Hồi Thứ Ba Mươi Bảy
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Nghe nói Mạnh Lệ Quân chết, Hoàng Phủ Thiếu Hoa điếng người đi vội hỏi :
- Tại sao thân mẫu ở đây lại biết rõ Mạnh lệ Quân chết? Và nàng chết trong trường hợp nào?
Doãn Phu nhơn bèn thuật lại chuyện Lư Khuê Bích bị bắt và làm tờ cung trạng thú nhận những hành động gian ác của hắn đã làm, rồi bà lấy tờ cung trạng ấy trao ra cho Thiếu Hoa xem.
Thiếu Hoa xem xong lại hỏi:
- Thế bây giờ Lưu Khuê Bích ở đâu?
Doãn Phu nhơn nói:
- Khi mới bắt đặng hắn về thì chị con muốn banh da xẻ thịt hắn ra cho đã giận, nhưng Vệ Dõng Đạt sợ sau này triều đình quở trách nên còn giam cầm ở sau ngục, đày đọa nó phải chịu trăm bề cực khổ.
Thiếu Hoa nói:
- Con người gian ác như hắn, dầu có khổ nhục đến đâu cũng chưa đáng tội, chỉ thương thay cho Mạnh Lệ Quân , bởi nhà ta mà phải gieo ngọc trầm châu.
Doãn Phu nhơn nói:
- Sau này con có lập được công danh thì hãy tâu với triều đình truy tặng cho nàng để đền đáp lại tấm lòng tiết liệt ấy.
Thiếu Hoa than thở:
- Sự tiết nghĩa của nàng đối với con, dù cho non mòn biển cạn, con cũng chẳng khi nào dám quên ơn.
Mẹ con chuyện vãn mãi đến hết canh tư mới tắt đèn an giấc.
Hôm sau, Thiếu Hoa cùng Hùng Hiệu ra tụ nghĩa đường đàm đạo với Vệ Dõng Đạt. Một lát, lâu la dọn tiệc lên, ba người cùng nhau ăn uống chuyện trò vui vẻ.
Vệ Dõng Đạt hỏi:
- Chẳng hay nhị vị định đi đâu bây giờ?
Thiếu Hoa đáp:
- Tôi muốn cải họ tên đặng xuống kinh kỳ xin đầu quân.
Vệ Dõng Đạt nói:
- Tôi có nghe triều đình treo bảng cầu hiền, muốn xuống kinh sư đầu quân nhưng lại sợ triều đình đã không bằng lòng dung nạp lại bắt tội nữa thì nguy. Vậy nếu nhị vị xuống kinh có lập được công danh, xin hãy tâu cùng thiên tử xá tội và cho tôi làm tiền bộ tiên phong, để lãnh binh đi dẹp giặc thì tôi cảm đội ơn nhị vị vô cùng!
Thiếu Hoa và Hùng Hiệu đồng thanh đáp:
- Hiền huynh đã hết lòng trọng đãi phu nhơn và tiểu thơ bấy lâu nay, cái ơn ấy rất cao dày. Nếu chúng tôi đi chuyến này may ra có lập được công danh, thế nào cũng thân tấu với triều đình để bảo cử hiền huynh có điều kiện trổ tài với thiên hạ.
Vệ Dõng Đạt nghe nói mừng rỡ, nói với Thiếu Hoa:
- Hiện nay Lưu Khuê Bích bị tôi bắt được đang giam cầm sau hậu lao, hắn chính là kẻ đại cừu của công tử, chẳng hay công tử muốn trông thấy mặt hắn không?
Thiếu Hoa nói:
- Khi hôm thân mẫu tôi có thuật chuyện ấy cho tôi nghe rồi, nhưng nếu bây giờ Đại vương sẵn lòng cho tôi gặp hắn, tôi cảm ơn lắm.
Vệ Dõng Đạt bèn truyền lâu la dẫn Lưu Khuê Bích ra. Thiếu Hoa trông thấy Khuê Bích đầu tóc rối bù như ổ quạ, mặt mũi lọ lem, hai tay bị xiềng tréo ra sau, thân hình tiều tụy trông rất thảm hại. Thiếu Hoa vốn con người đại độ nên thấy vậy động lòng thương xót, bèn nói với Khuê Bích:
- Thật tội nghiệp ngô huynh chất chứa tấm lòng sâu độc cho nên ngày nay phải chịu cực khổ đọa đày như vầy!
Từ ngày Khuê Bích bị giam cầm tới nay, ngày đêm ngồi trong ngục tối đen không trông thấy mặt trời, mặt trăng khổ sở vô cùng. Nay thình lình gặp Hoàng Phủ Thiếu Hoa, lại thấy Thiếu Hoa không tỏ thái độ giận dữ thì mừng lắm, quên hết những điều xấu hổ. Khuê Bích nhìn Thiếu Hoa than thở:
- Hiền huynh ơi, ! Xin hiền huynh cứu tôi phen này, tôi nguyện tri ân muôn thuở. Vả lại những chuyện xưa kia, như việc phát hỏa tại Tiểu Xuân đình thì lúc đấy tôi cùng thân mẫu mắc qua nhà ngoại tổ mẫu nên chẳng rõ nguyên do. Còn như việc Hoàng Phủ Nguyên soái đi bình Phiên bị hại thì tôi đã có tư thư cho thân phụ tôi xin người bào chữa hộ cho Nguyên soái, ngặt vì quan Tuần phủ Sơn ông dâng biểu tâu quyết là Nguyên Soái đầu hàng giặc rồi dắt chúng về đánh phá Đăng Châu, vì thế triều đình mới kết án làm tội, thân phụ tôi hết sức tâu xin mà chẳng được. Đến việc tôi đi đánh Xuy Đài sơn đây là do nơi mạng lịnh của triều đình sai khiến chớ không phải tôi tự chuyện. Cái tờ cung trạng của tôi hôm trước đó là bởi tôi bị nghiêm hình đau đớn quá chịu không nổi nên phải khai liều. Xin hiền huynh chớ nên tin vào đó mà thù ghét tôi. Ôi! Tấm thân của tôi bị giam cầm trong lao tù bấy lâu nay khổ cực muôn phần, mong hiền huynh rũ lòng thương xót, tha cho tôi được trở về thấy mặt mẹ cha, thì cái ơn ấy tôi nguyện không bào giờ dám quên.
Nói dứt lời , Lưu Khuê Bích sụp lạy lia lịa, khóc lóc nỉ non.
Thiếu Hoa nói:
- Đó là tại ngô huynh se dây buộc mình. Hơn nữa ngô huynh vốn dạ hiểm ác, nếu tha về ắt sanh sự lôi thôi. Tôi thấy thân ngô huynh tôi cũng thương tình nhưng thật khó liệu quá.
Thiếu Hoa nói dứt lời liền quay lại bảo Vệ Dõng Đạt:
- Xin Đại vương hãy vì tôi mà tha hắn khỏi bị giam vào ngục tối và cho hắn được ra ngoài ở cho thong thả, đồng thời cho hắn ăn no mặc ấm tử tế.
Vệ Dõng Đạt mỉm cười , nói:
- Cồng Tử đã có lượng khoan hồng như vậy, chẳng lẽ tôi lại không vâng lời sao?
Nói rồi kêu lâu la dạy phải tuân theo lời yêu cầu của Hoàng Phủ Thiếu Hoa nhưng phải giữ gìn cẩn mật.
Lưu Khuê Bích mừng rỡ vô cùng, liền cúi lạy tạ Thiếu Hoa. Thiếu Hoa đỡ dậy an ủi đôi lời rồi bảo lâu la dắt ra sau tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo khác.
Từ đó, Lưu Khuê Bích được thảnh thơi hơn lúc trước. Khi Lưu Khuê Bích đi rồi, Vệ Dõng Đạt kêu đem rượu thịt rồi cùng với hai người ăn uống mãi tới trưa mới tan.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lui vào hậu trai từ biệt Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ, hẹn sáng hôm sau khởi hành đến kinh.
Doãn Phu nhơn nói:
- Con đến kinh lần này, nên gắng chí lập chút công danh, sau này may ra có cứu được thân phụ con về triều rồi, con nên cưới Vệ Dõng Nga làm vợ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Việc ấy xin thân mẫu chớ vội tính, để đến lúc đó sẽ hay.
Dứt lới, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lui ra tụ nghĩa đường gọi Lữ Trung vào bảo:
- Ta thấy ngươi độ rày già yếu lắm rồi, không biết có thể theo ta đến kinh được không?
Lữ Trung đáp:
- Dầu sao lão nô cũng ráng đi theo, chứ lẽ nào lại để công tử đi một mình sao tiện.
Vệ Dõng Đạt xen vào nói:
- Không được đâu. Tôi xem lão Lữ Trung nay già cả lắm rồi, hơn nữa nơi đất Bắc khí trời lạnh lẽo lắm chịu sao cho nổi. Thôi để tôi cho hai tên dõng sĩ tôi là Lý Mãnh và Đinh Tuyên đi theo hầu hạ công tử thì tiện hơn, vì hai tên này có sức mạnh phi thường, tánh tình lại trung hậu.
Dứt lời, Vệ Dõng Đạt cho gọi Lý Mãnh và Đinh Tuyên đến. Thiếu Hoa và Hùng Hiệu trông thấy hai người này tuổi còn trẻ lại thêm thân thể tráng kiện nên rất hài lòng.
Vệ Dõng Đạt nói với hai tên dõng sĩ:
- Hai ngươi hãy đi theo Hoàng Phủ Công tử và Hùng Hiệu tiên sanh này đến kinh . Hãy ráng hết sức hầu hạ hai người rồi sau này ta sẽ trọng thưởng.
Cả hai đều cúi dầu vâng lịnh lui ra.
Hôm sau Vệ Dõng Đạt lại thết tiệc tiễn hành. Thiếu Hoa vào từ biệt mẹ và chị lần chót rồi mới lên đường.
Trưởng Hoa Tiểu thơ nói:
- Nếu em đi chuyến này lập được công danh, lãnh binh đi dẹp giặc, chị cũng nguyện đi theo để góp sức cùng em cứu phụ thân về triều.
Thiếu Hoa nghe chị nói lắc đầu đáp:
- Không nên đâu, chị là phận gái em thân ra chốn chiến trường sao cho tiện! Hơn nữa cuộc giao chiến với bọn giặc Phiên này phải xông pha trên mặt biển, vượt qua sóng gió dữ dội chứ không phải như những cuộc chiến tranh tầm thường trên đất liền đâu.
Trưởng Hoa Tiểu thơ đáp:
- Chị đã nguyện một lòng hiếu thuận thì sóng gió đối với chị có nghĩa gì đâu. Hiền đệ chớ lo, hễ khi thành công rồi, hãy tâu với triều đình xin dùm cho chị đi với.
Thiếu Hoa gật đầu vưng lịnh rồi quay qua nói với Doãn Phu nhơn :
- Năm nay Lữ Trung đã già yếu quá, đi đường thấy bất tiện, vậy con xin để lão ở lại đây hầu hạ thân mẫu.
Doãn Phu nhơn y lời, Thiếu Hoa bái biệt lui ra rồi cùng với Hùng Hiệu dắt Đinh Tuyên, Lý Mãnh lên ngựa buông cương giục vó, nhắm kinh kỳ thẳng tiến.
Vệ Dõng Đạt cũng theo tiễn chân một đỗi xa, rồi nói với Thiếu Hoa:
- Công tử đi chuyến này, nếu có lập được công danh, hãy nhớ tâu với triều đình cho tôi được tùng chinh chuộc tội nhé.
Thiếu Hoa nói:
- Cả nhà tôi mang ơn Đại vương rất nhiều, nay Đại vương sở cậy có một điều, lẽ nào tôi dám quên.
Vệ Dõng Đạt mừng rỡ tỏ lời từ giã rồi quay ngựa trở lại, còn Thiếu Hoa, Hùng Hiệu và hai tên dõng sĩ phi ngựa đi nhanh.
Khi đến Bắc Kinh, Hùng Hiệu và Thiếu Hoa vào quán mướn một căn phòng rộng rãi an nghĩ, đoạn viết đơn xin đầu quân.
Đơn viết xong, hai người tìm vào dinh Binh bộ dâng nạp rồi lui về quán trọ nghỉ ngơi để chờ ngày khảo thí.
Ngày kia, Lệ Minh Đường ngồi suy nghĩ:
-“ Không biết hiện giờ Hoàng Phủ Thiếu Hoa ở đâu và đã đến ghi tên ứng thí chưa?”
Nghĩ rồi vội truyền gia tướng đem danh sách đến xem, Lệ Minh Đường xem đến tên Vương Thiếu Phủ hiệu là Tùng Hoa thì trong lòng nghi hoặc, đoán chắc Hoàng Phủ Thiếu Hoa thay tên đổi họ đến rồi, bèn cầm quyển danh sách vào nói với Tố Hoa:
- Trong danh sách có tên Vương Thiếu Phủ tự là Tùng Hoa, em nghi người này chắc là Hoàng Phủ Công tử đấy.
Tố Hoa hỏi :
- Vì sao tiểu thơ lại dám quả quyết chắc như vậy ?
Lệ Minh Đường nói :
- Chị cứ suy nghĩ kỹ thì rõ ngay. Tên Vương Thiếu Phủ Tùng Hoa, nếu bỏ chữ Tùng ra thì còn lại Vương Thiếu Hoa chớ còn gì nữa. Hơn nữa người này năm nay mười tám tuổi thì quả chắc rồi. Người lại cùng đi với tên Hùng Hiệu, một vị Võ Cử nhơn quê ở Bình Giang thì chắc người này cũng là trang hào kiệt đấy.
Tố Hoa nói:
- Tiểu thơ suy đoán như vậy cũng có lý, nhưng để đến ngày khảo thí trông thấy mặt mới dám chắc được.
Thời giờ trôi nhanh quá, chẳng mấy chốc đã đến kỷ khảo thí. Trước ngày khảo thí , nhằm hôm vua Thành Tôn lâm triều, Lệ Minh Đường quì tâu:
- Năm trước hạ thần vâng chỉ bệ hạ chiêu mộ anh hùng, định đến ngày mùng một năm nay thì sẽ mở hội kháo thí. Vậy nay đã gần đến ngày rồi, xin bệ hạ cử một vị Đại Tổng tài đặng đứng ra chủ trương việc khảo thí.
Vua Thành Tôn phán:
- Việc này do khanh đề xướng ra, hơn nữa võ quan thuộc về ty Binh bộ , cần gì phải cử ai làm chi? Khanh cứ việc lấy tư cách Binh bộ Thượng thơ làm Đại Tổng tài cũng được.
Lệ Minh Đường nghe nói, lòng mừng khấp khởi, nhưng muốn cho minh bạch hơn nên quì xuống tâu tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ, việc khảo thí này cần phải cho thật công bình mới có thể chọn nhơn tài xuất chúng được; thần e một người làm Đại Tổng tài có thể sơ suất chăng. Xin bệ hạ hãy cử thêm vài vị đại thần nữa đứng ra góp ý lựa chọn, mới có thể làm hài lòng sĩ tử bốn phương.
Vua Thành Tôn gật đầu khen:
- Khanh tâu rất chí lý, vậy để trẫm chọn thêm vài người nữa để ra làm giám thị cùng khanh.
Dứt lời, vua Thành Tôn triệu quan Chánh tư là Thượng Nghị Tiên và quan Đô sát Ngự sử là Du Tái Vật đến dạy:
- Nay trẫm cử nhị khanh làm chức giám thị đặng góp ý cùng Lệ Binh bộ tuyển chọn nhơn tài trong việc khảo thí này. Nhị khanh hãy hết lòng với trẫm để cho việc cả sau này được thành công.
Hai người tạ ơn rồi lui ra nói với Lệ Minh Đường:
- Việc này do đại nhơn làm chủ, vậy xin đại nhơn hãy đại diện công bố cho tử sĩ biết, rồi đến ngày ấy chúng tôi sẽ đến thí trường giám thị với đại nhơn.
Lệ Minh Đường tạ ơn rồi lên kiệu thẳng về trướng phủ. Đến nơi, lập tức truyền biểu thị cho sĩ tử bốn phương biết: vào lúc sáng sớm ngày mồng một tháng hai này, các sĩ tử nào có danh sách ứng thí phải mang cung tên đến thí trường ứng khảo.
Lệnh ban ra , ai nấy đều chuẩn bị sẵn sàng. Hôm ấy Thiếu Hoa và Hùng Hiệu thức dậy vào lúc canh năm, khăn áo chỉnh tề, lên ngựa, dắt Đinh Tuyên và Lý Mãnh đến thí trường.
Đến nơi, hai người xuống ngựa, giao cho Đinh Lý giữ rồi bước vào nhà diễn võ ngồi chờ đợi.
Lúc ấy trời vừa rạng đông, nhưng hai quan phó chủ khảo đã có mặt tại đó rồi. Trời vừa sáng tỏ, bỗng nghe ba tiếng pháo nổ vang, tiếp theo là một hồi trống dài. Một tên quân chạy vào báo với Du Tái vật và Thượng Nghị Tiên:
- Bẩm có quan Chánh chủ khảo đã đến.
Hai người nghe nói vội vã bước ra nghinh tiếp vào. Sau khi ba người an tọa, Lệ Minh đường nói với nhị vị phó chủ khảo:
- Theo ý kiến của nhị vị thì nên định cách thi như thế nào?
Thượng Nghị Tiên và Du tái Vật nói:
- Việc khảo thí này đều tùy thuộc vào Ty Binh bộ . Hơn nữa đại nhơn đã làm Chánh chủ khảo thì thể thức tuyển chọn do ở đại nhơn, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ theo đó mà làm thôi.
Lệ Minh Đường nghĩ thầm:
-“ Sĩ tử bốn phương về ứng thí quá đông làm thế nào khảo hạch cho chu toàn được, và nếu lược duyệt một số quá đông, thế nào cũng bị lầm. Chi bằng ta ra mtộ tiêu chuẩn thi cho thật khó để cho những kẻ bất tài chúng nhắm sức không kham nổi, lui bớt trước đi thì hay hơn.
Nghĩ vậy , Lệ Minh Đường kêu quan Chánh tư lại bảo:
- Việc giao chiến với địch quân trên mặt biển thì cần nhứt là nghề bắn, vậy nay ta định thi bắn trước, nếu ai bắn trúng hồng tâm được ba phát thì mới cho thi các môn võ nghệ khác. Rồi sau đó mới được vào nội trường để khảo hạch thao lược.
Quan chánh tư vâng lịnh lập tức sắp đặt chổ thi bắn rồi truyền dựng bia lên.
Lúc bấy giờ mặt trời đã mọc, trông vạn vật rất tỏ rõ. Hùng Hiệu nói với Thiếu Hoa:
- Tuy Công tử đẹp trai, nhưng so sánh cũng không bằng quan Chánh chủ khảo đáy. Ôi! Con người sao mà đẹp trai đến thế !
Thiếu Hoa nói :
- Làm thế nào tôi bì ông ta được! Một con người mới mười bảy tuổi mà liên trúng tam nguyên làm quan đến chức Binh bộ Thượng thơ quả là một bực thiên tài, tướng trên thế gian này ít kẻ bì kịp.
Hồi lâu , quan Chánh tư sắp đặt và dựng bia xong, người ta độ chừng từ chỗ đứng nhắm đến chỗ dựng bia xa khoảng hai trăm thước còn cái cung để cho các sĩ tử sử dùng nặng độ hai trăm cân .
Rồi quan Chánh tư trịnh trọng tuyên bố: Hễ ai bắn trật phát thứ nhất thì không được bắn phát thứ nhì, nếu trật phát thứ nhì coi như hỏng cả phát thứ ba. Vì vậy cuộc thi được nhanh chóng lắm.
Lệ Minh Đường ngồi xem mãi cho đến tối vẫn chưa thấy sĩ tử nào đậu cả, chỉ có một số ít người bắn trúng mũi thứ nhứt mà thôi, đến phát thứ hai , phát thứ ba thì sai lạc hết. Hai vị giám khảo kia thấy thế đều le lưỡi lắc đầu, Lệ Minh Đường lên kiệu trở về trướng phủ lên lầu nói với Tố Hoa:
- Ngày mai đây đã đến kỳ khảo thí sĩ tử tỉnh Hồ Quảng, nhưng em chẳng biết diện mạo Hoàng Phủ Công tử như thế nào thì biết làm sao giúp đỡ cho chàng.
Tố Hoa nói:
- Công tử Thiếu Hoa mình cao độ tám thưóc, khuôn mặt đầy đặn, nước da trắng ngà, mắt sáng như sao. Nếu tiểu thơ có ý xem kỹ thì nhận ra ngay.
Hôm sau Lệ Minh Đường đến võ trường khảo thí các tỉnh khác xong thì gọi đến sĩ tử tỉnh Hồ Quảng.
Hùng Hiệu vừa nghe gọi đến tên mình, liền dõng dạc bước ra quì đợi lịnh.
Lệ Minh Đường trông thấy Hùng Hiệu tướng mạo khôi ngô, oai phong lẫm liệt, trong lòng khen thầm, lên tiếng nói:
- Nhà ngươi đã thi đỗ võ Cử nhơn, nay đến đây ứng thí thì chắc là trang hào kiệt. Vậy ta có lời khuyên ngươi hãy cẩn thận trong lúc thi tiễn nhé!
Hùng Hiệu vâng lệnh bước ra, trương cung lắp tên bắn ra phát thứ nhứt . Tên vừa buông ra, đã thấy ghim đích tại hồng tâm, sĩ tử bốn phương đều vỗ tay khen rầm rộ.
Hùng Hiệu khoái chí bắn tiếp hai phát nữa đều trúng đích hồng tâm không sai một mảy may, ai nấy đều thán phục trang anh hùng hiếm có.
Hùng Hiệu bước ra đặt cung lại chỗ cũ, rồi lạy tạ và khiêm nhường nói:
- Tôi mong nhờ phước ấm của đại nhơn nên mới được trúng luôn ba phát.
Lệ Minh Đường vội vàng đỡ dậy nói:
- Đó là do tráng sĩ hữu tài , chứ tôi đây có đức chi. Rồi đây tôi và tráng sĩ sẽ là bạn đồng liêu, xin đừng thủ lễ quá đáng.
Hùng Hiệu xá một cái rồi lui ra. Kế đó quan Chánh tư gọi đến tên Vương Thiếu Phủ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vàng bước ra cúi lạy . Lệ Minh Đường trông qua diện mạo thì quả đúng y như lời của Tố Hoa nói, nàng quả quyết người này là Hoàng Phủ thiếu Hoa rồi.
Lệ Minh Đường thầm thương xót:
“ Vợ chàng đây, đã vì chàng mà hao mòn biết bao tâm lực! Mãi đến hôm nay mới được gặp mặt, nhưng ta nỡ lòng nào để cho chàng lạy lục cho đành!”.
Lệ Minh Đường nghĩ vậy nên đứng dậy bảo:
- Vương Thiếu Phủ, thôi hãy ra thi bắn đi, chớ có thủ lễ làm gì.
Vương Thiếu Hoa lễ phép thưa:
- Xin đại nhơn cứ để tôi thi hành trọng lễ mới phải đạo .
Nói rồi cứ việc lạy tiếp khiến Lệ Minh Đường bối rối không biết liệu sao, nàng muốn bước tới đỡ dậy nhưng lại sợ vượt ra ngoài lễ giáo không nên, chỉ lấy tay khoát lia lịa và nói:
- Ta miễn lễ cho đó ! Ta trông thấy tướng mạo nhà ngươi đường đường chắc chắn là một trang anh hùng tuấn kiệt. Ta đây chỉ vì quốc gia đứng ra tuyển chọn nhân tài, chớ nên lạy lục như vậy, từ nay về sau ta miễn lễ luôn cho .
Vương Thiếu Thiếu Hoa thấy quan chánh chủ khảo có lòng trọng đãi mình, trong lòng mừng lắm, liền bước tới trương cung bắn luôn ba phát trúng đích hồng tâm, rồi xoay mình bắn trái lại ba phát nữa cũng trúng đích cả. Mọi người đứng xem vỗ tay reo to :
- Con người thần tiễn, dám chắc không ai có thể bì kịp!
Hai vị phó chủ khảo cũng khen vùi, Lệ Minh Đường lòng như nở hoa, nghĩ thầm:
- “ Thế là có thể chấm cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa đậu Trạng nguyên rồi! Chàng ta đã bắn ngược xuôi đều trúng đích cả thì chắc không ai bì kịp đâu!”
Rồi Lệ Minh Đường gọi Vương Thiếu Hoa đến khuyên bảo:
- Hảo hớn quả là tay thần tiển , vậy hãy ráng mà lấy cho được chức Trạng nguyên nhé!
Vương Thiếu Hoà cúi lạy và thưa:
- Nếu đại nhơn thương tình đề bạt cho thì ơn ấy ngàn đời không dám quên.
Lệ Minh Đường nói:
- Khi nãy ta đã dặn trước rồi, sao ngươi còn thủ lễ mãi như vậy?
Vương Thiếu Hoa vẫn một mực khiêm nhường:
- Dạ, tôi đâu dám!
Rồi Vương Thiếu Phủ bái tạ lui ra, cùng Hùng Hiệu, trở về quán ngụ.
Lệ Minh Đường trở về phủ, vỗ vai Tố Hoa nói:
- Vương Thiếu Phủ quả thiệt là Hoàng Phủ Thiếu Hoa rồi. Em nhìn kỹ tướng mạo, y như lời chị đã nói.
Rồi Lệ Minh Đường thuật hết chuyện thi tiễn ngày hôm ấy cho Tố Hoa nghe và nói:
- Lúc Hoàng Phủ Công tử vào lạy em, thật trình lòng em xốn xang quá, nhưng không biết làm sao cả. Còn Hùng Hiệu cũng là một bậc anh tài thật xứng đáng làm bạn vời Hoàng Phủ Công tử, nếu kỳ thi tuyển này mà em chấm hai người ấy đậu cao nhứt thì cũng không phải là bất công vậy.
Tố Hoa nghe nói cũng vui mừng không xiết. Hai ngưòi bàn luận vui cười mãi đến khuya mới tắt đèn an giấc.
Lời bình:
- Lưu Bích Khuê là kẻ đại cừu của Hoàng Phủ Thiếu Hoa, vì chỉ một tay hắn đã làm cho gia đình họ Hoàng Phủ ly tan, cha xa con, vợ xa chồng. Người ta có thể nghĩ rằng với mối thù không đội mới hả giận. Trong hoàn cảnh Khuê Bích bị cầm tù tại Xuy Đài sơn, chẳng những Thiếu Hoa đã không trả thù; lại đem lòng thương hại, bao dung , cố xin Vệ Dõng Đạt nên đối xử tử tế với Lưu Khuê Bích . Thái độ ấy thật là trượng phu, quân tử.
Lấy tình nhân ái đối xử với mọi người , thật hiếm có trong xã hội !
- Lưu Khuê Bích điển hình cho kẻ độc ác gian tà. Khi có quyền cao chức trọng thì vênh vang tự đắc, chỉ chuyên dùng quyền lực của mình để lung lạc kẻ khác. Hắn quan niệm rằng hễ giai cấp hoàng tộc thì có thể thực hiện bất cứ một việc gì mình muốn, cho nên phần đông những hạng này thường đi tìm những sự vui sướng trên sự đau thương của kẻ khác và làm giàu trên sự nghèo đói của toàn dân. Thế mà gặp lúc sa cơ thất thế , quyền lực bị tiêu ma, thì khúm núm cúi lòn cầu xin sự sống còn với bất cứ giá nào. Thật đáng khinh bỉ thay!
- Ai còn lạ lùng gì chế độ phong kiến thời bấy giờ làm việc có việc tuyển người một cách bình đẳng như vậy? Kẻ được tuyển dụng vào triều đình phải là giai cấp quí tộc giàu có, còn những hạng cùng dân mạt sĩ dù có khăn gói lều chõng suốt đời cũng khó mà lọt vào trường thi hội. Sỡ dĩ trước kia Lệ Minh Đường được vào kinh trúng tuyển Trạng nguyên là nhờ số bạc kếch sù của Khương Nhược Sơn nạp vào mới được. Nay Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã là kẻ tội phạm đang bị truy nã mà có thể vào kinh ứng thí được , quả là một trường hợp hi hữu đối với thời ấy. Vì vậy Lệ Minh Đường phải là đại ân nhân của chàng, trách chi chàng chẳng thủ lễ theo tình sư đệ là phải