Chương 10
Tác giả: Arthur Hailey
Tại căn cứ Hackensack của bọn bắt cóc vào lúc bảy giờ 30 sáng thứ bảy, Miguel nhận được một lời nhắn qua điện thoại. Hắn đặt chiếc máy điện thoại vào căn phòng nhỏ ở tầng dưới của toà nhà chính mà hắn đã dành làm văn phòng và phòng ngủ cho mình.
Trong số sáu máy điện thoại lưu động mà cả bọn đã sử dụng có một chiếc được đánh dấu để nhận những cú điện thoại đặc biệt, số máy đó chỉ có những người gọi điện được biết. Miguel luôn giữ chiếc máy đó bên mình.
Người gọi điện thoại, theo như quy định, dùng một máy điện thoại công cộng để cảnh sát không thể lần theo dấu vết dù là từ nơi gọi hay từ nơi nhận điện.
Miguel đã được báo trước và hắn đã đợi cú điện thoại này suốt một tiếng đồng hồ qua. Hắn nhấc ống nghe lên ngay từ tiếng chuông đầu tiền và trả lời “Si?”.
Liền đó người gọi điện thử thách hắn bằng mật hiệu đã quy định trước.
“Tiempo?” Và Miguel đáp “Ralampago”.
Còn có một cách trả lời khác. Nếu câu trả lời của Miguel cho câu hỏi “Thời tiết thế nào?” Là “sấm” chứ không phải “Chớp”, thì nó sẽ có nghĩa là, vì bất cứ lý do gì, nhóm của hắn cần phải hoãn lại 24 giờ nữa. Còn “Relampago” có nghĩa là: “chúng tôi đã sẵn sàng đi. Hãy cho biết địa điểm và thời gian”.
Câu trả lời quyết định tiếp theo là: “Sombrero profundo sur hai nghìn”.
Sombrero có nghĩa là sân bay Teterboro cách đó khoảng hơn một dặm, profundo có nghĩa là cổng phía nam cuối sân bay. Những từ “hai nghìn” ám chỉ đến thời gian – 20.00 giờ hay 8 giờ tối, đó là lúc nạn nhân bị bắt cóc và những kẻ đi kèm họ sẽ lên chiếc máy bay đăng ký quốc tịch Colombia, chiếc Learjet 55 LR đã chờ họ ở đó. Chiếc Learjet 55, như Miguel được biết, là máy bay loại lớn với khoang bên trong rộng hơn loại Lear 20, 30 quen thuộc. Chữ LR là viết tắt của chữ Long Range (tầm xa).
Miguel đáp gọn lỏn “Lo Comprendo” và cuộc nói chuyện chấm dứt.
Lần này kẻ gọi điện là một nhân viên ngoại giao khác của Tổng lãnh sự quán Colombia ở New York; hắn đã trở thành một đường dây liên lạc kể từ khi Miguel đặt chân lên nước Mỹ cách đây một tháng. Cả nhân viên ngoại giao đoàn của Peru và Colombia đều có lẫn những tên nội gián, hoặc là đồng bọn của Sendero Luminoso, hoặc là tên ăn lương của nhóm Medellin, cũng có khi là của cả hai và đều bán mình cho những món tiền lớn do các ông hoàng thuốc phiện của châu Mỹ la tinh trả.
Sau khi trả lời điện thoại, Miguel đi khắp nhà thông báo cho đồng bọn, vì việc chuẩn bị đã sẵn sàng và mỗi tên trong nhóm đều biết cần phải làm gì. Đi kèm các nạn nhân trong quan tài trên chiếc Learjet sẽ là Miguel, Baudelio, Socorro và Rafael. Julio vẫn ở lại nước Mỹ sau đó, trở lại vẻ bề ngoài như trước kia và một lần nữa trở thành nhân viên chìm của nhóm Medellin. Carlos và Luis sẽ lặng lẽ rời khỏi đây trong vòng năm ngày tới và bay riêng từng người một sang Colombia.
Julio, Carlos và Luis còn có một nhiệm vụ nữa sau khi chiếc Learjet cất cánh, là phân tán những chiếc xe còn lại.
Miguel đã suy nghĩ khá nhiều xem nên làm gì với cái căn cứ Hackensack này. Đã có lúc hắn cân nhắc động tác cuối cùng, là châm lửa đốt toàn bộ căn nhà cùng với những chiếc xe. Tất cả các khu nhà đều đã cũ và nó sẽ bốc cháy như một cái lò sưởi, nhất là nếu có thêm xăng.
Nhưng một đám cháy có thể thu hút sự chú ý, nếu như cảnh sát điều tra thì trong đống tro có thể để lại những tang chứng. Vì thế ý định về một đám cháy bị huỷ bỏ.
Nếu cứ bỏ trống toà nhà, để nó nguyên như cũ thì việc bọn chúng sử dụng nơi này như môt nơi tập kết của vụ bắt cóc có thể sẽ không bị phát hiện ra trong nhiều tuần hay nhiều tháng, mà có thể là không bao giờ cả. Nhưng như vậy thì cần vứt bỏ những chiếc ô tô, lái chúng đi theo những hướng khác nhau đến một nơi khá xa rồi bỏ đó. Công việc này thực sự mạo hiểm, nhất là đối với những tên lái ba chiếc xe con, chiếc xe tải GMC và chiếc xe tang, nhưng Miguel cho rằng điều đó không nguy hiểm lắm. Ít ra, thì đó cũng là giải pháp mà hắn quyết định chọn.
Hắn đi tới chỗ Rafael trước tiên và bảo tên này “Chúng ta sẽ rời khỏi đây lúc 7 giờ 40 tối nay”.
Gã thợ máy khéo tay vóc người vạm vỡ đang ở trong toà nhà phụ chúng dùng làm nơi sơn xe, lầm bầm điều gì đó và gật đầu, ra vẻ thích thú với chiếc xe tải GMC mà hắn đã sơn lại ngày hôm trước. Chiếc xe tải máu trắng chuyển thành một màu đen tuyền với cái tên “Nhà táng thanh bình” bằng chữ vàng được kẻ rất cẩn thận ở hai bên thành xe. Chính Miguel đã ra lệnh đổi màu xe. Với vẻ hài lòng, hắn nói với Rafael “Tiếc quá, nó chỉ được dùng có một lần thôi”.
Gã đàn ông cao lớn quay lại, tỏ vẻ thoả mãn, một nụ cười hiện trên khuôn mặt đầy sẹo và hung ác của hắn. Miguel thầm nghĩ, một điều thật lạ lùng là Rafael có thể tỏ ra rất dã man khi hành động và cảm thấy một sự vui thích ma quỷ khi đánh đập hay giết người, còn những lúc khác lại xử sự như một đứa trẻ cần lời tán tụng.
Miguel chỉ tay vào máy biển số New Jersey mới của chiếc xe tải: “Những cái này cũng mới cả chứ?”.
Rafael lại gật đầu. “Đặt từ lần trước. Chưa được dùng lần nào và tôi cũng đã đổi những cái kia”.
Điều đó có nghĩa là cả năm chiếc xe còn lại giờ đây sẽ mang những biển số mà chưa ai nhìn thấy trong những lần theo dỗi ở Larchmont. Vì vậy việc lái những chiếc xe này đến nơi khác và vứt bỏ chúng sẽ an toàn hơn.
Miguel đi ra ngoài tới chỗ Julio và Luis lúc này đang đào một cái hố sâu trong bụi cây. Mặt đất hãy còn ướt vì trận mưa hôm qua và công việc tiến triển nặng nhọc, Julio dùng xẻng xắn đứt một nhánh rễ cây to, xù xì, nhìn thấy Miguel, hắn ngừng tay, đưa ống tay áo quệt ngang khuôn mặt ngăm đen ướt đẫm mồ hôi và văng tục: “Thật là một công việc chó mà, để cho trâu bò làm, chứ không phải cho người”.
Đáng lẽ văng lại một câu tục tĩu hơn, Miguel tự kiềm chiế mình. Vết sẹo xấu xí do bị dao đâm trên mặt Julio đang ửng đỏ, dấu hiệu của tính khí hung hăn của một con người đang muốn gây sự.
“Hãy nghỉ đi một chút”, Miguel nói cộc lốc, “Còn đủ thời gian, chúng ta sẽ đi khỏi đây lúc 7 giờ 40”.
Tranh cãi trong những giờ phút ít ỏi cuối cùng này là một sự lãng phí ngu ngốc. Ngoài ra, Miguel còn cần cần người đào cho xong cái hố mà chúng sẽ chôn tất cả các máy điện thoại lưu động và một số dụng cụ y tế mà Baudelio sẽ để lại.
Thực ra, việc chôn máy điện thoại không phải là một cách thu xếp lý tưởng và Miguel thích tống tất cả xuống một con sông sâu nào đó hơn. Nhưng tuy ở vùng New Jersey – New York có khá nhiều sông hồ, cơ may để làm một việc như thế mà không bị ai nhìn thấy là rất hiếm – nhất là với khoảng thời gian ít ỏi còn lại.
Khoảng tầm chiều hôm đó, khi cái hố đã được lấp kín, Julio và Luis gạt lá lên phía trên, không để lại dấu vết của những vật bên dưới.
Sau đó, Miguel đi tới chỗ Carlos đang ở trong một toà nhà phụ khác và đang đốt các thứ giấy tờ trong một cái lò sưởi bằng sắt. Carlos là một gã trai còn trẻ và được ăn học đến nơi đến chốn, chính hắn đã tổ chức việc theo dõi kéo dài một tháng trời, tìm hiểu và chụp ảnh tất cả khách khứa tới nhà Sloane, những tấm ảnh giờ đây đều đang làm mồi cho lửa.
Ki Miguel báo cho hắn việc ra đi tối nay, Carlos có vẻ như nhẹ nhõm hẳn. Căp môi mỏng mìm lại, hắn nói “Hay quá”. Rồi đôi mắt hắn lại trở về đăm chiêu như thường lệ.
Miguel đã hiểu được sự căng thẳng bao trùm lên tất cả mọi người trong 48 tiếng đồng hồ qua, đặc biệt là với Carlos, vì hắn hãy còn trẻ. Nhưng thật đáng khen, gã này đã biết tự kiềm chế và Miguel đã thấy trước rằng trong thời gian không xa Carlos sẽ chỉ huy nhóm khủng bố.
Một đống quần áo có vẻ như là của Rafael đang vứt lăn lóc cạnh lò. Cả Miguel, Rafael và Baudelio sẽ mặc comple đen trong suốt thời gian đi trên máy bay. Lường trước khả năng có một cuộc kiểm tra của chính phủ Mỹ, chúng sẽ đóng giả như những người đi đưa đám với một câu chuyện được dựng lên rất kỹ càng. Mọi cái khác đều vứt lại tất.
Miguel chỉ đống quần áo: “Đừng đốt cái của này nhiều khói lắm. Xem kỹ các túi, bỏ hết các thứ ra và bóc mác đi. Rồi đem chôn”. Hắn đưa tay chỉ về phía những tên đang đào “Bảo bọn kia kìa”.
“Được thôi”. Khi quay lại bên cái lò, Carlos nói: “Chúng ta nên có cả hoa nữa”.
“Hoa à?”.
“Một ít hoa trên quan tài chở trong xe tang, có thể là trên mấy cái xe kia nữa. Một gia đình sẽ phải làm như thế”.
Miguel tỏ vẻ lưỡng lự. Hắn biết Carlos nói đúng và đó cũng là điều mà chính hắn chưa nghĩ đến trong khi vạch kế hoạch cho việc ra đi khỏi nước Mỹ, trước hết là qua Teterboro, rồi bay trên chiếc Learjet tới sân bay Opa Locka, bang Florida, từ đó chúng sẽ bay thẳng sang Peru.
Lúc đầu, khi Miguel dự tính chỉ có hai người bị bắt, hắn đã định đi hai chuyến giữa ngôi nhà ở Hackensasck với sân bay Teterboro, mỗi lần chở một chiếc quan tài, mà cái xe tang cũng chỉ chở được có thế. Nhưng ba lần đi về với ba chiếc quan tài là quá nhiều và sẽ rất mạo hiểm; vì vậy Miguel đã định ra một kế hoạch mới.
Baudelio đã quyết định chở một chiếc quan tài trên chiếc xe tang tới Teterboro. Chiếc xe tải GMC được sơn lại với dòng chữ “Nhà táng thanh bình” sẽ chở hai chiếc kia.
Miguel biết: loại máy bay Lear 55 LR được chế tạo với một cửa khoang hàng hoá có đủ chỗ để đưa hai chiếc quan tài vào. Còn quan tài thứ ba sẽ khó khăn, nhưng hắn tin chắc là có thể làm được.
Vẫn mang trong đầu ý định của Carlos, Miguel ngẫm nghĩ: việc có thêm hoa sẽ làm cho câu chuyện bịa của bọn chúng có sức thuyết phục hơn ở sây bay Teterboro, bọn chúng sẽ phải đi qua phòng kiểm tra an nhinh của sân bay. Cũng có thể sẽ có thêm cảnh sát bổ sung vì vụ bắt cóc đã được thông báo và chắc hẳn là quan tài cũng như những thứ bên trong đó sẽ được hỏi đến. Có thể sẽ có những giờ phút gay cấn như vậy, mà như Miguel đã thấy trước, sân bay Teterboro sẽ là nơi chủ chốt mở đầu cho sự ra đi an toàn của bọn chúng. Tại sân bay Opa Locka, từ đó chúng sẽ thực sự rời khỏi nước Mỹ, hắn cho rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Miguel quyết định mạo hiểm một chút lúc này để tránh một cái gì đó lớn hơn. Hắn gật đầu “Ừ, hoa cũng được”.
“Tôi sẽ lấy một chiếc xe” Carlos nói. “Tôi biết chỗ bán hoa ở Hackensack này. Tôi sẽ rất cẩn thận”.
“Lấy chiếc Plymouth mà đi”. Chiếc xe này đã được sơn lại màu xanh xẫm và mang biển số mà trước đây chưa được dùng lần nào, như Rafael đã nói.
Sau khi rời chỗ Carlos, Miguel đi tìm Baudelio. Hắn thấy Baudelio và Socorro trong căn phòng lớn trên tầng của ngôi nhà, lúc này trông giống như phòng bệnh viện. Baudelio, trông giống như một bệnh nhân, đã quấn băng suốt nửa mặt bên phải của hắn, che kín những mũi khâu ở vết rạch điên loạn mà Jessica đã gây ra.
Thường ngày Baudelio đã có vẻ hốc hác, vàng vọt và quá già so với tuổi của hắn, nhưng hôm nay trông hắn lại càng thảm hại hơn nữa. Mặt hắn trắng bệch và mỗi cử động đều rõ ràng là rất khó khăn. Nhưng hắn vẫn tiếp tục chuẩn bị cho việc ra đi, và khi Carlos báo cho hắn biết thời gian bảy giờ 40 tối nay, Baudelio đáp “Chúng tôi sẽ sẵn sàng”.
Trước sự thúc giục của Miguel, viên cựu bác sĩ đã khẳng định rằng một ngày rưỡi thí nghiệm với loại thuốc porofol đã cho hắn biết liều lượng cần phải tiêm cho mỗi kẻ bị bắt để có được trạng thái bất tỉnh trong những khoảng thời gian nhất định. Khi các “bệnh nhân” bi bỏ không được chăm sóc và kiểm tra trong quan tài đậy kín.
Khoảng thời gian nhịn đói bắt buộc đối với cả ba – 56 tiếng đồng hồ tính từ lúc ra đi – cũng là thoả đáng. Sẽ không có nôn mửa cũng như không có ai hít vào phổi, vì để đề phòng trường hợp nạn nhân tắc thở hay nghẹn thở Baudelio đã đặt thêm một ống dẫn khí trong họng mỗi người và thân người sẽ đặt nằm nghiêng trước khi quan đóng nắp. Trong khi đó, họ được tiếp chất lỏng vào tĩnh mạch để tránh bị mất nước. Từ những túi trong suốt đựng gluco đặt bên sườn mỗi người, những ống chảy nhỏ giọt dẫn thẳng vào mạch máu ở bàn tay họ.
Miguel dừng lại, nhìn xuống ba cái thân người. Họ có vẻ hiền lành, gương mặt họ đầy vẻ yên bình. Người đàn bà cũng khá đẹp, hắn nghĩ, sau này, nếu thời cơ thuận lợi, hắn có thể sử dụng thể xác của cô ta. Ông già trông rất đường hoàng, như một người lính già đang yên nghỉ, mà theo như nguồn tin mới nhất, ông ta cũng đã từng là lính. Thằng bé có vẻ yếu đuối, khuôn mặt gầy gò, có lẽ việc nhịn đói bắt buộc đã làm cho nó yếu đi, điều đó cũng không có gì nghiêm trọng chừng nào nó còn sống sót khi đến được Peru - như hắn đã hứa với Sendero Luminoso. Cả ba người đều xanh xao, trên má họ chỉ còn một chút sắc khi, nhưng họ vẫn còn thở. Cảm thấy hài lòng, Miguel quay đi.
Những chiếc quan tài để đặt ông Angus, Jessica và Nicky vào trước khi bọn chúng đến sân bay Teterboro được đặt nằm ngang trên những bộ mễ, Miguel biết rằng mỗi chiếc quan tài đã được khoan một loạt những lỗ thông hơi nhỏ vì hắn đã quan sát Rafael làm công việc đó dưới sự hướng dẫn của Baudelio. Chúng sẽ hút không khí vào mặc dù hầu như không thể nhìn thấy.
“Cái gì đây?” Miguel chỉ vào một cái bình đựng những tinh thể đặt cạnh mấy chiếc quan tài.
“Hạt vôi có sôđa đấy”, Baudelio trả lời. “Để rải xung quanh ở bên trong, chúng sẽ hút khí cacbon đioxit từ cơ thể thở ra. Sẽ có thêm môt xylanh bơm ôxi vào có thể điều khiển được từ bên ngoài.
Chợt nhớ ra rằng trong giờ phút khó khăn sắp tới, tay nghề của Baudelio sẽ rất quan trọng đối với cả bọn, Miguel hỏi “Còn gì nữa không?”.
Viên cựu bác sĩ chỉ tay vào Socorro “Cô hãy nói cho ông ấy. Cô sẽ cùng làm với tôi”.
Socorro đang ngồi theo dõi và lắng nghe, vẻ mặt cô ta vẫn khó hiểu như thường lệ. Miguel vẫn còn thắc mắc trong đầu về sự tham gia vào toàn bộ phi vụ này của Socorro, nhưng hôm nay, hắn cảm thấy bị kích thích bởi thân hình khêu gợi, những cử động đầy vẻ khiêu khích của cơ thể và bản năng giới tính rõ rệt của cô ta. Như thể đọc được những ý nghĩ trong đầu hắn, trong giọng nói của cô ta có một vẻ chế nhạo.
“Nếu có người nào cần đi giải, ngay cả khi bất tỉnh, họ có thể cựa quậy và gây ra tiếng ồn. Vì vậy trước khi đóng nắp lại” – Socorro chỉ tay về phía mấy chiếc quan tài – “bọn tôi sẽ lắp các mạch dẫn. Đó là các ống dẫn từ các bộ phận bài tiết. Hiểu chưa?”.
Miguel nói với vẻ phật ý “Tôi cũng biết mạch lý học đấy”. Suýt nữa thì hắn nói với Socorro rằng cha hắn cũng là một bác sĩ, may hắn tự khiềm chế được. Một giây phút yếu đuối, ảnh hưởng của đàn bà đã suýt nữa làm hắn để lộ những chi tiết về quá khứ của hắn, một điều mà hắn không bao giờ làm.
Thay vào đó hắn hỏi Socorro: “Khi nào cần, cô khóc được chứ?”.
Đó là một phần của kế hoạch đã định, cô ta cũng sẽ là một người đi đưa đám khóc lóc.
“Được”.
Baudelio nói thêm với một niềm tự hào nghề nghiệp mà hắn ít khi để lộ ra: “Tôi sẽ cho một ít hạt tiêu xay nhỏ vào mí mắt dưới của cô ấy. Cả tôi cũng vậy. Nước mắt sẽ tuôn ra và sẽ chảy cho đến lúc nào hết hạt tiêu thì thôi”. Hắn nói với Miguel: “Nếu anh thích tôi sẽ làm cả cho anh nữa”.
“Để rồi xem”.
Baudelio đã hoàn tất những công việc cơ bản. “Cuối cùng, trong cả ba chiếc quan tài sẽ có những chiếc máy điện tâm đồ nhỏ xíu ghi lại nhịp thở và độ thuốc gây mê. Tôi sẽ có cách nối để theo dõi từ bên ngoài. Việc tiêm propofol cũng có thể được thực hiện từ bên ngoài”.
Xem xét lại cuộc nói chuyện, và mặc dù đã có những sai lầm trước đó, Miguel thấy hài lòng là Baudelio biết việc hắn phải làm. Cả Socorro cũng vậy.
Bây giờ vấn đề chỉ còn chờ cho qua ngày. Những giờ phút tiếp theo đó tưởng chừng như kéo dài vô tận.