Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Câu chuyện của họ Mạnh vừa đến đây, xảy thấy tỳ nữ vào báo :
- Lương Thừa tướng sai người đến gọi Lệ Thừa tướng về có việc cần.
Lệ Minh Đường nghe báo, vội bước ra bảo con tỳ nữ :
- Mi hãy ra bảo cho chúng nó biết rằng ta còn ở nán lại uống rượu chơi chút rồi sẽ về sau. Ta giao cái danh thiếp này, bảo nó về trao cho Thừa tướng.
Con tỳ nữ vậng lệnh, cầm tấm danh thiếp lui ra. Lệ Minh Đường cầm tay Phương thị mỉm cười nói :
- Chị thấy em cải nam trang như vầy có khi chị ngại không dám gần em chăng ?
Phương thị nói :
- Hôm trước tôi rình xem đã biết rõ cô nương rồi, nhưng chỉ sợ uy quyền không dám nói đó thôi.
Lệ Minh Đường cười the thé , nói:
- Nếu em không nhờ có uy quyền thì làm gì có thể che mắt được cả chúa tôi trong triều.
Sau đó nữ tỳ dọn tiệc lên, cả nhà ngồi vào ăn uống. Phương thị nhìn Lệ Minh Đường hỏi:
- Đường từ Vân Nam đến Bắc Kinh xa hàng mấy nghìn dặm, mà cô nương làm cách nào đến đây được?
Lệ Minh Đường bèn thuật lại chuyện gặp Khưong Nhược Sơn kết làm nghĩa phụ cho cả nhà nghe. Đang lúc chuyện trò, bỗng có Mạnh Khôi là con của Mạnh Gia Linh lơn tơn chạy vào, nó mới lên năm nhưng mập mạp lắm. Nó thấy mẹ mình đang ngồi nói chuyện với vị đại thần thì lấy làm lạ, trố mắt nhìn Lệ Minh Đường không chớp mắt.
Lệ Minh Đường với ẳm nó để vào lòng nựng:
- Cháu tôi năm nay được bây lớn đây rồi. Dễ thương quá!
Phương thị nói:
- Cháu nó dơ lắm, cô nương hãy để nó xuống kẻo lấm hết áo cẩm bào.
Lệ Minh Đường mỉm cười:
- Không hề chi đâu!
Lúc ấy Mạnh Khôi cứ ngoảnh mặt nhìn Lệ Minh Đường bằng đôi mắt ngạc nhiên; Lệ Minh Đường vỗ đầu nó hỏi:
- Cháu không biết cô đây sao?
Rồi quay qua nói với Phương thị:
- Trông mặt mũi cháu nó khôi ngô quá, thế nào sau này cũng nối được dòng thơ hương nhà ta, tạo nên công nghiệp vĩ đại chớ chẳng không.
Phưong thị cười, nói:
- Tôi không mong mỏi chi nhiều, chỉ cầu sao cho cháu được như cô nương làm đến chức Thừa tướng cũng đủ rồi!
Mọi người nghe nói cười rộ lên. Hàn Phu nhơn nắm tay Lệ Minh Đường bảo:
- Từ nay về sau , hễ mẹ có sai người sang gọi con thì con phải về ngay kẻo mẹ trông đợi nhé.
Lệ Minh Đường nói:
- Đến như nghĩa phụ nghĩa mẫu kia mà con còn ra sức hiếu dưỡng thay, huống hồ mẹ đây mà lẽ nào con lại dám trái lời. Nhưng con xin cha mẹ chớ cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết, nếu tiệt lậu ra thì con không đến nữa, chừng ấy cha mẹ chớ phiền trách con.
Hàn Phu nhơn gật đầu:
- Con làm như vậy cũng phải, nhưng Hoàng Phủ Thiếu Hoa là ngưởi tốt, ngày đêm hằng mơ tưởng đến con, con nỡ lòng nào ....?
Lệ Minh Đường nói:
- Con cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa vẫn thường uống rượu nói chuyện, cái tình đằm thắm còn hơn vợ chồng, vả lại hiện giờ bức tranh con để tại phòng chàng cũng cho chàng vui lòng rồi, còn đòi hỏi gì nữa?
Hàn Phu nhơn gật đầu khen phải.
Bấy giờ mặt trời đã ngả về tây, Lệ Minh Đường mời thân mẫu lên giường nằm để xem mạch lại và ra một toa thuốc khác, rồi cáo từ lui về.
Về đến phủ, Lệ Minh Đường vào chào Lương Giám, Lương Giám nói:
- Mai này là ngày chọn chánh chủ khảo mà ta thấy Mạnh Sĩ Nguyên đã già rồi, thế nào triều đình cũng cử hiền tế đấy. Vì vậy ta sai người đi mời hiền tế về đặng lo sửa soạn đồ đạc, cớ sao hiền tế lại về trễ vậy?
Lệ Minh Đường nói:
- Tiện tế đã dặn lịnh viên lo sắp đặt sẵn sàng rồi.
Lương Giám nói:
- Thế thì hay lắm!
Lệ Minh Đường đi thẳng vào phòng, thuật lại mọi việc cho Tố Hoa nghe. Tố Hoa mừng lắm nói:
- Cần phải vậy mới khỏi để thảm để sầu cho lão gia và phu nhơn chớ!
Lệ Minh Đường nói:
- Lâu nay chị cứ trách em là người con bất hiếu chẳng biết nghĩ đến cha mẹ. Nhưng ngày nay đã tương nhận rồi đó, em chỉ sợ rồi dây sẽ bại lộ cho mà xem!
Tố Hoa nói:
- Thế nào lão gia và phu nhơn cũng cố sức giấu nhẹm cho tiểu thơ, chớ lẽ nào lại bộc lộ ra sao?
Lệ Minh Đường nói:
- Ở đời có lúc vô tình mà cái hại lại không ai ngờ trước được. Để rồi đây chị sẽ thấy lời của em nói là đúng. Nhưng chị đã sửa soạn đồ đạc sẵn sàng cho em đến trường chưa?
- Tiểu thơ hãy yên tâm, tôi sửa soạn xong xuôi rồi hết.
Lệ Minh Đường nghe nói yên trí, cởi áo lên giường nằm nghỉ.
Ngày thứ , vua Thành Tôn lâm triều , quan Lễ bộ Thượng thơ là Diêu Đông Sơn bước ra quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, năm nay nhân lễ lục tuần đại thọ của Thái hậu nên triều đình có mở khoa để cho sĩ tử khắp nơi tụ về kinh ứng thí.Vậy hôm nay đã đến ngày mùng sáu tháng hai rồi, xin bệ hạ hãy chọn một vị chánh chủ khảo để đến ngày mùng tám khai trường.
Vua Thành Tôn nghe tâu đẹp ý phán:
- Cần gì phải kén chọn ai nữa cho mệt! Trong nghề văn chương thì Lệ Minh Đường đã nổi tiếng là Phi Hổ tướng quân, kiến thức không ai bì nổi . Vậy trẫm cử Lệ Thừa tướng làm chánh chủ khảo đó.
Lệ Minh Đường bước ra quỳ tâu:
- Hạ thần còn trẻ tuổi, sợ không xứng đáng lãnh trách nhiệm ấy, xin bệ hạ hãy cử người khác.
Vua Thành Tôn phán:
- Khanh là người có tài lại thanh liêm nên lâu nay trẫm vẫn tin dùng, nay hà tất phải chối từ làm chi.
Lệ Minh Đường vâng mạng, cua lại cử quan Lệ bộ Thị lang là Âu Dương Tán làm phó chủ khảo.
Hai quan chánh phó chủ khảo đồng bước ra bái mạng rồi lui về lo sửa sang đồ đạc, vua Thành Tôn tuyên bố bãi chẩu, di giá hồi cung.
Nhắc qua Hàn Phu nhơn từ ngày nhận đặng con gái mình, lòng mừng khấp khởi nên bịnh bớt rất nhiều, chỉ vì trong mình còn yếu nên sợ gió máy không dám ra ngoài thôi. Còn Phương thị thì thọ thai, trong người mệt mỏi, cả ngày ụa mửa luôn, phải nằm liệt một chổ. Mạnh Gia Linh phải xin cáo về lo thuốc thang, vì vậy trong nhà không ai điều khiển, bọn nữ tỳ gây gỗ với nhau om sòm rất khó chịu.
Hàn Phu nhơn bực mình quá, nói với Mạnh Gia Linh:
- Ta thì sợ gió không dám ra ngoài, còn vợ con thì ốm nghén, không ai điều khiển bọn nữ tỳ trong nhà, vậy con thấy có tiện không?
Mạnh Gia Linh chưa kịp đáp, đã thấy nữ tỳ chạy vào báo:
- Có Trung hiếu vương đến xin vào thăm phu nhơn.
Hàn Phu nhơn vội bảo Mạnh Gia Linh:
- Con hãy ra mời chàng vào đây.
Mạnh Gia Linh vâng lịnh ra nghinh tiếp Thiếu Hoa. Đến nơi, Thiếu Hoa lạy ra mắt phu nhơn rồi hỏi:
- Tôi được nghe nói có Lệ Thừa tướng đến chữa bịnh, nhạc mẫu mới mạnh phải không?
Hàn Phu nhơn đáp:
- Phải đấy, nếu ta không có Lệ Thừa tướng thì khó mà bảo toàn tánh mạng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại hỏi:
- Thế nhạc mẫu có nhìn kỹ xem quả là lịnh viên không?
Hàn Phu nhơn lâu nay tánh vốn thành thật, nên khi nghe chàng hỏi một cách đột ngột thì có vẻ lúng túng, bà ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp:
- Ta nhìn gương mặt thấy cũng giông giống, nhưng xét kỹ thì không phải là tiện nữ.
Thiếu Hoa nói:
- Chính lâu nay tiện tế cũng nghĩ như vậy.
Hàn Phu nhơn nói:
- Giống thì kể cũng giống thật, nhưng không phải tiện nữ đâu.
Sau đó, Hàn Phu nhơn mới nói rõ tình trạng nhà mình hiện nay kẻ thì đau, người thì ốm nghén, không ai coi sóc gia đình và tỏ ý muốn ý mời Tô Đại nương về giúp.
Thiếu Hoa nói:
- Bên nhà tiện tế mọi việc đều nhờ cậy Tô Đại nương, không một lúc một lúc nào người hở tay cả. Tuy vậy, gia đình nhạc mẫu không có người coi sóc thì để tiện tế nói với Tô Đại nương sang giúp để lo cùng nhạc mẫu. Đợi lúc nào nhạc mẫu khoẻ mạnh rồi, Tô Đại nương sẽ trở về cũng được.
Hàn Phu nhơn nói:
- Được như thế thì hay lắm, vậy để sáng mai tôi sai ngươi đem kiệu qua rước Tô Đại nương.
Thiếu Hoa vâng lời ở nán lại trò chuyện hồi lâu, rồi cáo từ lui về thuật lại câu chuyện cho mọi người nghe, ai nấy đều bằng lòng.
Sáng hôm sau, Hàn Phu nhơn sai người đem kiệu qua rước, Tô Đại nương bèn dắt con Thúy Liễu sang ngay.
Đến nơi, cha con Mạnh Sĩ Nguyên ra rước Tô Đại nương vào phòng tiếp chuyện, Tô Đại nương hỏi:
- Tôi nghe nói phu nhơn bị lâm trọng bịnh, nhờ có Lệ Thừa tướng đến chữa khỏi, chẳng hay phu nhơn nhìn có phải Lệ Thừa tướng là tiểu thơ nhà mình không?
Hàn Phu nhơn nghe nói muốn tỏ thiệt, nhưng sợ lậu việc nên suy nghĩ một lát mới đáp:
- Không phải tiện nữ đâu, nếu phải thì may mắn cho tôi biết bao.
Tô Đại nương nói:
- Tôi cũng nghĩ rằng tiểu thơ nhà mình đâu có tài đảm lược đến thế, vì vậy đã nhiều lần Lệ Thừa tướng đến Vương phủ, tôi vẫn không thèm dòm ngó làm gì, nghĩ thương xót thay cho tiểu thơ, thân gái ra đi phiêu bạt nơi góc bể chân trời, không biết hiện nay tiểu thơ ở phương nào! Nhưng tôi thiết nghĩ người lành bao giờ trời cũng phò hộ, thế nào cũng có ngày gặp nhau.
Hàn Phu nhơn nói:
- Đại nương nói hợp ý tôi lắm, chính tôi cũng hy vọng như vậy.
Sau đó, Hàn Phu nhơn đem sổ sách và tiền bạc giao cho Tô Đại nương cai quản.
Trong Mạnh Phủ có ba con tiểu tỳ tánh tình vui vẻ, trông thấy con Thúy Liễu qua thì mừng lắm, chúng đem rượu dọn lên mời nó uống , đoạn đề nghị:
- Bốn đứa mình tuổi vừa trang lứa, vậy hãy kết làm chị em với nhau chơi.
Thúy Liễu nói:
- Nếu muốn kết làm chị em thì phải phát thệ long trọng và sau đó phải nhất thiết thật tình với nhau, nghĩa là bất cứ chuyện gì bí mật đến đâu cũng không được giấu nhau.
Ba đứa kia gật đầu khen phải rồi cùng nhau quỳ lại thiên địa thề nguyền.
Sáng hôm sau, Tô Đại nương vào hầu chuyện cùng Hàn Phu nhơn theo sau có con Thúy Liễu. Hàn Phu nhơn nhìn thấy Thúy Liễu, bảo:
- Không có việc gì sai bảo cả, con hãy ra ngoài chơi.
Con Thúy Liễu nghe bảo vậy, biết chắc hai người có chuyện chi bí mật muốn nói với nhau đây nên vội lui ra rồi nấp phía sau phòng rình nghe lóng.
Thấy Thúy Liễu đi rồi, Hàn Phu nhơn hỏi Tô Đại nương:
- Chẳng hay nhà Hoàng Phủ đối xử với Đại nương thế nào?
Tô Đại nương đáp:
- Nhà Hoàng Phủ đối xử với tôi rất tử tế và cung kính lắm.
Hàn Phu nhơn gật đầu nói:
- Nếu nhà Hoàng Phủ đối đãi tử tế thời thôi bằng họ có vẻ xem thường Đại nương thì hãy trở về đây , chớ nên ở mãi , người ta sẽ khinh bỉ.
Tô Đại nương nói:
- Cả nhà Hoàng Phủ ai ai cũng đều kính trọng tôi hết, duy chỉ có mụ Giang Tam Tẩu ỷ thế cậy mình là nhũ mẫu của Lưu Yến Ngọc nên có vẻ khi dễ tôi lắm, nên đã nhiều lần con Thúy Liễu cãi vã với mụ ta, tôi nghĩ thật đáng buồn. Chỉ xót thương cho tiểu thơ bạc phước không biết hiện nay người phiêu bạt nơi đâu, đành để cho họ Lưu chen vào hưởng thọ sự phú quý vinh hoa, phải chi tiểu thơ vể đây được, thì Lưu thị kia phải hạ xuống ngôi thứ thất, khi nào mụ Giang Tam Tẩu lại dám khinh thị đến tôi.
Hàn Phu nhơn nghĩ thầm:
- “ Tô Đại nương cùng ta vốn đồng tâm đồng chí, nếu ta có tỏ thật cho người biệt, chắc cũng không hại gì đâu”.
Nghĩ đoạn, Hàn Phu nhơn bảo Tô Đại nương:
- Đại nương hãy ra ngoài xem có đứa nào rình bên ngoài nghe ngóng gì không, rồi vào đây tôi sẽ cho Đại nương biết một tin mừng.
Tô Đại nương vội vã bước ra ngoài đảo mắt nhìn quanh một hồi rồi trở vào nói:
- Tôi cho Đại nương biết: Lệ Thừa tướng tức là tiện nữ tôi đấy!
Tô Đại nương hồi hộp hỏi:
- Tại sao phu nhơn biết?
Hàn Phu nhơn nói:
- Hôm trước nó đã chịu nhận tội rồi.
Rồi Hàn Phu nhơn đem hết câu chuyện mẫu tử trùng phùng kể lại cho Tô Đại nương nghe. Tô Đại nương mừng rỡ nói:
- Thế sao tiểu thơ không chịu cải trang đặng kết hôn cùng Hoàng Thủ Thiếu Hoa cho rồi?
Hàn Phu nhơn nói:
- Tôi cũng có trách móc nó, nhưng nó bảo rằng hiện nay nó đã được làm quan đến chức Thừa tướng, dại gì lại không hưởng phú quý vinh hoa cho thỏa thích đã, vì vậy nó định ba năm nữa mới chịu cải trang.
Tô Đại nương lẩm bẩm:
- Cảm ơn trời phật! Nay đã được gặp tiểu thơ rồi, thật tôi mừng quá , không còn lo lắng chi nữa. Nhưng tôi lại thắc mắc một điều là sao tiểu thơ lại dám lấy con gáo gái Lương Thừa tướng? Hai người con gái làm vợ làm chồng ở chung với nhau một cách tương đắc cũng là một việc lạ lùng!
