Chương 13
Tác giả: Archibald Joseph Cronin
Nhớ lại niềm vui sướng, niềm tự hào trong sáng đã nẩy nở trong anh sau ngày trông nom cho bác Mo-gân gái được mẹ tròng con vuông mà mấy lời đê tiện của mụ Blốt- đoen sau đó biến thành một việc nhơ nhuốc, lòng En- đru sôi lên căm giận. Anh tự hỏi xem anh có nên đẩy sự việc đi xa hơn nữa không, viết thư cho bác sĩ Giâu Mo-gân, rồi đòi một cái gì hơn chỉ là những lời xin lỗi đơn thuần. Nhưng anh gạt bỏ ý nghĩ ấy vì nó xứng với mụ Blốt- đoen hơn là với anh.
Cuối cùng, En- đru chọn một hội từ thiện vô dụng nhất trong vùng, và với một tâm trạng vô cùng cay dắng, anh gửi số tiền năm ghi-ni đến hội ấy, bảo họ gửi giấy lĩnh tiền đến chỗ A-nơ-rít. Sau đấy, En- đru thấy khoan khoái hơn. Anh chỉ muốn nhìn thấy mặt Rít khi lão ta nhận được tờ giấy lĩnh tiền kia.
Hiểu rằng đến cuối tháng là anh nghỉ việc ở Blây-nen-li, En- đru tức khắc đi tìm một chỗ khác. Anh xem đi xem lại các trang cuối của tờ “Mũi dao chích”, nộp đơn xin làm bất cứ việc gì xem ra có vẻ thích hợp. Có nhiều nơi đăng báo “tìm người phụ tá”. En- đru gởi đơn đến hết, kèm theo bản sao văn bằng, giấy chứng nhận, và cả ảnh nữa như nhiều nơi yêu cầu. Nhưng hết một tuần, rồi hai tuần mà vẫn chưa có nơi nào trả lời. Anh thất vọng và kinh ngạc.
Sau Đen-ni giải thích cho En- đru biết bằng một câu ngắn gọn: “Vì anh đã ở Blây-nen-li”.
En- đru hoảng sợ, chợt hiểu rằng anh đã bị mang tội mang mợ vì đã làm việc tại thị trấn nhỏ hẻo lánh ở xứ Uên này. Không một nơi nào muốn nhận những người “ở vùng thung lũng” về làm phụ tá: họ chắc mang tiếng xấu cả rồi.
Qua mười lăm ngày, En- đru bắt đầu thực sự lo ngại. Anh làm gì bây giờ? Anh hãy còn nợ Quỹ Glen hơn năm mươi bảng. Cố nhiên, họ sẵn sàng cho anh chịu thêm một thời gian nữa. Nhưng ngoài ra, nếu anh không tìm được việc nào khác thì anh sẽ sống bằng gì? Túi anh chỉ có khoảng hai, ba bảng. Anh không có đồ đạc, không có tiền dành dụm. Từ ngày đặt chân đến Blây-nen-li đến nay, ngay quần áo mới anh cũng chưa mua được tuy quần áo anh đã sờn cả rồi. Đôi lúc, En- đru kinh hoàng khi hình dung anh bị sa vào cảnh khốn cùng.
Trong cuộc sống vô định, tràn ngập khó khăn, En- đru thấy thiếu Cơ-ri-xtin. Thư từ không ích gì, có viết được gì thì chắc chắn cũng diễn đạt sai ý của mình mất thôi. Thế mà đến tuần đầu tháng chín nàng mới về. En- đru ngước mắt buồn phiền mong nhớ nhìn quyển lịch, tính xem còn bao nhiêu ngày nữa. Còn mười hai ngày. Mỗi lúc một chán nản hơn, anh nghĩ mười hai ngày ấy chẳng khác gì đã trôi qua rồi vì cũng không thể chờ đợi gì ở chúng.
Tối hôm ba mươi tháng tám, ba tuần sau ngày anh báo tin thôi việc với mụ Blốt- đoen, đúng vào lúc cùng quẫn anh toan xin làm một chân dược tá, đang buồn bã bước chân trên phố Nhà thờ thì anh gặp Đen-nị Thời gian gần đây, hai người cư xử với nhau một cách xã giao hơi gượng gạo cho nên En- đru ngạc nhiên khi Đen-ni giữ anh lại nói chuyện.
