Nhà Thơ Huy Cận
Tác giả: nhiều tác giả
Nhà thơ Huy Cận.
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận
Sau một thời gian bị bệnh nặng, mặc dù được các thày thuốc tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà thơ Huy Cận đã qua đời tại Hà Nội lúc 20h53 ngày 19/2, thọ 86 tuổi.
Ông tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31/5/1919, tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước. Ông đậu Tú tài Tây ở Huế, sau đó theo học và tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông Hà Nội (năm 1943).
Ngay từ thời kỳ còn trẻ ông đã thể hiện một tài năng thơ ca. Tập thơ đầu tay của ông có tên “Lửa thiêng” xuất bản năm 1940, đánh dấu sự có mặt của Huy Cận, một nhà thơ lớn của dân tộc suốt 65 năm qua.
Ông sớm giác ngộ cách mạng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã là đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I và đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 2, 7. Nhà thơ Huy Cận từng là thứ trưởng Bộ Văn hóa, bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam… Uy tín về quá trình hoạt động và sự nghiệp thơ ca của ông nổi tiếng trong nước và nước ngoài.
Huy Cận có những tập thơ chính: Lửa thiêng (1940), Kinh Cầu tự (1942), Vũ trụ ca (1943), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Những năm sáu mươi (1968), Cô gái Mèo (1972), Chiến trường gần chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975), Ngôi nhà giữa nắng (1978). Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa nghệ thuật đợt I, năm 1996.
Ông được xem là một trong những nhà thơ tiên phong của phong trào thơ mới và là cây đại thụ của nền thơ cách mạng Việt Nam.
Nhà thơ Huy Cận mất đi giữa những ngày giới văn học nghệ thuật đón chào xuân mới và chuẩn bị tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 3, là một tin buồn và mất mát lớn cho giới văn học nghệ thuật và thơ ca Việt Nam.
(Theo SGGP)