Hồi Thứ Mười
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Khi Mạnh Sĩ Nguyên về rồi, Hoàng Phủ Kính sai người đi triệu Vệ Hoán đến.
Vệ Hoán quả là một dõng tướng, mình cao tám thước, mặt trắng, mắt sáng như sao băng, đầu hùm râu vắn, nói tiếnt như chuông. Khi được Hoàng Phủ Kính triệu thỉnh thì hăng hái đến ngay.
Hoàng Phủ Kính ra tận ngoài thành nghinh tiếp vào trà nước rất trọng thể. Để dò xét tài năng của Vệ Hoán, Nguyên soái liền hỏi qua việc binh pháp, Vệ Hoán đáp thông suốt như nước chảy, lại tỏ ra một người trunh thành đảm lược. Đáp xong, Vệ Hoán bước xuống thềm, rút gươm múa một hồi: Hoàng Phủ Kính khen ngợi chẳng cùng.
Đêm hôm ấy, hai vị lão tướng ngồi uống rượu trong dinh, trò chuyện rất tương đắc; sáng hôm sau, cùng ra đấu trường thao luyện quân sĩ. Doãn Phu nhơn thấy có người tài năng giúp chồng mình, lòng mừng vô hạn.
Thao luyện quân sĩ đã thuần thục, Hoàng Phủ Kính liền viết chiếu sai người đem về kinh dâng cho Thiên tử, tâu rõ hạn kỳ xuất binh.
Thời gian qua nhanh như tên bay, chẳng bao lâu đã đến ngày mùng tám tháng tám, Hoàng Phủ Kính truyền bày một tiệc đặng vợ chồng tiễn biệt nhau.
Hoàng Phủ Kính căn dặn Doãn Phu nhơn:
- Về quê hương, phu nhơn phải lo nhắc nhở hai trẻ nó luyện tập võ nghệ đừng lêu lỏng chơi bời, cũng đừng ham công danh phú quí mà chuốc lấy tai họa về sau.
Phu nhơn nói:
- Đó là bổn phận của thiếp, xin phu quân chớ nhọc lòng lo lắng. Nay thiếp xin cầu chúc phu quân ra đi sớm đặng thành công để chóng trở về.
Hoàng Phủ Kính mỉm cười tự tất:
- Ta đi phen này chẳng bao lâu sẽ đắc thắng khải hoàn, xin phu nhơn chớ lo, miễn sao ở nhà lo tròn nhiệm vụ tề gia thì tôi mới an tâm.
Sau đó, Hoàng Phủ Kính đưa Doãn Phu nhơn cùng tất cả gia quyến xuống thuyền, các quan lớn nhỏ trong thành cũng đến đưa đón rất đông đảo, người ta thấy còn có cả cha con Mạnh Sĩ Nguyên nữa.
Qua đến ngày mười hai tháng tám, Hoàng Phủ Kính phong cho Vệ Hoán làm Tiên phong rồi tế cờ, phát pháo truyền lịnh tấn binh, rần rộ nhắm Sơn Đông tấn phát.
Đoàn quân tiến như vũ bão, nhưng phải ngót chín ngày mới tới Đăng Châu. Quan Tuần phủ Sơn Đông Bành Như Trạch cùng quan Tổng binh Ân Diệu Tiên mở cửa thành ra nghinh tiếp vào dinh, dọn bày yến tiệc thiết đãi. Trong tiệc rượu, Hoàng Phủ Kính lên tiếng hỏi Ân Diệu Tiên:
- Chẳng hay tình hình quân giặc ra thế nào?
Ân Diệu Tiên đáp:
- Quân giặc có một Nguyên soái tên là Ô Tất Khải lực địch muôn người, lại có nghề lặn dưới nước rất tài tình, và có thể ở dưới đáy biển suốt đêm mà không hề gì cả. Bên cạnh va, còn một tên quân sư tên Thần Võ Đạo nhơn, người này biết hô phong hoán võ dậy lửa, tuôn mưa, mười phần lợi hại. Lâu nay chúng đến quấy nhiễu tung hoành dọc ngang không biết sợ ai cả, nhưng cách mười ngày nay chúng hay tin Nguyên soái sắp kéo đại binh đến nên rút quân đóng trên một chiếc cù lao ngoài khơi, tên là cù lao Sa Môn, chỗ đó là nơi tích thảo đồn lương và tàng trữ binh khí, nếu Nguyên soái có đến đó giáp chiến, cần phải cẩn thận lắm mới được, chẳng biết ý Nguyên soái đợi chúng kéo binh đến sẽ giao phong, hay là độ binh vượt biển đến cù lao ấy phá tan sào huyệt của chúng?
Hoàng Phủ Kính đáp:
- Ta muốn độ binh qua đó đánh thì hay hơn, vì để chúng sang đây mới giao phong thế nào cũng tổn hại bá tánh.
Ân Diệu Tiên gật đầu nói:
- Nguyên soái định lẽ ấy rất phải, nhưng chúng nó có yêu pháp quá lợi hại, tôi e giao chiến trên mặt biển tấn thối bất tiện chăng.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Tôi đã dốc lòng vì nước, lại nhờ có hồng phước của Thánh thượng, há lại sợ yêu thuật của chúng sao?
Mọi người nghe Hoàng Phủ Kính nói, đều rập lên khen phải.
Sáng hôm sau, bình minh vừa ló dạng, Hoàng Phủ Kính đã cho quân xuống thuyền chèo thẳng ra cù lao Sa Môn. Khi gần đến nơi, Nguyên soái lại truyền quân neo thuyền lại làm thủy trại nghỉ binh chờ đi dọ xem địa thế rồi sáng hôm sau giao chiến.
Khi giặc trông thấy Hoàng Nguyên soái đến, chúng vội vã chạy về báo cho Ô Tất Khải hay.
Ô Tất Khải ngửa mặt lên trời cười ngất nói:
- Chắc bọn này đã tận số rồi nên mới kéo ra tận nơi đây nạp mạng.
Rồi Ô Tất Khải sai quân đi báo cho Thần Võ Đại nhơn hay để chuẩn bị tấn công đối phương.
Sáng hôm ấy, sau khi Hoàng Phủ Kính thăng trướng, định đích thân kéo binh ra trận, bỗng Tiên phong Vệ Hoán bước tới thưa:
- Nguyên soái đã cho tôi lãnh ấn Tiên phong thì xin hãy cho tôi ra đánh trận đầu.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Muốn cho ba quân đầy đủ nhuệ khí, trận đầu này chúng ta nhất định phải thủ thắng, tôi chỉ sợ tướng quân không đủ sức lãnh trách nhiệm trọng đại ấy chăng?
Vệ Hoán thưa:
- Đó chẳng qua là bổn phận của tướng Tiên phong, chừng nào tôi ra đó mà không thắng nổi, Nguyên soái sẽ xuất chiến cũng chẳng muộn.
Hoàng Phủ Kính y lời, Vệ Hoán liền hạ lịnh cho ba quân nhổ neo chèo thuyền xông tới.
Quân sỉ chạy vào phi báo. Ô Tất Khải lên tiếng hỏi chư tướng:
- Nay quân giặc đến khiêu chiến, có ai dám ra binh lập công không?
Ô Tất Khải nói dứt lời, xảy thấy tướng Tiên phong là Miêu Thành Long ứng tiếng thưa:
- Tôi xin xuất trận cho.
Ô Tất Khải y lời, Miêu Thành Long vung đại đao hô quân sĩ xuống thuyền giục trống phất cờ xuất trận.
Hai bên vừa gặp nhau, Miêu Thành Long đứng trước mũi thuyền chỉ đối phương nạt lớn:
- Tướng Nguyên tên họ là chi, hãy xưng ra cho mau rồi chịu chết.
Vệ Hoán trỗi giọng như chuông đồng, nói:
- Ta là Tiên phong Vệ Hoán, bộ hạ của Hoàng Phủ Nguyên soái đây, còn ngươi tên họ là chi hãy nói cho mau để ta còn ra tay thủ đoạn.
Miêu Thành Long nói:
- Ta cũng là chánh ấn Tiên phong, bộ hạ của Ô Nguyên soái tên Miêu Thành Long đây.
Thành Long vừa dứt lời đã thấy Vệ Hoán phóng giáo triển thần lực đâm ngay vào giữa mặt đối phương. Miêu Thành Long cử đao đỡ vẹt ra rồi chém thẳng vào đầu Vệ Hoán. Hai người đánh vùi với nhau chừng ba mươi hiệp, Miêu Thành Long nhắm thế cự không nổi, liền quày thuyền chạy dài. Vệ Hoán không để lỡ cơ hội, liền tung mình bật một cái nhảy phóng qua bên thuyền Thành Long đâm một giáo thủng từ trước ngực ra đến sau lưng. Quân sĩ Vệ Hoán thấy vậy hô rập lên một tiếng rồi ập tới chém giết tơi bời.
Quân Phiên thấy chủ mình chết rồi, không dám chống cự, chúng hè nhau quăng binh khí quì xuống một lượt xin hàng.
Vệ Hoán thâu phục rồi truyền quân chèo thuyền thúc trống đắc thắng trở về, vào ra mắt Hoàng Phủ Nguyên soái dâng thủ cấp Miêu Thành Long lên để ghi công. Hoàng Phủ Kính mừng rỡ khen ngợi chẳng cùng.
Ô Tất Khải hay tin Miêu Thành Long tử trận, tức giận muôn phần, liền hạ lịnh cho quân sĩ sửa soạn chiến thuyền đặng sáng ngày xuất trận, quyết kịch chiến một trận để rửa thù cho Tiên Phong.
Ngày sau, quân Nguyên trông thấy chiến thuyền của Ô Tất Khải kéo tới, liền chạy vào phi báo cho Hoàng Phủ Kính hay. Hoàng Phủ Kính lập tức phân binh dàn ra đối địch.
Thuyền lướt tới còn cách thuyền địch vài mươi trượng, đã thấy Ô Tất Khải đứng trước mũi thuyền, mình cao chín thước mặt đỏ gay như huyết dụ, tóc dựng đứng, râu vểnh ngược, hai tay cầm cặp ngân chùy to tướng, đứng dưới cây đại kỳ giống hệt như Hỏa Đức Tinh Quân giáng trần vậy. Ô Tất Khải trố mắt nhìn Hoàng Phủ Kính, trông thấy đối phương mình cao tám thước, mặt trắng, môi son tay cầm phương thiên họa kích tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm, phía sau cũng có cây đại kỳ đề bảy chữ: “Võ Trạng nguyên Hoàng Phủ Nguyên soái”.
Hoàng Phủ Kính nhìn thẳng vào mặt đối phương quát lớn:
- Tặc tướng, ngươi có phải là Ô Tất Khải không?
Ô Tất Khải gật đầu:
- Phải! Còn ngươi có phải là Hoàng Phủ Kính không?
Hoàng Phủ Kính nói:
- Đã biết danh ta sao không xếp giáp qui hàng để bảo toàn tánh mạng?
Ô Tất Khải ngửa mặt lên trời cười ngất:
- Dầu ngươi có ba đầu sáu tay cũng không thể đối địch với ta nổi, hãy rút binh về đi, kẻo ta ra tay thì không còn ăn năn kịp nữa đấy.
Hoàng Phủ Kính nổi giận xung thiên, giơ kích đâm nhào tới, Ô Tất Khải cũng cử chùy rước đánh. Hai nguời đánh vùi với nhau, kích đâm qua, chùy đỡ lại, như hai con rồng đang quần trên mặt biển. Lúc ấy viên phó tướng của Ô Tất Khải vội chèo nhanh thuyền tới nhảy lên trợ chiến cùng chủ soái mình. Bên này Vệ Hoán thấy thế liền lướt tới vung giáo ngăn đánh. Chỉ được mười hiệp, Vệ Hoán hét lên một tiếng như sấm nổ, đâm viên phó tướng té nhào xuống biển chết tốt.
Còn Hoàng Phủ Kính đánh với Ô Tất Khải đặng bốn mươi hiệp, Ô Tất Khải đuối sức bị Hoàng Phủ Kính đâm trúng một kích nhầm vai tả, đau quá hoảng kinh. Ô Tất Khải hét lên một tiếng thất thanh rồi quày thuyền chạy như dông. Hoàng Phủ Kính đốc quân rượt theo mội hồi rồi mới thâu binh trở lại.
Về đến nơi, Hoàng Phủ Kính nói với Vệ Hoán:
- Cứ theo lực lượng của địch quân như vầy cũng dễ phá.
Vệ Hoán nói:
- Tôi còn ngại tên quân sư của hắn có yêu thuật, khó mà thắng đặng.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Đến lúc giao chiến ta mới thấy rõ lợi hại của đối phương chứ tiếng đồn đãi của người ta đã chắc gì đúng sự thật.
Vệ Hoán khen phải rồi lui thuyền về nghỉ ngơi.
Nói về Ô Tất Khải thất trận, chạy về lấy thuốc băng bó vết thương nhưng vì Hoàng Phủ Kính đâm quá mạnh nên vết thương sâu gần một tấc, đau nhức vô cùng. Trong lúc đang bối rối, bỗng có quân vào báo:
- Có quân sư đến.
Ô Tất Khải mừng rỡ gắng gượng chổi dậy, hối quân chèo thuyền ra tiếp rước.
Ô Tất Khải nói với Thần Võ Đạo nhơn:
- Tôi định tới tiếp kiến Quân sư mà Quân sư lại quá bộ đến đây, thật là may mắn.
Thần Võ Đạo nhơn nói:
- Tôi nhe Nguyên soái giao phong với quân Nguyên bị thất trận, lấy làm lạ nên đến đây hỏi thử lực lượng địch quân ra thế nào?
Ô Tất Khải đem hết việc thất bại liên tiếp hai trận kể lại đầu đuôi cho Thần Võ Đạo nhơn nghe. Thần Võ Đạo nhơn cười gằn nói:
- Được rồi, nếu bọn Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán lợi hại như vậy thì mai đây bần đạo sẽ ra trận bắt quách cho rồi.
Nói dứt lời, Thần Võ Đạo nhơn thò tay vào hồ lô lấy ra một hoàn linh đơn nhai nhỏ đắp vào chỗ vết thương Ô Tất Khải, chỉ trong khoảnh khắc vết thương lành hẳn.
Ô Tất Khải mừng rỡ, tạ ơn Quân sư rối rít rồi hối quân bày tiệc khoản đãi.
Sáng hôm sau Thần Võ Đạo nhơn và Ô Tất Khải kéo quân vượt thuyền đến khiêu chiến. Hoàng Phủ Kính nghe báo liền dàn quân ra đối địch.
Đứng xa xa, Hoàng Phủ Kính đã trông thấy bên chiến thuyền địch có một vị đạo nhơn đứng trước mũi thuyền, mặt xám mày tro, đầu chít khăn đỏ; mặc áo đạo bào, tay cầm thanh bửu kiếm, Hoàng phủ Kính biết ngay là quân sư của đối phương tên là Thần Võ Đạo nhơn nên truyền cho ba quân tướng sĩ phải đề phòng cẩn mật.
Vừa trông thấy Hoàng Phủ Kính, Thần Võ Đạo nhơn lướt thuyền tới hỏi lớn:
- Hoàng Phủ Kính, ngươi chưa từng nghe tiếng pháp thuật của ta lợi hại thế nào, sao dám đến đây tung hoành như vậy? Ta khuyên ngươi hãy xép giáp qui hàng để ta khỏi ra tay nhọc sức.
Hoàng Phủ Kính nghe nói lửa giận phừng lên tím mặt, liền trợn mắt quát:
- Loài yêu đạo chớ buông lời vô lễ. Ta vâng mạng Thiên triều đến lấy thủ cấp mi đây.
Thần Võ Đạo nhơn buông một chuỗi cười đầy vẻ ngạo mạn:
- Tên thất phu kia, cái chết đã kề bên mà còn dám lớn lối nữa hay sao?
Dứt lời, Thần Võ Đạo nhơn giơ cây bửu kiếm chỉ thẳng về phía chiến thuyền Hoàng Phủ Kính, miệng đọc thần chú lâm râm, tức thì bao nhiêu chiến thuyền của quân Nguyên đều bị dồi lên dập xuống như một cơn dông khủng khiếp vậy, khiến bao nhiêu quân sĩ đứng trên thuyền kẻ ngã qua người nhào lại, xây xẩm mặt mày, ói mửa liên miên, Hoàng Phủ Kính và Vệ Hoán vẫn hết sức bình sanh cố đứng cho thật vững, nhưng tâm thần vẫn thấy mờ mệt, đôi mắt hoa lên.
Nguyên soái nhìn Tiên phong Vệ Hoán thở dài than:
- Nếu vậy thì rõ ràng trời đã hại ta.
Than vừa dứt lời, xảy thấy Thần Võ Đạo nhơn giơ tay vẫy một cái tức thì một luồng kình phong thổi tới hốt Hoàng Phủ Kính hổng chân bay vụt lên không rồi sa xuống thuyền địch, Đạo nhơn liền hô quân trói lại. Quân Nguyên thấy chúa soái mình bị bắt, hoảng kinh khóc rống lên, Vệ Hoán gượng đứng vững lại toan hô quân rút lui thì ngọn gió thứ hai đã ùn ùn thổi tới cuốn lôi Vệ Hoãn mất.
Quân Nguyên lúc bấy giờ như con rắn không đầu, chúng hè nhau chèo thuyền bỏ chảy, giặc rượt theo chém giết, lớp chết, lớp bị rơi xuống nước không biết bao nhiêu mà kể.
Lời Bình:
- Lưu Tiệp tiến cử Hoàng Phủ Kính đi dẹp giặc là cố đưa Hoàng Phủ Kính đi vào chỗ chết để thỏa mãn lòng ganh ghét của y, song nếu Hoàng Phủ Kính đủ tài đẩy lui quân giặc thì Lưu Tiệp đã không thực hiện được âm mưu hiểm độc, trái lại Lưu Tiệp đã tạo điều kiện cho Hoàng Phủ Kính lập đặng công thêm. Thế thì sự thất bại của Hoàng Phủ Kính đây phần lớn là do mình không đủ tài, chớ đừng quá trách Lưu Tiệp.
- Lúc mới xuất quân, Hoàng Phủ Kính càng biết đối phương rất lợi hại, nhưng khi ra đến Đăng Châu lại quyết vượt biển ra đảo Sa Môn để phá sào huyệt địch chỉ vì hoàng Phủ Kính không muốn cho dân chúng bị liên lụy vì chiến tranh. Đi đánh giặc mà biết thương dân chúng như vậy thật là ít có.
- Lắm người không ai tránh khỏi cái chết, nhưng xét ra cái chết của Hoàng Phủ Kính trong lúc này là phải lẽ, vì nếu Hoàng Phủ Kính chết đi, tất nhiên tên gian thần Lưu Tiệp không còn lý do gì để sàm tấu nữa. Thế thì ở đời có nhiều cái chết may, và ngược lại, cũng có nhiều cái sống rủi.