watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tái Sanh Duyên-Hồi Thứ Ba Mươi Mốt - tác giả Mộng Bình Sơn Mộng Bình Sơn

Mộng Bình Sơn

Hồi Thứ Ba Mươi Mốt

Tác giả: Mộng Bình Sơn

Cố Hoằng Nghiệp khuyên giải:
- Tuy cháu có bị giặc bắt, song thế nào Quốc trượng cũng lập kế cứu về, cần gì phải thảm sầu ngày đêm như vậy?
Sau một hồi trò chuyện qua loa, Cố Hoằng Nghiệp nói:
- Cứ theo lời trong thư của Quốc trượng, việc hôn nhơn của hai trẻ đã xong, vậy hãy chọn ngày lành làm lễ cưới cho rồi.
Cố Phu nhơn đang rầu rĩ, nghe vậy có ý giận, gằn giọng nói:
- Nhà tôi đang bối rối như vầy, lòng dạ đâu mà vui việc hôn nhơn, hiền đệ quả có lòng tử tế với họ Thôi quá mà không nghĩ gì đến tôi cả.
Nói dứt lời, Cố Phu nhơn giậm chân vỗ chiếu la lớn:
- Bộ các người định giết tôi phải không?
Thái độ của Cố Phu nhơn làm Cố Hoằng Nghiệp sượng sùng, hạ giọng năn nỉ:
- Nếu hiền tỉ chẳng bằng lòng thì thôi, có việc chi đâu mà sanh ra giận dữ.
Dứt lời vội cáo từ lui ra, cắp dù đi về nhà một nước.
Sau đó độ năm sáu ngày, Cố Phu nhơn mạnh giỏi lại như thường. Bỗng có mẹ Thôi Phàn Phụng đến thăm.
Khi chủ khách chào hỏi, trà nước xong, chuyện vãn thăm hỏi hồi lâu, mẹ Thôi Phàn Phụng nói:
- Độ vài hôm nữa, hai vợ chồng trưởng tử tôi phải đem nhau đến kinh, còn thứ tử tôi nó cũng muốn theo đến kinh để lo quyên giáng dự kỳ ứng thí sang năm khiến tôi đây phải chịu một mình hiu quạnh, nếu cưới được tiểu thơ sớm thì hay biết chừng nào.
Cố Phu nhơn nói:
- Hôm trước, hiền đệ đã có đến nói việc ấy với tôi, nhưng vì lúc đó tôi vô cùng bối rối không thể nào yên tâm lo liệu được. Vậy hôm nay tôi đã rảnh trí, nếu muốn tính thì tính đi cũng tiện.
Mẹ Thôi Phàn Phụng nghe nói, mừng rỡ vô cùng. Còn Lưu Yến Ngọc lắng nghe được việc ấy, nàng bủn rủn tay chân, sảng lạc tâm thần, vội vàng đi tìm Giang Tam Tẩu thuật lại việc ấy cho bà nghe và nói:
- Mụ hãy mau mau lập kế cứu tôi, kẻo phải quyên sinh bây giờ.
Giang Tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ hãy an tâm, thế nào tôi cũng có kế cứu tiểu thơ, không sao đâu mà sợ.
Lưu Yến Ngọc nghe vậy cũng an tâm phần nào. Lúc ấy mẹ Thôi Phàn Phụng ở nhà ngoài đàm đạo một hồi rồi từ giã Cố Phu nhơn ra về.
Qua ngày thứ ba đã thấy Cố Hoằng Nghiệp đến nói với Cố Phu nhơn:
- Họ Thôi định đến ngày mười tám tháng tư này nạp sính lễ rồi đến ngày hai mươi lăm cũng trong tháng tư này xin làm lễ cưới.
Cố Phu nhơn nhận lời, Cố Hoằng Nghiệp từ giã lui về, Lưu Yến Ngọc vội vã chạy nói cho Giang Tam Tẩu hay và hỏi:
- Chỉ còn năm ngày nữa, người ta đã nạp đồ sính lễ, chẳng hay mụ tính lẽ nào?
Giang Tam Tẩu đáp:
- Tiểu thơ hãy bình tĩnh tôi mới có thể nghĩ ra kế được chớ? Nếu tiểu thơ rộn lên như thế thì tôi rối ruột, làm sao nghĩ cho ra.
Lưu Yến Ngọc thở dài nói:
- Thôi, tôi biết rồi! Mụ dùng cái kế “Hoãn binh” đấy chứ gì? Thà để cho tôi liều mình một thác cho xong, lại phải tìm cách giữ tôi lại làm chi cho ô nhục danh tiết.
Giang Tam Tẩu nghe nàng nói quyết như vậy, sợ nàng tự vận nên vội nói:
- Tôi đã liệu một kế rất hay, nhưng chẳng biết tiểu thơ chịu đựng được nỗi khổ cực ấy hay không?
Lưu Yến Ngọc hỏi phăng:
- Kế ấy thế nào mụ cứ nói thẳng ra xem sao!
Giang Tam Tẩu chậm rãi nói:
- Tôi có đứa em gái năm nay mười bảy tuổi gả cho họ Trương, chẳng dè về chằng bao lâu thì họ Trương qua đời. Em tôi nghĩ vì thân phận bọt bèo mong manh nên thí phát qui y tại chùa Vạn Duyên, lấy pháp danh là Phạm Như. Vị sư tại chùa ấy tên là Vạn Linh, năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Từ đây đến đó độ chừng trên mười dặm đường, nên tôi muốn cùng tiểu thơ đến nương náu tại đó, chẳng hay tiểu thơ nghĩ sao?
Lưu Yến Ngọc lắc đầu:
- Kế ấy không tiện đâu, vì chùa chiền miếu võ là nơi thường có thiên hạ tới lui, ta không phải là kẻ tu hành mà đến đó, thế nào thiên hạ cũng sanh nghi, họ đồn lên phu nhơn hay đặng thì nguy hiểm lắm.
Giang Tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ không rõ đấy chứ, thật ra chùa Vạn Duyên tuy là chốn Phật đài, song xưa nay bọn tu mi ít khi lai vãng, còn phái phụ nữ đến lễ bái cũng ít oi. Hơn nữa, chùa ấy rộng rãi, phòng the cũng nhiều. Tiểu thơ nên nghĩ lại, nếu bằng lòng, tôi xin bảo hộ tiểu thơ đi.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Tôi quyết giữ tròn danh tiết, dù chông gai khổ cực đến đâu cũng chẳng sờn lòng.
Giang Tam Tẩu nói:
- Nếu vậy tiểu thơ hãy kíp cùng tôi ra đi, tôi chắc khi tiểu thơ đi rồi, phu nhơn sợ mang tiếng không dám tiết lộ ra đâu.
Lưu Yến Ngọc nói:
- Mụ nói cũng có lý lắm.
Dứt lời, Lưu Yến Ngọc kề miệng vào tai Giang Tam Tẩu nói nhỏ một hồi và dặn:
- Theo ý tôi thì tôi muốn mụ hãy lên trước chùa Vạn Duyên đển yến kiến cùng sư Vạn Linh trình bày mọi việc, nếu ông ta có lòng thương dung nạp, chừng ấy tôi mới an lòng ra đi.
Giang Tam Tẩu nói:
- Sư ông ấy vốn người tham của, nếu người nghe chúng ta đi lánh lạnh có đem theo tiền bạc nhiều thì thế nào cũng vui lòng cho ở, nếu tiểu thơ muốn hỏi trước thì để tôi sai con tôi nó đến đó xem thế nào.
