Chương 17.
Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)
17.Lão họa sĩ và đoàn người mẫu,
Như ý Đài gập Song kê Đao
Bầy tiên nữ xinh đẹp làm Quốc Đức giật mình, nghi ngờ mình bị lọt vào một chốn ăn chơi. Nhưng thấy mọi người nghiêm chỉnh lễ độ, chàng vội bỏ ý nghĩ đen tối ấy. Bầy tiên nữ qua các bàn ghi lệnh đặt món ăn.
Quốc Đức đọc qua hàng chữ thêu trên áo tiên nữ: dòng tên nữ chiêu đãi: Lý Liên Hoa, Vương Nguyệt Đông, Lư Minh Xuân, Bùi Thuyên Thuyên …đều những tên đẹp xứng đáng với người Quốc Đức thưởng thức tiên cảnh mộng mơ ấy, khoé mắt khoái trá, tức thì La lão trượng nói khẽ:
- Ngu lão cần cho hiền diệt biết bầy tiên giáng trần ấy là con nhà gia giáo, không phải làng chơi …và đều là đồ đệ của Lê Thúy Hiên nữ chủ nhân !-
Chàng đáp :
- Thưa lão trượng, ngu sinh không hề có ý cợt nhả bờm xơm, nhưng ngu sinh không tránh khỏi chiêm ngưỡng những tá c phâẩ m mỹ thuật trời sinh -
Hiền từ quãng đại, lão trượng ngắt lời:
- Ngu hạ ít khi lầm người. Không bao giờ nghi ngờ hiền diệt. Chính ngu lão tới tuổi này cũng vẫn chiêm ngưỡng sắc đẹp, nhưng không mảy may hậu ý …hậu ý… tới đây, lão trượng hóm hỉnh tiếp theo, mà muốn chăng nữa cũng không được, phải không, tráng sĩ ?-
Chưa kịp trả lời câu đùa của lão trượng thì một nữ chiêu đãi đến bàn: khuôn mặt và dáng điệu như Lâm Nguyệt Ánh, (Đèo Sơn Vân), người tình của cha chàng. Đọc tên: Đinh Hồng Hạnh. Chàng hết lo ngại: chỉ là hơi giống nhau thôi, chắc là không phải họ hàng hay liên lạc gì với người đẹp Trung Vân.
Nhưng chi tiết ấy làm chàng không tránh được nghĩ chuyện cha chàng, và lo cho mình có thể cùng chung số phận. Tự nhiên chàng dành cho chiêu đãi viên họ Đinh một cảm tình đặc biệt, chàng xin phép lão trượng và hai vợ chồng chủ thuyền, theo Hồng Hạnh đến bếp coi, cử chỉ thông thường của thực khách Như Ý Đài.
Đây là một diễn trường đặc biệt: về phía gà rán, không có gì lạ, những con gà đang chín vàng trong dầu sôi, nhưng về phía tầm gang tròn thì quả nhiên một hoạt cảnh đặc biệt. Đầu bếp múa dao chặt gà tươi thành mười mấy miếng, vừa múa dao đảo thịt gà trên mặt tấm gang khói bốc, vừa hát những câu ca hùng tráng. cái tài tình là khi đã chín, những miếng gà lại bị đôi dao gạt xếp trở lại thành nguyên con gà khi trước, trông thật ngon lành, mỹ thuật …chiêu đãi viên đón nhận, mang đến bàn ăn.
Trở về bàn, La lão trượng đã cạn hai ly rượu nếp cùng vợ chồng họ Hà, chàng xin nâng chén chúc mừng La lão trượng, một họa sĩ biệt tài, chuyên vẽ mỹ nhân từ hồi trẻ. Lão trượng đoán là chiêu đãi viên Hồng Hạnh mách nước.
Lão trượng:
- Nếu không vội vã, mời hiền diệt ngày mai đến tệ trang coi những họa phẩm mỹ nhân, của nhiều tác giả khác và của ngu lão, hồi còn thanh niên -
Quốc Đức được Hồng Hạnh cho biết sưu tập tranh của La lão trượng có một không hai
chuyện xưa và hiểu hai giọt nưóc lệ thầm của nữ lang chủ nhân
Lê Thúy Hiên, nữ chủ nhân, năm nay chùng hai mươi sáu, con gái đầu lòng của Lê Tùng Đắc, một quan to quyền thế trong phủ Trịnh …khi nàng tuổi qua độ trăng tròn, bố mẹ có ý định đem vào phủ Trịnh … nhưng nàng nhất mực chối từ, vì đã trót yêu một chàng trai, tên Trần Khắc Chung (giống tên với vị nguyên soái đời Trần trong vụ Huyền Trân Công Chúa), anh họ của cô gái hầu, Trần Lệ Danh, mà nàng quí mến như em gái mình. Khắc Chung đã đậu tú tài, nhưng là con trai ông bà Trần Khắc Toại, một danh nhân trong làng làm đàn, ngay trong phường hàng đàn ở Kẻ Chợ. Khắc Chung không theo đường sĩ hoạn, tâm hồn nghệ sĩ kéo chàng lên bực danh cầm, lại thêm ưa thích nghề nhà, chế tạo các thứ đàn, thanh âm đặc biệt, các danh cầm trong nước mến chuộng … Khắc Chung và Thúy Hiên không hề đi quá vòng lễ giáo. Vì Thúy Hiên nhất mực từ chối vào phủ Trịnh, nên cha nàng nổi giận sai quân đến đốt phá nhà Trần Khắc Toại … Hai ông bà bị tử nạn. Trần Khắc Chung đi vắng về tới nhà, tức giận, cùng bọn bạn thân, đột nhập Lê gia, bắt được hai ông ba Lê Tùng Đắc, sắp sửa hạ sát để trả thù, thì Thúy Hiên ra kịp quỳ trước mặt chàng khóc xin tha tội. Khắc Chung thương người yêu, đập gẫy kiếm, bỏ đi. Thúy Hiên chạy theo Khắc Chưng rồi hai người bỏ Kẻ Chợ phiêu lưu từ đấy. Được sự cụ Tạ Cương trụ trì một ngôi chùa gần động Tam Thanh, vùng Lạng Sơn thâu nhận làm đồ đệ, theo võ đạo mấy năm. Riêng Thúy Hiên lại được sư bà Tọa Tâm truyền dạy Lan Hoa quyền, một quyền phái riêng biệt vùng sơn lâm, chuyên đấu ở những nơi cheo leo hiểm nghèo. Cách đây năm năm đến vùng này xây dựng Như Ý Đài và thâu nhận đồ đệ. Thúy Hiên và Khắc Chung tuy chưa nhiều năm trong võ đạo nhưng vì tài giáo khoa, nên nam hay nữ dồ đệ nhiều người giỏi hơn thầy. Trong bọn nữ đồ đệ có Bùi Thuyên Thuyên, Lư Minh Xuân, và Đinh Hồng Hạnh thuộc thành phần xuất chúng, còn nam đồ đệ, mấy người trong bếp, ít ra có sức một địch mười. Trần Khắc Tinh, cháu họ của Khắc Chung, đầu bếp chặt gà trên tấm gang, là một tỉ dụ xuất chúng. Thanh niên ấy xử dụng đôi đoản đao cực kỳ lợi hại, có thể nói múa song đao, mưa không ướt áo …
Sư cụ Tạ Cương, và sư bà Tọa Tâm, biết chuyện hai người, đã tổ chức theo dòng võ đạo làm lễ thành hôn cho lứa đôi, nhưng Thúy Hiên không hoàn toàn vui vẻ, lúc nào cũng nghỉ đến số phận của bố mẹ Khắc Chung …
La lão trượng kể xong thì đã khuya rời phòng ăn vãn khách. Quốc Đức cáo từ lên phòng ngủ. Nghĩ đến chuyện Thúy Hiên - Khắc Chung, chàng mang nhật ký hành trình ghi chép. Công việc xong xuôi, nhưng không tài nào nhắm mắt …
Chợt khoảng cuối Dần, có tiếng đụng chạm võ khí và tiếng vó ngựa đuổi nhau dồn dập trên đường bờ sông. Ngó cửa sổ, chàng thấy khoảng hơn hai mươi người vây bọc tấn công một nữ lang mà đường kiếm bắt đầu nao núng. Nhìn kỹ thì nữ lang ấy là Bế Nông Lan. Đường kiếm toàn thế thủ sang giai đoạn yếu kém, nàng phải giáp lưng vào tường, chống đỡ. Vừa lúc trăng bị mây che phủ, Quốc Đức từ cửa sổ nhảy xuống đường với chiếc roi da sở trường. Chàng hét lớn:
- Nông Lan đừng ngại, có anh trợ chiến !-
Dứt lời như tiếng lụa xé, cây roi da đầu có mũi sắt nhỏ sắc bén, làm mấy người bị thương. Họ dãn ra, Quốc Đức tới bên Nông Lan. Nỗi mừng khôn tả làm nàng tăng sức chiến đấu, đổi song kiếm sang thế công. Nàng và Quốc Đức đã quen bóng tối, đường kiếm trở nên rất nguy hiểm cho đối phương và ngọn roi như ánh chớp, trúng mấy người, nhưng họ không nao núng. Giai đoạn xáp lá cà, Quốc Đức không dùng roi, sử dụng cán roi, phần da bọc kim khí, thép rắn, kết quả phương pháp hợp kim của lão trượng Giang Thiên Cước. Cán roi làm gẫy cổ tay cầm kiếm của hai ba đối thủ, kiếm rơi xuống đất. Nhanh như chim cắt, Quốc Đức lượm một chiếc kiếm, cùng Nông Lan mở đường máu chạy sang khu rừng thông gần đấy. Năm sáu người bị thương lên ngựa đi mất, còn lại hùa nhau vây ngoài lề. Bọn họ dùng cung tên bắn như mưa …Quốc Đức và Nông Lan, nấp sau gốc thông, sau mỗi loạt tên của địch lại đổi gốc, cứ thế hai người lại tiến ra ngoài lề rừng. Hai người thực ý hợp tâm đầu trong cuộc chiến. Nhân lúc, cơn giông cuối mùa đe dọa, sấm chớp không ngừng, mỗi ánh chớp làm nổi bật bọn bao vây trên khung cảnh đen tối. Lan lấy cung tên. Đức ghé tai:
- Hiền muội không cần hạ sát.-
Nông Lan gật đầu. Quả nhiên nàng cũng là một cánh cung biệt tài. Cứ mỗi ánh chớp, một địch thủ trúng tên, ở vai, ở cánh tay hoặc ở hai chân …khi bao tên chỉ còn hai mũi, thì bọn ấy ra lệnh rút lui, họ giúp những người bị thương rồi chạy ra khỏi Đồng Du.
Vừa chạy ra khỏi khu rừng, hai người giật mình quay lại: đuốc hồng sáng rực, một võ sĩ chạy ra. Nông Lan và Quốc Đức sang thế thủ.
Người đầu đoàn đến trước Quốc Đức, vòng tay cúi chào. Thì ra là đầu bếp chặt gà.
Đầu bếp chặt gà:
- Tiểu đệ, họ Đoàn, tên Sĩ Tinh, được người ta đặt cho hiệu Song Kê Đao hiệp khách thừa lệnh su phụ cùng đồng môn đi giúp tôn huynh, nhưng chỉ được khinh động khi nào nguy cấp thực sự cho Bế Tôn Huynh và cô nương..vừa rồi, tiểu đệ và đồng môn khâm phục, không thấy hai người thẳng tay gây tổn mạng đối phương -
Quốc Đức và Nông Lan nghiêng mình cám ơn. Khi nghe ba tiếng Bế tôn huynh, Quốc Đức giật mình nhớ lại bí danh ghi trong sổ tân khách mà chính chàng đã quên. Liếc nhìn Nông Lan cực kỳ xinh đẹp dưới ánh đuốc, chàng tự thú cái tình thương mến đột khởi trong lòng từ hôm trước chỉ huy tiềm thức của chàng, nên đã dùng họ thiếu nữ sơn lâm làm bí danh.
Bắt đầu mưa nặng hột thì cả bọn vào sảnh đường Như Ý.
Nơi đây, nữ chủ nhân Thúy Hiên và quản trị trưởng Khắc Chung đón mọi người. Quốc Đức giới thiệu Bế Bồng Lan, xim thêm phòng trọ, không giải thích tại sao cô em gái lại lặn lội đêm khuya dặm trường.
Khắc Chung đoán ý Quốc Đức đi trước cấu hỏi của chàng:
- Chúng tôi biết đại "cán giáo" lần đầu qua đây, hẳn ngạc nhiên không thấy dân chúng Đồng Du can thiệp vào chuyện vừa rồi ?-
Đây, vùng tự trị, đã có giao ước, không can thiệp vào tranh chấp nội đạo. Nhưng sẽ dụ vào tranh chấp nếu Đạo gây án mạng trong địa phận Đồng Du hay Đạo va chạm tới một sợi tóc của người Đồng Du … Ngài là Đại giáo cán trung ương và lệnh muội không phải người Đồng Du, nên chúng tôi không can thiệp ngay. Tuy nhiên nếu bọn đại giáo cán gây án mạng ở đây, thì bọn ấy sẽ không thoát khỏi Đồng Du một người nào. Cách đây hai năm, một bọn năm sáu giáo chức đuổi theo một người tới đây, hạ sát người ấy ở đây, lập tức dân Đồng Du vây bắt, giết cả bọn. Vì vậy, lúc nãy, bọn họ mới cố bắt sống lệnh muội, nếu không lệnh muội đã bỏ mạng từ lâu …
Quốc Đức cám ơn, theo Khắc Chung lên lầu, mới nhận ra trong khi mình lâm trận, bầy tiên nữ đã được bố trí khắp nơi, cung tên sẵn sàng, chỉ chờ hiệu lệnh của sư phụ Thúy Hiên …Khắc Chung nhấn mạnh bọn nữ đồ đệ này là đoàn nữ thần cung Đồng Du, nếu gây án mạng, chắc chắn không còn ai sống sót. Đích của mũi tên, không phải trúng tay, chân như mũi tên của em gái chàng, mà sẽ chính hồng tâm thẳng tiến …
Thúy Hiên cùng nữ chiêu đãi Bùi Thuyên Thuyên đưa Nông Lan lên lầu hai, từng lầu dành riêng cho nữ lữ hành, gần phòng các nữ đồ đệ. Dưới ánh bạch lạp trong phòng, Nông Lan thực tươi đẹp duyên dáng quên hết mệt mỏi của cuộc đấu tranh vừa qua. Nữ chủ nhân Thúy Hiên ngỏ lời khen tặng:
- Bế tiểu thư quả là trang quốc sắc. Anh nào em nấy, đúng quá, tuy mỗi người một vẻ …nhưng hai anh em việc chi khẩn cấp ? Tại sao lại bị đồng đạo đuổi bắt ? -
Nông Lan không quen nghe khen tặng hai má đỏ hồng bẽn lẽn, thấy Thuyên Thuyên gọi bà là sư tẩu, nàng nói:
- Thưa sư tẩu, không biết anh em có việc gì, nhưng anh em đã truất phế đại giáo cán Lam hà, nên bọn thủ hạ của hắn, không yên phận, nên cố tình đuổi bắt em để trả thù -
Tiếp đó nàng kể qua chuyện phiên tòa nhân dân Thiện Lương. Nữ chủ nhân bắt đầu thiệt tâm cảm tình, còn Bùi Thuyên Thuyên, cô nữ chiêu đãi mãnh mai, có đôi mắt tròn to tinh nghịch, nghe chuyện, không nói gì. Bùi Thuyên Thuyên cùng bố mẹ và hai em bỏ Lam Hà, đến ngụ cư Đồng Du từ năm sáu năm nay, biết qua gia đình Bế Đức Hòa, và cô con một Bế Nông Lan... Nàng tủm tỉm, nghi ngờ dây liên lạc gia đình anh em ấy, nhưng lịch sự và cảm tình cho cô gái Thiện Lương, nên không lộ vẻ gì.
Thúy Hiên về phòng còn Thuyên Thuyên ở lại giúp Nông Lan thu xếp phòng.Thuyên Thuyên định cáo lui, thì Nông Lan nói:
- Em có câu chuyện khẩn cấp, chưa kịp nói với anh em, xin chị dẫn em xuống phòng anh -
Bấy giờ đã sang mão, Quốc Đức đang sửa soạn đi ngủ thì có tiếng gõ cửa.
- Em Nông Lan cùng chị Thuyên Thuyên muốn nói với anh một việc quan trọng.-
Chàng mở cửa, Nông Lan bước vào, theo sau là Thuyên Thuyên.
Quốc Đức vội thắp thêm hai ngọn bạch lạp, khơi to ngọn đèn dầu. Căn phòng sáng trưng, thì chàng nhận thấy Bùi Thuyên Thuyên đã rút lui và khép cửa phòng từ phút trước...
Một mình với giai nhân trong phòng riêng, chàng luống cuống, dù đã khêu đèn và thắp bạch lạp sáng trưng... không có ánh sáng nào cản trở nổi cám dỗ của tình yêu hay tình dục ? Cô Bùi Thuyên Thuyên với đôi mắt tròn sáng tinh nghịch ấy, lịch sự rút lui, đưa chàng vào tình trạng thử thách này ; giận Thuyên Thuyên thì cũng vô lý. Đang tìm cách xử trí, nói đúng hơn là cách đối phó, thì Nông Lan đến gần:
- Em phải nói cho anh tại sao em trở lại, tại sao em trái lời anh. Phong tục tập quán Thiện Lương không cho phép em trở lại, để mang cái nhục trước chị em, cái « nhục » của một thiếu nữ bị người yêu xua đuổi -
Quốc Đức ngắt lời:
- Giải thích của em không vững, chúng ta đường hoàng minh chính, không có chuyện tình duyên, làm gì có xua đuổi mà chúng ta đâu có dự định tương lai? Chúng ta chỉ mới gặp nhau hôm qua …Chính anh cũng cần phải giải thích vài điều … Thôi chúng ta xuống phòng khách tiếp tục -
Vừa nói vừa đi ra phía cửa. Nông Lan chạy theo, chặn cửa:
- Không, em không muốn xuống phòng khách, em muốn nói chuyện riêng với anh.-
Tiến thoái lưỡng nan, không lẽ dùng bạo lực mở cửa, Quốc Đức còn đang ngập ngừng Nông Lan tiếp:
- Theo phong tục Thiện Lương thì ít, nhưng theo lòng em thì nhiều, em đã quyết tâm theo anh, cha mẹ em cho phép, em đã nói với anh hồi chiều, anh chê em không xứng đáng, đuổi em về, em không thể về, quyết định lên đường phiêu lưu, thì..thì số trời, đang vòng nguy hiểm lại được anh cứu giúp -
Nông Lan, một mạch, đang nói thì Quốc Đức ngắt lời:
- Bế tiểu thư là một trang quốc sắc, lại tài ba xuất chùng, tôi là kẻ không may, gặp nàng quá muộn, đâu dám chê bai người ngọc, tiếc thay, tiếc thay kẻ hèn này đã vợ hiền nóng ruột chờ đợi ở nhà, tôi không có quyền phản bội nàng và Bế tiểu thư.-
Nghe nói người yêu đã có vợ, Nông Lan đột nhiên vô cùng thất vọng, đứng lên, không phản ứng. Quốc Đức lén sang sau lưng nàng, mở cửa, đi xuống sảnh đường. Nàng cũng đi theo như người máy.
Trong sảnh đường, đèn nến còn sáng tỏ, Trần Khắc Chung cùng nữ chủ nhân Thúy Hiên, trước một bình trà khói tỏa, đang chơi nốt ván cờ chắc bỏ dở hôm nào, còn gần đấy, rỉ rủm cười đùa, quanh một bàn ăn ba người: Chiêu đãi viên Đinh Hồng Hạnh, Bùi Thuyên Thuyên, và anh chàng hài hước, Song Kê Đao Trần Khắc Tinh, tức Đoàn Sĩ Tinh. Đồng Du ai cũng biết Song kê Đao, họ Trần, cháu của quản trị trưởng, bỏ Kẻ Chợ đến đây chỉ vì bị chính quyền niêm yết lùng bắt, tội cả gan đánh lại cảnh vệ thuộc phủ Trịnh, không phải vì hoạt động chính trị mà chỉ là trả thù việc tranh chấp một danh ca xinh đẹp phường Hồng Mai. Chàng ta lấy bí danh Đoàn Sĩ để chơi vui mà thôi. Không phàn nàn bị niêm yết lùng bắt mà chỉ tức tối vì họa sĩ vẽ mặt anh quá xấu xí trên niêm yết tầm nã…
Thấy hai người vào, Song Kê Đao đứng dậy, cười ha hả:
- Thì ra Bế tôn huynh cùng lệnh muội không chợp mắt, xin mời hai người đến bàn chúng tôi -
Quốc Đức ( Bế Quan Bình ) lễ phép khước từ, quay lại nữ chủ nhân và Trần quản trị:
- Xin phép hai vị cho chúng tôi có việc gia đình cần thảo luận, dùng sảnh đường một lúc.-
Hai người chọn một bàn góc phòng. Thuyên Thuyên mang trà đến, đôi mắt tròn tinh nghịch, trêu chọc.
Song Kê Đao nhìn Nông Lan không chớp mắt, như nguời mất hồn. Đinh Hồng Hạnh thấy thế, giả vờ lỡ tay, gạt đổ chén nước trà nóng vào đùi anh chàng si tình. Song Kê Đao giật mình suýt soa, rũ nước nóng, hiểu ý, xin lỗi.Trần quản trị và Lê nữ chủ chăm chú bàn cờ.
Tới phút này, Nông Lan đã lấy lại bình tĩnh, lại thêm ngạc nhiên, chánh giáo cán cũng họ Bế như mình … mọi người gọi chàng là Bế tôn huynh !…
Nông Lan:
- Anh là Chánh giáo thì chị là người của đạo gả cho … hay chính anh chọn lấy ? Chánh giáo Lam Hà bị anh truất phế cũng đã có vợ Đạo gả, nhưng anh ta bỏ lửng ở vùng nào không biết, cứ theo đuổi em mãi -
- Không, chị em không phải Đạo cho, mà chính anh say mê xin cưới, Chị đang có mang, nhưng công vụ cần, anh phải ra đi.-
Nông Lan:
- Thật em không may về đường duyên số …thôi đành số phận. Anh cũng họ như em, em xin làm em gái như anh đã nói hôm qua. Em đi theo anh, tới khi anh đuổi em đi nơi khác, còn về Thiện Lương thì nhất định không thể được.-
Quốc Đức gật đầu, trìu mến. Nông Lan quay mặt kín đáo chùi hàng lệ tuôn rơi …
Quốc Đức nhờ Thuyên Thuyên đưa Nông Lan về phòng, còn chàng nán lại vài phút nói đùa với Song Kê Đao hiệp khách, rồi cũng cáo từ về phòng, nửa hài lòng, nửa tiếc cơ hội vừa qua.
Sáng hôm sau từ biệt mọi người lên đường thì Nông Lan ở sân. Song Kê Đao hiệp khách đang giúp nàng thắng yên cương và treo hành lý.
Không biết ngày khác, anh chàng có dậy sớm thế không ? Quốc Đức quay lại trìu mến nhìn Bế tiểu thư, định tâm tiện dịp nào sẽ chia tay.
Y hẹn với lão họa sĩ, Quốc Đức rẽ cương qua Thủy Liên trang, tư gia họa sĩ ở đầu tỉnh. Đường nhỏ qua một rừng trúc mình vàng, trúc hóa long, cực kỳ ngoạn mục. Không mưa và lặng gió mà lại nghe lá rụng ào ào. Song Kê hiệp khách đang tập luyện võ, song đao bay lượn như ánh chớp, những cành trúc là là mặt đất đều bị chặt đứt, lá trúc tung bốn phía thành trận mưa xanh … Quốc Đức biết anh chàng nhân khi Nông Lan và mình chuẩn bị lên đường, đã đến đây, để nhìn người đẹp lần nữa. Song Kê Đao ngừng tập, ra giữa đường vòng tay cúi chào:
- Chúc Bế tôn huynh và lệnh muội thượng lộ bình an.-
Song Kê Đao ngỏ ý muốn đi theo hai người, Quốc Đức từ chối, khất đến lượt về quyết định. Song Kê Đao thất vọng nhưng không nài nỉ.
Mặt trời chưa ló qua đỉnh núi mà lão trượng đã ngồi dùng trà dưới hàng hiên.
La lão trượng xuống thềm đón. Quốc Đức cúi chào, còn Thiết Túc chạy ra bụi tre ăn lá nõn. Nông Lan dắt ngựa đến trước lão trượng, vòng tay ngước mắt lễ phép, không cúi đầu lim dim con mắt như các thiếu nữ khác:
- Tiện nữ Nông Lan, họ Bế xin bái yết lão bá.-
Con ngựa của nàng dắt dây cương, bắt chước cô chủ, hơi khuỳnh hai chân trước, vừa lúc mặt trời gửi vài tia nắng sớm, mái tóc Nông Lan dệt chỉ vàng, đôi mắt sáng ngời, đôi hàng răng ngọc, bức tranh mỹ nhân tuyệt trần trong nắng sớm. La lão trưọng vội vàng bảo Nông Lan đứng yên như thế, vào nhà lấy bút nghiên, phác họa bức tranh ấy.
Nông Lan ngẫu nhiên làm người mẫu trong bức hoạ nổi tiếng sau này: « thiếu nữ sơn lâm chào nắng sớm ». Bức họa ấy, La lão trượng hoàn thành theo trí nhó, sau ba tháng cần cù vẽ sửa.
Lão trượng biết hai anh em không có nhiều thì giờ nên chỉ dẫn coi những bức họa treo trong các phòng, và tranh dài cả bức tường tám thước bề cao gần hai thước, vẽ trên lụa Dương Châu.Thực là một kỳ họa:mười mấy tiên nữ Như Ý Đài, dáng điệu, dung nhan cử chỉ, tất cả cực kỳ linh động, màu sắc êm dịu, chọn lọc …
Lần đầu tiên, Quốc Đức chiêm ngưỡng một tác phẩm lớn như vậy. Bên Trung Hoa, chàng biết có bức tranh lụa vẽ Dương Tử Giang từ nguồn đến bể, chưng vẽ trên tấm lụa, cuộn lại, không thể treo như bức tranh này.
Lão trượng nói hứa tặng Nhu Ý Đài khi quán này xây sảnh đường mới.