Chương 33
Tác giả: Archibald Joseph Cronin
Trong cuộc vật lộn gian khổ hiện nay, En- đru khao khát tình bạn cùng nghề. Anh đã đến dự một cuộc họp của nhóm bác sĩ trong khu anh mà chẳng thấy thích thú bao nhiêu. Đen-ni vẫn ở nước ngoài. Thấy Tem-pi-cô hợp, Đen-ni ở lại đấy, nhận làm một chân phẫu thuật cho Công ty Dầu mỏ Tân thế kỷ. Ít nhất trong thời gian này, En- đru bị mất Đen-nị Còn Hốp, đi công cán tại Cơm-bớc-lân, thì đang đếm các hạt tiểu thể cho “Cái khoái của kẻ rồ” – như câu anh ta viết trên một bưu ảnh màu sắc sặc sỡ.
Nhiều lần, En- đru muốn bắt liên lạc với Phrét- đi Hem-tơn nhưng lần nào cũng vậy, nhiều khi anh đã cầm lấy quyển danh bạ điện thoại lên rồi nhưng lại nghĩ là mình chưa công thành danh toại, chưa ổn định đàng hoàng, nên anh lại thôi. Phrét- đi vẫn ở phố Hoàng hậu An nhưng đã dọn sang nhà khác. En- đru thấy ngày càng muốn biết Phrét- đi bây giờ đã tiến đến đâu, rồi anh lại nhớ lại những chuyện cũ với nhau hồi hai người còn là sinh viên, cho đến một hôm không ghìm được nữa anh bèn gọi dây nói cho Hem-tơn.
Gần như sẵn sàng đón nhận một thái độ lạnh nhạt, En- đru lầu bầu:
- Chắc cậu đã quên khuấy mình rồi. Mình là Men-sân đây. En- đru Men-sân. Mình hiện mở phòng khám bệnh ở đây đấy, tại Pét- đinh-tơn.
Giọng Phrét- đi Hem-tơn ở đầu dây đằng kia thân mật, tình cảm:
- Men-sân đấy à? Quên thế nào được, ông bạn già! Tại sao đến bây giờ cậu mới gọi dây nói cho mình?
Vững tâm trước thái độ sốt sắng của Hem-tơn, En- đru mỉm cười vào máy nói:
- À, chúng mình mới tạm ổn định nơi ăn chốn ở. Còn khi trước, lúc làm việc tại Uûy ban, chúng mình phải đi khắp nước Anh. Mình đã lập gia đình rồi chắc cậu đã biết.
- Mình cũng vậy. Này, ông bạn, chúng mình phải gặp lại nhau. Mà gặp sớm! Mình không tưởng tượng được đấy, cậu ở tại đây, ngay Luân Đôn này. Hay thật! Sổ tay của mình đâu rồi. Này, thứ năm tuần sau có gì bận không? Đến ăn tối với mình được chứ? Được rồi, được rồi nhé. Hay lắm. Đến ngày đó gặp nhau nhé, ông bạn vàng. Mình sẽ bảo cô vợ mình viết mấy chữ cho vợ cậu mới được.
Cơ-ri-xtin xem chừng không có vẻ hào hứng khi En- đru kể lại chuyện mời mọc này. Sau mấy phút im lặng, nàng nói:
- Anh đi một mình, anh ạ.
- Ồ, sao em nghĩ lạ vậy! Phrét- đi muốn em gặp vợ anh ấy. Anh biết là em không thích gì anh ấy, nhưng sẽ còn gặp những người khác nữa, có lẽ toàn là bác sĩ cả. Chúng mình có thể sẽ tìm được một hướng đi mới, em ạ. Với lại, ít lâu nay, em và anh chẳng có gì vui chơi. Tiệc mặc lễ phục “nơ” đen đấy nhé, Phrét- đi bảo thế. Cũng may là anh đã mua được một bộ lễ phục hồi đi các mỏ ở Niu Cát-xân. Nhưng còn em, Cơ-rít? Em cần có cái áo gì mặc chứ?
Nàng đáp lại, hơi xẵng:
- Em cần một cái bếp hơi mới thì có.
