watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bản Tin Chiều-Chương 5 - tác giả Arthur Hailey Arthur Hailey

Arthur Hailey

Chương 5

Tác giả: Arthur Hailey

Vào những lúc phát xong tin tức, thì một cơ quan thông tin giống hệt như một ông khổng lồ câm lặng.


Nó đã huy động gần một trăm phần trăm công suất và một số lượng quan trọng những nhân tài của nó và giờ đây theo cách nói nghiệp vụ là “thời gian lắng” – có nghĩa là không hoạt động.


Điều đó cắt nghĩa tại sao, khi một sự kiện về tin tức khi xảy ra, đã có ngay những bàn tay đầy kinh nghiệm để có thể, như một cách nói nghiệp vụ khác, “nắm ngay lấy và nổi lửa lên”.


Vào sáng thứ sáu, một ngày sau vụ gia đình Sloane bị bắt cóc, tiến trình nổi lửa đã bắt đầu khi một ban đặc nhiệm do Harry Partridge đứng đầu, Rita Abrams làm chủ nhiệm chính, đã bắt đầu họp trong trụ sở hãng CBA.


* * *
Rita từ Minnesota tới New York từ đêm hôm qua, có mặt tại phòng của ban đặc nhiệm tám giờ sáng. Harry Partridge sau một đêm nghỉ ngơi tại căn phòng đặc biệt sang trọng do hãng thuê cho anh tại khách sạn Inter-Continental tới ngay sau đó.


Không bỏ phí thời gian, anh hỏi: “Có thêm tin gì mới không?”.
“Chẳng có quái gì về vụ bắt cóc cả:, Rita trả lời. “Nhưng có cả một đám đông ở trước nhà Crawf”.
“Loại người nào vậy?”.


Hai người đứng ở trong phòng họp của ban và Rita đang dựa lưng vào chiếc ghế xoay. Dù mới có được một sự nghỉ ngơi ngắn ngủi, cô đã có vẻ tươi mát trở lại; sức sống thường lệ và sự hăng say lại được phục hồi. Lại vẫn có cái cách nói trắng trợn xoi mói mà những đồng sự của cô thường ưa thích.


“Giờ thì ai mà chẳng muốn được chạm tay vào vạt áo của một phát thanh viên. Hiện nay họ đã biết địa chỉ của anh ấy, những người hâm mộ Crawf đang đổ xô đến Larchmont. Có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Cảnh sát đang phải đối phó vất vả với đám này và họ đang dựng hàng rào chắn đường”.
“Chúng ta đã có đội quay phim ở đó chưa?”.
“Tất nhiên là rồi. Họ cắm trại ở ngoài trời suốt đêm. Tôi đã bảo họ phải ở đó cho đến khi Crawf đi làm. Lúc đó, tôi sẽ cho đội khác đến thay họ”.
Partridge gật đầu tán thành.
“Có vẻ bọn bắt cóc và các hoạt động của chúng đã chuyển đi khỏi Larchmont”, Rita nói: “Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên ở quanh đây một hai ngày trong trường hợp có chuyện gì mới xảy ra. Tức là, nếu anh không có ý kiến gì khác”.
“Hiện giờ thì chưa” anh đáp, rồi nói thêm: “chị biết đấy, chúng ta chẳng có chứng cứ gì mà chỉ trông đơi vào tài năng mà thôi”.
“Tôi cũng mới được biết chuyện đó đêm qua. Vì thế tôi đã cử ba người bắt tay vào làm. Norman Jaeger, Iris Everly và Karl Owens. Họ sẽ đến đây ngay thôi”.
“Chị chọn cũng khá đấy”, Partridge biết cả ba người này rất rõ. Họ ở trong số những người có năng lực tốt nhất của hãng CBA.
“À mà tôi đã phân các phòng làm việc rồi đấy. Anh có muốn xem phòng của anh không?”.
Rita đi qua năm căn phòng kế tiếp nhau sẽ hợp thành cơ sở làm việc của ban đặc nhiệm. Các phòng ban trong hệ thống tin tức lúc nào cũng ở trong tình trạng thay đổi cùng với các kế hoạch tạm thời được lập ra lại bị huỷ bỏ, vì vậy một khi cần đến người ta luôn tìm được số phòng họ muốn.


Partridge sẽ có một phòng làm việc riêng, và Rita cũng vậy. Hai phòng khác, đã kê chặt những chiếc bàn để dành cho các biên tập viên phụ tá, các đội quay phim và các nhân viên văn phòng, một vài người trong số này đã chuyển sang làm việcở đó. Partridge và Rita chào họ trước khi quay trở lại căn phòng thứ năm và cũng là rộng nhất, phòng họp, để tiếp tục bàn bạc.


“Tôi muốn có một cuộc họp với những người sẽ làm việc với chúng ta càng sớm càng tốt”. Partridge nói: “Chúng ta có thể định rõ trách nhiệm của mỗi người, rồi bắt đầu làm việc ngày tại chỗ cho bản tin tối nay”.
Rita liếc nhìn vào đồng hồ đeo tay của cô: đã tám giờ 45 phút sáng. “Tôi sẽ triệu tập họ vào lúc 10 giờ”, cô nói, “còn ngay bây giờ, tôi muốn biết thêm về những việc đang xảy ra ở Larchmont”.
“Trong suốt thời gian tôi sống ở đây”, viên trung sĩ cảnh sát ở Larchmont nói, “tôi chưa bao giờ thấy một sự việc như thế này”.
Anh ta đang nói chuyện với nhân viên đặc nhiệm của phòng FBI Havelock, ông vừa mới ra khỏi căn nhà của Sloane vài phút trước đây để quan sát đám đông bên ngoài. Đám người mỗi lúc một đông thêm từ lúc rạng đông và giờ đây đang đứng chật kín cả lối đi ở trước nhà. Ở một đôi chỗ, họ còn tràn cả xuống lòng đường, nơi các nhân viên cảnh sát đang cố gắng ổn định trật tự cho các xe ô tô đi qua, dù chẳng có hiệu quả gì mấy. Otis Havelock đã ở trong căn nhà suốt cả đêm hôm trước, khi Sloane chuẩn bị đi làm ông thấy anh có thể sẽ bị đám đông vây kín trên đường đi ra.
