mạng Tư sản Pháp "Scaramouche" (1921) trở thành một thành công quốc tế. Tên tuổi của Sabatini bắt đầu được biết đến rộng rãi, gần hai mươi năm sau khi ông bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình! Một năm sau, "Captain Blood" xuất hiện, được đón chào thậm chí còn nhiệt liệt hơn nữa. Chàng cướp biển kiêm thầy thuốc này đã được số phận lựa chọn để trở thành nhân vật được yêu thích nhất của Sabatini. Nói đến Sabatini bất cứ ai cũng nhớ ngay đến Blood, cũng như Doyle luôn đi liền với Sherlock Holmes vậy. Trong cơn nhiệt thành, một loạt tác phẩm trước đó của Sabatini cũng được tái bản lại, nhưng có lẽ chỉ có "The Sea Hawk", cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông về đề tài cướp biển được xuất bản lần đầu năm 1915 và chẳng được mấy ai để ý đến, là có được thành công ngang ngửa với "Captain Blood" và "Scaramouche". Thậm chí với nhiều độc giả trung thành của ông, đây mới là tác phẩm "hay nhất" của Sabatini. Sau những trang giấy đến lượt màn bạc. Ngay từ thời kỳ phim câm, "The Sea Hawk" (1924) đã được đưa lên màn ảnh lớn. Nhưng thành công nhất trong số nhiều chuyển thể điện ảnh (với mức độ trung thành khá khác nhau so với nguyên tác) là bộ phim "Captain Blood" công chiếu năm 1935. Bộ phim đã lần đầu tiên đưa lên màn bạc bộ đôi Errol Flynn (Blood) và Olivia de Haviland (Arabela Bishop), một bộ đôi sau đó đã đi vào huyền thoại của Hollywood. Bên cạnh hàng chục tiểu thuyết phiêu lưu lấy bối cảnh lịch sử từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 và địa điểm trải rộng khắp Tây Âu, Bắc Phi thậm chí cả châu Mỹ, Sabatini còn cho ra đời ba tập "Chuyện kể giải trí về những đêm lịch sử" kể lại những vụ án, những bí ẩn nổi tiếng trong lịch sử châu Âu. Bên cạnh những tập sách ít nhiều mang tính tiểu thuyết hóa này, hiển nhiên chịu nhiều ảnh hưởng từ "Những tội ác trứ danh" của Dumas, Sabatini còn là tác giả của một tập sách danh nhân " Những cuộc đời anh hùng", cùng hai cuốn tiểu sử "Cuộc đời của Cesare Borgia" và "Toquemada và Tôn giáo pháp đình Tây Ban Nha".
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Sabatini tiếp tục trung thành với thể loại yêu thích của ông, nhưng tuổi tác đã không cho phép ông giữ được nhịp viết của những năm sung sức. Sau cuốn tiểu thuyết cuối cùng "The Gamers"(1949) bệnh tật đã không cho phép ông tiếp tục cầm bút cho đến khi qua đời năm 1950.
Khác với những tiểu thuyết đăng dài kỳ trên báo có số lượng trang khổng lồ của Alexander Dumas hay nhiều nhà văn khác cuối thế kỷ 19, các tiểu thuyết của Sabatini được viết với văn phong cô đọng hơn, hiện đại hơn. Thay vì nhiều đối thoại và tự sự, Sabatini dành cho nhân vật của mình nhiều thời gian hơn để hành động, có lẽ vì thế mà các cậu chuyện của ông luôn rất "sống", hành động luôn nối tiếp nhau không dừng từ đầu cho tới cuối câu chuyện.
Một chi tiết cũng rất thú vị mà một độc giả trung thành của ông đã nhận xét: các tiểu thuyết của Sabatini đều kết thúc giống nhau. Có lẽ phải gọi ông là người cung cấp những câu truyện cổ tích cho phần trẻ thơ không bao giờ mất đi trong mỗi chúng ta. Cầm một cuốn sách của ông trên tay, bạn hãy yên tâm rằng cuối cùng bao giờ người anh hùng của chúng ta cũng chiến thắng và chinh phục được trái tim người đẹp. Cách kết truyện hầu như không thay đổi bằng cách cho giai nhân lao vào nép mình trong vòng tay anh hùng của Sabatini cũng khiến ông bị các nhà phê bình nghiêm túc đánh giá không cao. Nhưng biết làm thế nào được, bản thân thể loại mà ông theo đuổi sáng tác mục đích cũng chỉ là đem lại cho độc giả những phút giây thư giãn nhẹ nhàng.
Hay như chúng ta có thể mượn lời của Stevenson, khi ông nói đại ý rằng ông không mong gì hơn từ những tác phẩm của mình ngoài việc chúng có thể sưởi ấm trái tim của những người lữ hành bên đống lửa trại giữa rừng đêm. Nếu xuất phát với một cái nhìn cởi mở như vậy, người ta cũng có thể nói Sabatini đã thành công với những câu chuyện phiêu lưu đầy kịch tính và lãng mạn của ông. Lãng mạn nhưng không sướt mướt, đầy những chuyện đao kiếm, hận thù, nhưng cuối cùng người anh hùng của ông bao giờ cũng dừng bước khi kẻ thù ngã quỵ mà chọn cách báo thù cao thượng nhất: tha thứ - như người phương Tây thường nói "Báo thù thuộc về Chúa".