Gõ tẩu thuốc vào đế giày, Đen-ni ngắm nghía mãi chiếc tẩu như thế có cái gì đáng để anh ta chú ý lắm, rồi cuối cùng nói:
- Anh Men-sân, tôi rất tiếc là anh bỏ đi. Có anh ở đây, tình hình khác đi nhiều. – Đen-ni ngập ngừng – Chiều nay, tôi nghe nói Hội y tế E-bơ-re-lo đang cần một bác sĩ phụ tá. E-bơ-re-lo cách đây có ba mươi dặm, ở phía bên kia thung lũng. Hội này rất đứng đắn, ấy là so với mức đứng đắn của các hội cùng loại. Tôi cho rằng viên bác sĩ trưởng ở đấy, tên là Lu-ê-lin, là một tay làm ăn được. Vì thị trấn ấy cũng nằm trong thung lũng nên họ khó có lý do cự tuyệt một kẻ từ thung lũng đến. Anh thử hỏi xem sao.
En- đru nhìn Đen-ni ngờ vực. những hy vọng cùa anh gần đây được vẽ ra rất đỗi đẹp đẽ nhưng rồi lại tan ra như bong bóng đến nỗi anh mất hết niềm tin ở khả năng thành công của mình. En- đru từ tốn gật đầu.
- Thôi được, nếu đúng thế, tôi cứ thử xem sao.
Mấy phút sau, En- đru về nhà dưới làn mưa lúc này đã nặng hạt, và viết đơn xin việc.
Ngày sáu tháng chín có phiên họp toàn thể của Hội đồng quản trị Hội y tế E-bơ-re-lo để chọn người thay chân bác sĩ Le-xli vừa mới xin thôi để đến làm tại một đồn điền cao su ở Mã Lai. Có bảy người xin và cả bảy người đều được mời đến.
Một buổi chiều mùa hè đẹp đẽ, chiếc đồng hồ lớn ở Cửa hàng hợp tác chỉ gần bốn giờ. En- đru đi đi lại lại trên vỉa hè trước trụ sở. Hội tại quảng trường E-bơ-re-lo, lo lắng liếc nhìn sáu người khác cùng đến xin việc, nóng lòng chờ tiếng chuông đầu tiên điểm giờ của chiếc đồng hồ. Nay đã thấy những điều linh cảm của mình là không đúng và bây giờ anh đã có mặt ở đây, thực sự sắp được xét chọn, nên En- đru hết lòng mong trúng tuyển.
Qua những điều đã thấy thì anh ưa thích E-bơ-re-lọ Năm ở cuối cùng thung lũng Ghét-li, thị trấn này không thụt dưới lòng hẽm, mà là ở phía trên hẽm núi. Cao ráo, không khí trong sạch, rộng lớn hơn Blây-nen-li nhiều - En- đru ước tính có đến gần hai vạn dân – đường phố và các cửa hiệu đẹp đẽ, có hai rạp chiếu bóng, thị trấn này gây cho người ta cảm giác thoáng đãng nhờ ở những cánh đồng xanh rờn chung quanh. Sau không khí ngột ngạt ở khe Pê-nen-li, En- đru coi E-bơ-re-lo thực sự là một thiên đường.
En- đru đi tới rồi lại đi lui, suy nghĩ:”Nhưng mình sẽ không bao giờ được nhận vào đâu”. Không bao giờ, không bao giờ. Anh không thể nào có cái may ấy. Tất cả những người kia đều có vẻ dễ được nhận vào làm hơn anh nhiều, họ thông tốt mã hơn, tự tin hơn. Nhất là người bác sĩ tên là Et-Uất thì lộ rõ niềm tự tin khiến En- đru đâm phát ghét người trung niên béo lùn phì nộn ấy. Trong câu chuyện giữa mọi người cách đây mấy phút ở ngoài cửa, ông này đã công khai kể ông ta vừa mới nhường lại chỗ làm việc cũ ở dưới thung lũng để “xin” vào đây. En- đru bực dọc nghĩ bụng: thằng cha khốn kiếp kia đã chẳng từ bỏ một nơi chắc chắn nếu chưa nắm chắc chỗ này!
En- đru cứ đi đi lại lại mãi, đầu cúi gằm, tay thọc trong túi. Cơ-ri-xtin sẽ nghĩ thế nào về anh nếu anh không được nhận. Nàng sẽ trở về Blây-nen-li hôm nay hoặc ngày mai. Trong thư nàng không nói chắc ngày nào. Trường học phố Ngân hàng sẽ khai giảng thứ hai tới. Tuy En- đru chưa viết thư kể cho Cơ-ri-xtin biết anh xin vào đây, nhưng không được nhận có nghĩa là anh sẽ đến gặp nàng với vẻ ỉu xìu, chán nản, hoặc tệ hơn nữa, với vẻ vui vẻ giả tạo, đúng vào lúc anh mong mỏi hơn mọi thứ trên đời được đứng thoải mái bên nàng, được đóng nhận nụ cười điềm đạm, thân thiết của nàng, nụ cười làm xao xuyến lòng anh.
Sau cùng, đã đến bốn giờ. En- đru đang đi về phía trụ sở Hội thì một chiếc xe hơi xinh đẹp lướt qua quảng trường êm như ru và đỗ ngay trước cổng. Ở ghế sau bước xuống là một người đàn ông thâm thấp, bảnh bao, sang trọng, miệng mỉm cười niềm nở với những người đến xin việc nhưng vẫn có một vẻ nghênh ngang dửng dưng. Trước khi bước lên bậc cửa, ông ta nhận ra Et-Uất và gật đầu chào.
- Thế nào, Et-Uất? – Rồi nói riêng – Chắc là tốt cả thôi.
Et-Uất thì thào, hết sức kính cẩn:
- Cảm ơn bác sĩ Lu-ê-lin, cô cùng cảm ơn ông.
En- đru cay đắng nghĩ thầm: “Đâu vào đấy cả rồi”.
Ở tầng trên, phòng đợi là một gian phòng nhỏ, trơ trọi, bí hơi, nằm ở cuối một hành lang ngắn dẫn đến phòng của Hội đồng Hội y tế. En- đru là người thứ ba được mời vào xét hỏi. Anh bước vào gian phòng rộng trong lòng bồn chồn nhưng bề ngoài cố giữ vẻ cứng cỏi. Nếu họ đã dành trước chỗ này cho người khác rồi thì anh sẽ không việc gì phải quỵ lụy cầu xin. Anh ngồi xuống chiếc ghế được mời, không để lộ vẻ gì trên nét mặt.
Trong phòng có khoảng ba mươi người thợ mỏ, người nào cũng đang hút thuốc, chăm chú nhìn En- đru với một vẻ tò mò lấc cấc, nhưng không phải không có thiện cảm. Ngồi ở chiếc bàn nhỏ kê về một bên là một người điềm tĩnh, da mai mái, gương mặt thông minh tinh nhanh. Với nước da hơi xạm, người ấy như có vẻ đã từng làm thợ dưới hầm lò. Đó là On- Oen, thư ký Hội. Bác sĩ Lu-ê-lin thì đang uể oải tì người lên cạnh bàn, miệng mỉm cười ân cần với En- đru.
Cuộc xét hỏi bắt đầu. Bằng một giọng từ tốn, On- Oen giải thích về điều kiện làm việc nếu được tuyển dụng.
- Tình hình ở đây như thế này, bác sĩ Men-sân ạ. Theo cách tổ chức của chúng tôi, công nhân ở eb giải thích về điều kiện làm việc nếu được tuyển dụng.
- Tình hình ở đây như thế này, bác sĩ Men-sân ạ. Theo cách tổ chức của chúng tôi, công nhân ở E-bơ-re-lo – trong quận có hai mỏ than an-thra-xít, một nhà máy thép và một mỏ than đá – góp một số tiền cho Hội chúng tôi, trích từ tiền lương hàng tuần của họ. Với số tiền ấy, Hội chúng tôi tổ chức ra những bộ phận y tế cần thiết, xây một bệnh viện nho nhỏ xinh xắn và những bệnh xá, mua thuốc men, y cụ, vân vân… Ngoài ra, Hội còn tuyển dụng các bác sĩ. Có bác sĩ Lu-ê-lin là bác sĩ trưởng kiêm bác sĩ ngoại khoa, cùng với bốn bác sĩ phụ tá và một nha sĩ. Hội trả lương cho các bác sĩ theo đầu người, tức là tùy theo số người đăng ký chữa bệnh ở từng bác sĩ mà trả lương nhiều hay ít. Theo tôi biết, trước khi rời đây, bác sĩ Le-xli hình như mỗi năm được năm trăm bảng thì phải… Nhìn chung, chúng tôi thấy cách tổ chức đó là tốt. – Ba mươi thành viên của Hội đồng xì xào tỏ ý tán thành. On- Oen ngẩng đầu lên nhìn họ và hỏi – Bây giờ, thưa các vị, các vị có cần hỏi gì không?
Họ bắt đầu hỏi En- đru dồn dập. Anh cố trả lời bình tĩnh, trung thực, không khoác loác. Có một lần, anh châm chọc một câu.
- Ông có nói được thổ ngữ Uên không? – Câu hỏi ấy là của một người thợ mỏ còn trẻ tên là Chen-kin, thích hỏi nhiều.
- Không, tôi được nuôi dạy bằng tiếng Xen-tơ (#1)
- Thế thì ở đây khá thuận lợi đấy!
- Tôi thấy thuận lợi ở chỗ có thể dùng nó để rủa bệnh nhân. - En- đru lạnh lùng trả lời, và mọi người cười mũi Chen-kin.
Cuối cùng, cuộc xét hỏi kết thúc, On- Oen nói: “Rất cảm ơn ông, bác sĩ Men-sân”, En- đru trở lại gian phòng đợi bé nhỏ, hôi hám, cảm thấy như mình vừa mới bị những cơn sóng lớn trên mặt biển xô đẩy, và nhìn những người khác lần lượt vào.
Người vào cuối cùng là Et-Uất. Ông ta ngồi lại rất lâu. Khi trở ra, ông ta ngoác miệng như nói thẳng với mọi người: “Rất tiếc cho các bạn, nó nằm gọn trong túi tôi rồi”.
Tiếp theo sau là những giây phút chờ đợi dài dằng dặc. Sau cùng, cánh cửa phòng Hội đồng lại mở, và từ trong màn khói thuốc dầy đặc, On- Oen bước ra, tay cầm một tờ giấy. Ông ta đưa mắt tìm kiếm, cuối cùng dừng lại ở En- đru, vẻ thân thiện thực sự:
- Bác sĩ Men-sân, mời ông vào đây thêm mấy phút nữa. Hội đồng muốn gặp ông thêm.
Môi tái nhợt, ngực đập thình thịch, En- đru theo chân On- Oen vào phòng Hội đồng. Chẳng lẽ, - không, không có lý, chẳng lẽ họ lại để ý đến anh.
Lại ngồi vào chiếc ghế bị cáo, En- đru nhận thấy có những nụ cười và những cái gật đầu khích lệ đối với anh. Nhưng bác sĩ Lu-ê-lin thì không nhìn gì đến En- đru.
Người phát ngôn của cuộc họp là On- Oen bắt đầu:
- Bác sĩ Men-sân, chúng tôi xin nói thẳng với ông, Hội đồng có phần nào lưỡng lự. Thực tế là, theo lời khuyên của bác sĩ Lu-ê-lin, Hội đồng ngả nhiều về một người dự tuyển khác nhiều kinh nghiệm trong việc thực hành nghề y tại thung lũng Ghét-li này.
Một ủy viên Hội đồng có mái tóc hoa râm ở phía dưới nói xen vào:
- Ông Et-Uất ấy bụng phệ quá. Giá mà được nhìn ông ấy leo dốc đến thăm các gia đình trên đồi Ma- đi nhỉ!
Đầu óc quá căng thẳng, En- đru mỉm cười không nổi. Anh hồi hộp chờ đợi On- Oen nói tiếp:
- nhưng hôm nay, tôi phải nói là Hội đồng rất ưng ý ông. Như bác sĩ Tom Két-tơn vừa mới nói văn hoa cách đây một phút, Hội đồng muốn có những người trai trẻ, xông xáo.
Có những tiếng cười, tiếng reo: “Hoan hô”, “Bác Tom khá đấy”.
- Ngoài ra, bác sĩ Men-sân ạ - On- Oen tiếp lời – tôi phải nói với ông rằng Hội đồng đã có ấn tượng rất mạnh trước lời giới thiệu của hai người…, có thể là hai lời giới thiệu mà bản thân ông không dẫn ra khiến cho Hội đồng coi những lời giới thiệu ấy càng có giá trị. Hai bức thư giới thiệu ấy vừa mới được bưu điện chuyển đến chúng tôi sáng nay, mà người giới thiệu là hai vị bác sĩ ở ngay thị trấn của ông, tôi muốn nói là ở Blây-nen-lị Một người là bác sĩ Đen-ni, có bằng bác sĩ ngoại khoa, một học vị rất cao quý như bác sĩ Lu-ê-lin đây đã công nhận. Lời giới thiệu thứ hai, gửi đến cùng một lúc với lời giới thiệu của bác sĩ Đen-ni là của bác sĩ Pây-giơ, người mà ông hiện nay hình như phụ tá. Bác sĩ Men-sân, Hội đồng chúng tôi đã có kinh nghiệm về những lời giới thiệu. Và hai người giới thiệu này đã nói rất tốt về ông bằng những lời nồng nhiệt khiến Hội đồng có ấn tượng rất mạnh.
En- đru cắn môi, mắt nhìn xuống đất. Bây giờ anh mới biết đến việc làm cao cả này của Đen-ni đối với anh.
