Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Nghe vua phán, Hoàng Phủ Thiếu Hoa toát mồ hôi, quỳ xuống tâu tiếp: - Muôn tâu bệ hạ, hạ thần được sống sót đến ngày nay là nhờ Lưu Yến Ngọc cứu mạng. Nếu bây giờ giết hết cha mẹ nàng thì hóa ra nàng làm ơn sanh oán, tất nhiên nàng không thể kết duyên cùng hạ thần, mong bệ hạ mở lượng khoan dung ân xá cho.
Thiếu Hoa tâu dứt lời, Hoàng Phủ Kính cũng bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, năm nay hạ thần đã trên ngũ tuần, thế nhưng con của hạ thần đã làm đến tước vương mà chưa có vợ, nên rất e ngại cho việc kế tự, sau này không biết trông cậy vào đâu. Cúi xin thánh thượng nghĩ tình Lưu Hoàng hậu thuở xưa mà ân xá cho gia quyến họ Lưu thì cha con của hạ thần đội ơn muôn thuở.
Vua Thành Tôn lấy làm bực tức, cau mài phán:
- Thật cha con khanh không biết suy nghĩ gì cả. Chỉ cầu có một người đàn bà mà xem thường luật pháp của trẫm thì dù cho trẫm có vị tình đến đâu, cũng không thể nào y theo lời tấu ấy được.
Hoàng Phủ Kính cúi lạy và tâu tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ, chẳng phải hạ thần dám khinh mạng triều đình, mà hạ thần xét ra hành động của Lưu Tiệp chỉ vì quá sợ sự báo cừu của con hạ thần nên mới mượn tay quân giặc giết chết cha con hạ thần, chứ kỳ thật trong thâm tâm Lưu Tiệp cũng không đến nỗi bán nước đâu, xin bệ hạ nghĩ thương đến lòng hiếu đạo của Hoàng hậu khi xưa mà bảo toàn cho nắm xương già của Lưu Tiệp, hạ thần cảm đội ơn ấy vô cùng.
Bấy giờ vua Thành Tôn có vẻ động lòng thương hại nên ngồi bấm trán suy nghĩ hồi lâu rồi phán:
- Thật tình trẫm rất quý trọng công nghiệp của hai khanh, nên trẫm cũng không nỡ khước bác.Thôi, để trẫm khoan hạn cho gia quyến Lưu Tiệp một tháng đó.
Nói rồi, lập tức thảo chiếu sai quan Hình bộ ra pháp trường dẫn mọi tội nhân đem vào ngục thất giam lại.
Cho con Hoàng Phủ Kính lạy tạ lui ra, đoạn vua tuyên bố bãi triều đi giá hồi cung.
Về đến cung điện, vua nhìn Hoàng hậu mỉm cười nói:
- Trẫm nghĩ buồn cười cho thân phụ và thân đệ của Hoàng hậu quá!
Hoàng hậu nghe nói không biết việc chi, vội hỏi:
- Chẳng hay chuyện chi vậy?
Vua Thành tôn bàn thuật hết mọi việc cho Hoàng hậu nghe và trao bức thư của Lưu Yến Ngọc cho Hoàng hậu xem.
Xem xong, Hoàng hậu cúi lạy tâu:
- Nếu bệ hạ giết hết cả nhà họ Lưu thì Lưu Yến Ngọc còn mặt mũi nào kết duyên cùng xá đệ. Hơn nữa, xá đệ là người trọng nghĩa nên lâu nay không chịu kết duyên với ai cả. Thương thay cho cha mẹ thiếp tuổi đã già nua mà không người hầu hạ, đường kệ tự sau này không biết trông cậy vào đâu. Xin bệ hạ mở lượng biển trời ân xá cho gia quyến họ Lưu, chỉ trị tội một mình Khuê Bích để làm gương cũng đủ rồi. Được như vậy, thần thiếp đội ơn bệ hạ vô cùng.
Vua Thành Tôn đỡ Hoàng hậu dậy, dịu giọng nói:
Trẫm cũng muốn y theo lời xin của Hoàng hậu, ngặt vì triều đình không có lệ ấy, nếu trẫm giáng chỉ ân xá thế nào các quan triều thần cũng cản ngăn.
Hoàng hậu nói:
- Nếu ngày nay bệ hạ giết hết cả nhà họ Lưu, thế nào thiên hạ cũng dị nghị rằng thần thiếp đã mê hoặc bệ hạ nên cả nhà họ Lưu mới bị tru diệt, thần thiếp đây phải chịu tiếng xấu muôn thuở. Xin bệ hạ hãy ân xá để tỏ lòng đại độ khoan dung, thần thiếp đây lại được tiếng khen mà linh hồn của Lưu Hoàng hậu dưới suối vàng cũng đội ơn bệ hạ muôn kiếp.
Vua Thành Tôn thấy Hoàng hậu nói cũng có lý, nên buộc lòng phán:
- Thôi được rồi, trẫm cũng vì lòng nhơn từ của Hoàng hậu mà ân xá cho.
Hoàng hậu nghe phán, mừng rỡ vội cúi lạy. Vua Thành Tôn nói:
- Nếu Trẫm lên triều giáng chỉ, sẽ bị sức cản ngăn của các quan triều thần. Thôi, để trẫm giáng chỉ ân xá ngay thì hay hơn.
Nói rồi, vua truyền nội giám thảo chiếu Lưu Khuê Bích bị hậu trảm, Bành Như Trạch bị hậu giảo, còn bao nhiêu gia quyến của Lưu Tiệp đều được ân xá hết, nhưng chờ một tháng nữa khi nào làm lễ thành hôn cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa xong mới đày tất cả ra Lãnh Nam làm lính.
Nội giám thảo chiếu xong, đem nạp cho tòa nội các. Các quan triều thần trông thấy lấy làm bất bình, nhưng chiếu chỉ đã ra rồi, không thể nào cản ngăn được.
Sáng hôm sau, lúc đao phủ quân dẫn gia quyến Lưu Tiệp ra pháp trường đặng hành quyết, bỗng thấy nội giám phi ngựa đến lớn tiếng tuyên bố:
- Có thánh chỉ đến, hãy nghinh tiếp cho mau!
Các quan Hình bộ nghe nói, lật đật quỳ xuống tiếp chỉ. Khi mở thánh chỉ ra đọc mới hay cha con Hoàng Phủ Kính đã tâu xin nên thánh thượng ân xá cho Lưu Tiệp, khoan hạn cho một tháng.
Hình Bộ quan vâng thánh chỉ, giải hết vào ngục thất. Lúc ấy Thôi Phàn Phụng đang lo quan quách để tẩn liệm, xảy nghe tin ấy mừng rỡ khôn cùng, hắn vội vã chạy vào ngục thất hỏi thăm, Lưu Tiệp thở dài than:
- Kéo dài cuộc sống thêm một tháng nữa để rồi chết lại càng khổ tâm hơn, chi bằng chết phứt bây giờ còn hơn.
Thôi Phàn Phụng nói:
- Nay được khoan hạn như vậy, chắc có vị đại thần nào tâu xin đó.
Vẫn một giọng thất vọng não nề, Lưu Tiệp nói:
- Nếu có thể xin tha tội cho ta được thì trước kia đã có người tâu rồi, hà tất chi đến ngày nay! Mới đây ta có nghe cha con Hoàng Phủ Kính tâu xin, nhưng ta nghi ngờ lắm. Chẳng lẽ kẻ thù của mình mà lại xin tha sao?
Thôi Phàn Phụng nói:
- Để tiện tế về hỏi thăm quan Hình bộ thì rõ.
Nói dứt lời, Phàn Phụng từ giã lui về.
Nhắc qua Lưu Yến Ngọc hay tin ấy mừng rỡ vô cùng, liền nói với mọi người :
- Thế là ta mang trọng ơn của nhà Hoàng Phủ rồi!
Nói rồi, hối Giang Tấn Hỉ đi mướn xe đặng vào ngục thất thăm cha mẹ. Khi vào đến nơi, Lưu Yến Ngọc vừa trông thấy gia quyến thì khóc òa lên và kêu lớn:
- Song thân ơi! Đứa con bất hiếu này mãi đến bây giờ mới thăm được cha mẹ đây, xin song thân thứ tội.
Lưu Tiệp nói:
- Con đã về làm dâu người ta, vả lại chồng con bận đến kinh lập công danh, sao không lo ở nhà coi sóc công việc gia đình, lại bỏ phế đến đây làm gì?
Còn Cố Phu nhơn vừa trông thấy mặt Lưu Yến Ngọc, đã nổi giận mắng: - Ta tưởng mi chết bờ chết bụi nơi nào rồi, sao mi vẫn còn sống đó? Nay mi còn mặt mũi nào mà trông thấy chúng ta nữa! Có đời nào con gái cấm cung lại bỏ nhà trốn đi trên hai năm trời, thử hỏi có nhục nhã không?
Lưu Tiệp ngạc nhiên hỏi:
- Con nó đã vì chữ hiếu đến thăm mình, sao phu nhơn lại nói vậy?
Cố Phu nhơn nói:
- Phu quân cứ tưởng nó là vợ của Thôi Phàn Phụng đó sao?
Nói rồi Cố Phu nhơn bèn đem hết việc Lưu Yến Ngọc bỏ trốn đi, phải đem nàng Mai Tuyết Trinh gả thế, nói rõ đầu đuôi cho Lưu Tiệp nghe.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Bây giờ việc đã rồi, xin thân mẫu bớt cơn thịnh nộ để con phân tỏ đôi lời.
Lưu Tiệp cảm thấy thương hại nên tỏ lời khuyên Cố Phu nhơn :
- Thôi, phu nhơn cũng nên bớt giận đi, để cho nó giải bày thử nào.
Lưu Yến Ngọc bèn thuật hết việc mình làm cặn kẽ từ đầu chí cuối cho mọi người nghe. Lưu Tiệp mỉm cười nói với Cố Phu nhơn:
- Thảo nào cha con Hoàng Phủ Kính đã cố tình tâu xin ân xá cho ta, bây giờ ta mới biết nhờ có con ta cầu xin nên mới được kết quả như ngày nay.
Cố Phu nhơn cũng đổi giận làm vui, nói:
- Sự việc như vậy mà nào tôi có hay biết gì đâu! Thật tôi rầy oan cho nó quá.
Sau đó, Lưu Yến Ngọc lạy vợ chồng Lưu Tiệp, làm lễ tương kiến với Lưu Khuê Bích, đồng thời chào Ngô Thục nương và Đỗ Hàm Hương.
Chào lạy xong rồi, Lưu Yến Ngọc bèn lấy ra ba chục lượng bạc trao cho Lưu Tiệp và nói:
- Bẩm thân phụ, số bạc này là của Trung hiếu vương trao tặng, nay con đem ba chục lượng vào đây cho song thân tiêu dùng, lúc nào hết con sẽ đem vào thêm.
Lưu Tiệp nói:
- Khá khen cho tấm lòng chí hiếu của con, nhưng ta đây cũng còn các quan đại thần quen biết gởi tặng cho bạc cũng nhiều, chi tiêu không thiếu, vậy bạc này con hãy cất đi. Hôm nay ta vô cùng kính phục tấm lòng khoan dung đại độ của cha con Hoàng Phủ. Chính tay ta đã hại người mà người không đem lòng óan hận, còn tâu xin cho được ân xá, còn thương tưởng đến con nữa, ta nghĩ lấy làm hổ thẹn trăm bề.
Lưu Yến Ngọc lại nói rõ việc cha con Hoàng Phủ Kính hết lòng tâu xin tha cho kỳ được hết cả gia quyến họ Lưu mới nghe. Yến Ngọc lại trao bức thư của mình đã gởi cho Thiếu Hoa cho mọi người xem.
Trong lúc gia quyến họ Lưu đang chuyện vãn, xảy thấy Thôi Phàn Phụng vào thăm. Lưu Yến Ngọc nhớ chuyện xưa mười phần hổ thẹn, nhưng cũng gắng gượng cúi đầu chào Thôi Phàn Phụng và nói:
- Trước kia thật tình tôi không phải là kẻ vô tình, nhưng vì tôi đã vâng lời thân mẫu báo mộng nên đính ước cùng Trung hiếu vương. Vì vậy , không thể nào thất tiết được, phải trốn vào chùa Vạn Duyên. May thay biểu huynh không oán hận, có lòng tử tế vào thăm song thân tôi, thật cái ơn ấy ví bằng sông biển, dầu kết cỏ ngậm vành cũng không trả nổi.
Lúc ấy Thôi Phàn Phụng mới rõ, chàng nói:
- Hèn chi lúc nãy tôi vào hỏi quan Hình bộ, người ta cho biết rằng nhờ có lời yêu cầu của nàng nên cha con Hoàng Phủ Kính mới cố tình tâu xin khoan hạn. Tôi nghe qua lấy làm nghi hoặc, ngờ đâu bây giờ mới rõ nguyên do.
Lưu Tiệp nhìn Thôi Phàn Phụng nói:
- Thế mà từ lâu nat ta nhận ngươi là rể, ngờ đâu chỉ là việc chắp vá thôi, mà ngươi tử tế với ta quá, chắc trời cao cũng không phụ lòng của ngươi đâu.
Lưu Tiệp vừa nói dứt lời, xảy thấy ngục quan chạy vào nói:
- Tôi xin chúc mừng cho Quốc trượng, vì đã có chiếu ân xá đến nơi, xin mời Quốc trượng ra nghinh tiếp.
Lưu Tiệp nghe nói mừng quýnh, lật đật ra nghinh tiếp. Khi nội giám tuyên đọc thánh chỉ? Lưu Tiệp mới hay là nhờ có Trưởng Hoa Hoàng hậu bảo tấu nên thánh thượng mới ân xá cho toàn gia khỏi chết, trong hạn một tháng, khi Lưu YếnNgọc kết duyên cùng Trung hiếu vương rồi, sẽ đày ra Lãnh Nam làm lính, chỉ có Lưu Khuê Bích bị hậu trảm và Bành Như Trạch bị hậu giảo mà thôi.
Lưu Tiệp nửa thương nửa mừng, liền trở vào thuật lại cho nội nhà nghe, cả nhà ai nấy đều cảm cái ân đức của Trưởng Hoa Hoàng hậu.
Ngục quan lại kêu nói:
- Ai đã được ân xá rồi, thì ra ngoài ở. Chúng tôi không còn phải canh giữ những người ấy nữa.
- Bây giờ chúng ta biết đi đâu và ở đâu ?
Thôi Phàn Phụng nói:
- Nơi nhà trọ của tiện tế rộng lắm, lại có nhiều phòng, xin mời nhạc phụ đến đó ở cho tiện.
Lưu Yến Ngọc nghĩ thầm:
“ Nếu nay ta đến ở chung với Thôi Phàn Phụng, sao cho khỏi thiếng thị phi”.
Yến Ngọc vừa nghĩ đến đây, xảy nghe bên ngoài có tiếng ồn ào, rồi một tốp người từ ngoài kéo vào hỏi lớn:
- Lưu Quốc trượng đâu rồi?
Bị hỏi một các đột ngột, Lưu Tiệp hơi ngạc nhiên, trố mắt nhìn người ấy không nháy mắt, xảy thấy người ấy bước tới quỳ trước mặt Lưu Tiệp thưa:
- Chúng tôi là gia tướng của quan phủ Nguyễn, vâng lịnh đem kiệu đến rước Quốc trượng về dinh.
Quan phủ này tên là Nguyễn Long Quang, vốn là biểu đệ của Lưu Tiệp, thi đỗ nhị giáp Tấn Sĩ, nên Lưu Tiệp nghe nói mừng rỡ, liền hối mọi người lo sửa soạn đồ đạc ra đi.
Lúc ấy, Đỗ Hàm Hương không nỡ rời Lưu Khuê Bích, nên trao con cho Lưu Toàn và Lưu Yến Ngọc rồi ở lại với Lưu Khuê Bích cho trọn tình chồng vợ.
Lời bình:
- Hồi này là hồi những kẻ gian ác đền tội, nhưng không thấy tác giả luận tội của từng tội nhơn một cách rõ ràng, khiến người đọc không hài lòng tý nào cả.
Ta thấy kẻ thủ phạm nội vụ chính là Lưu Khuê Bích, kết quả của tội này là hại hiền thần, thông đồng với giặc để bán nước; nhưng xét lại nội tâm chỉ là một mối tình bị thảm bại mà sanh ra. Chỉ vì gia thế của Lưu Khuê Bích quá to tát: chị làm Hoàng hậu, cha làm Quốc trượng, anh làm Tổng binh trấn giữ biên thùy, nhất hô bá ứng, nên Khuê Bích có quan niệm rằng: đã là con nhà hoàng thân quốc thích thì muốn gì cũng được. Còn Lưu Tiệp lại ỷ mình có thế lực tuyệt đối trong triều, muốn cho ai cũng phải xu phụ mình, thấy ai có chút quyền thế thì ganh hiền ghét ngõ, muốn đè bẹp cho thế lực mình được to lớn thêm.
Tư tường trên không phải chỉ riêng một mình Lưu Tiệp trong Tái Sanh Duyên này thôi, mà hầu hết trong chế độ phong kiến đều có cái nạn cá lớn hiếp cá bé là thường. Thế thì nội ý của Lưu Tiệp là muốn hạ họ Hoàng Phủ chứ không có ý thức thông đồng với giặc để bán nước. Nhưng sở dĩ có tình trạng này là vì khi hay tin con Hoàng Phủ Kính thắng được giặc Phiên, có thể rước được Hoàng Phủ Kính về triều, và lúc ấy tánh mạng y sẽ không còn, nên âm mưu này chỉ là âm mưu tự vệ mà thôi. Ta có thể buộc tội Lưu Tiệp là kẻ ích kỷ hại nhơn, không biết đặt quyền lợi tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân, thì đúng hơn là tội phản quốc.
Xét về tội nhơn Bành Như Trạch , thì y là kẻ xua nịnh để cầu mong chức vị mà thôi. Bành Như Trạch thấy thế lực của nhà họ Lưu trong triều quá to tát, nên muốn cầu thân và mù quáng bảo gì cũng làm, đây chính là hạng người cầu danh trên đường lối nịnh bợ. Hạng quan lại này có sống cũng không làm nên chuyện gì, nhưng đã tha cho Lưu Tiệp thì Bành Như Trạch cũng không đáng chết. Vì Bành Như Trạch là kẻ tay sai đắc lực, là con dao hai lưỡi, hắn sẵn sàng trung thành với kẻ lãnh đạo mình; nếu cho Bành Như Trạch được sống và biết dùng hắn, cũng có thể dùng được. Thế thì Bành Như Trạch không đáng giết, chỉ vì hắn là kẻ tùng phạm không quan trọng, nên đày đi là phải lắm.