Chương 2
Tác giả: Arthur Hailey
Đối với nhóm năm phóng viên tại sân bay DFW, sự kiện đã bắt đầu quãng hai tiếng đồng hồ trước đó và lên đến cao điểm vào lúc 15 giờ mười phút chiều (theo giờ miền Trung nước Mỹ).
Năm người này là Harry Partridge, Rita Abrams, Minh Văn Cảnh, Ken O’Hara, nhân viên phụ trách âm thanh trong đội quay phim của hãng CBA và Graham Broderick, một phóng viên tin nước ngoài của tờ Thời báo New York . Mờ sáng hôm đó, họ đáp máy bay rời El Salvador qua Mexico, rồi sau khi bị trễ và đổi chuyến bay, họ đi về DFW. Bây giờ họ đang chờ chuyến bay tiếp theo các hướng khác nhau.
Tất cả đều mệt nhoài, không chỉ vì cuộc hành trình dài dằng dặc ngày hôm nay, mà còn vì trên hai tháng trời họ sống trong cực khổ và nguy hiểm để đưa tin về những cuộc chiến tranh ác liệt ở những miền đất chẳng hay ho gì ở Mỹ latinh.
Trong khi chờ máy bay, cả năm người ngồi trong quầy rượu ở cửa ra số 2E, một trong hai mươi bốn quầy rượu đông đúc ở sân bay. Bài trí của quầy rượu trông rất rẻ tiền. Tường dán những tấm tranh to giả như vườn cây bao quanh, những băng kết bằng vải treo trên trần màu xanh nhạt được chiếu sáng bằng hệ thống đèn màu hồng giấu bên trong. Anh chàng phóng viên Thời báo nói nó làm anh nhớ lại một nhà chứa mà có lần anh đã vào ở Mandalay.
Từ bàn của họ gần cửa sổ, họ có thể thấy đường ống ra máy bay và cửa sổ 20. Đây là cửa mà Harry Partridge đang chờ để ra máy bay trong vài phút tới qua Toronto, bằng chuyến bay của hàng không Mỹ. Nhưng tối nay chuyến bay bị trễ, theo thông báo là một tiếng.
Partridge người cao gầy, mớ tóc nhạt lúc nào cũng bù xù nên trông anh có vẻ như một cậu bé con mới lớn, mặc dù anh đã ngoài bốn mươi và tóc đã điểm bạc. Lúc này anh đang ngồi thoải mái, không quan tâm đến việc máy bay trễ hoặc bất cứ việc gì khác. Trước mắt là cả ba tuần nghỉ xã hơi vô cùng cần thiết đối với anh.
Rita Abrams đang đợi chuyến bay đi tiếp Minneapolisstnpaul, rồi từ đó cô sẽ tới nghỉ tại nông trang của một người bạn ở Minnesota. Tại đó cô có một cuộc hò hẹn trước vào cuối tuần với một nhân viên cao cấp đã có vợ của hãng CBA mà cô không để lộ ra với ai. Minh Văn Cảnh và Ken O’Hara sẽ về nhà tại New York. Graham Broderick cũng vậy.
Bộ ba Partridge, Rita và Minh thường làm việc với nhau. Trong chuyến đi gần đây nhất mới có thêm Ken O’Hara, nhân viên ghi âm, cùng đi với họ. O’Hara còn trẻ, xanh xao, gầy như que củi, lúc nào cũng say sưa nghiên cứu những tạp chí về điện tử: lúc này anh cũng đang đọc một tờ loại đó.
Broderick là người ngoài hãng, mặc dù anh thường cùng cộng tác với những người của hãng và nói chung mối quan hệ của họ là tốt. Mặc dù giờ đây anh chàng phóng viên thời báo to bè, vẻ trịnh trọng và hơi khoa trương này đang có vẻ không thân thiện lắm.
Ba người trong bọn họ đã hơi quá chén, trừ Văn Cảnh chỉ uống Soda và O’Hara nhấm nháp vại bia suốt từ nãy đến giờ không chịu uống thêm gì khác.
“Này, đồ chó đẻ giàu có kia” – Broderick nói với Partridge lúc này đã rút ví ra khỏi túi – “Tôi nói là tôi sẽ trả tiền lượt này, nên tôi sẽ trả” – Anh đặt hai tờ bạc, một tờ hai mươi đô la và một tờ năm đô la lên chiếc khay mà người hầu bàn vừa mang tới ba suất đúp Scot và một cốc Soda. “Dù các cậu chỉ cần làm nửa việc cũng kiếm được số tiền gấp đôi tớ, thì đó cũng không phải là lý do để các cậu ra tay bố thí cho cánh làm báo chúng tớ đâu”.
“Ôi, lạy Chúa!” Rita nói, “Broderick, tại sao anh lại không bỏ cái kiểu nói ấy đi nhỉ?”
Rita hét rất to, thỉnh thoảng cô vẫn thế. Hai nhân viên an ninh, chuyên trách sân bay DFW bước ngang qua quầy rượu cũng phải quay đầu lại vì tò mò. Nhìn thấy họ, Rita mỉm cười và vẫy tay chào. Họ đưa mắt nhìn đám phóng viên cùng mớ máy ảnh, máy quay phim và dụng cụ mang nhãn hiệu của hãng CBA, mỉm cười đáp lại và đi tiếp.
Harry Partridge đứng nhìn từ nãy đến giờ nghĩ thầm: “Hồi này Rita đã xuống sắc rồi. Mặc dù cô có sức gợi cảm tình dục mạnh mẽ và đã thu hút được khối chàng, trên nét mặt đã thấy hiện rõ nhiều nếp nhăn, cái tính mạnh mẽ mà cô đòi hỏi chính mình và những người làm việc cùng cô thể hiện trong thái độ hống hách của cô không phải lúc nào cũng hấp dẫn. Vả lại, sự căng thẳng và những công việc nặng nề mà Harry và hai người kia đã phải chia sẻ trong suốt hai tháng qua cũng là một lý do làm cô hao mòn xuân sắc”.
Rita đã 43 tuổi, và sáu năm trước đây cô vẫn còn xuất hiện trước máy quay với tư cách là phóng viên truyền hình, dù không thường xuyên như khi cô còn trẻ trung và khêu gợi hơn. Mọi người biết rằng đó là một cơ chế tồi tệ bất công, vì phóng viên là nam giới vẫn tiếp tục được xuất hiện trước ống kính máy quay hình, ngay cả khi nét mặt họ lộ rõ vẻ già nua, trong khi phóng viên nữ thì không và bị gạt ra rìa như những người tì thiếp bị phế thải. Một số phụ nữ đã cố gắng đấu tranh để chống lại cơ chế này, ví dụ như Christine Craft, một nữ phóng viên và phát thanh viên, đã đưa việc này ra toà nhưng không thành công.
Nhưng Rita đã không lao vào một cuộc đấu tranh mà cô biết là cô không bao giờ thắng, để chuyển sang làm chủ nhiệm chương trình, đứng đằng sau máy quay phim thay vì đứng đằng trước và đã thành công rực rỡ. Suốt thời gian này, cô đã quấy quả các trưởng ban cho đến khi họ phải giao cho cô những nhiệm vụ ở nước ngoài vốn hầu như chỉ để cho nam giới. Lúc đầu thì các sếp của cô đã phản đối, nhưng họ phải chịu thua và Rita được cử đi một cách đương nhiên cùng với Harry, tới những nơi mà cuộc chiến đấu nóng bỏng nhất và đời sống vất vả nhất.
Broderick ngẫm nghĩ kỹ câu nói của Rita một hồi, rồi đáp: “Xem ra cái bọn hào nhoáng các người cũng chẳng làm được việc gì quan trọng lắm đâu, tối nào thì cái hốc truyền tin bé tí tẹo ấy chỉ có những tin chớp nhoáng về tất cả mọi chuyện xảy ra trên thế giới. Bao nhiêu lâu nhỉ. Mười chín phút tất cả phải không?
Partridge nói một cách thân ái:
“Nếu anh muốn hạ những kẻ không có gì để tự vệ như lũ chúng tôi, thì ít nhất cánh báo chí cũng nên đưa ra những số liệu chính xác hơn: tất cả là hai mươi mốt phút rưỡi”.
“Trong đó có bảy phút dành cho quảng cáo thương mại, Rita nói thêm – nhưng lương của Harry cao đến mức đã làm anh ghen đến tái mặt”.
“Với lối thẳng thừng cố hữu của cô, Rita đã nói toạc cái việc ghen tức ấy ra, - Partridge thầm nghĩ. Đối với đám phóng viên báo chí chênh lệch giữa lương của họ và lương của các phóng viên truyền hình luôn luôn làm cho họ rất áy náy. Trong khi Partridge lĩnh 250.000 đô la một năm, thì Broderick, một phóng viên thượng thặng đầy tài năng, có lẽ chỉ được 85.000 đô la.
Như thể dòng suy nghĩ của mình chưa hề bị ngắt quãng, anh chàng phóng viên tờ Thời báo nói tiếp: “Toàn bộ hệ thống đưa tin của các cậu làm trong một ngày cũng chỉ đủ lấp đầy một nửa trang báo của chúng tôi thôi”.
“So sánh gì mà ngu xuẩn thế, - Rita đốp lại, - vì ai cũng biết là một hình ảnh đáng giá một ngàn lời nói. Chúng tôi lại có hàng trăm hình ảnh và chúng tôi đưa người xem tới nơi sự kiện diễn ra để họ có thể thấy tận mắt. Chưa có tờ báo nào trong lịch sử đã làm được như vậy”.
Broderick, một tay cầm cốc whisky đúp mới vừa định đưa lên môi, xua xua tay kia gạt đi. “Số lượng không phải là quan trọng”.
Minh Văn Cảnh, thường không hay tham gia vào các cuộc tranh luận hỏi lại: “Tại sao lại không?”.
“Bởi vì các anh đều là bọn ngốc nghếch. Các hãng truyền hình lớn đang chết dần chết mòn. Tất cả mọi điều các anh đã làm là đưa ra tóm tắt đề mục tin chính và bây giờ các đài địa phương cũng đang tiếp tục làm như vậy, sử dụng kỹ thuật để tự lấy tin từ bên ngoài; họ đang rỉa thịt các anh như lũ kền kền rỉa một xác chết”.
Partridge vẫn nhẹ nhàng:
“À, có nhiều người đã nói như vậy hàng bao năm nay rồi. Nhưng hãy nhìn chúng tôi đây này. Chúng tôi vẫn đi khắp nơi, và vẫn sung sức, bởi lẽ người ta theo dõi tin của hệ thống chúng tôi vì nó có chất lượng”.
“Đúng đấy”, - Rita nói, - “Còn một điều mà anh lại nhầm Brod ạ, là cho các đài truyền hình địa phương đang khấm khá. Không đâu. Nó đang tồi tệ đi thì có. Một số người bỏ hãng chúng tôi với bao hy vọng làm tin cho các đài truyền hình địa phương đều đã quay lại vì thất vọng”.
Broderick hỏi: “Tại sao vậy?”.
“Tại vì các nhà lãnh đạo đài truyền hình địa phương coi tin tức như là sự quá độ, là quảng cáo, là nguồn lợi tức to lớn. Họ sử dụng cái kỹ thuật tân tiến mà anh vừa mới nói để thoả mãn thị hiếu tầm thường nhất của người xem. Và khi họ cử người trong ban thời sự của họ đưa tin về một sự kiện quan trọng ở bên ngoài, người đó cũng chỉ đúng là một thằng nhóc, không có chiều sâu, không thể cạnh tranh với tri thức và chiều dày kinh nghiệm của một phóng viên hãng chúng tôi được”.
Harry Partridge ngáp dài. Anh nhận thấy câu chuyện này đã lặp đi lặp lại, chỉ một cái trò để giết thời gian chẳng hao tâm tổn sức gì, và họ diễn nhiều lần rồi.
Chợt anh nhận thấy có chuyện gì đấy đang diễn ra gần đó.
Hai nhân viên an ninh hàng không đi lại vơ vẩn trong tiệm rượu, bỗng trở nên chăm chú lắng nghe qua máy bộ đàm của họ. Partridge nghe lõm bõm bản thông báo đang được truyền đến: “Lệnh báo động số 2… đụng nhau trên không… đang đến đường băng 17 phía bên trái… tập hợp tất cả lực lượng an ninh…”. Hai nhân viên an ninh vội vã rời quầy rượu.
Những người khác trong nhóm làm phim cũng đã nghe thấy. “Này!” Minh Văn Cảnh nói, “có lẽ là…”.
Rita nhảy phắt dậy: “Để tôi đi xem có chuyện gì”, rồi cô vội vã rời tiệm rượu.
Văn Cảnh và O’Hara nhấc máy quay phim và dụng cụ âm thanh lên, Partridge và Broderick cũng vội vã túm lấy đồ đạt của mình.
Một nhân viên an ninh vẫn đang đi gần đó. Rita đuổi kịp anh ta gần cửa cân hành lý của hãng hàng không American, đồng thời cô nhận thấy anh chàng này rất trẻ và đẹp trai, có thân hình của một cầu thủ bóng đá.
“Tôi là người của hãng CBA”… Cô đưa tấm thẻ nhà báo có tên hãng ra.
Đôi mắt của anh chàng ánh lên vẻ thán phục: “Vâng, tôi biết rồi!”.
Ở vào những trường hợp khác, Rita vội nghĩ hẳn cô đã đưa anh ta vào những thú vui của một người đàn bà luống tuổi. Không may là bây giờ không có thời gian. Cô hỏi: “Có chuyện gì vậy anh?”.
Người sĩ quan an ninh do dự: “Có lẽ chị nên hỏi phòng thông tin công cộng…”.
Rita sốt ruột ngắt lời: “Tôi sẽ hỏi sau. Gấp lắm rồi, phải không? Nói cho tôi biết đi!”.
“Hãng hàng không Muskegon đang có chuyện rắc rối. Một máy bay chở khách của họ bị va chạm trên không. Nó đang hạ cánh trong lúc đã bị bắt lửa. Chúng tôi đã được lệnh báo động số 2, có nghĩa là tất cả các nhân viên cứu trợ khẩn cấp đã được huy động tới đường băng số 17 phía bên trái”. Giọng anh ta trở nên nghiêm trọng. “Tình hình có vẻ găng đây”.
“Tôi muốn đưa đội quay phim của tôi tới đó. Ngay bây giờ và thật nhanh. Tôi phải đi lối nào?”.
Viên sĩ quan an ninh lắc đầu: “Không có người đi kèm thì các anh các chị không thể ra đó được đâu. Các anh các chị sẽ bị giữ lại ngay”.
Rita nhớ có lần người ta đã bảo với cô là sân bay DFW rất hãnh diện được hợp tác với giới báo chí. Cô chỉ vào máy bộ đàm của nhân viên an ninh: “Anh có thể gọi Phòng thông tin công cộng được không?”.
“Được!”.
“Vậy, xin anh hãy làm đi!”.
Lời yêu cầu được thực hiện ngay, viên sĩ quan gọi và phía bên kia trả lời. Cầm tấm thẻ phóng viên của Rita, anh ta đọc và giải thích yêu cầu của cô.
Đầu dây bên kia nói: “Bảo họ đến trạm an ninh công cộng số một để đăng ký và lấy phù hiệu báo chí.
Rita rên rỉ, đưa tay chỉ chiếc máy bộ đàm: “Để tôi nói chuyện với họ”.
Viên nhân viên an ninh ấn nút đàm thoại và đưa máy cho cô.
Cô vội vã nói vào máy: “Không có thời gian nữa, các anh phải biết điều đó. Chúng tôi là phóng viên vô tuyến truyền hình. Chúng tôi có tất cả các loại giấy phép. Chúng tôi sẽ làm thủ tục giấy tờ các anh muốn sau. Nhưng xin các anh, xin các anh, hãy để cho tôi đi vào hiện trường bây giờ”.
“Chờ một chút”, im lặng một giây rồi vang lên giọng nói mới với một mệnh lệnh ngắn gọn: “OK, đi ngay ra cửa số 19. Bảo ai đó chỉ đường cho chị tới đường băng. Hãy tìm chiếc xe có đèn nhấp nháy. Tôi đang trên đương đến chỗ chị đấy”. Rita nắm tay viên sĩ quan “Cảm ơn anh bạn nhé!”.
Rồi cô vội vã trở lại chỗ Partridge và những người khác lúc này vừa bước ra khỏi tiệm rượu. Broderick đi cuối cùng. Lúc bước ra, anh chàng phóng viên tờ Thời báo New York tiếc rẻ nhìn những cốc rượu còn nguyên mà anh đã trả tiền.
Rita hối hả kể lại điều cô đã biết, rồi bảo Partridge, Minh và O’Hara: “Đây có thể là tin quan trọng đấy. Ra phi trường ngay. Đừng để mất thì giờ. Tôi đi gọi điện rồi sẽ quay trở lại tìm các bạn”. Cô nhìn đồng hồ, 5 giờ 20 chiều, có nghĩa là đã 6 giờ 20 ở New York – “Nếu chúng ta làm nhanh thì có thể kịp đưa vào chương trình đầu tiên được”. Nhưng trong thâm tâm cô thấy không dám chắc.
Partridge gật đầu làm ngay theo lệnh của Rita. Vào lúc khác thì quan hệ giữa một phóng viên và một chủ nhiệm chương trình không hẳn là như vậy. Chính thức thì một chủ nhiệm chương trình ở hiện trường như Rita Abrams là người chịu trách nhiệm của toàn bộ đội quay, kể cả phóng viên, và nếu có điều gì sai sót trong khi làm nhiệm vụ thì người bị khiển trách là chủ nhiệm chương trình. Nếu mọi việc tốt đẹp, tất nhiên người phóng viên xuất hiện trong tin truyền hình sẽ được ca ngợi, mặc dù người chủ nhiệm chương trình rõ ràng đã có công giúp hình thành câu chuyện và góp ý vào phần lời.
Tuy nhiên, trong trường hợp của một phóng viên “có cỡ” dày kinh nghiệm như Harry Partridge sự thể lại khác. Phóng viên có thể dành quyền điều khiển và chủ nhiệm phải chịu nhún và đôi khi phải hoàn toàn nghe theo. Nhưng khi Partridge và Rita làm việc với nhau, cả hai người chẳng để ý đến chuyện ai chỉ huy ai. Đơn thuần là họ chỉ muốn đưa về những bản tin hoàn hảo mà cả hai cùng lao vào làm.
Trong khi Rita vội vã đi về phía trạm điện thoại công cộng, Partridge, Minh và O’Hara nhanh chóng chạy về phía cửa 19, tìm lối ra sân bay phía dưới. Graham Broderick tỉnh rượu ngay trước chuyện đang xảy ra và theo sát sau họ.
Gần cổng có một bảng hiệu:
ĐƯỜNG RA MÁY BAY – KHU VỰC CẤM.
CHỈ DÙNG TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP CHUÔNG BÁO ĐỘNG SẼ REO.
Không một nhân viên nào có mặt ở đó. Không do dự, Partridge đẩy cửa bước vào, cả bọn đi theo anh. Trong khi họ vội vã xuống cầu thang bằng kim loại, tiếng chuông báo động kêu dồn dập sau lưng. Họ phớt lờ và bước ra ngoài.
Bây giờ là lúc bận rộn nhất, đường băng đặc kín máy bay đỗ và xe hàng không. Thình lình một chiếc xe thùng hiện ra, phóng rất nhanh trên nó có đèn hiệu nhấp nháy. Bánh xe rít lên khi nó phanh lại ở cửa số 19.
Minh đứng gần nhất, mở cửa và nhảy vào bên trong. Sau anh, những người khác cũng nhảy lên theo. Người lái xe, một anh chàng da đen trẻ, mảnh khảnh trong bộ quần áo chuyên ngành màu nâu nhạt, rồ máy phóng vọt đi. Vẫn không quay lưng lại, anh ta nói: “Chào các anh! Tôi là Vernon – thuộc phòng thông tin công cộng”.
Partridge nói tên mình và các bạn cùng đi. Với tay xuống chiếc ghế bên cạnh, Vernon lấy ra ba tấm phù hiệu báo chí màu xanh, đưa cho họ và nói: “Những cái này là tạm thôi, nhưng tốt hơn là cứ nên cài vào. Tôi đã vi phạm nguyên tắc nhưng cô bạn gái của các anh đã nói, chúng ta không còn thời gian”.
Họ đã rời khỏi khu vực máy bay đậu, chạy ngang qua hai đường dùng cho máy bay ra đường băng và đi về phía đông trên một con đường song song với lối đi. Phía trước mặt họ, về phía tay phải là hai đường băng và dọc theo một đường băng ở phía xa, xe cứu thương đang đỗ đầy.
* * *
Rita Abrams vẫn còn ở phía trong sân bay và đang nói chuyện trong phòng điện thoại công cộng với văn phòng của hãng CBA tại Dallas. Cô được thông báo rằng ông phân xã trưởng cũng đã biết việc xảy ra ở sân bay và đã cố đưa một đội quay phim thường trú của hãng CBA tới hiện trường. Ông rất vui khi biết Rita và những người khác đã có mặt ở đó. Cô nhắc ông gọi điện về New York rồi hỏi: “tình hình truyền qua vệ tinh của chúng ta có ổn không?”.
“Tốt! Một xe phát lưu động đang được điều từ Arlington tới”.
Cô biết Arlington chỉ cách đây có 13 dặm. Chiếc xe này thuộc một trạm chi nhánh của hãng CBA, gọi là KDLS-TV được dùng để truyền tin thể thao từ sân vân động Arlington, nhưng bây giờ tin đó đã bị loại bỏ và chiếc ô tô được điều tới sân bay DFW.
Người lái xe và nhân viên kỹ thuật đã được lệnh làm việc với Rita, Partridge và những người khác.
Tin đó làm cô phấn chấn. Cô nhận thấy giờ đây rất có khả năng gửi tin và hình về New York kịp cho chương trình đầu tiên của Bản tin tối Toàn quốc.
* * *
Chiếc xe thùng chở ba người của hãng CBA và anh chàng phóng viên tờ Thời báo đã chạy gần đến đường băng 17L – ký hiệu này chỉ rõ phải ngoặt 170o, tức là gần như về phía nam, chữ L “Left” nghĩa là đường băng phía bên trái trong hai đường băng chạy song song. Cũng như tại tất cả những sân bay khác, bảng hiệu này được viết bằng chữ màu trắng lớn trên mặt của đường băng.
Vẫn đang phóng rất nhanh, Vernon giải thích: “Khi có phi công gặp nạn, phải chọn đường băng mà anh ta muốn ở sân bay này, thường là đường băng số 17 bên trái. Đường này rộng 200 fut và gần với đội cứu trợ nhất”.
Chiếc xe đỗ lại trên đường máy bay ra, nối với đường 17L và ở đây nhìn thẩy rõ máy bay tới và hạ cánh.
“Đây sẽ là vị trí chỉ huy hiện trường” – Vernon nói.
Xe cứu thương vẫn tiếp tục đến, một số đỗ chung quanh họ. Từ phía trạm cứu hoả của sân bay có bảy chiếc xe màu vàng, bốn chiếc Oshkosh M15 phun bọt khổng lồ, một chiếc xe thang và hai chiếc xe cứu trợ khẩn cấp nhỏ hơn. Hai chiếc xe phun bọt được đặt trên những bánh xe cao gần sáu fut, có hai máy nén, một phía trước và một phía sau, với những vòi phun áp suất cao, trông giống như những trạm cứu hoả di động. Chiếc xe cứu trợ khẩn cấp, tốc độ cao và cơ động nhanh, được thiết kế để áp sát nhanh chóng vào máy bay đang bị cháy.
Nhiều nhân viên cảnh sát chui từ trong nửa tá xe cảnh sát màu xanh vạch trắng ra. Họ mở thùng xe, kéo ra những bộ quần áo cứu hoả ánh bạc, và mặc vào người. Cảnh sát hàng không được đồng thời huấn luyện làm nhân viên cứu hoả, - Vernon giải thích như vậy. Máy điện đàm của an ninh hàng không trên chiếc xe thùng phát ra hàng loạt mệnh lệnh.
Những cỗ xe cứu hoả, dưới sự chỉ huy của một viên trung uý ngồi trong chiếc xe mui kín màu vàng đang chiếm những vị trí cách quãng nhau dọc đường băng. Xe cứu thương được điều từ khắp các vùng lân cận vẫn đang đỗ về tập trung tại sân bay, nhưng cách đường băng một quãng khá xa.
Partridge là người đâu tiên nhảy ra khỏi xe và đứng ngay cạnh nó hý hoáy ghi chép. Broderick chậm hơn một chút cũng đang làm như vậy. Minh Văn Cảnh đã leo lên nóc xe, máy quay sẵn sàng trong tay, đưa mắt quan sát bầu trời về hướng bắc. Sau lưng anh là Ken O’Hara, dây nhợ lằng nhằng cùng máy ghi âm.
Hầu như ngay lúc đó, chiếc máy bay xuất hiện cách sân bay chừng năm dặm kéo theo một vệt khói đen đặc. Minh nâng máy quay lên, cầm chắc, nheo mắt nhìn qua ống kính.
Minh là một người to khoẻ, chỉ cao chừng hơn năm fut một chút, nhưng vai rộng và cánh tay dài chắc nịch. Trên khuôn mặt chữ điền ngăm đen rỗ hoa, do bị đậu mùa từ thuở nhỏ, là đôi mắt nâu mở to, nhìn thẳng về phía trước với vẻ vô cảm khiến người ta khó đoán được ý nghĩ gì nằm phía sau chúng. Những người thân cận với Minh đều nói rằng phải mất khá lâu họ mới hiểu được anh.
Dù sao mọi người cũng đều nhất trí là Minh cần cù đáng tin, trung thực, và là một trong những người quay phim giỏi nhất của hãng. Hình của anh rất hoàn chỉnh, bao giờ cũng thu hút sự chú ý của người xem và thường xuyên mang tính nghệ thuật. Đầu tiên, anh làm việc cho hãng CBA tại Việt Nam với tư cách là người phụ việc ở địa phương và anh đã học nghề này từ một nhà quay phim Mỹ khi anh phụ việc mang dụng cụ đi quay cảnh chiến đấu ở trong rừng rậm. Khi người thầy dạy nghề của anh chết vì dẫm phải mìn, Minh một mình mang xác của anh ta về chôn rồi vác máy trở lại rừng tiếp tục quay. Không một người nào ở hãng CBA đã nhớ rằng anh được lấy vào làm từ lúc nào. Người ta coi việc anh có mặt ở hãng CBA là sự đã rồi.
Năm 1975, khi Sài Gòn sắp thất thủ, Minh cùng vợ và hai con ở trong số người may mắn ít ỏi được máy bay trực thăng quân sự CH-53 đưa từ sân bay của Sứ quán Mỹ tới khu vực an toàn của hạm đội bảy ngoài biển. Kể cả lúc đó Minh cũng không ngừng việc quay phim và rất nhiều tư liệu của anh đã được sử dụng trong Bản tin tối toàn quốc.
Giờ đây anh lại sắp quay một cảnh khác về máy bay, khác hẳn nhưng cũng đầy bi thảm mà kết cục thì chưa được định đoạt. Trong ống kính máy quay, chiếc máy bay chở khách đang tới mỗi lúc một rõ dần, cùng với quầng lửa sáng rực phía bên phải và vệt khói tiếp tục tuôn ra phía sau. Đã có thể nhìn thấy lửa bốc ra từ phía động cơ đã mất, chỉ còn tr lại phần giá treo động cơ. Cả Minh lẫn những người khác đang theo dõi đều kinh ngạc không hiểu tại sao toàn bộ chiếc máy bay chưa bị ngọn lửa nuốt chửng.
Trong chiếc xe thùng, Vernon đã bật sóng liên lạc hàng không. Người ta có thể nghe thấy trạm điều khiển máy bay nói chuyện với phi công của chiếc máy bay chở khách. Một giọng điềm tĩnh của nhân viên dẫn đường bằng rada: “Các anh đang ở phía dưới đường lượn… sang trái ở chính giữa. Nào bây giờ lượn vào đường trung tâm…”.
Nhưng các phi công của chiếc máy bay chở khách rõ ràng là đang khó mà giữ được độ cao và hướng bay ổn định. Chiếc máy bay có vẻ chao đảo nghiêng về phía cánh phải bị hỏng. Có những lúc đầu máy bay xoay sang hướng khác, rồi như thể do những nỗ lực tối đa ở trong buồng lái, nó trở lại phía đường băng. Nó ngóc lên rồi chúi xuống loạng choạng, dường như liên tục mất độ cao, sau đó cố lấy lại nhưng không được. Những người trên mặt dất cũng căng thẳng trước một câu hỏi không thốt ra thành lời: “Đã đi được đến đây, liệu chiếc máy bay chở khách có xuống được không?”. Thật khó trả lời được chính xác.
Từ máy truyền thanh vang lên giọng của một phi công: “Đài điều khiển! Bộ phận hạ cánh có vấn đề, máy nén thuỷ lực không làm việc”. Ngừng một lúc. Rồi: “Bây giờ chúng tôi đang cố “hạ cánh tự do…”.
Một chỉ huy đội cứu hoả cũng đứng cạnh họ lắng nghe. Partridge hỏi anh ta: “Thế nghĩa là thế nào?”.
“Trên những chiếc máy bay chở khách lớn có một hệ thống hạ càng khẩn cấp. Khi máy nén thuỷ lực bị hỏng, các phi công mở bộ phận điều khiển máy thuỷ lực, nên bánh xe vốn rất nặng, sẽ tự rơi vào đúng vị trí. Nhưng một khi nó đã rơi thì không thể kéo lên lại được nữa, cho dù họ muốn”.
Trong khi người chỉ huy cứu hoả nói vậy, người ta đã có thể thấy bánh xe của chiếc máy bay chở khách đang từ từ hạ xuống.
Một lúc sau, giọng nói điềm tĩnh của nhân viên điều khiển vang lên: “Muskegon, chúng tôi đã thấy bánh xe. Chú ý lửa đang tới gần bánh xe trước phía bên phải”.
Nếu bánh trước bên phải bắt lửa, điều này rất có thể xảy ra, thì một phía của hệ thống hạ cánh sẽ tung ra khi bị va chạm đất, làm chiếc máy bay nghiêng về phía bên phải trong khi nó vẫn đang chạy ở tốc độ cao.
Minh đưa tay chỉnh ống kính và bấm máy quay. Anh cũng đã có thể thấy ngọn lửa giờ đây đã bén vào chiếc lốp. Chiếc máy bay chở khách đang lướt trên khu vực sân bay, rồi nó tiến gần vào, chỉ cách đường băng một phần tư dặm… Nó đang cố tìm cách hạ cánh, nhưng ngọn lửa bốc to dữ dội hơn, rõ ràng là đã bị bén vào nhiên liệu và hai trong số bốn bánh bên phải đang bốc cháy… Một tia lửa phụt ra khi một chiếc lốp nổ tung.
Bây giờ chiếc máy bay chở khách đang bốc cháy lao trên đường băng với tốc độ 150 dặm một giờ. Khi chiếc máy bay chạy ngang qua chỗ những xe cấp cứu đang chờ sẵn, từng chiếc một lao với tốc độ cao nhất ra đường băng sau chiếc máy bay, lốp siết trên mặt đường. Hai chiếc xe cứu hoả phun bọt màu vàng chạy trước và năm chiếc kia theo sát phía sau.
Trên đường băng, lúc bộ phận hạ cánh của máy bay chạm đất, một chiếc lốp phía bên phải lại nổ tung, rồi một chiếc nữa. Bỗng tất cả những chiếc lốp bên phải rời ra… Những chiếc bánh xe chỉ còn trơ lại vành. Đồng thời là những tiếng rít rợn người của kim loại, những tia lửa toé ra và một đám bụi mảnh xi măng bắn tung toé lên không trung… Không hiểu bằng phép màu nào đó, các phi công đã cố giữ chiếc máy bay chở khách chạy được trên đường băng… Cuối cùng nó dừng hẳn. Lúc đó, ngọn lửa bùng lên.
Vẫn tiếp tục lao theo, những chiếc xe cứu hoả tiến sát vào và lập tức phun bọt ra, những vòng xoắn khổng lồ phủ lên máy bay với một tốc độ cực nhanh trông giống như một núi bọt xà phòng.
Trên máy bay, nhiều cửa hành khách đã được mở ra, những thang trượt cấp cứu được ném xuống; cửa phía trước mở về phía bên phải, nhưng ở đó lửa vẫn đang chặn những lối ra ở giữa thân máy bay. Ở bên trái không có lửa; cửa trước và cửa giữa thân đã được mở: một số hành khách vội vàng trượt xuống. Nhưng ở phía sau, nơi mỗi bên có hai cửa cấp cứu vẫn chưa có cửa nào mở.
Qua ba cửa đã được mở; khói từ trong máy bay cuồn cuộn tuôn ra. Một số hành khách đã ở trên mặt đất; những người ra sau ho sặc sụa, nhiều người nôn thốc nôn tháo, tất cả đều hớp lấy hớp để từng ngụm không khí.
Ngọn lửa bên ngoài đã được dập dưới một đống bọt phủ kín một phía của máy bay.
Các nhân viên cứu hoả từ chiếc xe cứu trợ khẩn cấp mặc quần áo chống nóng màu bạc và đeo bình dưỡng khí, nhanh nhẹn chạy đến lắp thang vào những chiếc cửa chưa được mở phía sau. Khi tất cả những cánh cửa đã được mở bằng tay từ phía bên ngoài, khói lại tuôn ra nhiều hơn. Các nhân viên cứu hoả vội chui vào, quyết dập tắt lửa bên trong. Những người lính cứu hoả khác vào khoang chở khách bằng cửa trước đã giúp đưa hành khách ra, một số người ngã giúi giụi vì choáng.
Số hành khách được đưa ra thưa dần. Harry Partridge ước chừng chỉ mới có gần 200 người ra khỏi máy bay và theo như anh biết thì kể cả phi hành đoàn trên máy bay có tất cả 297 người. Các nhân viên cứu hoả bắt đầu đưa một số người có vẻ bị bỏng nặng ra. Trong số đó có hai nữ nhân viên hàng không. Khói từ trong máy bay vẫn tuôn ra, dù đã ít hơn trước.
Minh Văn Cảnh tiếp tục quay những sự việc xảy ra xung quanh, chỉ tập trung vào ống kính, gạt bỏ tất cả những ý nghĩ khác, vì anh biết rằng anh là người quay phim duy nhất trên hiện trường và trong máy quay, anh đã có những hình ảnh đặc biệt và độc đáo. Có lẽ kể từ vụ tai nạn của chiếc máy bay Hindenhierg cho đến nay, chưa có vụ nổ máy bay lớn nào được quay chi tiết đến thế này, ngay khi sự việc đang xảy ra. Xe cứu thương đã được tập trung lại bên cạnh trạm chỉ huy tại chỗ. Hàng chục chiếc đã ở đó, còn các xe khác đang tới. Nhân viên cứu trợ y tế lao về phía những người bọ thương, đặt họ lên những chiếc cáng có ghi số. Chỉ trong giây phút, những nạn nhân đã trên đường tới những bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận họ. Khi một chiếc trực thăng đưa bác sĩ và y tá đến, trạm chỉ huy ở gần chiếc máy bay đã trở thành bệnh viện dã chiến cùng với một hệ thống cứu trợ khẩn cấp năng động.
Mọi việc được tiến hành khẩn trương cho thấy kế hoạch cấp cứu của sân bay tuyệt vời như thế nào. Partridge thoáng nghe tiếng viên chỉ huy đội cứu hoả báo rằng khoảng một trăm chín mươi hành khách đã ra khỏi máy bay và còn sống. Như vậy có nghĩa là còn hơn một trăm người chưa ra được.
Một nhân viên cứu hoả, vừa bỏ mặt nạ ra để lau mồ hôi mặt, vừa nói “Ôi lạy Chúa! Phía sau ngổn ngang xác chết. Ở đó chắc là nơi khói nhiều nhất”. Đó cũng là lý do tại sao bốn chiếc cửa cấp cứu ở phía sau đã không mở ra được.
Như tất cả các tai nạn hàng không khác, người chết phải để yên tại chỗ cho đến khi một viên chức Ban an toàn giao thông quốc gia – hiện đã ở hiện trường – tới ra lệnh chuyển họ đi sau khi tiến hành thể thức nhận diện.
Phi hành đoàn từ buồng lái bước xuống máy bay, nhất định không chịu để ai giúp đỡ. Viên phi công chính, đeo phù hiệu bốn vạch, tóc đã hoa râm, nhìn những người bị thương và khi biết con số người chết đã bật khóc. Đoán rằng dù có người bị chết, các phi công vẫn sẽ được ca ngợi vì đã đưa máy bay hạ cánh, Minh quay cận cảnh khuôn mặt đau đớn của viên phi công. Đó là hình ảnh cuối cùng mà Minh quay và cũng lúc đó có tiếng gọi to: “Harry! Minh! Ken. Dừng lại đi. Mau lên! Mang tất cả những gì các anh có lại đây. Chúng ta sẽ truyền về New York bằng vệ tinh”.
Đó là giọng của Rita Abrams vừa mới đến trên chiếc xe buýt của ban thông tin công cộng. Cách đó không xa, chiếc máy phát vệ tinh lưu động hiện ra. Đĩa phát trên xe, khi di chuyển được xếp lại như kiểu xếp quạt, giờ đã mở ra và hướng lên trời.
Nhận được lệnh, Minh hạ máy xuống. Hai đội quay khác cũng đã đến trên chiếc xe buýt mà Rita vừa đi, một trong hai đội là KDLS, chi nhánh của CBA, cùng với các ký giả và phóng viên nhiếp ảnh. Họ và những người khác, theo Minh biết, sẽ tiếp tục theo dõi sự việc. Nhưng chỉ có Minh có được những hình ảnh đặc biệt về tai nạn, và anh biết với niềm kiêu hãnh ngấm ngầm rằng hôm nay và những ngày tới, những hình ảnh mà anh ghi sẽ được truyền đi khắp thế giới và sẽ tồn tại như một phần của lịch sử.
* * *
Họ lại đi với Vernon trên chiếc xe của Ban thông tin công cộng tới cỗ xe phát vệ tinh. Trên đường đi, Partridge bắt đầu nhẩm những lời anh sắp nói. Rita bảo anh: “Chuẩn bị phần lời một phút bốn nhăm giây. Ngay khi anh đã sẵn sàng, cắt ngay đường âm thanh, làm ngay chương trình đứng nói cận cảnh. Trong lúc đó, tôi sẽ truyền nhanh hình ảnh về New York”.
Partridge gật đầu, Rita liếc nhìn đồng hồ: đã năm giờ 43 phút, tức là sáu giờ 43 phút ở New York. Chỉ còn có 15 phút nữa trước khi bắt đầu chương trình tin tối Toàn quốc.
Partridge vẫn tiếp tục viết, miệng lẩm nhẩm sửa lại vài lỗi trong đoạn anh đã viết. Minh trao lại cuốn băng quý giá cho Rita, rồi lắp một băng mới nguyên vào máy, sẵn sàng để thu lời và quay cận cảnh Partridge.
Vernon thả họ xuống ngay bên cạnh chiếc xe phát vệ tinh. Broderick vừa xuống đã chạy ngay đến cửa ra vào để đọc qua điện thoại bài của mình về New York. Lúc chia tay nhau, anh nói: “Cảm ơn các cậu. Nếu các cậu muốn tin có chiều sâu thì ngày mai hãy mua Thời bào nhé!”.
O’Hara, người say mê kỹ thuật cao, thán phục đứng ngắm chiếc xe phát vệ tinh chứa đầy dụng cụ. “Sao mà tôi thích các chú này đến thế”. Ăng ten đĩa rộng 15 fut đặt trên nóc xe giờ đây đã mở hết cỡ, được nâng lên và một chiếc máy phát điện 20 kilooat đang chạy. Phía bên trong, tại phòng điều khiển nhỏ dụng cụ biên tập và truyền đã được xếp chồng lên nhau, một kỹ thuật viên trong nhóm hai người đang nối sóng của hệ thống phát trên xe với một vệ tinh Ku-band ở độ cao 22.300 dặm – tức là Sapcenet 2. Những gì họ phát đi, sẽ lên thẳng tới điểm tiếp nhận số 21 trên vệ tinh, rồi ngay lập tức được chuyển xuống New York để ở đó thu hình lại.
Trong xe, làm việc bên cạnh kỹ thuật viên, Rita thành thạo đưa những cuộn băng của Minh vào máy biên tập và xem qua trên một màn hình. Tốt lắm, cô thầm nghĩ. Tất cả đều tuyệt vời.
Thông thường vào những trường hợp khác, chủ nhiệm chương trình và biên tập viên sẽ cùng chọn các đoạn khác nhau của băng hình, rồi kết hợp với tuyến âm thanh và lời của phóng viên, ghép lại thành một tin trọn vẹn đã được biên tập. Nhưng làm như vậy phải mất tới bốn mươi lăm phút, đôi khi còn lâu hơn, mà hôm nay thì không có thời gian. Vậy nên, Rita quyết định chóng vánh chọn những hình ảnh trong các đoạn dễ gây xúc động nhất để cho kỹ thuật viên truyền thẳng đi – theo cách nói của dân vô tuyến là “nhanh và thô”.
Bên ngoài xe phát vệ tinh, Partridge ngồi trên chiếc thang sắt đã hoàn chỉnh phần lời và sau khi mau chóng hội ý với Minh và nhân viên ghi âm, anh cho thu ngay vào máy.
Sau khi chứa đủ thời gian cho phát thanh viên đọc lời dẫn tựa, sẽ được viết tại New York và tiếp liền sau những sự kiện nóng hổi của câu chuyện xuất hiện, Partridge bắt đầu:
“Các phi công trong một cuộc chiến trước đây đã từng gọi cảnh này là cuộc hạ cánh với một cánh và một lời cầu nguyện. Đã có một bài hát mang tên như vậy. Nhưng chắc sẽ không có ai viết một bài hát về ngày hôm nay…
“Chiếc may bay chở khách của hãng Hàng không Muskegon lúc đó còn cách Dallas-Fort Worth sáu mươi dặm… gần như đầy kín hành khách… từ Chicao tới.. Thì bị va chạm trên không…”.
Là một phóng viên dày kinh nghiệm viết tin cho đài truyền hình, Partridge đã viết “hơi xa hình một chút”. Đó là một nghệ thuật đặc biệt rất khó học và không phải ai làm việc ở đài truyền hình lúc nào cũng thành công. Kể cả những nhà viết tin chuyên nghiệp tài năng, bởi vì những lời được viết ra là để đọc kèm với hình và rất hiếm khi được đọc riêng mà hay được.
Bí quyết của thủ thuật này, như Partridge và những người như anh biết, là không mô tả hình. Người xem vô tuyến sẽ tận mắt thấy hình ảnh và không cần lời mô tả. Tuy nhiên, phần lời cũng không nên tách quá xa hình khiến cho tư tưởng người xem bị phân tán. Nói đúng ra đó là hành động giữ thăng bằng mà người viết phải linh cảm được.
Một điều khác mà những người làm tin vô tuyến nhận thức được là: cái hay của bản tin không nằm trong câu cú hoặc những đoạn văn đúng mẹo luật. Những đoạn ngắn gọn có tác dụng tốt hơn. Sự việc phải trần trụi, mạnh mẽ; lời văn phải sắc gọn. Cuối cùng, những động tác và âm điệu của người phóng viên bình luận phải đầy ý nghĩa. Anh ta phải vừa là một phóng viên xuất sắc, vừa là một diễn viên nữa. Về những điểm này Partridge là một chuyên gia, tuy nhiên hôm nay anh gặp khó khăn: anh không nhìn thấy hình, như thường lệ đối với phóng viên. Nhưng ít nhiều thì anh cũng đã biết những hình ảnh đó.
Partridge kết thúc trong tư thế đứng nói chính diện, máy ghi hình quay từ vai anh trở lên. Phía sau anh, mọi hoạt động vẫn đang tiếp tục quanh chiếc máy bay chở khách bị nạn.
“Câu chuyện này còn có thêm… nhiều chi tiết bi thảm, đó là con số người chết và bị thương. Nhưng có một điều ngay lúc này đã rõ là nguy cơ máy bay đâm nhau đang ngày càng tăng… trên đường bay, trên bầu trời đông đúc của chúng ta… Harry Partridge, hãng tin CBA, Dallas Ford Worth” .
Cuốn băng có lời và người phóng viên đứng tuổi đã được đưa vào trong xe cho Rita. Vốn đã biết quá rõ và luôn tin tưởng Partridge, nên không cần phí thời gian kiểm tra, cô ra lệnh truyền thẳng về New York, mà khỏi cần xem lại. Sau đó, theo dõi và lắng nghe trong lúc kỹ thuật viên truyền đi, cô rất phục anh. Nhớ lại cuộc tranh cãi cách đây nửa tiếng trong tiệm rượu ở phòng chờ máy bay, cô thầm nghĩ: vói tài năng đa dạng của mình, Partridge đã tỏ rõ tại sao lương anh lại cao hơn nhiều so với lương của anh chàng ký giả của tờ Thời báo New York.
Bên ngoài, Partridge còn phải làm thêm một nhiệm vụ nữa của phóng viên một tin truyền thanh đọc theo những điều ghi được và tự ý bình thêm cho đài phát thanh CBA. Sau khi truyền xong chương trình truyền hình, chương trình truyền thanh cũng sẽ được truyền về New York bằng vệ tinh.