Nhà văn Vũ Trọng Phụng
Tác giả: nhiều tác giả
Tìm lại những tác phẩm của "Vua phóng sự đất Bắc"
Tưởng niệm 45 năm ngày mất của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng (18.10.1939), nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, người có công sưu tầm, giới thiệu hai cuốn sách mới tìm thấy của "ông vua phong sự đất Bắc" là Vẽ nhọ bôi hề và Chống nạng lên đường đã trò chuyện với độc giả.
- Độc giả rất ngạc nhiên khi biết người tìm thấy hơn 20 bài báo của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm "Vẽ nhọ bôi hề" là một người Mỹ, Peter Zinoman. Ông có thể nói rõ hơn?
- Tôi biết Peter Zinoman năm 1997, khi anh nhờ một giảng viên đại học Hà Nội đưa tới gặp tôi, ngỏ ý muốn được cho biết thêm một số thông tin về tác giả Vũ Trọng Phụng. Peter Zinoman là giảng viên môn lịch sử Việt Nam tại ĐH Berkeley bang California, và đề tài luận án của anh ta là chế độ nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam. Chính vì vậy, Peter Zinoman không thể bỏ qua những sáng tác truyện, tiểu thuyết có liên quan tới tù đày. Trong quá trình đó, anh bắt gặp và bị thu hút bởi những sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Chính anh dịch thành công tiểu thuyết Số đỏ sang tiếng Anh.
Trong một lần đến Thư viện quốc gia Pháp, Peter tìm đọc kho sách báo tiếng Việt trước năm 1945. Tại đây, Peter Zinoman đã tìm thấy hơn hai chục tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Theo ý kiến của "các chuyên gia về Vũ Trọng Phụng", thì trong đó có một số tác phẩm mới được tìm thấy lần đầu.
Có thể nói, tính từ khoảng 1956 thì đây là lần bổ sung đáng kể nhất vào những thống kê về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Rất tiếc là chúng tôi có trong tay những tác phẩm này hơi muộn (sau khi những trang chế bản cuối cùng thuộc tập 5 trong bộ sách Toàn tập Vũ Trọng Phụng ra đời). Vậy nên tôi chỉ có thể giới thiệu những tác phẩm mới của Vũ Trọng Phụng trong Vẽ nhọ bôi hề, đã được xuất bản lần 1 năm 2000. Cuốn sách gồm hai phóng sự dài (Hải Phòng 1934; Vẽ nhọ bôi hề); một số truyện ngắn, đôi khi là những mẩu chuyện vui, tiểu phẩm; mảng còn lại là các bài báo, tiểu phẩm về văn học.
- Vậy "Chống nạng lên đường" với sáng tác đầu tay của Vũ Trọng Phụng được sưu tầm trong trường hợp nào?
- Thật tình cờ, trong một lần tìm tài liệu ở vài thư viện thuộc các trường đại học Mỹ, khi tìm đọc các tác phẩm trước năm 1945, tôi bắt gặp thêm một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Khi đó tôi thật sự bất ngờ vì đã phát hiện ra trên Tuần báo "Phụ nữ tân văn" số 62 ngày 24.7.1930 một chùm liền hai bài ca nhan đề Người đi và Kẻ ở. Với hai bài ca này, Vũ Trọng Phụng còn xuất hiện như một người soạn vở cho sân khấu ca nhạc, và có thể nói đây là những bài đăng báo sớm nhất của Vũ Trọng Phụng.
Thời gian này, tôi cũng đã tìm thấy 12 tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đăng trên Ngọ báo. Trong đó tôi rất tâm đắc với hai truyện ngắn Chống nạng lên đường và Cái tin vặt. Một điều đặc biệt hơn là tôi đã tìm thấy trên Ngọ báo xuất hiện một số bài với bút danh Phụng Hoàng, mà sau khi thẩm định, tôi được biết đó là một trong những bút danh của Vũ Trọng Phụng. Tất cả những tác phẩm mới tìm thấy này, tôi đã tập hợp trong Chống nạng lên đường và đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành 2001.
- Vậy trong lần tái bản này, "Vẽ nhọ bôi hề" và "Chống nạng lên đường" có điều gì hấp dẫn hơn với độc giả?
- Năm 2002, nhân một cuộc hội thảo về Vũ Trọng Phụng, Peter Zinoman sang Việt Nam, và lần này anh lại tìm thấy thêm một số tác phẩm trào phúng, cùng rất nhiều đánh giá về những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trên cả hai miền Nam-Bắc. Tôi đã giới thiệu những phát hiện mới này trong lần tái bản cuối tháng 9.
Dự định tới đây tôi sẽ kết hợp với Peter Zinoman làm một bản chính xác hóa tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Nguyên nhân bởi nhiều lý do, tác phẩm này đã bị thu hẹp lại, không đúng như nguyên bản. Chúng tôi sẽ tìm lại dựa trên nguồn báo chí hiện vẫn lưu trữ trong các thư viện.