watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bản Tin Chiều-Chương 9 - tác giả Arthur Hailey Arthur Hailey

Arthur Hailey

Chương 9

Tác giả: Arthur Hailey

Không khí trong văn phòng Alberto Godoy dần dần bớt căng thẳng. Bây giờ, khi mấy tay khách làm căng thẳng. Bây giờ, khi mấy tay khách làm căng từ Bản tin truyền hình đã được đáp ứng đúng yêu cầu, nên mối đe doạ không còn treo lơ lửng trên đầu nữa, ông chủ nhà đòn mới cảm thấy nhẹ nhõm. Xét cho cùng, Godoy tự nhủ, bán ba cái áo quan cho Novack, dù tên hắn là gì đi nữa, thì đâu có gì là bất hợp pháp. Làm sao ông biết được mấy cái quan tài khốn kiếp đó dùng vào việc tội lỗi? À, kể ra cả hai lần Novack tới mua, ông cũng có nghi ngờ tí chút, và không hề tin lời giải thích dông dài của hắn thật. Nhưng cứ thử đưa bằng chứng đi. Đừng hòng! Họ lần đâu ra được chứ?


Bữa nay, khi bắt đầu cái vụ ồn ào này, có hai điều làm ông ta lo lắng: đó là chuyện thuế doanh thu. Ông ta đã lấy tiền hai chiếc áo quan đầu, nhưng không cho vào sổ, và việc ông không vào sổ là để số mười ngàn đôla Novack trả không bị tính là thu nhập. Nếu sở thuế thu nhập mà biết thì thật rách chuyện. Ừ, mấy tay phóng viên truyền hình có hạng này đã hứa sẽ không hở chuyện tiền này ra, và ông tin là họ giữ lời. Ông nghe người ta bảo chính vì cách đó mà phóng viên tin truyền hình mới lấy được nhiều thông tin. Khi mọi chuyện đã xong, ông phải thú nhận thấy cung cách họ làm ông cũng hoảng. Nhưng đừng hòng ông hé môi điều gì về chuyện hôm nay nếu cái thằng thối mồm chuyên nghe lỏm của tờ Semana lảng vảng bên cạnh.
“Ông đưa tôi tờ giấy”, Don Kettering bảo, “tôi sẽ viết giấy biên nhận số tiền mượn của ông”.


Godoy mở ngăn kéo bàn đựng những thứ lặt vặt, và lôi ra một xếp giấy có dòng kẻ. Khi đóng ngăn kéo, ông chợt nhìn thấy mảnh giấy rời có chữ của ông. Ông nhét nó vào đây tuần trước và quên khuấy đi mất.
“Ấy, còn cái này! Novack đến đây lần thứ hai…”.
“Cái gì thế?”, Partridge hỏi giật giọng.
“Tôi đã nói vói các ông là hắn tới bằng chiếc xe tang Caddy, do một người nữa cầm lái. Họ cho áo quan vào xe chở đi”.
“À có, ông có nói thế”.
Godoy chìa mảnh giấy ra. “Đây là số biển kiểm soát của chiếc xe đó. Tôi ghi lại, nhét vào đây rồi quên mất”.
“Tại sao ông làm thế?”, Kettering hỏi.
“Có thể do linh tính thôi”, Godoy nhún vai “Thế có sao không?”.
“Không sao”, Partridge đáp. “Dẫu sao cũng cám ơn ông. Chúng tôi sẽ kiểm tra thêm”. Anh gập tờ giấy bỏ vào túi, mặc dù cũng không hy vọng tìm ra được gì. Anh còn nhớ biển số của chiếc xe hòm hiệu Nissan bị nổ ở White Plains là biển giả nên chẳng cho biết thêm gì. Nhưng mọi manh mối đều phải xem xét kỹ, chớ coi thường.


