Hồi 498
Tác giả: Huỳnh Dị
Long Tuyền thượng kinh là thành thị có quy mô lớn nhất ở khu vực Đông Bắc đại thảo nguyên, phía nam tiếp giáp hồ Kính Bạc. Tường thành xây vòng quanh trên nền móng mạch núi Trường Bạch, ba mặt là nước, nằm trong một vùng đất bồi trên bình nguyên rộng lớn. Nhờ đất đai màu mỡ, nhân dân lấy nông nghiệp làm chính, chăn nuôi phụ thêm, đặc sản là gạo Hưởng Thủy, nổi tiếng khắp thảo nguyên, được đánh giá như cực phẩm trong các loại gạo.
Điểm đặc sắc khác là những dòng chảy trong thành toàn bộ là nước nóng. Kênh rạch có nền đá sỏi phân bố khắp nơi, lượng nước vừa nhiều vừa trong. Người ta bất kể là dùng để giặt giũ, tưới tiêu hay đơn thuần chỉ đùa nghịch, cũng đều thấy dễ chịu, khoan khoái bởi sự ấm áp này mang lại.
So với Trường An, diện tích Long Tuyền chỉ bằng một phần tư, cũng chia ra ba phần thành Ngoại, thành Nội và Cung thành, bốn mặt mở ra mười cổng vào, nam bắc mỗi mặt có ba cổng, đông tây chỉ có có hai. Một con đường lớn ở trung tâm chia tòa thành ra làm hai nửa phải trái, cũng gọi là Chu Tước đại nhai như nguyên bản Trường An, xuyên thẳng qua cổng ra vào thành hướng chính Nam.
Bên cạnh đó còn có bốn con đường chính khác, ngang dọc giao nhau, phối hợp với những con đường nhỏ hơn phân chia các khu vực dân cư trong thành ra những phường lớn nhỏ như ở Trường An.
Thành Nội nằm ở chính giữa khu vực phía Bắc, chu vi chín dặm, Cung thành nằm bên trong. Vườn thượng uyển được đặt ở phía đông, với các ao nhỏ có tiểu kiều bắc qua, lại thêm giả sơn, đình thủy tạ, cảnh trí tươi đẹp vô cùng.
Kiến trúc cho phòng ngự của Long Tuyền tuy còn thua xa so với quy mô của thành Trường An, nhưng thành cũng cao đến năm trượng, xây bằng đá Huyền Vũ, thứ đá cứng rắn được hình thành trong quá trìnhdung nham nóng chảy của núi lửa nguội đi, kiên cố phi thường, phối hợp thêm với các tiễn lâu rất lớn chứa được nhiều cung thủ, nhằm đối phó với quân đội thường lấy kỵ binh làm chủ của các tộc thù địch. Sự vững chãi này coi như đủ cho việc thủ thành.
Trong Cung thành có năm tòa điện các trọng yếu, cung điện chính cũng mang tên Thái Cực cung. Những tòa điện này là nơi Bái Tử Đình nghị sự, chúng được thông với nhau bởi các hành lang có mái che.
Phía ngoài Nam môn có một Thạch Đăng tháp cao mười hai tầng, được xây bằng đá Huyền Vũ sau khi đã được đẽo gọt, thô tháp vững chãi. Mỗi khi đêm xuống, có người chuyên phụ trách thắp sáng một ngọn đuốc lớn trên đỉnh tháp, từ trên cao tỏa ánh sáng huy hoàng, trở thành dấu hiệu để nhận biết cũng như là biểu tượng của Long Tuyền.
Mọi thứ trong thành từ trang phục, tập tục, chữ viết, văn hóa, luật lệ đều như đúc cùng một khuôn với Trường An. Người nào đến đó cũng cảm thấy nghi ngờ phải chăng là mình đã trở về Trường An đất Quan Trung.
