Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Tên gia nhơn vào bái yết và thưa:
- Võ Hiếu vương tôi định chọn ngày hành sính, nhưng không biết tôn ý ra sao, nên sai tôi qua thưa đại nhơn chỉ dạy.
Mạnh Sĩ Nguyên gật đầu nói:
- Ngươi hãy về bẩm lại cùng Võ hiếu vương ràng chốc nữa ta sẽ qua đó và cùng bàn tính sau.
Tên gia nhơn vâng lịnh, cáo từ lui về bẩm lại.
Chỉ một lát sau, đã thấy Mạnh Sĩ Nguyên đến nhà Hoàng Phủ. Võ hiếu vương hay tin vội ra nghinh tiếp vào, hối gia tướng dâng trà nước lên rồi hỏi:
- Nay lịnh viên đã về, Thánh thượng giáng chỉ tứ hôn, nên tôi định chọn ngày làm lễ hành sính, song chẳng hay ý kiến thôi ông nghĩ sao?
Mạnh Sĩ Nguyên cười gằn nói:
- Việc này tùy ý ngài, vì nàng ấy chắc chắn không phải là con gái tôi. Còn nếu ngài muốn chọn ngày làm lễ hành sính thì xin hãy bàn với Hạng Long, chớ có can chi đến tôi đâu?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Nay nhạc phụ đã quyết không thừa nhận nàng là con, thì bao giờ tiện tế lại dám cưới?
Hoàng Phủ Kính nói:
- Nay thân ông bảo nàng không phải là con gái của thân ông, còn Thánh thượng thì giáng chỉ dạy như vậy, tôi biết liệu làm sao bây giờ?
Cũng bằng một giọng lãnh đạm, Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Thánh thượng đã phán bảo ngài nên cùng với Hạng Long bàn với nhau để tiến hành lễ thành hôn cho Trung hiếu vương cùng nàng con gái ấy, thì ngài hãy thương lượng cùng họ, chớ còn tôi có ăn thua gì đâu mà nói?
Dứt lời, Mạnh Sĩ Nguyên cáo từ, lên kiệu trở về ngay.
Mạnh Sĩ Nguyên đi rồi, Doãn Phu nhơn nói với Hoàng Phủ Kính:
- Mạnh Thượng thơ năm nay đã già nua lẫn lộn rồi, ta không thể theo ý người được, vậy ngày mai này ta hãy cậy Doãn Thượng thơ làm mai rồi đem nạp sính lễ để cưới Mạnh Tiểu thơ cho rồi!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thất kinh, nói:
- Nhạc phụ con đã không chịu nhận, lẽ nào con lại dám cưới?
Hoàng Phủ Kính cười gằn nói:
- Chẳng lẽ nhạc phụ con già lẫn như vậy, con lại nỡ phụ bạc với vợ con sao?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa không biết viện lẽ gì chối cãi cho được, nên lặng lẽ trở về phòng ném mình trên giường nằm co, buông những tiếng thở dài não ruột.
Sáng hôm sau, Hoàng Phủ Kính sai mời Doãn Thượng Khanh đến, rồi cậy đem sính lễ nạp cho Hạng Long. Hạng Long mừng quá , đoán chắc thế nào việc cũng thành, nên chuần bị cả đôi ba muôn lượng bạc để làm của hồi môn.
Trước tình cảnh ấy, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lo rầu không ăn, không ngủ được nên sanh bịnh. Vợ chồng Hoàng Phủ Kính ngày đêm khuyên giải mãi nhưng chàng vẫn không nguôi.
Lưu Yến Ngọc thấy vậy, vội vào thưa với cha mẹ chồng:
- Ngày xưa bất cứ việc chi rắc rối, thân phụ con cũng vào cung nhờ Hoàng Hậu giúp dùm, vậy nay song thân cũng nên vào cung nhờ Hoàng hậu tìm cách giải quyết cho, với theo con nhận xét thì Mạnh Lệ Quân chính là Thừa tướng Lệ Minh Đường, còn nàng này là kẻ giả mạo, nhưng sở dĩ nàng có tà thuật gì đó, nên biết rõ nội tình của nhà họ Mạnh đó thôi. Nếu nay tiến hành hôn lễ, tất nhiên phu quân con sẽ lâm trọng bịnh, có thể nguy đến tánh mạng. Vậy nên thân mẫu hãy vào cung nhờ Hoàng hậu tâu xin vua khoan hạn thêm một tháng nữa, đặng tìm cách giúp Lệ Thừa tướng cải trang mới có thể phá vỡ âm mưu của nàng con gái ấy được.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Xưa kia Lưu Quốc trượng thường hay làm việc quấy nên mới vào cung nhờ Hoàng hậu âm mưu thiết kế, còn ta đây đường đường chính chính mà làm như vậy thật không nên. Nhưng việc này rắc rối quá không tài nào giải quyết nổi, vậy phu nhơn cũng nên vào đó một phen mới xong!
Doãn Phu nhơn khen phải, liền truyền gia tướng dọn kiệu ra đi. Đến nơi, Doãn Phu nhơn hỏi nội giám:
- Các ngươi thấy Thánh thượng hiện có mặt trong cung không?
Nội giám đáp:
- Thưa không, có lẽ mấy hôm nay Thánh thượng bận phê văn án ngoài nội điện , nên không thấy về.
Doãn Phu nhơn mừng thầm, liền bảo nội giám vào tin cho Trưởng Hoa Hoàng hậu rằng có mình đến.
Trưởng Hoa Hoàng hậu hay tin mừng lắm, lật đật chạy ra nghinh tiếp vào rồi hỏi:
- Thân mẫu đến với con có việc gì cần dạy bảo không?
Doãn Phu nhơn bèn bảo Trưởng Hoa Hoàng hậu đuổi hết nữ tỳ ra ngoài, rồi thuật rõ việc Lệ Thừa tướng đã tự nhận mình là Mạnh Lệ Quân với Mạnh Thượng thơ rồi, nhưng khi Trung hiếu vương tâu lên vua thì người kiếm lời biện bác. Bà còn đem hết việc Mạnh Lệ Quân giả nói cho Hoàng hậu hay và nói:
- Hiện nay vua Thành Tôn ép buộc Trung hiếu vương phải làm lễ thành hôn với nàng Mạnh Lệ Quân giả ấy, nên hắn quá buồn rầu, lâm trông bịnh nằm liệt giường, không ăn không uống gì cả.
Hoàng hậu nghe qua, ngạc nhiên nói:
- Con không ngờ Thánh thượng lại có tư khúc. Nhưng xin thân mẫu hãy an tâm về phủ, rồi con sẽ báo tin mừng.
Doãn Phu nhơn mừng rỡ lên kiệu trở về.
Sáng hôm sau, Trưởng Hoa Hoàng hậu dậy sớm lắm, qua Vạn Thọ cung yết kiến cùng Hoàng Thái hậu, rồi đem hết những lời mẹ mình tâu cho Hoàng Thái hậu nghe, và nhờ Thái hậu hãy dùng uy quyền của mình buộc vua phải đình hoãn việc thành hôn của em mình, để có thì giờ lo mưu tháo giày Lệ Thừa tướng ra khám nghiệm xem chơn giả cho biết.
Hoàng Thái hậu nói:
- Việc đình hoãn kết hôn thì được, nhưng ta e việc tháo giày Lệ Thừa tướng để khám xét thì khó quá. Vì Thừa tướng là bậc đại thần , nếu làm như vậy mất cả thể diện.
Trưởng Hoa Hoàng hậu tâu:
- Trước đây bên Tây Phiên có đem cống hiến một bình Phiên tửu. Thứ rượu này ngon lắm, nhưng tánh chất mạnh khác thường, nghĩa là uống vào ba chén thì say suốt ba ngày. Xin mẫu hậu bảo Thánh thượng với Thừa tướng đến, bảo người vẽ hộ bức tượng Quan Âm. Khi vẽ xong sẽ thưởng cho người uống ba chén rượu ấy rồi truyền cung nữ khiêng người để vào Thanh Phong các, đoạn tháo giày ra , tất nhiên được việc.
Hoàng Thái hậu lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng, nói:
- Kế ấy không được đâu! Thừa tướng là người ân của ta, lại là nhân vật quan trọng của triều đình mà cho uống thứ rượu nguy hiểm như vậy, rủi có bề gì biết liệu sao? Hãy nghĩ kế khác là hơn.
Trưởng Hoa Hoàng hậu lại tâu:
- Thứ rượu ấy tuy uống vào say lắm, nhưng lại là thứ rượu bổ nên uống vào chỉ có lợi chứ không can chi đâu. Nếu nay không thi hành kế ấy thì con chẳng còn kế nào khác nữa.
Hoàng Thái hậu nói:
- Nếu quả vậy thì ngày mai sẽ thi hành .
Trưởng Hoa Hoàng hậu lạy tạ lui ra, trở về cung ngồi nghĩ thầm:
“Chẳng biết vì lý do gì mấy hôm nay Thánh thượng lại không về cung, chắc là Thánh thượng có ý tư tình gì đây”.
Nghĩ đoạn, Hoàng hậu bảo cung nữ đi gọi tên nội giám Huyền Xương đến hỏi:
- Ngươi thấy mấy hôm nay Thánh thượng ngự ở cung nào?
Huyền Xương đáp:
- Tâu Hoàng hậu, mấy hôm nay Thánh thượng bận phê văn án nơi thiên điện.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nhìn Huyền Xương , trợn mắt nạt lớn:
- Mi dám cả gan dối ta sao? Thánh thượng ngự tại cung nào hãy nói rõ cho ta biết, bằng không ta sẽ truyền đánh đòn cho mà xem.
Huyền Xương thấy Hoàng hậu nổi giận thì thất kinh, đem việc Thành Tôn đối đãi với Lệ Thừa tướng có vẽ khác thường tâu rõ ra và nói :
- Đó là việc hôm trước, còn mấy hôm nay quả thật Thánh thượng ở tại Thiên điện lo phê văn án.
Hoàng hậu lại hỏi vặn :
- Tại sao lâu nay Thánh thượng lại nhàn rỗi, mà mấy hôm nay lại lo phê văn án đến thế, là ý gì ?
Huyền Xương đáp :
- Vì mấy hôm nay Lệ Thừa tướng thọ bịnh phải nghỉ việc, nên các quan đại thần khác làm không xuể, thành thử Thánh thượng phải ra sức mới xong.
Hoàng hậu lại hét to :
- Mi cũng còn cả gan dám dối ta nữa sao? Ngày nay thiên hạ thái bình, làm gì có văn án nhiều đến thế? Quả nhiên mi là kẻ giúp Trụ làm điều gian ác! Cung nữ đâu! Hãy căng nó ra đánh cho nát thịt cho ta, xem thử nó còn lớn gan dối ta nữa không cho biết.
Huyền Xương nghe Hoàng hậu truyền lịnh, hắn kinh hồn lạc phách, nghĩ không tội gì phải chịu thác oan, nên hắn quỳ lạy xin thú thật.
Hoàng hậu nghiêm sắc mặt nói:
- Sự việc như thế nào, mi hãy khai thật cho ta nghe, bằng giấu giếm, chớ trách ta sao độc ác!
Huyền Xương liền kể rõ việc vua Thành Tôn mời Lệ Minh Đường vào thưởng hoa trong vườn Thượng uyển rồi cưỡng bức đồng sàng trong Thiên Hương quán, hắn kể không chừa chân tóc kẽ răng.
Hoàng hậu nghe qua lửa giận phừng gan, nói:
- Tên tiện nô này bấy lâu nay tác tệ như vậy mà giấu ta! Cung nữ đâu! Hãy đem giam hắn vào một nơi kín đáo cho ta.
Nói rồi, Hoàng hậu bảo nữ tỳ phải cho hắn ăn uống tử tế chờ khi nào Lệ Thừa tướng cải trang xong sẽ thả hắn ra.
Lời bình:
- Sau khi Mạnh lệ Quân chi chấm trường thi về, nàng chối quanh giữa triều đình, làm cho cha con Hoàng Phủ Kính cũng như Mạnh Sĩ Nguyên chịu một phen sĩ nhục. Khi về nhà thuật chuyện lại cho Doãn Phu nhơn nghe, Doãn Phu nhơn bảo: “Nếu chưa cởi giày ra khám nghiệm thì chưa đáng tin, đó chẳng qua là vua Thành Tôn binh vực nàng nên đàn áp mình đó thôi!”.
Sự nhận xét của Doãn Phu nhơn quả là tâm lý và sáng suốt. Rồi đến khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa buồn rầu ân hận bà ta lại khuyên bảo: “Con cũng đừng nên buồn làm gì, vì nếu quả Lệ Thừa tướng là Mạnh Lệ Quân thật, mà nàng bạc bẽo không muốn ra mặt nhìn con thì con có đeo đuổi cũng vô ích. Bây giờ con chỉ nên đến tạ tội người, giữ trọn niềm sư đệ là đủ”.
Lời nói của Doãn Phu nhơn lúc này ta thấy thật là chí lý. Phàm cuộc tình duyên của đôi trai gái chú trọng ở tình yêu, mà tình yêu không còn nữa thì không còn gọi là tình duyên nữa. Thế thì Mạnh Lệ Quân đối với nhà Hoàng phủ chỉ còn là một ân nhân thôi, vì vậy bà ta khuyên chàng nên giữ trọn tình sư đệ là phải lắm.
Đến nay, giữa triều, nàng Hạng Nam Kim đã nhờ vua Thành Tôn bênh vực, đứng ra tự nhận mình là Mạnh Lệ Quân, làm cho vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên còn miệng mà hết đường bắt bẻ. Cuối cùng , vua lại bảo vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên đã già nên lẫn lộn không nhìn con được. Thử hỏi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa còn lạ gì Mạnh Sĩ Nguyên nữa? Cứ cách đôi ba ngày chàng đã đến thăm ông bà nhạc, người bị thất trí hay không cũng rõ rồi, huống chi lúc ấy có Mạnh Gia Linh cũng phản đối kịch liệt, thì đổ cho việc già nua sao được!
Ta còn nhớ rõ, đã một lần nàng Lộ Tường Vân đến, vua Thành Tôn cũng cố bênh vực nàng, đủ biết vua cố tình nhận Mạnh Lệ Quân giả, để mặc tình vua tháo túng Lệ Minh Đường . Điều này chắc Doãn Phu nhơn cũng thừa hiểu, nhưng đốc thúc con nên cưới ngay, vì bà ta thấy không cần thiết đến Mạnh lệ Quân thiệt nữa. Nếu có chê trách là chê trách cho Thiếu Hoa mù quáng mà thôi.