watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bản Tin Chiều-Chương 4 - tác giả Arthur Hailey Arthur Hailey

Arthur Hailey

Chương 4

Tác giả: Arthur Hailey

Tối hôm đó, trong nơi ẩn náu của nhóm Medellin tại Hackensack, Miguel vặn máy thu thanh nghe một đài phát thanh toàn tin tức. Cùng với vài tên khác, hắn còn theo dõi tin truyền hình qua chiếc vô tuyến xách tay, liên tục chọn các chương trình thời sự đang đưa tin về vụ bắt cóc thân nhân Sloane.
Cho dù có sự quan tâm sâu sắc, rõ ràng là cho đến nay người ta hầu như chưa biét điều gì về lai lịch và động cơ của bọn bắt cóc. Ngay cả các nhà thi hành luật pháp cũng chẳng biết gì về con đường bọn chúng tẩu thoát hoặc bất kỳ địa danh cụ thể mà lũ bắt cóc và nạn nhân của họ đang trú ngụ. Một số tin cho rằng họ có thể ở cách New York khá xa. Những tin khác lại đưa ra chứng cớ là một số xe ô tô khả nghi đã bị giữ lại ở các trạm kiểm soát trên đường ở mãi tận các bang Ohio, Virginia và biên giới Canada. Kết quả là cảnh sát đã bắt giữ nhiều tội phạm nhưng không tên nào dính dáng đến vụ bắt cóc những người trong gia đình Sloane.
Những mô tả về chiếc xe Nissan chở khách mà mọi người tin rằng lũ bắt cóc đã sử dụng vẫn còn tiếp tục lan truyền. Điều đó có nghĩa là chiếc xe do Carlos bỏ lại tại White Pleins chưa bị phát hiện. Carlos đã trở về Hackensack an toàn cách đây mấy tiếng.
Miguel và đồng bọn có cảm giác khoan khoái, mặc dù bọn chúng biết rằng lực lượng cảnh sát trên khắp khu vực Bắc Mỹ đang truy lùng chúng và sự an toàn của chúng chỉ là tạm thời. Đề phòng những mối nguy hiểm còn đang đe doạ, Miguel đã bố trí canh phòng nghiêm ngặt. Ngay giờ đây Luis và Julio đang đi tuần bên ngoài cùng với những khẩu súng tiểu liên Beretta, luôn ẩn trong bóng tối của khu nhà chính và các khu phụ.
Miguel biết rằng nếu người ta phát hiện ra nơi ẩn náu của chúng và nếu cảnh sát dùng vũ lực xông vào, thì rất ít cơ hội cho bất cứ ai trong lũ chúng thoát được. Trong trường hợp đó, thì những mệnh lệnh chủ yếu phải được tuân thủ không một nạn nhân bị bắt cóc nào còn sống mà trở về cả. Điều thay đổi duy nhất đối với lệnh đó là ba nạn nhân chứ không phải là hai.
Trong số những bản tin truyền hình trên mọi hệ thống mà hắn đang xem, Miguel quan tâm nhất tới bản tin tối của hãng CBA. Hắn thấy khoái chí vì Crawford Sloane không còn giữ vị trí phát thanh viên thường lệ nữa – thay thế vị trí này là một gã tên là Partridge mà Miguel mơ hồ nhớ là đã gặp ở đâu đó. Tuy nhiên Sloane đã trả lời phỏng vấn truyền hình và xuất hiện trên một cuộc họp báo vừa mới được tở chức.
* * *
Đông đảo phóng viên báo chí, truyền hình và phát thanh đã dự cuộc họp báo này, cùng với đội quay phim và ghi âm. Cuộc họp báo được tổ chức tại một toà nhà khác của hãng CBA, cách trụ sở phát tin một khu nhà. Trong một phòng bá âm, người ta vội vã đưa ghế xếp vào, mọi ghế đều chật kín, nhiều người phải đứng.
Không có sự giới thiệu theo nghi thức và Crawford Sloane bắt đầu bằng một lời phát biểu ngắn gọn. Anh bày tỏ nỗi kinh ngạc và niềm lo lắng, rồi kêu gọi giới báo chí và công chúng xem có tin gì có thể giúp anh tìm ra nơi vợ, con trai và cha anh đang bị giữ cùng những kẻ giữ họ. Anh thông báo rằng trung tâm điện thoại của hãng CBA với đường dây Wats đã được thiết lập để nhận thông tin. Trung tâm này có những kỹ thuật viên và một giám sát viên điều khiển.
Một giọng nói phản đối: “Thế nào cũng chỉ có những tin vớ vẩn thôi!”.
Sloane trả lời: “Chúng tôi phải sử dụng mọi cơ may. Tất cả chúng tôi cần là một tin xác thực. Nhất định một ai đó, ở đâu đó có tin này”.
Trong lúc phát biểu, Sloane phải dừng lại hai lần để kiềm chế sự xúc động trong giọng nói của mình. Lần nào anh cũng nhận được một sự im lặng thông cảm. Ngày hôm sau, một bài báo trên tờ Thời báo Los Angeles đã mô tả anh là “có khí phách và gây ấn tượng trong tình huống bi đát này”.
Sloane tuyên bố sẵn sàng trả lời phỏng vấn.
Thoạt đầu sự hỏi han biểu lộ nỗi cảm thông. Nhưng rồi, một số phóng viên báo chí giáng những câu hỏi hóc búa hơn:
Một nữ ký giả của hãng AP hỏi: “Ông có cho rằng có thể gia đình ông đã bị bọn khủng bố ngoại quốc bắt giữ như một số người đã đồn đại không?”.
Sloane lắc đầu: “Nghĩ tới điều đó bây giờ là quá sớm”.
AP phản bác: “Ông lẩn tránh câu hỏi. Tôi hỏi là ông có cho rằng có khả năng đó hay không?”.
Sloane nhượng bộ: “Tôi giả thiết là có thể”.
Một ai đó ở đài truyền hình địa phương hỏi một câu rất nhạt “Ông cảm thấy thế nào về vụ này?”.
Ai đó rên lên và Sloane muốn đáp lại: “Cảm thấy cái quái gì cơ chứ?”. Nhưng anh lại trả lời: “Dĩ nhiên tôi mong rằng đây không phải là sự thật”.
Một phóng viên tóc đã bạc, trước đây làm cho hãng CBA, giờ đang làm cho hãng CNN, giơ cao cuốn sách do Sloane viết lên: “Anh có còn tiếp tục tin điều anh đã viết trong cuốn này, là “những con tin có thể bị hy sinh”, và anh vẫn phản đối việc trả tiền chuộc – dù là “trực tiếp hay gián tiếp” hay không?”.
Sloane đã dự đoán trước câu hỏi này nên trả lời: “Tôi không tin rằng bất cứ người nào đang lâm vào tình trạng của tôi lúc này lại có thể khách quan về điều đó”.
Phóng viên CNN nài nỉ:
“Thôi mà, Crawf nếu anh đang đứng ở vị trí của tôi, anh không để cho ai thoát câu trả lời này. Tôi đặt lại câu hỏi theo cách khác: Anh có ân hận là đã viết những lời đó không?”.
“Vào lúc này, - Sloane nói – tôi chỉ mong rằng người ta không trích dẫn những lời đó để làm hại bản thân tôi”.
Một giọng khác vang lên: “Giờ đây không có ai sử dụng những lời đó để làm hại ông. Tuy nhiên, đấy vẫn chưa phải là câu trả lời”.
Một nữ ký giả thuộc chương trình tạp chí truyền hình ABC cất giọng lanh lảnh: “Tôi chắc chắn là ông ý thức được rằng lời ông tuyên bố về chuyện những con tin Mỹ có thể hy sinh được đã gây nên một sự thất vọng to lớn đến nhường nào đối với các gia đình có thân nhân đang bị giam giữ ở Trung Đông. Lúc này ông có thể thông cảm hơn với những gia đình đó không?”.
“Trước đây tôi vẫn luôn luôn thông cảm với họ”, Sloane nói, “nhưng lúc này chắc là tôi hiểu rõ hơn nỗi lo âu của họ”.
“Có nghĩa điều ông đã viết là sai lầm”.
“Không, - anh trầm giọng nói, - tôi không nói như vậy”.
“Vậy nếu vấn đề tiền chuộc được đặt ra, ông sẽ cương quyết bác bỏ”.
Anh giơ hai tay lên vô vọng: “Bà đang yêu cầu tôi tuyên bố về một điều chưa xảy ra. Tôi sẽ không làm chuyện ấy”.
Tuy chẳng thích thú gì với cuộc họp báo, trong thâm tâm Sloane nhận thức rằng trước đây trong bao nhiêu cuộc họp báo bản thân anh cũng đã từng đưa ra bao câu hỏi hắc búa kiểu đó.
Phóng viên News Dan đưa ra một câu hỏi kỳ cục: “Người ta không biết gì lắm về cậu con trai Nicholas của ông, thưa ông Sloane?”.
“Đó là vì chúng tôi muốn có một cuộc sống gia đình riêng tư. Thực tế là vợ tôi muốn vậy”.
“Bây giờ thì không còn là việc riêng tư nữa”, phóng viên này nói toạc ra. “điều tôi được biết là Nicholas là một nhạc công tài năng và có thể sẽ trở thành nghệ sĩ piano một ngày nào đó. Có đúng vậy không?”.
Sloane biết rằng trong những trường hợp khác Jessica sẽ phản đối các câu hỏi kiểu đó. Dù sao thì lúc này anh cũng không có cách nào tránh né. “Đúng là con trai chúng tôi rất yêu âm nhạc, từ khi cháu còn nhỏ, và các giáo viên đều nói rằng cháu rất tiến bộ so với độ tuổi của cháu. Còn việc cháu có trở thành nghệ sĩ piano hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được”.
Một lúc sau, khi các câu hỏi có vẻ đã tạm lắng xuống, Leslie Chippingham bước lên và tuyên bố kết thúc cuộc họp báo.
Ngay lập tức Sloane bị một số người vây lấy để bắt tay và chúc gặp may mắn. Rồi, anh tìm cách lẩn thật nhanh ra ngoài.
* * *
Sau khi xem xong mọi tin tức cần thiết, Miguel tắt vô tuyến và nghiền ngẫm tỉ mỉ những điều hắn biết.
Thứ nhất là cả nhóm Medellin lẫn băng Sendero Luminoso đều không hề bị nghi ngờ là đã dính vào vụ bắt cóc. Về mặt này, thế là đỡ lo. Điều thứ hai, cũng tốt không kém, là việc không có bất cứ sự nhận dạng nào về bản thân hắn cũng như sáu tên đồng bọn của hắn. Nếu nhà cầm quyền đã có được lời mô tả nào đó, thì chắc hẳn bây giờ họ đã phải loan báo khắp nơi.
Với lập luận đó, Miguel cho rằng những bước sắp tới sẽ bớt nguy hiểm hơn.
Hắn cần thêm tiền, và để có tiền tối nay, hắn phải gọi điện để thu xếp một cuộc gặp tại trụ sở Liên hợp quốc hoặc ở gần đó vào ngày mai.
Trước đây, việc đưa đủ tiền vào hoạt động ở Mỹ là một vấn đề. Sendero Luminoso, tổ chức tài trợ cho phi vụ này, để rất nhiều tiền ở Peru. Điều khó khắn là làm sao phá vỡ được luật lệ kiểm soát đổi tiền của Peru và đưa được đô la vào New York, đồng thời giữ được thật bí mật mọi hoạt động của đồng tiền từ nguồn của nó, chặng đường đi và nơi đổi.
Điều này đã được thực hiện hết sức khôn khéo, nhờ sự giúp đỡ của một đồng minh của Sendero hiện đang giữ một chức vụ cao trong ngành ngân hàng ở Lima, Peru cùng với kẻ đồng mưu với hắn ở New York là một nhà ngoại giao Peru, trợ lý cao cấp của đại sứ Peru tại Liên hợp quốc.
Tổng số ngân quỹ cho phi vụ này đã được chuyển vào theo dự tính của Sendero và Medellin là 850.000 đô la. Số tiền này bao gồm trả tiền công, tiền đi lại ăn ở, thuê một trụ sở bí mật, mua sáu chiếc xe, cung cấp thuốc men, quan tài, trả tiền thuê bọn ở khu tiểu Colombia thuộc quận Queens, cất giấu nguồn cung cấp và vũ khí, khoản tiền hoa hồng về việc chuyển tiền ở Peru và New York, cộng thêm thiền đút lót cho một nữ nhân viên ngân hàng Mỹ. Có thể còn bao gồm cả giá vận chuyển những người bị bắt từ Mỹ sang Peru bằng máy bay tư.
Hầu hết những khoản chi phí ở New York Miguel đều rút tiền mặt qua nguồn Liên hợp quốc.
Cách thực hiện là vị phụ trách ngân hàng Lima đã lén chuyển khoản ngân quỹ do Sendero Luminoso giao cho ông ta thanh đô la Mỹ, mỗi lần 50.000 đô la. Rồi ông ta chuyển cho một ngân hàng ở New York tại quảng trường Dag Hamarskjold cạnh trụ sở Liên hợp quốc, nơi mà tiền được đưa vào một tài khoản phụ đặc biệt của phái đoàn Peru tại Liên hợp quốc. Chỉ có Jose Antonnio Salaverry, trợ lý tin cẩn của ngài đại sứ Peru tại Liên hợp quốc, biết sự tồn tại của tài khoản này và có quyền ký séc lĩnh tiền. Một người nữa là Helga Efferen, nữ trợ lý quản trị ngân hàng, đích thân phụ trách tài khoản đặc biệt này.
Jose Antonnio Salaverry là một người bí mật ủng hộ Sendero, tuy anh ta không tham gia vào việc gì ngoài việc chuyển ngân quỹ. Helga thường xuyên ngủ với anh chàng gián điệp hai mang Salaverry và cả hai sống xa hoa vượt quá khả năng của họ, tiệc tùng thường xuyên và theo kịp lối vung tiền như rác của đám ngoại giao Liên hợp quốc. Vậy nên họ rất nhiệt tình với khoản tiền kiếm thêm được bằng cách lén lút chuyển ngân quỹ.
Bất kỳ khi nào Miguel cần tiền, hắn lại gọi điện cho Salaverry và báo số lượng. Sau đó hắn thu xếp cuộc gặp vào một hoặc hai ngày sau đó, thường là tại trụ sở Liên hợp quốc, đôi khi ở nơi khác. Lúc đó Salaverry sẽ đem theo một cặp ngoại giao đựng đầy tiền. Miguel sẽ xách chiếc cặp đó đi.
Chỉ có một điều làm Miguel phiền lòng. Có một lần Salaverry buột miệng nói rằng trong khi anh ta không biết rõ mục đích chi tiêu tiền hoặc nơi ẩn náu của Miguel và đồng bọn của hắn trong nhóm Medellin, anh ta có một ý niệm khá rõ về mục tiêu của bọn chúng. Điều này khiến Miguel đoán rằng có thể có sự rò rỉ an ninh ở Peru. Hắn không thể làm gì được với chuyện này, nhưng hắn thấy lo ngại về các cuộc tiếp xúc với Jose Antonnio Salaverry.
Miguel liếc mắt nhìn chiếc điện thoại lưu động đặt bên cạnh. Hắn thoáng có ý định dùng ngay máy này, nhưng hắn biết là không nên và phải đi ra ngoài. Trong một tiệm cà phê cách đó chừng tám khu nhà có một trạm điện thoại công cộng mà trước đây hắn thường dùng. Hắn xem giờ: bảy giờ 10 phút tối. May ra thì Salaverry giờ này đang ở trong khu nhà ở trung tâm Manhattan của anh ta.
Miguel choàng áo khoác và bước đi vội vã, luôn đưa mắt nhìn quanh xem có dấu vết của một hoạt động gì đó khác lạ ở trong lhu vự này chăng. Không hề có.
Trong khi bước đi hắn lại nhớ tới cuộc họp báo đã được truyền hình về vụ của Crawford Sloane. Miguel rất chú ý đến việc người ta đã đề cập đến một cuốn sách do Sloane viết, trong đó có lời tuyên bố là không bao giờ trả tiền chuộc và rằng “con tin có thể hy sinh được”. Miguel không hề biết tới cuốn sách này và hắn đoán rằng là Medellin và Sendero Luminoso cũng không hề biết. Dù sao thì hắn cũng cho rằng dù có biết trước những điều viết trong sách đi nữa, việc bắt cóc gia đình Sloane cũng không ảnh hưởng, vì điều người ta viết ra để in với điều người ta cảm thấy và hành động trong đời thường khác xa nhau. Nhưng dù sao thì bây giờ mọi thứ đều không thể làm lại.
Một tin thú vị khác do cuộc họp báo đưa ra là thằng nhóc con của hai vợ chồng Sloane có thể sẽ là một nhà piano tương lại. Chưa có ý định rõ ràng là hắn sẽ sử dụng điều này vào việc gì, Miguel cứ để những mẩu quặng thông tin này yên đó đã.
Khi Miguel bước vào hiệu cà phê, hắn chỉ thấy vài người trong đó. Hắn tiến tới điện thoại đặt ở phía sau quán, và quay những con số hắn đã nhớ rất kỹ. Sau ba hồi chuông Salaverry trả lời “Alo”, hắn mới nói bằng giọng Tây Ban Nha nặng trịch, Miguel lấy móng tay gõ ba tiếng vào miệng ống nghe, một dấu hiệu của riêng hắn. Rồi hắn nói tiếp thì thầm: “Tối mai. Năm mưoi hòm”. Một “hòm” có nghĩa là một nghìn đô la.
Hắn nghe thấy một tiếng thở hổn hển thốt ra ở đầu dây bên kia. Giọng đáp đầy vẻ sợ hãi: “Tối nay sao anh lại gọi đến đây? Anh đang ở đâu vậy? Liệu đường dây có bị theo dõi không?”.
Miguel đáp vẻ khinh bỉ: “Anh cho rằng tôi là một thằng ngu chắc?”. Đồng thời hắn nhận ra rằng Salaverry gắn hắn vào những sự kiện của ngày hôm nay; do đó gặp gỡ hắn sẽ rất nguy hiểm. Nhưng không có cách nào khác. Hắn cần tiền mặt để mua bao nhiêu thứ, còn có cả việc mua thêm một chiếc áo quan cho Angus Sloane. Miguel cũng biết rằng còn khá nhiều tiền trong tài khoản tại New York và hắn muốn lấy thêm một khoản cho bản thân trước khi rời đất nước này. Hắn biết chắc rằng có những động lực mạnh hơn cả khoản tiền hoa hồng đơn thuần đã khiến cho Jose Antonnio Salaverry nhúng những ngón tay bẩn thỉu vào cuộc.
“Mai thì không thể gặp nhau được” Salaverry nói. “Quá sớm và quá ít thời gian để rút tiền. Anh không nên…”.
“Này! Đừng làm tôi mất thời gian”, Miguel nắm chặt lấy ống nghe, cố kìm cơn giận và vẫn nhỏ giọng để cho những người ngồi trong quán cà phê không nghe được. “Tôi đang ra lệnh cho anh đấy. Lấy năm mươi “hòm” thật sớm. Tôi sẽ đến chỗ anh theo cách thường lệ, khoảng gần trưa mai. Nếu anh không làm được, thì anh biết rằng những người bạn chung của chúng ta sẽ tức giận tới mức nào, và tầm tay họ khá dài đấy!”.
“Thôi! Thôi! Có gì phải để họ quan tâm đến đâu cơ chứ!”. Giọng của Salaverry có sự thay đổi vội vã, vẻ dàn hoà. Không nên coi nhẹ sự đe doạ trả thù của nhóm Medellin khát máu. “Tôi sẽ cố hết sức”.
Miguel dằn giọng: “Cố hơn một chút nữa đi. Tôi sẽ gặp anh ngày mai”. Hắn treo máy lên và bước ra khỏi quán cà phê.
Bên trong nơi ẩn náu ở khu Hackensack, ba người bị bắt giữ vẫn mê man bất tỉnh trong sự cảnh giới nghiêm ngặt của Soccoro. Suốt đêm qua ả đã tiêm thêm những liều lượng propofol như Baudelio đã ra lệnh. Ả theo dõi những dấu hiệu của sự sống và ghi chép lại. Mờ sáng hôm sau, Baudelio tỉnh dậy sau liều thuốc ngủ của chính hắn xem xét nhật ký bệnh án của Soccoro gật đầu vẻ đồng tình rồi thay phiên gác cho ả.
Sau một giấc ngủ chập chờn, sáng sớm hôm sau Miguel lại xem tin tức truyền hình. Việc bắt cóc thân nhân của Sloane vẫn là tin đặc biệt, cho dù không có thông báo gì mới.
Rồi Miguel thông báo cho Luis rằng vào lúc mười một giờ cả hai sẽ lái chiếc xe tang tới khu Manhattan.
Chiếc xe tang là chiếc thứ sáu của cả bọn, một chiếc Cadillac vẫn còn tốt do chúng mua lại. Cho tới nay chúng chỉ dùng tới nó có hai lần. Còn bình thường thì chiếc xe tang này được giấu kín trong căn nhà ở Hackensack, và những tên kia gọi nó là thiên thần đen. Bên trong sàn xe luôn luôn có một chiếc quan tài bằng gỗ hồng sắc đẹp đẽ, đặt trên những con lăn bằng cao su để đảm bảo rằng việc vận chuyển quan tài sẽ nhẹ nhàng. Hai bên thành xe và trần xe bọc nhung xanh sẫm.
Đầu tiên Miguel đã dự tính sẽ chỉ sử dụng chiếc xe tang vào chuyến vận chuyển cuối cùng trước khi bay đi Peru, nhưng rõ ràng giờ đây nó là phương tiện an toàn nhất. Lấy cái xe kia và chiếc xe vận tải GMC, đã xuất đầu lộ diện quá nhiều, đặc biệt là trong việc theo dõi tại Larchmont – biết đâu người ta đã báo nhận dạng chúng cho cảnh sát biết rồi.
* * *
Thời tiết chuyển mưa nặng hạt, gió thổi mạnh từng cơn, bầu trời nặng nề xám xịt.
Luis cầm lái, cả hai đi một đường vòng xuất phát từ Hackensack nhiều lần thay đổi hướng và hai lần dừng lại để xem có bị theo dõi không. Luis phải lái rất cẩn thận vì đường trơn như đổ mỡ và khó nhìn thấy phía trước qua cái gạt nước đưa qua đưa lại đơn điệu. Đi xuối xuống phía nam theo phía New Jersey của sông Hudson tới tận Weehawken chúng tiến vào đường ngầm Lincoln và xuất hiện ở Manhattan vào lúc 11 giờ 45 sáng.
Cả Miguel lẫn Luis đều mặc đồ đen và thắt cravat, thích hợp với sự có mặt của chúng trong chiếc xe tang.
Sau khi rời đường hầm, chúng hướng về phía đông theo đường số Bốn mươi. Cơn mưa nặng hạt khiến dòng xe phải nối đuôi nhau đi hết sức chậm chạp. Miguel đưa mắt ngắm những người bộ hành di chuyển chen chúc khổ sở trên vỉa hè.
Cái ý tưởng dùng xe tang để đi qua thành phố New York khiến hắn thấy vui vui. Một mặt, chiếc xe biểu lộ quá rõ là loại xe gì, mặt khác nó luôn được người ta nể. Đến một ngã tư đường, một cảnh sát mặc đồng phục – “một chú nâu” theo tiếng lóng của dân New York – còn dừng các xe khác lại để ra hiệu cho chúng đi qua.
Miguel cũng nhận thấy rằng nhiều người vừa liếc mắt thấy xe tang đã vội nhìn lảng đi. Trước đây hắn cũng đã quan sát điều này và tự hỏi: phải chăng chiếc xe là một sự gợi nhớ tới cái chết, một sự lãng quên vĩ đại, khiến họ nao lòng chăng? Hắn không bao giờ sợ cái chết của bản thân hắn, dù hắn không có ý định để cho kẻ khác dễ dàng thúc đẩy chuyện đó mau tới.
Nhưng dù sao thì cũng mặc kệ mọi sự. Cái đáng nói ở dây là không có ai trong đám đông quanh chúng quan tâm đến cái xe tang đặc biệt này, gần họ tới mức họ có thể đụng tay vào, lại chứa hai tên tội phạm đang bị truy nã trên toàn quốc, thủ phạm của một tội ác đang là sự kiện nóng hổi nhất của toàn dân. Ý nghĩ đó làm Miguel ngạc nhiên. Nó cũng làm cho hắn vững tâm thêm.
Chúng rẽ sang phía bắc đi về phía đại lộ số Ba, và cách phố Bốn mươi tư một quãng. Luis đỗ xe vào một hẻm phố và cho Miguel xuống. Bẻ cao cổ áo để tránh làn mưa, Miguel đi bộ thêm hai khu nhà nữa để tới trụ sở Liên hợp quốc. Mặc dù những ý nghĩ về chiếc xe tang đã làm hắn yên lòng, hắn vẫn rất thận trọng. Luis đã được lệnh tiếp tục đi và sẽ trở lại điểm này sau một tiếng nữa. Nếu Miguel chưa ra, thì cứ cách nửa giờ Luis lại quay trở lại.
Tới góc phố Bốn mươi tư, Miguel mua một chiếc ô của người bán rong, nhưng hắn thấy ô cũng chẳng chống nổi những cơn gió. Vài phút sau hắn bước qua đại lộ số Một tới toà nhà mặt tiền màu trắng – Trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc. Vì trời mưa, nên nhiều cột cờ đứng trơ trụi buồn bã, không có lá cờ ở trên. Qua một hàng rào sắt và cổng ra vào của các đại biểu, hắn bước lên các bậc đá dẫn tới một gian sảnh lớn dùng để tiếp khách. Miguel bước vào tay không nên dễ dàng đi qua phòng kiểm tra, còn những người khác vì có túi xách và các gói đồ nên phải mở ra để xem xét.
Tại gian phòng lớn tầng trên, nhiều người khách đang ngồi đợi kín cả mấy dãy ghế dài, khuôn mặt và trang phục của họ cũng khác biệt nhau như chính Liên hợp quốc vậy. Một người phụ nữ Bolivia đội mũ quả dưa ngồi với vẻ khắc khổ. Bên cạnh bà ta là một đứa bé con da đen đang chơi với một chú cún nhồi bông. Một ông già đội khăn trùm kiểu Apganistan, da sạm nắng ngồi gần đó. Hai người Israel râu rậm đang tranh cãi với nhau trước một lô giấy tờ trải rộng ở giữa họ. Lẫn lộn trong đám đông là những du khách da trắng người Mỹ và người Anh.
Lờ phắt đám đông đang ngồi đợi, Miguel bước thẳng tới một tấm biển có dòng chữ “Hướng dẫn du lịch” đặt ở cuối phòng. Jose Antonnio Salaverry đang đứng đợi hắn ở phía sau đó, tay cầm chiếc cặp ngoại giao.
Y hệt như một con chồn, Miguel nghĩ vậy khi hắn nhìn vào khuôn mặt hẹp, nhọn hoắt, mái tóc chải hất về phía sau và bộ râu lưa thưa của Salaverry. Nhà ngoại giao Peru này thường vẫn tỏ ra ta đây rất quan trọng, hôm nay có vẻ không thoải mái.
Họ khẽ gật đầu chào nhau, rồi Salaverry dẫn hắn tới một bản thông báo. Dùng quyền của một đại biểu, Salaverry đăng ký cho Miguel và bằng một cái tên giả, Miguel đã nhận một thẻ vào cửa dùng cho khách hàng.
Khi cả hai bước xuống một con đường có hàng cột, cả khu vườn hiện ra qua những tấm kính và phía xa sau đó là sông East.
Thang máy đưa họ lên tầng trên, rồi họ bước vào căn phòng kiểu Indonesia, chỉ các nhà ngoại giao và khách của họ được sử dụng. Đó là một căn phòng to lớn sang trọng nơi các nguyên thủ quốc gia dùng để giải trí, trong đó có những kiệt tác như bức trướng đền thờ Hồi giáo Kaabe, lối vào Mecca một tấm thảm màu đen lốn đốm vàng bạc do nước Arabe Saudis tặng. Một tấm thảm trải sàn nhà màu xanh sẫm đặt dưới những chiếc ghế trường kỷ và ghế tựa bọc da, đồ đạc được sắp đặt khéo léo để cho vài cuộc gặp gỡ có thể diễn ra cùng một lúc mà không ảnh hưởng gì tới nhau. Miguel và Salaverry kiếm được chỗ ngồi trong một khu kín đáo riêng biệt.
Khi họ đã đối mặt với nhau, đôi môi mỏng dính của Salaverry mím chặt lại với vẻ không hài lòng: “Tôi đã bảo anh rằng đến đây rất nguy hiểm! Mạo hiểm chưa đủ hay sao mà anh còn muốn gây thêm chuyện nữa đấy?”. Miguel bình thản nói: “Tại sao đến đây lại nguy hiểm cơ chứ?”. Hắn cần tìm hiểu xem thằng hèn nhát này biết được những chuyện gì.
“Anh ngu lắm! Anh biết tại sao quá đi rồi chứ. Vô tuyến báo chí đều đăng những chuyện các anh đã làm, những người các anh đã bắt giữ. Mật vụ, cảnh sát đang tìm đủ mọi cách để truy nã các anh”. Salaverry nuốt nước bọt vẻ đầy lo lắng: “Khi nào thì các anh đi – tất cả các anh ra khỏi đất nước này?.
“Cứ cho rằng mọi điều anh nói là thật đi, tại sao anh lại muốn biết cơ chứ? Biết hay không thì có ảnh hưởng gì đến anh?”.
“Bởi vì Helga phát điên lên vì lo sợ. Tôi cũng vậy”.
Thế là cái thằng ngốc mau mồm mau miệng này đã kể mọi điều hắn biết với cái con đĩ làm ở ngân hàng của hắn đấy. Điều đó có nghĩa là kẽ hở chính của sự bất an đã tiềm tàng cần phải được xoá sạch ngay. Dù Salaverry không hề biết, sự thú nhận ngu ngốc của hắn đã đóng một cái dấu định mệnh cho người tình của hắn và cho bản thân hắn.
“Trước khi tôi trả lời”, Miguel nói, “hãy đưa cho tôi tiền đi hẵng”.
Salaverry mở khoá số của chiếc cặp ngoại giao, lấy ra một chiếc ví da đầy căng có băng dính chặt và đưa cho Miguel.
Miguel mởi ví xem xét tiền bên trong rồi lại dán băng lại.
Salaverry mỉa mai hỏi: “Anh không đếm à?”.
Miguel nhún vai: “Anh không dám lừa tôi đâu”. Hắn cân nhắc rồi nói với vẻ hết sức vô tình: “Anh muốn biết là khi nào tôi và những người khác rời khỏi đây chớ gì?”.
“Đúng vậy”.
“Tối nay anh và cô ta ở đâu?”.
“Ở trong khu nhà của tôi. Chúng tôi quá lo lắng nên chẳng muốn đi đâu hết”.
Miguel đã tới khu nhà này và hắn nhớ địa chỉ. Hắn bảo Salaverry: “Cứ ở yên đó. Tôi không thể gọi điện vì những lý do mà anh đã biết. Vậy nên sẽ có một người đưa tin tới chỗ anh tối nay cùng với mọi tin tức mà anh muốn biết. Hắn ta sẽ sử dụng cái tên là Plato. Khi anh nghe thấy cái tên đó thì cứ yên tâm để cho hắn vào nhà”.
Salaverry nóng nảy gật đầu. Hắn có vẻ đỡ căng thẳng.
Miguel nói thêm: “Tôi đang làm chuyện này để đền công anh đã mau chóng thu xếp tiền cho tôi”. Hắn đụng nhẹ tay vào chiếc ví tiền.
“Cảm ơn anh. Anh hiểu rằng tôi không muốn làm một điều gì vô lý…”.
“Tôi hiểu. Nhưng tối nay phải ở nhà đấy”.
“Ồ! Thế nào tôi cũng ở nhà”.
* * *
Từ trụ sở Liên hợp quốc, Miguel đi ngang qua đại lộ số Một về phía khách sạn Quảng trường Liên hợp quốc. Qua khỏi cửa chính, hắn đi thẳng tới trạm điện thoại công cộng gần quầy báo chí. Hắn bấm một số điện thoại gọi tới quận Queens. Khi nghe thấy giọng trả lời, hắn biết là hắn đã liên lạc được với một căn nhà riêng kiên cố như một pháo đài ở khu tiểu Colombia thuộc đồi Jackson. Miguel nói ngắn gọn, tránh không sử dụng tên, mà chỉ cho phía bên kia biết số của trạm điện thoại công cộng nơi hắn đang gọi rồi treo máy lên.
Hắn kiên nhẫn đứng đợi bên cạnh máy điện thoại, đôi lúc, khi có những người khác đến gần, hắn vờ như đang sử dụng máy. Sau bảy phút thì chuông reo. Một giọng nói khẳng định rằng phía bên kia cũng đang sử dụng một máy công cộng khác. Cuộc nói chuyện sẽ không bị theo dõi hay bị nghe trộm.
Miguel nói những yêu cầu của hắn bằng một giọng rất nhỏ. Phía bên kia khẳng định là mọi điều sẽ được thoả mãn. Một bản hợp đồng đã được thoả thuận, với giá đã được nhất trí là sáu nghìn đô la. Miguel nói địa chỉ nhà ở của Salaverry và giải thích là cái tên “Plato” phải được dùng. Hắn nhấn mạnh: “Phải làm ngay tối nay và phải tỏ ra rằng đây là một vụ giết người rồi tự sát”.
Phía bên kia hứa là sẽ thực thi chính xác chỉ thị của hắn.


* * *
Miguel tới điểm hẹn tại Đại lộ số Ba sớm hơn một chút, tức là chưa đến một tiếng đồng hồ kể từ khi hắn bỏ đi. Một lúc sau Luis đưa chiếc xe tang tới.
Chui vào xe thoát khỏi cơn mưa lạnh, Miguel bảo Luis: “Bây giờ chúng ta tới nơi lo việc ma chay – chỗ cũ ấy mà. Anh còn nhớ không?”.
Luis gật đầu và rẽ ngay sang phía đông về phía cầu Queensloro.
Bản Tin Chiều
Phần một - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Phần II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Phần III - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Phần IV - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20