Lê Lợi
Tác giả: nhiều tác giả
Lê Thái Tổ Lê Lợi (1385-1433)
Ngày xưa, vào thời Minh thuộc, có một người làng Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa, tên Lê Lợi, là một thổ hào ở trên đất Mường, lớn lên gặp nước nhà bị đô hộ, bèn nuôi chí lớn khôi phục giang sơn.
Quân nhà Minh nghe tiếng bậc hào kiệt, muốn dụ làm quan, Lê Lợi nói: "Đại trượng phu phải giúp nước lúc gặp nạn, lập nên công lớn, chứ lại chịu đi làm đầy tớ người ngoài ư"? Rồi qui tụ anh hào, mộ quân các nơi quyết giải phóng đất nước khỏi ách thống trị độc ác của Tàu. Đến năm Mậu Tuất (1428) được thanh kiếm thần, Lê Lợi bèn phất cờ khởi nghĩa, xưng hiệu là Bình Định Vương.
Trong cuộc kháng chiến với quân nhà Minh, một lần thua trận ở Côi Huyên, binh sĩ tan rã, Lê Lợi một mình tìm đường chạy trốn bị tướng giặc đem quân đuổi theo, cùng đường phải nhảy xuống ruộng, may gặp một ông lão đang cấy mạ, bèn cởi quân phục dấu xuống bùn rồi giả vờ cầm mạ để cấy. Chốc lát quân giặc đuổi đến, thấy người làm ruộng hỏi thăm có thấy ai chạy qua đây không, ông lão mới trỏ tay về phía trước mặt nói: "Lão vừa thấy một tướng chạy về phía kia kìa"! Quân giặc tưởng thật kéo cả đi, Lê Lợi nhân thế thoát khỏi.
Lại một nữa, bị quân giặc đuổi gấp quá, phải núp mình ở cánh đồng giáp Mường, giặc sua chó săn sục kiếm, bao vây nhằm chỗ bụi cây Lê Lợi nấp. Quân giặc cầm giáo đâm vào trúng đùi, phải lấy áo lau sạch vết máu, bỗng có một con cáo nhảy ra, đàn chó đuổi theo, nhân đó mà Lê Lợi lại thoát được. Cánh đồng Lê Lợi nấp về sau dân chúng gọi tên là cánh đồng Chó, ở tả ngạn sông Chu gần Bái Thượng ngày nay.
Một lần khác bị vây ở núi Chí Linh, nhờ Lê Lai liều mình khoác áo ngự bào, cỡi ngựa ra trận để cho quân giặc tưởng là Bình Định Vương xúm lại bắt, Lê Lợi mới thoát khỏi.
Gian truân khốn khổ suốt mười năm trời, Lê Lợi không hề ngã lòng, lại được các tướng tài giúp đỡ và dân chúng khắp nơi một lòng hưởng ứng, nên dần dần chiếm lại xứ sở, đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi, mà lên ngôi vua.
Khi đã thành công rồi, một hôm Lê Thái Tổ ngự thuyền rồng chơi trên hồ Tả Vọng bỗng thấy một con rùa nổi lên mặt nước, ngài cầm cây thần kiếm chỉ xuống, rùa đớp lấy rồi lặn mất. Do đó mà hồ này đổi tên là Hồ Hoàn Kiếm.
Về tích thả gươm này, một thuyết khác kể lại rằng vua Lê Thái Tổ thắng trận, dời về kinh đô Thăng Long, trong lúc làm lễ tạ Thủy Thần đã dâng kiếm cho ngài đuổi giặc, thanh kiếm bỗng tuốt ra khỏi vỏ bay lên trên không sáng lòa hóa thành một con rồng xanh bay lượn rồi đâm thẳng xuống hồ nhập vào lưn gmột con rùa nổi lên mặt nước. Trong chốc lát con rùa sáng xanh lên như ngọc biếc rồi lặn mất, cùng một lúc hoa sen trên hồ nở ngát hương thơm. Vua Lê bèn đặt cho tên hồ là Hoàn Kiếm (hồ trả gươm) ngày nay còn ở giữa lòng Hà Nội.