watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tái Sanh Duyên-Hồi Thứ Sáu Mươi - tác giả Mộng Bình Sơn Mộng Bình Sơn

Mộng Bình Sơn

Hồi Thứ Sáu Mươi

Tác giả: Mộng Bình Sơn

Địch Xuân Yến vào đến nơi, vừa trông thấy Tố Hoa đã nhận biết ngay là Tô Yến Tuyết. Còn Tố Hoa cũng không lạ lùng gì Địch Xuân Yến, nhưng nàng giả cách làm lơ để cho Địch Xuân Yến lạy làm lễ và dâng đổ ăn lên .
Rồi bằng một giọng nghiêm trang, Tố Hoa nói :
- Mụ về thưa lại cùng phu nhơn rằng ta có lời cảm ơn phu nhơn đấy.
Tố Hoa bảo nữ tỳ thâu lễ vật đem cất, rồi trao thiếp phúc đáp đồng thời thưởng tiền cho Địch Xuân Yến.
Địch Xuân Yến lãnh bạc , lạy tạ lui về. Hàn Phu nhơn hỏi :
- Mụ vào yết kiến Lương Phu nhơn được không và mụ nhận thấy người ấy tư cách ra thế nào ?
Địch Xuân Yến cười ngắt nghẽo, thưa :
- Bẩm phu nhơn, người ấy chẳng phải ai đâu xa lạ, mà chính là Tô Yến Tuyết nhà ta đó !
Tô Đại nương nghe nói vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, hỏi :
- Thật quả vậy sao ?
Địch Xuân Yến nói :
- Bẩm tôi nhìn kỹ lắm, thiệt rõ ràng là Tô Yến Tuyết, nhưng bây giờ có hơi cao lớn hơn hồi trước.
Hàn Phu nhơn nói :
- Thế thì đúng rồi ! Cảnh Phu nhơn gốc người ở Quý Châu , có lẽ khi người đến kinh, đi thuyền qua ngả Côn Minh trì, gặp Tô Yến Tuyết tự tử, người ra tay cứu vớt đem về làm nghĩa nữ chứ gì. Thế thì hai vợ chồng đều là hai gái chí thân, thảo nào bấy lâu nay tương đắc với nhau lắm.
Tô Đại nương còn bán tín bán nghi, nói :
- Ở đời lại có cái duyên may mắn đặc biệt đến thế sao ? Chỉ một việc phu nhơn và tiểu thơ tương nhận với nhau đã là việc may hiếm có nhất trần đời rồi, có đâu nay tiện nữ lại cũng được may mắn quá vậy ?
Hàn Phu nhơn nói :
- Được rồi, chúng ta cũng chẳng cần bàn luận nghi ngờ chi cho nhọc, để đợi tiện nữ chấm trường về đây ta gạn hỏi thì biết rõ.
Tô Đại nương nghe nói cũng cho là phải, nhưng trong lòng nôn nao muốn sao cho được gặp con lập tức mới thỏa.
Ngờ đâu lúc ba người đang đàm luận thì con Thúy Liễu đứng rình bên ngoài nghe không sót một mảy may, nó mừng quá, trông cho mau mau được về Vương phủ đặng mách cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa.
Xin nhắc lại, năm trước vua Thàng Tôn ban chiếu truyền khắp trong thiên hạ treo giải thưởng xứng đáng để tìm kiếm Mạnh Lệ Quân. Lúc bấy giờ tại huyện Giang Hạ, phủ Võ Xương , tỉnh Hồ Quảng có một người họ Bàng tên Phước tuổi độ ba mươi mà tính tình vô cùng gian xảo, vợ hắn là Mao thị chuyên nghề buôn bán.
Bàng Phước có một người cậu tên Lộ Tri Giao học hành rất giỏi. Tri Giao có một người con gái tên Tường Vân mắt phụng mày ngài, dung nhan mười phần xinh đẹp. Tường Vân được cha truyền cho nghề văn chương từ lúc lên năm, vả lại nàng lại có khiếu thông minh, học đâu thuộc đó , nên khi mới lên mười hai tuổi, văn thơ nàng đã lào thông, dám chắc nội trong huyện Giang Hạ không có một người con gái nào bì kịp.
Nhưng chẳng may năm ấy mẹ nàng mất rồi qua năm sau Lộ Tri Giao lâm bịnh qua đời, bỏ nàng cô quạnh một mình, phải đến náu nương cùng mẹ con Bàng Phước.
Tường Vân sang ở đây chưa đặng bao lâu thì mẹ Bàng Phước cũng tạ thế nốt, chỉ còn có vợ Bàng Phước là Mao thị tánh tình cay nghiệt, độc hiểm vô song. Bao nhiêu công việc trong nhà đều bắt Tường Vân làm hết, lại còn tiếng nặng nhẹ vô cùng khó chịu.
Đến năm Tường Vân lên mười chín tuổi, nhan sắc nàng càng mặn mà hơn nữa, Bàng Phước âm mưu định đem nàng bán cho một nhà phú hộ nào đó để lấy một số tiền khả dĩ, nhưng chưa tìm ra mối nào đáng giá thỉ chợt hôm ấy Bàng Phước trông thấy tờ yết thị của triều đình muốn tìm Mạnh Lệ Quân và hậu thưởng rất nhiều vàng.
Bàng Phước nghĩ thầm :
« Lộ Tường Vân tài mạo kiêm toàn, ta đem giả Mạnh Lệ Quân chắc được là phải.Vả chăng Mạnh Lệ Quân bỏ nhà ra đi đã lâu rồi mà không về, tất nhiên nàng đã chết rồi; mà nếu có còn sống đi nữa chắc nàng cũng đã cải giá, chớ nếu không, nàng đã về gặp mặt Hoàng Phủ Thiếu Hoa để kết tình phu phụ hưởng vinh hoa phú quý rồi ! Vì Thiếu Hoa được phong Vương tước, khắp xa gần ai lại không hay biết. Hôm nay ta đem Tường Vân đến triều đình, giả làm Mạnh lệ Quân , thế nào cũng được trọng thưởng. Lại khi nàng kết duyên cùng Trung hiếu vương, ta đây cũng được đúng vào hàng thân thích, quyền thế to lớn biết là dường nào ».
Bàng Phước nghĩ đến đây cảm thấy trong lòng sung sướng như điên, hắn đứng phắt dậy nhảy nhót múa tay múa chân rồi chạy thẳng một mạch ra nhà sau nói rõ âm mưu cho Mao thị nghe.
Mao thị nghe qua mừng lắm, vỗ tay nói :
- Quả là diệu kế ! Hãy thi hành cho chóng, kẻo có người cũng nghĩ như ta, phỗng tay trên mất thì uổng lắm !
Nói dứt lời, Mao thị chạy đi gọi Tường Vân vào :
Tường Vân bước vào, ngơ ngác hỏi :
- Chẳng hay anh chị kêu em có việc chi ?
Vợ chồng Bàng Phước đồng đứng dậy ân cần nói :
- Mời cô nương ngồi, chúng tôi sẽ thưa cùng cô nương một chuyện.
Tường Vân lấy làm lạ chẳng biết tại sao hôm nay vợ chồng Bàng Phước lại trọng đãi mình như vậy, nàng hồi hộp ngồi xuống hỏi :
- Việc chi anh chị cứ giải bày cho em biết đi, dầu sao em cũng mang ơn của anh chị nhiều lắm, có gì mà anh chị phải ngại ngùng !
Bàng Phước bèn nói rõ ý định mình cho Tường Vân nghe. Tường Vân suy nghĩ hồi lâu rồi nói :
- Anh chị bảo gì em cũng phải vâng theo, nhưng anh chị bảo em giả Mạnh Lệ Quân rồi đến khi vào bệ kiến biết nói sao đây ?
Bàng Phước nói :
- Điều ấy không khó khăn gì ! Cô nương vào đó cứ việc nói tôi là Mạnh Lệ Quân quyết chí từ hôn thủ tiết cùng chồng. Khi hai thầy trò cải dạng nam trang ra đi đến phủ Võ Xương thì gặp ông Lộ Tri Giao nhận làm nghĩa tử đem về nuôi dưỡng. Về sau rủi bị lộ, bà kế mẫu biết là gái giả trai , nên mới khai dối là con của họ Trương.
Tường Vân lại hỏi :
- Còn con nữ tỳ Vinh Lang thì biết nói sao ?
Bàng Phước nói :
- Nếu quan trên có gạn hỏi con Vinh Lang, cô cứ việc bảo là đi đường xa xôi khổ cực quá, con Vinh Lang chịu không nổi nên nó trốn đi mất rồi !
Tường Vân nghĩ thầm :
« Mạnh Lệ Quân là con nhà quan mà được vua ban chiếu tìm kiếm khắp trong thiên hạ như vậy, chắc cho cha hay anh gì làm quan tại triều. Nếu ta đến đó, chắc cơ mưu sẽ bại lộ chớ chẳng không ».
Nhưng rồi nàng lại nghĩ :
« Ta ở đây nhục nhã , lại khổ cực trăm chiều, hay là ta cứ việc đến đó, nếu chẳng may việc bại lộ thì ta trình bày rõ hoàn cảnh của ta cha mẹ mất sớm, bị người anh cưỡng bức bắt buộc phải giả Mạnh Lệ Quân nên túng thế phải vâng lời, thì có lẽ triều đình cũng thương tình khoan dung cho ta. Còn may ra công việc xuôi rót thì suốt đời ta được hưởng phú quý vinh hoa ».
Tường Vân suy cùng nghĩ cạn rồi xin nhận lời, vợ chồng Bàng Phước vui mừng khôn xiết.
Ngày thứ, Mao thị lấy áo quần mới và đồ trang sức của mình đem mặc cho Tường Vân, trông nàng đẹp lộng lẫy. Vợ chồng Bàng Phước nhắm đi nhắm lại lấy làm đắc chí, tin chắc làm gì âm mưu cũng thành.
Sau đó, họ lại dọn một chiếc kiệu đưa Tường Vân đến huyện đường xin vào yết kiến.
Quan huyện nghe nói Mạnh Tiểu thơ xuất hiện, thì mừng rỡ, lật đật cho mời Bàng Phước vào ngay
Bàng Phước vừa bước vào, quan huyện họ Liêm đã đứng dậy niềm nở chào và ân cần hỏi :
- Người làm thế nào mà tìm đặng Mạnh Tiểu thơ.
Bàng Phước thưa :
- Tôi có một người cậu là Lộ Tri Giao, vợ chồng tương đắc với nhau nhưng đã ngoài năm mươi tuổi vẫn không con. Bỗng nhiên cách đây bốn năm, người tình cờ gặp một chàng thơ sanh xin vào nương tựa. Chàng thơ sanh ấy có dắt một đứa thơ đồng theo và bày tỏ hoàn cảnh của mình nguyên là con nhà họ Trương quê ở Vân Nam ; cha người bị kết án oan vào ngục thất nên chàng phải đi lánh nạn. Cậu tôi thấy vậy, mới đem chàng về làm nghĩa tử. Chàng ở đó chưa được bao lâu , rủi một hôm để lộ chiếc giày thêu, cậu tôi nhận biết là con gái, mới gạn hỏi sự tình thì nàng nói dối là con gái họ Trương , chỉ vì cha nàng đã hứa gả cho Vương Văn Long, nhưng Vương Văn Long có việc đi xa cách biệt bốn năm trời, người kế mẫu vì tham tiền đem nàng gả cho một người khác nên nàng không chịu, nửa đêm cùng đứa nữ tỳ cải dạng nam trang trốn đi.
Cậu tôi nghe qua, thương nàng là người trinh tiết nên nhận làm nghĩa nữ luôn. Bấy giờ hai thầy trò lại cải trang lại , con nữ tỳ Vinh Lang ở được ít lâu, bỗng một hôm bỏ nhà trốn đi mất.
Cách ít năm sau, hai vợ chồng cậu tôi đều qua đời, thân mẫu tôi mới đem nàng về nuôi dưỡng. Vừa rồi, tôi thấy tờ yết thị, về nhà thuật chuyện lại, nàng mới cho tôi biết chính nàng là Mạnh Lệ Quân, con quan Binh bộ Thượng thơ Mạnh Sĩ Nguyên, tức là vợ của Trung hiếu vương. Tôi lập tức mướn kiệu đưa nàng đến đây, chớ không dám giấu. Hiện nàng còn đang đứng chờ ngoài cửa.
Quan tru huyện họ Liêm nghe qua mừng lắm, truyền gia tướng mở cửa giữa rước vào .
Khi Tường Vân vào, Liêm Tri huyện trông thấy nhan sắc nàng xinh đẹp thì ngỡ là Mạnh Lệ Quân thật, nên lể phép đứng dậy vái chào và mời nàng ngồi giữa huyện đường, rồi hối gia đồng bưng nước lên dâng , còn Liêm Tri huyện cùng Bàng Phước thì ngồi hai bên hầu chuyện.
Liêm Tri huyện đứng dậy, chắp tay hỏi Tường Vân :
- Năm trước Trung hiếu vương hồi trào được phong vương tước, khắp trong thiên hạ ai ai cũng đều biết, sao tiểu thơ không chịu ra mặt, lại để chậm đến ngày nay ?
Tường Vân đáp :
- Thế thường người ta giàu hay đổi bạn, sang hay đổi vợ. Lòng dạ con người biết đâu mà lường. Vì vậy, tôi không muốn ra mặt sớm, là để xem tình ý chàng ra sao. Đến nay thấy có yết thị tìm tôi, tôi chắc là chàng nghĩ đến tình xưa, tâu cùng Thiên tử, cho nên mới có lịnh ấy.Vì vậy, tôi mới nói thật ra, để được trở về với người chồng lý tưởng.
Liêm Tri huyện nghe nói, khen vùi :
- Thế thì tiểu thơ là người có chí và mang một tấm lòng cao thượng ít ai bì. Vậy xin tiểu thơ hãy tạm về đó an nghỉ, đợi tôi tâu lên thượng quan rồi sẽ cùng Bàng Phước đưa tiểu thơ đến kinh sư, vào bệ kiến cùng thánh thượng.
Tường Vân đứng dậy tỏ lời cảm ơn , nàng nói :
- Ngài quả có lòng tốt. Tôi hứa khi đến kinh rồi sẽ hậu tạ xứng đáng.
Nói dứt lời, nàng cáo từ lùi ra, lên kiệu trở về nhà Bàng Phước .
Thế là bắt đầu từ đấy, vợ chồng Bàng Phước đối đãi với nàng rất cung kính, hằng ngày để cho nàng ở không, trang điểm, trau giồi , không cho làm việc gì hết.
Việc này xin gác lại và nói qua tại huyện Côn minh, tỉnh Vân Nam, có một nhà đại phú tên Hạng Long , tự Bảo tú, tuổi quá ngũ tuần, ngoài vợ chính là La thị, Hạng Long còn có ba người hầu thiếp, sanh đặng một trai tên Hạng Chúc Hoa làm chức Tri châu Đại An, thuộc tỉnh Sơn Đông, đến sau La thị sanh thêm một gái nữa, đặt tên Nam Kim.
Nàng Hạng Nam Kim dung mạo hơi giống Mạnh Lệ Quân nhưng không được phong nhã bằng . Có điều là nàng không biết chữ, lại có tâm tánh xảo quyệt lắm ....
Khi Hạng Nam Kim còn nhỏ, đã được hứa gã cho họ Chung, nhưng đến năm nàng lên mười lăm tuổi, chưa kịp làm lễ cưới thì họ Chung tạ thế, thành thử hôm nay trinh tiết nàng vẫn còn nguyên vẹn.
Nhà Hạng Long có nuôi hai vợ chồng tên đầy tớ , chồng tên Hầu Ngũ, vợ Quế Hương. Nguyên vợ chồng hầu Ngũ này trước kia có ở cho Mạnh Sĩ Nguyên, nhưng vì tánh tình gian xảo nên bị đuổi, mới qua xin ở với Hạng Long.
Vợ chồng Hầu Ngũ thường ngày cứ trầm trồ khen nàng Hạng Nam Kim có gương mặt giống Mạnh Lệ Quân. Rồi khi thấy yết thị rao tìm Mạnh lệ Quân , vợ chồng Hầu Ngũ liền đốc Hạng Long đem nàng Hạng Nam Kim giả Mạnh Lệ Quân để được kết duyên cùng Thiếu Hoa, hưởng giàu sang phú quý, vì vợ chồng hắn đinh ninh rằng Mạnh Lệ Quân đã chết rồi.
Hạng Long mừng rỡ nói:
- Nếu được như vậy thì thế nào con trai ta cũng chóng thăng quan, còn ta đây được thân thích cùng một vì vương tướng , thế lực to tát biết là đường nào!
Hạng Nam Kim cũng mừng rỡ nói:
- Tôi có đủ mánh khoé để tự nhận tôi là Mạnh Lệ Quân, song chỉ sợ con nữ tỳ Vinh Lang hiện không có ai để giả hắn đây, biết tính sao?
Vợ chồng Hầu Ngũ nghe nói sợ nàng thối chí, nên cùng nhau tán đại vào:
- Thiệt quả là nhà lão gia đã đến ngày hạnh phước rồi, nên tôi xem con Thu Tố hầu cô nương đây có giống con Vinh Lang như hệt vậy.
Hạng Nam Kim nghe nói không tin, nàng nói:
- Có lẽ chủ tớ đều giống nhau hết vậy sao?
Vợ chồng Hầu Ngũ lại nói:
- Chính chúng tôi cũng lấy làm lạ thay, nhưng nghĩ lại chắc là trời nhỏ phước cho đó. Thiệt tình thầy trò đều giống nhau như đúc chớ nào chúng tôi có dám nói dối đâu!
Hạng Nam Kim mừng quá:
- Thế thì hay biết bao!
Hạng Long lo ngại nói:
- Dung mạo con giống nàng Mạnh Lệ Quân thì giả được rồi, nhưng còn ta , khi đến đối đầu với quan trên, biết nói sao cho xuôi việc đây?
Hạng Nam Kim nói:
- Việc ấy không khó, thân phụ cứ bảo rằng:
“ Trước đây bốn năm, một hôm nhằm ngày mồng ba, tháng tư, lúc trời tối, có một chàng thơ sanh cùng với tên thơ đồng vào nhà xin ngủ nhờ. Khi hỏi ra thì chàng thơ sanh ấy khai tên là Vương Nhiếp Thông, còn tên thơ đồng là Vinh Lang, nhơn vì cha mẹ bị nạn nên mới bỏ nhà trốn đi; Tôi thấy chàng đang đang độ thiếu niên, lại có học thức; nên thương tình nuôi ở nhà dạy học. Qua đến ngày hai mươi tháng sáu, gặp ngày mừng đại thọ, tôi thết tiệc mời khách đến chung vui. Chẳng may Vương Nhiếp Thông uống rượu say về phòng ngủ, cùng tên thơ đồng tháo giày ra. Vợ chồng tôi bước vào trông thấy cả hai mang bên trong chiếc giày thêu, mới biết là gái, hỏi thăm sự tình, nàng phân rằng: chính nàng là con gái họ Vương, có chồng đi biệt tích, cha mẹ lại tham của ép gả cho người khác nên nàng phải dắt nữ tỳ cải nam trang trốn đi. Vợ chồng tôi nghe nói, trọng người trinh tiết nên nhận làm nghĩa nữ, và từ đó hai thầy trò lại cải trang? Nhơn vừa rồi nàng trông thấy yết thị tìm Mạnh Tiểu thơ nên mới nói thiệt ra cho vợ chồng tôi biết”.
Hạng Nam Kim nói đến đây, Hạng Long ngắt lời hỏi:
- Nếu quan trên bắt tôi sao lúc Thiếu hoa được phong vương lại không ra mặt, để chi đến ngày nay, thì biết trả lời sao cho xuôi?
Hạng Nam Kim nói:
- Điều ấy cũng không khó. Nếu quan trên có hỏi như vậy, con sẽ ứng đáp ngay rằng: sở dĩ con không muốn ra mặt vội là để dò xem lòng dạ Trung hiếu vương ra thế nào, ngày nay trông thấy yết thị ra tìm biết chắc Trung hiếu vương đã nhớ tình cũ nghĩa xưa nên tâu lên Thiên tử , xin người tìm kiếm hộ cho.
Hạng Long suy nghĩ hồi lâu thấm thía, cảm thấy con mình nói có lý lắm, nên gật đầu khen:
- Con gái ta thật khôn ngoan, sáng trí quá, dám chắc không ai bì kịp!
Hạng Nam Kim lại nghĩ:
“ Cha con Mạnh Sĩ Nguyên đang làm quan tại triều, nếu ta ra đó tự xưng là con của người thì thì chắc thế nào người cũng hạch hỏi những việc trong nhà, nào là tên họ những kẻ ăn người ở trong nhà khi trước
nào là những di vật để lại trong lúc bước chân ra đi, thì ta biết nói sao cho xuôi? Vậy để ta hỏi vợ chồng Hầu Ngũ cho biết mọi việc trong nhà họ Mạnh, đồng thời điều tra thêm cho biết những di vật nàng để lại lúc ra đi là những gì, mới có đủ tư cách ứng đáp được”
Nghĩ rồi, nàng vội vã chạy đi hỏi Hầu Ngũ. Hầu Ngũ nghe hỏi nghĩ thầm:
“ Việc này mà ta không biết kiếm tiền thì dại biết bao nhiêu!”
Nghĩ rồi hắn nói trớ rằng:
- Tôi ở cho Mạnh Sĩ Nguyên thì việc gì trong nhà tôi lại không biết? Nhưng hiện nay trong lòng tôi nó lộn xộn lắm, nên không nhớ rõ thôi, để tôi hỏi lại vợ tôi cho rõ ràng rồi sẽ trình bày sau.
Hạng Nam Kim nghe nói biết ý ngay, nàng gật đầu nói:
- Phải đấy! Vả việc này vô cùng quan trọng, người phải hỏi lại cho kỹ lưỡng mới được.
Hầu Ngũ vâng lời trở về phòng thuật cho Quế Hương nghe. Hồi lâu vợ chồng Kầu Ngũ đến, nàng Hạng Nam Kim liền trao cho vợ chồng Hầu Ngũ mười lượng bạc và cho riêng Quế Hương một cây kim thoa. Nàng bảo:
- Vợ chồng ngươi hãy đem hết sự tích nhà họ Mạnh và dung mạo mạnh Sĩ Nguyên nói rõ cho ta nghe, rồi khi đến kinh ta sẽ đem hai người theo, nếu được thành sự thì chừng ấy vợ chồng ngươi sẽ theo vào ở trong Vương phủ để chung hưởng phú quý.
Vợ chồng Hầu Ngũ đưọc bạc, lại nghe lời hứa hẹn nên mừng lắm, bèn nói rõ dung mạo của Mạnh Sĩ Nguyên và kể lại cặn kẻ lúc Mạnh Lệ Quân ra đi có để lại một bức chân dung với một bức thư tiến cứ Tô Yến Tuyết thay thế, đồng thời nói rõ tên tục từng đứa tôi tớ trong nhà họ Mạnh.
Hạng Nam Kim lắng tai nghe thuộc nằm lòng, rồi bảo thân phụ đi báo cùng quan huyện sở tại.
Hạng Long nói:
- Sáng nay con hãy trang điểm cho đẹp đẽ, theo ta đến huyện đường.
Hạng Nam Kim lại nói:
- Nay con đã nhận làm Mạnh lệ Quân rồi, tất nhiên con phải đường đường là một vị tiểu thơ của quan Thượng thơ, lại là một người vợ của một vì vương tước, nếu hạ mình đến cửa huyện, có thể bị người ta sanh nghi. Chi bằng thân phụ hãy đến bảo quan huyện phải đến đây mới rõ ràng cho.
Hạng Long đứng dậy vỗ tay khen:
- Con gái ta khôn ngoan đúng bực, thật ta đây cũng không bì kịp.
Thế là sáng hôm sau, Hạng Long đội mão , mặc áo chỉnh tề lên kiệu, dắt hai tên gia nhơn thẳng đến huyện Côn Minh, trao danh thiếp cho lính đem vào.
Lâu nay, Hạng Longcó tiếng là đại phú nhất hạt, lại có tiền làm chức Đồng tri, nên khi đến huyện môn đưa danh thiệp vào, An Tri huyện lập tức hối gia tướng mở cửa giữa nghinh tiếp vào, ngồi ngang hàng, trà nước thết đãi rất trọng hậu.
Hạng Long nói:
- Tôi có một dịp may có thể cầu phú quý được, muốn tỏ cùng ngài, không biết ngài nghĩ sao?
An Tri huyện đáp:
- Ở đời ai lại không ham phú quý, chẳng hay việc chi, xin ngài hãy nói thẳng ra cho tôi biết với.
Hạng Long hạ thấp giọng làm ra vẻ quan trọng, rồi bắt đầu nói:
- Cách đây bốn năm, có một chàng thơ sanh đến xin ở ngụ nhà tôi, rồi bỗng một hôm , vào ngày hai mươi hai tháng sáu, chàng nhơn say rượu để lộ chân tướng, mới hay chàng là gái giả trai. Vừa rồi, khi thấy tờ yết thị tìm Mạnh Tiểu thơ, nàng mới mới nói rõ ra là nàng chính là Mạnh Lệ Quân. Tôi nghe vậy, định đưa nàng đến yết kiến ngài, nhưng nàng không chịu đi, lại bảo hãy mời ngài đến để gặp nàng mà thôi. nếu nay chúng ta đưa nàng dến kinh thì chắc sẽ được trọng thưởng và sẽ được Trung hiếu vương mang ơn chúng ta. Rõ thật là một dịp may cho chúng ta có thể cầu phú quý một cách dễ dàng.
Nghe qua An Tri huyện mừng lắm, liền nói:
- Nếu quả là Mạnh tiểu thơ thì tôi phải đến đó mới phải lẽ. Vậy hôm nay mới ngài hãy ở đây chơi, rồi sáng ngày tôi sẽ theo qua bên ấy.
Hạng Long mừng thầm nhưng không muốn ngủ tại huyện đường, nên xin phép ra ngoài nghỉ tại nhà một người bạn thân gần đó. Sáng hôm sau, Hạng Long dẩn An Tri huyện đến nhà và mời ngồi chơi nơi phòng khách, rồi vào trong thuật chuyện lại cho Hạng Nam Kim nghe.
Bà mẹ Hạng Nam Kim nghe qua mừng quá, vội giúp cho nàng một tay trong việc trang điểm.
Hạng Long trở ra nói với An Tri huyện :
- Mạnh tiểu thơ cho mời ngài vào.
An Tri huyện vội vàng đứng dậy, theo chân Hạng Long vào trong. Hạng Nam Kim trông thấy quan Tri huyện vào, nàng rất bình tĩnh, từ từ đúng dậy chào hỏi đằm thắm. Còn quan huyện trông thấy nhan sắc nàng tuyệt vời, lại nhà Hạng Long là nhà đại phú nữa, nên không nghi ngờ gì cả, vội vã cúi đầu chào và nói:
- Tiểu quan có đức chi mà làm cho Tiểu thơ phải nhọc lòng đứng dậy tiếp nghinh, xin tiểu thơ hãy cho phép tôi được làm lễ bái kiến.
Hạng Nam Kim nói:
- Chỉ vì tôi mà ngài phải khổ nhọc thân hành đến đây, nghĩ cũng đã quá lẽ rồi, có đâu tôi lại dám vô lễ đến thế!
Nói dứt lời, Hạng nam Kim lấy theo lễ tân chủ, mời An Tri huyện ngồi, đoạn truyền thị nữ bưng trà lên dâng cho quan huyện, rồi thở dài than:
- Số phận của tôi lâu nay thật gian nan vất vả, lìa xứ sở , xa mẹ cha , nỗi buồn ấy kể sao cho xiết. Hôm nay đây nhờ ngài tôi mới có thể trở về sum hiệp với gia đình, thiệt ơn ấy tôi nguyện không khi nào dám quên.
An Tri huyện hỏi:
- Chẳng hay vì sao tiểu thơ lại lưu lạc đến đây?
Hạng Nam Kim bèn dùng ba tấc lưỡi đặt ra bao nhiêu chuyện lưu linh khổ cực, nói một hồi cho Tri huyện nghe.
An Tri huyện lại hỏi:
- Năm trước đây cha con họ Hoàng Phủ thắng trận ban sư, được vinh phong vương tước, khắp thiên hạ ai ai cũng đều biết, sao tiểu thơ không ra mặt, để chi đến ngày nay ?
Hạng Nam Kim nói:
- Lúc tôi ra đi đã quyết đem thân này vùi chôn cuộc đời trong phong ba bảo táp, thì đâu có còn kể đến thân này nữa. Cho nên khi nghe Hoàng Phủ Thiếu Hoa đặng phong vương tướng, mà chưa nghe người đề cập đến việc đi tìm vợ, thì tôi vẫn nghi rằng chàng đặng phú quý vinh hoa nên quên mất mối tình xưa nghĩa cũ. Vì vậy, danh dự không cho phép tôi ra mặt, thà tôi bỏ qua một kiếp hồng nhan chứ nhất định không đeo đuổi con người phụ bạc. Ngày nay, thấy yết thị rao truyền, tôi mới rõ chàng ta còn nhớ đến mối tình xưa nên mới nhờ triều đình tìm kiếm. Trong hoàn cảnh này, tôi thấy không nỡ lòng nào để cho chàng thương nhớ nuốt thảm đeo sầu, nên phải xuất hiện về với chàng cho trọn chữ tình chung.
An Tri huyện khen:
- Thế thì tiểu thơ thật là người chí khí. Vậy để tôi thượng tấu lên trên, rồi cùng với ngài Đồng Tri đây đưa tiểu thơ đến kinh kỳ bái yết Thánh thượng.
Hạng Nam Kim chấp tay cung kính nói:
- Nếu ngài có lòng tử tế giúp tôi trên bước đường trở về cố quán, thì ơn ấy tôi nguyện không khi nào quên.
An Tri huyện nói:
- Việc này tôi không dám kể ân nghĩa, chỉ mong sao Mạnh Thượng thơ và Trung hiếu vương có lòng cố cập che chở cho, đã là hạnh phúc cho tôi lắm rồi!
Câu chuyện vừa đến đây thì thấy gia nhơn đã dọn tiệc lên, Hạng Long vội mời quan Tri huyện ra ngoài thính đường uống rượu và bàn cách đưa về kinh.
Hạng Long nói:
- Đã mấy năm qua Mạnh tiểu thơ ở nhà tôi, tôi xem dường con ruột. Vì vậy, nay tiểu thơ phải đi về kinh, tôi xin xuất ra ngàn vàng để chịu mọi phí tổn, đưa tiểu thơ đến kinh cho thỏa lòng thương tiếc
Lời bình:
- Hồi này, tác giả xây dựng lên mấy nhân vật Mạnh Lệ Quân giả, ngụ ý châm biếm lòng tham công danh phú quý vô cùng chua chát.
Cố nhơn có câu: “ Bần cư náo thị vô nhơn vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm”. Quả vậy, lúc nghèo hèn giữa chợ không ai han hỏi, đến lúc sang cả ngôi cao, nhiều kẻ muốn đến hiến thân để hưởng chút phú quý vinh hoa.
Nàng Lộ Tường Vân và nàng Hạng Nam Kim đều là hai kẻ giả dạng mạnh Lệ Quân, nhưng nàng Lộ Tường Vân chỉ vì sống trong hoàn cảnh mồ côi, bị Bàng Phước hành hạ, xem dường nô bộc. Cuộc đời tối tăm của nàng tưởng sống như thế cũng vô vị. Cho nên trước cái âm mưu của Bàng Phước, nàng thuận tình lãnh mạng đi làm cái việc buồn cười ấy, chẳng qua là nàng nhắm mắt đưa chân, nàng xem thân nàng như cánh bèo trôi nỗi giữa dòng sông, dù cho không thành công, phiêu giạt đến nơi nào cũng còn có thể hạnh phúc hơn là ở nhà Bàng Phước. Cái tâm trạng của nàng Lộ Tường Vân bấy giờ thấy tội nghiệp hơn là khinh bỉ. Ta có chê trách là chê trách cho Bàng Phước, một tay gian hùng, hắn hành hạ người cũng chưa vừa, còn muốn dùng sắc đẹp của nàng để khai thác cho kỳ được phú quý công danh mới nghe. Ôi ! Túi tham của con người thật vô bờ bến.
Còn nàng Hạng Nam Kim này tuy dốt nát nhưng tánh tình xảo quyệt, tưởng thế gian cũng ít người sánh kịp. Lại thêm vợ chồng tên nộ bộc Hầu Ngũ cũng xảo trá không kém. Những kẻ gian hùng họ gặp nhau, trách chi không âm mưu làm những việc kinh thiên động địa.
Tác giả lại khéo xây dựng lên nhân vật Hạng Nam Kim có dung mạo hao hao giống mạnh Lệ Quân, để rồi diễn tả cái tâm trạng xảo gian của con người quỷ quyệt. Người ta thường bảo “đại gian tợ tín”, đến nỗi viên Tri huyện Côn Minh cũng phải lầm mà không ai trách được.
Tái Sanh Duyên
Hồi Thứ Nhất
Hồi Thứ Hai
Hồi Thứ Ba
Hồi Thứ Tư
Hồi Thứ Năm
Hồi Thứ Sáu
Hồi Thứ Bảy
Hồi Thứ Tám
Hồi Thứ Chín
Hồi Thứ Mười
Hồi Thứ Mười Một
Hồi Thứ Mười Hai
Hồi Thứ Mười Ba
Hồi Thứ Mười Bốn
Hồi thứ Muời Lăm
Hồi Thứ Mười Sáu
Hồi Thứ Mười Bảy
Hồi Thứ Mười Tám
Hồi Thứ Mười Chín
Hồi Thứ Hai Mươi
Hồi Thứ Hai Mươi Mốt
Hồi Thứ Hai Mươi Hai
Hồi Thứ Hai Mươi Ba
Hồi Thứ Hai Mươi Bốn
Hồi Thứ Hai Mươi Lăm
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy
Hồi Thứ Hai Mươi Tám
Hồi Thứ Hai Mươi Chín
Hồi Thứ Ba Mươi
Hồi Thứ Ba Mươi Mốt
Hồi thứ Ba Mươi Hai
Hồi thứ Ba Mươi Ba
Hồi thứ Ba Mươi Bốn
Hồi thứ Ba Mươi Lăm
Hồi Thứ Ba Mươi Sáu
Hồi Thứ Ba Mươi Bảy
Hồi Thứ Ba Mươi Tám
Hồi Thứ Ba Mươi Chín
Hồi Thứ Bốn Mươi
Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt
Hồi Thứ Bốn Mươi Hai
Hồi thứ Bốn Mươi Ba
Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn
Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm
Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu
Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy
Hồi Thứ Bốn Mươi Tám
Hồi Thứ Bốn Mươi Chín
Hồi Thứ Năm Mươi
Hồi Thứ Năm Mươi Mốt
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Hai
Hồi Thứ Năm Mươi Ba
Hồi Thứ Năm Mươi Bốn
Hồi Thứ Năm Mươi Lăm
Hồi Thứ Năm Mươi Sáu
Hồi Thứ Năm Mươi Bảy
Hồi thứ Năm Mươi Tám
Hồi Thứ Năm Mươi Chín
Hồi Thứ Sáu Mươi
Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt
Hồi Thứ Sáu Mươi Hai
Hồi Thứ Sáu Mươi Ba
Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn
Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm
Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu
Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy
Hồi Thứ Sáu Mươi Tám
Hồi Thứ Sáu Mươi Chín
Hồi Thứ Bảy Mươi
Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt
Hồi Thứ Bảy Mươi Hai
Hồi Thứ Bảy Mươi Ba
Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn