Hồi Thứ Hai
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Hôm sau, chúa Thổ Phiên Ngột Tòng Đào định đích thân dẫn binh ra trận, bỗng thấy Xích Phong Bất Hoa quì tâu:
- Hà tất chúa công phải thân chinh làm chi cho nhọc sức? Thiết tưởng một mình hạ thần cũng đủ sức tiêu diệt chúng rồi.
Ngột Tòng Đào nói:
- Cần phải có ta xuất trận tướng sĩ mới chịu hết lòng, Nguyên soái chớ nên khinh địch.
Ngột Tòng Đào nói rồi mang giáp lên ngựa kéo binh xông ra khỏi trại thì đã thấy quân Nguyên kéo đến sắp đặt hàng ngũ đâu ra đó chỉnh tề rồi.
Sau khi một tiếng pháo nổ vang, binh Nguyên bỗng rẽ ra làm hai, từ phía sau xông ra một viên đại tuớng, mình mặc chiến bào, cỡi con bạch mã, tay cầm giáo, bên tả đeo cung, bên hữu mang tên, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm. Phía sau lại có trương cây cờ lớn đề một hàng chữ “Võ Trạng nguyên Đô đốc Đại Nguyên soái Hoàng Phủ”.
Xích Phong Bất Hoa thấy thế giục ngựa lướt tới gằn giọng hỏi:
- Ngươi có phải là Hoàng Phủ Kính không?
Hoàng Phủ Kính gật đầu:
- Phải, còn ngươi là ai, xưng rõ tên họ trước khi dâng đầu cho ta.
Xích Phong Bất Hoa giận dữ vỡ ngực đáp:
- Xích Phong Bất Hoa Đại tướng là ta đây, tài cán ngươi bao nhiêu dám múa rìu qua mắt thợ.
Nói chưa kịp dứt lời, Xích Phong Bất Hoa đã vung kiếm đâm thẳng vào mặt Hoàng Phủ Kính, Hoàng Phủ Kính vung giáo đỡ vẹt ra rồi hai người đánh vùi với nhau chưa đầy vài hiệp đã nghe một tiếng pháo nổ vang. Bên tả Phùng Nhựt Thăng, bên hữu Thi Tổ Vinh xua quân đánh nhầu ra một lượt. Quân Phiên bị đánh bất thình lình, hoảng hốt bỏ chạy tán loạn.
Xích Phong Bất Hoa cảm thấy sức mình không thể cự nổi Hoàng Phủ Kính, lại thấy quân ình cả loạn nên đâm bậy một kích rồi quày ngựa chạy dài.
Lúc ấy, Ngột Tòng Đào lại hay tin lương thảo của mình bị quân Nguyên thiêu hủy hết, thất kinh quày ngựa bỏ chạy. Hoàng Phủ Kính xua quân đuổi theo đến mười dặm mới đánh trống đắc thắng thâu quân trở về.
Về đến trại, Nguyên soái Hoàng Phủ Kính truyền quân sĩ nấu cơm ăn no nê, đặng chờ cho trời tối đi đánh tiếp một trận nữa.
Hoàng hôn vừa phủ xuống, Hoàng Phủ Kính đã phân công cho Phùng Nhựt Thăng đem binh đánh vào phía tả, Thi Tổ Vinh đánh vào phía hữu, còn mình thì bản thân dẫn đại binh đánh thẳng vào đại dinh của Thổ Phiên.
Lịnh truyền ra, quân sĩ rần rộ kéo đi như vũ bão.
Khi Ngột Tòng Đào chạy về đến dinh trại kiểm điểm lại binh tuớng thì thấy chết mất một đại tướng là Hàn Khởi, còn binh mã hao mấy ngàn, quân bị thương không biết bao nhiêu mà kể.
Ngột Tòng Đào mười phần buồn bực, một mình chong ngọn đèn lo lập mưu kế để chống lại quân Nguyên. Qua đến canh ba, bỗng bên ngoài dinh nổ lên một tiếng pháo long trời, rồi quân Nguyên từ ba mặt la ó vang trời dậy đất đánh rốc vào một lượt.
Ngột Tòng Đào và Xích Phong Bất Hoa đều thất kinh, vội vã mang giáp lên ngựa xông ra.
Nhờ có ánh lửa soi sáng, Xích Phong Bất Hoa trông thấy Hoàng Phủ Kính đang đứng trong trận điều khiển quân sĩ, nên vội xông nhào tới. Tướng Nguyên là Trần Thượng Cử thấy vậy vội vung giáo đón Bất Hoa lại giao chiến.
Lúc bấy giờ hai cánh quân của Phùng Nhựt Thăng và Thi Tổ Vinh từ hai bên đánh vào rát quá, khiến Xích Phong Bất Hoa cảm thấy lính quýnh, bị Hoàng Phủ Kính lướt tới đâm một giáo trúng ngay yến hầu té nhào xuống ngựa chết tốt. Tướng Phiên Hình Thăng thấy vậy lòng nóng như lửa đốt vung đại đao xông vào, bị Trần Thượng Cử đâm một giáo thủng tới sau lưng rồi vít ra xa lắc. Hoàng Phủ Kính khiến quân cắt lấy thủ cấp hai tướng Phiên rồi đốc quân ùa vào chém giết binh Phiên thây nằm chật đất, máu chảy thành sông. Binh Thổ Phiên thất kinh hồn vía vỡ chạy, quân Nguyên rượt theo đến hai mươi dặm mới chịu trở lại.
Sau trận đại thắng, Hoàng Phủ Kính truyền mở tiệc khao thưởng, cho tướng sĩ nghỉ ba ngày để dưỡng sức rồi sẽ ra binh.
Trận ấy Ngột Tòng Đào chạy xa đến ba mươi dặm mới dừng chân; sau khi kiểm điểm đám tàn binh thì thấy quân mình hao hơn phân nửa, lại bị mất Nguyên soái Xích Phong Bất Hoa cùng rất nhiều đại tướng.
Ngột Tòng Đào rơi lụy than:
“Ta không ngờ Hoàng Phủ Kính tài giỏi đến thế. Ta đã thua tiếp hai trận, tinh thần binh tướng đã nhược, biết tính sao đây?”
Thừa tướng Cát Siêu Nhân tâu:
- Tôi còn sợ Hoàng Phủ Kính có thể thừa thắng đem quân nã ta nữa, mà hiện giờ binh tướng ta đã mất tinh thần rồi, làm thế nào có thể chống cự nổi. Chi bằng sai sứ đến cầu hòa, lập kế hoãn binh rồi ngày sau sẽ liệu.
Ngột Tòng Đào khen phải, viết một hàng thư đổ lỗi cho Xích Phong Bất Hoa, đoạn sai Thổ Kim Tinh mang đến dinh Nguyên xin hàng.
Thổ Kim Tinh lãnh thư đi thẳng đến dinh Nguyên xin vào ra mắt để dâng hàng thư, quân sĩ chạy vào báo, Hoàng Phủ Kính truyền cho vào. Thổ Kim Tinh vào khép nép quì bẩm:
- Chỉ vì Chúa công tôi nghe lời Xích Phong Bất Hoa nên mới đem binh xâm phạm Thiên triều, nay Xích Phong Bất Hoa tử trận, chúa công đã biết ăn năn tự hối nên sai tôi mang hàng thư kính dân lên Nguyên soái, mong Nguyên soái rộng lòng dung cho chúa tôi một phen, chúa tôi về nước sẽ mang lễ vật sang dâng nạp và đầu hàng.
Thổ Kim Tinh nói dứt lời, hai tay dâng bức hàng thư lên, Hoàng Phủ Kính tiếp lấy giở ra xem rồi gật đầu bảo:
- Được rồi, ta cũng lấy lòng quảng đại dung thứ cho chúa ngươi, nhưng ta hạn cho trong vòng một tháng phải mang đồ cống lẽ sang, bằng bê trễ ta sẽ cử binh sang gia phạt.
Thổ Kim Tinh bái tạ, lui về báo lại vớii Ngột Tòng Đào. Ngột Tòng Đào mừng rỡ vội truyền quân nhổ trại kéo về nước, Hoàng Phủ Kính cũng thâu binh hồi thành rồi viết biểu sai người mang về trào báo tiệp.
Độ nửa tháng sau đã thấy Ngột Tòng Đào sai Thổ Kim Tinh mang đồ cống lễ sang, Hoàng Phủ Kính liền sai Phùng Nhựt Thăng đưa Thổ Kim Tinh đến kinh cho tướng Phiên bái yến Thiên tử.
Thổ Kim Tinh vào triều bái tung hô rồi dâng lên nhiều ngọc ngà châu báu, vua Thế Tổ nhà Nguyên mừng rỡ phán:
- Đã hai lần Hoàng Phủ Kính bình phục được Thổ Phiên. Trẫm muốn triệu va rút quân về triều, chẳng hay các khanh nghĩ sao?
Hữu Thừa tướng Kỳ Thạnh Đức bước ra tâu:
- Bệ hạ mới lên ngôi cửu ngũ, lòng dân chưa được yên ổn cho lắm, vả lại chỗ Vân Nam là nơi trọng trấn, cần phải để cho Hoàng Phủ Kính trấn giữ luôn tại Vân Nam mới được.
Nguyên Thế Tổ khen phải rồi lập tức hạ chỉ phong cho Hoàng Phủ Kính làm Đô đốc Vân Nam Binh mã Đại Nguyên soái để trấn giữ mãi mãi ở Vân Nam.
Tiếp đặng thánh chỉ, Hoàng Phủ Kính sai Tổng binh Trần Thượng Cử đem bớt binh mã về kinh, đồng thời rước gia quyến ra Vân Nam.
Từ đó vị Nguyên soái họ Hoàng trấn thủ Vân Nam hết lòng dạy dỗ dân tình và siêng năng hết mực, đem lại thái bình cho dân trong tỉnh.
Nhân lúc nhàn hạ, ông lo dạy dỗ hai con. Ngày giờ thấm thoát thoi đưa, chẳng bao lâu Trưởng Hoa và Thiếu Hoa tuôi đang đôi mươi, hai chị em nhờ trí thông minh nên tuy tuổi còn nhỏ mà nghề văn nghiệp võ thảy đều lão luyện. Ngày kia hai chị em trò chuyện với nhau, Trưởng Hoa nói:
- Chị đây là gái, dù có giỏi văn thơ gẫm chẳng ích chi, nên chị muốn lo việc nữ công và theo thân phụ học thêm võ nghệ để giữ mình. Còn phần hiền đệ thì nên chăm lo đèn sách để sau này lập thân.
Thiếu Hoa nói:
- Chị nói vậy sao phải. Vả chăng chúng ta là con nhà võ tướng, trước khi thân phụ mới mười tám tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên, thế thì em phải luyện võ nghệ để nối gót theo người chớ.
Trưởng Hoa suy gẫm rồi gật đầu khen phải. Sua đó hai chị em bày tỏ chí hướng mình cho Hòang Phủ Kính nghe. Hòang Phủ Kính thấy con mình có chí hiếu học nên mừng rỗ vô cùng bè nói với Trưởng Hoa:
- Tuy con là hạng quần thoa nhi nữ, song con có sức mạnh, lại có khiếu về võ thuật, nếu con dốc lòng luyện tập võ nghệ chắc mai sau sẽ trở nên một nữ tướng hữ dụng cho quốc gia đấy.
Rồi từ đấy hai chị em bắt đầu tập cỡi ngựa bắn cung và thao luyện võ nghệ, không một giờ phút nào xao lãng. Đến khi hai chị em lên mười lăm tuổi cả hai võ nghệ đều tinh thông. Bắn cung bá phát bá trúng, thương pháp xuất quỷ nhập thần.
Hòang Phủ Kính thường khoe với phu nhơn:
- Phải chi triều đình cho con gái vào thi thì chắc Trưởng Hoa Tiểu thơ của chúng ta đây đỗ Trạng nguyên đấy chớ chẳng phải chơi.
Dõan Phu nhơn nói:
- Nếu như lời giới thiệu của phu quân thì nhà ta hữu phước biết bao, nhưng hiện nay chúng nó đã trưởng thành mà việc nhơn duyên chưa định đôi nơi nào, thật tôi lấy làm lo lắng.
Hòang Phủ Kính nói:
- Việc ấy phu nhơn hãy an tâm, vì khi sanh Trưởng Hoa đã có điềm hào quang chói rạng, hương thơm ngào ngạt, tất nhiên tướng mạng nó sau này sẽ được đại phú, đại quí. Phàm trời đã sanh ra kỳ nữ bao giờ cũng đã định sẵn nhơn duyên rồi, ta chớ nên vội vã.
Phu nhơn nói:
- Việc con gái thì mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, phó mặc cho trời đã đành, còn việc con trai thì phải liệu sao đây?
Hòang Phủ Kính nói:
- Tuy phước mạng công tử không sánh nổi với tiểu thơ song cũng không phải là hạng tầm thường, tôi đã để ý một nơi xứng đáng rồi.
Phu nhơn hỏi vội:
- Chẳng hay phu quân định chọn nơi nào cho con vậy?
Hòang Phủ Kính đáp:
- Quan Binh bộ Thượng thơ Mạnh Sĩ Nguyên có một người con gái tên Mạnh Lệ Quân, năm nay mới mười lăm tuổi, tài mạo kiêm tòan thật xứng đáng là dâu nhà ta.
Phu nhơn nghe nói lấy làm đẹp dạ, liền hối thúc:
- Nếu Mạnh Thượng thơ có con gái tài mạo như thế thì ta nên cậy người đến cầu thân kẻo lỡ cơ hội thì uổng lắm.
Hòang Phủ Kính khen phải, liền viết thư cậy quan Bố chánh là Tần Thừa Ân đến xin cầu hôn.
Xin nói qua Mạnh Sĩ Nguyên vốn người huyện Côn Minh tỉnh Vân Nam, lúc mười bảy tuổi đã thi đỗ Võ khoa Tấn sĩ, về sau được thăng đến chức Binh bộ Thượng thơ, vợ là Hàn thị đến năm bốn mươi tuổi mới sanh được hai người con. Người con trai lớn tên Mạnh Gia Linh và một người con gái nhỏ tên Mạnh Lệ Quân. Mạnh Gia Linh khi mới lên mười một tuổi cũng thi đổ Võ khoa Tấn sĩ, được bổ làm quan ở Hàn lâm viện, vợ y là Phương thị cũng con nhà võ tướng.
Vừa rồi bà thân mẫu của quan Binh bộ Mạnh Sĩ Nguyên qua đời, nên cả hai cha con đều cáo quan về thọ tang, có lẽ nay hạn tang đã mãn, nhưng hai cha con còn ở nhà chưa đến kinh.
Bây giờ xin nhắc lại lúc Hàn Phu nhơn mang thai Mạnh Lệ Quân đã đi tìm mướn được một người vú rất chân thật để khi sanh ra người ấy nuôi dưỡng.
Thuở ấy, tại huyện Côn Minh có nàng Đỗ thị, lúc nhỏ theo đòi nghiên bút và học tập nữ công, năm Đỗ thị lên mười lăm tuổi kết duyên với một kẻ hàn nho tên Tô Tín Nhơn, tự là Tiểu Tòan. Tô Tính Nhơn vốn chăm chỉ học hành, tháng ngày miệt mài kinh sử, nhưng số phận đen bạc nên không lập được công danh, chỉ trông cậy vào một tay Đỗ Thị hẩm hút cháo rau cho qua ngày tháng.
Năm Đỗ thị được hai mươi lăm tuổi thì có thai. Một đêm nằm mộng thấy người đàn bà mặc áo đỏ dắt theo một nàng tiên nữ đến bảo Đỗ thị:
- Tuy chồng ngươi cố công đèn sách song không có phần khoa danh, lại không được hưởng dương trường thọ. Nay ta đưa Bỉnh Khuê Nữ này đến đầu thai làm con gái nhà ngươi, để sau này ngươi được cậy nhờ sung sướng.
Đỗ thị tỉnh giấc chiêm bao sanh đặng một người con gái vô cùng xinh đẹp, đặt tên là Tô Yến Tuyết. Đỗ thị biết chắc sau này con mình thế nào cũng được vinh hoa phú quí nên cố sức nuôi dưỡng.
Qua năm sau Tô Tín Nhơn thọ bịnh qua đời; Đỗ thị quyết một lòng thủ tiết thờ chồng nên tìm nơi xin làm nhũ mẫu để có điều kiện dưỡng nuôi con trẻ.
Lời Bình:
Ngột Tòng Đào đã biết Hoàng Phủ Kính một tay lợi hại nên rút quân đóng dinh cố thủ, thế mà khi Hoàng Phủ Kính đem binh đến nơi lại không điều tra thám thính, để cho Hoàng Phủ Kính phục kích không hay, còn nghe lời Xích Phong Bất Hoa khinh thường Hoàng Phủ Kính thì đại bại là đáng lắm. Phàm việc binh gia, đã không tìm hiểu để biết tình hình giữa ta và địch, lại còn khinh địch thì không đời nào thắng nổi.
Các bà phu nhơn thời bấy giờ, khi đặt thai vào dạ đã phải lo đi tìm người vú nuôi, vì đó là một việc làm rất quan trọng. Chẳng những phải tìm một người có sức khỏe để có sữa tốt để cho con mình mau lớn mà thôi, còn phải lựa người tánh tình nhơn hậu, lễ phép đoan trang, vì đứa bé lớn khôn gần gũi bà vú nhiều nhất, nếu bà vú hư thân mất nết, tất nhiên con mình cũng thế, vì vậy tuyển chọn một người vú nuôi cũng khó khăn như tuyển một người vợ hiền vậy.
Nàng Đỗ thị quả là hạng đàn bà tảo tần, đủ sức cáng đáng việc tề gia nội trợ, có vậy bà mới có thể một tay làm nuôi ông chồng ăn học miệt mài kinh sử, nhưng không may chồng qua đời, tuổi nàng còn đang độ xuân xanh, mặc dầu nàng thủ tiết thờ chồng, nhưng đã dễ gì ở vậy được? Người ta thường bảo “gái không trai dỗ lâu buồn cũng xiêu”. Nàng Đỗ thị có đủ tài làm nuôi chồng ăn học tất nhiên nàng cũng đủ sức nuôi con chứ? Song nàng biết mình không thể sống trong hòan cảnh côn đơn này trong lúc con ong cái bướm bay dập dìu trước cửa như thế được.
Vì vậy việc nàng đi ở vú cho vị Binh bộ Thượng thơ họ Mạnh không phải nàng đi tìm miếng cơm manh áo mà chính nàng đi tìm chỗ dung thân để có điều kiện thủ tiết thờ chồng nuôi con. Thế thì Mạnh Sĩ Nguyên kính trọng nàng, lại truyền cho gia quyến không ai được khinh nàng là phải lắm.