Bởi sau bảy ngày nữa là đến lúc cử hành lập quốc đại điển, sứ tiết các phương đã đến, các tộc người Mạt Hạt ủng hộ Bái Tử Đình càng thêm tất bật. Do đây là một dịp chưa bao giờ xảy ra, Chu Tước đại nhai thậm chí còn nhiệt náo hơn so với Trường An.
Việc phòng thủ cho thành đã được tăng cường, từng toán từng toán Bột Hải quân khôi giáp chỉnh tề đi tuần khắp nơi để đề phòng có người quấy rối trị an.
Dưới sự bố trí của một người tên là Thuật Văn – tộc nhân của Biệt Lặc Cổ Nạp Thai, ba gã giả trang thành lái buôn ngựa người Thất Vi, đóng thuế, vào thành, rồi ở trong một tòa tứ hợp viện tại Tây thành. Trong viện có một cái hồ nước nóng, ba gã đương nhiên không hề khách khí, sau khi thu xếp cho mấy con ngựa nghỉ ngơi, lại sai Thuật Văn đi thăm dò tin tức, liền cứ thế cởi y phục ra mà thoải mái ngâm mình trong nước nóng.
Hơi nước bốc lên cao, trên trời dày đặc ánh sao tỏa sáng, Khấu Trọng than:
- Thật không ngờ vùng Tái Ngoại lại có nơi thú vị thế này, nhất định phải thưởng thức tư vị của gạo Hưởng Thủy mới được.
Tiếp đó, gã cất giọng hiếu kỳ hỏi:
- Lúa gạo thì gọi là lúa gạo, tại sao lại có tên là Hưởng Thủy nhỉ? Chẳng lẽ cho vào nước thì phát ra âm thanh?
Bạt Phong Hàn bật cười đáp:
- Được gọi là Hưởng Thủy, bởi vì dưới nền của ruộng lúa là lớp đá Huyền Vũ do mắc ma của núi lửa phun trào sau khi nguội kết lại, trên lớp đá đó là đất mùn màu mỡ do thực vật mục rữa tạo thành. Giữa các mảng đá nham thạch thuở xưa này luôn có những khe nứt, từ đó mà khi nước chảy hay phát ra tiếng kêu, cũng từ đó mà dòng nước ấm trào lên, tưới tiêu một cách tự nhiên cho đồng ruộng. Điều kiện địa lý thuận lợi như vậy nên chất gạo mới rất đặc biệt, lại lấy chữ Hưởng Thủy làm tên gọi, chứ không phải là đặt tên nhờ chuyện gạo cho vào nước phát ra âm thanh đâu, Thiếu Soái rõ chưa?
Khấu Trọng tỏ ra vẻ à thì ra là thế, cười đáp:
- Các ngươi nói xem Bái Tử Đình liệu có ăn mặc giống y đúc như Lý Uyên không? Mới chỉ tưởng tượng thôi đã thấy tức cười lắm rồi phải không?
Bạt Phong Hàn nói:
- Người mà Bái Tử Đình muốn học theo không phải Lý Uyên mà là người từng thống nhất Trung Nguyên, Tùy Văn Đế Dương Kiên. Nghe nói trước khi Dương Kiên chết vài năm hắn đã từng ở Trường An trong một thời gian khá dài. Lúc đó hắn còn nhỏ tuổi, vì vậy đã bị không khí thịnh vượng của Đại Tùy thời đó ảnh hưởng rất sâu sắc. Phải biết rằng những năm đó là khoảng thời gian thịnh vượng hiếm hoi của Trung Thổ các ngươi dưới triều Đại Tùy, kế thừa nền văn hóa truyền thống đã phát triển cao từ thời Hán Ngụy, lại dung hợp được những thành quả lớn lao của Ngụy Tấn Nam Bắc triều, trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của toàn Trung Nguyên và các vùng lân cận. Cứ thử nghĩ đến việc trải qua hơn ba trăm năm phân liệt cát cứ của Nam Bắc triều, sau đó mới quy về một mối, nhưng vương quốc sau khi thống nhất lại không giống với Tần Hán ngày xưa, mà đã được dung hòa với những nét đặc sắc của các bộ tộc xâm nhập. Trừ phi ẩn thân nơi Nam phương hẻo lánh như Tống Khuyết, thêm vào đó là kiên quyết giữ truyền thống của người Hán, nếu không ai cũng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Từ Tử Lăng nói:
- Phong Hàn huynh đối với Trung Thổ bọn ta có những kiến giải thực là sâu sắc. Trong lòng ta có một câu hỏi rất muốn thỉnh giáo huynh, hy vọng sẽ không mạo phạm.
Khấu Trọng khó chịu:
- Đừng nói nghiêm trọng khách khí vậy chứ? Mọi người đều là huynh đệ, có cái gì mà không thể nói được?
Bạt Phong Hàn thở dài:
- Ta đoán được Tử Lăng muốn hỏi điều gì. Có phải muốn hỏi ta thân là người Đột Quyết nhưng lại không quan tâm lắm tới Đột Quyết tộc, đúng không?
Từ Tử Lăng gật đầu đáp:
- Phong Hàn huynh đoán đúng rồi đấy.
Bạt Phong Hàn hai mắt sáng lên lấp lánh nói:
- Từ xưa đến nay, các dân tộc đại thảo nguyên đều có sự khiếm khuyết, đó là khả năng quy về trung tâm như trăm con sông cùng đổ vào biển cả và ngưng tụ lại dần theo thời gian của văn hóa Trung Thổ. Trong lịch sử đã từng xuất hiện những bá chủ dùng vũ lực chinh phục được những vùng đất rộng lớn, nhưng rồi lại vẫn có xu hướng phân liệt. Đó là kết quả tất yếu của yếu tố đất rộng người thưa và văn hóa di cư theo cỏ và nước trên đại thảo nguyên mang lại. Kể cả khi vào xâm chiếm Trung Nguyên, rốt cuộc cũng không có khả năng thống trị vùng đất rộng lớn có địa hình phức tạp đó, cuối cùng chỉ có thể bị đồng hóa dung hòa. Trước đây rất nhiều năm ta đã nhìn ra điểm này, vì vậy chưa bao giờ muốn làm cái đại nghiệp xuân thu gì gì đó, chỉ theo đuổi tự do cá nhân, truy cầu đỉnh cao của võ đạo. Quan niệm về vương quốc dân tộc căn bản không tồn tại trong đầu ta.
Khấu Trọng đột nhiên nói như bừng tỉnh:
- Nói như vậy thì Bái Tử Đình chính là kẻ nhìn xa trông rộng nhất trên đại thảo nguyên. Việc kiến lập Long Tuyền là để tạo ra một loại lực ngưng tụ, trước thống nhất Mạt Hạt, sau thống nhất thảo nguyên, lại học tập văn hóa Trung Thổ để mở đường cho việc xâm chiếm thống trị Trung Nguyên sau này. Tên khốn này lợi hại hơn cả trong tưởng tượng của ta.
Bạt Phong Hàn nói:
- Con đường mà Bái Tử Đình đang đi rất đúng đắn, chỉ có điều thời cơ chưa chín muồi, bởi vì người Đột Quyết vẫn đang vào thời cực thịnh, nằm cạnh giường sao cho kẻ khác ngủ ngon được. *
Từ Tử Lăng nghĩ đến việc thành thị kỳ lạ phồn hoa nhiệt náo này rồi sẽ sớm chịu những thử thách của thần chiến tranh, lại hiểu rõ không có cách nào thay đổi được, bất giác trong lòng trào dâng nỗi niềm thương cảm.
Khấu Trọng hưng phấn nói:
- Chúng ta nhân lúc này nên bàn tính mọi việc xong xuôi, lát nữa đương nhiên phải đến Chu Tước đại nhai giả để xem nhiệt náo, ngày mai thì làm gì cho vui nhỉ? Có phải là đưa Ngũ Thải thạch cho Bái Tử Đình, tiện thể xem xem cái tên Cuồng Tăng Phục Nan Đà có được ba đầu sáu tay, hùng biện trôi chảy không?
Từ Tử Lăng nói:
- Việc liên quan đến Ngũ Thải thạch chớ nên khinh cử vọng động, nếu không bọn ta sẽ không tiện đóng giả dân buôn ngựa Thất Vi nữa. Ta nghĩ rằng việc đầu tiên nên làm là đi nghe ngóng xem bọn Việt Khắc Bồng có phải đã đến đây an toàn hay chưa để phối hợp với bọn họ tiến hành đại kế thích sát Cuồng Tăng.
Bạt Phong Hàn nói:
- Chỉ cần Phục Nan Đà bị giết chết, lập quốc đại điển của Bái Tử Đình coi như cũng sụp đổ luôn.
Từ Tử Lăng thầm nghĩ đây chính là lúc gã phải tận dụng khả năng suy tính tinh tế để đảm bảo cho bách tính vô tội của tiểu Trường An. Đột Lợi giờ đang quá bận rộn không thể phân thân, chỉ cần Bái Tử Đình lập quốc không thành, hắn sẽ không còn phải để mắt đến mọi việc ở đây. Có thể thấy nếu như Bái Tử Đình lập quốc thành công, thêm vào áp lực của Tất Huyền, nói không chừng hắn sẽ giảng hòa với Hiệt Lợi. Khi đó, không chỉ Bái Tử Đình đại họa lâm đầu, mà Trung Thổ cũng không còn được mấy ngày bình yên.
Khấu Trọng nói:
- Vậy đợi mai hẵng tính chuyện nên làm gì. Hy vọng sau khi khi Thuật Văn trở về, thu thập được đầy đủ tin tức, bọn ta sẽ suy xét làm sao để đánh một trận lớn, tặng cho tên Bái Tử Đình kia một đòn trời long đất lở, lấy lại tám vạn tấm da dê mà hắn lừa cướp của đại tiểu thư.
Đúng lúc này, Thuật Văn trở về, đến bên hồ báo cáo với bọn họ. Hán tử Thất Vi gần bốn mươi tuổi này chính là một lái buôn ngựa thực thụ. Hắn không mang dáng dấp dũng mãnh như những người Mông Cổ bọn Biệt Lặc Cổ Nạp Thai, bề ngoài văn nhã tuấn tú, mình mặc Hán phục, tinh thông Hán ngữ, đã lăn lộn vùng Đông Bắc này nhiều năm, đối với sự việc trong thành rõ như trong lòng bàn tay.
Thuật Văn vui vẻ nói:
- Tiểu nhân đã biết được nơi nghỉ ngơi của đoàn sứ tiết Xa Sư quốc rồi, bọn họ đến đây sớm hơn ba vị đại gia hai thời thần, giờ đang nghỉ ở Ngoại Tân quán cạnh Chu Tước đại nhai trong thành Nội.
Ba người biết được Việt Khắc Bồng bình an vô sự, lập tức cất được gánh nặng trong lòng, vô cùng thoải mái.
Thuật Văn nói tiếp:
- Không hề có một chút tin tức gì về Mỹ Diễm phu nhân, thị xưa nay hành tung bí ẩn, lại thần thông quảng đại, nên dù có đang ở trong thành cũng không ai biết rõ được.
Bạt Phong Hàn hỏi:
- Còn Thâm Mạt Hoàn thì sao?
Đôi mắt Thuật Văn bùng lên ánh lửa thù hận, giận dữ nói:
- Vẫn chưa phát hiện được gì, chỉ cần bọn chúng dám đến đây, chúng tôi ắt sẽ khiến cho chúng khó mà còn mạng trở về. Đôi cẩu nam nữ này được Hiệt Lợi chống lưng, những năm gần đây liên tục cướp bóc gia súc của người Thất Vi bọn ta, gian dâm cưỡng đoạt không gì không làm. May mà có ba vị đại gia xuất thủ vì nghĩa trợ giúp, lần này tuyệt đối không cho bọn chúng thoát.
Từ Tử Lăng hỏi:
- Tướng mạo của bọn chúng có nét đặc trưng gì không?
Thuật Văn ỉu xìu đáp:
- Trong những người tiểu nhân quen biết, chưa có ai từng thấy được diện mạo thật của bọn chúng.
Bạt Phong Hàn thở dài:
- Vậy đây là một loại lang tặc khác rồi.
Dựa vào thực lực của bọn họ, muốn giết Thâm Mạt Hoàn không khó, vấn đề là ở chỗ làm sao để nhận ra bọn chúng.
Khấu Trọng hỏi:
- Có tin tức gì về Mã Cát không?
Thuật Văn đáp:
- Mã Cát ở trong một dãy doanh trướng dựng bên bờ hồ Kính Bạc phía nam thành, có một lượng lớn võ sĩ tùy tùng, lại được Bái Tử Đình lễ đãi. Ba vị đại gia nếu muốn đối phó hắn thì cần phải cẩn thận một chút.
Từ Tử Lăng cũng hỏi:
- Đột Lợi có động tĩnh gì không?
Thuật Văn trả lời trôi chảy:
- Mấy ngày gần đây trong thành rộ lên lời đồn Đột Lợi, A Bảo Giáp và Thiết Phất Do kết thành liên minh, lúc nào cũng có thể kéo quân đến. Nhưng phần lớn đều không nghĩ rằng Đột Lợi thực sự dám tới đây, bởi vì sau thất bại ở Bôn Lang Nguyên, Hiệt Lợi đang gắng hết sức để quật lại, theo lý thì Đột Lợi không thể phân thân được.
Tiếp đó hắn nói:
- Về phía Trung Nguyên thì có tổng cộng ba thương đội đến, nội tình vẫn chưa rõ, bọn họ đều được an bài ở Ngoại Tân quán.
Chợt ánh mắt tỏ vẻ hưng phấn, hắn tiếp tục:
- Đoàn người Tú Phương tiểu thư sẽ đến trong vòng hai ngày nữa, bởi vì sáng nay Bái Tử Đình phái đội phụ trách lễ nghi đi nghênh đón, rõ ràng là đã biết tin phượng giá của nàng sắp đến.
Khấu Trọng ủ rũ thả mình trượt dần vào trong làn nước ấm, trong lòng sóng gió nổi lên dữ dội. Ải tình khó qua, Thượng Tú Phương là người mà gã vừa muốn gặp nhất lại vừa không muốn gặp nhất. Sự mâu thuẫn đó xé con tim gã ra thành hai mảnh, rỉ máu không thôi.
Thuật Văn ngạc nhiên nhìn Khấu Trọng đang chìm hẳn dưới nước.
Từ Tử Lăng nói:
- Cứ mặc xác hắn. Muốn thưởng thức loại gạo Hưởng Thủy thì phải đến đâu bây giờ?
Thuật Văn đáp:
- Ta đã đặt trước một bàn tại Đạo Hương quán nổi tiếng nhất nằm bên Chu Tước đại nhai, mời ba vị tẩy trần.
Bạt Phong Hàn nói:
- Thuật Văn huynh chớ nên đi cùng với bọn ta, bởi vì bọn ta có rất nhiều kẻ địch, lúc nào cũng có thể phải động thủ liều mạng đó.
Thuật Văn lộ vẻ khó xử:
- Cái này …
Từ Tử Lăng nói:
- Mọi người đều là huynh đệ, sao phải khách khí, việc chính mới quan trọng.
Thuật Văn đành phải chấp nhận.
Khấu Trọng từ trong làn nước ấm thò đầu ra, ngoác miệng nói:
- Cái tên Đạo Hương quán này hay đấy, chỉ nghe mà bụng ta đã sôi lục bục rồi, đi hít chút hương gạo rồi hẵng nghĩ đến các chuyện khác.
Rồi gã cứ như thế leo lên thành hồ.
o0o
Đạo Hương quán không còn một chỗ trống, gần năm mươi bàn trong hai tầng lầu đầy ắp khách nhân, ồn ào náo nhiệt, chỗ nào cũng thấy hào sĩ mỹ nữ các tộc, tràn đầy không khí dị quốc. Chỗ này gõ bàn ca hát, chỗ kia sai quyền đấu tửu, tuy đa phần tương tự phong tục Trung Thổ, nhưng lại pha vào sự khác biệt dễ thấy.
Bàn ba gã ngồi ở tầng trên, quay mặt ra đường, nhìn qua song cửa có thể thấy người ngựa đi lại trên Chu Tước đại nhai phía dưới. Tại một thành thị như thế này, muốn tìm kẻ chưa biết diện mạo ra sao như Thâm Mạt Hoàn và Mộc Linh, quả thực khó hơn lên trời.
Bọn họ gọi thêm vài món ăn, nhưng quan trọng nhất đương nhiên là bát cơm nấu từ gạo Hưởng Thủy.
Khấu Trọng nhàn nhã nói:
- Ngồi ở đây cứ như thể ngồi ở Trường An vậy. Nếu có ngày Trung Thổ bị ngoại tộc xâm chiếm, Trường An thật rất có khả năng sẽ như tình hình ở đây bây giờ.
Ba người vẫn đang giả trang làm người Thất Vi, tóc buông xõa, da dẻ lộ ra sắc đen sạm, mặt đầy râu ria, mặc y phục bằng da thuộc, phanh cổ áo hở ngực, eo giắt mã đao của người Mông Cổ. Cách ăn mặc như vậy nếu ở tại Trung Thổ ắt gây sự chú ý của người khác, nhưng ở đây thì hoàn toàn phù hợp, không có vẻ gì khác biệt.
Bạt Phong Hàn nói:
- Sau khi ăn no xong, chúng ta sẽ đi tìm Việt Khắc Bồng trước, ta muốn đích thân cảm tạ hắn.
Tiểu nhị mang rượu nấu từ gạo Hưởng Thủy lên. Khấu Trọng tỏ vẻ sốt ruột, châm đầy ba chén rồi nâng một chiếc lên cười nói:
- Chén đũa dùng ở đây khẳng định được mang tới từ Trung Thổ. Cạn chén!
Ba người tràn đầy hứng khởi cụng chén uống rượu. Quả nhiên rượu vừa vào miệng đã thấy thanh khiết thơm nồng, vị ngọt hương thanh, khiến cả ba người khen mãi không dứt.
Khấu Trọng cười ha hả nói:
- Lão Bạt nói rất chính xác. Đại thảo nguyên quả nhiên là một vùng đất phong phú muôn hình muôn vẻ, muốn gì có nấy. Hỏng bét! Quên hỏi Thuật Văn là Thanh lâu nổi tiếng nhất của Long Tuyền thành ở đâu, sao lại không mở rộng tầm mắt một phen chứ.
Bạt Phong Hàn bật cười:
- Thứ ngươi cần mở rộng tầm mắt không phải là các Thanh lâu miền Tái Ngoại mà là chiến thuật của các bộ tộc, cái này gọi là tu luyện binh pháp, sau khi trở về Trung Nguyên, còn kẻ nào có thể trở thành đối thủ của ngươi?
Khấu Trọng cười khổ nói:
- Bây giờ ta mới hiểu vì sao quân Đột Quyết có thể một chống nổi mười, sự dũng mãnh và mã thuật đó người Hán bọn ta có học cả trăm đời cũng không thông. Bọn ta dựa thế người đông, các ngươi cậy ở binh lính tinh nhuệ. Nhưng nếu khai chiến ở các vùng đất bằng phẳng, dù cho bọn ta có nhân số áp đảo, khẳng định sẽ bại không sai.
Bạt Phong Hàn lạnh lùng nói:
- Mọi người đều là huynh đệ mà ngươi vẫn muốn giấu ta. Theo ta thấy thì ngươi đã hoàn toàn nắm rõ những khuyết điểm của bọn ta, quan trọng hơn là Khấu Thiếu soái ngươi đã kiến lập được uy danh trên thảo nguyên. Một ngày Trung Thổ còn ngươi trấn giữ, bảo đảm không có một ngoại tộc nào dám tiến đánh Trung Nguyên.
Khấu Trọng cự lại:
- Ta mà được lợi hại như ngươi nói chắc? Hơn nữa việc ta có thể thống nhất Trung Nguyên hay không vẫn còn mờ mịt chưa thể đoán được. Hà hà! Thêm chén nữa nào!
Từ Tử Lăng đột nhiên nhỏ giọng:
- Nhìn xem! Ai đến kìa!
Khấu Trọng nhìn về phía cầu thang, mình hổ rung động, ngạc nhiên nói:
- Ôi mẹ ơi! Không ngờ bọn họ thực sự cũng đến đây.
Hai người Hán một già một trẻ đứng đó đang bối rối vì không còn chỗ ngồi, hiển nhiên họ chính là nhị lão bản La Ý của Nhật Thăng Hành và Âu Lương Tài con trai của đại lão bản Tồn Nghĩa Công từ Bình Diêu đến, nhưng không hề thấy người của Đại Đạo xã.
Khấu Trọng niệm tình đứng dậy gọi:
- Lại đây! Còn chỗ ngồi đấy!
Hai người kia ngạc nhiên nhìn sang, không nhận ra Khấu Trọng, chỉ thấy Thất Vi đại hán nọ “miệng nói ra tiếng người”, nét mặt lại có vẻ nhiệt tình thiện ý, bèn đi về phía ba gã.
Ba người đứng dậy thi lễ, Khấu Trọng ghé người sang hỏi:
- La lão bản và Âu công tử có nhận ra chúng tôi không?
La Ý và Âu Dương Tài chú tâm nhìn kỹ, lập tức biến sắc.
Từ Tử Lăng thành khẩn cất tiếng:
- Lần đó chỉ là hiểu lầm thôi, bọn ta tuyệt không có ác ý!
La Ý chán nản ngồi xuống nói:
- Có ác ý hay không có ác ý thì khác gì chứ. Bọn ta không những bị mất sạch hàng hóa mà còn mang nợ đầy mình, còn sợ gì để sợ nữa!
Âu Lương Tài vẻ mặt cay đắng cũng ngồi xuống theo, thở ra một hơi dài. Cả hai đều có dáng vẻ như những kẻ cùng đường mạt lộ.
Ba gã đương nhiên đoán được chuyện gì đã xảy ra. Ngồi xuống rồi, Khấu Trọng cau mày hỏi:
- Các ngươi không đi qua Sơn Hải Quan phải không? Ta đã sai người ở đó cảnh báo các ngươi, ngàn vạn lần chớ trúng gian kế của tên lừa đảo Quản Bình.
Âu Lương Tài trầm giọng hỏi lại:
- Rốt cuộc hai vị là ai?
Bạt Phong Hàn đáp thay hai gã:
- Bọn họ một người là Khấu Trọng, người kia là Từ Tử Lăng, hai vị chắc là đã từng nghe qua.
La Ý và Âu Lương Tài lập tức giật mình. Ở Trung Thổ thì hạng bá tính bình dân tầm thường cũng biết Khấu Trọng và Từ Tử Lăng là ai, huống hồ bọn họ là những thương nhân hành tẩu giang hồ.
Bạt Phong Hàn lại nói:
- Bản nhân là Bạt Phong Hàn, hai vị huynh đệ này của ta đối với các vị quả thực chỉ có hảo ý. Chỉ cần các ngươi đem sự việc đã xảy ra kể lại, bọn ta có thể lấy lại công đạo cho các ngươi.
La Ý thở ra một hơi rồi gật đầu nói:
- Trên đường chúng ta liên tiếp nhận được tin tức ba vị đánh bại đại quân của Hiệt Lợi tại Hách Liên Bảo và Bôn Lang Nguyên, khiến chúng ta cũng nở mày nở mặt. Ấn tượng của các tộc đối với người Hán mình cũng được cải thiện đáng kể, duy có điều không nghĩ ra lại chính là các vị.
Âu Lương Tài nhìn ba người dò xét, có vẻ nghi hoặc:
- Các vị! Hắc! Vì sao lại…?
Từ Tử Lăng nói:
- Địch nhân của bọn ta quá nhiều, vì vậy mới cải trang thành người Thất Vi. Rốt cuộc có phải các ngươi xuất quan từ Sơn Hải Quan không?
Âu Lương Tài gật đầu nói:
- Đương nhiên phải qua Sơn Hải Quan, lại còn được đại long đầu Tắc Mạc bang tiếp đãi, nhưng không có ai đến cảnh báo chúng ta.
Ba người nghe vậy đưa mắt nhìn nhau. Đại long đầu Tắc Mạc bang chẳng phải là Kinh Kháng hay sao? Chẳng lẽ lão mới thực sự là kẻ khốn nạn?
La Ý than thở:
- Bọn ta dưới sự hộ tống của Đại Đạo xã, bình yên một mạch đến sông Tiểu Hoa ở phía nam Long Tuyền. Đúng lúc vừa thở phào nhẹ nhõm thì đột nhiên trại bị hàng trăm mã tặc bao vây, nhị đương gia Phùng Bạt đơn đả độc đấu với thủ lĩnh của bọn chúng, chưa đầy hai mươi chiêu đã thọ thương, bọn ta chỉ đành hiến ra tất cả mọi hàng hóa.
Âu Lương Tài cười khổ nói:
- Họa vô đơn chí, chúng tôi đến đây báo lại sự việc với Ngoại Mậu ty, hy vọng bọn họ có thể phái binh truy đuổi để lấy lại hàng hóa. Ngờ đâu bọn họ không những không thèm để ý đến, còn bức bách chúng tôi bồi thường vàng bạc gấp đôi, bắt những người chủ sự phải lưu lại đây, hết sức ngang ngược không biết tới đạo lý gì cả.
“Rầm!”
Khấu Trọng một chưởng đập lên mặt bàn, khiến người ngồi ở mấy bàn gần đó kinh hãi nhìn sang. Gã nổi giận nói:
- Căn bản là Bái Tử Đình phái người ăn cướp mà, hắn sao thèm để ý đến các ngươi chứ.
La Ý và Âu Lương Tài thất sắc nhìn nhau.
Từ Tử Lăng nói:
- May mà bọn chúng còn muốn đòi thêm vàng bạc, nếu không khẳng định các ngươi tính mạng khó giữ.
Bạt Phong Hàn kiên nhẫn đem sự tình giải thích với hai người một lượt, đoạn hỏi:
- Quản Bình bây giờ đang ở đâu?
La Ý đáp:
- Vẫn còn ở chung với chúng tôi! Hừ! Ta lại còn cho rằng hắn cũng bị hại nốt chứ.
Từ Tử Lăng lại hỏi:
- Hắn và Lý Công của Úy Thịnh Trường có quan hệ gì?
Âu Lương Tài nhíu mày đáp:
- Hắn là người giúp việc mà Úy Thịnh Trường mới mời vào làm, chuyên phụ trách việc làm ăn ở Tái Ngoại, được Lý gia rất tin tưởng. Hóa ra hắn là một tên lừa đảo. Nếu không phải vì hắn bỏ công sức chạy ngược chạy xuôi cho chuyến này, chúng tôi tuyệt không dễ dàng chấp nhận làm một chuyến buôn bán lớn như thế với Bái Tử Đình.
Lúc này thức ăn đã được dọn lên bàn.
Khấu Trọng sai tiểu nhị đem lại thêm hai bộ bát đũa, cười nói:
- Hai vị không cần phải phiền lòng, chuyện này cứ để ba huynh đệ bọn ta lo. Ăn no xong rồi trước tiên là kiếm Quản Bình tính sổ, sau đó tìm Bái Tử Đình trút giận.
Hết hồi 498.