Partridge suy nghĩ về việc đưa tin cụ thể hơn. Anh cho rằng một số hoặc hầu hết những gì họ đã tìm ra, trong đó có việc Ulises Rodriguez dính líu đến vụ bắt cóc, sẽ phải phát sớm, mà chắc là ngay trong mấy ngày tới. Việc hãm tin ở CBA bao lâu cũng có giới hạn; dù cho tới nay họ vẫn gặp may, song sự thể có thể thay đổi bất cứ lúc đó. Partridge thấy người phần chấn trước viễn cảnh được thông báo đã có tiến triển và quyết định ngay lúc này anh cần phải nghĩ xem nên đưa như thế nào.
“Ông Godoy”, Partridge nói. “chúng tôi bắt đầu có lẽ không được hay lắm đối với ông, nhưng ông đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Ông nghĩ thế nào về việc chúng tôi quay băng hình, ghi lại những điều ông kể với chúng tôi hôm nay?”.


Nghĩ đến việc được lên ti-vi, mà lại là ở một hãng có tiếng làm ông Godoy thích thú. Nhưng rồi ông nhận ra rằng việc đó sẽ đưa ông tới chỗ phải trả lời đủ mọi loại câu hỏi, kể cả những câu hỏi về thuế doanh thu mà ông rất lo. Vì vậy, ông lắc đầu trả lời “Không, cám ơn anh”.
Partridge nói, như đọc được ý nghĩ của ông “Chúng tôi sẽ không để ông lộ diện, hoặc nói tên ông. Chúng tôi sẽ thực hiện cái gọi là “phỏng vấn hình mờ”, tức là quay ngược ánh đèn nên người xem chỉ thấy bóng người nói. Chúng tôi còn có thể làm giọng ông khác đi”.
“Nghe sẽ như tiếng máy xay cà phê ấy”, Kettering nói thêm. “Đến vợ ông cũng sẽ chẳng nhận ra. Làm tới đi, Godoy, có mất gì đâu? Chúng tôi có mang theo người quay hiện đang ngồi ngoài xe; anh ta là chuyên gia thực thụ đấy. Thế là ông sẽ giúp chúng tôi cứu những người bị bắt cóc”.
“Thôi thì…”, ông Godoy ngần ngại “nhưng các ông hứa là phải giữ bí mật, chớ nói với ai nhé?”.
“Tôi hứa như vậy”, Partridge trả lời.
“Tôi cũng thế” Kettering tán thành.
“Cả tôi nữa” Mony nói thêm.


Kettering và Partridge nhìn nhau, biết rằng lời họ vừa hứa và sẽ giữ đúng, đó là cung cách của người làm báo đứng đắn, cho dù hậu quả thế nào đi nữa, nhưng sẽ làm họ gặp chuyện phiền toái. FBI và gì gì nữa, có thể phản đối chuyện giữ bí mật, họ sẽ đòi cho biết cái bóng đó là ai. Rồi, các luật sư của hãng sẽ lo liệu chuyện đó; trước kia cũng đã từng khối chuyện om xòm kiểu đó.


Partridge còn nhớ năm 1986, hãng NBC đã thực hiện được cuộc phỏng vấn tên khủng bố người Palestin là Mohamed Abul Abbas mà họ tốn bao công đeo đuổi nhưng gây nhiều tranh cãi. Sau đó, vô số người xúm vào công kích NBC, không chỉ vì đã tiến hành phỏng vấn, mà còn vì đã thoả thuận trước, và giữ đúng cam kết, là không tiết lộ nơi phỏng vấn. Thậm chí một số người trong giới thông tin đại chúng cũng hùa theo, nhưng rõ ràng chẳng qua vì tự ái nghề nghiệp mà thôi. Trong khi tranh cãi đang căng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng chỉ trích, còn Bộ Tư pháp thì doạ gửi trát đòi tổ phóng viên phỏng vấn hôm đó đến để thẩm vấn; nhưng cuối cùng chẳng có chuyện gì xảy ra… (Bộ trưởng ngoại giao lúc đó là Goorge Shultz, khi được hỏi chỉ trả lời: “Tôi tin vào quyền tự do của báo chí”).


Thực tế mọi người đều biết là các hãng thông tấn tự nó cũng là một thứ luật lệ. Điều chắc chắn là ít bộ và chính khách muốn dây với họ trong các vấn đề pháp lý. Vả lại, nhìn chung báo chí của thế giới tự do chủ trương phanh phui sự thật, tự do và nguyên vẹn. Tất nhiên không phải bao giờ cũng được như thế; các tiêu chuẩn thường không được tôn trọng đầy đủ, vì người làm báo cũng là con người. Nhưng nếu bạn một mực chống lại những gì báo chí chủ trương, bạn sẽ có thể thuộc phe “bẩn” hơn là phe “sạch”.


Trong lúc Partridge đang suy nghẫm về những điều cơ bản của nghề mình, Minh Văn Cảnh chuẩn bị quay cuộc phỏng vấn Godoy dưới sự dàn dựng của Kettering.


Partridge gợi ý Kettering thực hiện phỏng vấn, một phần cũng vì anh chàng phóng viên này muốn tiếp tục tham gia vào việc đưa tin vụ bắt cóc người nhà Sloane; suy cho cùng, thì toàn bộ Ban tin đều hết lòng quan tâm đến vấn đề này. Ngoài ra cũng còn nhiều khía cạnh của vấn đề mà Partridge định tự mình lo liệu.


Anh đã quyết định khi có điều kiện anh sẽ qua ngay Bogota, Colombia. Mặc dù đồng ý với ý kiến của anh bạn phóng viên đài phát thanh ở Colombia là Ulises Rodriguez không có mặt tại nước đó, nhưng Partridge tin rằng đã đến lúc anh tự mình tìm kiếm ở Mỹ Laltinh, và Colombia rõ ràng là nơi bắt đầu.


Minh Văn Cảnh thông báo anh đã sẵn sàng quay.


Mấy phút trước đó, khi được gọi từ ngoài vào, và sau khi nhìn quanh nhà đòn, Minh quyết định sẽ quay cảnh phỏng vấn ở dưới hầm nhà là nơi để các áo quan. Nhưng vì quay ngược đèn, nên cũng chẳng thấy được nhiều cảnh trong phòng đó; chỉ có bức tường sau lưng Godoy ngồi là được chiếu sáng, còn người được phỏng vấn lại ngồi khuất ánh đèn. Tuy nhiên, anh đã khéo léo quay cạnh bóng Godoy là bóng chiếc quan tài để gây cảm giác rùng rợn. Việc làm biến giọng Godoy về sau sẽ được thực hiện tại trụ sở Ban tin hãng CBA.


Bữa nay không có kỹ thuật viên âm thanh, nên Minh dùng chiếc máy quay cá nhân, bằng cỡ bêta mười hai li ghi luôn cả hình và tiếng. Anh cũng mang theo cả màn hình nhỏ đặt ở chỗ mà Godoy đang ngồi cũng có thể theo dõi những gì máy đang quay; đây là một thủ thuật làm người trả lời phỏng vấn, trong những tình huống đặc biệt, cảm thấy thoải mái hơn.


Godoy không những thoải mài, mà còn thích thú. “Này”, ông ta nói với Kettering đang ngồi bên cạnh, ngoài tầm ống kính, “bọn các anh khá lắm”.


Kettering, đang suy nghĩ cách thực hiện phỏng vấn theo cách riêng của mình, chỉ thoáng mỉm cười ngước lên khi đọc mấy dòng viết vội ra giấy trước đó mấy phút. Sau khi Minh gật đầu ra hiệu, anh bắt đầu, để lại phần giới thiệu viết sau, tức là trước khi phát hình trong chương trình.
“Lần đầu gặp người mà lúc này ông biết là tên khủng bố Ulises Rodriguez, ông có ấn tượng gì?”.


“Chẳng có gì đặc biệt. Với tôi anh ta trông cũng bình thường”. Godoy nghĩ ngay cả khi không lộ diện này, ông cũng sẽ không thú nhận đã nghi ngờ Novack tức Rodriguez. “Tức là ông cũng chẳng quan tâm khi lần đầu ông bán cho hắn hai chiếc áo quan, rồi sau thêm một chiếc nữa?”. Cái bóng nhún vai: “Tại sao lại phải bận tâm chứ? Đây là chuyện làm ăn mà lại”.
“Ông nói là sao lại bận tâm”. Nhắc lại lời Godoy, Kettering diễn đạt ý nghi ngờ. “Nhưng kiểu mua bán như vậy chẳng phải là hết sực lạ lùng sao?”.
“Có thể… phần nào”.
“Với tư cách là chủ nhà đòn, ông có thường làm cái gọi là hợp đồng cả gói – tức là tổ chức toàn bộ phần tang lễ không?”.
“Tất nhiên, phần lớn là vậy”.
“Thực tế có phải là trước hai lần bán áo quan cho tên khủng bố Rodriguez, ông chưa từng bao giờ bán áo quan kiểu đó không?” Kettering chỉ phỏng đoán, nhưng cho rằng Godoy không biết điều đó và trong khi phỏng vấn thu hình thế này, ông ta sẽ không nói dối.
“Có lẽ thế”, Godoy trả lời, giọng yếu ớt. Cuộc phỏng vấn đã không đúng như cách ông mong đợi. Trong giây phút tuyệt vọng, ông nhìn Kettering trừng trừng, nhưng anh chàng phóng viên vẫn tiếp tục hỏi gặng.
“Nói cách khác, câu trả lời là không, ông chưa bao giờ bán áo quan kiểu đó”.
Ông chủ nhà đòn cao giọng: “Tôi cho rằng anh ta mua áo quan làm gì đâu phải việc của tôi”. “Ông có nghĩ rằng cần phải báo với nhà chức trách, cảnh sát chẳng hạn, và nói đại loại như “Này, người ta yêu cầu tôi làm một việc lạ lùng, một việc trước nay tôi chưa từng làm, nên tôi muốn các ông hỏi rõ người này”. Ông có nghĩ đến điều đó không?”.
“Không. Chẳng có lý do gì phải nghĩ thế”.
“Bởi vì ông không hề nghi ngờ?”.
“Đúng vậy”.
Kettering hỏi xoáy vào đó. “Nếu không nghi ngờ, thì tại sao lần thứ hai khi Rodriguez tới, ông lại kín đáo ghi lại số xe tang mà hắn dùng để chở áo quan đi, rồi giấu nhẹm chuyện đó đến tận hôm nay?”.
Godoy gầm lên giận dữ: “Này, vì tôi nói với anh điều bí mật, không có nghĩa là…”.
“Kìa, ông giám đốc công ty tang lễ! Ông có nói gì về chuyện bí mật đâu”.
“À, tôi định thế”.
“Đó lại là chuyện khác. Nhân tiện hỏi thêm, trong cuộc phỏng vấn này ông cũng không nói trước rằng cái giá gần mười ngàn đôla ông tính cho ba chiếc áo quan mua mang đi là chuyện bí mật. Với loại áo quan mà ông vừa tả ấy, lấy như vậy có quá cao không?”.
“Người mua không kêu thì chớ, sao anh lại kêu là sao?”.
“Có lẽ hắn không kêu cà vì những lý do riêng của hắn”. Giọng Kettering trở nên lạnh lùng, đầy vẻ buộc tội. “Ông hét cái giá cao đó, bởi vì ông biết hắn sẽ trả theo giá đó; vì ông luôn biết có chuyện gì đó đáng ngờ, và ông có thể lợi dụng tình hình đòi thêm một số tiền nữa…”.
“Này, không phải tôi ngồi đây để nghe những lời xằng bậy ấy. Dẹp đi! Tôi không nói nữa”. Godoy tức giận đứng dậy, rời khỏi ghế, làm tung cả dây micro. Hướng đi ấy đưa ông lại gần ống kính hơn, và do phản xạ tự nhiên, Minh quay ông chính diện; trong ánh đèn sáng, chính Godoy lại tự lộ diện. Sau này sẽ phải bàn thêm xem đoạn cuối cùng ấy có nên dùng hay không.
