Chương 24
Tác giả: Archibald Joseph Cronin
Xe lửa chậm mất nửa giờ, về đến ga thì đã gần nửa đêm. Suốt con đường ngược thung lũng, con tàu chạy ngược gió. Về đến E-bơ-re-lo, khi En- đru bước xuống sân ga thì cơn lốc thổi mạnh đến nỗi làm anh suýt ngã. Nhà ga vắng tanh. Hàng cây bạch dương non trồng ở cổng ga bị uốn cong như cánh cung, kêu rít lên và run rẩy với mỗi cơn gió giật. Trên trời, sao lung linh không bợn một vệt mây.
En- đru đi dọc phố Ga, ngực ưỡn ra phía trước. Gió tạp vào người làm anh cảm thấy tâm hồn sảng khoái. Say sưa với thắng lợi và với việc tiếp xúc với tầng lớp cao sang trong giới y học, tai còn văng vẳng những lời ca ngợi của Huân tước Ro-bớt Eùp-bi, En- đru rảo bước đâu cũng thấy chưa đủ nhanh để mau chóng về gặp Cơ-ri-xtin và sung sướng kể cho nàng nghe tấtt cả mọi chuyện. Bức điện của anh chắc đã báo cho nàng biết tin vui, song bây giờ anh muốn kể lại tỉ mỉ toàn bộ câu chuyện hào hứng này.
Khi rẽ vào phố Ten-gác, đầu chúi xuống, anh bỗng để ý thấy có tiếng chân người chạy. Người ấy đang từ phía sau anh chạy đến, bước chân nặng nề, tiếng giày nện trên hè đường bị chìm đi trong tiếng gió gào thét tưởng chừng như một bóng mạ En- đru bất giác dừng lại. Khi người kia đến gần, anh nhận ra là Phrăng Đây-vít, một người trong tổ cứu thương của lò số 3 đã theo học lớp cứu thương do anh giảng dạy mùa xuân năm ngoái. Đây-vít cũng đồng thời nhận ra En- đru.
- Tôi đang đi tìm bác sĩ. Đã toan chạy lại nhà bác sĩ. Gió làm đứt hết dây điện thoại – Một cơn gió cuốn đi mất những lời nói sau của anh ta.
En- đru hét to:
- Có chuyện gì thế?
- Sập lò số 3. - Đây-vít chụm tay nói sát vào tai En- đrụ – Một thợ lò bị vùi, gần như bị vùi kín. Hình như không kéo được anh ta ra. Xam Be-vân ấy mà. Anh ấy nằm trong danh sách của bác sĩ đấy. Bác sĩ đến cứu anh ấy nhanh lên.
En- đru đi cùng với Đây-vít được vài bước bỗng một ý nghĩ làm anh đứng dừng ngay lại. Anh gào vào tai Đây-vít:
- Tôi cần cái túi đồ cấp cứu. Anh chạy về nhà lấy hộ tôi. Tôi sẽ đến thẳng cửa lò số 3 – Rồi anh nói thêm – Này, Phrăng, anh bảo cho nhà tôi biết chỗ tôi đến nhé.
Đi tắt qua con đường sắt phụ rồi đi con hẻm Rốt xuôi theo chiều gió, bốn phút sau En- đru đã tới cửa lò số 3. Ông phó giám đốc khu mỏ cùng với ba thợ mỏ đang đợi anh ở phòng cấp cứu. Thấy En- đru đến, vẻ lo lắng của ông phó giám đốc vơi bớt đôi chút.
- Rất mừng là bác sĩ đã đến. Cơn bão làm cho chúng tôi tan hoang cả. Lại cộng thêm một số vụ sập lò tai hại nữa. May mà không có ai chết, nhưng có một thợ mỏ bị mắc kẹt một cánh taỵ Không xê dịch cậu ta đi được một ly nào. mà mái lò thì đã ruỗng.
Tốp người cùng đến chỗ đầu tời ở miệng lò, hai người khiêng một cái cáng cuộn lại với mấy cái nẹp, người thứ ba mang chiếc hòm gỗ đựng đồ cấp cứu. Khi họ bước vào buồng thang xuống lò thì có một bóng người nữa chạy đến. Đó là Đây-vít hổn ha hổn hển với cái túi y tế.
Đây-vít nói không ra hơi, chỉ gật gật đầu. Một tiếng kêu đánh cạch một cái, im lặng một lát rồi buồng thang hạ vút xuống, chạm đến đáy giếng. Mọi người ra khỏi buồng thang và đi hàng một, đi đầu là ông phó giám đốc mỏ rồi đến En- đru, Đây-vít tay vẫn xách túi y tế, và ba thợ mỏ kia.
Trước đây, En- đru đã từng xuống lò. Anh đã quen với những vòm hang cao rộng ở Blây-nen-li, những vòm hang đen kịt âm vang, tít sâu trong lòng đất nơi người ta đào khoét các vỉa sắt để lấy quặng. Nhưng lò than số 3 này là một cái lò cũ, có một đoạn lò vận chuyển dài ngòng ngoèo dẫn đến lò chợ. Đường lò chở than không phải là một cái hành lang mà chỉ là một hang thấp lè tè, nhớp nháp, nước chảy nhỏ giọt, phải bò mất gần nửa dặm, nhiều khi phải bò bằng tay và đầu gối. Bỗng cái đèn mà ông phó giám đốc mỏ cầm ở tay đứng sững ngay lại trước mặt En- đru, anh biết là đã tới nơi.
Từ từ, En- đru trườn mình lên phía trước. Có ba người, bụng áp sát xuống đất ở một đầu hang cụt, đang ra sức làm hồi tỉnh một thợ mỏ nằm không ra một kiểu gì, người nghiêng về một bên, một bên vai nhô ra phía sau như thể bị chìm lẫn vào trong đám đất đá sụt xuống ở xung quanh. Dụng cụ để bừa bãi đằng sau mấy người thợ mỏ cùng với hai chiếc sô lật sấp và những chiếc áo khoác ngoài mà họ vừa mới cởi ra. Ông phó giám đốc hỏi khe khẽ:
- Thế nào, các cậu?
- Không làm cách nào xê dịch anh ấy được. Chúng tôi đã thử hết cách rồi. – Người thợ mỏ nói ra câu ấy quay bộ mặt đẫm mồ hôi lại.
Ông phó giám đốc liếc vội lên nóc lò, nói:
- Đừng thử nữa. Bác sĩ đến đây này. Các cậu lùi lại một chút để lấy chỗ cho chúng tôi nào. Tôi là các cậu thì tôi lùi ra thật xa.
Ba người thợ mỏ rút ra khỏi chỗ lò cụt. Đợi họ lách qua anh đi rồi, En- đru nhích người lên. trong giây phút lóe lên trong óc anh những ký ức về cuộc thi vừa qua với những tiến bộ của ngành sinh hóa, những thuật ngữ rõ kêu và những công thức khoa học. Nhưng cuộc thi ấy đã không đề cập đến những tình huống như thế này.
Xam Be-vân rất tỉnh nhưng nét mặt phờ phạc, hốc hác dưới lớp bụi. Anh ta yếu ớt nhếch miệng cười với En- đru.
- Đây có lẽ cũng là một dịp để thực tập cấp cứu nhỉ! - Be-vân cũng là một người theo học lớp cấp cứu của En- đru và đã nhiều lần được gọi ra thực hàng băng bó.
En- đru nhích lại gần. Dưới ánh sáng chiếc đèn của ông phó giám đốc chiếu qua vai anh, En- đru đưa tay sờ nắn người bị thương. Toàn bộ thân thể Be-vân không việc gì, trừ có cánh tay trái bị vùi dưới đống đất đá sụt lở, bị sức nặng của cả đống đất đá khổng lồ ấy đè chặt lên trên khiến Be-vân bị mắc kẹt ở đấy không tài nào xê dịch được.
En- đru thấy ngay cách duy nhất để cứu Be-vân là phải cưa bỏ cánh taỵ Căng đôi mắt nhăn nhó vì đau đớn, Be-vân đã đọc được ý nghĩ đó đúng vào lúc En- đru quyết định. Anh ta nói khe khẽ:
- Bác sĩ cứ tiến hành. Cốt làm sao nhanh chóng đưa được tôi ra khỏi đây là được.
- Đừng lo, anh Xam ạ. Tôi sẽ làm cho anh ngủ thiếp đi bây giờ. Khi tỉnh dậy thì anh đã nằm lên giường rồi.
Nằm dài trong vũng bùn, ở một đường hầm cao có hai bộ, En- đru cởi bỏ áo ngoài rồi gấp lại đút xuống dưới đầu Be-vân. Anh xắn tay áo lên và hỏi túi đồ cứu thương.
Ông phó giám đốc vừa đưa túi đồ cấp cứu cho En- đru vừa thì thào vào tai anh:
- Lạy Chúa, nhanh tay lên, bác sĩ ạ. Mái lò này sẽ sụt xuống đầu chúng ta ngay bây giờ, không để cho chúng ta kịp lên tiếng nào đâu.
En- đru mở túi cứu thương. Anh ngửi ngay thấy mùi clô-rô-phoóc. Chưa cho tay vào trong miệng túi tối đen để sờ thấy miệng lọ vỡ nham nhở, En- đru đã hiểu ngay là xảy ra điều gì rồi: trong lúc chạy vội vã ra khu mỏ, Phrăng Đây-vít đã đánh rơi túi cứu thương. Lọ clô-rô-phoóc bị vỡ và thuốc đổ hết ra ngoài. En- đru rùng mình. Anh không còn thời gian bảo người lên mặt đất lấy thuốc khác, mà ở đây thì anh không còn giọt thuốc gây mê nào nữa.
En- đru đờ người ra có lẽ đến khoảng ba mươi giây. Rồi như cái máy, anh tìm ống tiêm dưới da, lấy thuốc tiêm cho Be-vân một liều moóc-phin tối đạ Anh không thể đợi đến lúc thuốc tác hiệu đầy đủ. Nghiêng miệng túi để tay dễ lấy dụng cụ, anh lại cúi đầu xuống Be-vân, vừa nói vừa buộc chặt ga-rô.
- Nhắm mắt lại, Xam!
Aùnh sáng leo lét và bóng người di động nhấp nháy. Khi mũi dao đần tiên ấn vào thịt, Be-vân khẽ rên lên một tiếng nữa. May thay, đến khi mũi dao chạm đến xương thì Be-vân đã mê đi rồi.
Trán En- đru đẫm mồ hôi khi chiếc kẹp động mạch của anh kẹp vào mảng thịt nát bét tứa máu. En- đru không nhìn thấy những động tác của mình. Nằm dài giữa vũng bùn trong cái hang chuột sâu tít trong lòng đất này, anh cảm thấy ngạt thở. Không thuốc mê, không bàn mổ, không có hàng dãy y tá đứng phụ. Mà anh lại không phải là một bác sĩ ngoại khoa. En- đru mò mẫm một cách tuyệt vọng. Anh sẽ không bao giờ mổ xong được – anh nghĩ – mái hầm sẽ sụt xuống đầu họ cả mất thôi.
Đằng sau En- đru là hơi thở dồn dập của ông phó giám đốc… Những giọt nước mát lạnh giá rơi chầm chậm vào cổ anh… Ngón tay anh làm việc ráo riết, dính đầy máu và nóng lên… Tiếng cưa kêu kèn kẹt… Tiếng Huân tước Ro-bớt Eùp-bi văng vẳng xa xa: “Cơ hội để thực hành phương pháp khoa học…” Trời ơi! Liệu có bao giờ xong được không?
Xong rồi! En- đru suýt nữa nấc lên vì thấy nhẹ hẳn người. Anh lấy một miếng gạc đắp vào đoạn tay cụt đẫm máu, loạng choạng nhỏm người lên trên đầu gối, En- đru bảo: “Đưa anh ta ra”.
Cách chỗ cũ năm mươi thước, ở một đoạn đường chở than rộng ra, có đủ không gian để đứng thẳng người và chiếu bốn ngọn đèn xung quanh, En- đru hoàn thành nốt ca mổ. Ở đây làm có dễ dàng hơn. Anh lau sạch vết thương, thắt các mạch máu lại và đổ thuốc sát trùng vào. Sau đó, anh đặt ống hút rồi khâu vài mũi. Be-vân vẫn bất tỉnh. Nhưng mạch đập của anh ta vẫn đều, tuy có yếu. En- đru lấy tay vuốt trán. Hoàn thàng rồi!
- Khiêng càng nhẹ nhàng nhé. Đắp chăn kín xung quanh anh tạ Lên đến mặt đất là cần có ngay chai nước nóng ủ ấm.
Đi chầm chậm, cúi gập người làm đôi ở những chỗ thấp, đoàn người bắt đầu vòng vào lò vận chuyển để lên phía trên. Họ đi chưa được sáu mươi bước thì vọng lại từ khoảng không đen kịt đằng sau họ một tiếng ầm ầm đùng đục, giống như tiếng ì ầm nghèn nghẹt cuối cùng của con tàu khi chạy vào đường hầm. Ông phó giám đốc mỏ không quay mặt lại. Ông chỉ nói với En- đru bằng một giọng điềm tĩnh, buồn thảm:
- Xong rồi đấy, chỗ mái lò còn lại.
Chặng đường đi lên mặt đất mất gần một giờ. Ở những đoạn khó đi, họ phải cầm nghiêng cáng. En- đru không tính được anh đã ở trong lòng đất bao nhiêu lâu. Nhưng cuối cùng họ cũng tới được đáy giếng.
Họ lên dần, lên dần khỏi vực thẳm. Gió quật mạnh vào người khi họ Ở buồng thang bước ra. En- đru hít một hơi thở dài, sảng khoái.
En- đru đứng ở chân bậc thang, dựa vào hàng tay vịn. Trời vẫn còn tối, nhưng ở sân mỏ đã treo một ngọn đèn khí mỏ lớn, ngọn lửa nhảy nhót ríu rít. Xung quanh ngọn đèn, En- đru thấy có một tốp người đứng đợi, trong đó có những phụ nữ đầu trùm khăn.
Khi chiếc cáng được khiêng chầm chậm qua đám người đó, En- đru bỗng nghe có tiếng hớt hải gọi tên anh, rồi loáng một cái, hai cánh tay của Cơ-ri-xtin đã quàng vào cổ anh. Nàng níu chặt lấy anh, người rung lên nức nở. Đầu không khăn, chỉ mặc có một chiếc áo khoác phủ ra ngoài bộ đồ ngủ, chân trần sỏ trong đôi giầy da, nàng như một kẻ đi ăn xin giữa đêm tối với tiếng gió gào thét.
- Sao em? – En- đru hỏi, sững sờ, cố gỡ tay nàng ra để nhìn mặt nàng.
Nhưng nàng không buông anh. Điên dại bíu chặt lấy anh như một người sắp chết đuối, nàng nghẹn ngào:
- Người ta bảo lò sụt mất rồi… anh… anh không ra được nữa.
Người nàng tím ngắt, hai hàm răng va lập cập vào nhau vì rét. Đưa nàng lại bên lò sưởi ở phòng cứu thương, En- đru ngượng nghịu vô cùng xúc động. Có ca-cao nóng trong phòng. Hai người cùng uống một tách ca-cao nóng bỏng. Mãi sau họ mới nhớ đến danh hiệu cao quý mới của En- đru.