Chương 39
Tác giả: Archibald Joseph Cronin
Ngày mười bốn tháng sau, En- đru bắt đầu đến nhận việc tại khoa điều trị ngoại trú của bệnh viện phổi Vích-to-ti- Ợ Hàng tuần, anh làm việc vào ngày thứ ba và ngày thứ năm, từ ba đến năm giờ chiều. Giống như hệt hồi ở trạm xá E-bơ-re-lo trước kia, duy có điều bây giờ người bệnh của anh chỉ toàn là những người bị bệnh phổi hay phế quản. Và cố nhiên, bây giờ anh không còn là một bác sĩ phụ tá mà là một bác sĩ chính thức làm việc theo chế độ danh dự không ăn lương tại một trong những bệnh viện lâu đời nhất và nổi tiếng nhất ở Luân Đôn, và đó là niềm tự hào to lớn và thầm kín của anh.
Bệnh viện Vích-to-ti- Ơ quả là một bệnh viện rất lâu đời. Nằm ở Bét-tơ-xi giữa một mạng lưới những đường phố nhỏ hẹp sát cạnh sông Temđơ, nó họa. hoằn mới nhận được một tia nắng, ngay cả trong mùa hè. Còn đến mùa đông thì các ban công của nó nơi người ta định đẩy giường bệnh ra để hứng nắng, thì thường chìm trong một màn sương mù từ mặt sông bốc lên. Mặt trước toà nhà, ảm đạm và đổ nát, treo một tấm biển nền trắng chữ đỏ đề: BỆNH VIỆN VÍCH-TO-RI-Ơ SẮP ĐỔ – một điều quá thừa vì ai mà chẳng thấy rõ.
Khoa ngoại trú, nơi En- đru làm việc, phần nào là một di vật của thế kỷ 18. Bác sĩ Lin-tơn Hót-gi đã từng làm bác sĩ danh dự tại khoa này từ 1761 đến 1793, cho nên cái chày và cái cối mà Hót-gi đã dùng được kiêu hãnh chưng bày trong một chiếc hộp kính đặt ở phòng ra vào. Tường nhà không ốp gạch men mà lại sơn một màu nâu sẫm đặc biệt, hành lang thì gồ ghề khấp khểnh tuy hết sức sạch sẽ, và bì gió đến nỗi tường đổ mồ hôi và trong tất cả các gian phòng chỗ nào cũng có cái mùi mốc meo vốn có của những nơi cổ lỗ.
Ngày đầu tiên, En- đru đi thăm các phòng cùng với bác sĩ trưởng khoa Iu-xtớt Thơ-rơ-gút. Thơ-rơ-gút khoảng năm mươi tuổi, tính tình vui vẻ, cẩn thẩn, vóc người thấp dưới tầm trung bình nhiều; ông có bộ râu chòm nho nhỏ xam xám, cử chỉ dịu dàng, khá giống một người quản lý nhà chung dễ dãi. Ông có những phòng bệnh nhân mà ông phụ trách riêng, và theo cách tổ chức hiện nay rập theo cái truyền thống cũ kỹ mà ông rất chú trọng giữ gìn và am hiểu tinh tường thì ông “chịu trách nhiệm” về En- đru và một bác sĩ trẻ tuổi khác tên là Mi-li-gân.
Sau khi đi khám bệnh viện xong, bác sĩ Thơ-rơ-gút đưa En- đru đến một gian phòng dài ở tầng hầm được dùng làm phòng nghỉ chung, ở đó tuy chưa quá bốn giờ chiều mà đã phải thắp đèn. Một ngọn lửa hồng bập bùng trong lò sưởi và trên tường sơn giả màu vải có treo chân dung của những người thầy thuốc ưu tú đã từng phục vụ tại bệnh viện. Bác sĩ Lin-tơn Hót-gi, rất bệ vệ với bộ tóc giả, được treo ở vị trí danh dự phía trên lò sưởi. Gian phòng này tượng trưng đầy đủ cho một quá khứ dài và đáng kính, và nhìn vào hai cánh mũi nở ra một cách tế nhị của ông, người ta biết ngay bác sĩ Thơ-rơ-gút yêu quý gian phòng ấy như con đẻ của mình tuy ông vẫn còn là trai chưa vợ và có dáng dấp một người quản lý nhà chung.
Hai người ngồi uống trà vui vẻ và ăn nhiều bánh mì nướng phết bơ nóng ròn cùng với các bác sĩ khác. En- đru thấy các thầy thuốc của bệnh viện này là những chàng trai trẻ rất đáng mến. Tuy nhiên, khi để ý đến thái độ tôn trọng của họ đối với bác sĩ Thơ-rơ-gút và bản thân anh, En- đru không khỏi mỉm cười nghĩ đến những lần đấu khẩu với những “thằng nhãi láo xược” khác cách đây không lâu thường nổ ra trong những lần anh đấu tranh cho bệnh nhân của anh được vào nằm viện.
En- đru quên hẳn Thơ-rơ-gút khi bắt tay vào công việc của mình. Anh tự nhủ, được tiếp tục làm việc sau bao nhiêu năm tháng chờ đợi thật là tuyệt diệu. Ban đầu, En- đru có vẻ đã hoàn toàn lấy lại được sự hăm hở và nhiệt tình xưa kia.
Việc nghiên cứu của anh trước đây về các thương tổn lao do nhiễm bụi đã tất yếu đưa anh đến chỗ nghiên cứu bệnh lao phổi nói chung. Anh dự định chung chung rằng, cùng với sự thử Piếc-kê, anh sẽ đi tìm những dấu hiệu đầu tiên thể hiện ra ngoài cơ thể của chỗ thương tổn ban đầu. Anh có rất nhiều tài liệu để nghiên cứu: đó là những trẻ em thiếu dinh dưỡng mà mẹ chúng dẫn đến mong nhận được chút ít mạch nha nhờ sự hào phóng nổi tiếng của bác sĩ Thơ-rơ-gút.
Tuy nhiên, dù En- đru đã cố ép mình, song tâm trí anh bây giờ không tập trung nổi vào công việc. Anh không thể khôi phục lại nhiệt tình tự phát như hồi anh nghiên cứu bệnh nhiễm bụi. Anh có quá nhiều việc phải bận tâm, có quá nhiều ca quan trọng trong đám khách bệnh của anh đến nỗi anh không thể tập trung tâm trí tìm kiếm những dấu hiệi lờ mờ, thậm chí có thể là không có cũng nên. Không ai biết rõ bằng En- đru khám cẩn thận một người bệnh mất thời giờ đến nhường nào. Mà anh thì bao giờ cũng vội vã. Đây là một lý lẽ không thể bác bỏ được. Chẳng mấy chốc, anh rơi vào một thái độ rất hợp lý là xét hoàn cảnh anh hiện nay, anh không thể nghiên cứu được nữa.
Những người khốn khổ đến phòng thuốc của anh ở bệnh viện không đòi hỏi gì nhiều ở anh. Người đảm nhiệm công việc này trước anh hình như là một tay hay nạt nộ, cho nên miễn là En- đru ghi đơn rộng rãi và thỉnh thoảng nói đùa một hai câu là anh không bao giờ sợ bị kêu cạ En- đru cũng rất ăn ý với bác sĩ Mi-li-gân, người đồng nghiệp cùng khoa với anh, và chẳng bao lâu anh cũng đi theo phương pháp của Mi-li-gân đối với các bệnh nhân thường xuyên. En- đru gọi tất cả lại, bảo họ ngồi cả vào một cái ghế dài trước bàn giấy lúc bắt đầu buổi khám rồi ghi đơn cấp thuốc và ký tên nhoáng nhoàng vào y bạ của họ. Lúc anh ghi mấy chữ “theo đơn cũ”, anh cũng không có thì giờ nhớ lại trước đây anh đã chế riễu công thức cổ điển ấy đến thế nào. Đúng là En- đru đang trên con đường trở thành một bác sĩ điều trị đáng phục.