watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thương Giang Diễm Sử-Chương 42. - tác giả TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm) TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

Chương 42.

Tác giả: TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

42. Đọc Phong Liên gửi thơ khiêu khích,
Thôn Vị An, mắc nạn Lương Trinh.



M ột buổi tối, sau bữa cơm chiều, Phong Liên gõ cửa phòng Duyên An. Nguyên Thái mở cửa. Phong Liên tiến thẳng vào phòng, ngồi cạnh án thư:


- Em có một bài thơ, muốn hỏi ý kiến công tử - nàng ngập ngừng rồi nói thêm - muốn hỏi Trần quân ý kiến và mong vài lời chỉ giáo! -
Nguyên Thái lễ phép:


- Tôi không thông thạo thi luật, nhưng cũng có thể góp ý kiến cùng tiểu thư, nhưng đề nghị chúng ta xuống sảnh đường. -


Phong Liên:


- Nhưng em muốn hỏi riêng, hỏi riêng Trần quân. Thân phụ em rất tin em, cho phép em là một học trò riêng của Trần quân. Em biết là ngày mai Trần quân bắt đầu nhận chức ở trường học. -


Dứt lời, Phong Liên ra cửa khóa lại, rút chìa khóa, treo bên thắt lưng. Trước thái độ bất ngờ của Phong Liên, Nguyên Thái mất phản ứng, đang ấp úng thì Phong Liên khêu ngọn đèn sáng tỏ, rồi đưa cho Nguyên Thái một tờ hoa tiên có ghi một bài thơ chữ nôm.


Không làm sao khác được Nguyên Thái cầm tờ hoa tiên:


- Xin cô nương để lại thơ này, chúng ta sẽ bàn luận ngày mai. Cô nương trả tôi chìa khóa. -


Phong Liên cặp mắt sáng ngời, dịu dàng van xin:


- Em nhất định xin Trần quân đọc bài thơ, xong rồi em xin cáo từ. -


Nguyên Thái hàng phục, giọng hơi rung động:


Bướm hoa hồ Thanh Bích
Duyên nợ mơ màng chuyện nhớ thương
Trời xui gặp gỡ, gác đài gương
Em mong hoa nọ phong nhị kín
Xin bướm ong kia giữ ngọc sương
Theo nắng cánh nhung đùa gió sớm
Anh đào nhị thắm đã tơ vương
Trọn đời vương vấn theo cánh biếc
Kiếp kiếp hoa này đợi nhớ thương
Vị An thôn nữ Phong Liên cảm đề.



Nguyên Thái giật mình. Nét bút bay bướm mà bài htơ cũng không kém bay bướm, gọi tình, tự tay một co gái táo bạo làm ra. Chàng lại thêm giật mình lần nữa, đỏ bừng đôi má khi đọc lời gửi gấm trong bai thơ giấu ở mấy từ đầu câu:


« Duyên trời em xin theo anh trọn kiếp! »


Nhanh trí khôn, Nguyên Thái làm như chưa hiểu, dùng kế hoãn binh:


- Thực bái phục thi tài cô nương. Xin giữ bài thơ này, đêm nay đọc lại nhiều lần để hiểu hết thi ý. Nếu cô nương ở đây, tôi không tài nào thấu nhận ý nghĩa. Chúng ta sẽ bàn luận đêm mai nhé! -


Phong Liên trúng kế, cúi đầu, nghiêng mình duyên dáng cáo từ, sau khi trả lại chìa khóa.


Một mình trong phòng Duyên An, còn tràn ngập hương thơm đặc biệt của da dẻ Phong Liên, Nguyên Thái quên hẳn bài thơ, cơ thể rạo rực, nghĩ rằng nếu Phong Liên còn ở đây thì giờ phút này chàng cũng mặc cho Con Tạo xoay vần! Đã định như vậy mà!


Sau cùng tâm thần mệt mỏi, chàng chợp mắt, chìm vào giấc mộng mơ hỗn độn của nhục dục tội lỗi và trừng phạt của lương tâm.


Bừng tỉnh khoảng giữa giờ Dần, Nguyên Thái hoảng hốt tưởng có chuyện gì đã xảy ra thực sự, chàng kiểm tra cửa khóa xong rồi yên trí suy tư. Một niềm thương mến khác thường đột khởi trong con tim dành cho Phong Liên, nhưng chàng cố tìm cách để thoát khỏi cái vòng phong tỏa của nàng.


Rồi lần đầu tiên, chàng đã làm một việc lén lút, không đường hoàng minh chính. Chàng thu xếp hành lý, sáng sơm xuống đường lên thẳng chùa Chiêm Tinh, thú thực với sư cụ vì sao đã lén lút bỏ quán Toàn An. Sư cụ mỉm cười:


- Con có tâm phật nhưng cơ thể còn nặng nợ đường đời. Tu hành không phải là số mệnh của con. -


Sư cụ còn nói nhiều nữa, nhưng Nguyên Thái chỉ nghe nửa tai.


Vô cùng hối hận về thái độ lén lút bất lịch sự của mình, sau buổi học, Nguyên Thái về quán trọ Toàn An, xin lỗi Trần chủ quán. Trần chủ quán trả lời đâu có gì quan trọng. Nguyên Thái đang thanh toán tiền trọ thì Phong Liên đi qua quầy, không một ánh nhìn cho Nguyên Thái.
Sáng nay, Phong Liên hiểu ngay thái độ của chàng, khi thấy vắng mặt ở bàn điểm tâm; rồi lên phòng Duyên An thấy không có vết dấu hành lý. Tự ái bừng dậy, Phong Liên giận lắm sau khi dòng lệ trào dâng làm đỏ hoe đôi mắt.


Nếu Nguyên Thái đến trước nàng xin lỗi, chắc hẳn nàng tha thứ ngay, nhưng Nguyên Thái chỉ cáo từ Trần chủ nhân rồi quay gót. Thế là chàng đã có một kẻ thù ở Vị An. Thực là phức tạp. Thương và thù thường hay đi đôi. Phong Liên thương mến chàng trai, nhưng cũng thâm thù chàng đã « khinh rẻ » nàng.


Thế rồi Phong Liên và Nguyên Thái không gặp nhau nữa, vì phong tục nghiêm khắc ở Vị An, con gái chưa chồng không được phép ra khỏi nhà như các vùng khác.


Gặp lại nàng trong một trường hợp bất ngờ mấy tháng sau, khi Nguyên Thái vô tình bước vào một việc sóng cồn cát đổ, bão táp phong ba.


Thắm thoát thế là hơn năm tháng trời sống ở Vị An, đã làm được hai việc ích lợi cho thiên hạ, một về văn học và một về kinh tế. Xã trưởng Hoàng Vĩnh Đạo tỏ vẻ mến trọng và hưởng ứng cho nên công việc mới dễ dàng.


Về văn học, chỉ là việc dùng chữ Quốc ngữ mới mà chính chàng đã tự động trau dồi trong nhiều quãng thì giờ nghỉ ngơi trên đường viễn du. Ngày mãn khóa tập đọc của lớp thí nghiệm do Nguyên Thái phụ trách, xã trưởng cho hội đồng hương chính, cùng thân phụ các học sinh tình nguyện chứng kiến kết quả. Mười nam học sinh tình nguyện, từ năm đến mười tuổi, lần lượt đọc vài trang cuốn sách nôm chọn trong tủ sách nhà trường, mà Nguyên Thái đã viết lại toàn vẹn bằng Quốc ngữ mời liền hai ngày, hai đêm.


Cử tọa ngạc nhiên thích thú. Duy có chủ tịch hội đồng hương chính, một lão trượng râu toc trắng tuyết, Tôn Vĩnh Bạt phản đối:


- Kết quả tốt nhưng rất tiếc, chữ của người Thái Tây, dùng ở nước ta sao tiện…không xứng đáng bằng chữ của thánh Hiền -


Nguyên Thái lễ phép:


- Thưa lão trượng, cháu thiết tưởng…-


Chàng ngừng nói, vì Lão trượng chủ tịch không để ý đến chàng, quay lại bàn tàn ồn ào với các tộc biểu.


Nguyên Thái không dự vào cuộc bàn cãi, nhưng hy vọng rất nhiều ở xã trưởng, công cuộc cải tổ sẽ tiếp tục sau này.


Việc thứ hai, nhân tiện có thợ mộc giỏi trong xã, lại gần rừng gỗ quý, Nguyên Thái vẽ kiểu đóng đồ. Mười bộ bàn ghế làm ra trong thời kỳ thí nghiệm mang về Kẻ Chợ, một buổi sáng bán hết. Cho là một thành công đáng kể, hiện thời xưởng thợ mộc Vị An tiếp tục sản xuất kiểu bàn ghế ấy. Thêm thợ học việc. Tổ chức dây chuyền: Một bọn chuyên môn làm phụ tùng theo mẫu mực kích thước không sai nhau li tấc, ráp lại nhanh chóng nên mực độ sản xuất tăng cao.


Nguyên Thái ngừng lại ở Vị An, là nơi chàng chọn làm môi trường thí nghiệm. Nhiều lần định trở lại quán Toàn An mà không dám. Thực ra biết ăn nói thế nào với Phong Liên, chưa tìm ra mưu kế để cự tuyệt êm dịu. Thái độ lừng khừng của đời sống tâm tình. Còn ở ngoài đời sao mà chàng trai cương quyết dứt khoát thế? Đời sống tâm tình quả nhiên không dứt khoát. Chàng trai muốn tránh né Phong Liên, tại sao lại ở nơi đây hơn năm tháng? Chúng ta nên quảng đại, nếu phân tách tâm lý chàng trai. Đó là một trí khôn xuất chúng. Một trí khôn xuất chúng ràng buộc trong một cơ thể trong sạch khoẻ mạnh. Đối với tất cả phụ nữ gặp trên đường, chàng đều có cảm tình.Cái cảm tình ấy không có gì phức tạp và phản thiên nhiên. Chúng ta không nên quên cái đòi hỏi sinh lý bị kìm hãm trong luật lệ của xã hội. Cái thành trì « luân lý » của Nguyên Thái cũng rất dễ đổ vỡ. Hai nàng táo bạo nhất trong cuộc chiếm đóng thành trì Nguyên Thái là La Cúc Xuyên trước đây, và hiện thời nàng Phong Liên. Bài thơ của Phong Liên chưa trả lời. Đã đành từ khước, nhưng trả lời làm sao? Nguyên Thái chưa hề có một lời lẽ nào bạo tàn, trịch thượng trước các mỹ nhân. Mỹ nhân? Đối với Nguyên Thái, ai cũng là mỹ nhân, mỗi người một vẻ. Chàng phê bình ai nói một phụ nữ xấu…thì chỉ vì người đó không biết nhìn mà thôi.



Sư nữ Lương Trinh


Nhắc lại, Nguyên Thái dùng Vị An làm môi trường thí nghiệm, kết quả sẽ một đầu đề hay một dự án cho Trấn Bắc.Xã trưởng tiếp tục đường lối kinh tài, Thái có thể ra đi...


Sáng nay sửa soạn lên đường. Đêm qua đã chào xã trưởng và tất cả những ai cộng tác cùng chàng, cũng đêm qua hàn huyên cùng dư cụ Chiêm Tinh. Từ bốn giờ sáng tiếng mõ của sư cụ đều đều vàng xa tới bên kia sườn núi. Sư cụ ngủ rất ít. Thường thường bốn giờ sáng đã tụng kinh…đến sáu giờ sáng chống gậy trúc đi xuống tới vườn chè rồi lại trở về. Lúc ấy mới dùng điểm tâm.


Nguyên Thái đã thuộc thời khắc biểu của Sư cụ Chiêm Tinh, cho nên chàng đã bái biệt sư cụ đêm qua. Sáng nay, năm giờ chàng rời chùa. Chàng không dám làm rộn Sư cụ trong giờ tụng niệm.


Khi tới vườn chè, đột nhiên nghe tiếng vó ngựa dập dồn. Như thường lệ, Nguyên Thái sẵn sàng đề phòng. Cố lắng tai. Tiếng vó của nhiều ngựa. Một điểm bất thường ở nơi đây, vào giờ này. Lại thêm trái với thường lệ, ở chùa Vạn Đức có tiếng huyên náo vọng lên.


Vài phút sau, Hoàng xã trưởng và hai cảnh vệ, người ngựa hiện ra trước mắt: xã trưởng và hai cảnh vệ ghìm cương.


Xã trưởng không xuống ngựa, nói:


-Trần hiền điệt!, Hiền điệt không được rời Vị An. Có việc vừa xẩy ra liên can đến thanh danh của hiền điệt và luật lệ xã này. Hội đồng hương chính và tộc biểu hợp đêm qua ra lệnh phải giam giữ hiền điệt.-


- Thưa Thúc Thúc, cháu có tội gì? -


Xã trưởng:


- Một tội, đối với xã Vị An rất nặng. Hiền điệt đã phạm tội phá hoại thuần phong mỹ tục của Vị An -


Nguyên Thái lấy lại được bình tĩnh:


- …Thưa thúc thúc, cháu chắc chắn là chưa hề phạm tội..dù rất nhỏ đối với xã Vị An…Nếu chú muốn nói về chuyện cô nương Trần Phong Liên…cháu xin lấy danh dự, cháu không hề phạm lỗi…vả lại đã năm tháng rồi, cháu không trở lại quán Toàn An…Nếu Trần cô nương kiện cháu về tội gì…cháu xin sẵn sàng thanh minh trước hội đồng! -


Xã trưởng:


- …Tôi không hề hay biết chuyện này. Phong Liên không có kiện tụng gì hiền điệt…Nay tự hiền điệt nói ra thì tôi bắt buộc phải ghi Phong Liên vào danh sách các nhân chứng.-


Nguyên Thái:


- Chỉ có chuyện ấy cháu không tiện nói ra. Dầu sao cháu cũng có bổn phận bảo vệ thanh danh của Trần cô nương. Nếu chú cho cháu biết chuyện gì khác, và xin chú đừng gọi Trần cô nương làm nhân chứng.-


Xã trưởng quay lại cảnh vệ rồi nói:


- Muộn rồi, hiền điệt, hiền điệt đã nói đến Phong Liên trước hai cộng sự của tôi. Thì ra hiền điệt không biết chuyện gì? Thực là hiền điệt không biết, phải không?-


Nguyên Thái nhìn thẳng vào xã trưởng:


- Thưa thúc thúc, cháu có thể tự hào là từ nhỏ đến nay, lúc nào cũng đường hoàng minh chính! quả thực, cháu không biết chuyện gì! -


Xã trưởng xuống ngựa, trong khi hai cảnh vệ cũng xuống ngựa. Cả ba buộc ngựa vào hàng rào, kể cả con ngựa thứ tư không người cưỡi dắt theo. Hai cảnh vệ đứng hai bên xã trưởng, tay trên chuôi kiếm sẵn sàng.


Xã trưởng dịu giọng:


- Tôi biết lắm, những phút sa ngã đến rất bất ngờ, với tất cả mọi người, kể cả những kẻ đàng hoàng minh chính như hiền điệt nói. Theo tôi, tội này có phương pháp cứu chữa để thuần phong mỹ tục được toàn vẹn. Gần trăm năm rồi, Vị An chưa hề xảy ra chuyện đáng tiếc như ngày nay. -


Nguyên Thái bắt đầu mất kiên nhẫn, giọng hơi bực tức, nhưng vẫn lễ phép:


- Thưa thúc thúc, quả thật cháu không biết chuyện gì. Nếu thúc thúc không nói, cháu xin phạm tội vô lễ với thúc thúc, cháu tiếp tục đường đi. Mà cháu sẽ chống lại, và phá tan những cản trở trên đường! -


- Tạm tin là hiền điệt không biết chuyện, hay nói đúng chưa biết chuyện. Hỏi hiền điệt có biết ni cô Lương Trinh ở chùa Vạn Đức? -


Nguyên Thái:


- Cháu biết ni cô Lương Trinh. Ni cô cổ kim uyên bác. Cháu có mấy dịp thảo luận văn chương, triết lý ở Hồng Thạch Trụ và lại được chơi cờ với ni cô. Ni cô rất cao cờ. Vì là tu hành không dự những giải cờ ở Vị An. Cháu có thể nói, nếu ni cô được dự, chắc hẳn giật giải quán quân…Ni cô Lương Trinh làm gì nên tội? Hay xẩy ra chuyện gì cho ni cô? -


Xã trưởng:


- Không, người ta đã cứu được ni cô Lương Trinh…và…và đứa con gái mới sinh! -


Nguyên Thái giật mình:


- Sao lại như vậy? Cháu không để ý. Không thấy chuyện gì khác thường mỗi khi gặp ni cô trên đường từ vườn chè đến Hồng Thạch Trụ, nơi có bàn đá hoa, khách bộ hành, khách thập phương ngừng chân, ngắm phong cảnh Vị An. Như vậy có liên lạc gì đến cháu! -


Xã trưởng:


- Chính vì cái nghi ngờ có liên lạc giữa cháu với ni cô Lương Trinh nên Hội Đồng mới ra lệnh bắt hiền điệt. -


Nguyên Thái:


- Cháu không có trách nhiệm gì về việc này. Chú cho phép cháu lên đường, xin chú thanh minh hộ cháu. -


Xã trưởng:


- Không được. Người quân tử đường hoàng minh chính không nên lén lút bỏ đi. Cháu hãy tự mình thanh minh trước hội đồng. Tôi bắt buộc phải đưa cháu về tạm giữ ở công quán. Có dẫn theo ngựa. Vậy cháu lên ngựa về công quán cùng chúng tôi. Người ta nghi hiền điệt và ni cô Lương Trinh…-


Nguyên Thái:


- Nếu thế thì, cháu lấy danh dự không bỏ Vị An đi nơi khác, chỉ xin thúc thúc cho phép cháu ở lại Chiêm Tinh Tự. Cháu xin nộp võ khí và tự cho là tù nhân của Vị An, cho tới khi thanh minh câu chuyện! -


Dứt lời, Nguyên Thái hai tay dâng xã trưởng bảo kiếm. xã trưởng đỡ lấy nhưng trả lại Nguyên Thái:


- Đáng lẽ việc này, chánh cảnh vệ phải dẫn thủ hạ đến bắt hiền điệt, nhưng tôi nửa tin nửa ngờ nên đích thân lên đây, sợ rằng chánh cảnh vệ lỗ mãng gây chuyện đáng tiếc. Tôi nhận lời hứa danh dự của hiền điệt. Hiền điệt cứ ở lại Chiêm Tinh Tự. Tôi về tường trình hội đồng ngay. -


Nguyên Thái:


- Xin cám ơn thúc thúc. Nhưng câu chuyện xảy ra thế nào? -


Xã trưởng:


- Khoảng mười giờ đêm qua, trên đường xuống bến thuyền xuôi Kẻ Chợ, người ta thấy một thiếu phụ nằm lăn bất tỉnh bên vệ cỏ. Đến cấp cứu thì thiếu phụ trở dạ đẻ một con gái. Sau khi đỡ đẻ, họ nhận ra Ni cô Lương Trinh. Cả vị An được tin xôn xao bàn tán lo lắng. Việc này rất quan trọng đối với Vị An. Hội Đồng hương chính tộc biểu họp ngay để điều tra. Nhiều nhân chứng khai họ trông thấy hiền điệt và ni cô nhiều lần ở Hồng Thạch Trụ. Đối với Vị An, ni cô Lương Trinh là dâm phụ, lại thêm là nhà tu hành tội nặng gấp bội. Theo lệ làng từ mấy trăm năm rồi. Có lời thề của bà Thần Hoàng làng nếu có con gái không chồng mà chửa hoang không tìm ra gian phu, thì làng phải chịu nhiều tai hoạ…Trái lại tìm ra gian phu, nếu đôi bên hối lỗi ăn năn thì hội đồng hương chính cùng tộc biểu có thể tìm ra giải pháp ổn thoả và làng sẽ tránh được những tai ương không thể đo lường trước. Đã gần trăm năm không xảy ra chuyện gì. Nay chuyện này lại là một ni cô, cho nên qua tầm quan trọng. Nói rõ để cháu hiểu tình hình. Nếu cháu bỏ trốn thì tôi phải trách nhiệm với Hội đồng. -


Nguyên Thái đến trước Hoàng xã trưởng nhìn thẳng:


- Nguyên Thái tôi không bao giờ hèn nhát bỏ trốn, nếu Nguyên Thái tôi làm nên tội. Nguyên Thái tôi vô tội, việc gì phải trốn chạy nơi nào? Xin thúc thúc cứ yên tâm, tiếp tục cuộc điều tra. -


Xã trưởng cùng hai cảnh vệ trở lại Vị An, còn Nguyên Thái về Chùa yết kiến sự cụ Hòa Tín, vừa đi tản bộ về. Nghe chuyện, sư cụ ngạc nhiên. Sư cụ nói sư bà Vạn Đức rất nghiêm khắc, làm sao lại có chuyện này. Và sự cụ phủ dụ Nguyên Thái. Năm tháng sống ở chùa, sư cụ không tin là Nguyên Thái đã làm nên tội. Nguyên Thái cám ơn sư cụ, nhưng bắt đầu không yên tâm. Định đi điều tra lấy nhưng ở tình thế bị can, khó lòng tìm ra manh mối.


Hai ngày liền, Nguyên Thái không ra khỏi chùa.


Sáng sớm ngày thứ ba, hai cảnh vệ lên Chiêm Tinh đòi chàng ra mắt hội đồng. Đó là phiên xử công khai. Dân chúng đông nghịt ở sân công quán, bên cạnh đình làng. Theo như tục lệ. Chánh án Tôn Vĩnh Bạt tiên chỉ, chánh tộc biểu, vẻ mặt nghiêm nghị, ngồi giữa, còn chia ra hai bên hội viên hương chính, tộc biểu ba chục người đầy đủ, sau một bàn dài, đặt trên bục cao. Dân chúng, có kẻ mặt đỏ bừng bừng, tức giận, muốn trừng phạt thật nặng những kẻ làm càn. Nhất là tiên chỉ Tôn Vĩnh Bạt là người sẵn sàng lên án, không cần phải nghe nhân chứng. Không khí tôn nghiêm bao trùm. Dân làng vừa dự một buổi tế lễ long trọng, ở Đình, trước khi sang công quán. Họ khấn vái, hứa với thần hoàng làng sẽ trừng phạt xứng đáng những kẻ có tội. Lại thêm bố trí quân sự, canh phòng cẩn mật. Nguyên Thái đưa mắt quan sát: Ni cô Lương trinh ngồi giữa bốn cảnh vệ, bên cạnh có nôi mây của đứa nhỏ mới sinh. Đằng sau Nguyên Thái, sáu cảnh vệ sẵn sàng can thiệp. Đặc biệt, bọn này có ba khẩu súng, kiểu tối tân như súng Mãn Thanh.


Nghĩ thầm, trong tình trạng này, biết rằng có thể tự cứu mình, nhưng không đủ sức che chở cho ni cô Lương Trinh và đứa con. Nghe đồn, nếu không tìm ra gian phu thì tội ni cô phải chịu. Hình phạt dã man, nhưng làm sao được? Đó là luật làng Vị An. Án sẽ thi hành ngay sau khi tuyên án. Ni cô sẽ bị xử giảo, còn đứa nhỏ sẽ để ở trong nôi, rồi thả theo dòng sông. Dân làng không được ai đón nhận.


Nhiều tộc biểu đỏ bừng hơi men, vì tuần rượu trong phiên tế lễ vừa rồi. Tình thế khẩn trương. Về phần Nguyên Thái, đủ bằng chứng tỏ mình vô tội. Hai bức thư nhận được hai ngày vừa qua, còn nguyên trong túi sẽ chứng tỏ thanh danh của chàng. Nay chàng chỉ còn tính mưu kế cứu mẹ con ni cô.


Định rằng khi cần, sẽ phi thân đến Tôn Vĩnh Bạt, kề gươm vào cổ, bắt bọn cảnh vệ thả ni cô và đứa con. Nếu không sẽ giết tiên chỉ. Đó chỉ là doạ nạt mà thôi. Thành công không chắc một phần nhỏ nào! Tinh thần nghĩa hiệp ở nơi đây, là võ lực hay mưu kế? Chưa biết? Chờ thời cơ.
Sáng nay, từ Chiêm Tinh Tự xuống Vị An, có nhiều thì giờ suy nghĩ, và nhớ đến trường hợp gặp ni cô Lương Trinh mấy tháng trước đây.


Chiều ấy, trên đường từ Vị An lên chùa, Nguyên Thái chậm rải. Nắng vàng như ngừng lại để chiều lòng người mến cảnh. Khi đi khỏi chùa Vạn Đức, tới khúc đường dốc, chợt thấy lưng chừng một ni cô cố sức gánh đôi thùng gỗ đầy nước, chắc là vừa múc ở giếng Thùy Dương. Đôi thùng nước quá nặng, ni cô bỗng nhiên ngã xuống đất, cố bám vào một cành cây bên đường, thành ra không lăn xuống cuối dốc như hai thùng nước. Nguyên Thái vội chạy nhanh tới thì vừa lúc ni cô bỏ cành cây lăn xuống bất tỉnh. Nguyên Thái vừa kịp đón đỡ, để ni cô nằm xuống vệ đường. Chẩn mạch, lúc mạnh lúc yếu bất thường. Thần sắc xanh tái. Nguyên Thái nhìn quanh không thấy ai qua lại, đành chạy xuống giếng, dấp khăn ướt, đắp vào trán ni cô. Hơi lạnh của nước làm ni cô hồi tỉnh.


Nhìn thấy chàng trai, ni cô cố ngồi dậy chắp tay:


- Nam mô A di đà Phật, xin cám ơn chư vị thập phương. -


Nguyên Thái:


- Chỉ có mình tôi vừa đến khi sư cô ngã lăn bất tỉnh. -


Ni cô như không nghe thấy câu trả lời, vẫn tiếp tục: « chư vị thập phượng ». !-


Chợt ni cô hốt hoảng kiểm tra túi vải đeo bên. Lấy ra hai cuốn sách, một cuốn kinh, và một tập vở cùng bút nghiên. Ni cô nói:


- May quá không bị ướt, xin cám ơn quý vị thập phương! -


Nguyên Thái tỏ vẻ ngạc nhiên thì sư cô tiếp:


- Tôi nghiên cứu kinh sách, muốn dịch ra tiếng ta, để mọi người hiểu thấu mỗi khi tụng niệm, dùng mãi chữ Phạn, thì một số người hiểu được mà thôi -


Ni cô định giải thích thêm nhưng Nguyên Thaí khuyên ni cô ngồi yên tại chỗ, chờ hồi sức rồi bái biệt..


Ni cô đứng dậy chắp tay chào, rồi cứ xuống dốc, nhặt dôi thùng, múc đầy nước, cho vào quang gánh lại bắt đầu lên dốc, mệt nhọc từng bực đá.


Khoảng chừng mươi bước, ni cô mệt quá lại dựa vào gốc cây. Thấy thế, Nguyên Thái vội ngược lên dốc. Tới nơi ni cô, Nguyên Thái, nâng gánh nước. Ni cô vội vàng:


- Xin cám ơn « chư vị thập phương », bần ni khổ ải đã quen. -


Nguyên Thái làm như không nghe tiếng, nhắc gánh nước bước nhanh đặt lên trên đầu dốc, lại như vụng dạị, để mất mỗi thùng một ít nước. Cố tình để ni cô gành nhẹ về chùa. Khi trở lại ngang ni cô. Ni cô chắp tay cúi đầu, ngước đôi mắt lệ trào.


Nguyên Thái rảo bước lên Chiêm Tinh Tự, vào phòng trai, lấy bút nghiên, họa « ni cô gánh nước dốc cao » với một mối sầu man mác trong trí óc. Bỗng giật mình, tại sao lại vẽ ni cô vào hàng các mỹ nhân gặp trên đường đi. Ni cô tuy xinh đẹp, cũng xinh đẹp. Nhưng đã « ở ngoài đời » rồi…Định xoá đi nhưng lại thôi, giữ bức họa, và Nguyên Thái đề thêm bốn câu thơ:


Đoá sen nặng nợ đường trần
Nước non một gánh chia phần với ai
Sớm hôm quỳ dưới Phật đài
Dốc cao khổ hạnh, luân hồi gánh mang.
Đó là lúc gặp ni cô lần đầu.


Hôm nay, nghĩ lại mới hiểu ni cô lúc đó có mang, mà đến lượt mình quẩy nước, vẫn đi làm nhiệm vụ. Còn mấy lần sau, cũng chỉ tình cờ, không cố ý.


Một hôm, khi tới Hồng Thạch Trụ, nơi có bàn đá, lưng chừng đèo, thấy ni cô ngồi viết. Còn hai ni cô khác ngồi ghế đá nhìn xuống Vị An. Chàng lại gần, chắp tay:


- Thưa ni cô, ni cô đã hồi phục? -


Ni cô:


- Cám ơn chư vị thập phương, bần ni ơn trời phật, được bình thường, con tráng sĩ ra sao? -


Nguyên Thái nhận thấy lần đầu tiên không dùng danh từ thập phương, lại gọi mình là tráng sĩ. Chàng nói:


- Cám ơn ni cô. Lại xin hỏi ni cô, dịch kinh Phạn ra tiếng ta, nhưng dùng chữ nôm…hay…-


Ni cô:


- Hiểu ý tráng sĩ, hiện thời tôi dùng Nôm. Biết rằng Nôm khó gấp đôi, vì muốn đọc được Nôm phải biết qua Hán. Lớp Quốc ngữ mới bắt đầu ở Vị An…tôi muốn xuống học, nhưng không có quyền. Nghe đâu hội đồng tộc biểu Vị An không bằng lòng Quốc ngữ mới lắm, vì nể xã trưởng nên tráng sĩ được mở lớp thí nghiệm, tôi quan tâm đến phân biệt Đông Tây. Chữ Phạn từ tây Tạng và Ấn Độ tới…vậy Quốc ngữ mới từ Thái Tây đến có sao? Vả lại đạo Gia Tô dùng Quốc ngữ mới, nên những người theo đạo Gia Tô chóng biết đọc biết viết…-


Nguyên Thái không ngờ ni cô Lương Trinh cởi mở, một thôi không ngừng, như thuyết khách. Chàng rất sung sướng có đồng minh. Cho nên mấy lần gặp nhau ở Hồng Thạch Trụ, chàng cùng ni cô Lương Trinh và mấy ni cô khác nghiên cứu Quốc ngữ mới. Có thế thôi. Không có lần nào gặp riêng ni cô Lương Trinh. Vả lại cuộc thảo luận Quốc ngữ cùng mấy ni cô chỉ là việc « nhĩ mục quan chiêm », người qua lại Hồng Thạch Trụ rất đông.


Không hiểu ni cô. Lương Trinh có mang với ai, mà tính ra thì khi Nguyên Thái đến Vị An, ni cô đã có thai được bốn tháng rồi. Vậy thì làm sao đổ cho Nguyên Thái. Vô cùng e ngại. Kinh nghiệm từ vụ án Thiện Thành cho biết là dân chúng dễ bị mê hoặc di vào kết tội mù quáng. Đang lo ngại thì đêm qua nhận được một bức thư của ni cô Lương Trinh, do một chú tiểu mang đến phòng trai.


Đây là nội dung bức thư:


«« Sư thực tính mạng của tiện thiếp đâu có đáng kể, nhưng tiện thiếp đã chịu đựng cho tới ngày nay chỉ vì bào thai vô tội. Đáng Kính gửi Trần tráng sĩ:


« Sự thực hôm qua, sư bà Vạn Đức đã xóa bỏ hơn chục năm tu hành của « tiện thiếp ». Tráng sĩ cho phép tiện thiếp xưng danh như vậy. Sư bà Vạn Đức nói chỉ có cách đó mới cho phép sư bà trông nom tiện thiếp và đứa con vô tội, nếu tiện thiếp thoát nạn nơi án toà. »
lẽ tiện thiếp phải bỏ chùa trốn đi từ tuần trước, nhưng chẳng may đã tính nhầm, nên mới lâm bồn tại xã Vị An.


« Tiện thiếp biên thơ này để tránh cho tráng sĩ vì tiện thiếp mà phải nhơ nhuốc thanh danh. nếu Lương Trinh, em, có can đảm từ giã cõi đời ngay khi lâm nạn, tấm thân bi nhơ nhuốc thì đâu ngày nay gây nên cớ sự? Nhưng xin tráng sĩ hiểu cho. Việc ấy xảy ra khi em mới bước sang mười bảy tuổi đời!


« Đây là đầu đuôi câu chuyện không may cho Lương Trinh.


« Lương Trinh, em, họ Đào, vào ở chùa Vạn Đức trên mười năm rồi, khi em lên bảy. Theo bố mẹ từ miền thượng du về Kẻ Chợ. Khi đi đến quận Song Bái, cách đây chừng hai chục dặm, thì cả đoàn người cùng di và bố mẹ em bị quân thổ phỉ chặn cướp. Tướng thổ phỉ rất hũng hãn, sát hại nhiều ngưòi. Bố mẹ em biết em bơi giỏi, cho nên hai người tin là chỉ có cách đó mới cứu em thoát chết. Nước sông xói chảy, em bị trôi theo dòng nước, sau cùng bám vào được một gốc cây nổi giữa sông, không tài nào ngược dòng tới gần bố mẹ. Chỉ xa xa nhìn thây quân cướp phóng hỏa đốt thuyền. Em bị cuốn theo dòng nước một ngày một đêm, hôm sau, chiều tối giạt vào bến Vị An. Một thuyền chài cứu, đem lên chùa Vạn Đức; sư bà Tọa Tâm thương mến giữ em ở lại chùa, sư bà dạy học. Mới đầu, em không định quy y, tâm niệm sẽ đì nơi khác tìm thầy học võ để trả thù cho bố mẹ. Ở Vạn Đức không có dạy võ nghệ. Em tin là bố mẹ đã tử nạn vì bọn cướp rất dã man.


« Mấy năm học hỏi văn chương giáo lý, em đã quên việc trả thù, cách đây hai năm cắt tóc quy y. Dù còn ít tuổi nhưng sư bà chấp nhận. Cuộc đời cho thế cũng xong, nào ngờ, nào ngờ cách đây chừng một năm, sư bà sai xuống Vị An, có việc thì gặp anh Tôn Thúc Bảo, con trai út của tiên chỉ Tôn Vĩnh Bạt. Anh ta ngỏ lời ghẹo cợt. Lần đầu tiên em nghe nói những câu nói sàm sỡ vô luân. Em cự tuyệt, trách anh ta vô lễ với kẻ tu hành. Không biết sao anh ta biết rõ thân thế em, nói với em gần tìm được tung tích bố mẹ em, hẹn ít ngày nữa sẽ có kết quả.


« Chừng ba bốn chục ngày sau, trên đường xuống Vị An, anh ta dúi cho em một mảnh giấy có ghi hẹn muốn gặp riêng em ngày hôm sau ở góc tây nương chè để cho em biết tin.


« Nếu em cùng mấy bạn đi ra nơi hẹn thì không xảy ra chuyện gì. Em có lỗi nặng, là lén lút một mình đến nơi.


« Góc Tây nương chè, giáp giới khu rừng. Đến nơi, chưa kịp hỏi han, anh Bảo nắm hai tay em, em thẹn thùng tức giận, không tài nào rút tay về. Anh ta kéo em sang khu rừng, ôm chầm em nghẹt thở. Anh ta nói nhiều, nói nhiều lắm, em không còn tai nào nghe hiểu. Thế rồi em hết chống đỡ…


« Thực ra em cũng có tội phải không anh? tại sao lúc đó em không kêu cấp cứu? Nhưng chuyện đã rồi, anh Bảo nói: - Em Trinh, anh thương em từ lâu, từ lâu rồi, ngày đêm tưởng nhớ đến em, không tài nào chịu nổi. Anh và em là số kiếp nặng nợ đường trần. Em không thể nào tiếp tục tu hành. Anh về nói với song thân, để hai người lên nói với sư bà cho phép trở lại trần tục. Hẹn em Trinh ngày mai cùng giờ này, ở đây sẽ cho em biết tin mừng.


« Em biết làm gì hơn là chùi nước mắt ròng ròng, về phật đường tụng kinh sám hối.


« Hôm sau đến nơi hẹn thì anh cùng ông tiên chỉ Tôn Vĩnh Bạt đã chờ trước. Em e ngại thẹn thùng đến trước ông ta, chấp tay chào, thì ông ta nổi trận lôi đình, rút roi đánh em túi bụi. Anh Bảo chạy tới can cũng bị ông ta đánh. Sau cùng nguôi giận ông ta mắng em: - Ni cô là người tu hành, sao lại phạm tội quyến rũ con tôi. Đời thuở nào ni cô đi lấy chồng? Việc này làm đồi bại thuần phong mỹ tục. Tôi không thể nào cho phép. Nếu cô tiết lộ, lập tức tôi sẽ bắt về Vị An xử tội. Tội sư nữ hổ mang, và tội vu khống làm hại thanh danh nhà họ Tôn. Thằng Bảo ngày mai sẽ về Kẻ Chợ, không bao giờ được trở lại nơi đây nữa.


« Em liếc nhìn thấy Bảo còn vết tích trận đòn hôm qua, mặt mày sưng vù. Em cũng thương Bảo. Vội vàng quỳ xuống thề như ông Bạt ra lệnh.


« Xông xuôi ông ta vứt xuống đất mấy lạng vàng nói đấy là số tiền đền…khuyên em phải canh chừng khi nào ông ta ra lệnh thì dùng số vàng ấy bỏ chùa đi nơi khác làm ăn.


« Thì ra ngày nay mới hiểu thâm ý của ông ta. Sở dĩ ông ta muốn giữ em ở lại chùa, chỉ vì sợ em theo anh Bảo; anh Bảo ngày hôm sao đi Kẻ Chợ. Ít lâu sau Vị An loan tin, anh ta đã đỗ kỳ thi võ bị, và đã lấy vợ Kẻ Chợ


« Từ ngày đó chờ mật lệnh ông ta đuổi đi mà không thấy. Thế rồi thực không ngờ, em đã mang thai. Em hết sức giấu giếm, sợ nguy đến tính mạng đứa trẻ trong bụng…sau cùng tự động ra đi thi không ngờ lâm bồn quá sớm.


« Đó là câu chuyện của Lương Trinh, không ngờ sự thể ngày nay lại làm liên lụy đến Trần tráng sĩ.


« Chỉ còn vài giờ nữa, cảnh vệ sẽ lên chùa đưa em về giam ở công quán, nên vội vàng viết thơ này, để tráng sĩ đưa ra hội đồng tộc biểu.
« Nếu Lương Trinh em mệnh hệ nào thì cũng là trừng phạt của Phật, Trời. Chỉ xin tráng sĩ nghĩ cách nào cứu đứa con mà em chưa đặt tên… em không muốn nó mang họ Tôn đâu.


Ngày…tháng…năm


Đào Lương Trinh


Đó là bức thư thứ nhất, còn bức thư thứ hai, của Phong Liên, chỉ có mấy câu:


« Thôn nữ Phong Liên gửi anh Nguyên Thái yêu dấu


« Phong Liên không hối hận đã gủi thơ tỏ tình cùng người yêu. Anh cứ việc mang thơ đó là thơ này trình hội đồng. Em sẽ không sợ thiên hạ dị nghị. Vì tình yêu, em hy sinh tất cả thanh danh của em. Em sẽ làm chứng anh mới đến Vị An, không thể nào có chuyện gì với ni cô Lương Trinh. Đừng ruồng bỏ em. Nếu không…nếu không…thì em đành…


Phong Liên ký tên và tiếp theo ngày tháng.


Nguyên Thái không e sợ bức thư dọa nạt của Phong Liên. Hai tài liệu này nếu đưa ra hội đồng thì chàng vô can với Lương Trinh, nhưng chắc chắn là mắc tội về Phong Liên. Thôi thì cứ như đã định: Tùy cơ ứng biến. Phải nhận rằng, nếu đưa thư của Lương Trinh thì chính Tôn Vĩnh Bạt hiện ngồi ghế chánh án cũng bị liên can. Nhưng phe đảng của Bạt đại đa số ở Vị An sẽ bênh vực Bạt. Việc quan trọng nhất là bảo tồn « thuần phong mỹ tục » Vị An, hay nói cho đúng là bảo tồn thanh danh nhà họ Tôn, bất cứ giá nào.


Quả nhiên, công chúng ào ào đòi kết tội ngay. Nguyên Thái cảm thấy không khí cực kỳ nguy hiểm cho Lương Trinh. Chàng luôn luôn đưa mắt nhìn ni cô và đứa con. Phong Liên thấy thế vô cùng tức bực. Khi hội đồng gọi, Phong Liên khai:


- Trần công tử đến Vị An cách đây hơn năm tháng, đến thuê phòng ở quán Toàn An. Tôi có hỏi công tử đến Vị An lần đầu tiên, hay đã đến trước rồi thì công tử trả lời: « Tôi tưởng đã đến đây nhiều lần…hay ở đây lâu rồi…tôi có tiền duyên nơi này! -


Nguyên Thái giơ tay phản đối:


- Cô nương Phong Liên xuyên tạc lời nói của tôi. Tôi xin nhắc lại toàn vẹn câu nói của tôi, khi cô nương dẫn tôi lên phòng Duyên An: Tôi đang ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời thì Trần cô nương, hỏitôi lần đầu đến Vị An hay đã biết từ lâu rồi. Trước phong cảnh tuyệt vời, tôi trả lời mới đến lần đầu, nhưng tưởng như đã đến từ lâu, thực là như có tiền duyên với nơi này! -


Trần cô nương đã cố tình làm sai ý nghĩa câu nói. Tôi chưa hề đến Vị An trước đây.


Chánh án Tôn Vĩnh Bạt xua tay:


- Thì cũng rứa thôi. Trần công tử ngồi xuống! -


Nguyên Thái bực mình cái ngu dốt cố tình của chánh án. Nhưng chàng cũng tuân lệnh ngồi xuống, và dửng dưng khi nghe lần lượt mấy chục nhân chứng lên khai, ai nấy đều thấy Nguyên Thái cùng ni cô trò chuyện ở Hồng Thạch Trụ. Tuyệt nhiên không ai nói rõ có hiện diện của mấy ni cô khác. Thậm chí có kẻ nói thêm hai người tự tình rất lâu ở sườn núi.


Sau cùng, chánh án Tôn Vĩnh Bạt tuyên bố, chỉ cái nôi:


- Bị can Lương Trinh thì tội quả tang, không cần cho khai gì nữa, mất thì giờ của hội đồng. Nay chỉ hỏi bị can Nguyên Thái có nói gì thêm không? -


Nguyên Thái giận lắm, mình vừa bị gọi là tội phạm, cho tay vào túi áo định rút hai lá thơ…nhưng ngập ngừng..trong khi cả tòa im phăng phắc. Nguyên Thái chỉ nói:


- Thưa hội đồng, tôi đến Vị An với hảo tâm, hảo ý, là muốn cùng quý vị đi đến đường canh tần, chẳng ngờ cảy ra chuyện này mà mọi người cho tôi có liên can! Sự thực tôi đủ bằng chứng để thanh minh, nhưng theo sứ mệnh của hiệp sĩ muôn đời, thôi không có quyền nói ra -
Cử tọa ồn ào bàn tán, trong khi Nguyên Thái ngồi xuống liếc nhìn ni cô và Phong Liên. Phong Liên quay mặt đi, hối hận.


Chánh án họ Tôn quay lại bàn tán với tộc biểu, sau cùng đập bàn tuyên bố:


- Hội đồng tuyên án như sau: Nguyên Thái họ Trần không có liên can đến vụ này. Còn ni cô mắc tội chửa hoang, thì tội càng thêm nặng. -


Hội đồng đành tuyên án nặng nhất. Tội nhân chịu xử giảo, còn đứa con hoang, cũng theo luật làng bỏ nôi trôi sông!


Án vừa tuyên, hai cảnh vệ nắm hai cánh tay Lương Trinh, một tộc biểu mang đến trước mặt nàng một giải lụa trắng, hình như đã sửa soạn trước từ lúc nào rồi, quấn một vòng qua cổ ni cô. Hai tên cảnh vệ cầm hai đầu giải lụa, chờ Tôn Vĩnh Bạt ra lệnh thi thành.


Nguyên Thái không ngờ hội đồng có quyết định dã man nhanh chóng như vậy. Lượng sức không thể cứu được cả nàng cùng đứa con nhỏ bằng võ lực, chàng vội vàng đứng dậy nói to:


- Xin hội đồng hoãn việc thi hành bản án, tôi tuyên bố một điều quan trọng. -


Mọi người yên vị, Nguyên Thái tiếp:


- Tôi rất hiểu dân làng Vị An ta không tàn ác dã man, nhưng tình thế bắt buộc phải tuyên án như vậy để tránh khỏi những tai ương sắp đến…Tôi không dám công kích luật lệ và cuồng tín. Tôi chỉ xin tuyên bố trước hội đồng, tôi là bố đứa bé nằm trong nôi kia. Ngay bây giờ xin hội đồng xét lại, tôi sẽ mang Lương Trinh và con tôi đi nơi khác để cho Vị An được sống an bình hạnh phúc! -


Tôn chánh án mừng rỡ ra mặt, vừa tránh được tội sát nhân, lại vừa cứu được đứa cháu của mình, mà hèn nhát, ích kỷ, không dám nhận ra. Hắn ta tuyên bố:


- Nhờ hồng phúc làng ta, chúng ta đã tìm được gian phu. Gian phu ăn năn hối lỗi, như vậy thuần phong mỹ tục làng ta vẹn toàn. Lương Trinh họ Đào chưa phải là ni cô chính thức. Giáo chức đã cho phép họ Đào xuất giá. Tôi tuyên bố Trần Nguyên Thái và Đào Lương Trinh là vợ chồng cho hợp lệ. Còn đứa con gái chưa đặt tên, hai người đặt tên đi, để vào biên bản…-


Lương Trinh chưa kịp trấn tĩnh, Nguyên Thái trả lời:


- Xin đặt tên nó là « Trần Đào vị An! »


Vài tộc biểu định phản đối, Tôn Vĩnh Bạt xua tay, tiếp tục:


- Đặt tên làng Vị An cũng được. Mừng việc này được giải quyết thanh thỏa, quỹ công thì em hẹp nhưng nhờ trời nhà họ Tôn cũng có chút tiền, vậy tôi xin trích của tư tặng cho cháu Vị An làm hồi môn sau này năm mươi lạng vàng. Và nhân dịp này tôi cúng vào công quỹ một số tiền tương đường. -


Nguyên Thái định khước từ, nhưng vì nói tặng đứa nhỏ, nên lặng thinh.
Dân làng vui mừng đã giải được lời thề của thần hoàng lang, mọi người tỏ vẻ kính phục vĩ nhân của Vị An, tiên chỉ họ Tôn, mà một lần nữa thanh danh rạng tỏ.


Lương Trinh như người mất hồn, không mảy may phản ứng. Nguyên Thái, một tay kéo nàng, một tay xách nôi, ra khỏi công quán. Họ Tôn ra theo dẫn xuống một giang thuyền hội buôn Vĩnh Bạt.


Phong Liên cũng chạy theo, khẽ hỏi, khi gần Nguyên Thái:


- Tại sao? tại sao? -


Nguyên Thái không trả lời, nghiêng mình bái biệt; Phong Liên theo thân phụ về quán Toàn An ngay, vì thời gian đi làm nhân chứng, hiện diện giữa công chúng đã chấm dứt.


Thuyền nhổ neo, xuôi dòng hồi cuối giờ Thân, sau khi Tôn chủ cùng vợ mang số vàng hứa hẹn giao cho Lương Trinh. Lương Trinh không nhận. Bà tiên chỉ xếp vào nôi bé Vị An. Nguyên Thái để mặc mọi người thu xếp, suy tư ở mũi thuyền. Tôn chủ và vợ từ biệt lên bờ sau khi căn dặn thuyền trưởng: đi đâu là theo lệnh Nguyên Thái.


Sau đây là đoạn trích ở Viễn Trình Nhật Ký:


« Thuyền xuôi và thuận gió, đến cuối Dậu đã bỏ Vị An ba bốn dặm. Tôi (Nguyên Thái) mới nhận ra, vì quyết định quá vội vàng để cứu người, để bây giờ mang …nợ. Lương Trinh ngồi yên trong khoang, bế con không nói năng. Mãi tới khi tôi ngỏ ý đưa mẹ con nàng về Kẻ Chợ giao cho Tôn Bảo, thì nàng bừng tỉnh giấc mo, vội vàng phản đối, nói không bao giờ muốn nhìn mặt người đã gây nên tội lỗi! Hỏi dò thuyền trưởng, được biết là Tôn Bảo ra Kẻ Chợ, đậu kỳ thi võ bị, đã lấy con gái một lãnh binh quyền thế. Chưa biết xử trí thế nào, mà nhìn mẹ con Lương Trinh, tôi thấy tình thương đột khởi, có lúc tôi tưởng chính tôi là bố của bé Vị An. Ngắm nhìn Lương Trinh với vóc dáng mảnh mai, với khuôn mặt trái soan trắng xanh, đôi mắt trong xanh, khuôn mặt từ bi, hiền hậu, tôi thấy thực mủi lòng. Nghĩ thầm, tin nhảm, hay là tiền duyên của tôi chăng? Tại sao tôi lại có câu nói linh tính với Phong Liên: « như có tiền duyên tôi ở nơi đây?». Hội đồng Vị An đã tuyên bố Lương Trinh và tôi là vợ chồng…tôi nghĩ rằng nếu Lương Trinh bằng lòng tôi, thì cũng chả sao? Số kiếp, Nguyên Thái tôi lại tin số kiếp? Tại sao? »


« Nghĩ tới Phong Liên, tôi thực có lỗi với nàng. Tại sao không tìm lời từ chối ngay, cứ ngập ngừng không dứt khoát. Tự hưá khi nào về Kẻ Chợ sẽ trả lời nàng trong một bức thư dài, trần tình và xin lỗi .»


« Câu chuyện Lương Trinh đến với tôi bất ngờ, làm tôi mất cả cái tin tưởng tự nhiên của tôi về tính bản thiện của con người. Họ Tôn đã lợi dụng tôi, biết là tôi không đời nào để hắn ta sát hại Lương Trinh và đứa bé. Bố trí để tôi phải tình nguyện gánh vác tội nợ của họ Tôn. Hắn ta không thể thú nhận tội lỗi ấy do con trai hắn ta gây ra…con người xảo quyệt, đạo đức giả ấy thực nguy hiểm. Lương Trinh khôn ngoan giấu giếm. Nếu hắn biết nàng có thai, chắc hẳn nàng đã tử nạn từng mấy tháng rồi.»


« Như có trời thu xếp, thuận gió xuôi dòng, có hơn năm ngày về tới Kẻ Chợ. Lương Trinh và tôi bế Vị An về Trần gia. Lương Trinh y phục thiếu phụ Kẻ Chợ do thuyền trưởng thu xếp. Sức khoẻ đã hồi, trông cũng xinh đẹp, đáng góp mặt mỹ nhân ở Viễn Trình Nhật Ký. Tôi mỉm cười nghĩ thầm. Chỉ có cái khăn vuông nâu non bịt kín trên đầu không tóc, làm tôi không hài lòng.»


« Định tâm, sau khi trình bầy sự thể, nhờ thân mẫu tạm thời trông nom Lương Trinh và Vị An, tôi sẽ ra đi ngay. Nghe tôi kể lại sự việc, thân sinh tôi trầm ngâm suy nghĩ, còn thân mẫu và Bích Hương thực là quảng đại. Bích Hương đòi bế Vị An trong khi song thân vào buồng…Hồi lâu trở ra…thực là bất ngờ: Thân mẫu đến trước Lương Trinh, người nói:


- Trinh, đó là số mệnh, Phật Trời đã xui nên…Vị An đã tuyên bố con và Thái là vợ chồng, ta và tướng công không phản đối, nếu con ưng thuận Thái, thì tạm thời, con bế Vị An vào lạy gia tiên họ Trần -


Lương Trinh nhìn tôi dò ý. Tôi vội quay về phía thân phụ: - Nếu đó là ý kiến của người thì Thái tôi xin tuân. Thân phụ gật đầu…Tôi liền cùng Lương Trinh vào quỳ lạy bàn thờ gia tiên. -


Thân mẫu tuyên bố: « Đây là nghi lễ tạm thời, Lương Trinh vừa sinh Vị An chưa được mười ngày… chừng hai ba tháng nữa sẽ nghi lễ chính thức… Tôi hiểu ý thân mẫu…Hai ngày sau tôi lên đường, từ biệt Lương Trinh, nàng mạnh bạo cầm đôi tay tôi đưa lên môi nàng…nước mắt chan hòa…Tôi không biết nói gì hơn nhắc nàng nghe theo lời thân mẫu về việc chăm sóc Vị An…và thay tôi trông nom song thân.»


Đó là mấy dòng trong Viễn Trình Nhật Ký. Trước khi ra đi, Nguyên Thái có hỏi song thân tại sao quyết định như vậy, Trần phu nhân trả lời:


- Con ơi, có thể đó là mệnh trời. Trong lá số tử vi của con, cung thê, có chuyện như vậy, bây giờ mới hiểu ra. Nếu đúng lá số thì con có nợ kiếp trước với Lương Trinh -


Bà còn nói gì nhiều nữa, nhưng chàng không hề tin tử vi.


Về sau, Nguyên Thái là Lương Trinh có sống với nhau như vợ chồng không? Không thấy dòng nào trong Viễn Trình Nhật Ký nói đến. Để tùy độc giả lượng đoán.
Thương Giang Diễm Sử
thay lời tựa
Chương 1.
Chương 2.
Chương 3.
Chương 4.
Chương 5.
Chương 6.
Chương 7.
Chương 8.
Chương 9.
Chương 10.
Chương 11.
Chương 12.
Chương 13.
Chương 14.
Chương 15.
Chương 16.
Chương 17.
Chương 18.
Chương 19.
Chương 20.
Chương 21.
Chương 22.
Chương 23.
Chương 24.
Chương 25.
Chương 26.
Chương 27.
Chương 28.
Chương 29.
Chương 30.
Chương 31.
Chương 32.
Chương 33.
Chương 34.
Chương 35.
Chương 36.
Chương 37.
Chương 38.
Chương 39.
Chương 40.
Chương 41.
Chương 42.
Chương 43.
Chương 44.
Chương 45.
Chương 46.
Chương 47.
Chương 48.
Chương 49.
Chương 50.
Chương 51.
Chương 52.
Chương 53.
Chương 54.
Chương 55.
Chương 56.
Chương 57.
Chương 58.
Chương 59.
Chương 60.