Tụ tập ở cổng phía trước là những người quay phim và các phóng viên khác. Khi Havelock xuất hiện, họ đổ xô về phía ông với những câu hỏi ồn ào.
“Ông đã biết tin gì về bọn bắt cóc chưa?”.
“Ông Sloane thế nào rồi?”.
“Chúng tôi có thể nói chuyện với Crawford được không?”.
“Ông là ai?”.
Để đáp lại, Havelock chỉ lắc đầu và xua xua tay chán nản.
Phía bên ngoài các phóng viên, đám đông tỏ ra trật tự hơn, mặc dù sự xuất hiện của Havelock đã làm nổi lên những lời trao đổi ồn ào.
Havelock phàn nàn với viên trung sĩ cảnh sát: “Các nhân viên của anh không thể dẹp gọn đường phố được sao”.
“Chúng tôi đang cố gắng. Ông cảnh sát trưởng đã ra lệnh đặt hàng rào chặn. Chúng tôi sẽ ngăn xe cộ và khách bộ hành lại, trừ những người sống ở trong phố, rồi chúng tôi sẽ cố gắng đưa những người kia ra ngoài. Phải mất ít nhất một tiếng đồng hồ. Cảnh sát trưởng không muốn có một ai gây chuyện rắc rối, nhất là với một đám người quay phim ở quanh đây”.
“Anh có biết những người này ở đâu đến không?”.
“Tôi đã hỏi một vài người”, viên trung sĩ nói. “Phần lớn họ ở ngoài Larchmont và lái xe đến đây. Tôi đoán là họ đã biết tin qua đài truyền hình và muốn được nhìn thấy ông Sloane. Các phố xung quanh đều đầy xe ô tô của họ”.
Trời bắt đầu đổ mưa, nhưng dường như điều đó không làm giảm lòng hăng hái của những người đến xem. Thay vào đó, họ còn giương ô lên hay rúc đầu vào trong áo khoác.
Havelock trở vào trong nhà. Ông nói với Sloane lúc này trông mệt mỏi và hốc hác: “Chúng ta sẽ rời khỏi đây trên hai chiếc xe của FBI không có cờ hiệu. Tôi muốn anh đi chiếc thứ hai. Hãy nép mình ở sau xe và chúng ta sẽ đi khỏi đây thật nhanh”.
“Không còn cách nào khác sao?”. Sloane nói. “Ở ngoài kia còn có cả những nhà báo. Tôi cũng là một nhà báo và tôi không thể đi qua mặt họ nhứ thể tôi là tổng thống vậy”.
“Ở ngoài kia cũng có thể có người đã bắt cóc vợ ông và gia đình ông”. Giọng nói của Havelock trở nên sắc lạnh. Ai biết được bọn chúng sẽ làm trò gì, kể cả việc bắn vào ông. Đừng ngốc nghếch thế, ông Sloane ạ. Và nên nhớ rằng tôi chịu trách nhiệm về sự an toàn của ông”.
Cuối cùng, họ thoả thuận mời các đội quay phim và các phóng viên vào phòng khác trong nhà dự một cuộc họp báo bất thường mà Sloane sẽ chủ trì. Khi các phóng viên bước vào, họ nhìn quanh căn nhà sang trọng với vẻ tò mò, một số người còn không giấu được sự ghen tỵ. Những câu hỏi và câu trả lời cũng gần như lập lại những lời nói ngày hôm trước, và thông tin duy nhất mới là chưa có lời nào của bọn bắt cóc suốt đêm hôm đó.
“Tôi không thể nói gì thêm nữa!”. Cuối cùng Sloane nói. “Đơn giản là chẳng có chuyện gì hết. Tôi cũng mong là có điều gì xảy ra”.
Cuộc trao đổi kết thúc, các phóng viên, một số thấy bức bội vì chẳng có tin gì mới, lại kéo nhau rời khỏi phòng.
“Nào, ông Sloane, - Havelock nói – Tôi muốn chúng ta rời khỏi đây theo như tôi đã nói – ông ngồi ở phía sau xe, cúi thấp người xuống và không để mọi người nhìn thấy”.
Sloane miễn cưỡng đồng ý. Nhưng khi họ thực hiện kế hoạch ấy, một việc không may đã bất ngời xảy ra.
Crawford Sloane ngồi vào chiếc xe của FBI nhanh đến mức chỉ có một số ít người trong đám đông bên ngoài nhìn thấy. Tuy thế, số người ấy đã kịp nói cho những người khác và tin đó được truyền đi nhanh như điện: Sloane ngồi trong cái xe thứ hai. Havelock và một nhân viên FBI khác ngồi ở ghế sau cũng trong xe, còn Sloane ngồi cúi gập người ở giữa họ. Một nhân viên FBI thứ ba ngồi sau tay lái. Hai nhân viên FBI khác nữa ngồi trong chiếc xe đầu và cả hai cũng lăn bánh ngay lập tức.
Lúc này, đám đông biết Sloane đã ra đi, một số người ở phía sau chen lên trước đẩy những người đứng trên vỉa hè tràn xuống lòng đường. Vào lúc đó, nhiều sự kiện đã xảy ra chỉ trong chốc lát.
Chiếc xe đi đầu xuất hiện trên con đường dành cho xe ô tô trong nhà Sloane có một cảnh sát dẹp đường. Nó lao đi với tốc độ lớn, chiếc xe thứ hai bám sát phía sau. Rồi bỗng nhiên, vì những người đứng xem đối diện với đường ô tô bị đẩy ra tận lòng đường, con đường lúc đầu không có người trở nên tắc nghẽn. Người lái xe sửng sốt vì nhìn thấy một dòng người đứng ngay trước mặt, anh ta vội vã phanh lại.
Vào những tình huống khác, chiếc xe hẳn đã dừng lại ngay lập tức. Nhưng lúc ấy, mặt đường ướt và trơn vì cơn mưa trước đó, và chiếc xe trượt sang bên lề đường. Tiếp theo tiếng bánh xe rít trên mặt đường là một chuỗi những tiếng la hét của những người bị ngã, chiếc xe đã đâm thẳng vào hàng người đứng xem phía trước.
Những người ngồi trong chiếc xe thứ hai – trừ Sloane không nhìn thấy gì đều há hốc miệng vì kinh hoàng và quay người chờ một cú tương tự như thế. Nhưng vì mọi người đều vội vã đổ xô về phía lề đường đối điện, đám đông giãn ra; và Havelock, nét mặt đanh lại đầy vẻ tàn nhẫn, ra lệnh cho người lái xe: “Không dừng lại! Đi tiếp đi!”. Sau này, Havelock sẽ bào chữa cho hành động nhẫn tâm của ông bằng cách giải thích: “Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không biết rõ chuyện gì đã xảy ra mà chỉ đoán rằng đó có thể là một vụ phục kích”.
Crawford Sloane biết rằng có một điều gì đó bất thường đã xảy ra, vội nhỏm dậy nhìn ra ngoài. Đúng lúc đó, một máy quay phim chực sãn trên một chiếc ô tô đã thu được cận cảnh khuôn mặt của Sloane rồi, tiếp tục quay cảnh chiếc xe lao đi khỏi nơi xảy ra tai nạn. Sau này, những người xem lại băng vdeo trên truyền hình không thể nào biết được rằng Sloane đã cầu xin cho xe quay lại, nhưng Havelock vẫn khăng khăng: “Ở đó đã có cảnh sát rồi. Họ sẽ làm tất cả những gì cần thiết”.
Cảnh sát Larchmont đã ổn định được trật tự và nhiều xe cứu thương đang lao đến hiện trường. Khi người ta xem xét số thương vong thì có tám người bị thương – sáu người chỉ bị xây sát nhẹ còn hai người bị thương nặng. Trong hai người bị thương nặng thì một người bị gãy tay và dập xương sườn, còn chân của một cô gái bị cán nát đến mức cần phải cắt cụt.
Trong một hoàn cảnh khác, vụ tai nạn này, mặc dù khá nặng nề, cũng sẽ không gây nên sự chú ý rộng rãi trong dân chúng. Nhưng vì nó lại liên quan đến vụ bắt cóc gia đình Sloane, nên mọi người đều để ý tới nó, và đã xuất hiện một số lời chỉ trích ám chỉ tới Sloane.
* * *
Điều tra viên tại trụ sở của hãng CBA ở London, Toddy Cooper đã bay về New York bằng chuyến bay của hãng Concorde sáng hôm đó như đã hứa. Anh tới thẳng văn phòng của ban đặc nhiệm lúc gần 10 giờ sáng và vào gặp Harry Partridge trước tiên rồi đến Rita. Cả ba người đến phòng họp, nơi các thành viên của ban đang tụ tập.
Trên đường đi đến phòng họp, Cooper gặp Crawford Sloane cũng vừa đến nơi trước đó vài phút, lòng vẫn còn bàng hoàng vì sự việc xảy ra ở Larchmont vừa rồi.
Cooper là một một thanh niên thanh mảnh, dong dỏng cao, lúc nào cũng tỏ ra nhiệt tình và tự tin. Mái tóc màu nâu của anh rủ xuống, để dài hơn mốt tóc hiện nay, bao quanh khuôn mặt xanh xao lấm tấm những mụn trứng cá của tuổi trẻ. Điều đó làm cho anh trông trẻ hơn cái tuổi 25 của mình. Mặc dù anh sinh ra và lớn lên ở London, nhưng anh đã đến nước Mỹ khá nhiều lần và đã quen thuộc vói New York.
Anh nói với Crawford Sloane: “Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe chuyện về gia đình anh, Sloane ạ, nhưng mà hãy tươi lên! Giờ tôi đã ở đây rồi. Tôi sẽ tóm cổ bọn chó chết đó ngay thôi. Tôi là người rất nghề trong những chuyện như thế này”.
Sloane nhướn lông mày liếc nhìn Partridge vẻ nghi ngờ, như muốn hỏi: “Anh có chắc rằng chúng ta cần tới cái gã dẻo mỏ này không?”.
Partridge nói giọng khô khan: “Khiêm tốn không phải là tính cách của Teddy. Cứ để cậu ấy làm mọi việc xem sao”. Câu nói đó dường như chẳng làm Cooper phật lòng chút nào.
Quay sang Partridge, Cooper nói: “Anh Harry này, việc trước tiên là phải kiểm tra lại mọi tin tức. Rồi tôi sẽ hình dung ra vụ việc. Tôi muốn hỏi chuyện mấy bà già đã chứng kiến sự việc xảy ra. Có nghĩa là tất cả mọi người. Không còn gì phải bàn cãi nữa. Nếu tôi bắt tay vào làm việc này, tôi sẽ làm cho ra trò”.
“Cậu cứ làm theo cách của cậu”, Partridge nhớ lại những lần anh được chứng kiến Cooper làm việc. “Cậu sẽ chịu trách nhiệm điều tra ở đây, với hai người phụ giúp”.
Hai nhân viên điều tra phụ tá, một chàng trai và một cô gái được mượn từ một chương trình khác của hãng, đã có mặt ở phòng họp. Partridge giới thiệu họ với Cooper, trước lúc cuộc họp bắt đầu.
Cooper bắt tay họ và nói: “Làm việc với tôi sẽ là một dịp rất tốt cho các bạn. Vậy nhưng đừng lo – tôi rất thoải mái cứ gọi tôi là “Ngài” và cứ sáng ra thì việc đầu tiên là phải chào hỏi kính cẩn trước hết”.
Hai người tỏ vẻ khoái câu nói đùa của Cooper và cả ba bắt đầu thảo luận về tấm bảng “Trình tự các sự kiện” đã được đặt trong phòng họp và choán hết chiều dài của bức tường. Một thủ tục theo quy định trong báo cáo của lực lượng đặc nhiệm là ghi lại tất cả những chi tiết về vụ bắt cóc gia đình Sloane theo trình tự chính xác. Trên một bức tường khác là một tấm bảng lớn thứ hai có ghi dòng chữ “Linh tinh”. Trên bảng này sẽ ghi lại những sáng kiến đột xuất, có thể chỉ là những suy đoán hay những lời đồn đại mà sự liên kết giữa chúng bị bỏ qua hay không được biết đến. Đôi khi mục linh tinh này quá dài, người ta phải chuyển sáng một bảng khác – tất cả đều vì lợi ích của cuộc điều tra.
Những chiếc bảng đó nhằm tới mục đích: một là để cho mọi người trong nội bộ lực lượng đặc nhiệm được biết tất cả những thông tin đã có và những việc mới xảy ra, hai là tạo ra một tầm nhìn bao quát để xem xét lại tiến trình sự việc và dành cho những ý kiến hay bất chợt có thể và thường như vậy đã gợi lên những ý tưởng mới.
* * *
Đúng 10 giờ, Rita Abrams lên tiếng cắt ngang những tiếng nói chuyện rì rầm: “Nào, tất cả các bạn! Bây giờ chúng ta sẽ bắt tay vào việc”.
Rita ngồi ở ghế đầu một chiếc bàn dài, cạnh cô là Harry Partridge. Leslie Chippingham bước vào phòng và cũng ngồi xuống chiếc bàn đó. Khi ánh mắt của ông bắt gặp ánh mắt của Rita, họ mỉm cười với nhau một cách kín đáo.
Crawford ngồi ở tận cuối phòng. Anh không có ý định tham gia vào cuộc thảo luận trong lúc này và giao phó mọi việc cho Partridge: “Lúc này tôi thấy mình bất lực, như một cái đầu rỗng vậy”. Cùng ngồi ở chiếc bàn đó còn có ba chủ nhiệm mà Rita mới chọn, Norman Jaeger, người nhiều tuổi hơn cả, là một nhân viên kỳ cựu của hãng CBA, đã làm việc trong tất cả các giai đoạn của nghề báo chí. Nói năng nhẹ nhàng, giàu sức sáng tạo, và rất uyên bác, ông là chủ nhiệm của một chương trình tạp chí được đánh giá cao của hãng: “Phía sau những đề mục”. Việc được giao tạm thời bất ngờ của ông ngày hôm nay cho người ta thấy những tài năng đặc biệt của ban đặc nhiệm.
Ngồi cạnh Jaeger là Iris Everly, môt cô gái đang ở tuổi 20 và là một ngôi sao sáng trong công tác biên tập tin tức. Nhỏ bé, xinh xắn, tốt nghiệp Trường báo chí Colombia, cô có một bộ óc sắc sảo làm việc với tốc dộ nhanh như chớp. Khi phải lao vào theo dõi một tin nào đó, sự bền bỉ và khéo léo của cô có thể sánh với bất kỳ một ai.
Karl Owens, biên tập viên thứ ba, là một người tận tuỵ với công việc, kiên nhẫn không mệt mỏi; đôi khi sự tham gia của anh vào việc điều tra với các phóng viên lại đạt được kết quả sau khi những người khác đã bỏ cuộc. Ở vào độ tuổi giữa Jaeger và iris Everly, và cũng không có đầu óc sáng tạo bằng hai người đó, Owens được chọn vì sự vững vàng và kiến thức sâu rộng của anh trong nghề nghiệp.
Ở những chỗ còn lại của chiếc bàn đó và ngay sau Toddy Cooper và hai nhân viên phụ tá, là một thư ký văn phòng mượn của phòng biên tập Bản tin tối Toàn quốc, Minh Văn Cảnh, người quay phim lão luyện và một nữ thư ký, được chỉ định làm quản lý của cả nhóm.
“Tất cả chúng ta đều rõ tại sao chúng ta lại ngồi ở đây”, Rita mở đầu cuộc họp với giọng nghiêm khắc. “Điều mà bây giờ chúng ta cần thảo luận là tiến hành công việc như thế nào. Trước hết, tôi muốn nói về vấn đề tổ chức. Sau đó Harry sẽ trực tiếp hướng dẫn chúng ta tiến hành công việc”.
Rita ngừng lời và đưa mắt nhìn dọc theo chiếc bàn tới chỗ Crawford Sloane ngồi. “Crawford ạ, chúng tôi không có ý định đọc diễn văn ở đây. Tôi không nghĩ rằng có ai trong chúng ta lại không thấy động lòng và anh đã quá đau buồn khi phải mang gánh nặng mà không cần chúng tôi làm nặng thêm nữa. Nhưng tôi muốn nói vói anh, một cách chân thành và thay mặt cho mọi người ở đây, vì anh, gia đình anh và vì bản thân chúng tôi nữa, chúng tôi sẽ có gắng đến mức cao nhất”.
Các nhân viên khác của ban đặc nhiệm ồn ào tỏ ý tán thành.
Sloane gật đầu đến hai lần rồi anh cố gắng nói thành lời: “Cám ơn các bạn”, giọng anh tắc nghẹn.
“Từ giờ trở đi”, Rita nói, “chúng ta sẽ tiến hành công việc trên hai cấp độ - điều tra dài hạn và các tin tức hàng ngày. Norman”, cô nói tiếp với người chủ nhiệm cao tuổi, “anh sẽ chịu trách nhiệm về việc điều tra dài hạn”. “Được”.
“Còn Iris, cô sẽ đảm nhận phần tin hàng ngày, bắt đầu ngay với bản tin tối nay mà lát nữa đây chúng ta sẽ thảo luận”.
Iris Everly đáp vởi vẻ quả quyết: “Rõ, và tin đầu tiên tôi muốn đưa là cảnh lộn xộn sáng nay ở ngoài nhà Sloane”.
Sloane co rúm người lại vì đau đớn khi nghe nói đến chuyện đó và đưa mắt nhìn Iris nửa như cầu xin, dù cô không hề để ý.
“Cô sẽ nhận được ngay thôi”, Rita bảo Iris. “Băng hình đang trên đường về”.
Quay sang phía chủ nhiệm thứ hai là Owens, rita nói: “Còn Karl, anh sẽ tham gia vào cả hai việc khi cần thiết”. Cô nói thêm: “Tôi sẽ luôn ở bên cả ba người”.
Rita chuyến sang nói với Cooper: “Teddy, tôi biết là anh muốn tới Larchmont”.
Cooper ngẩng lên cười toét miệng: “Đúng vậy, thưa madam. Để tìm kiếm và tiến hành công việc như thám tử Sherlock Holmes”. Anh quay mặt lại nói với mọi người: “Việc này thì tôi làm đặc biệt khá”.
“Teddy”, lần đầu tiên Partridge lên tiếng, “tất cả mọi người ở đây đều đặc biệt khá cả. Chính vì vậy mà họ ngồi đây”.
Không chút nao núng, Cooper tươi cười nói: “Và tôi cần phải tỏ ra tự nhiên như ở nhà mình”.
“Sau khi kết thúc cuộc họp”, Rita nói với Teddy, “mình sẽ tới Larchmont, chỉ đạo hai đội quay phim mới. Teddy, cậu sẽ đi với mình, và sẽ gặp Best Fisher, cộng tác viên của chúng ta ở đó. Tôi đã sắp xếp rồi. Fisher là người đầu tiên đưa tin về câu chuyện ngày hôm qua. Ông ấy sẽ lái xe đưa cậu đi quanh đó và giới thiệu cậu với bất cứ ai cậu cần gặp”.
Iris Everly nói với người quay phim: “Anh phải ở lại nói chuyện với tôi trước khi đến Larchmont đấy”.
Minh Văn Cảnh gật đầu, khuôn mặt vuông với nước da ngăm đen của anh vẫn điềm tĩnh như thường lệ.
“Giờ thì chúng ta sẽ xem xét đến những việc cụ thể”. Rita nói. “Harry, đến lượt anh đấy”.
“Mục tiêu trước mắt của chúng ta, theo tôi”, Partridge nói, “là phải tìm hiểu thêm về bọn bắt cóc. Chúng là ai? Từ đâu tới? Chúng định nhằm mục đích gì? Dĩ nhiên, không bao lâu nữa chúng cũng sẽ phải tự báo cho chúng ta biết thôi. Tuy vậy, chúng ta cũng sẽ không ngồi chờ. Về mặt này, tôi chưa thể nói với các bạn chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời ở đâu, nhưng chúng ta sẽ để tâm đến tất cả những sự việc đã xảy ra cho tới nay, cộng với những tin mới đang được thu thập. Hôm nay, tôi muốn mọi người ở đây nghiên cứu tất cả những dữ kiện chúng ta có trong tay và ghi nhớ các chi tiết. Những tấm bảng này sẽ giúp chúng ta làm việc đó”. Anh chỉ tay lên hai tấm bảng “Trình tự các sự kiện” và “Linh tinh”, rồi nói thêm: “Đây đều là những tin mới nhất cho đến sáng nay”.
“Sau khi mọi người đã nắm được sự việc, tôi muốn chúng ta nghiên cứu một cách độc lập hoặc là tập thể và thu lượm mọi chi tiết, lưu tâm suy tính từng việc mới. Nếu chúng ta làm được như vậy, dựa vào những kinh nghiệm trước đây, thế nào cũng phát hiện ra điều gì đó”. Quanh bàn, cả nhóm đều chăm chú lắng nghe Partridge.
“Còn một điều tôi cần phải nói với các bạn cho chắc chắn. Bọn bắt cóc nhất định đã để lại dấu vết ở một nơi nào đó. Mọi người đều để lại dấu vết của mình, cho dù họ có cố che dấu cẩn thận đến mấy đi nữa. Vấn đề là phải xác định được dấu vết”. Anh gật đầu với Jaeger: “Công việc của anh là phải tập trung vào việc đó, Norman”.
“Hiểu rồi”, Jaeger đáp.
“Bây giờ đến phần tin hàng ngày, Iris, về những cảnh phim cho bản tin tối nay của chúng ta, tôi biết cô đang suy nghĩ về chuyện đó. Cô thấy cốt chuyện thế nào? Cô đã có dàn ý chưa?”.
Iris nhanh nhảu đáp: “Nếu không có những tin tức gây ấn tượng mạnh mới, như việc bọn bắt cóc nhắn tin, thì chúng ta có thể đưa cảnh hỗn loạn sáng nay bên ngoài nhà của Crawf. Rồi, vì hôm nay đã trọn một ngày từ khi chuyện xảy , nên phải có đoạn nhắc lại chuyện ngày hôm qua. Tôi đã xem băng tối qua: đó là một tin hỗn tạp. Tối nay chúng ta cần làm tốt hơn. Tôi muốn phỏng vấn lại những người đã chứng kiến ở Larchmont”. Cô xem sổ - “nhất là bà cụ Priscillar Rhea, người đáng ghi hình nhất. Bà ấy và mọi người có thể nhớ lại một điều gì mới”.
“Thế còn những phản ứng thì sao?”. Jaeger hỏi – “ví dụ như ở Washington ấy”.
Partridge trả lời: “Một chút xíu thôi, lời Tổng thống nới thôi. Có thể thêm một số phỏng vấn với dân thường nếu chúng ta có thời gian”.
“Nhưng không có gì từ Quốc hội à?”.
“Có lẽ mai”, Partridge nói. “Hoặc không bao giờ. Mọi người trong Quốc hội chỉ muốn hành động”. Anh ra hiệu cho Iris nói tiếp.
“Tóm lại”, cô nói, “chúng ta sẽ đưa vài lời bình luận vào đoạn cuối, - một cuộc phỏng vấn với một nhà cầm quyền về bắt cóc”.
Partridge hỏi: “Cô đã dự định ai chưa?”.
“Chưa”.
Karl Owens lên tiếng: “Tôi biết một tay. Ông Ralph Salermo, trước đây là cảnh sát ở New York, hiện đang sống ở Naples, Florida. Ông ta thường giảng bài về tội phạm cho các lực lượng cảnh sát ở khắp mọi nơi và đã viết nhiều sách. Biết rất nhiều về các vụ bắt cóc. Tôi đã thấy ông ta trên vô tuyến. Ông ta được lắm”.
“Chúng ta hãy mời ông ta”, Iris nói, đưa mắt nhìn Partridge lúc này đang gật đầu biểu lộ đồng tình.
Leslie Chippingham xen vào: “Karl ạ, chúng ta có chi nhánh ở Naples. Nhờ họ giúp thử xem, còn không thì mời Salermo tới Miami”.
“Cách nào cũng được”, Iris nói thêm, “đặt đường truyền vệ tinh để cho Harry phỏng vấn”.
“Để tôi làm ngay”, Owens nói và ghi vào sổ tay.
Sau khoảng mười lăm phút bàn bạc, Rita gõ tay lên mặt bàn: “Thế là đủ”. Cô thông báo: “Chớp nhoáng vậy thôi. Bắt tay vào việc đi”.
* * *
Giữa lúc công việc đang tiến hành nghiêm túc, có một sự rắc rối bên lề.
Vì mục đích điều tra, Harry Partridge đã quyết định phỏng vấn Crawford Sloane. Partridge tin tưởng rằng Sloane, cũng giống như nhiều người lâm vào một tình huống gây cấn, biết được nhiều điều hơn anh tưởng, và nếu khai thác khéo léo, kiên trì thì có thể đưa ra những sự kiệm mới. Sloane cũng đồng ý cách làm này.
Sau cuộc thảo luận trong phòng họp, lúc Partridge nhắc Sloane về thoả thuận đó, thì có một giọng nói vang lên: “Nếu các anh không phản đối, thì tôi cũng muốn ngồi nghe. Tôi cũng có thể biết thêm được điều gì đó”.
Kinh ngạc, họ quay phắt lại. Trước mặt họ là viên đặc vụ Otis Havelock, vừa mới bước vào khi cuộc thảo luận vừa tan.
“A”, Partridge nói, “vì ông đã hỏi, nên tôi nói rằng tôi phản đối”.
Rita Abrams hỏi Havelock: “Ông có phải là người FBI không?”.
Ông ta thân ái trả lời: “Bà nói cứ như tôi có phải là “Hoa hậu nước Mỹ” không ấy. Các đồng nghiệp của tôi có thể không nghĩ như vậy”.
“Điều tôi thực sự muốn nói là ông hoàn toàn không nên có mặt ở đây. Khu vực này là miễn có người ngoài trừ những người đang làm việc ở đây” – Rita nói.
Havelock có vẻ ngạc nhiên “Một phần công việc của tôi là bảo vệ ông Sloane. Còn các bạn thì đang điều tra vụ bắt cóc, đúng không?”.
“Đúng”.
“Thế là chúng ta có cùng một mục đích, là tìm ra nơi gia đình của ông Sloane đang bị giữ. Vậy nếu các bạn phát hiện ra điều gì, vị dụ như những việc này” – ông ta chỉ lên bảng “Tiến trình sự kiện” – “thì FBI cũng cần biết”.
Những người trong phòng, kể cả Leslie Chippingham, đều nín lặng không biết nói sao.
“Trong trường hợp này thì chúng ta phải xử sự có đi có lại”, Rita nói. “Liệu tôi có thể cử một phóng viên đến ngay sở mật vụ New York để xem xét tất cả mọi tin tức mà các ông có được không?”.
Havelock lắc đầu “Tôi sợ rằng điều đó không thể làm được. Một số tài liệu thuộc loại cơ mật”.
“Chính vậy đó”.
“Các bạn xem này, Havelock nhận thấy sự chú ý của mọi người quanh phòng, nên ông ta cố kìm giữ. “Tôi không chắc là các bạn có hiểu rõ là chúng ta đang phải đối phó với một tội ác hay không. Bất cứ ai biết được điều gì cũng phải có trách nhiệm trình báo trực tiếp cho FBI. Không làm như vậy sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hình sự”.
Rita vốn ít khi giữ kiên nhẫn được lâu, phản ứng ngay: “Nhờ ơn Chúa, chúng tôi không phải là trẻ con! Chúng tôi vẫn thường điều tra mọi chuyện và rất biết nên làm gì”.
Partridge nói thêm “ông Havelock ạ, tôi thấy rằng tôi nên nói cho ông biết là tôi đã cùng làm việc với FBI trong các cuộc điều tra, và người của các ông thường rất giỏi moi tin tức của người khác nhưng không bao giờ muốn cho ai biết cái gì hết”.
Havelock đập lại: “FBI không có trách nhiệm phải cho ai biết cái gì hết”. Sự mềm mỏng ban đầu đã biến mất. “Chúng tôi là một cơ quan thuộc chính phủ được sự ủng hộ của Tổng thống và Quốc hội. Điều các người làm hiện nay có vẻ như các người đang tự cho mình là những người cạnh tranh với chúng tôi. Này, tôi khuyên các người là nếu kẻ nào ngăn trở việc điều tra hợp pháp bằng giấu thông tin, thì kẻ đó phải chịu trách nhiệm nghiêm trọng đấy”.
Chippingham cho rằng đã đến lúc ông phải can thiệp.
“Ông Havelock ạ”, viên chủ nhiệm bản tin nói, “tôi đảm bảo với ông rằng chúng tôi không phải là những người vi phạm luật pháp. Tuy nhiên, chúng tôi được tự do tiến hành mọi cuộc điều tra chúng tôi muốn và đôi khi chúng tôi còn thành công hơn các ông trong chuyện này, hơn cái mà các ông gọi là “điều tra hợp pháp đấy”. Chippingham nói tiếp: “Điều thực sự quan trọng ở đây là cái được gọi là “đặc quyền của báo chí”. Điều đó có nghĩa là các phóng viên chúng tôi có thể điều tra, rồi bảo vệ nguồn tin của họ trừ phi một toà án ra lệnh làm trái lại. Vậy thì ông biết đấy, tự do của chúng tôi sẽ bị vị phạm nếu chúng tôi cho phép ông thâu tóm toàn bộ mọi thứ chúng tôi có. Do đó, tôi phải nói cho ông biết rằng, trong khi chúng tôi vui lòng để ông có mặt ở đây, thì sự kiểm soát của ông cũng có hạn và có một đường ranh giới mà ông không thể bước qua – chính là nơi đây”. – Ông chỉ vào cửa ra vào phòng họp.
“Thế này thì, thưa ông”, Havelock nói, - “tôi không chắc là tôi sẽ chấp nhận mọi điều, và các ông không lấy làm phiền lòng nếu tôi báo cáo toàn bộ sự việc về Văn phòng chứ?”.
“Chẳng có gì mà phải phiền lòng cả. Người ta sẽ nói rằng chúng tôi đang hành động trong phạm vị quyền hạn của chúng tôi”.
Điều mà Chippingham không đề cập đến là chuyện hãng CBA, cũng giống như bất cứ tổ chức báo chí nào khác, có quyền tự quyết định về việc tiết lộ tin gì và vào lúc nào, cho dù điều đó làm cho FBI tức lên tận cổ. Ông biết rằng mọi người trong Ban tin tức đều biết như vậy. Còn đối với những việc có thể xảy đến sau đó, hãng sẽ đối phó sau.
Sau khi Havelock bỏ đi ra ngoài gọi điện, Chippingham bảo Rita: “Gọi ông quản lý nhà lên đây. Bảo ông ta lấy chìa khoá và khoá tất cả các phòng lại”.
* * *
Khi chỉ còn có hai người trong phòng làm việc của Partridge, anh và Sloane bắt đầu cuộc phỏng vấn ghi âm. Partridge tìm hiểu bối cảnh gia đình hiện nay, nhắc lại các câu đã hỏi nhưng tỉ mỉ hơn, mà không có gì mới nổi lên cả. Sau một hồi, Partridge hỏi, “Crawf ạ, có điều gì trong tâm trí cậu, kể cả trong linh cảm mà lẽ ra cậu đã phải tìm hiểu, một điều gì đó mà mơ hồ có quan hệ tới chuyện đã xảy ra không? Có một mảy may gì đó mà cậu phân vân rồi quên đi không?”.
“Hôm qua cậu đã hỏi mình điều đó” Sloane trả lời, vẻ suy nghĩ. Thái độ của anh đối với Partridge đã thay đổi rõ rệt sau hai mươi bốn giờ qua. Về mặt nào đó thì họ có vẻ thân mật với nhau hơn. Mặt khác, Sloane ít thấy lo ngại về Partridge hơn, kể cả nhớ lại những gì anh đã ấp ủ trong tâm trí trước đây. Điều kỳ lạ là Sloane lại gần như coi Harry Partridge là nguồn trông cậy lớn nhât để có thể đem Jessica, Nicky và cha anh trở về.
“Mình biết là mình đã hỏi cậu”, Partridge nói, “và cậu hứa là sẽ nghĩ kỹ mà”.
“À, đêm qua tôi đã nghĩ lại và có thể là đã có một điều gì đó cho dù tôi không chắc chắn lắm”, Sloane ấp úng nói. Anh không bao giờ thấy dễ chịu với các ý nghĩ mơ hồ, không định hình được.
Partridge giục “Cứ nói tiếp đi”.
“Mình cho rằng trước khi chuyện này xảy ra, mình đã có một cảm giác là bị theo dõi. Dĩ nhiên có thể mình cho là như vậy sau khi phát hiện ra căn nhà đã bị theo dõi…”.
“Quên chuyện ấy đi. Vậy là cậu cho rằng cậu đã bị theo dõi. Ở đâu và bao giờ?”.
“Rắc rối là ở đấy. Nó mơ hồ đến nỗi mình không xác định nổi…”.
“Nói cho mình rõ hơn đi”.
“Mình có cảm giác là đôi khi mình đã bị theo dõi trong lúc lái xe về nhà. Mình có linh cảm, cũng rất mơ hồ, là có ai đó đang quan sát mình ở đây, ngay trong hãng CBA này – một người nào đó không phải ở đây”.
“Cậu có cảm giác đó đã lâu chưa?”.
“Có lẽ một tháng”, Sloane giơ hai tay lên trời. “Đơn giản là mình cũng không chắc hay là mình tưởng tượng ra”.
Sau đó, Partridge đánh máy một bản tóm tắt cuộc phỏng vấn với Sloane và đính vào mục “Linh tinh” trong phòng họp. Rồi trở lại phòng làm việc, anh bắt đầu một thủ tục mà các nhà báo gọi là “điều hành máy điện thoại”.
Trước mắt anh là cuốn “sổ xanh” của riêng anh – một danh sách những người anh quen biết trên toàn thế giới, trước đây đã có ích cho anh và lại có thể giúp anh. Kể cả những người anh đã giúp dỡ bằng cách cung cấp tin tức khi họ cần. Nghề báo chí đầy những chuyện vay và nợ. Vào những lúc như lúc này, bên nợ được cần đến. Kể cả những người cảm thấy khoái chí khi được hãng truyền tìm đến mình.
Đêm hôm trước, khi lần giở lại cuốn “sổ xanh”, Partridge đã lập một danh sách những người anh sẽ gọi hôm nay. Danh sách này bao gồm những mối quan hệ với Bộ Tư pháp, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, CIA, cục Nhập cảnh, Hạ nghị viện, vài sứ quán nước ngoài, Sở cảnh sát New York, Cục cảnh sát vũ trang của Hoàng gia Canada ở Ottawa, Cục cảnh sát Pháp lý Mexico, một tác giả của những cuốn sách vụ án đời thực, và một luật sư chuyên cãi cho khách hàng phạm tội có tổ chức.
Những câu chuyện liên tục qua điện thoại đều có vẻ như là tình cờ và thường bắt đầu bằng “chào anh, Harry Partridge đang nói đây. Lâu rồi chúng ta không gặp nhau. Tôi muốn gọi điện xem hồi này anh sống ra sao”. Cách của anh là tiếp tục hỏi han về vợ hoặc chồng họ, người tình của họ, con cái họ - Partridge ghi lại cả những cái tên này nữa – rồi lái về chuyện hiện tại “Tôi đang tìm cái vụ bắt cóc gia đình Sloane đây. Không hiểu bạn có nghe xì xào gì hoặc bạn có ý kiến gì về chuyện này không?”.
Đôi khi những câu hỏi cụ thể hơn: “Ông có nghe tin là kẻ nào nhúng tay vào vụ này không? Ông có cho rằng có khả năng là bọn khủng bố nhúng tay vào không? Nếu có thì từ phía nào? Có tin đồn gì không, kể cả tin tào lao nhất? Anh có thể hỏi han và nếu nghe được chuyện gì thì gọi điện lại cho tôi được không?”.
Đại loại như vậy, nói chung là rất nhảm và cần phải kiên hẫn. Đôi khi cũng có kết quả, có hứa hẹn, còn bình thường thì vô thưởng vô phạt. Theo nhận định của Partridge thì các cuộc nói chuyện qua điện thoại ngày hôm nay chẳng đem lại điều gì đặc biệt, kể cả cuộc nói chuyện thú vị nhất với viên luật sư chuyên về các vụ trọng án có tổ chức.
Một năm trước đây Partridge đã cứu nguy cho ông ta – hoặc ông luật sư cho là như vậy. Sự việc là con gái ông, trong một cuộc du ngoạn do nhà trường tổ chức tới thăm Venedewla, đã tham gia vào một cuộc trác táng ma tuý lộn xộn đến mức mà toàn nước Mỹ biết. Tám sinh viên dính vào vụ đó; hai sinh viên đã chết. Qua chi nhánh ở Caracas, hãng CBA đã ghi được những hình ảnh đặc biệt tại chỗ, rõ mặt từng người tham gia một, trong số đó có con ông luật sư, khi họ bị cảnh sát bắt giữ. Khi đó Partridge đang ở Argentina nên anh đã bay ngay về phía bắc để đưa tin này.
Từ New York, không hiểu sao ông bố biết được chuyện hãng có hình ảnh này, và đã lần theo dấu vết của Partridge bằng điện thoại. Ông ta van nài Partridge đừng sử dụng tên hoặc hình ảnh con gái ông, với lý do cô là người trẻ nhất bọn, trước đây chưa bao giờ có tiền sự, và một sự phơi bày như vậy trên toàn quốc sẽ làm tan nát cả cuộc đời cô.
Partridge xem lại những hình ảnh ghi được: anh đã biết về chuyện cô gái đó và quyết định không để cô ta xuất hiện trong câu chuyện. Tuy vậy, để phòng xa, anh chỉ hứa là sẽ làm hết sức mình.
Đến khi thấy CBA đã không đưa những gì liên quan trực tiếp tới con gái mình, ông luật sư liền gửi cho Partridge tấm ngân phiếu một nghìn đô la. Partridge gửi trả tấm ngâng phiếu lại cho ông ta, kèm theo một bức thư đầy lễ độ, từ đó hai người không liên hệ với nhau nữa.
Hôm nay, sau khi nghe lời mở đầu vẻ vô tình của Partridge, ông luật sư đáp thẳng thừng: “Tôi nợ anh. Bây giờ anh muốn một điều gì đó. Nói cho tôi biết chuyện gì vậy?”.
Partridge giải thích.
“Tôi chưa nghe thấy điều gì ngoài điều vô tuyến đã đưa” – viên luật sư nói, - “nhưng tôi có thể đoán chắc là không có khách hàng nào của tôi dính vào vụ này. Đó không phải là lĩnh vực làm ăn của họ. Tuy vậy, đôi khi họ cũng nghe được những điều mà người khác không biết. Vào ngày tới đây tôi sẽ làm một cuộc dò la bí mật vòng quanh đây. Nếu tôi tìm ra điều gì đó, tôi sẽ gọi anh”.
Partridge có cảm giác là ông ta có thể tìm ra.
Một tiếng đồng hồ sau, khi đã gọi cho nửa số người có tên trong danh sách của anh, Partridge tạm nghỉ và đi vào phòng họp để làm một tách cà phê. Quay trở về phòng, anh làm mọi việc mà các phóng viên truyền hình khác vẫn làm thường ngày, là đọc lướt qua tờ New York Thời báo và tờ Bưu điện Washington . Khách tới thăm các trung tâm Truyền hình luôn kinh ngạc vì thấy bao nhiêu là báo hàng ngày nằm rải rác khắp nơi – thực tế là cho dù hãng vô tuyến có thành công đến mấy, thì mọi người vẫn coi không có cái gì thực sự là thông tin cho đến khi nó được đưa lên hai tờ báo này.
Giọng nói mạnh mẽ của Chuck Insen cắt đứt việc đọc báo của Partridge.
“Harry, tôi đưa anh xem bản sắp xếp đội hình tối nay đây”, ông uỷ viên ban chủ nhiệm vừa nói vừa bước vào phòng. “Tức là chúng ta sẽ phát thành từng phần. Anh sẽ phát một nửa”.
“Nửa cuối hay nửa đầu?”.
Insen cười nhẹ “Ai mà biết được? Dù sao thì từ tối nay trở đi anh phải đưa tất cả mọi điều liên quan tới vụ bắt cóc gia đình Sloane mà, trừ phi là Tổng thống bị bắn trước khi phát tin, còn tin này vẫn là tin đầu. Crawf sẽ phát phần tin còn lại của như thường lệ, vì không thì cả lũ chúng ta chẳng còn ra cái quái gì khi để cái bọn ác ôn khốn kiếp nào đó gây ra chuyện này lại ảnh hưởng đến công việc của hãng”.
“Tôi thì thế nào cũng được”, Partridge nói. “Chắc Crawf cũng vậy”.
“Nói thẳng ra thì đây là ý của Crawf. Cũng như bất cứ ông vua nào khác, anh ấy cảm thấy bất an khi rời khỏi ngai vàng quá lâu. Ngoài ra việc anh ấy không xuất hiện cũng chẳng có lợi gì. Ờ, còn một việc nữa – là cuối buổi phát tin, Crawf sẽ nói một vài lời để cảm ơn những người đã gửi thư an ủi, quan tâm đến gia đình anh ấy”.
Dù đang căng thẳng, Partridge vẫn thấy vui vui. Anh hỏi: “Hai người giờ lại có vẻ hợp ý nhau nhỉ?”.
Insen gật đầu “Chúng tôi đã ngầm thoả thuận một cuộc đình chiến không tuyên bố cho tới khi vụ này kết thúc”.
“Sau này thì sao?”.
“Để xem hẵng”.
Bản Tin Chiều
Phần một - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Phần II - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Phần III - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Phần IV - Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20