Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Ngày kia, Thiên tử lâm triều, quan Hình bộ bước ra quỳ tâu:
- Hạ thần đã phụng chỉ ra Sơn Đông bắt đặng Bành Như Trạch về đây rồi, hiện đang còn để ngoài Ngọ môn chờ lịnh.
Vua Thành Tôn bèn truyền lịnh tống giam vào ngục thất , rồi giao Tòa Tam pháp tư tra xét. Tòa Tam pháp tư phụng chỉ, dẫn Lưu Tiệp và Bành Như Trạch đến hỏi tra. Việc làm của hai người bút tích rõ ràng, không còn chối cãi được nữa, nên hai người buộc lòng phải lập tờ cung trạng, khai thiệt đầu đuôi.
Tòa Tam pháp truyền quân đem hai người giam lại, rồi dâng tờ lên Thiên tử xin xử tử.
Vua Thành Tôn xem xong, phán:
- Hãy đợi đem gia quyến tội nhân đến rồi cùng đem ra xử tử một lượt.
Vua phán dứt lời rồi bãi triều di giá hồi cung. Hôm sau, khi vua Thành Tôn lâm triều, quan Công bố quỳ tâu:
- Hạ thần đã phụng mạng xây cất xong phủ cho Trung hiếu vương rồi, xin lịnh trên chỉ định.
Vua Thành Tôn liền truyền lịnh cho Tòa Khâm thiên giám chọn ngày tốt mời Trung hiếu vương nhập phủ, và xuất ra tám chục muôn lượng bạc để sắm đồ dùng trong phủ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng rỡ, vội bước ra quỳ lạy tạ ơn.
Cách ít hôm sau, Trung hiếu vương dọn về phủ mới, các quan triều thần đến chúc mừng rất đông . Quang cảnh ấy vô cùng náo nhiệt, nào yến tiệc suốt ngày, nào pháo nổ liên thinh.
Khi mãn tiệc, các quan từ giã ra về hết, chỉ còn trong phủ rộng thênh thang mà chỉ có ba người cùng ít tên gia tướng hầu hạ, khiến Doãn Phu nhơn cảm thấy buồn teo, nhưng nhờ có Vệ Dõng Nga và Lan Đài qua lại chuyện trò nên phu nhơn cũng đở buồn phần nào.
Ngày kia, Mạnh Sĩ Nguyên sai người về rước gia quyến nay đã đến kinh sư, Hoàng Phủ Thiếu Hoa hay tin mừng quá, lập tức hối gia tướng thắng ngựa cỡi qua thăm.
Đến nơi, thấy Mạnh Gia Linh ra tận bên ngoài rước vào.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói với Mạnh Sĩ Nguyên:
- Xin nhạc phụ cho mời nhạc mẫu ra cho tiện tế lạy chào.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Nay tiện nữ đã tạ thế , đâu dám làm phiền đến hiền tế như vậy.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Xin nhạc phụ chớ ngại, nếu nhạc mẫu chẳng chịu ra thì tiện tế xin phép vào trong làm lễ vậy.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Nếu hiền tế đã có tình như vậy thì để ta vào bảo nội nhơn ta ra cho.
Mạnh Sĩ Nguyên nói rồi vội bước vào trong, nhưng chẳng dè lúc nãy giờ Hàn Phu nhơn đứng nấp sau bình phong trộm nghe cậu chuyện. Khi thấy Mạnh Sĩ Nguyên vào, bà ta ứa nước mắt, nói:
- Con gái tôi đã không còn nữa, nếu tôi ra đó thấy rể lại càng thêm tủi lòng , thà rằng đừng ra thì hơn.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Bấy lâu nay chàng vẫn nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa nên cứ qua lại thăm viếng hoài, vậy phu nhơn cũng nên ra đó cho người làm lễ mới phải lẽ.
Cực chẳng đã, Hàn Phu nhơn phải theo Mạnh Sĩ Nguyên bước ra rồi sụt sùi nói với Thiếu Hoa:
- Tiện nữ phước bạc sớm lánh cõi đời, ngày nay hiền tế cư xử trọn tình như vậy khiến già này càng thêm chua xót.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa bèn nhắc hai chiếc ghế mời vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên ngồi rồi khép nép lạy. Mạnh Sĩ Nguyên liền bước tới đỡ dậy, truyền gia nhơn dọn tiệc đãi Thiếu Hoa.
Ba người đang ăn uống, Hoàng Phủ Thiếu Hoa đứng dậy hỏi Hàn Phu nhơn :
- Tiện tế được nhạc phụ thuật lại cho biết rằng trước kia lịnh viên có họa một bức chân dung để lại, chẳng hay nhạc mẫu có đem theo ra đây không?
Hàn Phu nhơn nói:
- Bức chân dung ấy không lúc nào ta rời ra được, hôm nay ta có đem theo đây.
Thiếu Hoa nói:
- Nếu vậy, xin nhạc phụ hãy vui lòng cho tiện tế xem tường.
Hàn Phu nhơn liền sai nữ tỳ đi lấy bức chân dung Mạnh Lệ Quân đem ra treo lên vách . Hoàng Phủ Thiếu Hoa vừa bước lại xem qua thì ngạc nhiên không ít, chàng nói:
- Lạ thật! Gương mặt này đối với tôi hình như quen lắm.
Lúc ấy nội nhà Mạnh Sĩ Nguyên đều nín lặng, không ai thốt nữa lời. Thiếu Hoa tiếp tục đọc mấy câu thơ dưới bức chân dung rồi lên tiếng hỏi:
- Thưa, mấy câu thơ này có phải do lệnh viên viết không?
Mạnh Sĩ Nguyên đáp:
- Phải đấy! Chính là bút tích của tiện nữ đó.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Cứ xem mấy câu thơ này thì lịnh viên trốn chứ chưa chết, chẳng hay người gieo mình xuống sông khi trước là ai ?
Mạnh Sĩ Nguyên nghe hỏi, liền truyền nữ tỳ lui ra hết rồi thuật lại rõ đầu đuôi cho chàng nghe việc Mạnh Lệ Quân trốn đi và đem nàng Tô Yến Tuyết trá hôn.
Hoàng Phủ Tuyết Hoa nge xong mừng lắm, nói :
- Lịnh viên chưa chết và hiện còn trốn tránh ở ngoài, cớ sao lâu nay nhạc phụ không nói thiệt cho con biết.
Mạnh Sĩ Nguyên nói :
- Vì trước kia giữa triều đình ta tâu rằng tiện nữ chết, vì vậy nếu lậu ra, tất nhiên mang tội khí quân.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Lịnh viên chưa chết thì thế nào mai đây con cũng trao ấn từ quan quyết đi tìm tận chân trời góc bể cho gặp mặt mới thỏa dạ .
Mạnh Sĩ Nguyên thở dài nói :
- Hiền tế nghĩ sai rồi ! Từ ngày hiền tế bình được giặc Phiên, cứu thân phụ về triều và được phong vương tước đến nay, khắp trong dân gian ai mà không hay biết. Nếu tiện nữ còn sống tất nhiên xuất hiện rồi, chớ còn trốn tránh làm gì nữa.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vẫn cả quyết :
- Con tin tưởng trời cao có mắt, bao giờ lại phụ người ngay, con chắc lệnh viên hãy còn sống và hiện còn lưu lạc phương ngoài. Hơn nữa cứ xem tướng mạo của nàng thì thật không phải là hạng người yểu tướng. Nhưng còn nàng Tô Yến Tuyết con chưa rõ là ai, sao nàng lại giấu dao trong mình hành thích Lưu Khuê Bích rồi lại gieo mình xuống sông ?
Mạnh Sĩ Nguyên bèn đem hết lai lịch của Tô Yến Tuyết thuật lại cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe.
Thiếu Hoa nghe xong lấy làm lạ, hỏi :
- Nếu vậy Tô Yến Tuyết vốn con nhà thường dân may ra được kết duyên cùng Lưu Khuê Bích đã vinh dự lắm rồi. Thế mà nàng lại quyết liều thân không thèm sang cả ngôi cao, quyết để lại tiếng thơm cho lịnh viên và cũng báo thù cho con nữa. Sự hy sinh cao cả của nàng làm sao con dám làm ngơ đi được. Vậy chẳng hay nàng có bà con anh em gì không ?
Mạnh Sĩ Nguyên đáp :
- Nàng không có chị em gì hết, chỉ có một bà mẹ là Tô Đại nương hiện ở với nội nhơn tôi đây.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Thế thì xin nhạc mẫu hãy cho mời Tô Đại nương ra đây đặng cho tiện tế tạ lễ người.
Mạnh Sĩ Nguyên nói :
- Tô Đại Nương vốn kẻ thường dân, bao giờ lại dám nhận lễ của hiền tế.
Thiếu Hoa nói :
- Được rồi, để tôi đi mời người cho.
Vừa nói, Mạnh Gia Linh vừa bước vào trong. Chẳng dè lúc ấy Tô Đại nương rình nghe rõ mọi việc, nên vừa trông thấy Mạnh Gia Linh, bà ta đón lại nói:
- Thật Trung hiếu vương có lòng tử tế quá. Nhưng tôi đây là bậc thấp hèn, chắc không dám ra đó tiếp kiến đâu.
Mạnh Gia Linh nói:
- Trung hiếu vương người đã quyết tính như vậy, xin Đại nương chớ nên từ chối.
Cực chẳng đã, Tô Đại nương khép nép theo chân Mạnh Gia Linh bước ra. Vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên kéo ghế mời ngồi và thuật lại mấy lời của Thiếu Hoa cho Tô Đại nương nghe.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa bước tới lễ phép nói:
- Lịnh viên đã vì tôi mà thủ tiết thì người đương nhiên là nhạc mẫu của tôi rồi.
Nói xong, cúi xuống lạy, Tô Đại nương lật đật đõ dậy rồi mọi người cùng ngồi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa hỏi Tô Đại Nương:
- Lưu Khuê Bích là kẻ giàu có quyền cao chức trọng, nhưng có sao lịnh viên lại không bằng lòng kết duyên, người có được biết rõ không?
Tô Đại nương nói:
- Thật tình việc ấy tôi cũng không rõ. Chỉ vì trước kia ngài đến thi bắn, tiện nữ có khen ngài là người quý tướng và giận Lưu Khuê Bích không biết tự lượng nên tranh hôn, và khi Mạnh Tiểu thơ trốn đi có viết thư để lại cậy tiện nữ thay thế thì tiện nữ khóc than cứ nhắc đến ngài, cho là người quý tướng , thế nào sau này ngài cũng có thể báo thù nhà được, nên quyết một lòng không chịu kết duyên cùng Lưu Khuê Bích. Nhưng vì tôi thọ ơn sâu của họ Mạnh nên cố tình ép tiện nữ, chẳng dè lại xảy ra nông nỗi, thiệt quả là tôi vô phước lắm.
Tô Đại Nưong nói đến đây, hai hàng nước mắt tuôn xuống ròng ròng. Kế đó gia nhơn dọn tiệc lên, mọi người ăn uống. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại hỏi Tô Đại nương :
- Chẳng hay nhạc mẫu còn có bà con thân thích nào nữa không?
Tô Đại nương liền đem hết việc mình tố trần cho Thiếu Hoa biết.
Thiếu Hoa nói:
- Nay tiện tế nguyện để tang cho lịnh viên ba năm sau sẽ cưới một tiểu thiếp; vì vậy nên hiện giờ bên nhà tôi thiếu người coi sóc, thân mẫu tôi trông nom vất vả, thế thì tiện đây, tiện tế xin mời nhạc mẫu về đó để cho tiện tế phụng sự cho tròn chữ hiếu và giúp đỡ cùng thân mẫu tôi.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Hiền tế tính như vậy, thật là phải lẽ .
Hàn Phu nhơn cũng xen vào nói:
- Nếu vậy thì mai đây Đại nương phải lo thu xếp đồ đạc rồi tôi sẽ sai người đưa qua Vương Phủ.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng rỡ hỏi Hàn phu nhơn :
- Tiện tế bấy lâu vẫn có lòng ái mộ bức chân dung của lịnh viên lắm, vậy nay xin nhạc mẫu cho tiện tế đem về treo trong phòng cho trọn niềm chồng vợ.
Hàn Phu nhơn nói:
- Bức chân dung của tiện nữ, già không khi nào xa rời nữa bước. Nếu nay hiền tế muốn thì để tôi mướn họa thêm một bức khác, còn bức này chính tay tiện nữ họa thì để cho già hôm sớm được gần.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Tiện tế được trông thấy bức chân dung này chẳng khác nào trông thấy lịnh viên trước mắt, còn bức nào khác chắc tiện tế không được vui lòng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa năn nỉ hết lời, nhưng Hàn Phu nhơn nhất quyết không chịu lìa di vật của con gái mình. Mạnh Sĩ Nguyên thấy vậy, dịu giọng khuyên Hàn Phu nhơn :
- Nếu phu nhơn không đem ra đây cho hiền tế xem thì thôi, chớ đã đem ra đây rồi thì phải giao cho hiền tế mới phải lẽ. Phu nhơn cứ việc cho hiền tế đi rồi sau này hiền tế sẽ mướn thợ khéo vẽ một bức khác cho phu nhơn.
Cực chẳng đã, Hàn Phu nhơn phải bảo nữ tỳ lấy bức chân dung của Mạnh Lệ Quân trao cho Thiếu Hoa.
Thiếu Hoa tiếp lấy rồi quay qua nói với Tô Đại nương:
- Xin nhạc mẫu hãy sửa soạn, sáng mai tiện tế sẽ sai gia tướng đem kiệu qua đây rước về.
Tô Đại nương nói:
- Người đã có lòng tưởng đến tôi như vậy, tôi xin vâng mạng.
Rồi Hoàng Phủ Thiếu Hoa bái từ, lên ngựa về phủ. Về đến nhà , chàng đem hết đầu đuôi mọi việc thuật lại cho nội nhà nghe.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Tô Yến Tuyết quả con người tiết liệt trên đời ít có vậy. Nàng cũng có con mắt tinh đời nên mới trông qua đã biết họ Hoàng Phủ ta sau này thế nào cũng thực hiện trung nghĩa, nên nàng quyết một lòng hy sinh. Vậy thì sau này ta nên dùng hậu lễ để đem linh hồn nàng vào tổ miếu để đền đáp lại tấm thịnh tình ấy. Còn dâu hiền của ta! Mạnh Lệ Quân trốn đi, nhưng ta e ngày nay không còn trên dương thế này nữa !
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Con thiết tưởng người hiền bao giờ cũng gặp lành, con chắc nàng chưa chết đâu, nhưng chắc chắn nàng bị việc chi ngăn trở nên chưa chết đâu, nhưng chắc chắn nàng bị việc chi ngăn trở nên chưa có điều kiện về đó thôi. Lúc này đang tiết đông thiên giá buốt, vậy để qua xuân con sẽ dâng biểu từ quan ra đi tìm nàng cho kỳ được mới nghe.
Hoàng Phủ Kính và Doãn Phu nhơn thấy con mình quá si tình, bèn kiếm lời khuyên giải rồi bảo đem trao bức chân dung Mạnh Lệ Quân lên xem.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vâng lời, vào lấy bức chân dung nàng đem ra treo lên vách. Doãn Phu nhơn vừa trông thấy dung mạo Mạnh Lệ Quân thì giựt mình nói :
- Ta không ngờ dâu của ta lại quá xinh đẹp như vầy !
Hoàng Phủ Kính nói :
- Ủa, lạ này. Sao dâu ta lại giống Lệ Thừa tướng đến thế cơ ! Thôi đúng là Lệ Thừa tướng rồi đây mà !
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Hèn chi lúc con mới xem qua đã cảm thấy quen quen . Và mấy hàng chcữ dưới đây, trông giống hệt tuồng chữ của Lệ ân sư.
Hoàng Phủ Kính nói :
- Ừ, phải rồi ! Lệ Thừa tướng tên Quân Ngọc, nếu bỏ chữ Ngọc đi thì còn hai chữ Lệ Quân chứ gì ! Quả nhiên là Mạnh Lệ Quân giả trang rồi, nên người đối đãi với ta rất tử tế.
Nghe mấy lời, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mới tỉnh ngộ, chàng nói :
- Đúng đấy ! Hèn chi Thừa tướng đối đãi với con rất tận tình. Mỗi khi con đến thì nét mặt người tươi như hoa, lại cầm lại uống rượu chuyện trò, người lại thường đến thăm con rất hậu. Rõ ràng là nghĩa vợ chồng nên mới quá thân mật đến thế.
Doãn Phu nhơn nghe nói mừng quá, nói :
- Bởi vậy cho nên trước kia nàng hết lòng bảo tấu khiến ngày nay chúng ta được sum hiệp và làm đến tướng vương, quả nàng là ân nhân của ta đó. Nhưng chẳng biết lý do gì nàng lại không chịu cải trang đặng làm lễ thành hôn cho rồi.
Hoàng Phủ Kính nói :
- Việc này ta không thể hiểu nổi, nhưng có một điều thật đáng cho ta quả quyết lắm, xét Lệ Thừa tướng mới mười bảy tuổi đã đậu tam nguyên rồi lên làm đến chức Thừa tướng thì chắc bậc thường nhơn không thể có. Nhưng sao lâu nay ta chẳng thấy bà con nào của người đến viếng thăm cả ?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa bấm trán suy nghĩ hồi lâu rồi bật cười ngất lên, nói :
- Ôi thôi ! Mình đoán lầm rồi ! Bây giờ con mới nhớ ra Lệ ân sư đã có vợ và vợ chồng người tương đắc lắm, nếu người là hạng nữ lưu thì làm sao dám cưới vợ !
Doãn Phu nhơn nghe Thiếu Hoa nói, bà ngẫm nghĩ hồi lâu cũng bật cười nói :
- Phải rồi, khi trước tôi có nghe Lệ Thừa tướng tánh hay vui vẻ thường trửng giởn với vợ luôn, vợ chồng người đầm ấm lắm. Thôi, thế là chúng ta bàn luận sai rồi !
Hoàng Phủ Kính lắc đầu nói :
- Theo ta thì vô cùng nghi hoặc, vì nếu không phải nàng sao gương mặt và tuồng chữ đều giống nhau ? Nếu không phải nàng thì sao lại giống hệt đến thế !
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Dầu cho có quả thật là nàng đi nữa cũng không dám tìm hiểu, vì hiện người đang làm Hữu Thừa tướng đứng đầu trăm quan, con đây chính là môn sanh của người, nếu nói ra mà người không phải là Mạnh Tiểu thơ, ắt phải tội khi dễ đại thần, không dễ đâu. Vậy thì nếu quả nàng thì cứ để tự ý nàng cải trang chứ nhứt thiết không dám đá động đến.
Hoàng Phủ Kính nói :
- Con nói phải lắm, nhưng con hãy xem bức chân dung nàng treo trong phòng rồi giả ý mời Thừa tướng sang chơi, nếu quả Lệ Thừa tướng là nàng thì làm gì cũng có sự ngạc nhiên , chừng ấy con liệu lời dò hỏi mới được.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cho là kế hay và hứa sẽ vâng theo.
Lời bình :
- Nền lễ giáo Á Đông xưa ràng buộc nam nữ không có quyền tự do chọn lựa. Trai lớn lên, khi cha mẹ thấy chỗ nào xứng đáng, nghĩa là môn đăng hộ đối thì đến cầu thân, còn con gái thì cha mẹ đặt đâu phải ngồi đó vì các cụ các bà quan niệm rằng trẻ thơ lớn lên lòng dạ bồng bột không biết suy sâu nghĩ kỹ, nếu để cho chúng lựa chọn , tự do kết hôn sẽ không khỏi lâm vào tình trạng hứng nhứt thời rồi bỏ nhau dễ dàng như việc thay xiêm đổi áo. Quan niệm này không phải là không có chỗ đúng, vì làm thân con gái như một kiếp hoa chóng nở, chóng tàn, cái duyên chỉ có giá trị một thời gian ngắn, không khéo sẽ bị những anh chàng sở khanh lường gạt để rồi phải uất hận mãn kiếp.
Tuy nhiên, các ông bà thường lại không để ý đến đôi lứa, không thèm để ý đến tâm trạng, tư tưởng của hai trẻ có hợp lý tưởng hay không, mà chỉ căn cứ vào đương môn đối hộ , thành thử có nhiều cặp vợ chồng không xứng , bắt buộc chúng phải ăn đời ở kiếp với nhau trong lúc chúng không thích, thật là đau khổ.
Bởi quan niệm gái mười hai bến nước đục trong phải chịu, nên khi hai chàng công tử đến nhà họ Mạnh thi tiễn tranh hôn. Mạnh Lệ Quân không cần ra xem tài mạo của hai người làm gì, đến nỗi sau khi nhận sính lễ hứa hôn rồi mà đôi trai gái vẫn không thấy mặt nhau. Thế thì khi Mạnh Lệ Quân ra đi không phải vì yêu chàng Thiếu Hoa, mà chỉ vì nghĩa vụ của người con gái phải vậy! Ta có thể nói nàng bắt đầu tơ tưởng đến Thiếu Hoa từ khi nàng đến chùa thấy bút tích của chàng, tâm lý người con gái nào lại không tham tài, phương chi Mạnh Lệ Quân cũng là bậc văn chương lỗi lạc thì làm sao nàng chẳng cảm thông nhau trên văn từ cú pháp.
Còn Thiếu Hoa , trải qua thời gian lưu lạc, chàng chỉ cảm vì tấm lòng trinh liệt của Mạnh Lệ Quân thôi, mãi đến khi nàng thấy bức chân dung nàng đẹp quá mới bắt đầu yêu tha thiết , vì vậy lúc gặp Lưu Yến Ngọc chàng sẵn sàng trao đổi quả tim vàng.