Chương 61
Tác giả: Bùi Ngọc Tấn
Khi đi qua cây vả mọc bên suối, nhìn thấy cái ao cá đầu tiên loá nắng, hắn khựng lại. Đã tới nơi. Đây là cái ao thấp nhất. Cái ao cuối cùng. Nhưng từ phía này đi lại nó là cái ao đầu tiên.
Xin đi làm không được. Nắng mới lên, không ai hút thuốc cuộn nữa, hắn theo người ta vào rừng lấy lá găng. Một thứ lá nhỏ vò ra, lọc, để đông lại, làm thạch. Cái thời ở QN hắn đã được ăn thạch găng mấy lần, của Cương, toán lâm sản, lấy ở rừng về, và của Giang chác được. Hắn cùng mấy người chặt cành gàng, để héo và đập đập cho lá rụng rồi cho vào bao. Vất vả lắm. Lá khô, lồng cồng một bao chẳng được mấy tý. Nhưng có việc gì không vất vả? ăn ngủ tại ngoài ấy, nhờ người quen của một người cùng đi. Thế rồi qua trò chuyện hắn biết hắn đang ở gần QN, rất gần ao cá, những cái ao cá nổi tiếng cả một vùng. Khi mọi người chở lá găng về thành phố, hắn vào rừng. Hắn nhận ra phương hướng bằng mỏm rừng cao nhất, nơi Sáng đã trốn mấy lần và bị bắt trở lại. Hắn đi. Một mình hắn đi ngược sâu nữa vào rừng. Như có một ma lực, không sao cưỡng được. Hắn muốn vào trại cá gặp lại Cần. Hắn muốn vào vườn trong. Vào đấy thôi, chứ chẳng ra khu vườn ngoài làm gì. Rồi hắn lại nghĩ: Thôi, gặp lại Cần, nhìn trại cá một tý là đủ... Cũng chẳng thích thú gì trở lại nơi mình vừa bị đày đoạ (Chỉ tới trại cá xem Cần đã được ra chưa? Thế thôi). Đó là chưa kể ra vườn trong có thể gặp lại các ông bà cán bộ. Chỉ nguyên chuyện xưng hô thôi đã khó rồi. Gọi họ là ông là bà thì hắn không muốn. Mà gọi là anh là chị nghe có vẻ thế nào, cứ như một kiểu qua sông đấm b. vào sóng. Hắn đã nhìn thấy trại cá. Nhìn thấy cái lều của Cần. Vẫn là rừng rậm ấy. Thăm thẳm. Xanh đen. Những dây leo gốc đẫy một vòng tay, lá to như cái nón với những đốt dài đầy lông măng nhoai ra hung dừ, hăm doạ, khiến hắn có cảm giác nếu Sáng trốn tù mà leo lên cây cao, đứng im trên ấy chỉ một ngày thôi là sẽ bị dây leó quấn chết, những dây leo vươn lên cao mãi, ngọn nọ xoắn bện vào ngọn kia, đổ xuống phủ thành một tấm thảm dày trên tán lá, rủ xuống bìa rừng, tưởng chừng một con chim không thể hạ cánh. Vẫn tiếng nước rỉ rách tràn từ ao nọ xuống ao kia như tiếng suối. Hắn bước đến gần và gọi to:
- Anh Cần ơi! Anh Cần ơi! Hú.
Tiếng hú đập vào rừng sâu, vọng lại từng đợt từ gần đến xa.
Một người bước ra. Quần áo xám, số chắn, cao gầy, cổ ngẳng lộ hầu, má hóp, nét mặt đau khổ và cam chịu..
Hai người nhìn nhau trân trân và cùng ngạc nhiên như nhau..
- Ông hỏi anh Cần ạ?
Người ấy lễ phép hỏi hắn. Đúng là kiểu cách của những người tù, kiểu cách của hắn mấy năm trước.
- Anh Cần được tha rồi, hả anh?
- Báo cáo ông, anh Cần được tha tháng trước ạ.
Hắn không giấu được mừng vui, vì điều hắn mong đợi đã thành sự thật. Hắn nói to ý nghĩ: Thế là cuối cùng anh ấy cũng được tự do. Anh ấy tù đến bây giờ là hai mươi nhăm năm.
Người ấy chắp hai tay vào nhau kính cẩn:
- Ông là người nhà anh Cần?
- Đừng gọi tôi là ông. Tôi cũng tù ở đây.
- Ông... Anh được tha lâu chưa?
- Tôi được tha hơn hai năm rồi. Nhưng tha ở trại khác. Trại VQ.
- Anh với anh Cần...
- Tôi là bạn tù với anh ấy.
Người tù khe khẽ:
- Thế thì... Anh ấy chết rồi.
Như bị đánh mạnh vào sọ, hắn đứng lặng một lúc, rồi ngơ ngác:
- Sao? Anh Cần được tha rồi cơ mà.
- Vâng. Anh ấy đã có lệnh tha, nhưng chưa ra khỏi trại.
Lại càng không hiểu ra sao nữa. Hắn đứng ngây ngô, nhìn anh tù như muốn nuốt chửng anh ta.
- Anh ấy tự tử chết.
- Có lệnh tha mà lại tự tử. Anh nói sao, tôi không hiểu?
- Lệnh tha đưa anh ấy sáng hôm trước. Mọi người tưởng anh ấy đã ra ngoài xã hội. Thì hôm sau một anh lâm sản thấy anh ấy treo cổ lủng lẳng trong rừng, chết cứng từ bao giờ.
Thật khủng khiếp. Không thể nào tin được. Hắn bàng hoàng:
- Chuyện anh ấy tự tử giữ kín lắm, nhưng rồi ai cũng biết.
- Anh ấy chôn ở đâu?
- Khu Gò-Thằng-Công.
Lại khu Gò-Thằng-Công. Lại một cái mả mới cạnh mả Lỷ Xìn Cắm. Anh ấy là người tự do rồi. Sao vẫn chôn ở đấy?
Có tiếng tắc kè rúc ở đâu đó. Hắn ngẩng lên nhìn mái nhà. Mấy con sóc nhồi bông đã biến mất. Đó là tiếng kêu của con tắc kè Cần nuôi vẫn nhớ ánh, gợi anh hay con tắc kè hoang dã. Hắn hỏi:
- Con tắc kè còn không?
- Con tắc kè nào?
- Còn con cá chép?
Anh tù càng không hiểu. Hắn đứng lên vớ lấy cái xoong nhôm và cái đũa, mang ra cầu ao gõ gõ... Anh tù chợt kêu lên:
- Con cá chép đưa về bếp cán bộ rồi.
Lại một bất ngờ nữa. Anh tù giải thích:
- Anh Cần chết. Tôi ra thay. Mấy hôm liền nó cứ nổi lên bơi dọc ao, rồi há mồm ngớp ngớp ở chỗ cầu rửa này. Trông như một thằng bé con. Ông quản giáo thấy nó. Ông ấy rút súng bắn. Máu đỏ ao. Con cá to thật đấy. Dài gần quết đất, hai người khiêng mới nổi.
Hắn dường như không nói được nữa. Họ đi vào nhà. Mãi sau hắn mới hỏi:
- Anh bọp hay án”
- Tôi án bốn năm. Giam cứu một năm. Lên đây hai năm, còn một năm nữa thôi. Liệu có được giảm không? Tội tôi khó giảm lắm. Tôi biết.
- Anh mắc tội gì?
- Tôi chỉ là đuôi vụ thôi. Đầu vụ lĩnh án tử hình. Thằng Cảnh ăn cắp gạo. Tôi chỉ tiêu thụ cho nó một ít. Nào tôi đâu có biết nó đánh chìm cả một thuyền gạo để phi tang...
Hắn vét túi đưa cho anh tù tất cả số thuốc cuộn còn lại, chào anh, rồi ngược trở ra, vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của Cần. Cần chết khi được tự do. Vì sao? Nó làm anh choáng ngợp. Nó làm gia đình anh phải đau khổ lần nữa? Nó ném anh vào một thế giới khác lạ, không phải của anh mà anh đã từ bỏ được trong mấy chục năm qua? Nó làm anh phải xa rời thế giới đích thực của anh, cuộc sống cây cỏ rừng sâu của anh? Hay đơn giản chỉ là anh thấy mình không cần sống nữa? Sống thế đủ rồi. Đến đây là giới hạn, là đã trả xong món nợ đời, chết được rồi.
Không dám nói với Ngọc chuyện kinh hoàng ấy, hắn thu thập tiền nong bán lá găng, định đi chuyến nữa, thì ông Thưởng, trưởng phòng lao động đến. Lại một đệ tử đèo ông, và khi ông lên gác gặp hắn. Anh ta vui vẻ ngồi chờ ông ở cổng với cái xe đạp. Ông Thưởng ôm lấy hắn:
- Cuộc đời là thế đấy. Ai cũng hiểu anh bị oan khuất, nhưng có ai dám cứu anh ngoài ông Hoàng? Tôi cũng là một thằng hèn. Tôi thật lòng muốn giúp đỡ anh, nhưng bị chúng nó bao vây. Thằng Khuổng không nói làm gì. Đây là chủ trương của ông Trần, của lãnh đạo thành phố. Không thể vi phạm nguyên tắc. Tôi không thể cấp giấy cho anh khi không có giấy tiểu khu. Tôi biết anh chẳng oán trách gì tôi. Anh thông cảm với tôi điều ấy. Nhưng chỉ mình tôi biết tôi có lỗi với anh. Chỉ tôi biết rằng tôi vẫn có thể giúp được anh mà tôi sợ.
Ông rút trong túi áo ngực ra một tờ giấy in theo mẫu, ông đã viết vào đó những dòng chữ cần thiết, ký tên đóng dấu. Tờ giấy phòng lao động khu phố giới thiệu hắn đi lao động ở xí nghiệp đánh cá. Tờ giấy mà hắn không dám nghĩ tới nữa. Hắn cầm tờ giấy, không tin ở mắt mình. Hắn nhìn ông Thưởng. Ông Thưởng nói như giải thích cho hắn:
- Tôi biết thằng Khuổng làm theo lệnh ông Trần. Hẳn anh cũng biết như vậy. Nhưng tôi giới thiệu anh đi lao động. Không có giấy tiểu khu tôi vẫn cứ ký cho anh. Tôi không ký cho anh đi ăn trộm, ăn cắp. Tôi ký giấy cho anh đi lao động.
Ông nói to, giọng khẳng định như đang nói với ai đó. Đúng là không phải ông chỉ nói với hắn. Ông còn nói với một người vô hình nào nữa cũng đang có mặt ở đây ông nhấn mạnh mấy tiếng đi lao động, rồi nói tiếp với giọng gay gắt như thách thức người vô hình đang đứng trước mặt ông:
- Kỷ luật tôi thì kỷ luật. Tôi không sợ. Tôi không ký giấy cho người ta đi ăn trộm ăn cắp. Tôi ký giấy cho người ta đi lao động. Người ta có quyền lao động.
Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên ông nói điều này với người vô hình. Ông đã rất nhiều lần lẩm nhẩm một mình, tranh cãi với người vô hình toàn năng đang im lặng buộc tội ông trước khi ông ký giấy cho hắn. Và dù đưa giấy cho hắn rồi, sự việc đã xong rồi, ông lại càng phải nói, phải trình bày rằng mình vô tội vì người vô hình càng lừng lững trước mạt ông, mím môi nghiêm khác, giận dữ nhìn ông. Hắn hiểu rằng ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại sau lưng. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám như ông vùng lên chống lại vì cái giá phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng. Vẫn cầm tờ giấy trên tay, hắn im lặng nhìn ông. Rồi vội quay đi. Không giữ được rồi. Hai giọt nước mắt tròn to đã bị mi mắt hắn kẹp vỡ.
Ngã Sáu. Bắt đầu viết tháng 6-1990
Xong tối thứ bảy 30-11-1991
Xem lại lần cuối 8-1998
Khi đi qua cây vả mọc bên suối, nhìn thấy cái ao cá đầu tiên loá nắng, hắn khựng lại. Đã tới nơi. Đây là cái ao thấp nhất. Cái ao cuối cùng. Nhưng từ phía này đi lại nó là cái ao đầu tiên.
Xin đi làm không được. Nắng mới lên, không ai hút thuốc cuộn nữa, hắn theo người ta vào rừng lấy lá găng. Một thứ lá nhỏ vò ra, lọc, để đông lại, làm thạch. Cái thời ở QN hắn đã được ăn thạch găng mấy lần, của Cương, toán lâm sản, lấy ở rừng về, và của Giang chác được. Hắn cùng mấy người chặt cành gàng, để héo và đập đập cho lá rụng rồi cho vào bao. Vất vả lắm. Lá khô, lồng cồng một bao chẳng được mấy tý. Nhưng có việc gì không vất vả? ăn ngủ tại ngoài ấy, nhờ người quen của một người cùng đi. Thế rồi qua trò chuyện hắn biết hắn đang ở gần QN, rất gần ao cá, những cái ao cá nổi tiếng cả một vùng. Khi mọi người chở lá găng về thành phố, hắn vào rừng. Hắn nhận ra phương hướng bằng mỏm rừng cao nhất, nơi Sáng đã trốn mấy lần và bị bắt trở lại. Hắn đi. Một mình hắn đi ngược sâu nữa vào rừng. Như có một ma lực, không sao cưỡng được. Hắn muốn vào trại cá gặp lại Cần. Hắn muốn vào vườn trong. Vào đấy thôi, chứ chẳng ra khu vườn ngoài làm gì. Rồi hắn lại nghĩ: Thôi, gặp lại Cần, nhìn trại cá một tý là đủ... Cũng chẳng thích thú gì trở lại nơi mình vừa bị đày đoạ (Chỉ tới trại cá xem Cần đã được ra chưa? Thế thôi). Đó là chưa kể ra vườn trong có thể gặp lại các ông bà cán bộ. Chỉ nguyên chuyện xưng hô thôi đã khó rồi. Gọi họ là ông là bà thì hắn không muốn. Mà gọi là anh là chị nghe có vẻ thế nào, cứ như một kiểu qua sông đấm b. vào sóng. Hắn đã nhìn thấy trại cá. Nhìn thấy cái lều của Cần. Vẫn là rừng rậm ấy. Thăm thẳm. Xanh đen. Những dây leo gốc đẫy một vòng tay, lá to như cái nón với những đốt dài đầy lông măng nhoai ra hung dừ, hăm doạ, khiến hắn có cảm giác nếu Sáng trốn tù mà leo lên cây cao, đứng im trên ấy chỉ một ngày thôi là sẽ bị dây leó quấn chết, những dây leo vươn lên cao mãi, ngọn nọ xoắn bện vào ngọn kia, đổ xuống phủ thành một tấm thảm dày trên tán lá, rủ xuống bìa rừng, tưởng chừng một con chim không thể hạ cánh. Vẫn tiếng nước rỉ rách tràn từ ao nọ xuống ao kia như tiếng suối. Hắn bước đến gần và gọi to:
- Anh Cần ơi! Anh Cần ơi! Hú.
Tiếng hú đập vào rừng sâu, vọng lại từng đợt từ gần đến xa.
Một người bước ra. Quần áo xám, số chắn, cao gầy, cổ ngẳng lộ hầu, má hóp, nét mặt đau khổ và cam chịu..
Hai người nhìn nhau trân trân và cùng ngạc nhiên như nhau..
- Ông hỏi anh Cần ạ?
Người ấy lễ phép hỏi hắn. Đúng là kiểu cách của những người tù, kiểu cách của hắn mấy năm trước.
- Anh Cần được tha rồi, hả anh?
- Báo cáo ông, anh Cần được tha tháng trước ạ.
Hắn không giấu được mừng vui, vì điều hắn mong đợi đã thành sự thật. Hắn nói to ý nghĩ: Thế là cuối cùng anh ấy cũng được tự do. Anh ấy tù đến bây giờ là hai mươi nhăm năm.
Người ấy chắp hai tay vào nhau kính cẩn:
- Ông là người nhà anh Cần?
- Đừng gọi tôi là ông. Tôi cũng tù ở đây.
- Ông... Anh được tha lâu chưa?
- Tôi được tha hơn hai năm rồi. Nhưng tha ở trại khác. Trại VQ.
- Anh với anh Cần...
- Tôi là bạn tù với anh ấy.
Người tù khe khẽ:
- Thế thì... Anh ấy chết rồi.
Như bị đánh mạnh vào sọ, hắn đứng lặng một lúc, rồi ngơ ngác:
- Sao? Anh Cần được tha rồi cơ mà.
- Vâng. Anh ấy đã có lệnh tha, nhưng chưa ra khỏi trại.
Lại càng không hiểu ra sao nữa. Hắn đứng ngây ngô, nhìn anh tù như muốn nuốt chửng anh ta.
- Anh ấy tự tử chết.
- Có lệnh tha mà lại tự tử. Anh nói sao, tôi không hiểu?
- Lệnh tha đưa anh ấy sáng hôm trước. Mọi người tưởng anh ấy đã ra ngoài xã hội. Thì hôm sau một anh lâm sản thấy anh ấy treo cổ lủng lẳng trong rừng, chết cứng từ bao giờ.
Thật khủng khiếp. Không thể nào tin được. Hắn bàng hoàng:
- Chuyện anh ấy tự tử giữ kín lắm, nhưng rồi ai cũng biết.
- Anh ấy chôn ở đâu?
- Khu Gò-Thằng-Công.
Lại khu Gò-Thằng-Công. Lại một cái mả mới cạnh mả Lỷ Xìn Cắm. Anh ấy là người tự do rồi. Sao vẫn chôn ở đấy?
Có tiếng tắc kè rúc ở đâu đó. Hắn ngẩng lên nhìn mái nhà. Mấy con sóc nhồi bông đã biến mất. Đó là tiếng kêu của con tắc kè Cần nuôi vẫn nhớ ánh, gợi anh hay con tắc kè hoang dã. Hắn hỏi:
- Con tắc kè còn không?
- Con tắc kè nào?
- Còn con cá chép?
Anh tù càng không hiểu. Hắn đứng lên vớ lấy cái xoong nhôm và cái đũa, mang ra cầu ao gõ gõ... Anh tù chợt kêu lên:
- Con cá chép đưa về bếp cán bộ rồi.
Lại một bất ngờ nữa. Anh tù giải thích:
- Anh Cần chết. Tôi ra thay. Mấy hôm liền nó cứ nổi lên bơi dọc ao, rồi há mồm ngớp ngớp ở chỗ cầu rửa này. Trông như một thằng bé con. Ông quản giáo thấy nó. Ông ấy rút súng bắn. Máu đỏ ao. Con cá to thật đấy. Dài gần quết đất, hai người khiêng mới nổi.
Hắn dường như không nói được nữa. Họ đi vào nhà. Mãi sau hắn mới hỏi:
- Anh bọp hay án”
- Tôi án bốn năm. Giam cứu một năm. Lên đây hai năm, còn một năm nữa thôi. Liệu có được giảm không? Tội tôi khó giảm lắm. Tôi biết.
- Anh mắc tội gì?
- Tôi chỉ là đuôi vụ thôi. Đầu vụ lĩnh án tử hình. Thằng Cảnh ăn cắp gạo. Tôi chỉ tiêu thụ cho nó một ít. Nào tôi đâu có biết nó đánh chìm cả một thuyền gạo để phi tang...
Hắn vét túi đưa cho anh tù tất cả số thuốc cuộn còn lại, chào anh, rồi ngược trở ra, vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của Cần. Cần chết khi được tự do. Vì sao? Nó làm anh choáng ngợp. Nó làm gia đình anh phải đau khổ lần nữa? Nó ném anh vào một thế giới khác lạ, không phải của anh mà anh đã từ bỏ được trong mấy chục năm qua? Nó làm anh phải xa rời thế giới đích thực của anh, cuộc sống cây cỏ rừng sâu của anh? Hay đơn giản chỉ là anh thấy mình không cần sống nữa? Sống thế đủ rồi. Đến đây là giới hạn, là đã trả xong món nợ đời, chết được rồi.
Không dám nói với Ngọc chuyện kinh hoàng ấy, hắn thu thập tiền nong bán lá găng, định đi chuyến nữa, thì ông Thưởng, trưởng phòng lao động đến. Lại một đệ tử đèo ông, và khi ông lên gác gặp hắn. Anh ta vui vẻ ngồi chờ ông ở cổng với cái xe đạp. Ông Thưởng ôm lấy hắn:
- Cuộc đời là thế đấy. Ai cũng hiểu anh bị oan khuất, nhưng có ai dám cứu anh ngoài ông Hoàng? Tôi cũng là một thằng hèn. Tôi thật lòng muốn giúp đỡ anh, nhưng bị chúng nó bao vây. Thằng Khuổng không nói làm gì. Đây là chủ trương của ông Trần, của lãnh đạo thành phố. Không thể vi phạm nguyên tắc. Tôi không thể cấp giấy cho anh khi không có giấy tiểu khu. Tôi biết anh chẳng oán trách gì tôi. Anh thông cảm với tôi điều ấy. Nhưng chỉ mình tôi biết tôi có lỗi với anh. Chỉ tôi biết rằng tôi vẫn có thể giúp được anh mà tôi sợ.
Ông rút trong túi áo ngực ra một tờ giấy in theo mẫu, ông đã viết vào đó những dòng chữ cần thiết, ký tên đóng dấu. Tờ giấy phòng lao động khu phố giới thiệu hắn đi lao động ở xí nghiệp đánh cá. Tờ giấy mà hắn không dám nghĩ tới nữa. Hắn cầm tờ giấy, không tin ở mắt mình. Hắn nhìn ông Thưởng. Ông Thưởng nói như giải thích cho hắn:
- Tôi biết thằng Khuổng làm theo lệnh ông Trần. Hẳn anh cũng biết như vậy. Nhưng tôi giới thiệu anh đi lao động. Không có giấy tiểu khu tôi vẫn cứ ký cho anh. Tôi không ký cho anh đi ăn trộm, ăn cắp. Tôi ký giấy cho anh đi lao động.
Ông nói to, giọng khẳng định như đang nói với ai đó. Đúng là không phải ông chỉ nói với hắn. Ông còn nói với một người vô hình nào nữa cũng đang có mặt ở đây ông nhấn mạnh mấy tiếng đi lao động, rồi nói tiếp với giọng gay gắt như thách thức người vô hình đang đứng trước mặt ông:
- Kỷ luật tôi thì kỷ luật. Tôi không sợ. Tôi không ký giấy cho người ta đi ăn trộm ăn cắp. Tôi ký giấy cho người ta đi lao động. Người ta có quyền lao động.
Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên ông nói điều này với người vô hình. Ông đã rất nhiều lần lẩm nhẩm một mình, tranh cãi với người vô hình toàn năng đang im lặng buộc tội ông trước khi ông ký giấy cho hắn. Và dù đưa giấy cho hắn rồi, sự việc đã xong rồi, ông lại càng phải nói, phải trình bày rằng mình vô tội vì người vô hình càng lừng lững trước mạt ông, mím môi nghiêm khác, giận dữ nhìn ông. Hắn hiểu rằng ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại sau lưng. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám như ông vùng lên chống lại vì cái giá phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng. Vẫn cầm tờ giấy trên tay, hắn im lặng nhìn ông. Rồi vội quay đi. Không giữ được rồi. Hai giọt nước mắt tròn to đã bị mi mắt hắn kẹp vỡ.
Ngã Sáu. Bắt đầu viết tháng 6-1990
Xong tối thứ bảy 30-11-1991
Xem lại lần cuối 8-1998