Xốc tới trong giờ phút quyết định
Tác giả: nhiều tác giả
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là một trong ba chiến dịch lớn của quân ta trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Nhân kỷ niệm 30 năm chiến dịch Huế-Đà Nẵng, các phóng viên báo Quân đội nhân dân đã tìm gặp và trò chuyện với những cán bộ chỉ huy tham gia chiến dịch này. Ở những cương vị khác nhau lúc đó, những lời tâm sự của ba vị tướng dưới đây sẽ giúp bạn đọc hình dung rõ hơn diễn biến chiến dịch, lòng dũng cảm trí sáng tạo và khí thế tiến công thần tốc của quân đội ta 30 năm trước, từ 21-3 đến 29-3-1975
Sau khi mất Tây Nguyên, thế phòng thủ chiến lược của địch bị rung chuyển nghiêm trọng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Ngoài lực lượng đã có, Quân khu Trị Thiên được tăng cường thêm Quân đoàn 2, có thêm sư đoàn 325 (thiếu trung đoàn 95), Sư đoàn 304 và Sư đoàn 2 thuộc Quân khu 5.
Chiến dịch được chia làm 3 đợt
Đợt 1: Từ ngày 21-3, ta nổ súng tiến công chia cắt địch ở Huế, Trị-Thiên, Quảng Ngãi.
Đợt 2: Từ ngày 24 đến ngày 26-3 ta lần lượt giải phóng Quảng Ngãi, Huế, Trị -Thiên.
Đợt 3: Từ ngày 27-3, ta tập trung lực lượng tiến công địch và giải phóng Đà Nẵng vào lúc 17 giờ ngày 29-3-1975.
* Chiến dịch này ta loại khỏi vòng chiến đấu 12 vạn tên địch, làm tan rã 137.000 phòng vệ dân sự. Ta thu 129 máy bay, 179 xe tăng, xe thiết giáp, 327 khẩu pháo, hơn 1.100 xe quân sự và tàu xuồng, giải phóng 5 tỉnh, 2 thành phố, với hơn 2,5 triệu dân.
Đại tướng CHU HUY MÂN, nguyên UVBCT, nguyên Chủ nhiệm TCCT, nguyên chính ủy Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng: Thế thắng như chẻ tre
9 giờ sáng ngày 18-3-2005, đúng lời hẹn, Đại tướng Chu Huy Mân trong bộ quân phục chỉnh tề bước ra phòng khách, thân mật tiếp phóng viên báo Quân đội nhân dân. Đại tướng vừa kỷ niệm lần thứ 92 ngày sinh của mình. Mái tóc ông đã bạc trắng như cước nhưng gương mặt còn hồng và nói chuyện vẫn sắc sảo, minh mẫn. Hơn mười năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên và Khu 5 ác liệt, vị tướng lừng danh nhớ như in những ngày này 30 năm trước. Ông hồ hởi vào chuyện ngay:
- Trước khi ta mở chiến dịch tiến công Huế và Đà Nẵng, Quân khu 5 đã mở nhiều chiến dịch, thực hiện nhiều trận đánh để tiêu diệt, tiêu hao các lực lượng chủ lực của địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế chủ động trên chiến trường - Đại tướng khái quát lại tình hình - còn tại Đà Nẵng, đây là căn cứ quân sự lớn thứ hai của địch với khoảng 10 vạn tên, có nhiều vũ khí, hoả lực mạnh. Nhằm tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng, quân ta đã tiến công, giải phóng thị xã Tam Kỳ, hình thành thế bao vây Đà Nẵng. Ngày 25-3-1975, Huế và Tam Kỳ được giải phóng, thì ngay trưa hôm đó, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện vào cho Quân khu 5: Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và chỉ định đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy.
Kể đến đây, Đại tướng mỉm cười: Thời gian lúc này phải tranh thủ từng phút, từng giây nên Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch chỉ liên lạc với nhau qua điện đài, thống nhất với nhau 3 điểm chính là thần tốc, thần tốc (như tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo) đánh nhanh ra Đà Nẵng, tiêu diệt, làm tan rã 10 vạn quân địch; không cho địch tử thủ; không cho chúng rút chạy vào Sài Gòn. Trong quá trình tổ chức chiến dịch, ta thực hiện điều này rất tốt, lực lượng Quân đoàn 2 từ phía nam Huế vượt đèo Hải Vân đánh vào, từ phía tây, lực lượng Sư đoàn 2 (Quân khu 5) từ Tam Kỳ đánh ra. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Sau đó đúng hai ngày, Tư lệnh và Chính uỷ chiến dịch mới gặp nhau trong niềm vui vô hạn. "Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, "hàn huyên" chút ít rồi được ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với nhau trong một gia đình nông dân ở làng Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam) quê hương của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi". Đại tướng Chu Huy Mân xúc động. Ông dừng lại một chút rồi nói tiếp :
- Đồng bào Khu 5 kiên cường, bất khuất và cực kỳ tình cảm, hết lòng giúp đỡ bộ đội. Có nơi đồng bào trồng được lúa, chỉ giữ lại một ít làm giống, còn thì ăn sắn, đem hết gạo cho bộ đội. Trước năm 1969, nhân dân Khu 5 chỉ mong có ngày quê hương giải phóng để được đón Bác Hồ vào thăm. Khi Bác mất, hình ảnh của Bác vẫn mãi là động lực to lớn để đồng bào vượt qua bom đạn, vượt qua sự kìm kẹp của địch đi theo cách mạng. Thế mà giải phóng rồi, Bác không còn nữa để đồng bào Khu 5 nói riêng, Nam Bộ nói chung được đón Bác vào. Niềm vui chiến thắng vỡ oà nhưng tôi vẫn khóc khi nghĩ đến Bác…
Nhắc đến người Cha Già kính yêu của toàn dân tộc, Đại tướng Chu Huy Mân lại lặng đi. Đôi bàn tay chai sạn, dạn dày trận mạc của ông khẽ đưa lên, lau đôi mắt ngấn lệ… Đôi phút im lặng, chúng tôi mới cùng ông tiếp tục câu chuyện ngày giải phóng Đà Nẵng:
- Thưa Đại tướng! Đà Nẵng là khu liên hợp quân sự mạnh với hàng chục vạn tên địch, vậy thì trong khi bộ đội ta tiến công thần tốc như thế, địch chống cự thế nào và chúng có "tử thủ" được không?
- Không. Quân địch không thể thực hiện ý đồ tử thủ của Thiệu, mặc dù chúng cực kỳ ngoan cố. Trên đường hành tiến như thế chẻ tre nhưng đôi lúc quân ta gặp sự kháng cự khá ác liệt. Khí thế tiến công của bộ đội lúc đó chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ, một cứ như mười. Quân ta tiến như vũ bão trên thế thắng áp đảo khiến địch tan rã nhanh lắm chứ không thể tử thủ và cũng không rút chạy nổi về Sài Gòn, chúng vứt bỏ lại hàng loạt vũ khí, đồ dùng quân sự. Nhân dân thì vô cùng phấn khởi, Đà Nẵng và các vùng lân cận treo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam rực rỡ cả thành phố. Nhiều người dân chẳng biết tôi là Chính ủy chiến dịch, cứ ôm chầm lấy nói "Giải phóng rồi! Sướng quá!"…
Thiếu tướng NGUYỄN CÔNG TRANG, nguyên Phó chính ủy Quân đoàn 2: Cắt mọi ngả đường tháo chạy của địch
Chiến dịch Thừa Thiên-Huế mở màn đêm 5-3-1975. Quân đoàn 2 tác chiến ở khu vực tây-nam Huế. Với cương vị là Phó chính ủy Quân đoàn, tôi đã tham gia họp bàn cùng Bộ tư lệnh, lựa chọn cách đánh, đồng thời triển khai các mặt công tác Đảng, công tác chính trị, làm mọi công tác chuẩn bị để mở chiến dịch.
Trước đó, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã tổ chức rút kinh nghiệm trong sử dụng lực lượng, tác chiến ở khu vực tây-nam Huế. Trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế, Bộ tư lệnh Quân đoàn đã không lựa chọn lối đánh luồn sâu, ém sẵn mà đánh theo cách bao vây, tiến công liên tục. Sau khi kế hoạch tiến công giải phóng Thừa Thiên-Huế được trên phê duyệt, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã tổ chức thành hai sở chỉ huy, gồm sở chỉ huy cơ bản và sở chỉ huy tiền phương. Tôi đi cùng với sở chỉ huy tiền phương, trực tiếp nắm tình hình và tham gia chỉ đạo chiến đấu. Tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng vào ngày 19-3-1975. Ở các cứ điểm thuộc Thừa Thiên-Huế, địch vẫn ngoan cố tổ chức tuyến phòng thủ Huế-Đà Nẵng-Chu Lai. Sở chỉ huy tiền phương chúng tôi phải cắt đường, đi bộ, luồn dưới chân cứ điểm của địch để tới Bàn Môn Hạ, một làng ở ngay sát đường số 1. Bàn Môn Hạ là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn để trực tiếp chỉ huy 5 mũi tiến công. Mũi thứ nhất đánh cắt đường 1, không cho địch rút lui từ Huế về Đà Nẵng, hai mũi khác tiến công ra hướng biển, bịt chặt hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền; hai mũi còn lại tiến công vào nội đô thành phố Huế. Cả 5 mũi tiến công do hai sư đoàn 324 và 325 triển khai, (sư đoàn 304 khi đó còn ở Thượng Đức, Đại Lộc). Vì vậy, khi bước vào chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế, Quân đoàn chỉ có 5 trung đoàn trong tổng số 9 trung đoàn bộ binh.
Để cắt đường số 1, đúng 5 giờ 30 phút ngày 21-3-1975, pháo binh của Quân đoàn bắn cấp tập vào dãy núi hòn Kim Sắc, nơi có 2 tiểu đoàn ngụy quân chốt giữ, án ngữ đường số 1. Chiến dịch Thừa Thiên-Huế đi vào giai đoạn quyết định. Trung đoàn 18 đánh, Sư đoàn 325 được giao đánh cắt đường số 1. Vị trí đánh là đoạn từ cầu Truồi đến quận Phú Lộc. Muốn giành thắng lợi, trung đoàn 18 phải làm chủ dãy hòn Kim Sắc và các cao điểm án ngữ đường số 1. Bộ tư lệnh Quân đoàn chỉ thị các đơn vị phải quyết tâm cắt đứt đường số 1 đoạn giữa Huế-Đà Nẵng ngay trong ngày 21-3. Với quyết tâm ấy, trung đoàn 18 được trung đoàn 101 hỗ trợ, đến 15 giờ ngày 21-3 đã phá vỡ hệ thống án ngữ của địch ở phía tây đường 1, làm chủ các điểm cao, hòn Kim Sắc. Đến 10 giờ 30 phút ngày 22-3, trung đoàn 18 đánh chiếm được cầu Truồi trên đường 1, rồi phát triển làm chủ được đoạn đường dài 5km xuống Ràng Bò. Bị cắt đường 1, địch không còn đường rút lui về Đà Nẵng, buộc phải bật trở lại. Ở các hướng cửa biển Thuận An và Tư Hiền, ta cũng nhanh chóng làm chủ chiến trường, khóa chặt các con đường rút chạy của địch, khiến địch nhanh chóng tan rã.
Chặn được địch rút chạy, lực lượng của hai Sư đoàn 325, 324 và của Quân khu Trị-Thiên nhanh chóng mở các đợt tiến công vào thành phố Huế và các quận lỵ khác. Đúng 13 giờ ngày 25-3, một phân đội của trung đoàn 101 đã cắm lá cờ giải phóng lên đỉnh Phu Văn Lâu, thành phố Huế được giải phóng.
Đêm 25-3, Bộ tư lệnh tiền phương của Quân đoàn vào đồn Mang Cá. Chúng tôi ngủ đêm ở đó mà trong lòng ai cũng phấn khởi. Hôm sau, ngày 26-3, các đơn vịcủa Quân khu Trị-Thiên và của Quân đoàn 2 tiếp tục giải phóng các cứ điểm của địch còn lại.
Sau khi giải phóng Thừa Thiên-Huế, chúng tôi đã phối hợp với địa phương khẩn trương ổn định tình hình, bàn giao tù hàng binh và tiếp tục làm công tác chuẩn bị cho các cuộc chiến đấu mới.
Thiếu tướng THIỀU CHÍ ĐINH, Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang Nguyên đại đội trưởng đại đội 7, tiểu đoàn 8, trung đoàn 18: Cuộc chiến đấu ác liệt trên điểm cao 560
Với ông, mỗi gốc cây, hẻm núi, đoạn suối trong trận đánh tiêu diệt quân địch ở điểm cao 560 phía tây-nam thành phố Huế, mặc dù cách đây đã 30 năm đều đã trở thành một phần đặc biệt trong cuộc đời binh nghiệp. Ngày ấy, ông là đại đội trưởng đại đội 7, tiểu đoàn 8, trung đoàn 18, sư đoàn 325 trực tiếp chỉ huy trận đánh. Bây giờ ông đã là Tư lệnh một binh đoàn chủ lực, nhưng trận đánh ấy ông vẫn nhớ một cách tường tận, tỉ mỉ:
Đại đội 7 do tôi làm đại đội trưởng được cấp trên giao nhiệm vụ là lực lượng dự bị phối hợp cùng tiểu đoàn 9, trung đoàn 18 tiến công tiêu diệt địch tại điểm cao 560. Đây là một điểm cao có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, án ngữ tuyến Quốc lộ 1A-con đường huyết mạch, cơ động của quân địch. Tại đây, địch tổ chức xây dựng công sự khá kiên cố và bố trí hỏa lực dày đặc, đồng thời có sở chỉ huy tiểu đoàn ngụy. Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút ngày 21-3-1975, tiểu đoàn 9, trung đoàn 18 được sự chi viện của hỏa lực cấp trên, thực hành xung phong đánh chiếm điểm cao 560, tiêu diệt địch trên hướng chủ yếu. Sau những trận chiến đấu ác liệt, tiểu đoàn 9 bị thương vong nhiều, nhưng với quyết tâm phải tiêu diệt bằng được cứ điểm 560, nên Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định điều lực lượng dự bị của tiểu đoàn 8 vào thực hành chiến đấu. Nằm trong đội hình chiến đấu của tiểu đoàn 8, đại đội 7 được giao nhiệm vụ tiến công địch trên hướng chủ yếu. Thời tiết sương mù dày đặc, nhiều đoạn bộ đội ta phải vượt qua những bãi đất trống, hơn nữa hướng tiến công chủ yếu của ta đã bị lộ, yếu tố bất ngờ không còn. Đại đội đang vận động thì bị pháo của địch bắn trúng đội hình làm 7 chiến sĩ hy sinh, 13 chiến sĩ bị thương. Sau khi quan sát kỹ địa hình, tôi quyết định báo cáo cấp trên, tổ chức lực lượng trinh sát lại, đồng thời thay đổi hướng tiến công chủ yếu. Hướng tiến công lần này chúng tôi chọn ngay khu vực sườn dốc, bên trái cửa mở cũ để đột phá nơi địch rất chủ quan vì đã bố trí nhiều loại vật cản, địa hình hết sức hiểm trở có lợi cho thế phòng ngự. Cả đại đội chỉ còn 37 cán bộ, chiến sĩ. Với quyết tâm tiêu diệt bằng được cứ điểm 560. Sau khi xác định được nơi hiểm yếu nhất của địch, chúng tôi quyết định chia lực lượng thành 2 mũi tiến công. Một khó khăn khác đặt ra, muốn tổ chức tiến công địch phải khắc phục được vật cản. Thời gian không còn đủ để đại đội xin lực lượng công binh của cấp trên, do vậy chúng tôi phải sử dụng lực lượng của đại đội để vừa dò gỡ mìn, khắc phục vật cản, vừa sẵn sàng bộc phá đánh hàng rào. Thượng sĩ, đảng viên Lương Xuân Toán, trung đội phó trung đội 3 xung phong nhận nhiệm vụ đánh bộc phá. Trước khi chỉ huy anh em thực hiện nhiệm vụ, Toán nói với tôi: "Nếu cần, tôi sẽ ôm bộc phá để phá tung hàng rào địch". Lợi dụng sương mù, lại được sự chi viện của hỏa lực cấp trên, chúng tôi nhanh chóng tổ chức lực lượng bí mật cơ động, triển khai vào phía trong trận địa phòng ngự của địch. Một cuộc chiến đấu quyết liệt, kéo dài từ suốt mấy giờ đồng hồ. 15 giờ ngày 21-3-1975, quân ta làm chủ được hoàn toàn cứ điểm, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tiểu đoàn 61 của địch, bắt sống 6 tên, đồng thời cắt đứt con đường vận tải chiến lược của địch từ Huế và Đà Nẵng...
Đang khá hứng khởi, bỗng giọng ông trầm xuống: Trận chiến đấu ấy diễn ra ác liệt lắm. Đồng đội của tôi nhiều người đã không kịp trở về, không kịp đón ngày chiến thắng. Trận chiến đấu tại cứ điểm 560 của đơn vị chúng tôi nói riêng và Quân đoàn 2 nói chung đã mở toang "cánh cửa thép" án ngữ phía Tây đường 1, tạo bàn đạp để quân ta thực hiện thắng lợi hai chiến dịch lớn giải phóng Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.