Dứt lời, Giang Tam Tẩu vội vã đi xuống lầu nói rõ việc ấy cho Giang Tam Hỉ nghe và bảo:
- Nay Lưu Tiểu thơ đã quyết trốn lên chùa Vạn Duyên nương náu để chờ đợi Hoàng Phủ Công tử, vậy con hãy lên đó yết kiến cùng sư Vạn Linh nói rõ ý định, nếu người có bằng lòng thì hứa sẽ cúng cho chùa một số tiền to.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Tiểu thơ đã có lòng trinh tiết như vậy, tất nhiên sẽ có hoàng thiên giúp đỡ, song con thừa hiểu lão sư Vạn Linh là một kẻ tham lam, nếu sau này tiểu thơ không đủ tiền bạc để nhét vào túi tham của ông a, chắc là bị bạc đãi đấy. Theo ý con thì đừng nên đến đó là hơn.
Giang Tam Tẩu nói:
- Ta đã khuyên tiểu thơ nhiều rồi, nhưng tiểu thơ đã quyết một lòng thủ tiết, sống thác chẳng sờn, vậy con cứ việc đi đi.
Giang Tấn Hỉ chấp tay vâng lịnh và nói:
- Thôi để sáng mai con sẽ lên đó xem sao.
Tuy nói vậy, nhưng công việc ràng buộc, Giang Tấn Hỉ không đi ngay được, thấm thoát đã đến ngày mười tám tháng tư, Cố Hoằng Nghiệp sai cháu là Cố Bản Nhơn đem đồ sính lễ qua nạp.
Cố Phu nhơn nhận lễ rồi cho gọi hết cả tôi tớ trong nhà ra thưởng. Hôm sau, Cố Phu nhơn lấy những vật hồi môn của Mạnh Lệ Quân khi trước làm đồ tư trang cho Lưu Yến Ngọc, khiến Lưu Yến Ngọc bấn lên, nàng hối thúc Giang Tam Tẩu, bà ta phải bảo con lên chùa hỏi thăm gấp.
Giang Tấn Hỉ vâng lời mẹ đi ngay lên chùa Vạn Duyên trong ngày hôm ấy. Đại sư Vạn Linh trông thấy vội hỏi:
- Ngươi đến đây có việc chi trong ra vẻ hấp tấp lắm vậy?
Giang Tấn Hỉ đáp:
- Tôi muốn đến đây tìm dì tôi có việc cần.
Nói rồi Tấn Hỉ đi thẳng vào chùa, vừa gặp Phạm Như, Tấn Hỉ nói:
- Cháu có việc vô cùng cẩn mật muốn tỏ với dì.
Phạm Như hỏi:
- Việc gì, cháu cứ nói thẳng ra đi.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Nguyên vì trước kia Cố Phu nhơn tôi đã hứa gả Lưu Tiểu thơ cho Hoàng Phủ Công tử rồi, nay lại ép gả cho họ Thôi nên tiểu thơ quyết tâm thủ tiết không chịu cải giá, đã ba phen nàng toan liều mình tự tử, nhưng thân mẫu tôi cản ngăn, lấy lời khuyên giải, hứa cùng nàng lên chùa này xin nhận việc khâu vá trong chùa náu nương đặng thủ tiết chờ đợi Hoàng Phủ Công tử, nếu đại sư chùa này nhận lời thì Lưu Tiểu thơ sẽ hậu tạ.
Phạm Như nghe qua lắc đầu than:
- Chùa này rất ít người đến lễ bái, còn Đại sư Vạn Linh lại là người tham của cải, nếu tiểu thơ không đủ tiền bạc để làm thỏa mãn túi tham của lão tăng này thì không thể nào ở yên được. Vậy ta khuyên nên đến chốn khác thì hơn, đừng vào nơi địa ngục này mà mang hại.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Chính tôi cũng thừa hiểu Đại sư Vạn Linh, người tham của nên đã mấy phen tôi trình bày lợi hại cùng thân mẫu tôi và tiểu thơ, nhưng ngặt vì không tìm được chốn nào để nương thân, hơn nữa tiểu thơ đã quyết một lòng thủ tiết, dù phải cực khổ thế nào cũng cam chịu chứ không hề hối hận. Vậy dì hãy làm ơn đến nói với đại sư có rộng lòng dung nạp cho chăng.
Phạm Như nói:
- Đã có lợi tất nhiên đại sư nhận ngay, chắc chắn không có gì trở ngại đâu. Thôi, cháu hãy ngồi đây để dì lên mời đại sư xuống cũng được.
Dứt lời, Phạm Như chạy đi mời đại sư đến, Giang Tấn Hỉ đứng dậy thi lễ rồi tỏ sự tình cho đại sư nghe.
Vạn Linh nói:
- Lưu Tiểu thơ có lòng trinh tiết như vậy thật đáng phục. Hiện nay trong chùa này còn hai căn phòng trống, ngặt vì giường trần không có chiếu, lại thêm chốn chùa chiền khổ hạnh, chỉ hẩm hút muối dưa qua ngày, nếu tiểu thơ muốn đến đây, cần nhứt phải mang tiền gạo theo cho thật nhiều mới có thể sống được.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Tâm tánh của tiểu thơ tôi hiền lành, vóc người lại bé nhỏ, chắc sự ăn uống cũng không tốn kém là bao; còn nói về việc nữ công, người rất thông thạo, có thể giúp đỡ cho nhà chùa lắm.
Phạm Như xen vào nói:
- Chẳng hay lúc nào tiểu thơ đến đây, cần phải hẹn trước mới xong.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Vào đêm nay, lối canh ba tiểu thơ sẽ đến, vậy xin vui lòng mở cửa cho người vào.
Đại sư Vạn Linh nói:
- Dầu đến canh nào cũng được, chúng tôi sẵn lòng thức chờ đợi tiếp rước tiểu thơ.
Giang Tấn Hỉ thấy Vạn Linh có lòng sốt sắng nên mừng rỡ vô cùng, vội vàng từ tạ ra về.
Vạn Linh lập tức bảo Phạm Như đi quét dọn hai căn phòng dư để cho Lưu Yến Ngọc đến ở.
Về đến nhà Giang Tấn Hỉ thuật rõ mọi việc cho Giang Tam Tẩu nghe. Giang Tam Tẩu vội đến phòng thông báo cho Lưu Yến Ngọc biết và bảo:
- Tiểu thơ hãy lo sắp đặt đồ tư trang đặng khởi hàng gấp trong đêm nay.
Lưu Yến Ngọc không có tiền bạc riêng tư chi cả, nàng chỉ được chút ít tiền do Cố Phu nhơn cho để mua kim chỉ, nàng tằng tiện dư lại vài lượng bạc, còn các đồ tư trang trị giá năm sáu trăm lượng mà thôi.
Chiều hôm ấy, Lưu Yến Ngọc gọi con Phi Diên đến bảo:
- Đêm nay ta cho mi đi ngủ trước, vì ta cảm thấy trong người ta mệt mỏi, ta cũng sẽ đi nghỉ bây giờ.
Phi Diên nghe bảo mừng rỡ, vội vào phòng riêng đóng cửa an giấc.
Lúc ấy Lưu Yến Ngọc chong đèn ngồi một mình suy nghĩ:
“Ta ra đi đây không biết đến bao giờ mới được gặp mặt phu nhơn. Vậy trước khi đi ta nên vào tìm cách khéo léo giã từ người mới phải đạo”.
Nghĩ rồi, Lưu Yến Ngọc bảo Giang Tam Tẩu cầm đèn đưa mình đến phòng Cố Phu nhơn. Đến nơi, nàng trông thấy Cố Phu nhơn đang ngồi uống sâm trà. Cố Phu nhơn vừa thấy Yến Ngọc vội sớt cho nàng nửa chén, bảo:
- Con hãy ngồi xuống đây uống chút sâm trà cho ấm bụng.
Yến Ngọc ngồi ghé một bên Cố Phu nhơn, nốc cạn chén sâm, chuyện vãn thân mật một hồi rồi cáo từ trở lên lầu.
Nàng cùng Giang Tam Tẩu lấy đồ che khuất ngọn đèn ngồi chờ cho đến canh hai mới mang hành lý dắt nhau ra đi.
Xuống khỏi lầu đã gặp Giang Tấn Hỉ đứng chờ, hai người trao hai gói đồ cho Giang Tấn Hỉ mang rồi lấy xâu chìa khóa đi mở hết sáu từng cửa, cả ba lặng lẽ thoát ra ngoài.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Để tôi đi dắt con ngựa cho thân mẫu và tiểu thơ đi cho mau.
Lưu Yến Ngọc gật đầu:
- Được, thế thì hay lắm, nhưng cần phải cẩn thận kẻo tên mã phu hay được thì nguy đấy.
Giang Tấn Hỉ vâng lời chạy đi ngay, chỉ một khắc sau hắn dắt con ngựa đến, có thắng đủ yên cương, Giang Tam Tẩu đỡ Lưu Yến Ngọc lên ngồi trước, còn bà ngồi sau, rồi buông cương cho ngựa chạy thong thả. Giang Tấn Hỉ mang gói đồ chạy bộ dẫn đường, nhắm Vạn Duyên thẳng tiến.
Đến nơi Giang Tấn Hỉ kềm ngựa cho hai người xuống rồi bước thẳng vào chùa gõ cửa khẽ gọi. Bấy giờ trong chùa vẫn còn thức chờ đợ. Các sư vội ra mở cửa và rước vào cho ở một gian phòng trống ở nhà sau. Phòng này tuy rộng rãi, nhưng chỉ có một cái giường không chiếu líp gì cả. Giang Tam Tẩu thấy vậy, nói:
- Ôi khổ thật! Thậm chí một chiếc chiếu cũng không có, biết làm sao nằm cho được?
Lưu Yến Ngọc thản nhiên đáp:
- Được rồi, để đến sáng mai ta sẽ mua.
Phạm Như nói:
- Trong phòng tôi còn hai chiếc chiếu cũ, để tôi mang vào đây dùng tạm.
Nói rồi vội chạy đi lấy chiếu, còn Giang Tấn Hỉ mang gói đồ vào để trên giường và nói:
- Bây giờ tôi phải về ngay mới được, nếu ở nhà có xảy việc gì quan hệ, tôi phải đến lập tức báo tin.
Nói rồi từ giã lui ra, tung mình lên ngựa ra roi phi nước đại.
Lưu Yến Ngọc cúi đầu vái chào các sư rồi lấy ra hai chục lượng bạc trao ra và nói:
- Tôi đến nương náu tại đây chắc là phiền lụy đến quí sư nhiều lắm. Vậy hai chục lượng bạc này xin biếu quí vị để tỏ tấm lòng thành, còn vài lượng đây xin nhờ quí sư sắm cho những đồ vật dụng cần thiết.
Các sư thấy bạc tiền nhiều, ai nấy đều hớn hở tiếp lấy và tỏ lời cảm ơn. Lưu Yến Ngọc lại trao cho Đại sư Vạn Linh một gói bạc nữa và lễ phép thưa:
- Tôi xin biếu riêng cho đại sư mười lượng bạc này để làm tiền lương thực cho hai tôi ở đây. Còn như trong chùa có cần đến việc nữ công, chúng tôi nguyện hết lòng giúp đỡ.
Đại sư Vạn Linh dung nạp Lưu Yến Ngọc, đoán chắc sẽ được bạc vàng nhiều lắm, nhưng bây giờ lại thấy chẳng được bao nhiêu, túi tham không được thỏa mãn, nên chỉ nhận lãnh một cách miễn cưỡng đó thôi.
Nói về Giang Tấn Hỉ phi ngựa về đến hoa viên, lén đem ngựa nhốt vào chuồng rồi về phòng khép cửa lên giường nằm im. Qua đến canh năm, bỗng con Phi Diên đau bụng giựt mình thức dậy trông thấy đèn tắt tối đen, hắn mò lần qua phòng Giang Tam Tẩu để tìm lửa thắp đèn, ngờ đâu khi qua đến nơi thì thấy đèn còn chong sáng mà người thì vắng teo.
Đứng ngơ ngác hồi lâu, con Phi Diên đoán chắc Giang Tam Tẩu sang chơi bên phòng Lưu Yến Ngọc nên vội qua đó tìm kiếm.
Đến nơi, hắn lấy làm lạ vì cửa phòng đã khép mà đèn thắp rất lu mờ. Hắn xô cửa bước vào, vặn đèn lên rồi đứng nhìn khắp gian phòng không trông thấy một bóng người. Càng hoảng hốt hơn nữa, con Phi Diên vội vã chạy đi báo cho Cố Phu nhơn hay. Hắn đến phòng Cố Phu nhơn vừa kêu vừa khóc.
Cố Phu nhơn đang ngủ nghe tiếng kêu khóc giựt mình thức dậy thất kinh nghĩ thầm:
“Việc gi mà con Phi Diên nó hoảng lên vậy? Ở đời cái họa không bao giờ đến một mình; con ta mới vừa bị bắt, lòng sầu chưa nguôi, không biết bây giờ lại xảy ra việc gì nữa đây!”
Cố Phu nhơn vùng dậy hỏi lớn:
- Việc gì mà mi khóc ầm lên, hỡi Phi Diên?
Phi Diên xô cửa bước vào bẩm:
- Bẩm phu nhơn, tiểu thơ và Giang Tam Tẩu đã đi đâu mất rồi! Tôi vừa thức dậy đến phòng của hai người thì thấy vắng tanh, nên vội báo tin cho phu nhơn rõ.
Nghe nói, Cố Phu nhơn lấy làm nghi ngờ, bà nói:
- Hay Giang Tam Tẩu có việc chi nên đi ra ngoài chăng? Nhưng còn tiểu thơ mi trong lúc đêm tối mà vắng nhà thì lạ thật.
Nói dứt lời, Cố Phu nhơn hối nữ tì đốt đèn đuốc lên đưa bà ta đến Hiển Vân các lập tức. Đến nơi, phu nhơn tìm kiếm khắp nơi thì quả thật không trông thấy một bóng người thấp thoáng. Bà vội vã vào phòng Lưu Yến Ngọc giở hộp nữ trang ra xem, nhưng vừa mở ra bà đã hoảng kinh la lên:
- Trời ơi! Con này đã theo ai mất rồi nên đồ nữ trang không còn một vật nào cả.
Rồi bà lục soát hết các rương thì thấy không còn một chiếc áo, Phu nhơn không còn nghi ngờ gì nữa, trong lòng lo sợ đến danh giá nhà mình nên thầm nghĩ:
“Việc này chắc chắn là do Giang Tam Tẩu đã dắt thằng gian phu nào đến báo hại con ta đây”.
Phu nhơn vội xuống lầu bảo nữ tì gọi Giang Tấn Hỉ đến để hỏi tra, nhưng phu nhơn lại căn dặn:
- Chúng bay nên biết việc này vô cùng xấu xa, ta cấm không đứa nào được hở môi cho ai biết, nếu lậu ra thì ta quyết không dung tha chúng bay đâu.
Rồi Cố Phu nhơn quay lại hỏi con Phi Diên:
- Mi ở trên lầu này, lâu nay mi có thấy thằng nào đến đây không? Nếu có cứ việc khai thật, bằng gian giấu ta đánh chết!
Nói rồi bảo nữ tì đem roi đến, con Phi Diên run rẩy đáp:
- Bẩm Phu nhơn, thật tình lâu nay tôi không thấy một người đàn ông nào lên lầu này cả.
Cố Phu nhơn nghiến răng nhịp roi trên bàn bôm bốp, hét:
- Con này lớn gan dám gian giấu hả! Nếu không có trai đến đây thì cớ sao tiểu thơ lại trốn đi? Ta hỏi mi, tiểu thơ đi theo ai mới được chớ?
Con Phi Diên run rẩy đáp:
- Tôi chỉ thấy từ ngày phu nhơn dắt tiểu thơ qua nhà họ Cố về, không hiểu sao tiểu thơ cứ to nhỏ với Giang Tam Tẩu hoài. Nhiều lúc tiểu thơ thở dài rơi lệ và vừa rồi khi Quốc trượng gởi thư về bằng lòng gả tiểu thơ cho họ Thôi thì thấy sắc diện tiểu thơ kinh hãi vô cùng. Hồi hôm đây khi thắp đèn xong, tiểu thơ lại bảo tôi đi ngủ trước. Bẩm phu nhơn, sự việc đầu đuôi tôi chỉ biết thế thôi, còn việc tiểu thơ trốn đi thật tình tôi không rõ, mong phu nhơn thương tình tha thứ cho…
Cố Phu nhơn nghe nói, sắc mặt hầm hầm nói:
- Lạ thật! Ta đã sai đi kêu Giang Tấn Hỉ đến đây bảo, cớ sao đã nửa ngày mà hắn không đến?
Rồi bà hối nữ tỳ đi đòi Giang Tấn Hỉ đến gấp. Bọn nữ tì vâng lịnh rần rần chạy đến phòng Giang Tấn Hỉ thấy cửa phòng đóng kín, con nữ tỳ đứng ngoài kêu réo mà Giang Tấn Hỉ cứ nằm ngủ ngáy pho pho.
Bọn nữ tỳ vỗ cửa rầm rầm, có đứa thò tay vào cửa sổ nắm chân kéo lôi, Giang Tấn Hỉ giật mình ngồi dậy với vẻ ngơ ngác, nữ tỳ nói:
- Có lệnh phu nhơn đòi, hãy đến hầu gấp lên.
Giang Tấn Hỉ càu nhàu:
- Trời chưa sáng mà kêu bảo việc gì gấp dữ vậy?
Chúng nữ tỳ xoe tròn đôi mắt, nhìn thẳng vào mặt Giang Tấn Hỉ, gắt:
- Thân mẫu của ngươi cùng Tiểu thơ trốn đi đâu mất rồi. Hãy đến cho phu nhơn tra hỏi, chớ nói dông dài mà toi mạng bây giờ.
Bọn nữ tỳ nói vừa dứt lời. Giang Tấn Hỉ giả vờ bệu bạo nói trong tiếng khóc:
- Trời ơi! Nếu mẹ tôi đi mất rồi thì từ nay tôi biết trông cậy vào ai?
Rồi Tấn Hỉ làm ra vẻ kinh hãi, hơ hải chạy thẳng lên phòng Cố Phu nhơn, vừa khóc vừa hỏi:
- Trời ơi! Mẹ tôi đi mất thiệt sao?
Cố Phu nhơn nổi giận nạt lớn:
- Hai mẹ con mi âm mưu dẫn tiểu thơ đi trốn bây giờ mi còn giả vờ hỏi nữa sao?
Giang Tấn Hỉ khóc rống lên nói:
- Mẹ ơi! Sao mẹ đành bỏ con đi như vậy? Từ đây con phải chịu bơ vơ, ngày đêm thương nhớ thảm khổ biết dường nào!
Cố Phu nhơn thấy thái độ của hắn càng thêm giận dữ, bà hét the thé:
- Nay tiểu thơ đã trưởng thành mà bị mẹ mày quyến rũ đem đi trốn, đáng lẽ ta đuổi mày luôn mới phải, nhưng vì ta cảm thương tánh tình chơn chánh của mày lâu nay nên không nỡ. Thôi hãy lui về coi sóc huê viên và chớ nên hở môi cho bọn gia tướng biết được, vì việc này có quan hệ đến danh giá nhà ta lắm!
Giang Tấn Hỉ nghe nói mừng rỡ như trút một gánh nặng, hắn lủi thủi trở về huê viên.
Lời Bình:
Sinh ra sống một kiếp người nô lệ, còn gì xấu hổ cho bằng! Một kẻ dù bị nô lệ cho một cá nhân hay nô lệ cho một thái độ, họ cũng vẫn có đầy đủ một tâm hồn, một hình hài như tất cả những người khác. Nhưng chỉ khác là họ không được sống với ý nghĩa thực chất là con người, mà ngược lại họ bị đối xử như một con vật không hơn không kém. Hàng ngày phải nhận lãnh mọi hình phạt cực nhọc, đày dọa, đời sống vô cùng tối tăm, bản thân của họ không còn nhân phẩm, mất công bằng, thiếu tự do, mọi quyền sống về tinh thần của con người đều bị xâm lạm.
Cái kiếp nô lệ nói trên có nhan nhản trong chế độ phong kiến thối nát. Thời bấy giờ dưới cặp mắt của bọn quan lại quý tộc thì đám thủ hạ của họ chỉ là những kẻ nô bộc có thể mua chác đổi dời, nếu cần có thể sanh sát dễ như trở bàn tay.
Trong hồi này, con đầy tớ Phi Diên là một trường hợp điển hình. Việc Lưu Yến Ngọc lấy chồng, nó không có quyền biết đến, và khi Lưu Yến Ngọc ra đi nó cũng không có thể nào biết được. Nó có tội tình gì đâu! Thế mà Cố Phu nhơn bắt nó khảo tra. Bà phu nhơn kia cũng thừa hiểu là nó không biết, nhưng thói thường trong xã hội phong kiến mỗi khi họ tức giận điều gì mà không biết làm sao, phải đánh chó chửi mèo cho đỡ giận. Thì trong trường hợp này, con Phi Diên dưới mắt của Cố Phu nhơn cũng chẳng khác nào con chó con mèo vậy.
Tái Sanh Duyên
Hồi Thứ Nhất
Hồi Thứ Hai
Hồi Thứ Ba
Hồi Thứ Tư
Hồi Thứ Năm
Hồi Thứ Sáu
Hồi Thứ Bảy
Hồi Thứ Tám
Hồi Thứ Chín
Hồi Thứ Mười
Hồi Thứ Mười Một
Hồi Thứ Mười Hai
Hồi Thứ Mười Ba
Hồi Thứ Mười Bốn
Hồi thứ Muời Lăm
Hồi Thứ Mười Sáu
Hồi Thứ Mười Bảy
Hồi Thứ Mười Tám
Hồi Thứ Mười Chín
Hồi Thứ Hai Mươi
Hồi Thứ Hai Mươi Mốt
Hồi Thứ Hai Mươi Hai
Hồi Thứ Hai Mươi Ba
Hồi Thứ Hai Mươi Bốn
Hồi Thứ Hai Mươi Lăm
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Hồi Thứ Hai Mươi Tám
Hồi Thứ Hai Mươi Chín
Hồi Thứ Ba Mươi
Hồi Thứ Ba Mươi Mốt
Hồi thứ Ba Mươi Hai
Hồi thứ Ba Mươi Ba
Hồi thứ Ba Mươi Bốn
Hồi thứ Ba Mươi Lăm
Hồi Thứ Ba Mươi Sáu
Hồi Thứ Ba Mươi Bảy
Hồi Thứ Ba Mươi Tám
Hồi Thứ Ba Mươi Chín
Hồi Thứ Bốn Mươi
Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt
Hồi Thứ Bốn Mươi Hai
Hồi thứ Bốn Mươi Ba
Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn
Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm
Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu
Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy
Hồi Thứ Bốn Mươi Tám
Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Hồi Thứ Năm Mươi
Hồi Thứ Năm Mươi Mốt
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Ba
Hồi Thứ Năm Mươi Bốn
Hồi Thứ Năm Mươi Lăm
Hồi Thứ Năm Mươi Sáu
Hồi Thứ Năm Mươi Bảy
Hồi thứ Năm Mươi Tám
Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Hồi Thứ Sáu Mươi
Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt
Hồi Thứ Sáu Mươi Hai
Hồi Thứ Sáu Mươi Ba
Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn
Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu
Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy
Hồi Thứ Sáu Mươi Tám
Hồi Thứ Sáu Mươi Chín
Hồi Thứ Bảy Mươi
Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt
Hồi Thứ Bảy Mươi Hai
Hồi Thứ Bảy Mươi Ba
Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn