watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tái Sanh Duyên-Hồi Thứ Hai Mươi Lăm - tác giả Mộng Bình Sơn Mộng Bình Sơn

Mộng Bình Sơn

Hồi Thứ Hai Mươi Lăm

Tác giả: Mộng Bình Sơn

Vinh Phát nói trong hơi thở:
- Thầy đỗ giải nguyên rồi! Bọn báo hỉ nó thấy tên mà không biết thầy ở đâu, lúc nãy nghe tôi nói, chúng mừng lắm, lát nữa đây chúng sẽ đến đây báo hỉ đấy!
Nghe nói, Ngô Đạo Am mừng rỡ:
- Ừ, có vậy mới gọi là khảo quan có con mắt tinh đời chứ!
Quả nhiên, chỉ một lát sau đã thấy bọn báo hỉ rầm rộ kéo đến đồng thanh nói lớn:
- Ông Lệ Quân Ngọc là nghĩa tử của Khương lão gia đây, đã đỗ Giải nguyên nên chúng tôi đến đây chúc mừng.
Khương Nhược Sơn vội lấy tiền cho bọn báo hỉ rồi truyền gia nhơn thết tiệc khoản đãi. Sau đó, quan Tuần phủ sai người đi rước Giải nguyên tân khoa đi bái kiến các khảo quan.
Lệ Minh Đường vào bái yến quan chánh chủ khảo là Viên Dung. Viên Dung thấy Lệ Minh Đường là một thư sinh tuổi trẻ lại thêm tướng mạo đoan trang, dung nghi phong nhã, trong lòng khen thầm, liền mời ngồi dùng trà và nói:
- Khi ta chấm đến quyển văn giải tác ấy, ngỡ là một tay lão nho, ngờ đâu lại của một bực thư sinh niên thiếu, thật đáng khâm phục thay! Vậy nay mai đây sắp đến kỳ thi hội, chàng nên mau mau sửa soạn vào kinh ứng thí gấp, ta tin chắc thế nào cũng chiếm được bảng vàng.
Lệ Minh Đường thưa:
- Tôi may được như vầy là nhờ ơn phòng sư đấy!
Nói rồi cúi đầu bái tạ lui ra, đi đến bái yến phó chủ khảo cùng các vị phòng sư khác.
Trong ngày hôm ấy, các hàng quan lại địa phương mang đồ lễ vật đến nhà Khương Nhược Sơn để biếu mừng ông Giải nguyên tân khoa đông như hội, Khương Nhược Sơn bày tiệc khoản đãi rất hậu.
Chiều hôm ấy Lệ Minh Đường làm lễ bái yết tổ miếu và lạy mừng vợ chồng Khương Nhược Sơn, kế qua hôm sau có bọn đồng niên đến mừng nữa làm cho Khương Nhược Sơn vui vẻ chẳng cùng. Qua ngày thứ ba, Lệ Minh Đường vào dự yến để tiễn các vị chánh chủ khảo về kinh. Trước khi đi, các quan ai nấy đều căn dặn Lệ Minh Đường nên đến kinh để thi hội.
Bữa nọ, Lệ Minh Đường hỏi Khương Nhược Sơn:
- Thưa nghĩa phụ, chẳng hay tổ mộ nhà ta ở đây, xin nghĩa phụ chỉ cho con đặng làm lễ bái yết.
Khương Nhược Sơn nói:
- Tổ mộ nhà ta ở huyện Giang Lăng, từ đây đến đó phải tốn bảy tám ngày trường, thật xa xôi quá, con đi làm sao cho được.
Lệ Minh Đường nói:
- Con đã muốn làm lễ bái yết tổ mộ thì dẫu có xa xôi cách trở bao nhiêu con cũng chẳng từ. Vậy xin nghĩa phụ cho con ra đi vào ngày mai này.