“Đồ con hoang”, Godoy chửi rủa Kettering.
“Này”, ông ta nói với Partridge, “tôi huỷ bỏ điều đã thoả thuận”. Ông chi tay vào máy quay và bảo: “Các ông không được sử dụng đoạn quay đó, hiểu không”.
“Tôi hiểu ông muốn nói gì”, Partridge trả lời. “Nhưng không thể bảo đảm là chúng tôi sẽ không sử dụng nó. Cái đó còn tuỳ hãng quyết định”.
“Xéo khỏi đây ngay”, Alberto Godoy nói, mặt hầm hầm, trong khi bốn người của hãng CBA thu dọn đồ nghề và ra khỏi ngôi nhà của ông ta.
Trên đường từ Queens trở về, Don Kettering bảo “Cho tôi xuống xe ngay khi về tới Manhattan. Tôi muốn truy cứu ngay số tiền có đánh dấu này; tôi có thể điện thoại từ văn phòng ở đại lộ Lexington”.
“Tôi có thể đi với anh được không?” Jonathan Mony hỏi. Cậu ta liếc nhìn Partridge. “Tôi muốn xem nửa phần việc hôm nay ta làm còn lại thế nào”.
“Được thôi”, Kettering trả lời cho cậu ta an tâm. “Nếu Harry đồng ý, tôi sẽ bày cho cậu cách viết tin ra đầu ra đũa”.
Partridge đồng ý; hai người xuống xe sau khi qua hết cầu Queensboro. Chiếc xe Jeep tiếp tục chạy về hướng trụ sở ban tin CBA, còn Don Kettering và Mony vẫy xe taxi tới văn phòng chứng khoán trên đại lộ Lexington gần khách sạn Summit.
Vừa bước vào, họ tới ngay một phòng rất rộng; khoảng hai chục người, kẻ đứng người ngồi ở đó, trước một màn hình treo đang hiện rõ giá cả thị trường chứng khoán. Một tấm thảm xanh thẫm tương phản màu tường xanh nhạt, những chiếc ghế mềm bọc vải tuýt màu xanh và màu vàng xếp thành từng dãy vít chặt xuống sàn. Một vài người tay cầm sổ, tay cầm sẵn bút chì, mắt dán vào những con số trên thị trường chứng khoán, những người khác có vẻ ít chú ý hơn. Một người Á Đông còn trẻ đang xem mấy bản nhạc; một vài người đang đọc báo, còn một số khác đang ngủ gà ngủ gật.
Bên cạnh phòng là một dãy máy tính điện tử và mấy máy điện thoại có ghi dòng chữ: Dùng cho việc mua bán chứng khoán. Một vài máy đang có người gọi; mặc dù họ nói nhỏ, song vẫn nghe được những câu như: “Ông mua hai ngàn à? Đồng ý”… “Ông có thể mua năm trăm với giá mười tám không? Mua đi”… “Được rồi, bán ra mười tám phảy hai lăm”…
Từ góc phòng đằng kia, cô thư ký nhìn thấy hai anh nhà báo đi vào; mỉm cười tỏ ý nhận ra Kettering, cô nhấc ống nghe. Phía sau cô là một loạt cửa, có cái đang mở, dẫn vào các văn phòng phía trong.
“Hãy nhìn kỹ xung quanh”, Kettering bảo Mony. “Những chỗ buôn bán chứng khoán kiểu này chẳng lâu nữa sẽ tìm không ra. Đây là cái cuối cùng. Phần lớn những chỗ khác đã biến mất chẳng khác gì những cửa hàng bán rượu lậu sau khi lệnh cấm kết thúc”.
“Nhưng buôn bán chứng khoán đã kết thúc đâu”.
“Đúng thế. Nhưng các tay buôn bán chứng khoán xem sổ tính toán và thấy những chỗ như thế này chẳng có lãi. Có quá nhiều người tới đây nghỉ ngơi, hoặc chỉ vì tò mò. Rồi những kẻ vô gia cư cũng bắt đầu mò tới – vào mùa đông, còn nơi nào thoải mái, ấm áp hơn nơi này? Điều không may là những kẻ vô gia cư ấy chẳng mang lại cho họ một xu tiền hoa hồng nào”.
“Có lẽ anh nên viết một bài”, Mony nói. “Nó sẽ mang tính chất hồi tưởng, như anh vừa nói, trước khi chỗ cuối cùng này biến mất”.
“Ý kiến hay đấy, anh bạn trẻ”, Kettering chăm chú nhìn cậu ta và nói. “Sao tôi không nghĩ tới điều đó nhỉ? Tuần tới tôi sẽ bàn với Rita biên tập về việc này”.
Cánh cửa phía sau cô thư ký mở cửa ra, và một người béo tốt, lông mày rậm tiến đến bắt tay chào Kettering một cách nồng nhiệt. “Don, vui mừng gặp anh. Lâu nay không thấy anh đến, nhưng chúng tôi thì vẫn theo dõi đều các buổi phát tin của anh. Chúng tôi có thể giúp anh được gì?”.
“Cám ơn, Kevin”. Rồi Kettering chỉ Mony: “Anh bạn đồng nghiệp trẻ Jonathan này muốn biết tên của loại cổ phần mua hôm nay, ngày mai giá trị tăng lên bốn lần. Ngoài cái đó ra, anh có chiếc bàn và máy điện thoại nào tôi có thể dùng trong khoảng nửa giờ không?”.
“Bàn và điện thoại thì không có vấn đề gì. Anh đi vào trong và dùng máy trên bàn tôi, ở đó kín đáo hơn. Còn về việc kia, xin lỗi Jonathan nhé, quả cầu pha lê có phép màu của chúng tôi mang đi sửa mất rồi. Nếu họ mang về khi anh còn ở đây, tôi sẽ báo anh nhé”.
Hai người được dẫn vào một căn phòng nhỏ đủ tiện nghi gồm một chếc bàn gỗ mun, hai ghế da, một chiếc máy tính rõ ràng là không thể thiếu và máy điện thoại. Trên cửa sổ có đề tên: Kevin Fane.
“Các anh cứ tự nhiên nhé, tôi sẽ cho mang cà phê và săng uých tới”.
Khi còn hai người, Kettering bảo Mony. “Hồi tôi và Kevin còn đang học đại học, vào dịp hè chúng tôi xin làm chân chạy giấy ở sở chứng khoán New York. Từ đó chúng tôi giữ liên hệ với nhau. Cậu mốn lời khuyên nghề nghiệp không?”.
“Tất nhiên là muốn”, Mony gật đầu trả lời.
“Phàm đã là phóng viên, mà cậu xem ra có vẻ làm được đấy, thì luôn phải có nhiều mối quan hệ, không chỉ với những nhân vật cấp cao, mà cả với cấp thấp nữa, và thỉnh thoảng phải tới thăm để giữ mối liên hệ thường xuyên, kiểu như ta đang làm bây giờ. Đó là cách để thu thập thông tin, ngay cả khi cho là ít hy vọng nhất. Cũng cần nhớ là mọi người đều thích giúp đỡ phóng viên truyền hình; ngay cả chỉ cho ta dùng máy điện thoại thôi cũng làm họ cảm thấy gần gũi ta hơn, và thật lạ là cảm thấy biết ơn ta nữa chứ”.
Vừa nói, Kettering vừa lôi từ túi áo trong ra mấy tờ một trăm đô mượn của Alberto Godoy, và bày chúng trên bàn. Anh ta mở ngăn kéo, tìm được tờ giấy để chuẩn bị ghi chép.
“Trước hết ta thử vận may ở mấy tờ bạc có ghi tên người này. Rồi sau nếu cần, ta mới rờ đến mấy tờ có ghi số tài khoản ở trên”. Nhặt một tờ, anh ta đọc to: James W. Mortell, rồi nói thêm: “Tờ một trăm này chắc có lúc đã qua tay ông ta. Jonathan, cậu thử tìm xem có thấy tên ông ta trong danh bạ điện thoại Manhattan không?”.
Một lát sau, Mony bảo: “Đây rồi”. Cậu ta đọc to số điện thoại. Kettering quay số trên máy. Sau hai lần đổ chuông có tiếng đàn bà dịu dàng trong máy: “Mortell, thợ sửa ống nước đây”.
“Chào bà. Ông Mortell có nhà không ạ?”.
“Nhà tôi có việc bận ra ngoài. Tôi là vợ anh ấy. Tôi có thể giúp ông gì không?”. Không chỉ dịu dàng, mà còn trẻ và duyên dáng, Kettering nghĩ bụng.
“Cám ơn bà Mortell. Tôi là Don Kettering, phóng viên thương mại của hãng CBA”.
Ngừng một lát, rồi nghe giọng ngập ngừng hỏi lại: “Ông không đùa đấy chứ?”.
“Không đâu, thưa bà”. Kettering tỏ ra thoải mái, dễ thương. Ở hãng CBA, chúng tôi có mấy điều cần hỏi và nghĩ ông Mortell nhà có thể giúp chúng tôi. Tuy không có ông ở nhà, nhưng chắc bà có thể giúp chúng tôi được”.
“Ông đúng là Don Kettering. Tôi nhận ra giọng ông. Chúng tôi giúp ông bằng cách nào chứ?”. Thoáng nghe tiếng cười: “Trừ khi ống nước hãng ông dò rỉ”.
“Cho đến giờ thì chưa, nhưng nếu có, tôi sẽ nhớ lời bà. Thực ra là việc tờ một trăm đô trên có ghi tên ông nhà”.
“Hy vọng chúng tôi không làm gì sai chứ ạ?”.
“Hoàn toàn không, bà Mortell ạ. Chỉ có điều tờ bạc này xem ra đã qua tay ông nhà, và tôi thử tỉm xem ông nhà trả cho ai thôi ạ”.
Bà ta trả lời, vẻ đăm chiêu: “Dạ, cũng có một vài khách hàng trả bằng tiền mặt, trong đó có tờ trăm đôla. Nhưng chúng tôi chẳng hỏi bao giờ”.
“Cũng chẳng cần hỏi làm gì”.
“Rồi sau đó, khi chúng tôi gửi vào nhà băng những tờ bạc trăm ấy, đôi khi thủ quỹ ghi tên chúng tôi vào tờ bạc. Tôi nghĩ, lẽ ra họ không được làm thế, nhưng có vài người vẫn làm như vậy”. Bà ta ngừng một lát, rồi tiếp: “Có lần tôi hỏi họ tại sao, họ bảo phải phòng xa như vậy thì hiện nay có quá nhiều tiền giả”.
“Thế đấy, chính tôi cũng nghĩ như vậy, và vì vậy tờ giấy bạc tôi đang có đây mới có tên ông nhà”. Vừa nới, Kettering vừa giơ ngón cái làm hiệu với Mony. “Thưa bà Mortell, cảm phiền bà cho tôi biêt tên nhà băng bà gửi tiền được không ạ?”.
“Tôi nghĩ có gì đâu mà không được. Đó là Citibank”. Bà đọc tên chi nhanh ngân hàng khu đó.
“Cám ơn bà. Đó là những thông tin tôi cần”.
“Ông Kettering, xin ông thư cho một lát. Tôi muốn hỏi ông một câu, được không?”.
“Tất nhiên, mời bà”.
“Chuyện này liệu có được lên tin không ông? Nếu vậy, làm sao tôi biết để khỏi lỡ bản tin?”.
“Cái đó dễ thôi. Bà Mortell, vì bà đã nhiệt tình giúp đỡ, nên tôi hứa là khi nào đưa tin, đích thân tôi sẽ gọi điện báo cho bà trước”.
Kettering vừa đặt máy xuống thì Mony nói: “Tôi cứ nghĩ mình sẽ học được điều gì đó. Quả đúng như vậy”.
“Điều gì?”.
“Cách kết bạn thế nào”.
Kettering mỉm cười. Anh đã quyết định vì bà vợ ông Mortell nghe có vẻ hấp dẫn, giọng nói của bà ta như có ý mời chào, nên anh sẽ không gọi điện thoại, mà sẽ đến tận nơi thăm bà. Anh ghi lại địa chỉ. Các khu ấy cách đây cũng không xa. Cũng có thể anh sẽ thất vọng; giọng nói cũng dễ làm ta tưởng lầm; biết đâu bà ta lại chẳng già hơn khi nghe trong máy và béo như con vịt bàu, mặc dù bản năng mách anh điều khác hẳn. Rồi sẽ có lúc Jonathan hiểu rằng cái bổng lộc của phát thanh viên truyền hình là luôn có cơ hội cho những cuộc hẹn hò lãng mạn mà nếu muốn, có thể dẫn tới sự chung đụng xác thịt đầy lý thú.
Anh ta lại chọn một tờ bạc một trăm đô khác. “Nào, thử cái này xem sao”, anh bảo Mony, tay chỉ vào cuốn danh bạ điện thoại. “Tên ghi ở đây là Nicolini Brothers”.
Hoá ra lại là hiệu làm bánh ở Đại lộ số Ba. Người đàn ông trả lời điện thoại lúc đầu tỏ vẻ nghi ngại, và sau một hai câu hỏi định dập máy. Nhưng Kettering nói năng rất lịch sự, thuyết phục được ông ta. Cuối cùng ông ta cho biết tên nhà băng nơi ông thường gửi hoặc lĩnh tiền, trong đó có cả loại tiền to. Đó là ngân hàng Mỹ - Amazonas ở quảng trường nhỏ Dag Hammarskjold.
Tên ghi trên hai tờ giấy bạc mà Kettering chọn ra sau đó không có trong danh bạ điện thoại khu Manhattan. Trên tờ giấy bạc tiếp đó là tên của ông chủ hiệu quần áo đàn ông sẵn lòng giúp đỡ. Ông tiết lộ, cửa hàng ông mở tài khoản ở ngân hàng Lenmi, có chi nhánh ở góc phố Sáu mươi bảy cắt Đại lộ số Ba.
Tên một người ở tờ giấy bạc khác không thể tìm được. Tiếp theo là một phụ nữ không chịu tin ai, mồm loa mép dải nên Kettering đành chịu chẳng hỏi được gì.
Theo tên ghi ở tờ bạc thứ năm, anh nói chuyện được với một ông già tám mươi sáu tuổi đang sống trong căn phòng ở Đại lộ khu phía Đông. Ông già yếu quá không trả lời được, mặc dù rõ ràng đầu óc ông vẫn minh mẫn, nên người phục vụ phải trả lời thay. Anh nghe thấy ông vui vẻ thì thầm nói là con trai ông là chủ mấy hộp đêm thỉnh thoảng vẫn đến thăm và cho bố vài trăm đô; số tiền này sau đó ông chuyển vào tài khoản gửi ở nhà băng, ông chặc lưỡi tuyên bố, đề phòng lúc tuổi già! À, mà phải rồi, tài khoản mở ở nhà băng Mỹ Amazonas, quảng trường nhỏ Dag Hammarskjold.
Sau đó là tiệm ăn hải sản gần Grand Central; Kettering nói chuyện khá lâu với mấy người , nhưng chẳng ai chịu nói cho anh biết điều gì quan trọng. Cuối cùng, ông chủ tiệm đến và sốt ruột trả lời: “Làm gì nhặng lên thế. Tất nhiên anh có thể biết tên nhà băng nới chúng tôi có tài khoản, đổi lại, tôi hy vọng trong buổi tin anh sẽ nhắc đến nhà hàng chúng tôi. Được rồi, nhà băng ấy ở trên cái quảng trường khốn kiếp tôi chưa bao giờ đánh vần được là Dag Hammarskjold, và có tên là Mỹ - Amazonas”.
Đập máy xong, Kettering vơ gom những tờ giấy bạc lại và bảo Mony “Chúng ta trúng độc đắc rồi. Không cần gọi điện thoại nữa. Chúng ta đã có câu trả lời”.
Thấy vẻ ngơ ngác của cậu ta, anh nói thêm: “Này nhé: ba trong số năm người cùng nói tên một nhà băng thì không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Như vậy là những tên ghi trên giấy bạc của nhà băng Citibank và Leumi chắc phải được ghi từ trước, sau đó có lẽ lưu hành trên thị trường cũng qua nhà băng Mỹ - Amazonas”.
“Có nghĩa là Novack – Rodriguez lãnh tiền ở nhà băng đó, rồi trả tiền áo quan cho Godoy”.
“Đúng thế!”, Kettering nói, giọng đanh lại. “Tôi dám cuộc là chính nhà băng này là nơi bọn bắt cóc khốn nạn lấy rút tiền và có lẽ vẫn còn tài khoản ở đó”.


Mony nhắc: “Bước tiếp theo là tới quảng trường Dag Hammarskjold”.
Kettering xô ghế đứng dậy “Chứ còn đi đâu nữa? Nào, ta đi”.
Bản Tin Chiều
Phần một - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Phần II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Phần III - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Phần IV - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20