Mấy tuần vừa qua đã làm cho Cơ-ri-xtin phờ phạc. Nàng đã mất đi đôi chút cái vẻ tươi tắn xưa nay vốn là nét đáng yêu ở nàng. Và đôi khi như trong lúc này, nàng có giọng nói nhát gừng, mệt mỏi.
Nhưng đến tối thứ năm, trên đường đến phố Hoàng hậu An, En- đru không khỏi nhận thấy Cơ-ri-xtin vô cùng dịu dàng, duyên dáng trong chiếc áo… ừ, đúng là chiếc áo trắng nàng đã mua để mặc trong bữa tiệc ở Niu Cát-xân, được sửa lại nên trông có vẻ mới hơn, sang hơn. Nàng cũng làm đầu kiểu mới, tóc ép sát vào đầu, ôm lấy vầng trán mai mái thành một vành tối sẫm. En- đru nhận thấy thế khi nàng thắt ca-vát cho anh. Anh định nói một câu khen nàng đẹp nhưng rồi quên khuấy đi mất, vì anh bỗng sợ hai người khéo lại đến muộn.
Thế nhưng hai người đến không muộn mà là sớm, sớm đến nỗi họ phải đứng lúng túng dễ đến ba phút Phrét- đi Hem-tơn mới ở trong nhà vui vẻ đi ra, hai tay giang rộng, vừa xin lỗi vừa chào hỏi họ liền một mạch. Hem-tơn nói anh ta vừa mới ở bệnh viện về, vợ anh ta cũng độ một giây nữa sẽ xuống chào, rồi anh ta rót rượu, vỗ vỗ vào lưng En- đru và mời họ ngồi. Hem-tơn béo ra so với buổi tuối hôm nào ở Ca- đip, ngấn thịt hồng hồng ở gáy là một dấu hiệu nặng nề cho thấy sự làm ăn phát đạt của anh ta, nhưng đôi mắt ti hí vẫn long lanh và mái tóc vàng bôi bi-ăng-tin bóng mượt vẫn không có một sợi tóc nào lòa xòa. Hem-tơn ăn mặc chải chuốt đến nỗi trông người anh ta thực sự bóng lên.
Hem-tơn nâng cốc:
- Không nói đùa chứ, gặp lại nhau thật vui mừng hết sức. Lần này thì phải giữ liên lạc với nhau luôn. Cậu thấy nhà mình thế nào? Mình đã chả bảo với cậu tối hôm ấy – chà một bữa tiệc mới đáng nhớ làm sao, chắc hôm nay sẽ khá hơn – là mình rồi sẽ phất là gì? Mình ở toàn bộ tòa nhà, chứ không phải vài ba buồng đâu. Mua năm ngoái. Tốn khá tiền, - Hem-tơn nắn lại ca-vát với vẻ mãn nguyện – Dĩ nhiên mình chẳng đi quảng cáo với ai là mình ăn nên làm ra, nhưng với cậu, ông bạn cũ của mình thì không sao.
Đồ đạc bày biện trong nhà cho thấy rõ một cuộc sống xa hoa: bàn ghế đóng theo kiểu hiện đại, nhẵn bóng, lò sưởi bề thế, rộng và sâu, một chiếc dương cầm tự động nhỏ, bên trên đặt một chiếc bình lớn màu trắng, cắm những bông hoa mộc giả làm bằng xà cừ.
En- đru sắp sửa tỏ lời thán phục thì vợ Hem-tơn bước ra: một người đàn bà cao, lạnh lùng, mái tóc đen rẽ giữa và ăn mặc khác hẳn Cơ-ri-xtin.
- Mình lại đây.
Phrét- đi Hem-tơn đon đả nói với vợ một cách âu yếm, thậm chí kính nể nữa, và vội đi rót cho vợ một cốc rượu nhọ Chị vợ vừa mới chểnh mảng xua tay từ chối cốc rượu thì người làm vào báo các tân khách khác đã tới: “ông Cha-lơ Ai-vơ-ri và vợ, bác sĩ Phon Phrít-men và vợ”. Tiếp đến là những lời giới thiệu với những tiếng cười và tiếng trò chuyện ồn ào giữa các cặp vợ chồng Ai-vơ-ri, Phrít-men và Hem-tơn. Sau đó, không phải là quá sớm, họ chuyền sang phòng ăn.
Đồ dùng ăn uống trên bàn cực kỳ sang trọng và tinh xảo, trông rất giống bộ đồ ăn uống rất đắt tiền cộng thêm cây đèn nến mà En- đru thấy bày trong tủ kính cửa hàng vàng bạc “Lây-bin và Ben” nổi tiếng tại phố Nhiếp chính. Thức ăn không thể nhận ra được thịt hay cá nhưng rất ngon. Lại có rượu sâm banh nữa. Uống được hai cốc, En- đru cảm thấy tự tin hơn. Anh bắt đầu nói chuyện với vợ Ai-vơ-ri, ngồi ở bên trái anh, một phụ nữ thon thả, mặc đồ đen với rất nhiều vàng bạc châu báu đeo quanh cổ, đôi mắt xanh to lồi lồi thỉnh thoảng lại nhìn sang En- đru với vẻ gần như con trẻ.
Chồng bà ta là Cha-lơ Ai-vơ-ri, nhà phẫu thuật. Bà ta bật cười khi nghe En- đru hỏi, bà ta nghĩ rằng ai mà chẳng biết Cha-lợ Hai vợ chồng Ai-vơ-ri ở phố Niu Ke-vân- đi-sơ, quá góc phố đây một tí thôi – cả toà nhà là của họ. Ở gần hai vợ chồng Phrét- đi thật rất thú vị. Cha-lơ, Phrét- đi và Pon Phrít-men là bạn rất thân với nhau, cùng có chân trong câu lạc bộ Xắc-vin. Bà ta ngạc nhiên khi En- đru thú nhận là anh chưa phải là hội viên câu lạc bộ này. Bà ta cứ tưởng ai cũng phải là hội viên câu lạc bộ Xắc-vin.
Khi bà Ai-vơ-ri không nói chuyện với En- đru nữa, anh quay sang vợ Phrít-men ngồi ở bên phải. Anh thấy vợ Phrít-men dịu dàng hơn, ân cần hơn, nước da tươi tắn hồng hào gần như nước da người phương Đông. En- đru cũng khích lệ bà này nói về chồng. Anh nhủ thầm: “Mình muốn biết về mấy gã này, họ giàu có sang trọng ghê quá”.
- Pon – vợ Phrít-men kể – là bác sĩ nội khoa. Hai vợ chồng có một căn nhà ở góc phố Ooóc-lân nhưng phòng khám bệnh của Pon lại ở phố Hai-lị Các khách bệnh của Pon thật tuyệt diệu – giọng bà ta thành thực quá, khó có thể là nói khoác – phần lớn là những người ở tại khách sạn Plađợ Ông hẳn biết khách sạn Plađơ chứ, một khách sạn đồ sộ nhìn ra công viên. Ô hay ông không biết sao, đến giờ ăn trưa thì phòng ăn Grin-run của nó chật ních những người tên tuổi, danh tiếng. Pon hầu như là bác sĩ chính thức của khách sạn này. Biết bao nhiêu là người Mỹ giàu có và các ngôi sao màn bạc – bà ta ngừng lời, mỉm cười – ôi chao, mọi người ai cũng đến khách sạn Plađơ, thật là tuyệt cho Pon.
En- đru có thiện cảm với vợ Phrít-men. En- đru cứ để cho bà này nói cho đến khi vợ Hem-tơn đứng lên thì En- đru mới đứng bật dậy, lịch sự kéo lùi ghế cho bà ta.
Khi các bà vợ đã chuyển sang phòng bên, Hem-tơn hỏi En- đru với vẻ thông thạo:
- Cậu hút xì gà chứ, Men-sân? Xì gà này khá lắm. Và mình khuyên cậu chớ bỏ qua thứ rượu lâu năm này. 1894 đấy. Không chê vào đâu được.
Với điếu xì gà đã châm lửa và chiếc cốc phình bụng đầy rượu trước mặt, En- đru nhích ghế lại gần mấy người kia. Đây chính là dịp mà anh đã thực sự ao ước, một buổi chuyện trò thân mật, sôi nổi, giữa những người cùng ngành y với nhau, hoàn toàn nói chuyện nghề nghiệp, không nói gì khác. En- đru hy vọng Hem-tơn và các bạn bè anh ta sẽ nói chuyện nhiều, và quả là họ có nói.
Hem-tơn nói:
- À này, hôm nay mình vừa mới đặt mua tại hiệu Glích-cớt loại đèn bức xạ mới ra đấy. Đắt ra trò, trên dưới tám mươi ghi-ni (#1) một ngọn. Nhưng cũng đáng đồng tiền.
- Đáng chứ. Nó đem lời về đáng với cái giá của nó. – Phrít-men trầm ngâm nói. Phrít-me người nhỏ nhắn, mắt đen, có bộ mặt khôn ngoan của người Do Thái.
Cầm xì gà ra tay, En- đru nói lên lập luận của mình:
- Các bạn ạ, tôi không đánh giá cao loại đèn này. Các bạn có đọc bài báo của Ép-bi trên tạp chí “Y học” về cái gọi là liệu pháp nhật quang không nhỉ? Các loại đèn bức xạ này hoàn toàn không cho ta tia hồng ngoại.
Hem-tơn giương mắt nhìn đăm đăm một giây lát rồi cười phá:
- Nhưng nó cho ta nhiều đồng ghi-ni ra phết. Hơn nữa, nó lại còn làm đen da khá nhiều.
Phrít-men nói chen vào:
- Cậu thế nào chứ, Phrét- đi, còn mình thì không chủ trương dùng các loại dụng cụ đắt tiền. Phải bỏ tiền ra trước rồi sau mới được lời. Với lai, nó lạc hậu rất nhanh, chẳng mấy chốc là không thịnh hành nữa. Thành thực mà nói, cậu ạ, không có gì hơn được cái bơm tiêm dưới da cổ lỗ mà lại giá trị.
- Chắc chắn là cậu dùng đến nó rồi. – Hem-tơn nói.
Ai-vơ-ri cũng góp chuyện. Ai-vơ-ri to béo, nhiều tuổi hơn mấy người kia, mày râu nhẵn nhụi, nước da tai tái, dáng điệu thoải mái của người lịch thiệp.
- Nhân đây mình kể một chuyện: hôm nay mình vừa mới thu tiền về một đợt tiêm. Mười hai mũi cả thảy. Chất man-gan ấy mà. Kể cho các cậu nghe cách mình làm nhé. Mình cho rằng làm như vậy ở thời buổi này là ăn tiền. Mình bảo bệnh nhân như sau: Này, ông là một nhà kinh doanh. Đợt tiêm này, ông sẽ phải trả tất cả là năm mươi ghi-nị Nếu ông bằng lòng trả tiền tôi ngay bây giờ để sau không phải trả nữa thì tôi chỉ tính ông có bốn mươi nhăm ghi-ni thôi. Thế là hắn viết ngân phiếu cho mình liền.
Hem-tơn chê trách:
- Chà, bợm thật. Mình tưởng cậu là nhà phẫu thuật cơ mà.
Ai-vơ-ri gật đầu:
- Thì đúng mình là một nhà phẫu thuật đấy chứ. Mai lại có một ca nạo thai ở Se-rinh-tơn.
- Lao động yêu đương uổng phí. – Phrít-men lẩm bẩm, lơ đãng với điếu xì gà trên môi. Rồi trở lại ý nghĩ ban đầu – Dù sao, cũng không có cách làm nào khác. Về cơ bản cũng khá lý thú. Đối với khách thuộc tầng lớp khá giả, cho thuốc uống dứt khoát là một cách điều trị lạc hậu. Ở khách sạn Plađơ nếu mình cấp… cấp thuốc bột om-ni-pân chẳng hạn thì không đáng giá một ghi-nị Nhưng nếu ta cũng cho thứ thuốc ấy mà tiêm dưới da – ta lau chỗ da sẽ tiêm rồi làm vô trùng dụng cụ và mọi động tác chuẩn bị lỉnh kỉnh khác thì người bệnh phải nghĩ ta nhất định là loại cha bố trên phương diện khoa học.
Hem-tơn cao giọng:
- Thật phúc cho nghề y là việc cho thuốc uống đã bị loại trừ ở khu Tây Luân Đôn. Lấy ví dụ trường hợp người bệnh của Ai-vơ-ri chẳng hạn. Giả sử cậu ấy cho man-gan, hay man-gan và sắt, loại thuốc chai cổ lỗ ấy mà, đối với người bệnh thì tác dụng không kém gì đâu, nhưng cậu ta có moi đến đâu cũng chỉ được ba ghi-nị Nhưng nếu cậu ấy chia liều thuốc ra làm mười hai ống tiêm, thì sẽ được năm mươi ghi-ni, xin lỗi, Cha-lơ ạ, tôi muốn nói là bốn mươi nhăm ghi-ni.
Phrít-men nhỏ nhẹ thêm vào:
- Trừ đi mười hai si-linh tiền ống tiêm.
En- đru thấy đầu choáng váng. Đây là một lý lẽ bác bỏ các loại thuốc chai mà anh lấy làm kinh ngạc trước khía cạnh mới mẻ của nó. Anh uống thêm một ngụm rượu để lấy lại bình tĩnh.
Phrít-men trầm ngâm tiếp lời:
- Còn một điểm khác nữa là bệnh nhân không biết những ống thuốc nho nhỏ ấy chẳng đáng giá bao nhiêu. Khi người bệnh nhìn thấy một dãy ống tiêm trên bàn là bà ta bất giác nghĩ thầm: “Chết chửa! Thế này thì khá tốn tiền đây”.
Hem-tơn nhấm nháy với En- đru:
- Các cậu có để ý gì không, khi nói về các bệnh nhân khá giả là Phrít-men thường gọi bằng “bà”! À này, Pon ạ, hôm kia mình vừa mới được nghe nói đến kế hoạch ấy. Đăm-mét định đứng ra lập một hội nếu cậu, Cha-lơ và mình bằng lòng gia nhập.
Trong mười phút sau, họ nói với nhau về chuyện săn bắn, đánh gôn – chơi tại nhiều bãi gôn đắt tiền ở ngoại ô Luân Đôn – chuyện xe hơi – Ai-vơ-ri đang đặt làm cho mình một chiếc xe Rếch mới loại ba lít rưỡi với kiểu vỏ xe riêng. Trong khi đó, En- đru ngồi lắng tai nghe, miệng hút xì gà và uống rượu. Cả mấy người đều uống khá nhiều rượu. Hơi chuyếch choáng, En- đru, cảm thấy những người bạn này đều là những người tử tế. Họ không gạt anh ra khỏi câu chuyện của họ mà bao giờ họ cũng cố gắng bằng một lời nói hay một ánh mắt làm cho anh cảm thấy anh cùng một bọn với họ. Họ đã phần nào làm cho En- đru quên rằng anh đã ăn bữa trưa hôm nay với cá mòi muối. Khi tất cả đứng dậy, Ai-vơ-ri vỗ vai En- đru:
- Mình sẽ phải gửi danh thiếp của mình đến cậu, Men-sân ạ. Thật rất vui nếu cùng với cậu hội chẩn một con bệnh vào một ngày nào đó…
Trở lại phòng khách, trái ngược hẳn, bầu không khí, có vẻ ngượng nghịu. Nhưng đang lúc Hem-tơn rất vui, bóng lộn hơn bao giờ hết, hai tay đút túi, quần áo sạch bong, anh ta bảo bây giờ hãy còn sớm, và tất cả phải ra hiệu Em-bớt-xi chơi hết tối nay.
Cơ-ri-xtin đưa mắt rụt rè nhìn sang En- đru:
- Tôi e rằng… chúng tôi phải về.
En- đru mỉm cười yêu đời:
- Hay chửa, em! Chúng mình không thể nghĩ đến chuyện bỏ bạn bè mà về được.
Ở hiệu Em-bớt-xi, Hem-tơn rõ ràng được rất trọng vọng. Hem-tơn cùng cả đoàn được người hầu bàn cúi đầu chào đón và tươi cười đưa đến một cái bàn cạnh tường. Lại rượu sâm banh, rồi khiêu vũ. Mấy tay này sống sướng thật – En- đru nghĩ thầm, đầu óc mụ mẫm và lònh thích cở mở, chan hoà.
- Ồ, họ… họ chơi một điệu nhạc hay ghệ Không biết Cơ-rít có thích nhảy không?
Sau cùng, trong chiếc xe tắc-xi trên đường về nhà, En- đru vui vẻ nói:
- Mấy đứa bạn này chúa đấy chứ! Một tối lý thú quá em nhỉ.
Cơ-ri-xtin đáp lại bằng giọng nhỏ nhẹ, từ tốn:
- Một tối khó chịu.
- Ơ kìa, sao?
- Em muốn bạn đồng nghiệp của anh là Đen-ni và Hốp, chứ không phải những kẻ hào nhoáng này…
En- đru cắt ngang:
- Ơ kìa em, có gì không bằng lòng nào?
Cơ-ri-xtin trả lời với một cơn giận lạnh lùng:
- Hừ! Anh không thấy được sao? Tất cả: cả bữa ăn, đồ đạc lẫn chuyện trò của họ… tiền, lúc nào cũng tiền. Chắc anh không thấy con mắt chị ta nhìn chiếc áo của em, em muốn nói chị vợ Hem-tơn ấy. Có thể cảm thấy như là chị ta đang tính chị ta tiêu cho một lần đi sửa sắc đẹp ở mỹ viện còn nhiều hơn em mua sắm quần áo trong cả một năm. Thật khá ngộ lúc ở phòng khách chị ta phát hiện ra em là con nhà tầm thường. Đương nhiên chị ta là con gái của Uýt-tơn rồi, Uýt-tơn chủ hãng uýt-ki ấy. Anh không thể tưởng tượng nổi câu chuyện trước khi anh vào nó thế nào đâu. Đúng là chuyện ngồi lê đối mách của giới thượng lưu: ai đi nghỉ cuối tuần với ai, cô thợ uốn tóc kể cho họ nghe được những chuyện gì, vụ phá thai mới nhất trong giới quý phái, không một câu nào tử tế, đứng đắn. Rồi, sao nữa! Chị ta còn nói chị ta thực sự “phải lòng” – đúng chữ chị ta dùng đấy – người chỉ huy dàn nhạc nhảy ở khách sạn Plađơ.
Cơ-ri-xtin chê trách bằng một giọng cay độc. Lầm tưởng đó là lòng ghen tị, En- đru lẩm bẩm:
- Anh sẽ kiếm ra tiền cho em, Cơ-rít ạ. Anh sẽ mua cho em thật nhiều quần áo đắt tiền.
Nàng sẵng giọng:
- Em không cần tiền, và em không thích quần áo đắt tiền.
- Ờ… em yêu quý – Loạng choạng say, En- đru giơ tay với nàng.
- Không! – Giọng nàng làm En- đru giật mình. – Anh En- đru, em yêu anh. Nhưng không yêu được khi anh say.
En- đru ngồi lùi lại vào góc, lúng túng, tức tối. Đây là lần đầu tiên từ trước đến nay Cơ-ri-xtin xua đuổi anh. Anh lầu bầu:
- Thôi được, cô mình… Nếu đã vậy.
En- đru trả tiền tắc-xi rồi đi trước vào nhà. Không nói một lời nào, anh lên gian phòng ngủ bỏ không vẫn dành cho khách. Sau cảnh xa hoa mà anh vừa sống qua, ở đây cái gì trông cũng tồi tàn, bệ rạc. Công-tắc đèn bật lên không được… dây điện trong cả ngôi nhà đã hỏng cả rồi. Quẳng mình xuống giường, En- đru nghĩ:
- Mẹ kiếp! Ta sẽ phải ra khỏi cái ổ này. Ta sẽ cho cô ấy mở mắt ra. Ta sẽ kiếm ra tiền. Không tiền phỏng làm được gì?
Từ ngày hai người lấy nhau đến nay, đây là lần đầu tiên họ ngủ riêng giường.
--------------
Chú thích:
(1-)Ghi-ni: đơn vị tiền tệ Anh bằng 21 si-linh.