Phần một - Chương 1
Tác giả: Arthur Hailey
Trụ sở hãng vô tuyến truyền hình CBA tại New York nhận được tin đầu tiên về vụ chiếc máy bay vận tải A300 bị đâm, đang bắt lửa và sắp hạ xuống sân bay Dallas Fort Worth (DFW) chỉ cách giờ phát đầu tiên của Bản tin chiều Toàn quốc chừng một chục phút.
Đã 6 giờ 21 (giờ miền đông). Phân xã trưởng của hãng CBA tại Dallas gọi điện cho chủ nhiệm của ban Vành móng ngựa New York: “Chúng tôi đang chờ một vụ nổ máy bay lớn tại sân bay DFW. Một chiếc máy bay nhỏ đụng phải chiếc máy bay chở đầy hành khách. Chiếc máy bay nhỏ rơi ngay, còn chiếc máy bay chở khách bị bắt lửa đang cố tìm cách hạ cánh. Hệ thống vô tuyến điện của cảnh sát và cứu thương đang rối tung cả lên”.
“Lạy chúa” – một chủ nhiệm của Vành móng ngựa thốt lên: “liệu chúng ta sẽ có hình không đây?”. Vành móng ngựa là một chiếc bàn ngoại cỡ hình móng ngựa dành cho mười hai người ngồi làm việc. Đây là nơi mà từ sáng sớm cho đến phút cuối cùng của buổi phát tin đêm, những tin tức quan trọng của toàn hệ thống được dự tính và chuẩn bị. Tại hãng đối địch là hãng CBS, bộ phận này được đặt tên là Bể cá, hãng ABC gọi là Vành tròn, còn hãng NBC thì chỉ gọi đơn thuần là Bàn lớn. Nhưng gọi gì thì gọi, chức năng của nó vẫn chỉ là một.
Người ta cho là nơi đây tập trung những bộ óc tuyệt vời nhất trong việc phán xét và quyết định tin tức: uỷ viên ban chủ nhiệm, phát thanh viên, các chủ nhiệm chính, đạo diễn, biên tập viên, những người viết tin, hoạ sĩ thiết kế tạo hình chính và những phụ tá. Bên cạnh họ là nửa tá máy vi tính, máy in tin, hàng loạt máy điện thoại hiện đại nhất, trông cứ hệt như một dàn hợp xướng và toàn bộ là để giúp chho những người sử dụng có thể làm hiện lên bất cứ cái gì họ cần, từ những băng chưa được cắt ráp, tới những đoạn phim đã sẵn sàng để phát, rồi cả những tin của các hãng đối thủ.
Vành móng ngựa nằm ở tầng bốn của trụ sở hãng CBS, trong một khu trung tâm rộng rãi, bên cạnh một dãy phòng làm việc, nơi nhiều lần trong ngày các cán bộ của Bản tin chiều Toàn quốc có thể lui vào làm những phần việc riêng của họ, tránh xa cái ồn ào điên cuồng thường xuyên của Vành móng ngựa.
Hôm nay cũng như mọi ngày, Chuck Insen, uỷ viên ban chủ nhiệm, chỉ đạo toàn bộ công việc của phòng tin. Đây là một con người gày gò, nóng tính, xuất thân là một nhà báo kỳ cựu và cho đến nay, ông vẫn giữ sở thích tỉnh lẻ của ông là ưu tiên cho tin tức trong nước hơn là tin tức quốc tế. Theo tiêu chuẩn của vô tuyến truyền hình, thì ở độ tuổi 52, ông đã thuộc vào loại già, mặc dù ông chưa có biểu hiện gì của sự kém năng nổ, tuy đã hơn bốn năm làm cái công việc mà thường chỉ hai năm đã làm sức lực cạn kiệt. Chuck Insen không thích dài dòng: ông không bao giờ tham gia vào những việc vớ vẩn phù phiếm. Đơn thuần là công việc vất vả đã chiếm hết thời gian của ông.
Vào cái giờ nói trên của ngày thứ tư giữa tháng chín này, công việc đang ở mức dồn đập nhất. Suốt từ sáng sớm, việc sắp xếp Bản tin chiều, chọn lựa chủ đề và những điểm cần chú trọng đã được xem xét, bàn luận, sửa đổi và quyết định. Các phóng viên và các chủ nhiệm tin trên khắp thế giới đóng góp ý kiến, nhận chỉ thị và trả lời. Toàn bộ tin tức trong ngày được tập trung vào các bản tin của tám phóng viên, mỗi tin trung bình dài một phút rưỡi tới hai phút, cùng với hai tin có hình và bốn “tin-truyền-miệng”. Tin-có-hình là phát thanh viên nói có hình kèm; còn tin truyền miệng thì phát thanh viên đọc không hình. Trung bình mỗi tin của hai loại này dài khoảng hai mươi giây.
Giờ đây, vì cái sự cố bất ngờ xảy ra ở Dallas đúng tám phút trước giờ phát, nên toàn bộ chương trình nhất thiết phải sắp xếp lại. Dù chưa biết chắc rằng sẽ còn thêm tin bổ sung hoặc thu được hình hay không, riêng việc thêm cái chuyện xảy ra ở Dallas cũng đòi hỏi phải bớt đi một mục tin đã dự định và thu ngắn lại các tin khác. Buổi phát tin sẽ bắt đầu trong khi việc sắp xếp lại vẫn tiếp tục. Đây cũng là chuyện thường gặp.
“Tất cả chuẩn bị sắp xếp chương trình mới” – Insen cao giọng ra lệnh. “Chúng ta sẽ đưa chuyện Dallas lên đầu. Crawf sẽ đọc không hình. Chúng ta có bản tin viết chưa?”
“Hãng AP vừa gửi tới. Tôi có đây rồi” Crawford Sloane, phát thanh viên, trả lời. Anh đang đọc bản tin của hãng AP (Liên đoàn Báo chí) vừa mới nhận được trước đó vài phút.
Crawford Sloane, với những đường nét sương sương quen thuộc, mái tóc xám nhạt, cằm hơi nhỏ, và cử chỉ hơi có vẻ hách dịch nhưng đáng tin cậy, hầu như tối nào cũng được chừng mười bảy triệu người chiêm ngưỡng. Anh ngồi tại Vành móng ngựa trên cái ghế đặc biệt phía bên phải của uỷ viên ban chủ nhiệm. Anh cũng là một người đưa tin kỳ cựu và đã vững vàng leo lên bậc thang danh vọng, đặc biệt là sau chuyến mạo hiểm sang làm phóng viên thường trú của hãng CBA tại Việt Nam. Hiện nay, sau một thời gian chuyên đưa tin về Nhà trắng, rồi tiếp đến ba năm giữ vị trí phát thanh viên buổi tối, anh đã trở nên nổi danh toàn quốc, và là một ngôi sao sáng trong giới thông tin báo chí.
Vài phút nữa Sloane phải sang phòng ghi. Còn lúc này anh phải rút ý từ cuộc nói chuyện qua điện thoại từ Dallas, thêm vào đó một số dữ kiện lấy từ bản tin của hãng AP để chuẩn bị một tin phát không hình. Anh sẽ tự viết tin này. Không phải phát thanh viên nào cũng viết được tin, nhưng Sloane khi nào có điều kiện đều thích viết hầu hết những gì anh nói. Nhưng phải việt thật nhanh.
Mọi người lại nghe thấy Chuck Insen cất cao giọng. Sau khi xem xét lại chương trình phát tin cũ, ông bảo một trong ba viên chủ nhiệm: “Vứt Ảrập Xaodi, cắt Nicaragua mười lăm giây…”.
Trong thâm tâm, Sloane khó chịu khi nghe quyết định bỏ tin về Ảrập Xaodi. Đó là một tin quan trọng dài khoảng hai phút rưỡi, đã được phóng viên thường trú của hãng CBA tại Trung Đông gọt rũa cẩn thận về vấn đề dự kiến buôn bán dầu hoả tương lai của Xaodi. Để đến ngày mai thì tin này sẽ bị vứt vì các hãng khác đã có và sẽ phát tối nay.
Sloane không thắc mắc về quyết định để tin về Dallas lên đầu, nhưng nếu quyết định chọn, anh sẽ bỏ mẩu tin về chuyện làm ăn phi pháp của một thượng nghị sĩ Mỹ ở đồi Capitol. Nhà lập pháp này đã bí mật chuyển tám triệu đô la vào một tài khoản riêng khổng lồ để trả ơn một người bạn thân của ông ta, người đã ủng hộ ông ta trong cuộc vận động bầu cử. Chỉ nhờ một cuộc điều tra ráo riết của một phóng viên, sự việc mới được đưa ra ánh sáng.
Tuy hấp dẫn thật, song cái chuyện ở Washington này thực ra chẳng quan trọng, một nghị sĩ tham nhũng có gì là lạ đâu. Nhưng người quyết định, anh chua chát nghĩ, lại là Chuck Insen. Một lần nữa, một tin quốc tế, loại tin mà Sloane ưa thích, lại bị huỷ.
Quan hệ giữa hai người – một là uỷ viên ban chủ nhiệm và một là phát thanh viên – chưa bao giờ tốt đẹp, nhưng gần đây lại tồi tệ thêm vì những bất đồng đại loại như vậy. Có vẻ như những quan điểm của họ ngày càng trở nên khác biệt, không chỉ về loại tin gì nên được ưu tiên mỗi đêm, mà cả việc đưa như thế nào nữa. Chẳng hạn, Sloane thích đi sâu vào một số chủ đề quan trọng, trong khi Insen lại muốn nhồi nhét càng nhiều tin càng tốt, kể cả khi phải theo lối ông ta thường nói – “đưa một số tin theo kiểu cấp tốc”.
Giá phải lúc khác, Sloane sẽ lên tiếng phản đối việc bỏ tin về Xaodi, mà có khi lại giữ lại được, vì phát thanh viên cũng là uỷ viên biên tập và có quyền đưa một số tin vào – có điều lần này không còn thời gian nữa.
Sloane đạp mạnh gót giày xuống sàn, xoay chiếc ghế du về phía sau và sang bên cạnh một chút với một sự khéo léo thành thục để đến ngay trước hàng phím của máy vi tính. Hết sức tập trung, gạt bỏ mọi sự xáo động quanh mình ra khỏi tâm trí, anh bấm máy viết ra những câu mở đầu cho buổi phát tin tối nay:
“Vừa có tin từ Dallas Worth về một thảm kịch sắp xảy ra. Chúng tôi được biết cách đây ít phút đã xảy ra vụ va đụng trên không giữa hai máy bay chở k hách, trong đó có một máy bay chở đầy khách của hãng hàng không Muskegon, ở trên thành phố Gainesville bang Texas, phía bắc Dallas và theo hãng AP thì chiếc máy bay kia, nhỏ hơn, đã rơi. Hiện nay chưa có tin tức gì về số phận của nó cũng như số người bị thiệt mạng. Chiếc máy bay chở khách vẫn đang bay, nhưng đã bị bén lửa trong khi phi công cố tìm cách lao tới sân bay DFW để hạ cánh. Ở dưới đất, nhân viên cứu hoả và cứu thương đã sẵn sàng tiếp cứu”.
Trong khi lướt ngón tay trên hàng phím, Sloane chợt nghĩ là rất ít, có thể nói là không ai, trong số người xem vô tuyến sẽ tắt máy trước khi bản tin tối nay kết thúc. Vì vậy, anh thêm một câu trong tin đọc không hình, lưu ý họ tiếp tục chờ thêm tin tức mới, rồi bấm nút in ra. Ở phòng máy nhắc viễn thông cũng sẽ có một bản, để khi anh xuống phòng phát thanh ở tầng dưới anh có thể đọc nó trên màn của máy nhắc.
Trong khi Sloane cầm mớ giấy trên tay vội vã đi về phía cầu thang xuống tầng ba, Insen đang hỏi một trong những chủ nhiệm chính “Mẹ kiếp, hình ảnh truyền từ DFW thế nào?”.
“Chuck Insen ạ, hình có vẻ không tốt đâu” – Viên chủ nhiệm nghẹo đầu kéo ống nghe, nói chuyện với tay biên tập viên tin trong nước ở phòng tin chính. “Chiếc máy bay cháy đang đến gần sân bay nhưng đội quay của chúng ta đang ở cách đó hai mươi dặm. Họ không thể đến kịp được”.
Insen cáu kỉnh chửi thề “Cứt”.
* * *
Nếu người ta tặng huân chương cho người làm những công việc nguy hiểm trong lĩnh vực vô tuyến truyền hình thì Ernie LaSalle, tổng biên tập tin trong nước, hẳn phải có đầy ngực. Mặc dù anh mới có hai mươi chín tuổi, trước đây đã làm việc đặc biệt xuất sắc với tư cách là phụ trách chương trình Tin chiến sự của hãng CBA thường lui tới những vùng nguy hiểm ở Liban, Iran, Angola, đảo Falklands, Nicaragua và các điểm nóng khác ngay khi tình hình ở đó vẫn đang rất căng thẳng. Tuy hiện nay vẫn còn những nơi như vậy, nhưng LaSalle đã chuyển sang theo dõi phần tin trong nước, mà đôi khi cũng gay cấn không kém, từ một chiếc ghế đệm thoải mái trong căn phòng kính nhìn bao quát cả phòng tin.
Lasalle trông chắc nịch, tầm thước, năng nổi, râu ria tỉa gọn, ăn mặc rất cẩn thận, một số đồng sự cho rằng anh đang phất. Với cương vị tổng biên tập tin trong nước, công việc của anh rất nặng nề, và anh là một trong hai người giữ trách nhiệm chính của phòng tin. Người thứ hai phụ trách tin quốc tế. Cả hai đều có ghế ngồi trong phòng tin mà họ sẽ dùng đến khi có tin đặc biệt khẩn cấp nào đó họ phải tham gia vào. Chuyện xảy ra ở sân bay DFW là trường hợp khẩn cấp như vậy nên Lasalle lao ngay tới ghế của anh trong phòng tin.
Phòng tin năm ở tầng dưới Vành móng ngựa. Phòng phát hình cũng ở tầng đó, vì cần có phòng tin náo nhiệt đó hỗ trợ. Một phòng điều khiển, nơi đạo diễn sắp xếp những thành phần mang tính chất kỹ thuật của mỗi chương trình phát hình lại với nhau, nằm ở tầng hầm của toà nhà trụ sở.
Từ lúc phân xã trưởng ở Dallas báo tin về chiếc máy bay bị nạn đang tới gần DFW đến giờ đã bảy phút trôi qua. Lasalle buông máy điện thoại này xuống, nhấc máy kia lên, đồng thời đưa mắt dọc màn hình máy vi tính bên cạnh anh, trên đó một tin mới của hãng AP vừa hiện lên. Anh đang tiếp tục làm hết sức để đảm bảo theo dõi được đầy đủ sự việc, đồng thời kịp thông báo những tin tức mới cho Vành móng ngựa.
Chính Lasalle đã thông báo cái tin làm mọi người ngao ngán là đội quay dù hiện nay đang phóng xe về phía sân bay DFW bất chấp tốc độ quy định trên đường, vẫn còn cách nơi đó tới hai mươi dặm. Lý do là hôm nay tại phân xã Dallas mọi người, gồn toàn bộ đội quay, chủ nhiệm chương trình và phóng viên, đang bận một công vụ mà thật rủi ro là ở cách sân bay rất xa.
Tất nhiên rồi thể nào cũng sẽ có những đoạn băng ghi hình, nhưng phải là sau khi sự kiện đã xảy ra rồi, chứ không phải đúng lúc chiếc máy bay đang hạ cánh, một cảnh hẳn là ngoạn mục và có lẽ rất kinh hoàng. Cũng không chắc là có bất kỳ hình ảnh loại nào có thể đưa kịp vào chương trình đầu của giờ phát tin toàn quốc buổi tối được truyền qua vệ tinh tới toàn bộ vùng biển phía đông và các vùng ở miền Trung Tây.
Điều an ủi duy nhất là phân xã trưởng Dallas cho biết rằng không có hãng hoặc đài truyền hình địa phương nào có đội quay ở sân bay và, cũng như đội quay của hãng CBA, họ đều đang trên đường tới đó.
Từ trong phòng làm việc của mình, Ernie Lasalle, tuy đang bận rộn với những chiếc máy điện thoại, vẫn có thể thấy những hoạt động trước giờ phát hình như thường lệ trong phòng phát hình sáng trưng khi Crawford Sloane bước vào. Khán giả theo dõi vô tuyến truyền hình trong suốt bản tin đều có cảm giác phát thanh viên đang ở ngay trong phòng tin. Nhưng thực ra có một tấm kính cách âm dày ngăn giữa hai phòng, nên tiếng ồn của phòng tin không thể lọt vào, trừ phi người ta cố tình đưa vào để gây cảm giác âm thanh.
Lúc này đã 6 giờ 28 phút, còn hai phút nữa là buổi phát tin bắt đầu.
* * *
Lúc Sloane vừa ngồi xuống ghế phát thanh, lưng quay về phòng tin và mặt quay về ống kính của ba máy quay, một nữ nhân viên hoá trang bước vào. Mười phút trước đây Sloane đã hoá trang trong một phòng riêng ngay cạnh phòng làm việc của anh, nhưng từ lúc đó đến giờ mồ hôi vã ra. Bây giờ cô gái phải lau trán cho anh, phủ phấn lên, chải tóc và phun keo giữ tóc cho anh.
Thoáng vẻ sốt ruột, Sloane thì thầm: “Cảm ơn, Nina”. Rồi liếc nhìn mấy tờ giấy, kiểm tra lại phần đầu của tin không hình xem có khóp với hàng chữ to hiện trên màn hình của máy nhắc lời đặt trước mặt anh, để anh vừa có thể đọc trên máy mà vẫn như đang nhìn thẳng vào khan giả. Chỉ khi nào máy nhắc tin không hoạt động thì người ta mới thấy phát thanh viên giở tập giấy dự phòng trên bàn.
Người chỉ huy trường quay gọi to “còn một phút”.
* * *
Trong phòng tin Ernie Lasalle ngồi thẳng dậy, chăm chú, căng thẳng.
Khoảng một phút trước đây, phân xã trưởng tại Dallas đang nói chuyện qua điện thoại với Lasalle phải xin lỗi để trả lời một cú điện thoại khác. Trong khi chờ đợi, Lasalle có thể nghe thấy giọng của ông phân xã trưởng nhưng không rõ ông ta nói gì. Bây giờ ông quay lại tiếp và tin của ông khiến tổng biên tập tin trong nước nở nụ cười sung sướng.
Lasalle vồ lấy máy điện đàm nội bộ màu đỏ trên bàn, nói qua hệ thống phóng thanh tới tất cả các ban thuộc hệ thống tin tức.
“Phòng tin trong nước, Lasalle đây. Tin vui mới nhận từ sân bay DFW. Partridge, Abrams, Văn Cảnh đang chờ chuyến máy bay ngay trong phòng chờ của sân bay. Abrams vừa mới báo về văn phòng ở Dallas là họ đang khẩn trương viết tin. Còn nữa: một đài phát vệ tinh lưu động đã bỏ một nhiệm vụ khác và đang trên đường tới sân bay DFW; mong là kịp thời. Đã đăng ký giờ truyền qua vệ tinh từ Dallas tới New York. Chúng tôi hy vọng có hình kịp đưa vào chương trình phát tin đầu tiên”.
Cho dù anh cố làm ra vẻ thản nhiên, Lasalle thấy khó giấu vẻ hài lòng lộ ra trong giọng nói. Như thể để đáp lại, tiếng hò reo từ Vành móng ngựa cố nén vang xuống cầu thang bên dưới. Trong phòng phát, Crawford Sloane cũng quay vòng lại phía sau giơ ngón tay cái lên chia vui với Lasalle.
Một viên phụ tá đặt tờ giấy lên trước mặt tổng biên tập chương trình tin trong nước. Anh liếc mắt đọc rồi tiếp tục nói vào máy điện đàm: “Đây cũng là tin của Abrams: có 286 hành khách và mười một nhân viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay bị nạn. Chiếc thứ hai là chiếc piper Cheyenne của tư nhân bị nổ tung ở Gainesville, không ai sống sót. Đã tìm thấy nạn nhân ở dưới đất nhưng chưa có chi tiết về số người và mức độ nghiêm trọng. Chiếc máy bay chở khách lớn văng mất một động cơ và đang cố hạ cánh bằng động cơ còn lại. Đài hướng dẫn đường bay báo có lửa cháy phía động cơ bị mất. Hết tin”.
Lasalle thầm nghĩ: mọi điều từ Dallas đưa về trong mấy phút vừa qua hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Nhưng điều đó cũng phải thôi vì nhóm Abrams, Partridge và Văn Cảnh là một trong những nhóm xuất sắc nhất của hãng CBA. Rita Abrams trước đây là phóng viên, hiện nay làm chủ nhiệm chương trình lưu động chính, có tiếng là biết đánh giá tình hình mau lẹ và rất tháo vát trong việc chuyển tin về, kể cả trong những điều kiện khó khăn. Harry Partridge là một trong những phóng viên xuất sắc nhất trong công việc này. Anh vẫn là chuyên gia trong các tin chiến tranh và, giống như Crawford Sloane, anh cũng đã thường trú tại Việt Nam, đến nay vẫn luôn là người đáng tin cậy trong những công việc đặc biệt ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và người quay phim Minh Văn Cảnh, gốc Việt Nam và hiện là công dân Mỹ, rất cừ vì có những hình ảnh đẹp mà đôi khi anh đã liều cả tính mạng để quay trong những hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Việc cả ba người tham gia vào đưa tin vụ Dallas đảm bảo sẽ cho một kết quả như ý.
6 giờ 31 phút, chương trình đầu tiên của Bản tin tối toàn quốc đã bắt đầu. Với tay lấy một chiếc máy điều khiển bên cạnh bàn, Lasalle mở máy theo dõi tin để trước mặt và nghe tiếng Crawford Sloane đọc bản tin sốt dẻo không hình về vụ DFW. Trên màn hình, bàn tay của người viết tin đẩy mảnh giấy lên trước mặt Sloane. Rõ ràng đó là tin bổ sung của Lasalle. Liếc mắt nhìn, một cách tự nhiên, Sloane đưa ngay đoạn bổ sung vào tin anh đã chuẩn bị sẵn. Người phát thanh viên này làm việc đó cực kỳ xuất sắc.
* * *
Tại tầng trên, sau khi Lasalle thông báo, không khí của Vành móng ngựa thay đổi hẳn. Giờ đây mặc dù vẫn căng thẳng và khẩn trương, nhưng họ cảm thấy sự lạc quan hồ hởi vì biết được rằng đã nắm chắc tin về Dallas trong tay, có cả hình ảnh và tin bổ sung. Chuck Insen và những người khác lại hối hả thao tác, bàn cãi, quyết định rút bớt từng giây, cắt bớt tin và sắp xếp lại để có đủ thời gian cần thiết cho tin mới. Có lẽ tin vụ tham nhũng của ông thượng nghị sĩ cuối cùng sẽ bị bỏ. Mọi người đều cố hết sức làm việc trong tình trạng thời gian bó buộc và khẩn cấp.
Họ trao đổi với nhau rất nhanh, toàn bộ bằng ngôn ngữ báo chí.
- Tin này nghèo hinh quá.
- Cắt ngắn bản này, cô đọng nữa.
- Phòng băng hình! Chúng tôi sẽ bỏ tin “16: Tham nhũng”. Nó có thể được đưa lại nếu không có hình truyền từ Dallas.
- Mười lăm giây cuối của tin này vô vị quá, toàn kể những chuyện người ta đã biết rồi.
- Nhưng bà già ở Omaha lại chưa biết.
- Thì bà ta sẽ không bao giờ biết. Bỏ đi.
- Đoạn đầu vừa xong. Bắt đầu phần quảng cáo. Mãi bốn mươi giây chán ngắt.
- Các hãng khác có tin gì về Dallas không?
- Cũng tin không hình như chúng ta.
- Tôi cần ngay một tin ngắn gọn về “vây bắt ma tuý”.
- Bỏ đoạn này đi. Chẳng tác dụng gì cả.
- Điều chúng ta đang cố gắng làm ở đây là nhét mười hai cân phan vào một cái túi mười cân.
Kẻ ngoài cuộc không quen với cảnh này có thể thắc mắc. Đây có phải là những con người không? Họ là những kẻ vô tình hay sao? Họ không xúc động, không mảy may đau xót gì hết sao? Không ai trong bọn họ nghĩ gì tới gần ba trăm con người đầy kinh hoàng trên cái máy bay đang tiến gần sân bay DFW có thể chết hết hay sao? Không lẽ chuyện này không làm bọn họ bận tâm?
Nhưng một người hiểu biết sẽ trả lời: Có chứ, mọi người ở đây đều bận tâm, chắc chắn họ sẽ đau xót, có thể là ngay sau khi phát tin. Hoặc, khi họ về đến nhà thì nỗi kinh hoàng sẽ ám ảnh họ, và tuỳ theo mức độ, một số còn phát khóc nữa. Còn bây giờ thì không ai có thời gian. Đây là những người làm tin. Công việc của họ là ghi lại sự việc đang diễn ra, cho dù là xấu hoặc tốt, và phải ghi lại mau lẹ, đầy đủ và giản dị để sao cho như người xưa đã nói; “người đang chạy cũng đọc được”.
Vậy nên vào lúc 6 giờ 40 phút tối, mười phút sau khi Bản tin toàn quốc được truyền đi, mối bận tâm chủ yếu của những người quanh Vành móng ngựa và trong phòng tin, phòng phát hình và phòng điều khiển là: Liệu sắp có tin kèm hình từ DFW hay chưa?