Hồi Thứ Mười Một
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thần Võ Đạo Nhơn bắt được Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán rồi, liền hạ lịnh thâu binh trở lại.
Ô Tất Khải nói:
- Đã đắc thắng như vậy sao Quân sư không xua binh đuổi theo giết cho tận tuyệt địch quân, lại thâu binh về làm gì mà vội thế?
Thần Võ Đạo nhơn mỉm cười nói:
- Ta chỉ cần bắt cho được Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán là hai tướng lợi hại mà thôi, chứ còn chúng quân ấy như cỏ rác, giết chúng làm gì?
Ô Tất Khải nghe nói khen phải rồi truyền quân sĩ dẫn Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán vào. Quân sĩ vâng lệnh ra lôi hai người vào ngay. Ô Tất Khải vừa trông thấy mặt hai kẻ thù, lửa giận sôi gan như muốn ăn tươi nuốt sống, nhưng Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán vẫn đứng hiên ngang nhìn đối phương bằng đôi mắt ngạo nghễ.
Ô Tất Khải quát lớn:
- Hoàng Phủ Kính, hôm qua ngươi đâm ta một kích đến nay lòng giận vẫn chưa nguôi, sao hôm nay ngươi bị bắt đến trước mặt ta lại cả gan không chịu quì? Ngươi tưởng lưỡi gươm ta chặt đầu ngươi không đứt sao?
Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán, cả hai đều quay lại xoe tròn những cặp mắt nẩy lửa, nhìn thẳng vào mặt Ô Tất Khải lớn tiếng mắng:
- Loài cẩu đầu! Chúng ta đây đều là đường đường thượng tướng của thiên trào, há lại đi quì lụy bọn mao trùng chúng bây sao? Nay đã bắt được ta, hãy đem chém ta đi, chớ có nhiều lời vô ích.
Ô Tất Khải nghe mấy lời, lửa giận phừng gan, liền hô quân sĩ đem ra hạ sát. Thần Võ Đạo nhơn khoa tay cản lại rồi nói với Hoàng Phủ Kính:
- Hai ngươi đều là bậc anh hùng hào kiệt, cần phải thức thời, chớ sao lại chịu cam tâm chết như vầy? Chi bằng qui thuận chúa ta, ngôi công hầu khanh tướng không mất, chúng ta cùng nhau hưởng phú quí vinh hoa, chẳng phải hay hơn sao?
Bằng một giọng ngạo nghễ, Hoàng Phủ Kính đáp:
- Đời nào ta lại chịu đầu hàng quân khuyển mã chúng bay? Hãy giết ta đi, đừng dụ hàng ta vô ích.
Ô Tất Khải lại càng giận dữ hơn nữa, liền hối quân đi hạ sát cho khuất mắt.
Vệ Hoán gằn giọng nói:
- Loài cẩu đầu, muốn giết chúng ta thì cứ giết cần chi phải gầm thét thịnh nộ? Phàm cái chết đối với kẻ trượng phu có nghĩa gì đâu?
Nói rồi, hai người ung dung bước thẳng ra trước mũi thuyền, có ý chờ chết, sắc mặt không chút biến đổi.
Thần Võ Đạo nhơn thấy thế, nói với Ô Tất Khải:
- Hai người này quả là tay võ dõng trên đời ít có, lại có khí phách anh hùng, nếu ta đem giết đi thì uổng quá. Chi bằng giải hết về Vương thành giam cầm đày đọa cho khổ sở, lâu ngày chầy tháng chịu không nổi phải qui hàng. Nếu hai người này mà về tay ta rồi, tất nhiên tình hình Nguyên trào ta biết hết, lại có người nội ứng thì muốn tóm thâu thiên hạ nhà Nguyên có khó gì?
Ô Tất Khải nói:
- Nếu được như vậy thì còn gì quí bằng, nhưng nếu chúng nhất quyết không chịu đầu hàng thì sao?
- Việc ấy Nguyên soái chớ lo. Một lẽ là đày đọa cho chúng khổ sở, một lẽ đối đãi rất tử tế, bề nào cũng thành công, nếu ta biết kiên trì chinh phục.
Nguyên soái Ô Tất Khải ngẫm nghĩ hồi lâu rồi khen lời bàn của Quân sư là chi lý, vội truyền quân mở trói cho hai người, đoạn bỏ vào tù xa áp giải về Vương thành.
Đường về kinh đô Phiên quốc xa ngàn dặm, quân giải sai chi làm tiền hậu đội, gươm giáo sáng ngời, yểm hộ tù xa vô cùng cẩn mật.
Hoàng Phủ Kính buồn rầu, ngồi trong tù xa, đêm ngày cứ nghĩ thầm:
“Nếu vợ con ta hay tin ta bị bắt rồi, chắc là buồn thảm vô cùng”.
Nghĩ đến đây, Hoàng Phủ Kính chợt mơ màng trông thấy một vị tiên nữ hiện đến mách bảo:
- Hoàng Phủ Kính, ta đây là Thần Hải nữ thấy ngươi có lòng trung nghĩa nên đến đây mách bảo cho ngươi biết rằng mạng số của ngươi phải bị mắc nạn ba năm, rồi sau đó con của ngươi đem binh đến cứu về triều. Đến lúc ấy gia đình mới được đoàn viên và hưởng phú quí đời đời. Ngươi cần phải bền chí kiên tâm, giữ vững lòng trung liệt, chớ nên sơ thất.
Hoàng Phủ Kính muốn lên tiếng hỏi, nhưng tiếng trống điểm canh vang lên làm giựt mình thức dậy, mới rõ là điềm chiêm bao.
Hoàng Phủ Kính lấy làm lạ, thuật lại cho Vệ Hoán nghe, Vệ Hoán nói:
- Cứ theo điềm thần tiên mách bảo, thì chắc sau này công tử và tiểu thơ sẽ cử binh đến cứu về.
Hoàng Phủ Kính lại nói:
- Chiêm bao mộng mị đã chắc gì là đúng, nhưng chúng ta là tôi trung thành vì nước, dù không ai mách bảo luôn luôn giữ lòng son sắt, há lại đi thay lòng đổi dạ sao?
Vệ Hoán khen phải. Từ đó hai người giữ tấm lòng son, tuy bị cực khổ mà không nao núng, chỉ trông mong đến ngày binh trào đình đến cứu thôi.
Nói về Tuần phủ Sơn Đông là Bành Như Trạch thấy Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán bị bắt rồi, bèn y theo kế Lưu Tiệp, lập tức dâng sớ về kinh vu cáo:
- Nay Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán đã đầu hàng quân giặc, dẫn đường cho giặc đến đánh phá Đăng Châu, tình thế mười phần nguy ngập.
Bành Như Trạch lại viết riêng một phong thư sai người tâm phúc báo tin cho Lưu Tiệp biết rằng mưu kết ấy mình đã thi hành.
Bữa ấy, vua Thành Tôn lâm triều tiếp đặng biểu văn xem xong, mặt mày biến sắc, bèn truyền nội giám trao biểu văn cho quan Trực nhựt học sĩ đọc to lên cho triều thần đồng nghe. Lúc ấy các vị trung thần nghe qua vô cùng ngờ vực, họ không thể tin được Hoàng Phủ Kính là một vị trung thần lại anh hùng nghĩa khí, hôm nay dù có sa cơ bị địch bắt thì thà người chịu chết chứ bao giờ lại chịu đầu hàng địch để liên lụy đến vợ con? Việc này chắc là quan Tuần phủ Sơn Đông âm mưu hại người rồi.
Vua Thành Tôn nghiêm giọng phán:
- Hoàng Phủ Kính thọ ơn triều đình lâu nay mà bỗng dưng lại đem lòng phản trắc đã đầu hàng quân giặc lại rước giặc về đánh phá thành trì, thật cái tội ấy khó dung.
Lưu Tiệp tiếp được mật thư của Bành Như Trạc trước đây mấy ngày nên biết trước rồi, nay nghe vua phán như vậy cũng làm ra bộ ngạc nhiên rồi bước ra quì tâu:
- Muôn tâu bệ hạ! Chỉ vì hạ thần trước kia đã tiến cử Hoàng Phủ Kính cho nên ngày nay mới sanh ra cớ sự như vầy. Xin bệ hạ giao cho triều thần nghị phạt hạ thần để răn người tiến cử bậy. Còn như cái tội của Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán đây thì xin bệ hạ hãy truyền bắt hết gia quyến của hai người đem về kinh hành phạt để làm gương cho kẻ khác.
Vua Thành Tôn phán:
- Quốc trượng tiến cử Hoàng Phủ Kính chỉ vì hết lòng với trẫm mà thôi, nếu đem trị tội Quốc trượng thì sau này ai dám ra tiến cử nữa? Vả chăng Hoàng Phủ Kính làm đến quan đại thần hưởng ơn vua lộc nước bấy lâu mà nay lại phản bội thì tội ấy đáng trừng trị cả toàn gia, còn Vệ Hoãn kia vốn là tên vô danh tiểu tướng cũng không nên hành phạt vợ con hắn làm chi.
Vua Thành Tôn phát dứt lời, lập tức truyền lệnh ch quan Hình bộ phải qua Giang Lăng đặng bắt cho hết toàn gia Hoàng Phủ Kính dẫn ngay về triều.
Quan Hình bộ quì tâu:
- Nay Đăng Châu đang lúc nguy cấp, xin thánh thượng hãy chọn tướng ra ngăn địch trước đã rồi hãy lo đi bắt gia quyến họ Hoàng.
Thành Tôn khen phải rồi giao cho quan Binh bộ lo triệu tập chư tướng tuyển người giỏi đi dẹp giặc. Quan Binh bộ vâng lịnh tuyển quan Trấn uy Đại tướng Dương Bỉnh Nghĩa.
Dương Bỉnh Nghĩa lãnh nhiệm vụ, vào quì trước kim giai, vua Thành Tôn hạ chỉ phong cho Bỉnh Nghĩa làm Đại Nguyên soái, thống lãnh ba muôn binh mã sang Đăng Châu ngăn địch.
Lúc bấy giờ trong triều đình có auan ngự sử Doãn Thượng Thanh tức là anh vợ của Hoàng Phủ Kính khi biết được tin ấy, trong lòng kinh hãi. Lúc bãi triều lật đật về thuật lại cho vợ là Trình Phu nhơn và con gái là Lan Đài nghe. Trình Phu nhơn nghe nói liều khuyên Doãn Thượng Khanh phải báo tin cho Doãn Phu nhơn biết đặng trốn thoát.
Doãn Thượng Khanh y lời, vội viết thư rồi cho gọi tên gia đinh tâm phúc vào bảo:
- Ngươi hãy lãnh thư này lập tức thẳng đến Giang Lăng báo thi cho Doãn Phu nhơn và Hoàng Phủ Công tử hay rằng: triều đình đã nghe lời gian thần nghi cho Hoàng Phủ Nguyên soái đầu hàng địch, nên chỉ sớm tối đây triều đình sẽ sai quân đến bắt cả gia quyến về kinh trị tội. Nhất thiết phu nhơn phải dắt công tử và tiểu thơ đi trốn gấp, kẻo Khâm sai đến thì tánh mạng khó bảo toàn.
Doãn Thượng Khanh còn căn dặn tên gia đinh:
- Còn ngươi đến đó nói xong phải lui ra ngoài gấp, tìm nơi trú ngụ, đợi cho khâm sai đến xem công việc ra thế nào rồi sẽ về báo tin cho ta biết.
Doãn Quí vâng lời vừa bước chân ra, thì Thượng Khanh lại gọi giật trở lại dặn thêm:
- Ngươi nên nhớ rằng khi đến đó báo tinh xong rồi phải lập tức lui ra, chớ nên nghỉ ngơi trong gia đình Hoàng Phủ mà mang hại, nghĩa là Khâm sai đến có thể tưởng ngươi là người nhà của Hoàng Phủ bắt luôn đi, tánh mạng ngươi đã không còn mà ta cũng bị liên lụy.
Doãn Quí vâng lời, lui ra tung mình lên ngựa phóng nước đại. Hắn đi suốt ngày đêm, nên chẳng bao lâu đã đến Hồ Quảng rồi tìm đường thẳng đến Gia Lăng và dinh Hoàng Phủ.
Doãn Quí cột ngựa một cách hấp tấp rồi chạy thẳng vào trong. Doãn Phu nhơn trông thấy người vào nhà vẻ mặt hơ hải, lấy làm ngạc nhiên hỏi vội:
- Chẳng hay có việc chi khẩn cấp lắm mà ngươi đến đây ra dáng hoảng hốt như vậy?
Doãn Quí bước tới toan nói, nhưng lại thấy phía sau Doãn Phu nhơn có ba bốn con tì nữ nên ngập ngừng rồi nín đi. Doãn Phu nhơn như hiểu ý, liền bảo mấy con tì nữa ra ngoài hết rồi gạn hỏi:
- Có điều chi ngươi cứ viêc nói thẳng ra đi.
Doãn Quí ngó xung quanh không thấy ai cả nên từ từ nói:
- Bẩm Phu nhơn, trước đây Hoàng Phủ Nguyên soái phụng chỉ đi đánh giặc, chẳng dè bị địch quân dùng yêu thuật bắt đặng Nguyên soái và tướng Tiên phong đem về giam cầm. Nay triều đình lại theo lời sàm tấu của bọn gian thần nghi cho Nguyên soái tạo phản đầu hàng quân địch và dẫn đường cho quân địch về đánh Đăng Châu! Vì vậy, triều đình đã sai quân đi bắt hết gia quyến của Nguyên soái dẫn về kinh gia hình, nên lão gia sai tôi cấp tốc đến đây bảo phu nhơn hãy mau mau dắt công tử và tiểu thơ đi trốn tránh kẻo Khâm sai đến đây ắt không toàn tánh mạng.
Doãn Quí vừa nói vửa thò tay vào lưng lấy một phong thư có bao sáp bên ngoài dâng lên cho phu nhơn và thưa:
- Lão gia tôi có gởi cho phu nhơn một bức thư đây, nhưng vì người sợ lậu sự nên bọc vào trong viên sáp này, xin phu nhơn hãy bóc ra xem thì rõ việc kiết hung.
Doãn Phu nhơn tiếp lấy rồi bảo Thiếu Hoa hãy lấy dao xẻ bao sáp ra. Hai mẹ con đồng xem một lượt. Xem xong Doãn Phu nhơn tủi lòng rơi lụy dầm dề. Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng sụt sùi nói với mẹ:
- Con thiết tưởng thân phụ con rủi có sa cơ bị bắt cũng không khi nào đầu hàng giặc để lụy cho gia quyến bao giờ, việc này chắc Lưu Tiệp nó a tùng cùng quan Tuần phủ Sơn Đông, xúi bảo hắn dâng biểu về kinh vu tấu, hãm hại gia quyến nhà ta để trả thù riêng đây.
Trưởng Hoa Tiểu thơ cũng thở dài than:
- Nếu đã xảy ra cớ sự như vầy thì nhà ta phải điêu tàn tan nát.
Doãn Quí nói:
- Khi tôi vừa mới đi ra, chính lão gia tôi cũng tiên đoánh như vậy, người có dặn tiểu thơ và công tử chớ nên khóc lóc, vì khóc lóc thì sự việc tiết lậu ra ngoài khó nỗi đào sanh, riêng tôi đây, người dặn khi đến nơi báo tin rồi phải lập tức tìm nhà trú ngụ đặng dọ nghe tin tức tình hình thế nào để về thưa lại cho người hay. Vậy xin phu nhơn hãy viết hồi thư đặng tôi lãnh lấy đi tìm nhà trú ngụ.
Trưởng Hoa tiểu thơ khen phải, quay qua nói với Hoàng Phủ Thiếu Hoa:
- Hiền đệ hãy vào lấy năm chục lượng bạc và bưng chiếc đèn đến đây.
Doãn Phu nhơn nghe Trưởng Hoa bảo em như vậy, lấy làm lạ liền hỏi:
- Con bảo em nó đem đèn lửa ra làm chi vậy?
Trưởng Hoa Tiểu thơ thưa:
- Con định đốt bức thư này kẻo để lậu ra liên lụy đến cậu con.
Doãn Phu nhơn nói:
- Hãy chầm chậm cũng được chứ đốt làm gì vội thế?
Trưởng Hoa tiểu thơ thưa:
- Bức thư này vô cùng quan hệ, rủi sa vào tay Khâm sai thì chắc chắn tánh mạng cậu con không thể nào bảo toàn, vậy xin hãy đốt phứt nó bây giờ thì hay hơn, lại khỏi sợ di lụy về sau.
Doãn Phu nhơn nói:
- Con giải phân thật chí lý, thôi con hãy đốt đi.
Doãn Phu nhơn nói vừa dứt lời thì Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã đem năm chục lượng bạc và lửa ra. Trưởng Hoa liền lấy bức thư đốt cháy rồi gọi Doãn Quí lại bảo:
- Bây giờ ta cũng muốn viết thư trả lời cho cậu ta hay, nhưng ta sợ việc này rủi tiết lậu ra gây họa cho cậu ta, nên ta không viết tiện hơn. Còn năm chục lượng bạc đây ta cho ngươi, vậy hãy cất lấy đặng ra tìm mướn nhà ngụ đỡ vài ngày rồi sẽ về.
Doãn Quí vâng lời lãnh số bạc cột vào lưng bái tạ, lui ra tìm nhà mướn ở.
Khi Doãn Quí đi rồi, phu nhơn nói với hai con:
- Việc này tuy là do Lưu Tiệp tư thù lập mưu rửa hận, nhưng dù sao đã có thánh chỉ của triều đình, mà ta đây là một vị Mạng phụ của triều đình nên phải chịu chết cho tròn danh tiết, duy có hai con còn niên thiếu có liên quan gì đến triều đình nên phải mau mau tầm phương lánh nạn để cho họ Hoàng Phủ về sau khỏi bị thất tự.
Lời Bình:
- Một người đã biết coi rẻ cái chết như Hoàng Phủ Kính mà còn sợ hoàn cảnh nào xui khiến có thể thay lòng đổi dạ là phi lý. Nếu bảo rằng nhờ thần linh hiện lên căn dặn, Hoàng Phủ Kính mới giữ được tấm lòng son sắt, thì quả là đánh giá vị anh hùng một cách quá thấp hém.
Lưu Tiệp làm đến chức Quốc trượng quyền thế tột đỉnh rồi mà còn biết kéo bè kéo cánh gây thêm thế lực của mình nữa thì thật là tên gian thần đầy thủ đoạn; lại khi muốn buộc tội Hoàng Phủ Kính, y tự buộc tội mình trước, cho ta thấy Lưu Tiệp vô cùng sâu sắc, vì vậy trong triều cũng có nhiều người biết họ Hoàng Phủ bị vu oan nhưng không tài nào minh oan được.
- Chữ trung của thời xưa nghĩa là vua bảo tôi chết, nếu tôi không chịu chết tức là bất trung, vì vậy Doãn Phu nhơn đã là một bà Mạng phụ trong thời ấy, tất nhiên dù biết trước cũng không bao giờ chịu nghịch để mang lấy chữ bất trung, huống chi chồng bà nay đã vào tay quân địch thì bà còn ham sống làm gì nữa?
Theo lẽ giáo ngày xưa, người đàn bà phải thực hiện cho kỳ được tam cương, ngũ thường. Tam cương nghĩa là: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tuy vậy trong trường hợp này, chữ tử không phải là con, mà chữ tử là chết!