Khương Nhược Sơn vô cùng đẹp dạ, gật đầu nói:
- Nếu con có lòng như vậy thì tốt lắm đó.
Rồi Nhược Sơn trở vào thuật lại cho Tôn thị nghe và nói:
- Nghĩa tử ta có tấm lòng chung thủy nên định sáng mai cùng ta về Giang Lăng đặng bái yết tổ mộ, việc này sẽ làm cho ta vinh diệu lắm, vì qua đó hết thảy thân tộc ta sẽ khen ngợi rằng ta có một nghĩa tử xứng đáng.
Tôn thị nghe nói trong lòng cũng sung sướng, lo đi sắm sửa hành lý, đồng thời sai người đi mướn kiệu đặng sáng mai khởi hành cho sớm.
Bảy hôm sau đến nơi, Khương Nhược Sơn vào ở một căn nhà của người trong thân tộc, rồi dẫn Lệ Minh Đường đi thăm các bậc tôn trưởng ở đó. Ai nấy trông thấy tài mạo của Lệ Minh Đường cũng đều khen ngợi, khoản đãi rất trọng hậu.
Khương Nhược Sơn xuất tiền giúp đỡ cho những nhà nghèo khó trong họ, nên mọi người đều cám cảnh chẳng cùng.
Sau khi làm lễ bái yết tổ mộ, Lệ Minh Đường hỏi thăm biết được nhà của Hoàng Phủ Kính xưa kia ở cách đó không xa nên muốn đến đó thăm một chút cho hả dạ. Nàng tỏ ý cho con Vinh Phát biết.
Sáng hôm sau, Lệ Minh Đường nói với Khương Nhược Sơn:
- Hôm nay nhân lúc nhàn hạ, xin nghĩa phụ cho con cùng Vinh Phát đi dạo chơi đặng xem phong cảnh chung quanh đây.
Khương Nhược Sơn nói:
- Đi xem khung cảnh để giải trí là điều hay, nhưng hai thầy trò đều yếu đuối quá, vậy có đi phải mướn kiệu và chớ nên đi xa lắm nhé.
Lệ Minh Đường vâng lời, cùng Vinh Phát ra đi, lần dò hỏi thăm đến nhà Hoàng Phủ Kính.
Khi đến nơi, trông thấy lầu son gác tía, tòa dọc dãy ngang mười phần đồ sộ, nhưng cửa ngõ đều đóng chặt lại có giấy của cẩm y vệ niêm phong trông phong cảnh thật tiêu điều buồn bã.
Phía trước có dán một tờ yết thị khổ giấy to, bản rằng tòa nhà ấy Thượng thư đã giao cho quan địa phương gìn giữ.
Lệ Minh Đường xúc cảnh sanh sầu, đôi hàng lụy ngọc tuôi rơi và nói với Vinh Phát:
- Nhà Hoàng Phủ bị bọn gian thần làm hại đến nỗi tiêu điều như vầy thì vợ chồng ta biết đến bao giờ mới gặp mặt?
Vinh Phát nói:
- Tiểu thơ đã dốc một lòng tiết nghĩa, chắc trời kia sẽ phò trợ, thế nào rồi đây vợ chồng sẽ đặng sum hiệp một nhà chớ chẳng không đâu!
Ngọn gió thoảng quả, mấy chiếc lá vàng rơi lả tả trong cảnh hoang vu khiến Lệ Minh Đường càng thêm cảm động, nàng liền ứng khẩu ngâm tám câu thơ:
Tây phong tú tú yểm trùng môn,
Đạo thị tướng quân cựu trạch tiền?
Quyết chiến dĩ hư trừ tận kích?
Châu tùy sơ tú toản đồng hoàn.
Chinh y chiến mã nhơn hà tại,
Dạ nguyệt không lương yến bất toàn.
Tranh tợ đương niên Vương, Tạ phủ,
Anh hùng đồ ức hạ lang sơn.
Dứt tiếng ngâm, Lệ Minh Đường trở gót lui ra. Đi qua một đoạn đường quanh co, xảy thấy phía trước có một tòa miếu võ rất nguy nga, trước cửa treo tấm biển đề năm chữ “Cửu Thiên Huyền Nữ miếu” bằng vàng chói lọi. Hai thầy trò liền ghé vào xem.
Vào đến nơi, gặp một vị lão tăng, Lệ Minh Đường chào và hỏi:
- Tôi nghe Hoàng Phủ Nguyên soái bị giặc bắt cầm tại Phiên quốc, còn gia quyến bị bắt về kinh, chẳng hay bấy lâu nay có nghe tin tức gì không?
Lão tăng nói:
- Một nhà phước đức như thế mà gặp phải tai họa thật đáng thương. Trước khi Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ bị bắt giải về kinh, chỉ có một mình Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết trước nên trốn đi được mà thôi, song bấy lâu nay không nghe tin tức gì hết. Việc này bần tăng nghe đồn rằng: Hoàng Phủ Công tử cùng với một nhà thế hào nào đó tranh hôn để lấy con gái họ Mạnh, kết quả họ Mạnh lại gả con cho Hoàng Phủ Công tử, nên mới xảy ra tai họa này. Ôi! Chỉ vì một chút lương duyên của họ Mạnh mà ra nông nỗi, chẳng biết họ Mạnh kia có gìn lòng thủ tiết đặng không, nếu không thì tội nghiệp cho nhà Hoàng Phủ lắm.
Lệ Minh Đường nghe nói động lòng muốn sa nước mắt, nhưng nàng cố gượng hỏi:
- Nghe nói Hoàng Phủ Công tử võ nghệ tinh thông nhưng không biết về văn chương ra thế nào?
Lão tăng đáp:
- Bần tăng có nghe nói Hoàng Phủ Nguyên soái dạy dỗ công tử và tiểu thơ Trưởng Hoa cả hai đều thông văn võ. – Nói rồi giơ tay chỉ hai câu đối trước ngõ miếu:
- Kìa! Hai câu đối ấy là chính tay Hoàng Phủ Công tử viết ra đó. Tiên sinh hãy xem qua thì biết ngay tài học của người ra thế nào.
Nghe nói, Lệ Minh Đường bước tới xem thì thấy hai câu đôi viết theo lối chữ bát phân, nàng lẩm bẩm đọc:
“Thánh giái nham nghiêu thanh khải viễn,
“Thiền thành tú tịnh vị hương cao.
Bên câu đối lại có viết thêm một hàng chữ nhỏ: “Hoàng Phủ Chi Điền bái đề”.
Lệ Minh Đường xem xong, nghĩ thầm:
“Ngờ đâu Hoàng Phủ Công tử văn võ toàn tài như thế này! Ôi, đáng thương, đáng tiếc thay”.
Nghĩ rồi, Lệ Minh Đường hỏi lão tăng:
- Hoàng Phủ Công tử tên Chi Điền sao?
- Chi Điền tức là hiệu của công tử đó!
Lúc bấy giờ mặt trời đã ngả về phương tây, Lệ Minh Đường bèn trao tiền cúng lễ rồi cáo từ lui gót. Lão tăng biết ý, cố cầm lại để đãi một bữa cơm chay, nhưng Lệ Minh Đường từ chối, nói:
- Xin lão tăng để cho khi khác, vì đường về còn xa, không thể trì hoãn được.
Lão tăng không dám cầm nữa, liền tiễn chân đưa Lệ Minh Đường ra khỏi cửa miếu, đoạn hai thầy trò lên kiệu trở về.
Từ khi Lệ Minh Đường trông thấy bút tích của Hoàng Phủ Thiếu Hoa, về nhà trong lòng thương nhớ mãi chẳng lúc nào khuây, ăn không biết ngon, nằm ngủ không yên giấc.
Một hôm, Lệ Minh Đường ngủ vừa thức dậy chưa kịp rửa mặt, Vinh Phát trông thấy giựt mình nói:
- Ôi chao! Nhan sắc của tiểu thơ hôm nay sao mà sút kém đến thế?
Lệ Minh Đường không tin liền lấy kiếng ra soi thì quả nhiên dung nhan mình sút kem hơn xưa, nàng ứa nước mắt nói:
- Từ khi ta thấy bút tích của Hoàng Phủ Công tử đến nay ngày đêm trong dạ không yên, không biết hiện giờ công tử phiêu bạt nơi nào!
Vinh Phát nói:
- Tiểu thơ là người hiểu rộng nhìn xa, sao không dẹp bỏ nỗi ưu phiền để gìn giữ tấm thân, lo cầu cho đặng công danh mới có thể tìm phương cứu vớt cho Hoàng Phủ Công tử được, chớ tiều thơ cứ ôm thảm chất sầu mãi, làm cho tinh thần hao tổn, rủi lỡ dịp công danh thì ân hận suốt đời!
Lệ Minh Đường vỗ vai Vinh Phát nói:
- Ta cảm ơn ngươi đã có lời khuyên nhủ ta vô cùng quí hóa, vì vậy từ nay ta quyết dẹp mối tâm sự ấy để thực hiện cho kỳ được chí hướng của mình.
Thật vậy, bắt đầu từ đó trở về Hàm Ninh, Lệ Minh Đường chuyên lo chăm học sách vở luôn luôn.
Ngày kia, Khương Nhược Sơn nói với Tôn thị:
- Ta xem đôi vòng ngọc của Lệ Minh Đường cho Nguyên Lãng trước kia, biết chắc rằng Lệ Minh Đường không phải con nhà thường dân; nay chàng lại đi cùng ta qua tế mộ, thế thì ta cư xử với chàng như vậy thật là phải lẽ lắm.
Tôn thị nói:
- Tôi xem phu quân đối xử với chàng chưa được vừa đấy.
- Ôi chao! Ta cư xử với chàng như vậy còn bảo là chưa vừa thì còn bảo phải làm sao nữa?
- Phu quân tuổi già mà còn cưới thêm hai nàng tiểu thiếp, còn nghĩa tử kia đang độ xuân xanh lại để cho chàng ngày đêm vò võ một mình, chẳng hề nghĩ đến hôn sự, thì sao cho phải phận làm cha?
Khương Nhược Sơn nói:
- Việc ấy, ta cũng đã nghĩ đến từ lâu, nhưng ngặt vì khó tìm được một trang thục nữ xứng đôi vừa lứa với nghĩa tử ta. Bởi vậy ta muốn chờ khi nghĩa tử đến kinh thi hội; ở đó mới có nhiều trang thục nữ tài mạo xứng lứa vừa đôi, rồi ta sẽ tính cũng chẳng muộn.
Tôn thị gật đầu khen phải và nói:
- Phu quân nói phải lắm. Nghĩa tử ta tài mạo như vậy thật khó mà lựa chọn một người đẹp đôi, vậy phu quân đã có ý tính như thế thì cũng nên tỏ cho nghĩa tử ta biết.
Khương Nhược Sơn khen phải rồi thẳng ra huê viên, bước đến thơ phòng thuật hết những điều bàn luận cùng Tôn thị cho Lệ Minh Đường nghe và căn dặn:
- Vậy con có đến kinh, hễ gặp đặng mối nhơn duyên nào xứng đáng, con cứ việc nhận lời chớ đừng viết thư về cho cha làm gì phiền phức lắm.
Lệ Minh Đường nói:
- Con đã nguyện, khi nào chưa lập được công danh thì chưa tính đến việc hôn nhơn.
Khương Nhược Sơn nói:
- Hôn nhơn là việc hệ trọng trong đời, con cần phải lưu tâm đến mới được. Vậy hôm nay con phải lo sửa soạn để cùng Ngô Đạo Am tiên sinh đi lần xuống kinh. Ta cần đi sớm một chút thì tốt hơn.
Lệ Minh Đường vâng lời giở lịch ra xem, thấy cách ba ngày nữa đến ngày huỳnh đạo kiết nhựt, khởi hành rất tốt. Khương Nhược Sơn thì trở vào nhà lấy một trăm lượng vàng ra trao cho Lệ Minh Đường và căn dặn:
- Một trăm lượng vàng này con hãy cất đi và chớ cho ai biết, còn tiền lộ phí thì cha đã giao cho Ngô Đạo Am rồi, con khỏi nhọc lòng lo đến.
Lệ Minh Đường nói:
- Nếu tiền lộ phí cha đã giao cho Ngô tiên sinh rồi thì con còn đem số vàng to tát này theo nữa làm gì?
Khương Nhược Sơn nói:
- Ta muốn con đem vàng này theo đặng phòng khi có nhà quan nào chịu gả con, con sẽ có đủ tiền nạp lễ sính kim; nếu rủi có thiếu chút ít, con hãy hỏi vay của người bạn ta là Du Trí Văn cho khỏi lỡ việc. Vậy bây giờ để ta viết cho con một bức thư để khi đến kinh con cứ vào ngụ tại hiệu Văn Hưng là tiệm bán hàng lụa của Du Trí Văn. Khi nào con cần tiêu xài bao nhiêu đã có ông ta lo lắng cho.
Lệ Minh Đường nghe nói vô cùng cảm động. Sau đó, Lệ Minh Đường cùng với Ngô Đạo Am khởi hành đến kinh. Việc này xin gác lại, bây giờ xin nhắc qua việc quan Tuần phủ Sơn Đông.
Trước kia quan Tuần phủ Sơn Đông đã từng dâng biểu về trào tâu rằng tướng giặc Xuy Đài sơn là Vệ Dõng Đạt đã nhận vợ Hoàng Phủ Kính là Doãn Phu nhơn làm mẹ, còn Hoàng Phủ Trưởng Hoa làm em, chiêu tập côn đồ hơn ngàn tên, tạo thành một đám giặc hùng mạnh. Y xin triều đình phải đem binh đánh dẹp, nhưng lúc ấy vua Thành Tôn lo lắng việc quân giặc Liêu Đông đang hoành hành tại Đăng Châu, tình thế vô cùng nguy ngập nên không thể đem binh trừ giặc Xuy Đài sơn được.
Vua Thành Tôn vô cùng bối rối không biết nên liệu định thế nào. Lúc ấy, Lưu Khuê Bích thấy vậy nghĩ thầm:
“Ta rất lấy làm căm hận Hoàng Phủ Thiếu Hoa cướp mối lương duyên của ta. Chỉ vì hắn mà họ Mạnh giấu dao hành thích ta, làm cho ta đến ngày nay vẫn chưa cưới vợ được. Vậy bây giờ để ta tâu với triều đình lãnh binh đi dẹp bọn Xuy Đài sơn đặng giết Vệ Dõng Đạt và bắt Hoàng Phủ Trưởng Hoa về làm vợ thì hay biết bao!”.
Nghĩ rồi, lập tức tỏ bày với gia tướng, ai nấy đều khen phải.
Hôm sau Lưu Khuê Bích vào triều tâu:
- Hạ thần có nghe tin Vệ Dõng Đạt cùng với vợ con Hoàng Phủ Kính tụ hiệp tại Xuy Đài Sơn nhiễu hại nhơn dân. Vậy xin bệ hạ cho hạ thần đem binh đánh dẹp để đền bồi nợ nước.
Vua Thành Tôn nghe tâu, mừng rỡ phán:
- Nếu Quốc cựu đã có lòng cùng trẫm như vậy thì hay biết bao.
