Hồi 69
Tác giả: Chân Tàng Bản
U ông tri huyện xem xong mười bài tuyệt mệnh từ của giai nhân Tiêu Huệ Lan liền quay sang trao lại cho bố vợ tú tài Lỗ Kiến Minh là Tiêu Thành. Tiêu Thành càng đau lòng, nói:
- Mong sao quan phụ mẫu đứng ra làm chủ, mau bắt thổ hào Hoàng Tín Hắc tới hỏi tội.
Tri huyện nghe cử nhân Tiêu Thành nói vậy, liền nói:
- Ngươi không cần nóng ruột, bản huyện tự sẽ có cách giải quyết.
Nói xong đi tới bên án thư, ngồi xuống gọi tú tài Lỗ Kiến Minh lại hỏi rõ đầu đuôi một lượt. Lỗ Kiến Minh không dám giấu giếm, nói:
- Hoàng Tín Hắc gọi tôi tới đánh bạc, tôi thua hắn ba trăm lạng bạc. Hoàng Tín Hắc không cho khất nợ, học sinh chẳng còn cách nào khác, đành phải mang vợ mình ra gán nợ, hắn mới chịu yên. Hoàng Tín Hắc đòi lấy nàng làm thiếp, Tiêu thị hay tin, tối qua tìm cách đuổi khéo học sinh ra khỏi nhà để nàng ở nhà một mình rồi treo cổ tự tử. Hai vợ chồng tôi thực không có cãi nhau hay ẩu đả gì.
Uông tri huyện nghe Lỗ tú tài nói xong, bèn nói:
- Thực hổ cho một môn sinh nhà Nho như ngươi. Đánh bạc với người ta lại nỡ mang người vợ kết tóc xe tơ của mình ra gán nợ ư? Ngươi thực đúng là đồ cầm thú, là súc sinh mặc áo đội mũ người! Đợi bản huyện mang mười bài tuyệt mệnh từ của Tiêu thị và tình tiết vụ án này trình bày lên Lưu tri phủ, khi công văn trả lời tới, ta sẽ kết án ngươi và Hoàng Tín Hắc.
Nói xong lại dặn Lỗ Kiến Minh tạm tháo thi thể Tiêu thị xuống, sai người canh giữ rồi mới đứng dậy, bước ra ngoài. Ra tới bên ngoài, lên kiệu lớn. Kiệu phu đặt cáng lên vai. Lỗ Kiến Minh và Tiêu Thành tiễn Uông tri huyện ra khỏi trấn. Tiêu Thành trở về nhà. Lúc này Lỗ Kiến Minh mới dần bình tâm lại cũng trở về nhà. Chuyện không còn gì đáng kể.
Lại nói chuyện Uông tri huyện ngồi trên kiệu lên đường lớn về thẳng huyện Tuyên Thành. Không lâu sau đã tới huyện, vào nha môn, lập tức phái sai nha đi bắt Hoàng Tín Hắc rồi vào thư phòng ngồi xuống, dặn người hầu cho gọi người chuyên ghi chép tới. Vừa thấy người vào, Uông tri huyện đưa mắt nhìn người ghi chép, nói:
- Nghe đây. Vụ án trấn Hoàng Trì ngươi hãy mau ghi chép lại sau đó trình báo lên Lưu thái thú, đợi công văn trả lời tới sẽ làm theo. Còn nữa, mười bài "tuyệt mệnh từ" của Tiêu thị cũng chép luôn vào đó.
Người chuyên ghi chép vội vàng ứng tiếng, lập tức cất bút làm ngay. Viết xong cho vào phong bao, hỏa tốc gửi lên phủ Giang Ninh. Tạm gác chuyện ở huyện Tuyên Thành qua một bên, giờ ta lại nói tới chuyện của Lưu đại nhân Lưu Dung. Từ sau vụ bắt Triệu Thông, tên tuổi Lưu Dung nổi như cồn khắp vùng Kim Lăng. Dân chúng ai cũng nói: "Lưu thái thú thực đúng là Long Đồ Bao tướng công khi xưa!" Lại có kẻ nói: “Ông ta là con nuôi của Hoàng hậu, quê quán vốn ở Sơn Đông". Có người khen: "Vị lão gia này rất chịu khó vi hành, mỗi lần như vậy nếu không giả làm người bán thuốc rong thì lại hóa trang thành người coi bói dạo". Chuyện dân chúng nói về Lưu đại nhân ra sao, ta không cần nói nhiều ra đây. Giờ ta hãy nói tới Lưu đại nhân. Hôm ấy, ông ta vẫn thăng đường duyệt đơn từ của dân như mọi khi, chợt thấy một tên thư lại tiến vào, hai tay nâng cao một phong thư. Đại nhân chăm chú nhìn xuống, thấy rõ ràng đó là bao chứa văn thư. Người ấy tiến vào công đường, tới bên án thư thì dừng lại, bẩm nói:
- Bẩm đại nhân: Có văn thư của huyện Tuyên Thành gửi tới , không biết có chuyện gì?
Lưu đại nhân nghe vậy lập tức đón lấy, mở ra xem. Thư lại vội vã ứng tiếng, đứng trong công đường mở văn thư, dâng lên đại nhân. Lưu đại nhân đón lấy, đưa mắt xem.
Lưu đại nhân nhận văn thư, đưa mắt đọc, thấy trên đó viết:
- Bẩm. Thuộc hạ ở huyện Tuyên Thành, tên gọi Uông Tự Minh, nay xin trình báo vụ án mạng ở trấn Hoàng Trì. Có một gã học sinh tên gọi Lỗ Kiến Minh, bởi thua bạc nên đã gán vợ mình là Tiêu thị cho tên thổ hào Hoàng Tín Hắc làm thiếp. Trước hôm phải lên đường, đêm ấy, nhân lúc Lỗ Kiến Minh đi đánh bạc không có ở nhà, nàng đã tự làm mười bài "Tuyệt mệnh từ" rồi treo cổ tự ải. Tệ chức đã sai thuộc hạ bắt Hoàng Tín Hắc lại. Nay không dám tự quyết, xin đợi chỉ thị của đại nhân".
Lưu đại nhân xem xong, nhìn xuống dưới, thấy có dán mười bài tuyệt mệnh từ của Tiêu thị.
Lưu đại nhân ngồi trên công đường đọc "tuyệt mệnh từ" của Tiêu thị. Chỉ thấy nét chữ ngay ngắn, viết rất có hàng lối. Lưu đại nhân xem hết mười bài "tuyệt mệnh từ" luôn miệng tán thưởng, nói:
- Thực đáng tiếc cho gái quần thoa, tài nghệ như vậy lại phải treo cổ tự tận. Sao ta không tấu vụ này lên thánh chúa Càn Long để Người khen thưởng liệt nữ Tiêu Huệ Lan? Làm vậy có thể lưu giữ lại mười bài "tuyệt mệnh từ" này, cũng là để chứng minh cổ quận Kim Lăng có người tài giỏi.
Lưu đại nhân nghĩ xong, đưa mắt nhìn ban thư lại, nói:
- Mau viết công văn trình lên đốc phủ, kể rõ vụ án của vợ chồng tên học sinh Lỗ Kiến Minh. Sau đó viết một bản tấu trình lên thánh thượng Càn Long.
Thư lại ứng tiếng, xoay mình đi xuống phía dưới viết công văn. Chuyện tới đây tạm thời gác lại.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân xem thêm một số công văn khác rồi mới hạ lệnh bãi đường, lui về thư phòng, ngồi xuống. Người hầu dâng trà lên. Trà nước xong xuôi, đầu bếp dâng cơm. Đại nhân dùng xong, đuổi người hầu ra ngoài. Lúc này, sắc trời đã muộn, đèn được châm lên. Lưu đại nhân ngồi dưới đèn viết tấu chương, bỏ vào tráp gỗ. Mọi việc xong xuôi mới đi ngủ. Chuyện đêm ấy không có gì đáng kể.
Tới sáng sớm ngày hôm sau, Lưu đại nhân trở dậy rửa mặt, thay đồ, lên công đường lấy tráp gỗ, nổ ba tiếng pháo, mở rộng cửa lớn đưa tráp gỗ ra khỏi nha môn. Công sai mang theo tráp gỗ rời khỏi thành tri phủ Giang Ninh, lên đường lớn nhằm hướng Bắc Kinh thẳng tiến.
Kính thưa quý vị độc giả. Anh gù Lưu đại nhân tuy chỉ giữ chức tri phủ nhưng quyền hạn khác hẳn với những tri phủ khác. Lão Phật gia Càn Long hứa cho ông ta quyền có thể gửi bản tấu về triều bất kỳ lúc nào. Ở đây tôi đã nói rõ ra rồi. Giờ xin trở lại với chính truyện.
Lại nói chuyện viên sai quan Lưu đại nhân lệnh mang tấu chương về kinh, ông ta rời khỏi phủ Giang Ninh, lên đường lớn nhằm hướng Bắc Kinh thẳng tiến.
Chỉ thấy ông ta cưỡi trên lưng ngựa, ra roi tiến thẳng về phía trước. ông ta đi trên đường, vượt núi băng sông không thể kể xiết. Hôm ấy tiến vào cửa Chương Nghĩa, lại tới nha môn Thông Chính, dâng công văn rồi về dịch quán nghỉ ngơi. Tới sáng hôm sau, đại nhân của Thông Chính ty không dám chậm trễ, vội vào triều bẩm với Hoàng đế. Tới khoảng thời gian dùng bữa sáng, tấu chương của Lưu Dung đã vào tới trong triều. Thánh Chúa Càn Long xem qua một lượt, sắc diện vô cùng hoan hỷ, nói:
- Trên đời này lại có cô gái tài giỏi đến thế sao? Mười bài từ của nàng đều được xếp vào hàng tinh diệu. Đáng thương thay, hồng nhan thường bạc phận, lời thơ đúng lắm. Họa này đều do Lỗ Kiến Minh gây ra, tú tài đánh bạc thua đem vợ ra gán nợ thực chẳng khác gì loài cầm thú. Còn tên Hoàng Tín Hắc cũng thực đáng ghét đòi bắt người gán nợ, thực chẳng coi luật pháp ra gì.
Thánh chúa xem xong, trầm ngâm một hồi, nói:
- Phải làm thế này, thế này mới thỏa.
Rồi truyền kim khẩu:
- Mang bút, nghiên.
Nội thị ứng tiếng, không chút chậm trễ. Chỉ trong chớp mắt, văn phòng tứ bảo đã được mang ra. Thánh Chúa ngư bút viết:
- Lưu Dung tiếp chỉ tuân phê biện: Mau bắt tú tài Lỗ Kiến Minh, chặt đứt tám ngón trên hai bàn tay hắn xem từ nay về sau hắn còn đánh bạc được nữa hay không? Hoàng Tín Hắc phạt một vạn lạng bạc, dùng số bạc ấy xây miếu thờ Tiêu thị tại Kim Lăng. Lỗ Kiến Minh phải chăm lo hương hỏa thờ phụng cho rạng danh liệt nữ.
Thánh Chúa phê xong, hạ bút xuống. Nội thị bỏ thư vào bao rồi trao cho khâm sai phủ Kim Lăng. Ông ta lại cầm thư lên đường cứ suốt ngày đêm trở về phủ Giang Ninh. Hôm ấy về tới quận Kim Lăng, Lưu đại nhân quỳ lạy nhận thánh dụ. Quý vị độc giả nếu ai đã từng tới Kim Lăng hẳn sẽ biết chuyện tôi kể trên đây đều là thật. Cho tới nay, miếu thờ liệt nữ họ Tiêu vẫn còn, người chăm sóc hương hỏa ở đó là Lỗ Kiến Minh. Tất cả đều là Thánh Chúa Càn Long ngự bút phán quyết. Người đời sau có thơ khen rằng:
Khả tích giai nhân Tiêu Huệ Lan
Ngộ kiến tú tài vô nghĩa nam
Thổ hào phạt ngân nhất vạn lạng
Tiêu Thi phương danh vạn cổ truyền.
Dịch thơ:
Tiêu Huệ Lan người đẹp tiếc thay
Tú tài vô nghĩa gập tay này
Thổ hào phạt bạc mười nghìn lạng
Tiêu thị muôn đời tiếng tốt bay.