- Chỉ có mỗi một khó khăn thôi. - On- Oen dừng lời, ngập ngừng, lấy tay đẩy chiếc thước kẻ trên bàn – Tuy Hội đồng hiện nay nhất trí chọn ông, nhưng công việc này, với những trách nhiệm của nó, có thể nói là phải đòi hỏi một người bác sĩ có gia đình. Chắc ông cũng hiểu, ngoài một điều là mọi người muốn có một vị bác sĩ đã có vợ để đến trông nom chữa chạy gia đình họ được tiện còn có một điều là vị bác sĩ ấy sẽ được sắp xếp ở một ngôi nhà riêng biệt, một ngôi nhà đẹp… Cái đó không… đúng thế, cái đó không thích hợp với một người sống độc thân.
Một sự im lặng xôn xao. En- đru nín một hơi dài, hình ảnh Cơ-ri-xtin bỗng hiện lên sáng rực trong suy nghĩ của anh. Mọi người, cả bác sĩ Lu-ê-lin nữa, đều nhìn anh, chờ câu trả lời. En- đru nói, không nghĩ ngợi, hoàn toàn không điều khiển nổi trí óc mình nữa. Anh nghe thấy tiếng anh trả lời bình tĩnh:
- Thưa các vị, thực tế là tôi đã đính hôn với một cô gái ở Blây-nen-lị Tôi… tôi chỉ đợi có một nơi làm việc thích hợp, như ở đây, làm lễ cưới.
On- Oen đập chiếc thước kẻ xuống mặt bàn, hài lòng. Những người khác cũng bằng lòng, thể hiện bằnng tiếng gõ giày thình thình trên sàn.
Và bác Két-tơn bộc trực nói oang oang ngay: “Tốt đấy, anh bạn trẻ ạ, E-bơ-re-lo là một nơi đẹp đẽ hiếm có để hưởng tuần trăng mật”.
On- Oen nói to, át tiếng ồn ào:
- Tôi coi như vậy là các vị đã đồng ý cả. Bác sĩ Men-sân đã được nhất trí tuyển chọn, có phải không ạ?
Tiếng xì xào tán thành nổi lên mạnh mẽ. En- đru cảm thấy một niềm say sưa thắng lợi.
- Bao giờ ông có thể bắt đầu làm việc, bác sĩ Men-sân? Đối với Hội đồng thì càng sớm thì tốt.
- Tôi có thể bắt tay vào việc đầu tuần sau. - En- đru trả lời. Rồi anh lạnh toát người khi nghĩ: “Nhỡ Cơ-ri-xtin không bằng lòng mình thì sao? Nhỡ mình mấy cả nàng, mất luôn cả chỗ làm tuyệt vời này thì sao?”.
- Thế là đã giải quyết xong xuôi cả. Bác sĩ Men-sân, cảm ơn ông. Tôi tin chắc Hội đồng sẽ chúc ông… và bà Men-sân tương lai… thu được mọi kết quả thật tốt đẹp trong công việc mới.
Tiếng vỗ taỵ Các uỷ viên Hội đồng, Lu-ê-lin, On- Oen, tất cả mọi người giờ đây đều chúc mừng En- đrụ Riêng On- Oen còn thân thiết ôm ghì lấy anh. Sau đó, En- đru ra phòng ngoài cố không để lộ vẻ hân hoan, làm như không để ý đến bộ mặt tiu nghỉu, ngơ ngác của Et-Uất.
Nhưng anh kìm mình không được, hoàn toàn không được. Lúc đi bộ từ quảng trường đến nhà ga, ngực anh căng lên vì niềm vui thắng lợi. Anh bước thoăn thoắt, như nhảy nhót. Ở bên phải đồi thoai thoải anh đang đi là một vườn hoa công cộng nhỏ có vòi phun nước và lầu hòa nhạc. Thấy không! Một lầu hòa nhạc nhé, còn trang điểm cho cho phong cảnh ở Blây-nen-li thì chỉ có những bãi xỉ quặng. Lại còn rạp chiếu bóng đằng kia nữa, những cửa hàng to đẹp, đường bằng phẳng dễ đi, chứ không phải là đường mòn trên núi lổn nhổn sỏi đá. On- Oen hình như lại còn nói về một bệnh viện nữa, một bệnh viện “nhỏ nhắn xinh xắn” thì phải. Chà! Nghĩ đến tác dụng của một bệnh viện đối với công việc của anh, En- đru hít một hơi dài ngây ngất. Anh nhảy vội lên một toa vắng tanh của chuyến tàu Ca- đíp, và lòng vui hớn hở trong khi tàu đưa anh về Blây-nen-li.
Chú thích:
(1-) Thổ ngữ của người Xen-tơ sống ở Ai-rơ-lân và cao nguyên Xcốt-lân.