Hàn Phu nhơn sực nhớ lại nên vỗ đùi nói:
- Ừ nhỉ? Chính lâu nay tôi cũng lấy làm thắc mắc việc ấy, nhưng hôm nọ vì quá vui mừng , tôi quên hỏi việc ấy mất. Thôi để đợi khi có chấm trường về, tôi sẽ hỏi nó thì rõ. Nhưng Đại nương hãy nhớ khi về bên Vương phủ chớ nên lậu chuyện này ra, vì nó bảo hễ tiết lộ ra, nó sẽ không về nữa đấy!
Tô Đại nương nói:
- Xin Phu nhơn chớ lo, xưa nay tôi vốn dè dặt kín đáo, chỉ sợ con Thúy Liễu nó hay lẻo mép lắm mà thôi!
Lúc ấy con Thúy Liễu rình phía sau phòng nghe Tô Đại nương nói : “ Cảm ơn trời phật! Ngày nay đã gặp tiểu thơ rồi!”.
Còn bao nhiêu nữa vì hai người nói chuyện nhỏ quá nó không nghe rõ nên lấy làm lạ nghĩ thầm:
“ Khi nãy phu nhơn có vẽ giấu ta, bây giờ đại nương lại nói lên câu này thì chắc có lẽ phu nhơn đã gặp được tiểu thơ đâu rồi. Thôi, để ta đi hỏi thăm mấy con nữ tỳ, bạn ta, xem sao. Nếu quả vậy ta sẽ báo cho Trung hiếu vương biết kẻo ngày đêm người thương bóng nhớ hình tội nghiệp lắm!”
Thế rồi chiều hôm ấy, con Thúy Liễu thừa lúc ba đứa nữ tỳ kia đang vui cuộc rượu , nó tìm cách đón hỏi:
- Tôi nghe nói phu nhơn đã gặp mặt tiểu thơ rồi, nhưng không biết gặp trong trường hợp nào và bao lâu rồi hở mấy chị?
Một trong ba đứa nữ tỳ nghe hỏi liền vụt miệng nói:
- Mới hôm chữa bịnh ....
Nó vừa nói đến đây, bỗng thấy hai đứa kia nhìn trừng trừng đôi mắt khiến nó giựt mình không dám nói thêm nữa, lật đật nói trớ lại:
- À quên! Ai mà tìm gặp tiểu thơ ở đâu ! Nếu có thì phu nhơn tôi đã khỏi lâm trọng bịnh.
Con Thúy Liễu thấy thế hiểu ngay, liền đứng dậy làm ra vẻ giận dữ trách móc :
- Mấy chị đã cùng tôi kết bạn thề nguyền mà việc tìm gặp được tiểu thơ, phu nhơn đã nói với Tô Đại nương tôi rồi, sao mấy chị còn dấu tôi ? Mấy chị không thực hiện lời thề, không sợ trời tru đất diệt sao ?
Cả ba đồng nói :
- Nào chúng tôi có muốn dấu chị làm gì ? Chỉ vì lão gia và Phu nhơn nghiêm cấm việc ấy lắm, nếu hở môi rủi tiết lậu ra ngoài sẽ bị đánh chết.
Thúy Liễu dịu giọng nói :
- Xin mấy chị cứ nói thật cho tôi biết, tôi nguyện không khi nào tiết lậu cho ai biết đâu .
Ba đứa kia thấy con Thúy Liễu nói vậy, liền đem hết câu chuyện Hàn Phu nhơn và Mạnh Lệ Quân tương nhận thuật rõ đầu đuôi và căn dặn :
- Chị nhớ phải cố gắng giữ bí mật , nếu lẻo mép sẽ bị tội cả bọn đấy nhé.
Con Thúy Liễu gật đầu, trong bụng nôn nao, trông cho mau tối mau sáng đặng sáng ngày chạy qua bên Vương Phủ báo cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa hay, đặng người làm lễ thành hôn với Mạnh Tiểu thơ cho rồi, coi thử mụ Giang Tam Tẩu còn vênh mày vác mặt với đại nương nữa không cho biết.
Hôm sau, Thúy Liễu chạy đến nói với Tô Đại nương :
- Hôm nay trời nóng nực quá, mặc áo bông như thế này làm sao chịu nổi, xin đại nương cho phép tôi qua Vương phủ lấy áo chiếc về mặc cho đỡ nực.
Tô Đại nương cau mày quở mắng :
- Sao mày nhiều chuyện thế. Nếu có nực thì mượn đỡ áo mỏng của chúng bạn mày dùng không được sao ?
Thúy Liễu bị rầy tiu nghỉu đi lảng ra ngoài đành đợi đến khi Tô Đại nương trở về Vương phủ mới có thể theo được.
Cách vài hôm sau Hàn Phu nhơn nói nhỏ với Tô Đại nương :
- Tôi định nấu vài món ăn ngon rồi sai một người bộc phụ đem sang dâng cho Lương Phu nhơn bảo rằng cảm cái ơn của Lệ Thừa tướng đã chữa khỏi bịnh, rồi bảo người bộc phụ nhìn kỹ xem Lương Phu nhơn là người như thế nào mà lại chịu lấy ông chồng đàn bà như vậy.
Tô Đại nương cho là diệu kế rồi hai người ra chỉ vẽ nữ tỳ nấu bốn món ăn thật ngon, đoạn sai tên bộc phụ Địch Xuân Yến bưng sang bên ấy.
Lúc ấy, Lệ Minh Đường đang bận công việc ở trường thi, ở nhà chỉ có một mình Tố Hoa buồn bã, nàng cùng với hai người hầu thiếp của Khương Nhược Sơn là Đức Thơ và Nhu nương ngồi xem phong cảnh ngoài huê viên, xảy thấy nữ tỳ cầm thiệp vào báo :
- Có người bộc phụ của họ Mạnh sang đây bảo rằng Hàn Phu nhơn cảm cái ơn của Lệ Thừa tướng cứu khỏi bịnh nên mang đồ ăn sang biếu và xin bái tạ.
Tố Hoa nghĩ thầm :
« Hằng ngày tiểu thơ chường mặt giữa triều đình mà người còn dám thay, huống hồ ta ra gặp người bộc phụ trong giây lát lại ngại sao ?
Nghĩ đoạn, Tố Hoa bảo nữ tỳ ra dắt Địch Xuân Yến vào.
Lời Bình :
Mạnh Lệ Quân được phú quý vinh hoa, nàng rước cả gia quyến nghĩa phụ của nàng là ông Khương Nhược Sơn đến ở chung để đền ơn trả báo. Đành rằng hành động này rất đáng khen, nhưng thánh nhơn c ónói : « Bất hiếu kỳ thân nhi hiếu tha nhân, giả thị vị chi bội đức ; bất kính kỳ thân nhi kính tha nhân, giả thị vị chi bội lễ »
Mạnh Lệ Quân tinh thông mạch lý, hay tin mẹ mình đau mà lại lánh mặt , rồi cực chẳng đã mới đến hốt cho thang thuốc để rồi trốn tránh, mặc cho bịnh mẹ mình ra thế nào cũng không cần. Thử hỏi quyền cao chức trọng phú quý vinh hoa để làm gì mà không chịu làm tròn đạo hiếu ?
Ơn cúc dục, nghĩa sanh thành , tưởng không một lý do nào có thể làm cho mình bõ đạo hiếu được cả. Làm con có thể hy sinh tất cả. Làm con mà Mạnh Lệ Quân khi nghe mẹ nàng trách móc, nàng viện lý do là muốn hưởng phú quý vinh hoa và giận Hoàng Phủ Thiếu Hoa nên không muốn ra mặt, đành để cho cha mẹ nuốt thảm đeo sầu. Làm con mà nói như thế sao không biết ngượng ?
- Mạnh Lệ Quân là người trí thức, nàng biết rằng khi tương nhận với gia đình rồi, làm gì sự việc cũng bại lộ, cho nên sau khi tương nhận, nàng căn dặn mẹ nàng hãy đấu kín ; nhưng khi về nhà Tố Hoa hỏi, nàng đinh ninh rằng việc sẽ bại lộ. Thế thì nàng đã biết mình rồi, tại sao không tìm cách cải trang để chi cho có sự rắc rối về sau ? Cho nên mới thoáng qua thì thấy kiến thức nàng sâu sắc, nhưng xét kỹ lại việc nàng đã biết trước mà vẫn đánh liều thì chỗ này quả là Mạnh lệ Quân thất trí vậy .