watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tái Sanh Duyên-Hồi Thứ Hai Mươi Mốt - tác giả Mộng Bình Sơn Mộng Bình Sơn

Mộng Bình Sơn

Hồi Thứ Hai Mươi Mốt

Tác giả: Mộng Bình Sơn

Cảnh Phu nhơn bước tới đỡ Tô Yến Tuyết dậy và bảo:
- Con gái ta đã gả đi lấy chồng phương xa, con dâu ta cũng theo chồng bên Giang Nam, hiện nay chỉ còn hai vợ chồng già hiu quạnh, nay gặp con đây, đã cho ta một nguồn vui vô tận. Vậy con gái ta tên Đơn Hoa, nay ta đặt cho con tên Tố Hoa nhé!
Tô Yến Tuyết vui lòng mang tên Tố Hoa và bắt đầu từ nay cái tên Tô Yến Tuyết của nàng trở nên xa lạ.
Sau đó, bọn nữ tỳ dâng lên cho Cảnh Phu nhơn một chén sâm trà. Cảnh Phu nhơn trao cho Tố Hoa và bảo:
- Con phải trầm mình xuống nước chắc lạnh lẽo lắm, vậy con hãy dùng chén sâm trà này cho ấm.
Tố Hoa từ chối:
- Thân mẫu đã già cần phải bổ dưỡng, chớ con còn trẻ tuổi, cần chi phải dùng đến sâm trà.
Cảnh Phu nhơn cười bảo:
- Thứ sâm trà này con ít uống, chớ mẹ thường dùng, con không nên chối từ. Đã là mẹ con thì bảo gì cũng phải nghe theo mới ngoan chớ!
Tố Hoa nghe nói, liền bưng chén sâm uống. Sau đó Cảnh Phu nhơn lấy ra nhiều gấm lụa, châu ngọc cho Tố Hoa, bảo nàng trang sức và lấy tiền thưởng cho các thủy thủ cùng mấy con nữ tỳ. Mọi người được thưởng, mừng rỡ tạ ơn rối rít.
Khi Tố Hoa trang sức xong, Cảnh Phu nhơn trông thấy nàng đẹp như tiên, bà nói:
- Con trang sức lại càng giống tiện nữ ta như đúc, quả là một vị “thiên kim tiểu thơ”.
Dứt lời, bà truyền các nữ tỳ vào lạy mừng Tố Hoa và bảo chúng bắt đầu từ nay phải gọi nàng bằng đệ nhị tiểu thơ.
Bọn nữ tỳ vâng lệnh vào lạy mừng Tố Hoa. Tư cách của Tố Hoa khác hơn người khác ở chỗ biết kính nhường thảo thuận người trên, lại nhân từ khoan dung kẻ dưới, nên Cảnh Phu nhơn càng thêm yêu dấu bội phần.
Khi thuyền đến kinh, Cảnh Phu nhơn kề tai nói nhỏ với Tố Hoa một hồi rồi bảo:
- Đến nơi con cứ việc làm như lời ta dặn, thử xem thân phụ con có biết hay không?
Tố Hoa cúi đầu vâng dạ rồi hai mẹ con cùng lên kiệu thẳng đến dinh Thừa tướng.
Quan hữu Thừa tướng vừa trông thấy Cảnh Phu nhơn đến mừng lắm, vội ra rước vào nhà, lúc ấy kiệu Tố Hoa còn đi sau, hai bên kiệu có nữ tỳ theo hầu. Lương Giám lấy làm ngạc nhiên hỏi Cảnh Phu nhơn:
- Còn ai đi sau nữa kia vậy?
Cảnh Phu nhơn làm thinh không đáp, bà gọi bọn nữ tỳ bảo:
- Sao chúng bay không mời tiểu thơ xuống kiệu đi?
Các nữ tỳ liền vén màn lên, Tố Hoa ở trên kiệu bước xuống, Lương Giám ngỡ là con gái mình nên tỏ ý không bằng lòng, noi:
- Sao phu nhơn lại đèo bồng lắm vậy? Người ta cưới dâu cốt để phụng dưỡng cha mẹ chồng mà phu nhơn lại đem theo như vậy, chắc người ta phiền hà không ít!
Cảnh Phu nhơn nghe nói mỉm cười:
- Phu quân hãy nhìn kỹ lại xem có phải tiểu thơ nhà ta đó không?
Lương Giám nhìn kỹ lại thì lạ thay, nàng này diện mạo giống hệt Đơn Hoa, chỉ khác là tuổi còn trẻ hơn. Lương Giám không hiểu vì cớ gì, lòng đầy nghi hoặc, vội hỏi Cảnh Phu nhơn:
- Nàng này thoạt trông không khác tiểu thơ nhà ta, nhưng cớ sao lại nhỏ tuổi hơn là nghĩa gì?
Cảnh Phu nhơn cười nói:
- Tiểu thơ ta hiện nay đang ở nhà chồng, tôi có đem theo làm chi. Người này là con riêng của tôi, không can hệ gì đến phu quân hết!
Lương Giám nghe nói lại càng ngạc nhiên hơn nữa, thầm nghĩ:
“Lạ thật! Chẳng lẽ phu nhơn lại tư tình với ai mà sanh đặng con riêng này?”.
Lương Giám chỉ đứng lặng thinh không biết nói gì cả. Cảnh Phu nhơn liền bảo Tố Hoa:
- Con hãy lạy chào thân phụ con đi!
Tố Hoa vâng lời bước tới cúi lạy, Lương Giám khoát tay bảo:
- Nàng không phải con của ta, ta không nhận lạy đâu.
Rồi Lương Giám quay qua hỏi phu nhơn:
- Sự việc đầu đuôi thế nào, xin phu nhơn hãy nói rõ cho tôi biết, kẻo lòng còn nghi hoặc quá!
Cảnh Phu nhơn liền thuật hết việc Tô Yến Tuyết trầm mình xuống sông, nhờ bà cứu vớt lên, lại thấy dung mạo giống tiểu thơ nên nhận làm nghĩa nữ, đặt tên Tố Hoa, bà không quên ca tụng lòng hiếu thuận của nàng.
Dứt lời, bà dạy nữ tỳ trải chiếu cho Tố Hoa lạy chào Thừa tướng. Bấy giờ Lương Giám đã biết rõ nên mừng lắm. Thừa tướng cười nói:
- Không ngờ một người thường dân lại có khí tiết ít ai bì, thật xứng đáng làm con ta lắm. Thôi con hãy đứng chào cũng được, đừng lạy lục làm chi cho khổ.
Tố Hoa nói:
- Con được đội ơn thọ dưỡng như vầy thật là cái ơn tử sanh cốt nhục, xin để cho con lạy thân phụ mới phải.
Nói rồi nàng ngồi xuống lạy hai lạy. Lương Giám khiến nữ tỳ đỡ dậy mời ngồi sang một một bên. Kế nữ tỳ dọn cơm lên, vợ chồng Lương Giám cùng Tố Hoa ăn uống rất vui vẻ.
Com nước xong, Lương Giám truyền dọn dẹp sửa soạn Lộng Tiêu lầu để làm phòng riêng cho Tố Hoa. Cách hai hôm sau, Lương Giám lại mua hai đứa nữ tỳ nhỏ lối mười hai, mười ba tuổi, một đứa tên Tiểu Loan, một đứa tên Thủy Hạc để ngày đêm hầu hạ Tố Hoa.
Tố Hoa đêm nằm nghĩ thầm:
“Hiện giờ thân mẫu ta ở nhà họ Mạnh thế nào cũng được họ Mạnh trọng đãi, ta không cần phải lo lắng làm chi”.
Nàng nghĩ vậy, nên từ đó dốc lòng hiếu thuận hầu hạ vợ chồng Lương Giám. Vợ chồng Lương Giám vô cùng đẹp ý, co nàng như con ruột vậy.
Nhắc qua bọn Kỳ Thạnh Đức lúc về kinh thì Lưu Khuê Bích đã lén sai gia tướng báo tin cho Lưu Tiệp hay.
Ngày kia đến kinh, cha con Mạnh Sĩ Nguyên cùng Lưu Khuê Bích đều đứng trước Ngọ môn, chỉ để một mình Kỳ Thạnh Đức bước vào triều kiến xong xuôi, vua Thành Tôn phán:
- Khanh phụng mạng lo lắng rất khó nhọc, thật trẫm không yên lòng.
Kỳ Thạnh Đức vập đầu tâu:
- Tuy hạ thần rất khổ nhọc, nhưng chẳng nên công cán gì cả, nay nghe mấy lời khen ngợi của chúa thượng, thần lấy làm hổ thẹn.
Thành Tôn ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao vậy? Khanh hãy kể rõ mọi việc xem nào.
Kỳ Thạnh Đức tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, sau khi lãnh mạng, hạ thần đến Côn Minh huyện vào ngày hai mươi tháng ba nên chọn ngày hai mươi tám làm lễ vấn danh, qua ngày mồng hai tháng tư làm lễ thân nghinh. Chẳng dè lúc ấy Mạnh Lệ Quân giấu sẵn trong mình một lưỡi dao, đến lúc làm lễ hiệp cẩn tại nhà Lưu gia thì Mạnh Lệ Quân rút dao ra đâm Lưu Quốc cựu; may cho Lưu Quốc cựu tránh khỏi, chỉ trợt nơi trán mà thôi, còn Mạnh Lệ Quân sợ tội nên nhảy xuống Côn Minh trì, thi thể trôi mất biệt. Qua hôm sau, cha con Mạnh Sĩ Nguyên đến Lưu phủ bắt thường nhơn mạng, người buộc tội Lưu Quốc cựu giết chết con gái người rồi thủ tiêu. Còn Quốc cựu thì bảo là họ Mạnh xúi con đến hành thích. Việc rối rắm như vậy nên hạ thần không biết phân xử bằng cách nào cả. Hiện nay, hai đàng có theo về trào, còn đợi ngoài Ngọ môn, xin Thánh thượng chỉ phán.
Vua Thành Tôn nghe tâu ngạc nhiên vô cùng, hỏi:
- Trai tài gái sắc như vậy, đáng lẽ đẹp đôi vừa lứa mới phải, cớ sao lại giết nhau?
Kỳ Thạnh Đức liền tỏ hết sự tình, nào là Lưu Khuê Bích thi tiễn chỉ bắn trúng có hai phát tên; còn Hoàng Phủ Thiếu Hoa thì bắn trúng cả ba phát, vì vậy Mạnh Lệ Quân lấy làm hổ thẹn trong việc cải giá mới giấu con dao trong mình để hành thích.
Bấy giờ vua Thành Tôn mới tỉnh ngộ, hỏi Kỳ Thạnh Đức:
- Chẳng hay lúc ấy khanh phân xử thế nào?
Kỳ Thạnh Đức tâu:
- Khi ấy hạ thần hứa sẽ tâu lên Thánh thượng xin lập một tấm bia kỷ niệm để nêu gương tiết liệt của Mạnh Lệ Quân, nhưng hai đàng đều không thuận nên cùng theo hạ thần về đây xin vào điện tấu, chẳng hay bệ hạ dạy thế nào?
Vua Thành Tôn ngẫm nghĩ hồi lâu rồi phán:
- Khanh nghĩ như vậy rất hiệp ý trẫm.
Dứt lời, vua truyền chỉ cho hai đàng vào triều kiến.
Mạnh Sĩ Nguyên và Lưu Khuê Bích vào triều kiến xong xuôi, Mạnh Sĩ Nguyên tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, chỉ vì trước kia trong cuộc thi tiễn, Lưu Khuê Bích chỉ bắn trúng có hai phát tên, trong lúc Hoàng Phủ Thiếu Hoa bắn trúng nốt ba phát, nên Lưu Khuê Bích đem lòng căm hận gạt Thiếu Hoa đến Tiểu Xuân đình phóng hỏa ám hại. Ngày nay lại man tấu với Thánh thượng xin giáng chỉ tứ hôn. Hạ thần đặng chỉ liền tuân mạng gả con cho họ Lưu, chẳng dè Lưu Khuê Bích khinh rẻ hạ thần là hèn yếu giết chết tiện nữ rồi thủ tiêu mất, xin Thánh thượng minh xét.
Lưu Khuê Bích cũng quì xuống tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, thần tuy bất tài nhưng thiết tưởng kết duyên cùng họ Mạnh cũng không phải là không xứng đáng, huống chi đã được Thánh thượng giáng chỉ tứ hôn nữa, mà Mạnh Sĩ Nguyên dám cả gan xúi con mình ra tay hành thích, may mà hạ thần lanh mắt nên không đến nỗi thiệt mạng, chỉ bị thương nơi trán mà thôi. Nay tuy đã lành song vẫn còn chiếc sẹo. Mạnh Tiểu thơ làm xằng như vậy nên nàng sợ nhảy xuống Côn Minh trì, lúc ấy hạ thần có sai người đem thuyền cứu vớt, song vì sóng to gió dữ cuốn trôi đâu mất, không tìm ra thi thể. Nay Mạnh Sĩ Nguyên lại còn bắt đền nhơn mạng nữa, mong Thánh thượng xét hành động tàn bạo của họ Mạnh mà xử cho hạ thần nhờ.
Mạnh Sĩ Nguyên tiếp lời tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, nếu lúc ấy hạ thần không bằng lòng gả thì hạ thần lại chịu cho cưới sao? Còn bảo tiện nữ gieo mình xuống sông thì sao lại không vớt xác lên trả cho hạ thần. Việc này quả là Lưu Khuê Bích cậy thân cậy thế, tự phụ khoe khoang, coi tiện nữ không ra gì nên mới hổ thẹn cãi lại và Lưu Khuê Bích nhân lúc say sưa đã giận dữ giết chết rồi thủ tiêu luôn. Nay cái thương tích nơi trán y đó, rõ là một mưu kế vu oan cho tiện nữ để trốn tránh tội lỗi của mình.
Lưu Khuê Bích toan cãi lại, nhưng vua Thành Tôn khoa tay và phán:
- Quốc cựu chớ nên phân biện nữa, để trẫm phân xử cho.
Rồi vua quay qua nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Vừa rồi Kỳ Thừa tướng đã nói rõ đầu đuôi việc ấy cho trẫm nghe cả rồi. Trước đây chỉ vì trẫm thấy Mạnh Lệ Quân lầm mà đính ước với tên phản nghịch, cho nên trẫm mới giáng chỉ tứ hôn là ý muốn cho họ Mạnh được mối lương duyên xứng đáng. Ngờ đâu Mạnh Lệ Quân một lòng thủ tiết mới giấu dao trong người hành thích, sau khi thấy việc bất thành sợ tội nên mới gieo mình xuống Côn Minh trì. Vậy việc này quyết không thể do ai xúi giục mà chính là trẫm làm cho Mạnh Lệ Quân thác oan đó, chớ chẳng phải do nơi Quốc cựu đâu. Thôi từ đây hai nhà nên giải hòa đặng cùng nhau đồng tâm hiệp lực giúp trẫm, trẫm sẽ truyền cho quan địa phương lập một tấm bia kỷ niệm để nêu cao tấm lòng tiết liệt hiếm có của Mạnh Lệ Quân.
Mạnh Sĩ Nguyên vâng lời lạy tạ. Sau đó vua Thành Tôn liền giáng chỉ cho cha con Mạnh Sĩ Nguyên lãnh y cựu chức, còn Lưu Khuê Bích cũng được lãnh chức mới ở luôn tại triều.
Lưu Khuê Bích quỳ lạy và tâu:
- Hạ thần đội ơn bệ hạ vô cùng!
Vua Thành Tôn nói:
- Lâu nay Hoàng hậu có lòng nhớ mong Quốc cựu, vậy nay Quốc cựu hãy vào cung triều kiến để thỏa lòng nhớ thương vì xa cách.
Nói rồi, truyền cho nội giám dẫn Lưu Khuê Bích vào cung. Vào đến nơi, Khuê Bích liền cúi lạy Hoàng hậu. Lưu Hoàng hậu cười nói:
- Chị em trong nhà hà tất phải thủ lễ.
Lưu Khuê Bích nói:
- Vẫn biết là chị em, song lấy theo lễ chúa tôi, cần phải đủ lễ mới phải.
Lưu Hoàng hậu bảo ngồi rồi truyền cung nữ bưng trà cho Lưu Khuê Bích uống và ân cần hỏi:
- Hiền đệ làm lễ nghinh hôn hôm nào, và khởi hành về kinh hồi nào mà mãi đến nay mới tới?
Lưu Khuê Bích thưa:
- Làm lễ cưới tại ngày mùng hai tháng tư, qua đến ngày mùng sáu khởi hành, tôi cùng Kỳ Thừa tướng mãi đến nay là mùng năm tháng bảy đến đây và đã được vào triều kiến Thánh thượng rồi!
Lưu Hoàng hậu nói:
- Chị em ta xa cách bấy nhiêu năm trường, nay chị thấy em đã trưởng thành thật lòng chị vui mừng lắm! Chẳng hay em cùng tân phu nhơn có được tương đắc không?
Lưu Khuê Bích nghe hỏi buông tiếng thở dài não ruột rồi thuật rõ đầu đuôi việc Mạnh Lệ Quân đâm lủng trán và nhảy xuống Côn Minh trì tự vận cho Lưu Hoàng hậu nghe. Lưu Hoàng hậu nghe qua, giật mình kinh hãi nói:
- Ôi chao! Ai ngờ Mạnh Lệ Quân lại là gái tiết liệt như vậy! Chẳng hay khi nãy Thánh thượng phân xử như thế nào?
Lưu Khuê Bích kể lại việc vua xử hòa và truyền lập bia kỷ niệm cho Mạnh Lệ Quân. Hoàng hậu gật đầu khen phải và không ngớt miệng khen Mạnh Lệ Quân là con người đúng đắn.
Hoàng hậu dịu giọng nói với em:
- Triều đình phân xử như vậy là công bằng lắm đó! Chẳng hay thân mẫu và hiền muội độ này có mạnh giỏi không?
Lưu Khuê Bích nói:
- Nhờ phước ấm của Hoàng hậu nên thân mẫu vẫn được tráng kiện như thường, còn hiền muội nay cũng đã trưởng thành.
Nghe nói, Lưu Hoàng hậu mừng rỡ:
- Nếu vậy thì còn gì vui vẻ cho bằng. Từ đây về sau chị em ta lại được gần gũi nhau cho thỏa lòng mong nhớ.
Nói rồi Hoàng hậu truyền cung nữ dọn tiệc lên và lựa hai nàng cung nữ nhan sắc tuyệt đẹp tên Tần Hiếu Mị và Đỗ Hàm Hương đến hầu.
Giây lát, hai nàng vào yến kiến Hoàng hậu. Khuê Bích thấy hai người nhan sắc mạn mà tuổi độ trăng tròn.
Hoàng hậu bảo cả hai đến đứng hầu Khuê Bích và cười nói:
- Hai tên cung nữ này là Tần Hiếu Mị và Đỗ Hàm Hương, chẳng những cả hai đều có nhan sắc mỹ miều mà cử chị lại đoan trang. Riêng về Đỗ Hàm Hương lại còn giỏi về nghề văn thơ nữa, vì vậy lâu nay chị có lòng yêu mến nên không đem vào hầu hạ Thiên tử. Vậy nay Mạnh Lệ Quân đã chết rồi để chị cho hai nàng này hầu hạ hiền đệ, nếu sanh được quí tử thì hay biết bao nhiêu. Rồi đây chị sẽ xem trong hàng quan đại thần có con gái ai tài mạo song toàn, chị sẽ tâu cùng triều đình xin cho hiền đệ kết duyên nữa, chẳng hay hiền đệ nghĩ sao?
Lưu Khuê Bích mừng rỡ nói:
- Hoàng hậu đã có lòng đoái thương, em lấy làm cảm kích.
Lưu Hoàng hậu quay qua bảo Tần Hiếu Mị và Đỗ Hàm Hương:
- Nếu hai nàng hầu hạ Quốc cựu mà sanh đặng quí tử thì chừng ấy hai nàng sẽ có phần nhờ.
Hai nàng cung nữ liếc thấy Lưu Khuê Bích cũng đẹp trai nên rất vừa lòng, liền cúi đầu lạy tạ Hoàng hậu. Hoàng hậu truyền nội giám đưa Tần Hiếu Mị và Đỗ Hàm Hương đến dinh Quốc trượng trước, còn Lưu Khuê Bích thì ở lại dự yến cùng Lưu Hoàng hậu nơi hậu cung.
Khi tiệc mãn, Khuê Bích cáo từ lui về phủ.
Đến nơi, Khuê Bích vào bái yến Lưu Tiệp và ra mắt Ngô Thục nương. Lưu Tiệp hỏi Khuê Bích về việc gia đạo, cha con gặp nhau đàm đạo không ngớt. Từ đó Lưu Khuê Bích được hai nàng cung nữ hầu hạ rất phỉ tình nên mới an lòng chờ đợi nhơn duyên.
Nói qua quan hữu Thừa tướng Lương Giám, hôm ấy cũng có mặt tại triều, khi nghe qua lời tâu của Mạnh Sĩ Nguyên ông ta nghĩ thầm:
“Chắc Tố Hoa nó là Mạnh Lệ Quân mà giả danh Tô Yến Tuyết đây chớ gì? Nếu quả vậy ta cũng nên cho cha con Mạnh Sĩ Nguyên gặp gỡ cùng nhau kẻo tội nghiệp”.
Nghĩ rồi Lương Giám về nhà nói với Cảnh Phu nhơn:
- Tôi có việc cần hỏi con Tố Hoa một chút.
Cảnh Phu nhơn ngạc nhiên hỏi:
- Phu quân muốn hỏi nó việc chi đó?
Lương Giám bèn thuật lại việc họ Mạnh và họ Lưu kiện cáo nhau tại triều cho phu nhơn nghe. Cảnh Phu nhơn nghe xong câu chuyện lên tiếng khen:
- Nếu vậy Mạnh Lệ Quân là người rất tiết liệt can đảm, biết báo thù cho chồng, chết cũng đáng thương. Còn Lưu Khuê Bích kia làm hại một vì liệt nữ như vậy làm gì cũng bị quả báo.
Lương Giám nói:
- Phu nhơn nhận xét như vậy thật chí lý, nhưng tôi có một việc rất hồ nghi! Thiết tưởng con Tố Hoa nhà ta và Mạnh Lệ Quân cũng gieo mình xuống Côn Minh trì mà sao lại trùng cả ngày tháng nữa là lý gì? Chẳng lẽ một xứ lại có đến hai người tiết liệt như vậy sao? Vì vậy tôi nghi Tố Hoa là mạnh Lệ Quân đó.
Cảnh Phu nhơn suy nghĩ hồi lâu rồi gật đầu nói:
- Phu quân nghi như vậy cũng có lý lắm, nhưng nếu quả nàng là Mạnh Lệ Quân thì phu quân xử trí ra thế nào?
Lương Giám nói:
- Ta nên lén đưa nàng về nhà Mạnh Sĩ Nguyên cho cha con được gặp gỡ.
Cảnh Phu nhơn nói:
- Tôi rất yêu mến con Tố Hoa, nếu nó quả là Mạnh Lệ Quân thì hãy cho riêng một mình Mạnh Sĩ Nguyên hay để vui lòng mà thôi, còn con Tố Hoa thì tôi không muốn rời nó.
Lương Giám mỉm cười nói:
- Phu nhơn chớ vội tính, để ta hỏi nó cho minh bạch đã.
Nói rồi sai nữ tỳ đi gọi Tố Hoa đến. Nữ tỳ vâng lịnh chạy thẳng đến Lộng Tiêu lầu nói với Tố Hoa:
- Lão gia và phu nhơn sai tôi đi mời tiểu thơ đến cho người hỏi chuyện.
Tố Hoa vội vã đi theo con nữ tỳ, nhưng vừa đi nàng vừa hỏi:
- Ngươi có biết rõ lão gia và phu nhơn kêu ta có việc chi không?
Con tỳ nữ thuật lại chuyện giữa hai vợ chồng Lương Giám bàn luận việc nghi ngờ nàng là Mạnh Lệ Quân cho nàng nghe rồi nói:
- Nếu quả tiểu thơ là Mạnh Lệ Quân thì chắc lão gia đưa tiểu thơ về Mạnh phủ để cho gia đình được sum họp. Tuy vậy phu nhơn lại không bằng lòng, người bảo rằng người quá yêu mến tiểu thơ nên không thể xa lìa được. Nếu quả như vậy thì chỉ tin cho mạnh Thượng thơ hay để cho người vui dạ mà thôi, còn tiểu thơ thì cứ ở mãi nơi đây.
Tố Hoa nghe nói nghĩ thầm:
“Cũng chỉ vì đứa con gái này mà làm cho hai nhà phải lặn lội đến kinh diện tấu cùng triều đình thật tội nghiệp cho Mạnh lão gia quá. Nhưng thân mẫu hiện nay chắc được Mạnh gia trọng đãi, nếu ngày nay ta nhận là Mạnh Lệ Quân để được đưa về nhà họ Mạnh thì bất quá cũng chỉ là con một bà nhũ mẫu thôi, chi bằng ta cứ một mực nhận là Tô Yến Tuyết thì chẳng lẽ Lương Thừa tướng lại qua hỏi Mạnh Thượng thơ hay sao? Vả lại, hiện giờ ta đương nhiên là một vị thiên kim tiểu thơ thì dại gì lại nhận là họ Mạnh!”.
Nàng vừa nghĩ đến đây thì cũng vừa đến nơi, vội bước vào cúi càho vợ chồng Lương Giám và hỏi:
- Chẳng hay song thân kêu con đến để dạy điều chi?
Lương Giám đem câu chuyện của họ Mạnh và Lưu thuật lại cho Tố Hoa nghe và nói:
- Ta thiết tưởng một chuyện nhỏ như huyện Côn Minh không thể nào có hai người liệt nữ như vậy nên ta đoán chắc con là Mạnh Lệ Quân. Nếu quả thật vậy ta sẽ lén đưa con về nhà họ Mạnh để cha con được đoàn tụ, không can chi đâu mà con ngại.
Tố Hoa thưa:
- Trước mặt song thân khi nào con lại dám dối. Con đây thiệt quả là con một nhà hàn sĩ, con không biết Mạnh Lệ Quân là ai cả, con đâu dám nhận càn, xin thân phụ chớ hồ nghi. Vả lại, Côn Minh trì là cái hồ rộng dài hơn mấy dặm, chẳng lẽ một mình Mạnh Lệ Quân mới có can đảm tử tiết sao?
Vợ chồng Lương Giám nghe qua mừng rỡ nói:
- Thật tình vợ chồng ta đây yêu mến con lắm. Chỉ sợ con là Mạnh Lệ Quân thì ta phải vì lẽ bạn chí thân với Mạnh Thượng thơ mà đưa trả lại, chớ nay con quả không phải thì con cứ ở đây với vợ chồng ta. Hai thân già này có người sớm khuya hủ hỉ còn gì vui sướng cho bằng.
Tố Hoa ở nán lại hầu hạ vợ chồng Lương Giám một lát rồi cáo từ lui về Lộng Tiêu lầu.
Về đến nơi, nàng ngồi một mình nghĩ thầm:
“Việc này tưởng Mạnh Tiểu thơ tốt số hơn ta, nhưng ngày nay ta lại được ở yên chốn lầu son gác tía này, ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ, còn Mạnh Tiểu thơ phải trôi nổi nơi góc bể chân trời khổ sở biết dường nào”.
Rồi nàng lại nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa, khiến lòng ngổn ngang trăm mối. Càng nghĩ, nàng càng thương nhớ Hoàng Phủ Thiếu Hoa, đôi dòng lệ tự nhiên tuôn xuống như mưa.
Lời Bình:
- Kỳ Thạnh Đức đã biết rõ sự việc của ba nhà: Mạnh, Lưu và Hoàng Phủ từ trước, nhưng khi vua Thành Tôn giáng chỉ tứ hôn cho Lưu Khuê Bích kết duyên cùng Mạnh Lệ Quân, ông ta cứ việc lầm lũi lãnh mạng thi hành không một lời can gián, là vì thói đời ít ai dám can đảm đứng mũi chịu sào; cái câu “kiến nghĩa bất vi vô dõng” ngàn người chưa chắc đã có một người. Có lẽ Kỳ Thạnh Đức nghĩ rằng: thế lực của họ Lưu đã đến độ tột đỉnh, trên thì có Quốc trượng, dưới lại có Hoàng hậu, tiếng nói của những người này rất có tác dụng đối với nhà vua thì mình có xen vào cản trở cũng chỉ chuốc lấy tai họa mà thôi. Cho nên khi Hoàng Phủ Kính bị buộc tội oan ức, văn võ bá quan trong triều không một người nào dám đứng ra phản đối cả.
Cho hay ở đời rất nhiều kẻ cầu an tiêu cực, ai chết mặc ai, miễn là đừng ai đả động gì đến mình thì thôi.
- Việc Mạnh Lệ Quân nhảy xuống Côn Minh trì tự vận, chính vua Thành Tôn cũng biết cảm phục và tự qui tội cho chính mình, thì xét ra vua Thành Tôn cũng không đến nỗi mê muội lắm. Cho nên gia đình họ Hoàng Phủ bị tàn hại cũng không nên trách vua Thành Tôn mà trách chung các quan văn võ trong triều quá sợ sệt uy thế của Lưu Tiệp, đã không đủ can đảm nói lời phải trái phân giải cho vua tỉnh ngộ.
Tái Sanh Duyên
Hồi Thứ Nhất
Hồi Thứ Hai
Hồi Thứ Ba
Hồi Thứ Tư
Hồi Thứ Năm
Hồi Thứ Sáu
Hồi Thứ Bảy
Hồi Thứ Tám
Hồi Thứ Chín
Hồi Thứ Mười
Hồi Thứ Mười Một
Hồi Thứ Mười Hai
Hồi Thứ Mười Ba
Hồi Thứ Mười Bốn
Hồi thứ Muời Lăm
Hồi Thứ Mười Sáu
Hồi Thứ Mười Bảy
Hồi Thứ Mười Tám
Hồi Thứ Mười Chín
Hồi Thứ Hai Mươi
Hồi Thứ Hai Mươi Mốt
Hồi Thứ Hai Mươi Hai
Hồi Thứ Hai Mươi Ba
Hồi Thứ Hai Mươi Bốn
Hồi Thứ Hai Mươi Lăm
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Hồi Thứ Hai Mươi Tám
Hồi Thứ Hai Mươi Chín
Hồi Thứ Ba Mươi
Hồi Thứ Ba Mươi Mốt
Hồi thứ Ba Mươi Hai
Hồi thứ Ba Mươi Ba
Hồi thứ Ba Mươi Bốn
Hồi thứ Ba Mươi Lăm
Hồi Thứ Ba Mươi Sáu
Hồi Thứ Ba Mươi Bảy
Hồi Thứ Ba Mươi Tám
Hồi Thứ Ba Mươi Chín
Hồi Thứ Bốn Mươi
Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt
Hồi Thứ Bốn Mươi Hai
Hồi thứ Bốn Mươi Ba
Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn
Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm
Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu
Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy
Hồi Thứ Bốn Mươi Tám
Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Hồi Thứ Năm Mươi
Hồi Thứ Năm Mươi Mốt
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Ba
Hồi Thứ Năm Mươi Bốn
Hồi Thứ Năm Mươi Lăm
Hồi Thứ Năm Mươi Sáu
Hồi Thứ Năm Mươi Bảy
Hồi thứ Năm Mươi Tám
Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Hồi Thứ Sáu Mươi
Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt
Hồi Thứ Sáu Mươi Hai
Hồi Thứ Sáu Mươi Ba
Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn
Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu
Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy
Hồi Thứ Sáu Mươi Tám
Hồi Thứ Sáu Mươi Chín
Hồi Thứ Bảy Mươi
Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt
Hồi Thứ Bảy Mươi Hai
Hồi Thứ Bảy Mươi Ba
Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn