Hồi 20
Tác giả: Chân Tàng Bản
L ưu đại nhân đang buồn bục trong lòng, chợt nghe dãy bàn phía tây có người nói. Đại nhân đưa mắt nhìn sang, thì ra hai người ngồi đối diện nhau uống rượu nói chuyện phiếm.
Người ngồi phía bắc tuổi độ ba tư, ba nhăm, người ngồi phía nam, tuổi tác chỉ độ hai bảy, hai tám, xem ra bọn họ đã có phần say. Người ngồi bên phía bắc nói với người trẻ tuổi ngồi ở phía nam rằng:
- Lão thất, có chuyện này, không biết người có biết không?
Người ngồi bên phía nam hỏi ngay:
- Chuyện gì vậy?
Người ngồi phía bắc nghe hỏi vậy, mỉm cười, nói:
- Chuyện này xảy ra đã mấy hôm rồi. Hôm ấy chẳng phải ta đi giúp thư ban Vương tiên sinh sao? Ta đi qua lối sau nhà Vương tiên sinh, theo phía bắc, tới một ngã ba, rẽ sang phía chính đông, cách ngã ba chừng năm, sáu mươi bước chân, bên phía bắc đường có một ngôi miếu, đó chẳng phải là am Liên Hoa sao?
Người ngồi phía nam nghe vậy, nói:
- Đúng rồi. Anh cũng biết sao? Trong miếu ấy có một vị sư nữ, tên gọi Diệu Tu. Cô ta dáng người nhỏ nhắn, xinh đẹp, năm nay chỉ độ hai bảy, hai tám tuổi đầu. Cô ta chính là con gái thứ hai của Vũ lão gia hiện đang tu trong am Liên Hoa. Vũ lão gia từng làm tri phủ phủ Thái Nguyên ở Sơn Đông, cũng bởi làm quan nên mới mất mạng. Ni cô trong am chính là con gái ông ta. Nếu không, pháp danh của cô ta sao lại là Diệu Tu, mọi người đều gọi cô ta là Vũ sư phụ được?
Người ngồi phía bắc nói:
- Đúng rồi. Nghe tôi kể đây. Hôm ấy, tôi đi ngang qua cửa miếu, chợt nghe có tiếng động từ bên trong vọng ra, cửa miếu mở toang. Tôi cứ nghĩ là Vũ sư cô muốn ra ngoài mua gì đó, ngước mắt nhìn lên, hóa ra không phải là Vũ sư cô.
Người ngồi ở phía nam nói:
- Chắc hẳn là lão đầu bếp họ Tịnh chuyên nấu ăn trong miếu?
Người ngồi bên nam còn chưa dứt lời, người ngồi phía bắc đã nói chen vào:
- Đâu phải là lão Tịnh hay lão tàng gì, là một cô gái trẻ, tuổi chỉ độ hai hai, hai ba. Người nói là sư cô họ Vũ xinh đẹp phải không ông em ơi, nếu được nhìn thấy dung mạo của cô gái kia, chắc hẳn đôi mắt ông phải lòi hẳn ra ngoài mất, còn đâu mà dùng nữa! Ngươi thử nói xem cô ta đi ra làm gì nào?
Người ngồi phía nam cũng là kẻ hay hỏi, nghe thấy vậy, hỏi ngay:
- Cô ta ra ngoài làm gì?
Người ngồi bên phía bắc nói:
- Thì ra cô ta ra ngoài để đi mua chỉ. Ta thấy vậy, bất giác cái chân của ta cũng không thể nhấc lên nổi. Ta liền lấy thuốc ra, nhồi vào tẩu rồi tới kiếm cớ xin lửa của người bán chỉ. Ta lại vờ như hỏi thăm đường, mồm thì hỏi này, hỏi nọ, nhưng mắt lại dính vào cô ta. Cô ta chọn chỉ. Ngươi biết không? Cô ta đưa tay ra, mười ngón tay đúng như mười cái nõn hành trắng muốt, bảo sao không khiến cho người ta động lòng? Tối về, đã đến giờ đi ngủ nhưng ta không tài nào ngủ nổi. Hễ nhắm mắt lại là hình bóng cô gái ấy lại hiện ra trong đầu ta, khiến cho mấy hôm trời, ta như người mất hồn, lạc phách vậy, làm việc này quên mất việc kia. Lão đệ, ngươi nói phải làm sao? Hơn nữa, còn một chuyện khác: Hôm qua, bên miếu thành hoàng trong huyện Giang Ninh có một cái giếng: Ở đó đã xảy ra chuyện lạ. Triệu Hồng đi lấy nước, chẳng phải đã múc lên một chiếc đầu người đó sao? Người ấy không có thi thể, vụ này không nguyên cáo cũng chẳng có bị cáo. Quan trong vùng báo lên trên, tổng đốc Cao đại nhân đã giao nhiệm vụ cho tri phủ Lưu đại nhân đi lo vụ này, hẹn trong năm ngày phải tra xét rõ đầu đuôi. Nếu tìm không ra, sẽ tấu lên trên. Lưu đại nhân ngồi kiệu tới hiện trường, tới trước miếu thành hoàng, sai người xuống giếng mò thi thể ấy thế mà không những không tìm ra thi thể của cô gái lại còn vớt được thêm một thi thể khác. Hôm ấy, ta theo đám đông hiếu kỳ ra đó xem. Ông em ơi, ông biết Lưu đại nhân phán xét sao không ông ta xem một hồi, không nói năng gì, nhảy lên kiệu, đi thẳng một mạch về phủ nha. Vụ này coi như bị gác sang một bên. Không biết bởi mấy hôm nay bị nữ sắc làm cho mụ mị đầu óc, che mờ mắt hay chẳng biết, con mẹ nó, đó là đầu của cô gái kia...
Người ngồi ở phía bắc vừa nói ra câu này, người trẻ tuổi ngồi ở phía nam đã sợ hãi đứng bật dậy, đưa tay ra bịt kín miệng anh ta lại, nói:
- Nhị ca, chớ nên nói xàm!
Chỉ nghe thấy người này nói với người kia:
- Nhị ca nghe đệ nói đây. Anh cũng không biết bên trong sự việc ra sao, không được nói bậy nói bạ ra ở đây. Hôm trước tổng đốc tổ chức mùng sinh nhật, cũng là muốn vơ chút ít tiền mừng, thủ hạ liệu có ai không dám tới mừng cấp trên không?
Đám quan đành phải chuẩn bị quà mang đi mừng. Trong số họ có cả Lưu tri phủ, ông ta làm bộ nghèo khó, tới mừng sinh nhật quan tổng đốc, chỉ mang theo mấy cân thịt bò, ít mì sợi và hai bát đậu phụ gọi là lễ vật. Nói gọn một câu, quà mừng của ông ta không đáng giá hai xâu tiền! Cao đại nhân thấy vậy tức đỏ con mắt, không chút nể nang, bảo trả hết lễ vật. Lưu đại nhân buồn rầu quá sinh tức giận, ngồi luôn trước cửa nhà Cao đại nhân. Hễ thấy có quan viên nào tới mừng thọ là ông ta lên chặn lại nói: "Cao đại nhân dặn không nhận lễ vật, nhất luật đều phải mang về". Tổng đốc hay tin, lửa giận bốc cao. Bởi mới hôm trước ông ta phát thiệp mừng thọ, hôm sau đã có người phá đám. Bởi vậy quan tổng đốc mới bắt Lưu đại nhân điều tra vụ này. Câu anh nói khi nãy nếu để đám sai nha nghe được thì phiền to.