Dứt lời, vua Thành Tôn ban cho Khuê Bích một chiếc áo cẩm bào và phong cho làm chức Diệt khấu Đại Nguyên soái, sai quan Ngự tiền chỉ huy làm tiên phong, hiệp cùng Lưu Khuê Bích đem muôn binh ra đánh dẹp Xuy Đài sơn. Lại truyền cho quan Khâm thiên giám phải chọn ngày tốt cho Khuê Bích xuất binh.
Quan Khâm thiên giám chọn ngày mồng ba tháng chạp là ngày thanh long kiết nhựt. Vua Thành Tôn y tấu, liền dạy Khuê Bích vào cung bái yết cùng Lưu Hoàng hậu.
Lưu Khuê Bích vâng lịnh nhập cấm cung, thuật chuyện việc xin đi đánh giặc Xuy Đài sơn cho Lưu Hoàng hậu nghe. Lưu Hoàng hậu trong lòng cả đẹp, nói:
- Hiền đệ đã có chí khí như vậy quả là một thiếu niên anh hùng. Nếu đắc thắng ban sư hồi trào, thế nào cũng được trọng thưởng.
Dứt lời, Hoàng hậu truyền cung nữ dọn yến khoản đãi Lưu Khuê Bích, nhưng chàng chỉ dùng sơ vài chén rượu rồi giã từ lui về phủ. Lúc ấy Lưu Tiệp hay tin vừa sợ vừa giận, ông sai người kêu Khuê Bích vào la rầy:
- Thuở nay mi chưa từng ra trận bao giờ, nay sao mi dám cả gan phụng chỉ đi dẹp giặc?
Khuê Bích nói:
- Con nhận thấy võ nghệ của con có đủ sức dẹp được bọn ấy, xin thân phụ chớ nên lo ngại.
Lưu Tiệp rất bất bình nhưng vì thánh chỉ đã ra rồi làm sao cản trở được, nên dặn Lưu Khuê Bích:
- Lúc ra trận con không nên tự phụ, nghĩa là muốn làm việc chi cũng cần thương nghị với chư tướng, chứ đừng làm càn, con nên biết rằng việc binh gia không phải dễ đâu.
Tuy ngoài miệng Lưu Khuê Bích dạ dạ vâng vâng, song trong lòng không hề để ý đến lời dạy của cha.
Ngày sau Khuê Bích điểm binh ra luyện tập, mãi đến ngày mùng hai tháng chạp mới làm lễ tế cờ rồi cắt cho tướng tiên phong là Liên Đăng lãnh năm ngàn binh đi trước, còn mình dẫn đại binh từ từ kéo theo sau.
Nhắc lại, khi Ngô Đạo Am và Lệ Minh Đường đến Bắc Kinh, gia nhơn dẫn đến tiệm Văn Hưng và trao bức thư của Khương Nhược Sơn cho Du Trí Văn, Du Trí Văn xem thư biết ngay Lệ Minh Đường là nghĩa tử của Khương Nhược Sơn vừa mới đỗ Giải nguyên ở tỉnh, còn Ngô Đạo Am là em rể của người, vừa mới đỗ Cử nhơn, hai người cùng đến kinh đặng dự kỳ thi Hội.
Biết rõ, Du Trí Văn lấy làm mừng rỡ, nghĩ thầm:
“Nếu Khương Nhược Sơn mà được phú quí, chắc chắn ta đây cũng được dự phần vinh hiển”.
Nghĩ rồi niềm nở mời hai người vào thơ phòng và truyền gia nhơn thiết tiệc khoản đãi rất trọng hậu.
Trong khi tiếp chuyện, Du Trí Văn thấy Lệ Minh Đường tài mạo song toàn bèn hỏi:
- Chẳng hay quan Giải nguyên năm nay đã được mấy cháu?
Lệ Minh Đường đáp:
- Năm nay tôi mới lên mười sáu, hiện chưa kết hôn.
Du Trí Văn nghe qua ngạc nhiên:
- Tại sao Giải nguyên lại chưa kết hôn?
Lệ Minh Đường nói:
- Vì tôi đã quyết chí nếu chưa lập đặng công danh thì không dám tính đến việc hôn sự.
Du Trí Văn gật đầu khen:
- Quan Giải nguyên có chí lớn như vậy, nếu đem so sánh với Lưu Quốc cựu ở đây thì quả là hai thái cực. Vì Lưu Quốc cựu là con nhà quan mà hay phóng túng, chơi bời háo sắc quá, thành ra mất cả tư cách con người.
Lời Bình:
- Lưu Tiệp, một tên gian thần thì chỉ có tài tiến cử người khác ra đương đầu với giặc, chứ không bao giờ muốn con cái mình đứng ra lãnh nhiệm vụ nguy hiểm ấy. Chẳng những Lưu Tiệp mà thôi, ở đời biết bao người xây dựng địa vị mình trên xương máu của kẻ khác, mà một khi giao phó cho một nhiệm vụ gì thì co đầu rút cổ.
Ngày sau, còn có những kẻ quyền cao chức trọng lại bảo bọc cho người thân của mình trốn tránh nhiệm vụ làm trai, chừng nào diệt được những hành động bất công ấy, mọi người mới hăng hái thi hành nghĩa vụ.
Tái Sanh Duyên
Hồi Thứ Nhất
Hồi Thứ Hai
Hồi Thứ Ba
Hồi Thứ Tư
Hồi Thứ Năm
Hồi Thứ Sáu
Hồi Thứ Bảy
Hồi Thứ Tám
Hồi Thứ Chín
Hồi Thứ Mười
Hồi Thứ Mười Một
Hồi Thứ Mười Hai
Hồi Thứ Mười Ba
Hồi Thứ Mười Bốn
Hồi thứ Muời Lăm
Hồi Thứ Mười Sáu
Hồi Thứ Mười Bảy
Hồi Thứ Mười Tám
Hồi Thứ Mười Chín
Hồi Thứ Hai Mươi
Hồi Thứ Hai Mươi Mốt
Hồi Thứ Hai Mươi Hai
Hồi Thứ Hai Mươi Ba
Hồi Thứ Hai Mươi Bốn
Hồi Thứ Hai Mươi Lăm
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Hồi Thứ Hai Mươi Tám
Hồi Thứ Hai Mươi Chín
Hồi Thứ Ba Mươi
Hồi Thứ Ba Mươi Mốt
Hồi thứ Ba Mươi Hai
Hồi thứ Ba Mươi Ba
Hồi thứ Ba Mươi Bốn
Hồi thứ Ba Mươi Lăm
Hồi Thứ Ba Mươi Sáu
Hồi Thứ Ba Mươi Bảy
Hồi Thứ Ba Mươi Tám
Hồi Thứ Ba Mươi Chín
Hồi Thứ Bốn Mươi
Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt
Hồi Thứ Bốn Mươi Hai
Hồi thứ Bốn Mươi Ba
Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn
Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm
Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu
Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy
Hồi Thứ Bốn Mươi Tám
Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Hồi Thứ Năm Mươi
Hồi Thứ Năm Mươi Mốt
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Ba
Hồi Thứ Năm Mươi Bốn
Hồi Thứ Năm Mươi Lăm
Hồi Thứ Năm Mươi Sáu
Hồi Thứ Năm Mươi Bảy
Hồi thứ Năm Mươi Tám
Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Hồi Thứ Sáu Mươi
Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt
Hồi Thứ Sáu Mươi Hai
Hồi Thứ Sáu Mươi Ba
Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn
Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu
Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy
Hồi Thứ Sáu Mươi Tám
Hồi Thứ Sáu Mươi Chín
Hồi Thứ Bảy Mươi
Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt
Hồi Thứ Bảy Mươi Hai
Hồi Thứ Bảy Mươi Ba
Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn