watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bản Tin Chiều-Chương 9 - tác giả Arthur Hailey Arthur Hailey

Arthur Hailey

Chương 9

Tác giả: Arthur Hailey

Norman Jaeger hỏi: “Anh có cho rằng Teddy Cooper sẽ tìm ra cái gì đó không?”.
“Tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vì trước đến nay anh ta luôn thành công”. Partridge đáp.


Lúc này là đã sau 10 giờ 30 và họ đang đi về phía nam trên đường Broadway, gần công viên Trung tâm. Cuộc gặp ăn tối đã kết thúc trước đó mười lăm phút, ngay sau khi đưa ra ý kiến là trụ sở của bọn bắt cóc nằm trong bán kính hai mươi lăm dặm tính từ Larchmont.


Mọi người tin chắc rằng những kẻ bắt cóc và nạn nhân của họ hiện đang ở trong sào huyệt của bọn cướp, bọn chúng sẽ nằm im cho tới khi những cuộc điều tra ban đầu lắng xuống và những vụ kiểm soát giao thông giảm đi hoặc bỏ hẳn – cả hai chuyện này sẽ sớm xảy ra. Rồi cả băng và những nạn nhân sẽ chuyển tời một nơi xa hơn, có lẽ là ở trong nước Mỹ, mà có thể ở ngoài nước Mỹ.


Lập luận của Cooper đã được mọi người xem xét một cách nghiêm túc. Theo lời của Rita Abrams thì điều này cho tới giờ cũng hợp lý như mọi điều khác.


Nhưng Karl Owens nói “Các bạn đang bàn về một khu vực khổng lồ, dân cư đông đúc, và không có cách nào tìm kiếm có hiệu quả được, kể cả huy động quân đội”. Ông ta nói thêm, nhằm châm chọc Cooper “Trừ phi anh có một ý kiến sáng suốt khác bất ngờ vọt ra”.
“Ngay bây giờ thì không” Cooper đáp. “Tôi cần làm một giấc đã. Rồi có thể là tôi sẽ có như anh đã có nhã ý nói với tôi – một cái gì đó “sáng suốt” vào buổi sáng”.


Họ chấm dứt cuộc tranh luận tại đó, và dù hôm sau là thứ bảy, Partridge vẫn triệu tập một cuộc họp ban đặc nhiệm khác vào lúc 10 giờ sáng. Còn tối nay, hầu hết mọi người trong nhóm tản về các ngả bằng taxi, còn Partridge và Jaeger muốn thưởng thức không khí ban đêm nên đã quyết định đi bộ về khách sạn.


“Anh kiếm được cái cậu Cooper ở đâu vậy?” Jaeger hỏi.
Partridge kể cho anh ta nghe việc phát hiện ra Teddy ở hãng BBC, có thiện cảm với cách làm việc của anh ta và sau đó tìm cho anh ta một công việc khá hơn ở hãng CBA.
“Một trong những việc đầu tiên anh ấy làm cho chúng tôi ở London,” Partridge kể tiếp, “là vào năm 1984, lúc Hồng Hải đang bị gài mìn. Rất nhiều tàu bè bị nổ tung và bị đắm ở khắp nơi, nhưng không ai biết kẻ khốn kiếp nào đã dặt mìn. Nhớ không?”.


“Nhớ quá đi chứ”, Jaeger nói. “Iran và Libya là những kẻ bị nghi vấn đầu tiên, nhưng không ai biết gì hơn. Rõ ràng là có một con tàu đang làm cái công việc bất nhân đó, nhưng không ai biết con tàu nào và nó thuộc về ai”.


Partridge gật đầu, “Thế là Teddy bắt đầu điều tra và đã dành thời gian hết ngày này qua ngày khác tại khu Lloyd ở London, kiên nhẫn đọc biên bản hoạt động của các loại tàu bè. Anh ta tin chắc rằng bất cứ loại tàu gì dùng để đặt mìn cũng phải đi qua kênh đào Suez. Vậy là anh ta lập danh sách tất cả các loại tàu đã đi qua Suez từ khi các vụ nổ mìn bắt đầu – và có cơ man nào là tàu. Rồi Teddy theo dõi hoạt động liên tục của mỗi một con tàu có tên trong danh sách đó: nó đi từ cảng nào tới cảng nào, so sánh những hoạt động này với những ngày có vụ nổ mìn ở các khu vực riêng biệt. Cuối cùng – tôi nói có nghĩa là sau một cuộc tìm kiếm lâu, rất lâu – anh ấy tìm ra tên một con tàu, Ghat. Nó đã có mặt ở tất cả những nơi những con tàu khác va phải mìn, và lần nào nó cũng tới trước một hoặc hai ngày. Gặp những trường hợp bế tắc như vậy mà Teddy vẫn phát hiện ra”.


Partridge nói tiếp “Như hiện nay ta đã biết, con tàu đó thuộc về Libya và khi tên của nó được tìm ra thì chẳng bao lâu người ta có đủ chứng cứ là Qaddaphi đứng đằng sau tất cả những vụ đó”.
Jaeger trầm ngâm một lát, rồi nói: “Cooper hãy còn là một cậu bé con. Họ đều còn quá trẻ. Việc này đã trở thành công việc của trẻ con. Họ có năng lực và trí thông minh. Anh có những ngày tháng giống như tôi khi anh bắt đầu có cảm giác mình già không?”.
Partridge nhăn mặt “Chỉ gần đây, thì rất hay thế”.


Họ đã đi tới vòng cung Colombia, phía bên trái là bóng tối khủng khiếp của Công viên Trung tâm, nơi rất sit dân New York dám mạo hiểm bước chân vào lúc đêm khuya. Ngay trước mặt họ là phố Năm mươi chín phía Tây, bên trên nó là ánh sáng rực rỡ của khu trung Manhattan, Partridge và Jaeger thận trọng đi ngang qua một chỗ quần tụ những cột đèn cao áp và những dòng xe cộ cuồn cuộn quanh họ.
“Anh và tôi đã thấy bao nhiêu thay đổi trong công việc” Jaeger nói “tôi đoán rằng may ra chúng ta còn làm việc được ít lâu nữa”.
Partridge hỏi: “Vậy anh nghĩ điều gì sắp xảy đến?”.


Jaeger đắn đo trước khi trả lời: “Đầu tiên tôi sẽ nói điều tôi thấy không xảy ra, là các hãng tin sẽ không biến mất hoặc thay đổi gì nhiều lắm, cho dù có một số tiên đoán tàn bạo. Có lẽ hãng CNN sẽ chuyển lên hàng đầu – hãng này có được mạng lưới mạnh cho nên điều cần thiết là chất lượng. Nhưng điều quan trọng là ở ngoài có một sự đòi hỏi tin tức, sự đòi hỏi lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử và so với bất cứ nước nào”.
“Vô tuyến truyền hình đã gây ra sự đòi hỏi đó”.
“Quá đúng! Hơn nữa, cho dù vẫn có những nhược điểm tin tức của vô tuyến truyền hình, khiến cho người ta cảm thấy đói tin và muốn biết nhiều hơn nữa. Đó là tại sao mà báo chí vẫn tồn tại mội ngày một mạnh mẽ hơn như vậy”.
“Tôi không chắc là họ có biết ơn chúng ta không”. Partridge nói.
“Có thể họ không hàm ơn chúng ta, nhưng họ chú ý tới chúng ta. Don Hewitt của hãng CBS nói rằng tờ New York Thời báo có số lượng nhân viên dành toàn bộ thời gian cho hãng vô tuyến gấp bốn lần số phóng viên của họ đưa tin ở Liên hợp quốc. Và rất nhiều chuyện họ viết là về chúng ta, về tin truyền hình, về nhân viên của ta, về những việc chúng ta làm”.
“Thử nhìn ngược lại xem”, Jaeger nói tiếp. “Đã khi nào có một chuyện gì về tờ thời báo được đưa lên truyền hình chưa? Cũng tương tự như vậy với tất cả các báo in còn lại. Thế là anh sẽ tự hỏi, người ta cho loại phương tiện thông tin gì là quan trọng nhất”.
Partridge cười: “Màu sắc đói với tôi là quan trọng”.
“Màu sắc!” Jaeger vớ ngay lấy từ đó “Đó lại là một khía cạnh khác mà truyền hình đã làm thay đổi. Báo chí bây giờ ngày càng giống như màn hình hơn – bắt đầu từ tờ USA Ngày nay. Anh và tôi, Harry ạ, sẽ thấy trang nhất của tờ Thời báo New York in bằng bốn màu. Công chúng sẽ đòi hỏi điều đó và tờ Thời báo xám xịt cũ kỹ sẽ phải chú ý đến các bài viết của báo chí điện tử”.
“Tối nay sao anh chỉ có toàn những điều thô thiển” Partridge nói. “Anh còn thấy trước điều gì nữa?”.
“Tôi đang thấy các tờ tuần báo biến mất dần. Chúng là những con khủng long. Khi tờ Time và tờ Newsweek đến tay người đặt, phần nhiều các sự việc được đưa tin đã xảy ra một tuần hoặc mười ngày trước đó, mà ngày nay có ai muốn đọc những tin đã ôi nữa? Vô tình tôi đã nghe được những nhà quảng cáo đặt vấn đề tương tự”.
Họ đã đi tới đường Parker-Meridien nằm ở phố Nam mươi bảy phía Tây, nơi Jaeger ở. Partridge thích khách sạn Inter-Continental nằm ở phía Bốn mươi tám phía Đông, nơi mà anh cho là ấm cúng hơn.
“Chúng ta là những con chiến mã già rồi, Harry ạ” Jaeger nói, “Mai nhé. Họ bắt tay tạm biệt nhau.



* * *



Nửa giờ sau, nằm trong giường với rất nhiều báo chí mua trên đường vè khách sạn, Partridge bắt đầu đọc. Nhưng một lúc sau những dòng chữ mờ dần đi, và anh đẩy những tờ báo sang một bên. Anh sẽ đọc lướt qua vào sáng mai cùng với những tờ mới xuất bản sẽ được đem đến vào lúc ăn sáng.


Nhưng giấc ngủ vẫn không đến với anh một cách dễ dàng. Quá nhiều chuyện đã xảy ra trong ba mươi sáu giờ trước đây. Đầu óc anh tràn ngập như một ống kính vạn hoa đầy những sự kiện, ý nghĩ, trách nhiệm, tất cả đan chéo vào những ý nghĩ về Jessica, quá khứ, hiện tại… kỷ niệm trổi dậy…


Jessica giờ đang ở đâu? Liệu Teddy nói rằng chỉ trong vòng hai mươi lăm dặm có đúng chăng? Liệu có một cơ hội gì đó khiến anh có thể thành công trong việc chỉ huy một đội quân kiếm tìm và giải phóng người tình cũ của mình?


Thôi không nghĩ vơ vẩn nữa! Để dành những ý nghĩ về Jessica và những người khác đến mai. Anh cố xua đuổi mọi ý nghĩ và nghỉ ngơi, hoặc ít nhất là cũng nghĩ về một điều gì khác.


Nhưng một điều gì khác lại là Gemma… mối tình lớn khác trong đời anh.
Ngày hôm qua, trong cuộc hành trình từ Toronto, anh đã làm sống lại chuyến bay của Toà thánh đầy kỷ niệm:


Chiếc DC-10 Alitalia của hãng… khoang báo chí và cuộc gặp Giáo hoàng… quyết định của Partridge không dùng chữ “nô lệ” mà Giáo hoàng thốt ra đã được Gemma thưởng cho một bông hồng… bắt đầu của niềm say mê lẫn nhau của họ…


Không còn tránh được dòng suy tưởng về Gemma, vì anh đã tránh quá lâu, anh bắt đầu nhớ lại từ chỗ anh dừng lại ngày hôm trước…


Chuyến du hành của Toà thánh, qua vùng Trung Mỹ và vịnh Caribe khá dài và vất vả. Đó là một trong những chuyến đi mang nhiều ý định của Giáo hoàng. Hành trình qua tám nước và những chuyến bay dài, có khi bay cả ban đêm.


Ngay sau cuộc trò chuyện đầu tiên, Partridge rất muốn hiểu Gemma rõ hơn, nhưng nhiệm vụ đưa tin về hãng chỉ dành cho anh rất ít thời gian gặp gỡ cô mỗi khi máy bay dừng. Tuy nhiên họ đã biết về nhau nhiều hơn và đôi khi máy bay đang bay và Gemma không còn bận rộn lắm, cô đã xuống ngồi cạnh anh. Không bao lâu họ đã bắt đầu cầm tay nhau và một lần, trước khi chia tay cô đã nghiêng người về phía anh và họ đã hôn nhau.


Khi điều đó xảy ra, lòng ham muốn vốn đã mạnh mẽ của anh giành cho cô cũng tăng lên.
Họ tìm mọi cách để nói chuyện với nhau và anh dần dần biết về gia đình cô.


Gemma ra đời tại vùng Tuscany, là con út trong ba cô con gái, sống trong một thành phố vùng núi đông người lui tới tên là Vallombrosa, cách Florence không xa lắm. Đó không phải là nơi thời thượng giành cho những người giàu có lui tới, Harry ạ, nhưng rất đẹp.
Cô kể cho anh nghe rằng Vallobrosa là một bến cảng giành cho giới trung lưu tới đó nghĩ hè. Cách đó một dặm là Il Paradisino nơi trước đây John Milton dã sống và theo lời truyền tụng thì tại đây ông đã tìm ra cảm hứng cho trường ca Thiên đường đã mất.
Bố của Gemma là một nghệ nhân tài năng, ông kiếm được khá nhiều tiền nhờ việc phục chế tranh cổ và bích hoạ; ông thường xuyên làm việc tại Florence. Mẹ cô là một giáo viên dạy nhạc. Nghệ thuật và âm nhạc là một sự kết hợp của cuộc sống gia đình cô tiếp tục là một phần của cuộc đời cô.


Cô bắt đầu làm việc ở hãng Alitalia ba năm trước đây, “Em muốn xem thế giới. Em không có cách nào khác để đạt được điều đó”.
Partridge hỏi: “Theo cách này, em có xem được nhiều không?”.
“Một vài nơi. Không nhiều như em muốn và em bắt đầu mệt vì cái nghề hầu phòng trên trời này rồi”.
Anh cười: “Em hơn hẳn một chiêu đãi viên hàng không nhiều lắm. Nhưng em hẳn đã gặp nhiều người”. Tim anh nhói lên nỗi ghen tuông, anh nói thêm: “Nhiều chàng lắm phải không?”.
Gemma nhún vai: “Hầu hết bọn họ em đều không muốn gặp lại bên ngoài máy bay”.
“Nhưng còn những người khác?”.
Cô mỉm cười, cái nụ cười rạng rỡ, rất riêng của cô. “Em chưa từng thích ai như anh”.
Điều đó được nói ra một cách đơn giản và Partridge, một người hoài nghi chuyên nghiệp, không hiểu là có phải mình đã ngây thơ và ngu ngốc khi tin cô chăng. Rồi anh nghĩ “Tại sao mình lại không tin khi mình cũng cảm thấy đúng hệt như vậy, khi không có người nào khác từ khi mất Jessica đến nay lại gây cho mình một tình cảm như Gemma?”.


Anh linh cảm rằng cả hai đều thấy cuộc hành trình đang trôi qua quá nhanh. Còn quá ít thời gian. Vào cuối cuộc hành trình có thể họ sẽ chia tay nhau, không bao giờ còn nhìn thấy nhau nữa.
Có lẽ vì linh cảm thấy thời gian đang trôi đi mất, nên vào một đêm đáng ghi nhớ khi các ánh đèn trong cabin đã tắt và hầu hết mọi người đã ngủ, Gemma cuộn tròn bên cạnh anh và, dưới một tấm chăn, họ ân ái với nhau. Trong khuôn khổ của một khoang ba chỗ ngồi của khách du lịch, đáng lẽ họ phải cảm thấy rất bất tiện nhưng lại không hề cảm thấy như vậy, và anh luôn luôn nhớ đến đêm hôm đó giữa bao kỷ niệm đẹp của đời anh.


Ngay sau cuộc tình tứ của họ - trong cơn bốc đồng, và nhớ lại chuyện anh đã mất Jessica vì do dự - anh thì thầm: “Gemma, em sẽ lấy anh chứ?”.


Cô cũng thì thầm “Ồ, anh yêu của em, dĩ nhiên là em sẽ”.
Nơi đỗ tiếp theo đó là ở Panama. Vẫn hạ giọng, Partridge nêu ra các câu hỏi và dự tính trong khi Gemma cười dịu dàng, tinh nghịch, đồng ý với tất cả mọi thứ.
Rạng sáng họ hạ cánh xuống sân bay Torumen của Panama. Giáo hoàng bước ra và, đúng như một diễn viên lão luyện mà trước kia Người đã có thời làm, nhẹ nhàng hôn lên mặt đất lúc vô số ống kính quay phim đang chiếu vào mình. Sau đó, các nghi lễ đúng quy chuẩn bắt đầu.


Trước khi máy bay hạ cánh, Partridge đã nói chuyện với chủ nhiệm hiện trường và đội quay phim của anh nhờ họ quay mọi hoạt động của Giáo hoàng trong vài giờ anh vắng mặt. Anh sẽ trở lại để soạn lời và cùng biên tập cho bản tường thuật Bản tin chiều Toàn quốc thường lệ. Giờ của Panama chỉ chậm hơn ở New York có một tiếng đồng hồ, nên vẫn còn đủ thời gian.


Tuy rất tò mò, các đồng sự của anh ở hãng CBA không hỏi han gì hết, dù Partridge biết rằng quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa anh và Gemma không phải là không ai biết.
Anh cũng gặp cả phóng viên của tờ Thời báo New York cùng đi trên chuyến bay, tình cờ lại là Graham Broderick, để hỏi xem anh chàng này có thể cho anh xem mọi điều kiện tờ ghie chếp được ngay hôm đó không. Nhướn đôi lông mày lên vẻ trêu ghẹo, Broderick đồng ý liền. Các nhà báo thường có mối quan hệ làm ăn như vậy, vì sẽ có lúc bản thân họ cần được giúp đỡ.


Trong khi những người khác ra khỏi máy bay, Partridge lui lại. Anh không biết Gemma giải thích như thế nào với người phụ trách của cô nhưng cô đã theo anh rời khỏi chiếc DC-10. Gemma vẫn mặc bộ đồng phục của hãng hàng Alitalia, bắt đầu giải thích cho anh rằng cô không có cách nào để thay bộ đồ khác cả, nhưng anh đã ngắt lời cô và nói: “Em có như thế nào thì anh yêu em như thế”.
Cô quay lại nhìn thẳng vào mắt anh, vẻ rất nghiêm túc: “Thật chứ Harry?”.
Anh chậm rãi gất đầu “Thật”.
Họ nhìn vào mắt nhau và cả hai có vẻ hài lòng với điều họ đã thấy.
Ở toà nhà sân bay, Partridge rời khỏi Gemma trong phút chốc. Anh đi đến một phòng hướng dẫn du lịch, vội vã hỏi han gì đó với một chàng trai trẻ mặt đầy trứng cá đứng đằng sau quầy. Chàng trai trẻ cười rất điệu, bảo với anh rằng anh cùng với phu nhân phải đi tới lasbo-vedas, cạnh tường thành cổ ở Quảng trường nước Pháp. Ở đó anh có thể tìm thấy toà thị chính.
Chừng 20 phút sau đó bên trong bức tường cổ và đứng trước mặt công chứng viên trong một văn phòng trang hoàng lộng lẫy mà trước kia là một khám tù, Harry Partridge và Gemma Baccelli trở nên vợ chồng. Trong năm phút làm lễ ông công chứng viên mặc chiếc áo quay-abera bằng vải, ký giấy chứng nhận hôn thú trị giá 25 đôla và Partridge trả cho hai viên thư ký đã làm người chứng kiến mỗi người 20 đôla.
Cô dâu và chú rễ được thông báo rằng những thể thức phụ về việc đăng ký hôn thú của họ là không bắt buộc và trên thực tế là không cần thiết cho đến khi nào họ trở lại để ly hôn.
“Chúng tôi sẽ đăng ký”, Partridge nói, “và chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại”.
Cuối cùng với vẻ không lấy gì làm tin tưởng lắm ông công chứng viên chúc họ một cuộc hôn nhân hạnh phúc mãi mãi. Họ có cảm giác rằng ông ta đã nói câu ấy nhiều lần trước đây.
Ngay cả lúc đó và sau này nữa, Partridge tự hỏi tại sao Gemma đã không ngần ngại khi chấp nhận một nghi lễ thông thường trái với tôn giáo của cô. Cô sinh ra trong gia đình theo Thiên chúa giáo và khi còn nhỏ theo lời cô kể với anh, cô đã theo học ở trường dòng. Nhưng một lần anh hỏi chuyện đó, cô chỉ nhún vai và nói: “Chúa sẽ hiểu”. Anh giả thiết rằng đó là tính chất bất cần mà đa số người Italia mang trong mình về tôn giáo. Có lần anh còn nghe một người nào đó nói rằng người Italia luôn luôn cho rằng Chúa cũng là người Italia nốt.


Tất nhiên là toàn thể du khách trên chuyến bay của Toà thánh đều biết tin về cuộc hôn lễ này. Trong khoang báo chí, sau khi cất cánh khỏi Panama, một bữa tiệc mừng đã được tổ chức, mọi người say sưa với rượu sâm banh, rượu mạnh và món trứng cá. Tranh thủ những khoảng thời gian cho phé, những người phụ trách và phi hành đoàn cũng tham gia, họ bảo Gemma là cô được nghỉ suốt ngày hôm đó. Cả viên phi công của chiếc Alitalia cũng rời chiếc máy bay trong khoảnh khắc để tới chúc mừng hai vợ chồng trẻ. Giữa cuộc chè chén say sưa và những lời chúc tụng tốt đẹp, Partridge cảm thấy một số người rất hoài nghi cuộc hôn nhân có thể tồn tại lâu dài, nhưng một số người có mặt ở đó lại tỏ vẻ ghen tị.


Cũng đáng chú ý, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên là không có ai đại diện cho giới giáo chức tới dự tiệc, và trong suốt thời gian còn lại của chuyến đi Partridge thấy rõ sự lạnh lùng và không tán thành của ho. Việc giáo hoàng có biết chuyện đã xảy ra hay không thì không ai trong số các nhà báo biết được, cho dù họ đã điều tra.

Tuy nhiên trong chuyến bay đó giáo hoàng không tới khoang báo chí lần nào nữa.


Trong căn phòng khách sạn ở New York… từ từ, buồn bã, … hinh ảnh của Gemma nhạt nhoà dần. Hiện tại đã thế chỗ của quá khứ. Cuối cùng quá mỏi mệt, Harry Partridge ngủ thiếp đi.
Bản Tin Chiều
Phần một - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Phần II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Phần III - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Phần IV - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20